Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Nghĩa Hòa Đoàn dấy loạn (1)

Nghĩa Hòa Đoàn dấy loạn (1)

- Hồ Bạch Thảo — published 05/07/2014 22:10, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19



Nghĩa Hoà Đoàn dấy loạn
tại Trung Quốc, cùng hậu quả




Chương một

Xã hội bất an cùng sự phát triển
của Nghĩa Hòa Đoàn [1890-1900]


nhd

Đoàn dân Nghĩa Hoà Đoàn





1. Dân sinh kinh tế điêu tàn


Sau khi điều ước Nam Kinh thành lập, các hàng hoá chính nhập khẩu : thứ nhất là thuốc phiện, thứ nhì là lụa sa, vải ; lụa sa, vải vừa đẹp lại giá rẻ, các hàng quyên, vải nội địa không thể cạnh tranh nổi. Từ năm 1860 toàn bộ Trung Quốc khai phóng, số lượng nhập khẩu gia tăng ; nhân nội địa Trung Quốc trồng nha phiến nên nhập khẩu giảm thiểu, riêng sa, vải tăng lên vùn vụt, đứng vào hạng nhất. Từ năm 1890, số lượng sa, vải nhập khẩu mỗi năm lên đến 1 vạn vạn lượng, so với 60 năm về trước gia tăng 80 %. Hiện kim dùng để mua hàng đều lấy từ xuất khẩu lương thực, nhưng lương thực thường không đủ nên nạn đói ra, vùng Hoa Bắc nghèo khổ lại càng nặng nề. Trà, tơ vốn là nguồn xuất khẩu lớn ; từ năm 1880 bị Ấn Độ và Nhật sản xuất nhiều, trà bị cạnh tranh nên trước kia chiếm đến 54 % lượng xuất khẩu lúc này bị giáng xuống chỉ còn 18 % ; riêng tơ cũng bị giảm nhiều.

Trước chiến tranh Giáp Ngọ [1894] với Nhật, ngoại quốc đã lập các xưởng tại cửa khẩu nhưng chưa nhiều ; sau chiến tranh ngoại quốc dành các quyền lợi bao gồm tu tạo thuyền bè, dệt vải lụa, chế điện khí, chế trà, ươm tơ, chế đường, ép dầu, quấn thuốc, làm giấy, chế thuốc vv… khiến cho một số đông người trở nên khốn khó vì bị giành mất kế sinh nhai.

Nạn đói kém do hạn hán, lụt lội ra rất nhiều tại phương bắc. Năm 1877-1878 thiên tai ra tại các tỉnh Sơn Tây, Hà Nam, kể từ mấy trăm năm chưa từng xảy ra lớn như vậy; số người chết vô số kể. Từ năm 1855, sông Hoàng Hà tại phía đông tỉnh Hà Nam bị vỡ ; dòng sông trước kia chảy qua phía bắc tỉnh Giang Tô, đổi sang tỉnh Sơn Đông ; sông mới hẹp nước chảy khó khăn, nên đê thường bị vỡ. Tháng 9/1887, vỡ đê tại Trịnh Châu [Zhengzhou, Hà Nam], nước chảy vào các sông Giả Lỗ, Hoài ; khiến vùng phía đông Hà Nam, phía bắc An Huy bị thiệt hại nặng. Tháng 1/1889, bắt đầu chặn dòng, hậu quả hơn 1 triệu người chết, dùng ngân khoản 1.000 vạn lượng. Cùng năm đó cho đến năm sau, tại tỉnh Sơn Đông lại có thêm hai lần vỡ đê. Từ năm 1892-1898, cơ hồ đê vỡ hàng năm, nhà cửa trôi dạt, người và súc vật chết ; khu vực bị thiên tai riêng tỉnh Sơn Đông có đến 60 châu, huyện ; tỉnh Trực Lệ đến 26 châu, huyện. Vào các năm 1888, 1890, 1892, 1893, 1896, sông Vĩnh Định liên tục bị vỡ đê, chỗ bị vỡ từ 10 trượng đến hơn 100 trượng ; khu vực bị thiên tai tại tỉnh Trực Lệ lên đến 26 châu, huyện. Năm 1899, tại các tỉnh Trực Lệ, Sơn Đông, Sơn Tây, cùng phía bắc Giang Tô bị hạn hán lâu, thực phẩm thiếu thốn, khiến người nghèo phải đem con đi bán.

Nạn chính phủ vơ vét là nguyên nhân thứ ba khiến nhân dân chịu thống khổ. Chính phủ phải vơ vét do chi tiêu gia tăng, nguồn tài chính kiệt quệ. Tài chính kiệt quệ do bởi liền năm chiến loạn, cung đình tiêu xài nhiều, chẩn tế cho các thiên tai, nhu cầu bởi chính sách đổi mới, và quan trọng nhất là tiền bồi thường cho nước ngoài. Từ năm 1895 trở về trước, mỗi năm phải trả nợ và tiền lời khoảng 3,4 trăm vạn lượng, còn có thể gắng sức gánh vác được. Sau chiến tranh Giáp Ngọ [1894] tiền vay về chi phí chiến tranh khoảng 1.200 vạn lượng ; tiền bồi thường cho Nhật khoảng 2.600 vạn lượng ; tất cả đều phải vay, mỗi năm phải trả 2 ngàn 3,4 trăm vạn lượng, ắt phải trù xuất. Do vậy phải khấu trừ tiền dưỡng liêm, tăng thuế ly kim, thuế ruộng ; tăng các sắc thuế về gạo, trà, muối, đường, thuốc phiện, thuốc lá, rượu và quyên thu các thương gia, nhưng cũng không đủ. Năm 1898, phát hành Chiêu tín cổ phiếu, 10.000 vạn lượng ; bằng mọi cách áp lực dân phải mua, nhưng chỉ thâu được không quá 1000 vạn lượng. Căn cứ báo cáo của bộ Hộ mỗi năm tiền trả nợ ngoại quốc, tiền quân vụ, dương vụ [cải cách thuyền binh], tiền tiêu của trung ương và địa phương, tổng cộng gần 10.000 vạn lượng, tiền thu nhập hơn 8.000 vạn lượng, số tiền thiếu hụt khoảng một ngàn mấy trăm vạn lượng. Chiếu mệnh tra hạch thêm quan thuế, thuế ly kim, thuế muối ; hẹn trong một tháng phải thu xếp xong, đốc thúc gấp rút như lửa cháy !



2. Lòng người phẫn uất và các vụ án về tôn giáo lại ra


Thiên tai và nhân họa là hai yếu tố ảnh hưởng đến sự sống còn của người dân, nhưng nhân họa là tối quan trọng. Cái gọi là nhân họa, thứ nhất do quan bắt đóng thuế nặng ; thứ hai do người Tây phương hà hiếp, cạnh tranh hàng hóa, cướp công ăn việc làm, rồi đến tiền bồi thường ngoại quốc gây nên thuế khoá nặng. Do mối oán kết tập bởi người Tây dương, nên việc làm của các nhà truyền giáo, càng gây giận dữ trực tiếp đến người dân. Phần lớn do bởi các thân sĩ mê hoặc sách động, những người bình dân dấy lên hưởng ứng theo ; coi người Tây phương là mối họa chính, quét sạch Tây phương thiên hạ sẽ thái bình ; trong hoàn cảnh này, giáo sĩ và giáo dân là mối xung đột trực tiếp.

Sau khi vụ án về tôn giáo tại Thiên Tân giải quyết xong, vào thập niên 1870 vẫn còn các vụ xung đột xảy ra tại Tứ Xuyên, An Huy, Phúc Kiến. Vào năm 1885, giáo dân tại Trùng Khánh gây hấn với các thí sinh, số thí sinh tử thương 30 người, dân chúng nổi giận đốt giáo đường, Trung Quốc phải bồi thường 20 vạn lượng. Năm 1890, Dư Đống Thần, tại Đại Túc [Dazu, Trùng Khánh] phía đông Tứ Xuyên, lãnh đạo đánh phá giáo đồ, phần lớn thành phần tham gia thuộc Ca Lão hội, hương đoàn ; hài tội rằng 30 năm ròng Tây dương khinh rẻ Trung Quốc, giáo sĩ truyền giáo không tuân pháp luật.

