Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Ngoại tộc dày xéo, cai trị Trung Quốc (Kỳ 3)

Ngoại tộc dày xéo, cai trị Trung Quốc (Kỳ 3)

- Hồ Bạch Thảo — published 26/06/2017 17:17, cập nhật lần cuối 26/06/2017 17:17


Ngoại tộc dày xéo, cai trị Trung Quốc (III)


Hồ Bạch Thảo


4. Thời Trung Quốc thời phân chia nam bắc : nước Bắc Chu [557-581]


Bắc Chu do Vu Văn Thái người dân tộc Tiên Ty sáng nghiệp. Vào cuối thời Bắc Nguỵ, 6 trấn niổ loạn ; Vu Văn Thái là bộ hạ của viên trấn tướng Nhĩ Chu Vinh, theo Chu Vinh vào Quan Trung dẹp giặc. Sau đó làm việc dưới quyền Đại tướng Quan Trung Lũng Tây, Hạ Bạt Nhạc và được trọng dụng.

Bấy giờ quyền thần Cao Hoan khống chế kinh đô Lạc Dương thấy Hạ Bạt Nhạc ôm hai lòng bèn sai quân Tần Châu giết đi ; sau khi Hạ Bạt Nhạc chết, các tướng lãnh bèn ủng lập Vu Văn Thái lên làm Thống soái. Văn Thái bề mặt thần phục Cao Hoan, nhưng kỳ thực khống chế miền Quan Lũng. Sau khi Vũ đế nhà Bắc Nguỵ đánh dẹp Cao Hoan thất bại, bèn chạy vào Quan Trung nhờ sự bảo hộ của Vu Văn Thái. Chẳng bao lâu Vu Văn Thái giết Vũ đế, rồi lập Văn đế, dựng nước Tây Nguỵ [535]. Riêng Cao Hoan tại phương đông, sau khi Vũ đế chạy vào Quan Trung, bèn lập Hiếu Tĩnh đế, mang triều đình dời đô đến Nghiệp Thành [Hà Bắc] lập nước Đông Nguỵ. Từ đó Bắc Nguỵ chia làm hai, Đông Nguỵ và Tây Nguỵ, thực tế do hai quyền thần Cao Hoan và Vu Văn Thái nắm giữ.

Nước Tây Nguỵ lúc mới thành lập, vị Hoàng đế mới chịu sự kiềm chế, để cho Văn Thái độc quyền nắm triều chính. Vũ Văn Thái quả cảm, giỏi dùng người, nên từng chiến thắng đại quân Đông Nguỵ 3 lần, rồi mang quân đánh chiếm miền Tứ Xuyên.


1. Đánh chiếm vùng Tứ Xuyên Giang Lăng


Nam triều đời Lương năm Thái Thanh thứ 3 [549] Hầu Cảnh nội loạn, chiếm Kiện Khang [Nam Kinh], phần lớn các quận thuộc bờ phía bắc miền hạ du sông Trường Giang đều bị Đông Nguỵ chiếm. Khu vực thượng và trung du sông Trường Giang do tôn thất nhà Lương cát cứ tự lập, lại dựa vào lực lượng Tây Nguỵ để tranh đoạt lẫn nhau. Nhạc Dương vương Tiêu Sát mang quân đánh Tương Đông vương Tiêu Dịch bị thua, bèn đầu thuận Tây Nguỵ, tự lập làm Lương vương. Năm 552 Hầu Cảnh bị diệt, cùng năm Tiêu Dịch xưng Đế tại Giang Lăng [Hồ Bắc], tức Lương Nguyên đế ; rồi yêu cầu Tây Nguỵ mang quân đánh chiếm hai châu Lương, Ích ; nhắm diệt trừ Vũ Lăng vương Tiêu Kỷ đang xưng đế tại Thành Đô ; Tây Nguỵ thừa cơ chiếm cứ Ích Châu.

Vào năm Thừa Thánh thứ 3 [544] Lương Nguyên đế sai sứ đòi Tây Nguỵ trả lại đất đã đánh chiếm được, lời nói ra vẻ ngạo mạn. Đại thừa tướng Tây Nguỵ Vu Văn Thái bèn sai các tướng như Trụ quốc Vu Cẩn, Trung Sơn công Vu Văn Hộ, Đại Tướng quân Dương Trung mang 5 vạn quân tiến công kinh đô Lương tại Giang Lăng. Tháng 10, quân Tây Nguỵ từ Trường An [Tây An, Hà Bắc] tiến tới Tương Dương [Hồ Bắc], Tiêu Sát mang quân tới trợ chiến. Lương Nguyên đế nghe tin, ra lệnh giới nghiêm, điều quân chống cự Tây Nguỵ. Tháng 11 quân Tây Nguỵ vượt sông Hán Thuỷ ; Vu Văn Hộ, Dương Trung được lệnh mang kỵ binh tinh nhuệ chặn trước tại Giang Tân, cắt con đường sông, khiến quân Lương phòng thủ không còn đường rút, quân hạ du tăng viện cũng không vượt qua được. Vua Lương hạ lệnh chặn các điểm quan trọng tại Giang Lăng, chôn cọc gỗ tại ngoài thành. Đại quân của Vu Cẩn đến, ra lệnh bao vây xung quanh, cách tuyệt trong ngoài. Lúc bấy giờ quân Lương từ các nơi điều về chưa đến nơi, quân Tây Nguỵ từ nhiều phía đánh thành, lúc đầu cầm cự được, sau đó gặp sức tấn công mạnh, lại bị nội ứng trợ giúp nên vào được phía tây thành, chiếm thành ngoài. Lương Nguyên đế rút vào thành trong, chiều tối cho quan dưới quyền đốt 14 vạn quyển sách ; rồi ngày hôm sau ra hàng, sau đó bị giết. Tháng 12 Vu Cẩn mang quân khải hoàn, áp giải Vương, Công, dân chúng hàng vạn người đến Trường An. Tây Nguỵ lập Tiêu Sát làm Lương chúa ; sau đó cắt phần đất thượng du sông Trường Giang gồm các châu Kinh, Lương, Ung, Ích  nhập vào lãnh thổ Tây Nguỵ.


2. Thành lập nước Bắc Chu


Nhà Tây Nguỵ năm Cung đế thứ 3 [556] Vu Văn Thái mất, con trưởng Vu Văn Giác tập ấm chức An Định Quận công, Thái sư, Thái Trủng tể ; nhưng vì còn nhỏ tuổi nên thực quyền nằm trong tay Vu Văn Hộ. Vu Văn Hộ là cháu Vu Văn Thái, lúc Văn Thái còn sống giữ chức Đại Tư mã, thụ phong Tấn Quốc công. Năm 557, sẵn quyền lực trong tay, Vu Văn Hộ bắt vua Cung Đế nhà Tây Nguỵ phải nhường ngôi cho Vu Văn Giác ; Giác xưng là Thiên vương, đặt tên nước là Bắc Chu.

Vu Văn Giác tuy còn nhỏ tuổi nhưng tính cương cường, bất mãn bởi sự chuyên quyền của Vu Văn Hộ ; riêng các quan trong triều như Triệu Quí, Độc Cô Tín cũng tỏ ra bất phục, họ khuyên Vu Văn Giác diệt trừ Văn Hộ. Do vậy Vu Văn Giác chiêu tập một số võ sĩ, bí mật luyện tập trong cung cách đánh bắt Văn Hộ. Không may sự việc bị tiết lộ, Văn Hộ ra tay khống chế, bắt giết Triệu Quí, bãi chức quan của Độc Cô Tín, rồi sau đó đem giết ; riêng Vu Văn Giác cũng bị truất phế vào năm 559, rồi cũng bị giết.

Sau sự việc này, Vu Văn Hộ tự thăng chức Đại Trủng tể [Thừa tướng], lập người con khác của Vu Văn Thái là Văn Dục lên làm vua, lấy hiệu Chu Minh đế. Văn Hộ thấy Vu Văn Dục nho nhã ôn hoà cho rằng nhu nhược không có năng lực chống đối ; nhưng khi lên ngôi thì lộ ra vẻ thông minh tài cán. Vua  được quần thần ủng hộ, lại lưu tâm đến việc phát triển kinh tế, nên uy vọng mỗi ngày một cao. Muốn thử lòng vua, Vu Văn Hộ lên tiếng xin từ chức, đưa quân quyền trao cho vua ; không ngờ vua vin vào đó chấp nhận ngay. Sự việc này khiến Vu Văn Hộ lo sợ không yên tâm ; do đó vào năm 560 sai người bỏ thuốc độc vào thức ăn giết vua.

Sau đó Vũ Văn Hộ lập con thứ 4 của Văn Thái là Văn Ung lên ngôi tức vua Vũ đế, nhưng vẫn nắm thực quyền. Vũ Văn Hộ từ lâu chuyên quyền, phế lập mấy đời vua, lại kém võ lược, mấy lần đánh Bắc Tề bị thua phải rút quân về, các con thì tham ô tàn độc, nên uy tín ngày xuống thấp. Năm 572, vua Chu Vũ đế mưu cùng em là Vu Văn Trực giết Vu Văn Hộ, giành lại chính quyền.


3. Đánh Bắc Tề, thống nhất Trung nguyên


Năm 534 nước Bắc Nguỵ chia thành Đông Nguỵ và Tây Nguỵ, nhưng 2 triều này chỉ làm bù nhìn cho họ Cao và Vu Văn. Đông Nguỵ không duy trì được lâu, năm 550 con Cao Hoan là Cao Dương phế vua Đông Nguỵ lập nên Bắc Tề. Đến đời vua Hậu chủ Bắc Tề tên Cao Vĩ, nổi tiếng là một hôn quân trong lịch sử. Ông ta hàng ngày hưởng lạc, sống xa hoa, cùng hoạn quan mỹ nữ đàn tỳ bà ca hát ; sáng tác khúc nhạc Vô Sầu, cho hàng trăm thị nữ hoà điệu ca ; nên dân Bắc Tề tặng cho danh hiệu là Vô Sầu Thiên tử. Hậu chủ Cao Vĩ tuỳ tiện phong các chức quan ; phong cho cả những con vật cưng như chó, ngựa, chim, gà vv…

Vua Vũ đế nước Bắc Chu thấy được rõ ràng tình trạng suy đồi của Bắc Tề, bèn quyết định mang quân đánh. Tháng 7 năm 575, quân Bắc Chu chia làm 3 đạo, trung quân do Vũ đế trực tiếp chỉ huy, tiến thẳng đến Hà Âm [Vinh Dương thị, Hà Nam]. Quân Bắc Chu vào lãnh thổ Bắc Tề, giữ kỹ luật nghiêm minh “ Cấm chặt cây, cấm dẫm đạp vào ruộng lúa, kẻ vi phạm bị xử chém ” nên được lòng dân, nhờ đó chiếm thành Hà Âm tương đối thuận lợi. Nhưng khi vượt sông Hoàng Hà tấn công Trung Thành [Mãnh huyện] đến 20 ngày không hạ được, Hữu thừa tướng Bắc Tề, Cao A Na Hoằng, mang quân từ Tấn Dương [Thái Nguyên, Sơn Tây] đến cứu viện ; lại nhân Vũ Đế bị bệnh nên đành phải rút lui.

Tháng 10 năm 576, Bắc Chu lại một lần nữa mang quân đánh Bắc Tề. Bắc Chu tập trung 14 vạn 5.000 quân ; không dùng lộ tuyến cũ, tiến đánh thành Bình Dương [Lâm Phần thị, Sơn Tây] thuộc Tấn Châu. Hạ tuần tháng 10, quân chủ lực Chu tấn công thành Bình Dương, Thứ sử Tấn Châu Thôi Cảnh Cao, đóng tại thành này xin hàng. Chu Vũ đế giao cho Đại tướng quân Lương Sĩ Ngạn làm Thứ sử Tấn Châu, lưu 1 vạn quân tinh nhuệ giữ thành Bình Dương, rồi rút đại quân về.

Thành Bình Dương là nơi dấy nghiệp của thuỷ tổ Bắc Tề Cao Hoan, lại là cửa ngõ thành Tấn Dương [Thái Nguyên, Sơn Tây], vị trí rất quan trọng; nên Hậu chủ Bắc Tề Cao Vĩ không thể không mang quân đến cứu. Nhưng khi thành bị tấn công thì Hậu chủ đang cùng với người đẹp Phùng Thục phi đi săn tại Thiên Trì [huyện Ninh Vũ, Sơn Tây]. Hậu chủ nhận được tin cấp báo, đang chần chừ về việc nên tiếp tục cuộc vui hay đi tiếp cứu , thì Thục phi xin bủa lưới vây bắt thú thêm một mẻ nữa, Hậu chủ đành chiều theo.

Đến đầu tháng 11, Hậu chủ Bắc Tề mang 10 vạn quân đến vây thành Bình Dương, đem Thục phi đi theo. Lúc này phía Bắc Chu cố thủ trong thành, quân tiếp viện chưa đến kịp nên phía Bắc Tề gây áp lực lớn. Quân Tề đào địa đạo để vào thành, gặp một công trình cổ tích, Hậu chủ muốn đích thân đến xem, Thục phi cũng muốn đi theo ; nhưng phải chờ Thục phi trang điểm xong đến nơi, thì quân trong thành đã bít mất lỗ hổng, khiến quân Bắc Tề mất cơ hội đánh thành.

Tháng 12, Chu Vũ đế mang quân từ kinh đô Trường An đến cứu thành Bình Dương. Sau khi dàn trận xong, viên Đại tướng đến tâu :

“ Xin phá giặc trước khi ăn.”

Vua Bắc Chu phán :

Theo lời ngươi nói, ta hết lo rồi

Trận chiến xảy ra, vua Bắc Chu cưỡi ngựa lược trận, kêu tên từng viên tướng dưới quyền để khích lệ ; khiến lòng quân náo nức. Trước sức ép của đối phương, quân Bắc Tề lung lay ; Phùng Thục phi kinh hoảng kêu lên :

 “ Quân Tề thua ! Quân Tề thua !

Hậu chủ Cao Vỉ vội vả kéo Thục phi lên lưng ngựa, đào tẩu một mạch đến thành Tấn Dương. Quân lính thi nhau bỏ trốn, Hậu chủ không dám vào thành, bèn chạy tiếp đến Nghiệp Thành [Hà Bắc] tại phía đông. Bàn về giai đoạn lịch sử này, Thi sĩ đời Đường Lý Thương Ẩn  qua bài Bắc Tề Nhị Thủ 北齐二首 có những câu thơ mỉa mai như sau :

巧笑知堪敌万机,
倾城最在著戎衣。
晋阳已陷休回顾,
更请君王猎一回

Xảo tiếu tri kham địch vạn cơ,
Khuynh thành tối tại trước nhung y.
Tấn Dương dĩ hãm hưu hồi cố,
Cánh thỉnh Quân vương lạp nhất hồi !

(Nụ cười duyên đâu kham nổi cơ mưu địch
Mà đem người đẹp khuynh thành cho khoác nhung y.
Thành Tấn Dương để mất không kịp quay đầu lại cứu,
Lại còn xin vua tiếp tục săn bắt thêm nữa !)

Hậu chủ Cao Vĩ đóng tại Nghiệp chưa được bao lâu thì bày đặt nhường ngôi cho con là Cao Hằng mới 8 tuổi, lên làm Thái thượng hoàng. Tháng giêng năm 577, Chu Vũ đế mang quân đánh Nghiệp thành, Cao Vĩ trước đó 1 ngày, bỏ thành chạy xuống Tề Châu [Tế Ninh, Sơn Đông]. Rồi từ Tế Châu chạy xuống Thanh Châu [thuộc tỉnh Giang Tô], định đầu hàng nhà Trần, Nam triều ; nhưng không kịp thực hiện thì bị bắt đem về Trường An, hai năm sau thì bị giết.

Chu Vũ đế diệt Tề, thống nhất bắc phương, có ý nghĩa trọng đại đối với lịch sử Trung Quốc, vì đó là bước quan trọng để nhà Tuỳ thống nhất toàn cõi nam bắc sau này.


4. Dẹp loạn tại Bắc Chu, rồi cuối cùng mất nước


Vua Vũ đế là đấng anh quân, chẳng may mất sớm [542-578] ; người kế vị là Tuyên đế Vu Văn Bân xa xỉ phù hoa, đam mê tửu sắc, chính trị hủ bại ; Thừa tướng Dương Kiên thừa dịp kết thân với các Đại thần gây ảnh hưởng. Vào ngày 11 tháng 5 năm Đại Tượng thứ 2 [580] vua Tuyên đế  mất ; Tĩnh đế Vu Văn Diễn còn nhỏ tuổi ; Tả thừa tướng Dương Kiên ra mặt chuyên quyền. Dương Kiên đề phòng sự chống đối của phái Tôn thất, bèn nhân việc đem Công chúa gả cho Đột Quyết [một bộ tộc thuộc chi nhánh Hung Nô mới dấy lên, có thế lực tại phương bắc] ; bèn gọi các Hoàng tử trấn thủ tại Triệu, Trần, Việt, Đại vào triều. Lại do Uất Trì Huýnh, cháu ngoại của Vu Văn Thái, chức cao quyền lớn, trấn thủ tại Nghiệp Thành [Hà Bắc], có khả năng chống đối ; bèn sai con là Uất Trì Đôn gọi về Trường An để chịu tang Tuyên đế, và sai tay chân thân cận thay chức trấn thủ Nghiệp Thành. Tháng 6, Uất Trì Huýnh công khai khởi binh chống lại. Tháng 7, Uất Trì Cần cháu Huýnh làm Tổng quản Thanh Châu [Giang Tô] theo Huýnh, phản Dương Kiên. Huýnh đưa con đến làm con tin nhà Trần, để xin viện trợ ; ngoài ra lại cho người đến thuyết phục Lý Mục, Tổng quản Tấn Dương [Thái Nguyên, Sơn Tây] nổi dậy, nhưng Mục không theo.

Dương Kiên khống chế vua nhỏ để ban lệnh cho thiên hạ ; kết giao với Lý Dục ; đưa ngàn vàng đút lót và gả Công chúa cho Lãnh chúa Đột Quyết nhắm tiêu trừ mối lo phương bắc, mang tinh binh chặn giữ Đồng Quan để đề phòng tập kích kinh đô Trường An ; rồi tăng cường lực lượng tại Lạc Dương [Hà Nam] làm căn cứ địa tấn công Uất Trì Huýnh. Cùng lúc Dương Kiên điều động đại quân dưới quyền các tướng như Hành quân nguyên soái Vi Hiếu Khoan, Nguyên soái trưởng sử Lý Tuân ; các Tổng quản như Lương Sĩ Ngạn, Nguyễn Giai, Vu Văn Cân, Vu Văn Thuật, Thôi Hoằng Độ, Dương Tố. Chiến lược của Dương Kiên về cánh trái dựa vào hoà thân với Đột Quyết, cùng quân Dương Mục tại Thái Nguyên [Sơn Tây] ; dùng bộ binh đánh phía đông, chiếm các đất Lương, Tào, Thành, Kim ; giải trừ uy hiếp tại cánh phải. Kế đó quân chủ lực đánh chính diện, tìm chủ lực địch tiêu diệt, sau khi chiến thắng tại Bí Thuỷ [Bí Thuỷ huyện, Sơn Tây] tiến thẳng đến Nghiệp Thành [Hà Bắc] ; tiêu diệt thủ lãnh chống đối Uất Trì Huýnh. Năm 581 Dương Kiên thay Bắc Chu, cải quốc hiệu Tuỳ ; nhà Bắc Chu trị vì được 24 năm thì mất.

HỒ BẠCH THẢO


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss