Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Nghiên cứu Việt Nam của Pháp

Nghiên cứu Việt Nam của Pháp

- Việt Anh — published 18/10/2015 13:05, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Một góc nhìn từ tư liệu Hán Nôm

Nghiên cứu Việt Nam của Pháp:
Một góc nhìn từ tư liệu Hán Nôm


Việt Anh



Tóm tắt: Là quốc gia phương Tây đầu tiên áp đặt thiết chế hành chính của mình tại Việt Nam, nước Pháp cũng là quốc gia phương Tây đầu tiên thành lập cơ quan khảo cứu khoa học về Việt Nam. Trong lịch sử hơn 100 năm Việt Nam học của Pháp, khai thác tư liệu Hán Nôm Việt Nam là một hướng tiếp cận trong nghiên cứu đa ngành của người Pháp về văn hóa Việt Nam. Bài viết là một góc nhìn về vị trí của tư liệu Hán Nôm trong toàn cảnh nghiên cứu khoa học nhân văn và xã hội của Pháp về Việt Nam. Bài viết gồm ba phần cơ bản:

BEFEO (Tập san Viện Viễn đông Bác cổ) và các khởi nguồn nghiên cứu Việt Nam của Pháp;

Nhà nghiên cứu, Tư liệu nghiên cứu và Cơ sở nghiên cứu: Tính độc lập và tương tác của tư liệu Hán Nôm trong nghiên cứu Việt Nam học;

Tư liệu Hán Nôm trong Văn khố hải ngoại: khai thác một nguồn tư liệu cũ nhiều triển vọng.


Từ khóa: ANOM, nghiên cứu Việt Nam, tư liệu Hán-Nôm, Văn khố hải ngoại, Việt Nam học.



BEFEO và các khởi nguồn nghiên cứu Việt Nam của Pháp


Được thành lập năm 1898 tại Sài Gòn dưới danh nghĩa gốc của Phái bộ Khảo cổ Đông Dương và chính thức hiện diện tại Việt Nam năm 1900 với danh nghĩa độc lập, chọn nơi định cư tại Hà Nội (thuộc Bắc kỳ đương thời) năm 1902, École française d'Extrême-Orient (Học viện Viễn đông Bác cổ, viết tắt EFEO) là địa chỉ đầu tiên và luôn luôn được coi là trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của Pháp về các quốc gia trên bán đảo Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Kết quả khảo cứu của EFEO về các phần lãnh thổ nguyên là thuộc địa miền Viễn Đông của Pháp là ấn phẩm khoa học bằng Pháp văn mang tên Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient (Tập san Viện Viễn Đông Bác cổ, viết tắt BEFEO) ra mắt lần đầu tiên năm 1901 và hoạt động cho đến nay. Trong khoảng thời gian 1901-2006, Tập san đã xuất bản 109 số gồm 3.556 bài nghiên cứu về nhiều phương diện văn hóa bản địa. Bài đầu tiên hoàn toàn sử dụng tư liệu Hán Nôm làm cơ sở nghiên cứu là công trình được đăng tải nhiều kỳ do người thực hiện chính là Raymond Deloustal, viên chức Sở Tư pháp Đông Dương, sau là thành viên của EFEO. Đó là bài La justice dans l’Ancien Annam [Nền tư pháp ở An Nam xưa] gồm bản dịch và bình luận phần Lê triều hình luật – một diện mạo của luật Hồng Đức – đã được Phan Huy Chú đưa vào bộ Lịch triều hiến chương loại chí (thế kỷ XIX). Kỳ thứ nhất của khảo cứu này được ra mắt giới chuyên môn trong số 1-2 của tập 8 (năm 1908) và các kỳ tiếp theo vào năm 1909, 1910, 1911, 1912, 1913, cả thảy 9 số trên BEFEO. Cùng chủ đề pháp luật Việt Nam thời quân chủ, một bài khác của cùng tác giả nói trên mang tên La justice dans l’Ancien. Code de procédure dịch và bình luận phần Khám tụng điều lệ được công bố trong số 4 của tập 19 (năm 1919).

Cùng trong thập niên đầu tiên hoạt động tại Hà Nội, liên quan đến tư liệu Hán Nôm, trên BEFEO số 5 của tập 14 (năm 1914) có bài Deux oraisons funèbres en annamite [Hai bài điếu văn bằng tiếng nước Nam] do Phạm Quỳnh công bố và chuyển dịch sang Pháp ngữ, với sự cộng tác của một nhà nho tên Chuẩn làm việc tại Thư viện EFEO. Đây là những bản dịch Pháp văn hai lời ai điếu Nôm, một là Văn tế tướng sĩ trận vong do Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành đọc trong lễ tưởng niệm ở Hà Nội dành cho binh sĩ bỏ mình trong quá trình lập nghiệp của Hoàng đế Gia Long, một là Văn tế Phò mã Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ Thượng thư Ngô Tòng Châu được đọc trong lễ truy điệu hai vị công thần của Nguyễn Ánh, hy sinh ở thành Bình Định trong chiến trận chống quân Tây Sơn vào tháng 5 âm lịch năm 1801. Một vài nghiên cứu khác liên quan tới Hán học Việt Nam được Henri Maspéro, nhà Hán học lỗi lạc, Giáo sư của EFEO, giới thiệu trong Etude d’histoire d’Annam [Khảo luận sử nước Nam] số 1 của tập 16 (năm 1916) và số 3 của tập 18 (năm 1918), trong Quelques mots annamites d’origine chinoise [Một số từ tiếng Việt gốc Hán] số 3 của tập 16 (năm 1916).

Một sự kiện đáng chú ý là chương trình sưu tập có quy mô đáng kể do Viễn đông Bác cổ thực hiện từ năm 1911 tới 1940 để quy tụ và lưu trữ những thác bản văn khắc có giá trị trên lãnh thổ ba kỳ của Việt Nam trong đó có văn khắc Hán Nôm. Linh mục Léopold Michel Cadière (1869-1955) – nhà Việt Nam học lỗi lạc người Pháp – là người có đóng góp lớn tới chương trình này. Trần Hàm Tấn (1887-1957), một trí thức nho học, với vị trí chưởng quản Ban Nho học của EFEO tại Hà Nội, đã theo sát một chặng dài của chương trình sưu tập bi ký này, có vai trò lớn trong việc biên tập Inventaire du fonds chinois [Bảng tra thư tịch Hán văn] của EFEO tại Hà Nội. Hơn hai mươi ngàn thác bản văn khắc được thực hiện trong chương trình này là di sản vô giá đối với sự nghiệp Việt Nam học nói chung. Đặc biệt đối với chuyên ngành Hán Nôm học, những thác bản được in rập với kỹ thuật của thái độ trân trọng di sản truyền thống, đã bảo lưu trọn vẹn diện mạo của nhiều bia đá, chuông đồng – những hiện vật đã mất hẳn hoặc tàn khuyết qua thời gian. Tuy vậy, trong sự nghiệp sưu tập văn hóa kéo dài suốt nửa đầu thế kỷ XX, không có một khảo cứu độc lập nào về văn khắc được công bố BEFEO ngoài một vài thông tin và dữ liệu được thông báo kèm trong nghiên cứu về văn khắc Champa. Thế nhưng, văn khắc Hán Nôm luôn luôn là tư liệu có giá trị và đáng tin cậy đối với các nhà khảo cứu. Hơn 100 năm sau khi ra đời, đến những số phát hành được cập nhật mới nhất trên site web của BEFEO, những nghiên cứu liên quan tới tư liệu Hán Nôm vẫn được công bố bởi những chuyên gia người Pháp có tiếng về bi ký học Việt Nam; như Philippe Papin trong Aperçu sur le programme “Publication de l’inventaire et du corpus complet des inscription sur steles du Việt Nam” [Khái lược về chương trình “Xuất bản tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam”] trong số 90-91, tập 90 (năm 2003), về quan hệ thương mãi Việt-Trung; như Claudine Salmon trong Opacité du commerce entre Canton et Huế [Tính mờ ám trong con đường thương mãi giữa Quảng Đông và Huế] số 92, tập 92 (năm 2005).

Để thâm nhập, lĩnh hội, chuyển ngữ và khảo cứu các văn bản Hán Nôm với nhiều nội dung khác nhau liên quan tới Việt Nam – một xứ sở quân chủ truyền thống có nhiều khác biệt với truyền thống nước Pháp – chắc rằng quá trình thực hiện của người khảo cứu, của dịch giả, đã kéo dài nhiều năm để có thể định cảo và đưa công trình hiện diện trước mắt giới độc giả chuyên môn không riêng ở Pháp. Từ sự khác biệt văn hóa thúc đẩy sự tìm hiểu và khám phá toàn diện xứ sở mới, có lẽ không ngẫu nhiên khi một trong những nghiên cứu đầu tiên về Việt Nam được người Pháp công bố là văn bản luật pháp. Mở đầu bằng công trình khảo dịch luật Hồng Đức đời Lê sang Pháp văn, diễn tiến của quá trình khai thác giá trị của tư liệu Hán Nôm Việt Nam ở Pháp được kế tục và xiển dương bởi giới khoa học Pháp, trong đó có không ít học giả mang trong mình dòng máu Việt.

Tiếp theo sự ra đời của BEFEO, Tập san của Ủy ban Khảo cổ Đông Dương (Bulletin de la Commission archéologique de l’Indochine, viết tắt là BCAI) tại Paris được ra đời năm 1908. Trên Tập san này, tư liệu Hán văn Việt Nam tiêu biểu được công bố năm 1912 bởi E. Leroux, nguyên văn Une lettre du Roi du Tonkin au Pape, là lá thư viết bằng Hán văn vào khoảng năm 1635-1643 của chúa Trịnh Tráng gửi Đức Giáo hoàng.

Không quá lâu sau đó, Hội Đô thành hiếu cổ (nguyên văn Association de l’Association des Amis du Vieux Huế) được thành lập năm 1913, Chủ tịch danh dự là Hoàng đế Khải Định, và điều hành chính là những quan chức người Pháp. Tập san của hiệp hội (viết tắt là BAVH) được phát hành số đầu tiên năm 1915, trong đó Linh mục Léopold Michel Cadière luôn luôn giữ vai trò chủ chốt với sự nhiệt tâm và kiến thức uyên bác về văn hóa Việt Nam. So sánh với tiêu chí của BEFEO là xuất bản các công trình khoa học chuyên sâu hướng tới các nhà bác học, BAVH xác định giọng điệu phổ thông, hướng tới đối tượng độc giả rộng lớn có ham mê hiểu biết đối với những khám phá mới, những cơ sở tư liệu dân gian hoặc dân tộc học, những phân kỳ nổi bật trong lịch sử Việt Nam. Từ tháng Một năm 1915 tới tháng Sáu năm 1944, BAVH phát hành được 123 tập với khoảng 16.000 trang văn bản phong phú tri thức về các dân tộc Việt Nam, gồm cả văn hóa của người Việt và người Champa.

Nhìn nhận sự đa dạng văn hóa ở xứ sở Đông Dương trong đó có Việt Nam, các tập san nghiên cứu được chính phủ Pháp chủ trương thành lập quan tâm tới nhiều chủ đề: luật pháp, kiến trúc, mỹ thuật, tôn giáo tín ngưỡng, lệ làng.. và cả di văn Hán Nôm. Theo đó, các kết quả được công bố cũng thể hiện mối quan tâm nhiều mặt của giới nghiên cứu Pháp về Đông Dương.


Nhà nghiên cứu, Tư liệu nghiên cứu và Cơ sở nghiên cứu:
Tính độc lập và tương tác của tư liệu Hán Nôm
trong nghiên cứu Việt Nam học


Là một đất nước nhỏ bé trong vùng Đông Nam Á, do số phận lịch sử sắp đặt gần một thế kỷ trở thành thuộc địa của quốc gia lớn mạnh hàng đầu châu Âu, Việt Nam trong thể chế quân chủ và thuộc địa từng là đề tài khảo cứu được quan tâm ở Pháp. Thực tế là vậy, song như sử gia danh tiếng người Pháp là Charles Seignobos từng nhận xét: “ Không có tài liệu thì không có lịch sử”1, hiện tượng Việt Nam trở thành đề tài được quan tâm ở Pháp được kiến tạo trên cơ sở các nguồn tư liệu về Việt Nam được khám phá, khai thác bởi nhà nghiên cứu và đường hướng phát triển của các cơ sở nghiên cứu khoa học. Chính người trong giới khảo cứu Việt Nam học tại Pháp đã nhận định:

“… cũng cần kể đến những chuyển biến đã diễn ra trong các đơn vị đại học Pháp. Trước hết, các trung tâm khảo cứu có truyền thống quan tâm tới phương Đông là EFEO, EPHE và INALCO đã đạt tới nhiều thay đổi sâu sắc, nhất là vào những năm sau này đang bổ dụng những nhà sử học mong muốn đoạn tuyệt với truyền thống đông phương. Nguyễn Thế Anh là người khởi đầu hiện tượng này khi tiếp nối Pierre-Bernard Lafont ở EPHE (Ban IV), chủ quản Trung tâm khảo cứu "Péninsule Indochinoise" [Bán đảo Đông Dương]. Là chuyên gia về lịch sử kinh tế Việt Nam giai đoạn thuộc địa cũng như những khảo cứu về triều đại các vua nhà Nguyễn, ông đã biết cách thúc đẩy nhiều nghiên cứu được chú ý và sáng tạo, nhất là những công trình của Christopher E. Goscha, Pascal Bourdeaux và François Guillemot… Khi ông Nguyễn Thế Anh về hưu trí vào năm 2002, Philippe Papin – sau 10 năm sống ở Việt Nam – là người được bổ nhiệm vai trò dẫn dắt nghiên cứu và chủ quản Trung tâm nghiên cứu hỗn hợp EPHE-EFEO "Péninsule Indochinoise…”2.

Khái lược 20 năm nghiên cứu về Việt Nam tại Pháp trên đây dù chỉ hướng vào một giai đoạn song là giai đoạn đáng kể của chủ đề nghiên cứu Việt Nam. Không những vậy, việc đánh giá cao thành tựu nghiên cứu Việt Nam của 20 năm này còn góp phần tôn vinh sự cống hiến dù nổi bật dù thầm lặng của các chuyên gia ở những thế hệ trước và sau thời điểm này. Việc liệt kê (chắc chắn không thể đầy đủ) một số tên tuổi trong chuyên môn này có thể trở nên thất thố với cả một đội ngũ nghiên cứu nhiệt thành với chủ đề Việt Nam, bất kể nguồn gốc dân tộc, quan điểm chính trị của mỗi cá nhân. Trong đó, tư liệu Hán Nôm, với tư cách là một phương tiện biểu đạt diện mạo Việt Nam trong một chặng dài lịch sử, luôn luôn được đặt trong phối cảnh với nhiều nguồn tư liệu khác ở trong và ngoài nước, và của cả các quốc gia liên quan tới Việt Nam. Ở ngoài nước, các nguồn tư liệu Hán Nôm được trân trọng về giá trị, song để khảo cứu cũng luôn luôn được kết hợp với những nguồn tư liệu quý khác về Việt Nam được lưu trữ ở nhiều quốc gia.

Từ Pháp nhìn về Việt Nam, tư liệu Hán Nôm với địa vị của một nguồn dữ liệu khảo cứu có giá trị, thường được biết tới với phông châu bản triều Nguyễn và các tư liệu hành chính trong Lưu trữ quốc gia, các phông thư tịch và thác bản văn khắc ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành quốc nội (từ thư khố của EFEO thủa ban đầu tới thư viện Viện Khoa học xã hội, thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tàng bản được lưu truyền qua nhiều thế hệ trong các tư gia…). Tại Pháp, ở thư viện EFEO ở Paris, microfilms của một số bản gốc thư tịch Hán Nôm vốn nằm ở Việt Nam là nguồn tham khảo nghiên cứu hấp dẫn. Tại Thư viện Quốc gia ở Paris (viết tắt BNF), tư liệu liên quan tới Việt Nam gồm ba loại ký hiệu: Annamite A gồm các văn bản chữ Hán, Annamite B gồm các văn bản chữ Nôm, Annamite C gồm các văn bản chữ quốc ngữ. Trong đó bộ phận Annamite A gồm 90 ký hiệu từ A.1 đến A.90, bộ phận Annamite B gồm 108 ký hiệu từ B.1 đến B.108. Cũng ở Paris, tại Thư viện Hiệp hội Á châu, có hai nguồn thư tịch Hán Nôm được hình thành bởi hai nhà nghiên cứu xuất sắc chuyên về Trung Quốc học: ký hiệu HM tức nguồn thư tịch có được do công lao sưu tập của Henri Maspéro và ký hiệu PD tức nguồn thư tịch do Paul Demiéville (1894-1979) cống hiến. Các thư khố của Trường Sinh ngữ Phương Đông (INALCO, Paris), Hội Thừa sai Paris (MEP, Paris)… và nhiều nơi khác trên lãnh thổ Pháp cũng thường được đề cập về triển vọng cống hiến vào nghiên cứu lịch sử Việt Nam của nguồn tư liệu Hán Nôm. Sự xuất hiện ngày một nhiều các trang mạng (sites web) của một số tổ chức này cho phép độc giả từ xa nhận thức ít nhiều về sự tồn tại của những tư liệu như thế.

Từ quan điểm nỗ lực phối hợp chặt chẽ càng nhiều nguồn tư liệu càng nhận thức chính xác diện mạo lịch sử, thập niên 90 của thế kỷ XX là thời điểm nghiên cứu Việt Nam tiếp tục trở nên sôi động. Hội thảo quốc tế Euro-Việt năm 1995 được tổ chức tại Aix-en-Provence (Pháp) với chủ đề chung Sources et Approches du Vietnam [Những tư liệu nguồn và các hướng tiếp cận về Việt Nam] đã đánh giá cao những nghiên cứu đề cập tới nguồn tư liệu Hán Nôm. Đó là định hướng nghiên cứu được Giáo sư Nguyễn Thế Anh (Pháp) chủ trương từ rất sớm, kết hợp chính sử Việt Nam thời quân chủ cùng các nguồn tư liệu Hán Nôm khác với tài liệu lưu trữ hải ngoại của chính phủ Pháp. Đó còn là hướng nghiên cứu sử Việt từ nguồn tư liệu châu bản triều Nguyễn mà nhà nghiên cứu Nhật Bản là Yoshiharu Tsuboi thực hiện và xác nhận là được hưởng gợi ý từ Giáo sư Nguyễn Thế Anh. Cũng trong hội thảo này, nhà nghiên cứu Philippe Papin đã trình bày hướng nghiên cứu về kinh tế-xã hội Việt Nam thời quân chủ trong làng xã Bắc bộ dựa trên nguồn tư liệu văn khắc Hán Nôm phong phú và đa dạng. Từ sau Philippe Papin, dường như rất hiếm nghiên cứu nào tại Pháp tiếp nối hướng đi này.

Có vẻ không xuất thân từ giới nghiên cứu khoa học nhân văn và xã hội ở cả Việt Nam và Pháp nhưng quan tâm sâu sắc tới vấn đề biên giới lãnh thổ Việt-Trung, năm 2005, tại miền Nam nước Pháp, ông Nhân Tuấn Ngô Quốc Dũng đã cho xuất bản Biên giới Việt-Trung 1885-2000, Lịch sử thành hình và những tranh chấp3. Đây là kết quả của nhiều năm khảo cứu thư khố đồ bản và những tư liệu khác liên quan tới Việt Nam tại Văn khố hải ngoại của Pháp, trong đó có nhiều bản đồ được thuyết minh bằng văn tự Hán Nôm.

Với góc nhìn của người đứng ngoài lãnh thổ Việt Nam song không bàng quan với sự kiện lịch sử, nhiều nghiên cứu sử học từ nước ngoài góp phần rất lớn đưa tới những nhận thức mới, đa dạng, gần với khách quan về bản chất của các sự kiện lịch sử trong những thế kỷ đã qua.


Tư liệu Hán Nôm trong Văn khố hải ngoại:
khai thác một nguồn tư liệu cũ nhiều triển vọng


Tư liệu Hán Nôm ở Việt Nam thường được người đọc biết tới qua những thư tịch với nhiều niên đại khác nhau tại trung tâm hàng đầu về bảo quản thư tịch và tài liệu Hán Nôm là Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội), tại văn khố lớn về tư liệu hành chính thời nhà Nguyễn và giai đoạn thuộc Pháp là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Hà Nội), cũng như một số kho tài liệu khác như Thư viện Quốc gia Việt Nam (Hà Nội) và những văn khố tư gia trên cả nước…

Ngoài Việt Nam, có không ít tư liệu Hán Nôm tồn tại trong các trung tâm lưu trữ, các thư viện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đặt trong so sánh với nguồn tài liệu Hán Nôm trong nước được biết tới nhiều hơn như văn khắc trên đá, trên đồng, thư tịch trên giấy dó, giấy tây bao gồm chính sử (sử nước), dã sử (sử dân gian), lư sử (sử làng), các thi tập, văn tập, các khảo cứu về kinh tế, tôn giáo…, tư liệu Hán Nôm ở nước ngoài (Nhật, Anh, Pháp, Vatican, Mỹ…) hứa hẹn khả năng trùng hợp hoặc khác biệt về nội dung tư liệu, cùng quan điểm hoặc khác biệt cách nhìn xét từ vị trí chủ thể biên soạn tư liệu.

Trong số đó, Văn khố hải ngoại của Cộng hòa Pháp hiện tại được đặt ở Aix-en-Provence là một trong những trung tâm lưu trữ tư liệu có sức hấp dẫn giới nghiên cứu và nhiều tầng lớp khác, đặc biệt khi muốn tìm hiểu về quá khứ đa diện mà chính phủ Pháp đã từng áp đặt tại nhiều vùng đất trên thế giới. Trong văn khố, tư liệu về Việt Nam với vị thế là một xứ thuộc địa của Pháp từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, được lưu trữ trong nhiều phông khác nhau với tên gọi “Indochine”. Đằng sau cánh cửa “Indochine” này là lịch sử bộn bề của xứ Đông Dương thuộc Pháp mà Việt Nam là một phần lớn trong đó. Lần theo tư liệu trong các phông Indochine, có thể quan sát biến động của Việt Nam thủa ấy qua nhiều phương diện. Tuy nhiên, do đặc thù về chữ viết, nguồn tư liệu liên quan tới Việt Nam được soạn bằng văn tự Hán-Nôm gần như chưa được sử dụng một cách hệ thống trong nghiên cứu, ngoại trừ số tư liệu châu bản đã được sử dụng trong các nghiên cứu mẫu mực của Giáo sư Nguyễn Thế Anh4 và một thống kê thăm dò của Phó Giáo sư Trần Nghĩa về nguồn tư liệu này5.

Từ năm 2013, tư liệu Hán Nôm trong Văn khố hải ngoại này với hơn mười ngàn trang thuộc về hơn 3.100 văn bản, chủ yếu nội dung thuộc vào các vấn đề giai đoạn Việt Nam thuộc Pháp (1858-1945) được phát lộ và công bố từng phần6.

Cũng như phần lớn tư liệu hiện được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán-Nôm (Hà Nội, Việt Nam), ngoài một số ít tư liệu được viết bằng bút sắt trên giấy tây, còn lại được viết bằng bút lông trên giấy dó – một loại giấy được người Việt xưa làm ra từ loài cây dó, theo kỹ thuật thủ công truyền thống. Đại đa số tư liệu còn giữ được hiện trạng tốt, giấy dó bền, nét mực sắc giúp dễ đọc. Tuy nhiên, tình trạng xấu của một số văn bản như giấy mủn nát gây khó khăn khi nhận biết nội dung văn bản.

Về vị trí tư liệu Hán-Nôm trong Văn khố, đúng như chỉ dẫn của những người phụ trách phông Đông Dương tại đây, tư liệu Hán-Nôm có thể nằm ở khắp nơi. Dưới cái nhãn « Indochine », có thể tìm thấy những tư liệu trong phông GGI, Amiraux, RST, RSA, FM, …. Đó là chưa kể kho đồ bản với nhiều tấm bản đồ được họa hình rất đẹp, trên đó nổi bật các địa danh được ghi chú bằng văn tự Hán-Nôm.

Về thời gian, niên đại thường gặp trong các văn bản trải dài từ cuối thập niên 60 của thế kỷ XIX sang tới đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, tương ứng với các niên hiệu chính thống của vương triều Nguyễn là Tự Đức, Hàm Nghi nguyên niên (1885), Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định. Ngoài ra tuy hiếm nhưng cũng tìm thấy một vài văn bản có niên hiệu Kiến Phúc nguyên niên (1883) và Bảo Đại (một vài năm đầu của niên hiệu). Trong tổng thể các hồ sơ có chứa tư liệu Hán-Nôm, vẻ khác biệt giữa văn tự tượng hình so với chữ Pháp văn hay chữ Quốc ngữ Việt văn chỉ ở hình thức. Về nội dung, sự góp mặt của các văn bản Hán-Nôm thêm phần củng cố tính xác thực mà người Việt Nam gọi là « nói có sách mách có chứng » cho nhiều hồ sơ của phía chính phủ Pháp, tiêu biểu là những hồ sơ về lực lượng chống đối mà nhà cầm quyền thường gọi là giặc cướp, hay là hồ sơ về dư luận xã hội đối với vấn đề nào đó có tính quốc gia. Tư liệu Hán-Nôm thường gặp trong Văn khố là công văn, báo cáo và các văn bản hành chính khác giữa các cấp chính phủ Nam triều và với các cấp chính phủ bảo hộ Pháp. Cũng có nhiều văn bản được soạn bởi các tầng lớp dân chúng từ các địa phương. Các văn bản Hán-Nôm này được lưu trữ có trình tự về thời gian, về địa phương, về vấn đề. Kết hợp với những điện tín, điện báo, báo cáo phân tích, thông tư, thông cáo… của các cấp quan chức bảo hộ Pháp, chúng tạo thành những đơn vị hồ sơ có khả năng cung đa dạng. Với những tập hợp hồ sơ như thế, tự thân tư liệu đã có thể cung hiến cho người đọc nhận định tương đối hợp lý về một chủ đề nào đó.

Kể từ nửa sau thế kỷ XIX, Việt Nam từng bước chấp nhận thể chế bảo hộ của chính phủ Pháp với mức độ khác nhau trên một lãnh thổ bị chia thành ba kỳ Bắc-Trung-Nam. Nội dung chủ đạo của tư liệu Hán-Nôm trong Văn khố hải ngoại không nằm ngoài mối quan hệ Việt-Pháp ở các cấp : chính phủ với chính phủ, địa phương với trung ương, dân với quan chức, người Việt với người Pháp. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam không chỉ đơn giản là những mối quan hệ song phương tách bạch như thế. Về khái lược, có một số nội dung chủ đạo được phản ảnh qua tư liệu Hán Nôm trong Văn khố hải ngoại (Pháp) :

Về quan hệ Việt-Pháp và các quốc gia khác, tổng quan cho thấy trong mối bang giao Việt-Pháp, việc ký kết các hiệp ước Pháp-Việt và những bước thực thi sau đó chiếm một phần lớn nội dung tư liệu. Trong đó, giao thiệp Việt-Pháp trải qua nhiều cung bậc cảm xúc đối lập : ấm - lạnh, mặn - nhạt, cứng rắn - mềm dẻo, cởi mở - dè chừng, và những khác biệt trong quan niệm đối với nhiều sự việc cụ thể. Song như đã nói, trên một trục chính là bang giao Việt-Pháp, Việt Nam thời ấy còn có quan hệ với những quốc gia khác, như với Tây Ban Nha, Xiêm quốc, Cambodge…Với Tây Ban Nha, quan hệ ngoại giao và thương mãi nằm trong các điều khoản mà Nam triều đã ký với chính phủ Pháp. Các văn bản Hán-Nôm được soạn dưới triều vua Tự Đức vào năm 1877, 1881 chứng thực điều này. Với Xiêm La, tư liệu liên quan đến quốc thư của Tự Đức và vua Xiêm những năm 1880, 1882 cho biết phần nào quan hệ hai nước trong cái bóng ảnh hưởng của Pháp. Và không thể không kể đến mối quan hệ Việt-Trung với vai trò không nhỏ của Pháp.

Về yếu tố Trung Quốc trong quan hệ Việt-Pháp, là láng giềng của nhau, động tĩnh trong mọi phương diện của Việt Nam - Trung Quốc đều được hai nhà nước quan tâm. Trong đó, vấn đề an ninh biên giới lãnh thổ Việt-Trung luôn luôn được người cầm quyền hai bên đặt ra. Điều này không thay đổi trong đường lối chung kể cả khi Việt Nam là nhượng địa của Pháp, dẫn tới việc đại diện chính phủ Pháp ở Đông Dương có thẩm quyền ký kết với triều đình Trung Quốc những vấn đề vốn thuộc về Việt Nam. Với Trung Quốc, tuy luôn tự nhận là nước lớn song cũng không thể coi thường sức mạnh ưu việt của Pháp. Vì thế, vấn đề lãnh thổ Việt Nam biến động theo từng bước bước tiến của sức mạnh Pháp được triều đình nhà Thanh theo dõi sát sao để có đối sách kịp thời. Ngoài ra, trong quan hệ kinh tế của cộng đồng người Hoa làm ăn tại Việt Nam, tất yếu không tránh khỏi những cạnh tranh, những gây hấn, những sự không hài lòng giữa nội bộ người Hoa cũng như trong quan hệ giữa người dân Việt với Hoa kiều.

Về diện mạo kinh tế Việt Nam, tư liệu Hán-Nôm trong Văn khố nếu tách biệt lập sẽ phản ảnh không toàn diện tình trạng kinh tế của Việt Nam trong khoảng tám thập kỷ chính thức thuộc Pháp. Song sự điểm xuyết của những tư liệu này, dù được phát ra từ bất kỳ cấp nào của một chính phủ Nam triều thường xuyên phải ưu tư về kinh tế, hoặc của chính người dân lăn lộn kiếm sống thì trở thành chứng cớ thiết thực. Không thể phủ nhận các hoạt động thương mãi của Hoa kiều trên lãnh thổ Việt Nam đã trở thành một phần của bức tranh kinh tế quốc gia. Bên cạnh đó, tư liệu còn cho thấy các vấn đề tiền tệ, thuế, nông nghiệp, một số ngành nghề khác. Một tập hợp các đơn từ tố cáo, kêu oan, đề đạt.. của người dân khắp ba kỳ, thư của người Việt làm lính thợ ở Pháp cũng đáng là một nguồn tư liệu bổ sung vào diện mạo kinh tế và xã hội Việt Nam những năm thuộc Pháp ấy.

Là những phác thảo về văn hóa - xã hội Việt Nam giai đoạn thuộc Pháp, trong Văn khố đôi khi xuất hiện trước tác của những tác giả ở nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, phản ảnh thực tế đa dạng, nhiều mâu thuẫn trong đời sống tinh thần và vật chất của người dân Việt Nam đương thời.

Liên quan tới đạo Thiên chúa trong môi trường Việt Nam, tư liệu Hán-Nôm trong Văn khố góp phần khẳng định một thực tế đã qua là Thiên chúa giáo cho đến cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX ở nhiều địa phương Việt Nam vẫn gặp phải sự kỳ thị không nhỏ từ đồng bào vốn quen thờ Phật, cúng gia tiên. Mức độ hạn chế trong việc tiếp nhận tôn giáo ngoại lai cũng có khác nhau trên ba kỳ Bắc-Trung-Nam. Một trong những nguyên nhân hàng đầu thường được chỉ ra là chế độ trực trị của người Pháp tại Nam kỳ. Điều này cũng có thể tạo nên một đôi nét khác biệt trong việc sử dụng văn tự Hán-Nôm giữa các vùng miền.

Về thực tế sử dụng văn tự Hán Nôm của người Việt Nam tại ba kỳ, bước đầu nhận thấy có sự khác nhau về tần suất sử dụng chữ Hán-Nôm để biên soạn văn bản. Vẫn tìm thấy những đơn từ được viết bằng văn tự Hán-Nôm mà người dân các tỉnh Nam kỳ sử dụng, song đây chỉ là số ít nếu so sánh với tỷ lệ đơn từ sử dụng văn tự Hán-Nôm của người dân các tỉnh Bắc và Trung kỳ. Thêm nữa, dù có viết bằng văn tự truyền thống, người dân Nam kỳ cũng không sử dụng niên hiệu của bất cứ vị vua Nam triều nào ; để ghi thời gian, họ sử dụng năm can chi. Các hồ sơ GGI-10797, 10805, 10806 và một số hồ sơ nói trên cho thấy điều này. Nguyên nhân được nghĩ tới đầu tiên để lý giải hiện tượng này, đương nhiên bởi Nam kỳ là xứ trực trị của người Pháp. Trong hồ sơ GGI-11462, Đại thần Lãnh sự của Nam triều tại Sài Gòn gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp, trong thư có nhắc «… trong luật quý quốc có viết : phàm những người nước Nam chúng tôi sinh trưởng định cư tại Nam kỳ thì là người Pháp… »7. Dù sao, vẫn còn mở ngỏ khả năng tìm được nhiều hơn nữa tư liệu Hán-Nôm trong Văn khố hải ngoại. Vì vậy, nhận xét về việc người dân Nam kỳ sử dụng văn tự Hán-Nôm vào cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX chỉ là một ý tưởng chưa thể khẳng định.

Một trong những nội dung nổi trội trong tư liệu Văn khố là đặc điểm phản kháng của người Việt và những phong trào chống đối nhà cầm quyền đương thời, bao gồm cả Nam triều và Pháp triều. Một số lượng không nhỏ tư liệu ở trong Văn khố có nội dung liên quan đến những xu hướng, những phong trào và những nhân vật chống đối nhà cầm quyền, phản kháng đường lối thỏa hiệp của Nam triều, phản đối sự can thiệp của người Pháp vào Việt Nam. Bên cạnh đó cũng có những hồ sơ cho thấy các biện pháp mà chính phủ Nam triều và Pháp đối phó, xử lý với những người chống đối. Đó có thể là những công văn về tình hình hoạt động của lực lượng chống đối ở khắp các địa phương Bắc-Trung-Nam. Cũng có những thư từ về chí hướng yêu nước, kế sách chống ngoại bang của nhân sĩ trí thức theo chủ trương kháng chiến. Giữa người chống đối với quan chức Pháp và Nam triều cũng có những văn bản trao đổi, kẻ kêu gọi đầu thú, người đặt điều kiện để chấp nhận chiêu hồi. Sự nở rộ các phong trào người Việt chống đối chính quyền có khi cũng gây tác động nhiều chiều. Chiều dễ nhận thấy là việc gây cản trở, tạo khó khăn, thiệt hại cho tham vọng xâm chiếm lãnh thổ của người Pháp. Song nhìn từ phía người dân, các hoạt động chống chính quyền cũng gây nhiều bất an, bất ổn triền miên cho đời sống dân lành. Tư liệu từ các văn khố Toàn quyền Đông Dương (GGI), Tòa Công sứ Bắc kỳ (RST phông cũ và phông mới) ghi nhận nhiều đơn từ bẩm báo, kêu cứu của dân lành về nạn phỉ cướp đột nhập cướp của, bắt người, thậm chí giết người. Có thể nói, số phận của người dân Việt trong giai đoạn Đông Dương thuộc Pháp chính là nội dung bao trùm trên tập hợp tư liệu này.

Phản ảnh ở mức độ khác nhau các diễn biến lịch sử, các bộ phận tư liệu đều có giá trị nhất định. Sự đối chiếu và kết hợp các nguồn tư liệu sẽ đáng kể hơn với mục tiêu hướng tới cái nhìn chân xác nhất có thể về sự kiện lịch sử. Đó là cách sử dụng tư liệu nói chung, tư liệu Hán Nôm nói riêng trong sự tiếp nhận của giới khảo cứu khoa học ở Pháp. Không tôn vinh hay đề cao thái quá riêng một nguồn tư liệu nào sẽ hạn chế được nhiều định kiến về lịch sử. Các kết quả khảo cứu chân xác là cơ sở khoa học có khả năng tác động tới giới cầm quyền, hướng tới sự ban hành và thực thi các chính sách hợp lý về quân sự, tôn giáo, hành chính, kinh tế, văn hóa…. Trong thực tế, chặng đường nghiên cứu về Việt Nam tại Pháp trải qua những cung bậc thăng trầm khác nhau tùy theo các nhân tố cấu thành, trong đó phải kể đến sự phát triển hoặc thiếu vắng nhân sự trong đội ngũ khảo cứu cổ học Việt Nam, cũng như không thể không công nhận cảm hứng nhiều hơn của giới chuyên môn tới các vấn đề cận đại và đương đại của Việt Nam. Tuy nhiên, nằm trong mối quan tâm tới “môi trường Hán văn” bao gồm các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam bên cạnh Trung Quốc, nguồn tư liệu Hán Nôm Việt Nam nếu được khai thác sâu sắc để đáp ứng đòi hỏi của thực tế, sẽ không bị chìm lấp mãi trong cái vỏ bọc niên đại xưa cũ của nó.

Việt Anh

Viện Nghiên cứu Hán Nôm, VASS
(Hà Nội, Việt Nam)





Thư mục tham khảo (trích yếu) :


Bản thảo:


[1] Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội, Việt Nam)

[2] Văn khố Đô đốc và Toàn quyền Đông Dương - GGI (Văn khố hải ngoại - ANOM, Pháp)

[3] Văn khố Thống sứ Bắc kỳ – RST (ANOM, Pháp)

[4] Văn khố Khâm sứ Trung kỳ – RSA (ANOM, Pháp)

[5] Văn khố Nội các – FM (ANOM, Pháp)


Ấn phẩm:


[6] Trần Nghĩa và Francois Gros chủ biên (1993), Di sản Hán Nôm Việt Nam - thư mục đề yếu. Hà Nội: Khoa học xã hội,

[7] Nguyễn Thế Anh (2008), Parcours d'un historien du Viêt Nam. Paris: Les Indes Savantes.

[8] Thư viện Văn khố hải ngoại (ANOM, Pháp)

[9] Cao Việt Anh (2015), Documents en caractères sino-vietnamiens aux Archives nationales d’outre-mer (France) : Une source riche en vestiges de l’histoire du Việt Nam à l’époque coloniale (1875-1945). [Tư liệu Hán Nôm ở Văn khố Hải ngoại (Pháp): dấu tích của một nguồn sử liệu phong phú về lịch sử Việt Nam giai đoạn thuộc Pháp (1875-1945)]. FMSH-WP-2015-93. 2013. <halshs-01144632>. https://hal.inria.fr/halshs-01144632/document


Các sites web:


[9] ANOM: http://www.archivesnationales.culture.gouv.fr/anom/fr/

[10] BEFEO: http://www.persee.fr/web/revues/home/prescript/revue/befeo

[11] MEP: www.mepasie.org

[12] Tạp chí Moussons: http://moussons.revues.org/



Chú thích


1Theo Đào Thị Diến trong “Các nguồn tài liệu lưu trữ ở Cố đô Huế trong lịch sử”, trong Nghiên cứu Huế tập 5 (2003), dẫn Bùi Quang Tung, “Pour une meilleure conservation des Archives vietnamiennes” trong France-Asie, số 109-110, tháng 6-7 năm 1955, tr.742.

2V.A dịch. Nguyên văn tiếng Pháp của Christian Culas và Jean-François Klein viết chung trong "Introduction: Vingt ans de recherches sur le Việt Nam (1990-2010)" [Dẫn nhập: Hai mươi năm nghiên cứu về Việt Nam], Moussons 13-14 (2008), số đặc biệt "Vietnam, Histoire et Perspectives Contemporaines"[Việt Nam, Lịch sử và Triển vọng hiện đại”, tr. 10-11.

"…il faut aussi prendre en compte les transformations ayant eu lieu dans les établissements uiniversitaires français. Tout d'abord, les centres traditionnels de l'orientalisme qu'étaient l'EFEO, l'EPHE et l'INALCO ont connu de profondes transformations, notamment ces dernières années en recrutant des historiens qui souhaitaient rompre avec la tradition orientaliste. Nguyễn Thế Anh a amorcé le phénomène en succédant à Pierre-Bernard Lafont à l'EPHE (IVe Section), en prenant la direction du Laboratoire "Péninsule Indochinoise". Spécialiste d'histoire économique du Viet Nam en situation coloniale et ses travaux sur la dynastie des Nguyễn, il a su impulser des travaux remarquables et novateurs, notamment ceux de Christopher E. Goscha, Pascal Bourdeaux et de François Guillemot…. Lorsque Nguyễn Thế Anh prit sa retraite en 2002, c'est Philippe Papin qui, après dix ans passés au Viet Nam, fut élu à la direction d'études et du laboratoire mixte EPHE-EFEO "Péninsule Indochinoise"...

3Marseille: Dũng Châu xuất bản.

4Nguyễn Thế Anh, « Les sources pour l’histoire économique du Việt-Nam au XIXe siècle », trong Viêt Nam Sources et Approche. Aix-en-Provence: l’Université de Provence, 1996, tr.49-59:

“… c’est que des pièces éparses de Châu bản peuvent être trouvées au Centre des Archives d’Outre-Mer d’Aix-en-Provence, éparpillées dans des dossiers se rapportant à la Cour de Huế, surtout pour les règnes postérieurs à celui de Tự Đức.”

5Trần Nghĩa và Francois Gros chủ biên, “Đề dẫn”, trong Di sản Hán Nôm Việt Nam - thư mục đề yếu, tập I. Hà Nội: Khoa học xã hội, 1993, tr.15-47:

« Tại Kho lưu trữ Quốc gia, bộ phận Hải ngoại ở Aix-en-Provence thuộc miền Nam nước Pháp … bước đầu tìm thấy khoảng 300 văn bản Hán Nôm trong 12 tập hồ sơ thuộc triều Thành Thái (1889 - 1907) và 1 tập hồ sơ thuộc triều Duy Tân (1907- 1916).”

6Xem: Cao Việt Anh:

- Documents en caractères sino-vietnamiens aux Archives nationales d’outre-mer (France) : Une source riche en vestiges de l’histoire du Việt Nam à l’époque coloniale (1875-1945) [Tư liệu Hán Nôm trong Văn khố hải ngoại (Pháp) : Theo dấu một nguồn tư liệu phong phú về lịch sử Việt Nam giai đoạn thuộc địa]. Nghiên cứu sau tiến sĩ (FMSH-WP-2015-93.2013 <halshs-01144632>.

- Hội thảo Hội thảo "Châu bản triều Nguyễn - tiềm năng di sản tư liệu”. Hà Nội : 08/2013.

- Tạp chí Hán Nôm, số 2 (123) năm 2014 ; số 5 (126) năm 2014…

7V.A dịch.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us