Thanh thế của Ca Lão hội tăng trưởng bắt đầu vào năm 70 thế kỷ 19. Phần đông Tương quân thuộc Ca Lão hội 1 “ mười vạn quân Sở, không ai không kết lời thề làm anh em ”. Sau khi bình định xong loạn Thái Bình Thiên Quốc và Niệm, Tương quân giải tán ; tại Giang Tô, Chiết Giang không dưới 10 vạn quân phải giải ngũ trở về quê quán, nhưng số này không chịu xắn tay áo trở về với nghề nông. Sau đó từ Thiểm Tây, Cam Túc trở về, có đến hàng vạn, phần lớn những số này gia nhập Ca Lão hội. Việc quân sự tại Tứ Xuyên, Vân Nam kết thúc, số quân bị triệt bỏ hàng chục vạn, cũng phần lớn trở thành Ca Lão hội. Quân giải ngũ tại Hồ Bắc, An Huy, Giang Tây cũng bắt chước theo, không có huyện nào không có người theo Ca Lão hội, với lời hiệu triệu “ đánh bọn giàu có, giúp người nghèo khổ ”. Lúc Dư Đống Thần mới nổi lên, Ca Lão hội tại các tỉnh khác như Giang Tây, An Huy, Hồ Nam chưa tham gia các vụ án về tôn giáo ; nhưng đến năm 1891 trở về sau tại Hồ Bắc, An Huy, Giang Tô, Giang Tây, cùng Sơn Đông, giáo án bắt đầu phát sinh, hầu như tất cả đều do Ca Lão hội chủ mưu. Người cầm đầu đánh Tây giáo là Lý Hồng. Lý Hồng là con trai viên Đề đốc Giang Nam, Lý Thế Trung, bị xử tử ; với danh nghĩa báo thù cho cha, liên kết với Ca Lão hội đốt phá giáo đường. Cùng năm, các cuộc phản loạn phát sinh tại Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu ; tại Nhiệt Hà [Chengde, Trực Lệ] có Kim Đan giáo [chi phái Bạch Liên giáo] có đến mấy vạn, đánh phá các thành Triều Dương, Bình Tuyền, Xích Phong ; đốt phá giáo đường, lan rộng đến tỉnh Cát Lâm. Công sứ các nước đồng thanh đe doạ liên hợp hành động, cuối cùng triều đình phải cách chức, trừng trị phạm nhân, bồi thường, phủ tuất vv.. ngân khoản đều do địa phương phải gánh vác. Chu Hán, Đạo viên hậu bổ, người đất Hồ Nam vốn ghét các đạo Tây phương, bèn soạn văn, ca dao, họa đồ để ấn hành truyền bá. Năm 1893 triều đình ban chiếu tra cấm, cách chức quản thúc; nhưng việc chống giáo tại Lưỡng Hồ vẫn y nhiên không dừng.

Sau năm 1895, khí thế của Giáo sĩ, giáo dân càng cao ; dân, giáo tranh đấu càng quyết liệt, thái độ của liệt cường lại càng thêm hoành hành. Vào năm này, trước tiên giáo đường tại Thành Đô [Chengdu] tỉnh Tứ Xuyên bị hủy, tiếp đến giáo đường Anh tại Cổ Điền [Gutian] tỉnh Phúc Kiến bị phá. Sứ thần Đức, nhân giáo sĩ nước này bị đuổi tại Duyện Châu [Yanzhou] tỉnh Sơn Đông, bèn dùng nhiều lời hăm dọa Tổng thự ; năm 1896 tại giao giới hai tỉnh Sơn Đông, Giang Tô lại có nhiều giáo đường bị hủy. Ngoài ra có những vụ không liên quan đến tôn giáo, đã xảy ra tại các tỉnh Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam, Hà Nam từ năm 1892-1894. Hồi loạn vào năm 1895 tại Cam Túc kéo dài ra đến Tây Ninh [Xining, Thanh Hải], Hà Châu [Hezhou, Cam Túc] ; Đầu mục không chỉ một người, đám đông đến mấy vạn, kéo dài đến 1 năm 7 tháng mới dập tắt ; Thiên Địa hội tại Quảng Đông, Quảng Tây cũng rầm rộ cử sự.

Từ năm 1898-1899 liệt cường tại Hoa tranh đoạt hết sức mãnh liệt, thì sự động loạn trong nước cũng hết sức nghiêm trọng ; xảy ra suốt các tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, Hà Nam, An Huy, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông ; nhưng Tứ Xuyên, Quảng Tây, Trực Lệ và Sơn Đông nặng nhất. Tại Tứ Xuyên vẫn do Dư Đống Thần lãnh đạo, lại tái khởi sự vào năm 1898, hịch văn bao gồm xã hội, kinh tế, lễ giáo, lãnh thổ ; chỉ trích Tây dương với các tội trạng như : “ Thuyền bè Tây dương thông thương tại biển, Gia Tô truyền đạo, chiếm đoạt sinh kế làm ruộng, nuôi tằm ; phế luân thường đạo vua tôi, dùng nha phiến độc hại trung thổ, lấy dâm xảo khuynh loát lòng người. Mê hoặc nhân dân ta, khinh mạn triều đình, nắm quan phủ, chiếm nơi đô hội, lừa xảo lấy tiền bạc, coi tính mệnh trẻ em rẻ như quả dưa, nợ đòi nặng như gò núi. Đốt Hoàng cung, diệt thuộc quốc của ta. Đã chiếm Thượng Hải, lại cắt Đài Loan, lập cảng tại Giao Châu [Jiaozhou bay, Sơn Đông], đất nước muốn cắt ra từng mảnh. Từ xưa đến nay, Di Địch hoành hành, chưa hề xảy ra như ngày hôm nay ”. Lại bảo rằng chỉ đánh dẹp Tây dương, không quấy nhiễu địa phương ; hứa rằng một khi công việc hoàn thành không phải trả nợ cho Nhật Bản, không phải mua Chiêu tín cổ phiếu.

Đồ đảng của Dư Đống Thần ước 1 vạn người, trực tiếp quấy nhiễu hơn 10 châu thuộc phía đông tỉnh Tứ Xuyên ; gián tiếp ảnh hưởng hơn 30 châu. Hội Giang Hồ, một chi nhánh cùa Ca Lão hội, tại phía tây tỉnh Hồ Bắc cũng dùng cờ xí của Dư Đống Thần để hoạt động, làm chấn động cả vùng Nghi Xương (Yichang, Hồ Bắc) và phía tây tỉnh Hồ Nam. Bạch Liên giáo tại An Huy, dấy lên từ năm 1899, số người theo hơn 2 vạn người. Thiên Địa hội tại Quảng Tây, năm 1898 chiếm luôn mấy thành, quấy nhiễu lan ra đến tỉnh Quảng Đông. Một viên ngự sử nói bọn chúng là đảng của Tôn Văn, súng ống đạn dược do Tôn tiếp tế. Có người cho rằng nếu như chúng vào được Hồ Nam, rồi thuận theo sông Trường Giang xuôi phía đông, thì sẽ làm một Hồng Tú Toàn thứ hai. Triều đình nhà Thanh mệnh Tổng đốc Lưỡng Quảng điều tra tông tích Tôn Văn, cảnh giới dọc theo bờ sông, bờ biển ; đây là một sự hoang mang vô cớ, thực ra Tôn Văn không quan hệ với mối loạn tại Quảng Đông.

Cuộc vận động phản giáo, diệt Dương của Dư Đống Thần, xét về tính chất lúc khởi đầu giống như Nghĩa Hoà Đoàn tại miền đông bắc. Nhưng vùng Tứ Xuyên chỉ có Trùng Khánh là cửa khẩu thông thương, thuyền máy ngược dòng Trường Giang vận chuyển khó khăn, nên người dân Tứ Xuyên bị Tây dương xâm hại không quá lớn ; huống hồ Tứ Xuyên nhiều núi bao quanh, liên lạc với bên ngoài không dễ, nên ảnh hưởng của Dư Đống Thần chỉ hạn chế trong một vùng. Riêng Nghĩa Hoà đoàn khởi sự tại đông bắc thì tình thế khác hẳn, cuối cùng tạo thành biến cố to lớn chưa từng thấy tại Trung Quốc.



3. Nghĩa Hòa đoàn tại các tỉnh Sơn Đông, Trực Lệ



Dân tỉnh Sơn Đông vốn cương cường, được ca tụng là “ Sơn Đông hảo hán ”, có tinh thần phản kháng của Bạch Liên Giáo suốt từ thành thị đến thôn quê ; rất nhiều tiểu thuyết võ hiệp lấy Sơn Đông làm bối cảnh. Ngoài ra dân cư trù mật, sinh kế khó khăn, không khỏi có cảnh dân chúng tụ tập gây chuyện, vào thập niên 1860 như đàn ong dấy lên. Do bởi khai bến cảng tại Yên Đài [Yantai], hàng Tây dương du nhập cạnh tranh ; sông Hoàng Hà lụt lội, tỉnh Sơn Đông bị hoạ nặng nhất. Sơn Đông là khu vực Thiên Chúa giáo hoạt động sớm nhất, giáo dân toàn tỉnh khoảng 8 vạn người, phần lớn tại phía tây Sơn Đông, ven hai bên bờ Vận Hà. Vào năm 1888 nước Đức nắm quyền bảo hộ tôn giáo tại Sơn Đông, giáo sĩ càng hoành hành, cưỡng chiếm đất đai, bao che án kiện, bênh vực bọn xấu, tự tiện thu thuế, đầu cơ tích trữ ; nhân dân trong cảnh nằm trên dao thớt, các quan phủ cũng bị hiếp chế.

Năm 1895 quân Nhật đánh Uy Hải Vệ [Weihaiwei], chiếm cứ trong 3 năm, dày xéo các vùng Đăng Châu [Dengzhou], Lai Châu [Laizhou]. Năm 1897, Giao Châu Loan cùng các thành trì phụ cận bị người Đức chiếm cứ. Năm 1898, người Nhật đi, người Anh lại đến ; 2 cảng nam bắc Sơn Đông đều do ngoại quốc chiếm. Thế lực người Đức xâm nhập vào trong ruột, xây đường, khai mỏ khoáng ; giáo sĩ, giáo dân vu hãm những người chống đạo Tây dương, cho là đảng phỉ, doạ dùng vũ lực. Từ năm 1898 đến 1899, tại phía nam Sơn Đông phát sinh những vụ án về tôn giáo, cùng người Đức bị đánh ; quân Đức xâm lược thôn trang, lạm dụng giết chóc, lại đòi bồi thường. Năm 1899, phía người Anh có giáo án tại Phì Thành, cũng đòi bồi thường, chiếm đất.

Phản giáo hoặc phản Tây dương hình thành được một cuộc vận động, phải nhờ một tổ chức nòng cốt. Lực lượng phản giáo của Dư Đống Thần tại Tứ Xuyên dựa vào hương đoàn. Hương đoàn vốn được lập ra để bảo vệ dân, tại Sơn Đông hương đoàn và Bạch Liên giáo không đối lập. Sau khi giáo án được dẹp yên, trị an tại địa phương dựa vào hương đoàn, phần tử Bạch Liên giáo trở về làng xóm lại chui vào hương đoàn. Chỉ huy hương đoàn là những thân sĩ, những người này ghét giáo sĩ giáo đồ ; tín ngưỡng của Bạch Liên giáo cũng không dung tôn giáo Tây dương ; nên lập trường hai bên dần dần nhất trí. Bạch Liên Giáo nguyên thờ Phật Di Lặc làm chủ tể, sau đó hấp nhiễm đạo giáo cùng các thứ mê tín khác ; có nhiều chi phái, nhưng thế lực của Bát Quái giáo mạnh nhất ; giáo này chia làm các nhánh như Kim Đan, Hồng Đăng, Thiên Lý, thành viên chủ yếu là nông dân tại nhà quê. Bát Quái giáo luyện Nghĩa Hoà quyền, còn có tên là Mai Hoa quyền ; tự xưng rằng khi múa quyền, miệng đọc thần chú, khiến gươm đao không phạm, súng đạn không sát thương.

Lúc đầu Nghĩa Hoà quyền lưu hành tại vùng ven bờ Vận Hà, là nơi giáo đồ tụ tập, nên gây ra sự tranh chấp. Lý Bỉnh Hoành nhậm chức Tuần phủ Sơn Đông [1895-1897], coi Nghĩa Hoà quyền là nghĩa dân, nên số người theo càng đông, có các tên riêng như Đại Đao hội, Hồng Đăng Chiếu, tự cho là “ có thể tránh pháo súng… hưng đại Thanh, diệt Dương giáo ”. Lúc đầu Đại Đao hội chủ trương dẹp thổ phỉ địa phương, giúp duy trì trị an, nên được quan lại địa phương âm thầm chấp nhận. Nhưng sau đó có sự xung đột giữa dân và giáo, Đại Đao hội bắt đầu phản đối Thiên Chúa giáo, cướp tài sản giáo dân, thiêu đốt nhiều nhà cửa. Dưới áp lực của các công sứ Đức, Pháp ; Lý Bỉnh Hoành quyết định đàn áp, tháng 7/1896 đem 2 đầu đảng Đại Đao hội là Lưu Sĩ Thuỵ, Tào Đắc Lễ ra xử tử, khiến Đại Đao hội không còn công khai hoạt động.

Nhưng sự yên lặng chỉ là bề ngoài, ngày 1/11/1897 xảy ra vụ giáo án tại huyện Cự Dã, phủ Tào Châu [Juye, Sơn Đông] ; hai Giáo sĩ Thiên Chúa giáo đang đêm bị giết tại giáo đường, thủ phạm lai lịch không rõ. Người Đức mượn cớ gây hấn, mang quân chiếm Giao Châu loan sau đó, riêng Tuần phủ Lý Bỉnh Hoành bị nhà Thanh đem ra xét xử, nhưng vì làm quan thanh liêm nên dân bất bình khi bị mất chức. Tại huyện Bắc Quan phía tây tỉnh Sơn Đông giáo và dân tranh chấp từ lâu, rồi đến năm 1898-1899 lây ra đến hàng chục châu huyện khác, danh tiếng Nghĩa Hoà quyền nổi lên. Phản giáo tại đông nam tỉnh Sơn Đông lại nổi lên như ong, riêng xứ Cân Châu xảy ra mấy chục vụ. Nghĩa Hoà quyền tham gia ngăn cản người Đức xây đường tại phía đông tỉnh Sơn Đông, triều đình nhà Thanh ra lệnh điều tra ; tuần phủ Sơn Đông Trương Nhữ Mai làm công việc “ bịt tai ăn trộm chuông ”, đem Nghĩa Hoà quyền gia nhập vào hương đoàn, gọi là “ Nghĩa Hoà đoàn ”, vô hình trung hợp pháp hoá lực lượng này.

Mùa xuân năm 1899, Dục Hiền, một viên quan tàn bạo ngu dốt đến trấn nhậm Tuần phủ Sơn Đông tin rằng Nghĩa Hoà quyền có nhiều thần lực, dùng để chống Tây dương ắt đại thắng. Do đó khí thế Nghĩa Hoà đoàn dấy lên, đến nơi thì giết giáo dân, phá giáo đường ; treo cờ màu đỏ vàng với hàng chữ “ Thần lực Nghĩa Hoà đoàn, quét sạch giáo, diệt Dương ” ; Dục Hiền cho rằng ai chống lại giáo sĩ, giáo dân là lương dân. Vào tháng 9, tháng 10, Nghĩa Hoà đoàn chống lại quan quân, bị Viên Thế Khải đánh bại.

Phía nam tỉnh Trực Lệ giáp giới Sơn Đông, vào năm 1898 Nghĩa Hoà đoàn ra vào bất thường. Đến tháng 12 năm sau, Viên Thế Khải giữ chức Tuần phủ Sơn Đông dùng sách lược “ rút củi làm nguội bếp ”, xui bỏ đạo, chống đạo, để giảm thiểu sự quấy nhiễu của Nghĩa Hoà đoàn, một mặt dùng vũ lực tiễu trừ, đánh tan tổ chức Nghĩa Hoà đoàn. Việc ra lệnh bỏ đạo, chống đạo bị lãnh sự Mỹ tại Yên Đài phản đối nên nửa chừng phải bỏ, chỉ thi hành triệt để cấm đoán Nghĩa Hoà đoàn với các biện pháp như : địa phương có xưởng luyện tập Nghĩa Hoà quyền, bất luận nhiều hay ít các quan đều bị trị tội, có kẻ bị xử tử ; những nơi cho mở xưởng tài sản bị sung công, người theo và tập bị giết không tha. Quan dân gặp Nghĩa Hoà đoàn đều đánh đuổi, chỉ cầu cho nơi mình ở vô sự, không cần biết chúng chạy đi đâu.

Qua việc trấn áp của Viên Thế Khải, Nghĩa Hoà đoàn chạy lên phía bắc ; dọc đường phát tán yết thị “ Đạo Thiên Chúa và nhà thờ Gia Tô huỷ bang thần thánh, trên thì lừa vua tôi Trung Hoa, dưới thì áp bức nhân dân, thần và dân đều giận… Bọn ta luyện tập được Nghĩa Hoà thần quyền, sẽ bảo hộ trung nguyên, xua đuổi giặc Tây dương ”. Bắc Kinh là nơi Công sứ ngoại quốc trú đóng, vua tôi Trung Quốc trực tiếp chịu sự khinh nhờn của ngoại quốc ; Thiên Tân là chốn tập trung của người Tây dương, dân Trung Hoa thường bị đàn áp ; cả hai nơi là mục tiêu chính của Nghĩa Hoà đoàn.

Ngoài ra lúc này phía bắc tỉnh Hà Bắc hạn hán, dân bị tai dịch chết nhiều, Nghĩa Hoà đoàn thừa cơ tuyên truyền rằng tai dịch do giáo sĩ, giáo dân không chịu kính trời. Tổng đốc Trực Lệ, Dụ Lộc, đóng tại Thiên Tân thì tầm thường khiếp nhược ; Đình Ung, Án sát trú tại Bảo Định [Baoding] có ý che chở ; Nghĩa Hoà đoàn bèn từ phía nam tiến vào miền trung tỉnh Hà Bắc, chia làm hai hướng. Hướng đến Thiên Tân hội họp với Nghĩa Hoà đoàn tại các địa phương như huyện Tĩnh Hải [Jinghai, Thiên Tân], Vĩnh Thanh [Yongqing, Thiên Tân]. Hướng từ Bảo Định, đến tháng 5/1900 qua các huyện Lai Thuỷ [Laishui], Trác Châu [Zhuozhou], rồi đến vùng ngoại ô Bắc Kinh như Trường Tân Điếm [Changxindian], Phong Đài [Fengtai], ra tay giết các giáo sĩ, giáo dân, đốt giáo đường, cùng chống lại quan binh.



4. Từ Hy Thái hậu buông che cho Nghĩa Hoà đoàn



Nghĩa Hoà đoàn có thể tồn tại được tại tỉnh Sơn Đông, rồi thừa dịp khuếch trương, là do trong vòng 5 năm các Tuần phủ có ý che chở, chìa khoá do bởi thái độ của Từ Hy Thái hậu. Nguyên nhân trong vòng hơn một năm nay, người ngoại quốc đồng tình với việc biến pháp, chống việc truất phế Quang Tự, ra mặt đối lập với Từ Hy. Năm 1899, các nước liên tục bạo hành, ngoại việc quân Đức tại Sơn Đông, có quân Nga vây khốn Kim Châu [Jinzhou] bán đảo Liêu Ninh, người Anh xua đuổi quan quân tại Cửu Long [Kowloon, Hương Cảng], Pháp cưỡng chiếm hai đảo tại Quảng Châu Loan [Quảng Đông] ; mọi việc đều gia tăng lòng ghét giận ngoại quốc của bà.

Lập trường của Nghĩa Hoà đoàn với hy vọng của Từ Hy không hoàn toàn phù hợp ; tuy nhiên lòng ghét hận Tây dương và phản giáo thì cả hai tương thông. Biện pháp Từ Hy ứng phó lúc ban đầu, hầu như theo chính sách hai mặt : vừa mới ban lệnh ràng buộc, tiếp lại xuống chiếu buông thả. Tháng 11 năm 1898, vừa mới ra lệnh đàn áp Nghĩa Hoà đoàn, kế đó lại xuống chiếu khuyến khích tỉnh Sơn Đông mạnh mẽ tổ chức bảo giáp đoàn luyện để phòng lúc hoãn cấp. Tháng 4 năm 1899, mật dụ Tuần phủ Dục Hiền đối với giáo án không phải vụ nào cũng nhượng bộ ; trong các tháng 5, 6 ban dụ các tỉnh lưu ý luyện tập đoàn luyện. Qua các chiếu chỉ, thấy ý Từ Hy che chở Nghĩa Hoà đoàn nhiều hơn là cấm chỉ.

Công sứ các nước rất chú ý đến việc phát triển Nghĩa Hoà đoàn tại Sơn Đông. Các tháng 11, 12/1899 Công sứ Mỹ E. W. Conger [Khang Khách] liên tiếp yêu cầu có hành động bảo hộ người ngoại quốc tại tỉnh này, cuối cùng yêu cầu triệt chức Tuần phủ Dục Hiền, điều quân tinh nhuệ tại Thiên Tân đến giúp ; do vậy Viên Thế Khải được thay thế viên Tuần phủ này. Từ Hy tuy sợ ngoại quốc, nhưng cũng muốn lợi dụng Nghĩa Hoà đoàn, hai ba lần dụ Viên Thế Khải không được làm mạnh “ Nếu liệu biện không tốt, gây tao động trong nội bộ, thì cứ đem Viên Thế Khải ra hỏi ”. Trước đó, anh Khải là Vương Thế Đôn làm quan coi doanh tại phía bắc Sơn Đông, nhân việc đánh bắt giặc nên bị hài tội cách chức về quê, đủ để cảnh cáo Viên Thế Khải. Đối với việc dân ngăn cản người Đức xây đường cũng không được dùng binh, với lý do “ khiến mất bản ý đoàn kết quốc gia ”.

Dục Hiền đến kinh đô cực lực đề cao Nghĩa Hoà đoàn trung nghĩa có thể dựa được ; Từ Hy triệu kiến thưởng cho chữ “ Phúc ” đích thân viết, và trao chức Tuần phủ Sơn Tây. Ngoài ra quan quân thuộc Hổ Thần doanh của Tái Ỷ cũng được tưởng thưởng ; tên của đạo quân này, chữ “ Thần ” trái với “ Quỷ ”, chữ “ Hổ ” trái với “ Dương ” 2, ý chỉ quân Hổ Thần doanh có thể diệt quỷ Tây dương. Tháng 2/1900, nhân Nghĩa Hoà đoàn tiến lên phía bắc, công sứ các nước yêu cầu ban chiếu chỉ tiêu trừ gấp ; Từ Hy không thể dừng được, ngày 19 bèn ban chiếu chỉ cho Tổng đốc Trực Lệ, Tuần phủ Sơn Đông cấm chỉ “ tư lập hội doanh, quấy nhiễu gây chuyện… nếu cố chấp không tỉnh ngộ, sẽ bị trừng trị nặng ”. Nhưng khi các Sứ thần yêu cầu công bố chiếu thư này thì bị cự ; họ hiểu rằng tình hình đã đến lúc nghiêm trọng, bèn điện về nước xin thêm quân, một mặt tập trung chiến hạm tại cửa biển tỉnh Trực Lệ để thị uy và giao hẹn với Tổng thự trong 2 tháng phải dẹp xong Nghĩa Hoà đoàn, nếu không liên quân các nước sẽ làm thay. Tuy rằng sau đó đã cho công bố chỉ dụ nêu trên, nhưng lại ban dụ cho tỉnh Trực Lệ có ý che chở cho Nghĩa Hoà đoàn với lời như sau “ Nghĩa Hoà đoàn từ tỉnh khác đến nơi gây sự mê hoặc… cần mở đường dẫn dắt, chỉ hỏi có cướp hay không, chứ không trị tội thuộc hội này hội kia. Viên Tồng đốc Dụ Lộc cần nghiêm sức các quan lại xét theo tình lý nên làm, triều đình không thể chế ngự từ xa ”. Một mặt giao cho Dụ Lộc tự ý hoành hành, người tâm phúc của Từ Hy là Tiết chế vũ vệ Vinh Lộc cũng chỉ chần chừ nhìn ngó không có hành động gì thiết thực.

(còn một phần nữa)

Hồ Bạch Thảo





1  Ca Lão hội : còn gọi là Quốc Lỗ, ý chỉ “ kết bái huynh đệ ”, là hội trong dân gian, thịnh hành vào cuối Thanh, đầu Dân Quốc tại vùng Tứ Xuyên, Lưỡng Hồ. Thanh Sử Cảo chép “ Bọn vô lại đất Thục, thích tập quyền, bổng ; ưa uống rượu đánh bạc, thậm chí cướp giết, hiệu là Quốc Lỗ tử.”

2  Dương : chữ “ dương  tức con dê, tại ám chỉ Tây Dương “ dương  

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss