Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Ngược dòng lịch sử Bằng Tường thị

Ngược dòng lịch sử Bằng Tường thị

- Hồ Bạch Thảo — published 24/09/2016 12:25, cập nhật lần cuối 24/09/2016 12:25



Ngược dòng lịch sử
Bằng Tường thị   

 

Hồ Bạch Thảo



Bằng Tường thị được thành lập từ 3 châu : Bằng Tường, Thượng Thạch Tây, Hạ Thạch Tây ; tìm hiểu về quá khứ, hãy đi sâu vào lai lịch 3 châu :

 

1. Thổ châu Bằng Tường [憑祥]

 

Thổ châu tại phía tây nam phủ lỵ Thái Bình 230 lý [133 km], từ đông sang tây 27 lý [15.6 km], nam chí bắc 33 lý [19 km] ; phía đông cách địa giới thổ châu Thượng Thạch Tây 7 lý [4 km], tây cách biên giới An Nam 20 lý [11.6 km], nam cách biên giới An Nam 30 lý [17 km], bắc cách địa giới thổ châu Thượng Thạch Tây 3 lý [1.7 km]. Phía đông nam cách biên giới châu Văn Uyên, An Nam 12 lý [6.9 km] ; tây nam cách biên giới An Nam 8 lý [4.6 km], đông bắc cách địa giới thổ châu Thượng Thạch Tây 10 lý [5.8 km], tây bắc cách biên giới An Nam 15 lý [8.7 km].

Ðời Tống là động Bằng Tường, thuộc đạo Tả Giang, Ung châu ; đời Nguyên thuộc lộ Tư Minh, đời Minh Hồng Vũ thứ 18 [1385] đổi thành trấn Bằng Tường, năm Vĩnh Lạc thứ 2 [1404] đổi thành huyện Bằng Tường, năm Thành Hóa thứ 18 [1482] thăng làm châu Bằng Tường thuộc phủ Tư Minh, nhà Thanh thuộc phủ Thái Bình. Thời Trung Hoa Nhân dân Cộng Hòa Quốc, cho gộp đất cũ của 3 thổ châu Bằng Tường, Hạ Thạch Tây [trang 119] và Thượng Thạch Tây [trang 113 ] thành Bằng Tường thị, thuộc tỉnh Quảng Tây.

 

Các quan ải tại thổ châu Bằng Tường (1)

 

Trấn Nam Quan : tại phía nam châu 40 lý [23 km], đông bắc đến trấn Nam Quan 10 lý [5.8 km], cách Thấu Thôn, châu Văn Uyên, An Nam 20 lý [11.6 km]. Dùng 10 tên lính doanh Kỳ Ðộc, 1 Ải mục, 5 Thổ binh, 19 Thổ dõng để phòng thủ.

Ải Ba Khẩu : tại phía tây nam châu 10 lý [5.8 km], phía bắc đến ải Nam Quan 50 lý [29 km], cách thôn Bản Bái, châu Cầm Loan, An Nam 7 lý [4 km]. Dùng 5 tên lính doanh Kỳ Ðộc, 1 Ải mục, 5 Thổ binh, 12 Thổ dõng phòng thủ.

Ải Bình Công : tại phía bắc châu 40 lý [23 km], nam đến ải Kháng Anh 10 lý [5.8 km], cách quan ải Bình Nhi, Long Châu 17 lý [9.8 km], cách thôn Na Dân, châu Thất Nguyên (2) An Nam 10 lý [5.8 km] ; dùng 5 tên lính tại doanh Kỳ Ðộc, 1 viên Ải mục, 5 tên Thổ binh, 12 tên Thổ dõng để phòng thủ.

Ải Quyên Thôn : phía tây châu 20 lý [11.6 km], cách thôn Bình Phần, châu Thoát Lãng (3), An Nam 5 lý. Dùng 5 tên lính tại doanh Kỳ Ðộc, 1 viên Ải mục, 5 tên Thổ binh, 12 tên Thổ dõng để phòng thủ.

Ải Kháng Anh : phía tây châu 30 lý [17.4 km], cách thôn Bình Phần An Nam 5 lý [2.9 km] ; dùng 5 tên lính tại doanh Kỳ Ðộc, 1 Ải mục, 5 Thổ binh, 12 Thổ dõng để phòng thủ.

Ải Bà Long : phía tây châu 10 lý [5.8 km], cách thôn Bản Tán, châu Cầm Loan, An Nam 20 lý [11.6 km] ; dùng 5 tên lính tại doanh Kỳ Ðộc, 1 Ải mục, 5 Thổ binh, 12 Thổ dõng để phòng thủ.

Ải Khôn Long : tại phía nam châu 30 lý [17.4 km], cách thôn Na Bình, An Nam 15 lý [8.7 km] ; dùng 5 tên lính tại doanh Kỳ Ðộc, 1 Ải mục, 5 Thổ binh, 12 Thổ dõng để phòng thủ.

 

Ðặc điểm núi sông và địa vực quan trọng :

 

Núi Pha Cán : tại phía tây châu Bằng Tường 2 lý [1.1 km], có 6 ngọn núi nhọn.

Trấn Nam Quan : phía tây nam thổ châu Bằng Tường có trấn Nam Quan còn có tên là Giới Thủ Quan, đây là cửa khẩu thứ nhất từ An Nam vào ; hai bên trái phải dựa núi có pháo đài, phía đông là Thụ Hàng Thành, phía bắc là Bắc Bình Quan, nam là Ải Nam Quan. Phía trái và phải có núi đá cao đến tận mây, ở gia đặt quan ải, hai bên có thành dài 119 trượng [380.8 mét] ; ngoài quan ải 30 lý [17.4 km] tức quán dịch Pha Luỹ là con đường vào cống của An Nam.

Ðộng Bằng Tường : nay thuộc châu lỵ Bằng Tường. Khảo về dân Thổ, vào thời đầu Hồng Vũ viên Thổ quan Lý Thăng nội phụ, vào năm thứ 18 [1385] giao cho con Thăng là Ứng Thanh chức Tri huyện thế tập, vào thời Minh Gia Tĩnh thấy huyện tại vị trí xung yếu với Giao Chỉ nên thăng thành châu, nhà Thanh cũng theo như vậy, đặt lưu quan tại châu để phụ tá.

 

Những nét lịch sử về thổ châu Bằng Tường có liên quan đến Việt Nam :

 

1. Dưới thời vua Trần Thái Tông [1242] quân Mông Cổ tại Vân Nam thường đi tuần đến tận 2 châu Ung [Nam Ninh], Quảng [Quảng châu], ngăn cản đường đi cống nhà Tống. Nhà vua bèn sai Trần Khuê Tĩnh mang quân chiếm châu Bằng Tường để thông đường sang nhà Tống :

Khi ấy, nước Mông Cổ lấy được Vân Nam, quân của Mông Cổ đi tuần hành đến châu Ung, châu Quảng nhà Tống, thành ra nơi quan ải bị nghẽn đường. Sứ bộ nhà Trần phái sang bên Tống, được đi độ bốn người, chỉ được đem giấy tờ đi theo, còn lễ cống thì niêm phong lại đưa đến biên giới, do quan địa phương chuyển đệ về triều, nhưng cũng không lần nào đệ về được đầy đủ. Vì thế, nhà vua sai Trần Khuê Kình đem quân đi trấn ngự, đánh chiếm đất Bằng Tường, để lấy đường thông sang nhà Tống ”  (4).

2. Mở đầu việc xâm lăng nước ta, quân Minh xuất phát từ châu Bằng Tường, vượt qua ải Pha Luỹ, rồi lệnh đạo quân tiền tiêu tấn công Ải Lưu thuộc tỉnh Lạng Sơn :

Ngày 9 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [19/11/1406]

Ngày hôm nay bọn chinh thảo An Nam Hữu Phó Tướng quân Tân thành hầu Trương Phụ điều quân xuất phát từ Bằng Tường, vượt quan ải Pha Lyỹ hướng vào An Nam tế cáo sông núi nước này :

Giặc họ Lê giết vua, bạo ngược với dân, tội lớn như biển.

Rồi sai Đô đốc Đồng tri Hàn Quan đóng quân tại quan ải ; đôn đốc quan binh các xứ tại tỉnh Quảng Tây vận lương, sửa đường, chặt cây làm cầu. Lệnh du binh trinh sát, sai bọn Ưng Dương Dương Tướng quân Đô đốc Thiêm sự Lữ Nghị mang đạo quân tiền tiêu đến Ải Lưu. Chổ này lực lượng giặc hơn 3 vạn tên dựa vào núi đóng trại, đào hào đắp luỹ ; chúng bắn tên độc, lăn đá, chặt cây cố thủ. Lữ Nghị đốc quân tiến công, dùng thuẫn để che, xông lên ; chém 40 thủ cấp, bắt sống hơn 60 tên, số còn lại bỏ chạy. Đại quân vượt ải, rồi cho binh chiếm giữ. Trương Phụ lãnh ý Thiên tử, truyền hịch cho quan lại và quân dân An Nam…” (Minh Thực Lục v. 11 tr.866-871; Thái Tông q. 60, tr. 1a-4a)

3. Nhân bọn giặc cướp tại châu Bằng Tường thường sang quấy phá nơi biên cảnh, vua Lê Thánh Tông cho mộ lính đi đánh dẹp :

Giáp Ngọ [1474] tháng 9, mùa thu. Mộ quân đi đánh Sơn Nam.

Trước đây, Sơn Nam ở châu Bằng Tường nhà Minh lấn cướp dọc biên giới Lạng Sơn, nhà vua định mệnh “chinh man” gồm 10 điều, sai quân đi đánh, đuổi ra ngoài quan ải. Đến đây, Sơn Nam lại quấy rối nơi biên cảnh, nhà vua cho chiêu mộ quân và dân, người nào tình nguyện tùng chinh, thì tháng 10 sẽ xuất phát. (5)

4. Nhân viên Ðề đốc Quảng Tây tâu trình việc An Nam mang quân chiếm cứ đất đai tại châu Bằng Tường, vua Hiến Tông nhà Minh ban sắc dụ Tổng binh, cùng quan lại tại Ung châu [Nam Ninh] tìm phương sách phòng ngự nghiêm nhặt :

Ngày 21 tháng 4 năm Thành Hóa thứ 4 [12/5/1468]

Đề đốc quân vụ Đô Ngự sử Hàn Ung tâu trình :

Nước An Nam tập trung quân hơn 1000 tên lập đồn, đào hào ; chiếm cứ đất đai thuộc huyện Bằng Tường  tỉnh Quảng Đông.

Thiên tử ban sắc dụ Ung, cùng quan Tổng binh trấn thủ bàn bạc sách lược lâu dài và nghiêm nhặt đôn đốc quan binh phòng ngự. (Minh Thực Lục v. 41, tr. 1076-1077; Hiến Tông q. 53, tr. 6b-7a).

Vào năm sau vua Lê Thánh Tông dâng biểu tâu về việc các Thổ quan tại phủ Trấn An và châu Khâm thường mang quân vượt biên quấy phá ; nhưng vua Hiến Tông nhà Minh nghe lời bầy tôi, cho rằng An Nam tố cáo như vậy nhắm che giấu hành động xâm chiếm tại huyện Bằng Tường và dung túng người vượt biên lấy ngọc trai tại Quảng Ðông :

Ngày 29 tháng 8 năm Thành Hóa thứ 5 [4/10/1469]

Quốc vương An Nam Lê Hạo tâu rằng Thổ quan phủ Trấn An, Quảng Tây Sầm Tổ Đức ; bọn Phong Lão, Hoàng Tĩnh Nam, thuộc châu Khâm, Quảng Đông vượt biên giới quấy phá. Sự việc đưa xuống bộ Binh bàn bạc ; bọn Thượng thư Bạch Khuê tâu rằng :

Nước này vô cớ tập trung người xâm chiếm đất biên giới tại huyện Bằng Tường, Quảng Ðông, lại dung túng vượt biên ăn trộm ngọc trai ; nay tâu như vậy là muốn che tội. Xin mệnh Tổng binh Lưỡng Quảng điều tra sự thực để xử lý. Vẫn nên sắc cho Quốc vương nước này tuân theo luật lệ, giữ gìn lãnh thổ, không buông thả cho bọn gian sinh sự.

Thiên tử chấp thuận. (Minh Thực Lục v. 42, tr. 1385-1386; Hiến Tông q.70, tr. 6a-6b)

5. Vua Lê Thánh Tông dâng biểu tố cáo rằng Sứ thần An Nam thường bị các Thổ quan tại Bằng Tường, Long Châu sách nhiễu làm đình trệ ; quan lại địa phương Quảng Ðông tố ngược rằng An Nam mang nhiều hàng hóa, địa phương không cung cấp đủ người vận tải nên sinh oán, nên vua Hiến Tông ra sắc mệnh cấm mang nhiều hàng hóa riêng :

Ngày 9 tháng 3 năm Thành Hóa thứ 14 [11/4/1478]

Sắc mệnh cấm Sứ thần An Nam mang quá nhiều hàng hóa riêng. Trước đây Quốc vương An Nam Lê Hạo tâu rằng các Bồi thần nước này đi triều cống qua các huyện Bằng Tường, Long Châu thuộc Quảng Tây ; thường bị các Thổ quan như Lý Quảng Ninh, Triệu Nam Kiệt yêu sách, làm đình trệ. Viên Bồi thần Trần Cẩn cũng tâu như vậy. Thiên tử sắc dụ các quan coi địa phương  xem xét. Bọn họ tâu rằng mới đây An Nam triều cống mang hàng hóa rất nhiều, tại biên giới dân ít không đủ người để vận tải, nên gây oán. Đem việc này xuống cho bộ Lễ bàn, rồi tâu lên :

Nước này đưa nhiều Sứ thần triều cống, mang hàng hóa riêng để kiếm lời, riêng làm khổ dân biên cảnh, xin nghiêm cấm bớt.

Bởi vậy nên có mệnh này. (Minh Thực Lục v. 46, tr. 3173-3174; Hiến Tông q. 176, tr. 5a-5b)

Tuy thế nhưng vấn đề Cống sứ qua lại quan ải tại huyện Bằng Tường cũng không được cải tiến, sự tranh chấp xẩy ra khiến cho 1 viên Thông sự [Thông dịch viên] bị chết ; nên Tổng đốc Lưỡng Quảng phải dâng biểu xin sửa đổi tại các quan ải cho tốt hơn :

Ngày 19 tháng 2 năm Vạn Lịch thứ 11 [12/3/1583]

Tổng đốc Lưỡng Quảng Thượng thư Trần Thuỵ, Tuần phủ Quảng Tây Thị lang Quách Ứng Sính dâng biểu gồm 3 điều bàn về việc làm tốt trong tương lai tại các quan ải như Bằng Tường.

Trước đó Thông sự Phạm Khả Cữu hộ tống Sứ thần Di An Nam về nước. Đến Bằng Tường Thổ quan Lý Đức Thắng đòi lễ vật, việc này dẫn đến người Di cãi cọ ; tranh đọat hỗn độn, Phạm Khả Cửu bị mất văn thư, rồi viên này tự tử. Tuần Án Quảng Tây điều tra ; Đức Thắng chết trong tù, nhân viên tại địa phương bị trừng trị có sai biệt. Nay xin trình bày những việc cần làm tốt trong tương lai :

- Có hai đường thuận lợi cho người Di vào cống là Hải Bắc thuộc tỉnh Quảng Đông, và Tả Giang  thuộc tỉnh Quảng Tây ; nên sức địa phương nghiêm phòng.

- Bằng Tường quá gần dân Giao, không tiện đặt trụ sở cho lưu quan ; tộc Lý Nhân tại đây coi việc châu đã lâu, vẫn cho châu này lệ thuộc vào phủ Tư Minh.

- Việc tống tặng quà của người Di gây rắc rối ; phải nghiêm khắc cấm chỉ.

Thiên tử chấp thuận. (Minh Thực Lục v. 102, tr.2485-2486; Thần Tông q. 133, tr. 9a-9b)

 

 

2. Thổ châu Thượng Thạch Tây [上石西]

 

Thổ châu Thượng Thạch Tây tại phía tây nam phủ lỵ Thái Bình 170 lý [98 km], đông sang tây 33 lý [19 km], nam chí bắc 25 lý [14 km] ; phía đông cách địa giới thổ châu Hạ Thạch Tây 3 lý [1.74 km], tây cách địa giới châu Văn Uyên, An Nam 30 lý [17 km] ; nam cách địa giới thổ châu Bằng Tường 5 lý, bắc cách địa giới ty Hạ Long 20 lý [11.6 km]. Phía đông nam cách địa giới thổ châu Bằng Tường 4 lý [2.3 km], tây nam cách địa giới thổ châu Bằng Tường 12 lý [6.9 km], đông bắc cách địa giới thổ châu Hạ Thạch Tây 3 lý [1.7 km], tây bắc cách địa giới châu Văn Uyên, An Nam 25 lý [14 km]. Ðời Ðường đặt châu ky my Thạch Tây thuộc Ðô đốc phủ Ung châu, Tống thuộc đạo Tả Giang, sau đó gọi là Thượng Thạch Tây thuộc trại Vĩnh Bình ; Nguyên thuộc lộ Tây Minh, Minh thuộc phủ Tây Minh năm, Vạn Lịch thứ 38 [1610] thuộc phủ Thái Bình ; nhà Thanh y theo. Dưới thời Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc thuộc Bằng Tường thị, có một phần thuộc huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây ; hiện nay tại Bằng Tường thị còn có trấn mang tên Thượng Thạch.

 

Các quan ải tại châu Thượng Thạch Tây (6)

Ải Do : cách châu Thượng Thạch Tây 30 lý, tên địa phương là Hốt Trúc Căn, tiếp châu Văn Uyên An Nam, có quân phòng thủ ; nay giáp với thôn Pò Nhủng, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Năm Ung Chính thứ 10 [1732] đặt quan binh Ðội mục phòng thủ. Năm Càn Long thứ 50 [1785] Phiên vương họ Nguyễn [vua Quang Trung] xin thông thương buôn bán được chấp thuận ; năm Càn Long thứ 56 cho mở ải Do chở hàng buôn bán tại Kỳ Lừa.

Ải Kỳ Môn : cách châu Thượng Thạch Tây 60 lý, tiếp giới với ải Khôn Long châu Bằng Tường 15 lý, nam đến ải Na Hiệu 10 lý ; giáp giới thôn Na Khê, châu Văn Uyên. Dùng 5 tên lính tại doanh Kỳ Ðộc và 5 Thổ dõng để phòng thủ.

Ải Mông Thôn : phía đông nam châu Thượng Thạch Tây 30 lý, lấy 5 tên lính tại doanh Kỳ Ðộc, 5 tên Thổ dõng để phòng thủ.

Ải Áp Môn : phía nam châu Thượng Thạch Tây 42 lý. Ải này dưới núi cao, trước ải có khe bao quanh; ải cách thôn Bà Dung, châu Văn Uyên 5 lý.

Ải Cựu Môn : tại phía tây nam châu Thượng Thạch Tây 45 lý, cách thôn Bà Dung An Nam 15 lý ; dùng 4 quan binh, 4 Thổ binh phòng thủ.

– Ải Na Hiệu : phía nam châu Thượng Thạch Tây 55 lý, cách thôn Bà Dung, An Nam 15 lý ; dùng quan binh 4 tên, Thổ binh 4 tên phòng thủ.

Ðồn Tân Thôn : phía đông châu Thượng Thạch Tây 35 lý ; dùng quan binh 5 tên, Thổ dõng 3 tên để phòng thủ.

 

Ðặc điểm sông núi cùng địa vực quan trọng :

 

Núi Bạch Thạch : tại phía đông châu Thượng Thạch Tây 2 lý [1.1 km], nham huyệt điểm xuyết bởi thạch nhũ, trong núi có động Thấu Thiên.

Núi Cổ Vọng : tại phía tây châu 5 lý [2.9], cao hơn trăm trượng, núi bằng rộng, bốn phía suối chảy nhìn xa hàng trăm lý. Tương truyền nhà Hán đánh Giao Chỉ đóng binh tại núi này.

Sông Tiểu Thuỷ : sông tại phía nam châu Thượng Thạch Tây, nguồn từ biên giới châu Văn Uyên, An Nam. Tiểu Thuỷ hợp với sông từ châu Bằng Tường tại phía nam châu Thượng Thạch Tây, rồi qua châu Hạ Thạch Tây, đến châu Ninh Minh cuối cùng nhập vào sông Minh Giang. Sông hẹp, thuyền bè không đi lại được.

 

Những nét lịch sử về thổ châu Thượng Thạch Tây có liên quan đến Việt Nam

 

1. Những năm đầu thời Càn Long, nhà Thanh chỉ mở 2 cửa quan tại Bình Nhi (7) Thủy Khẩu (8),  để thông thương với Việt Nam, nhưng nhu cầu thương mãi từ châu Ninh Minh, Thượng Thạch Tây đến Kỳ Lừa, Lạng Sơn rất lớn, nên dân buôn vượt qua các đường nhỏ, núi rừng, để chuyển hàng lậu. Tình trạng không thể ngăn cản được nên năm Càn Long thứ 9 [1744] viên Tuần phủ Quảng Tây Thác Dung xin cho mở ải Do Thôn, châu Thượng Thạch Tây để việc buôn bán tại đây trở nên hợp pháp :

Ngày Ất Hợi tháng 6 năm Càn Long thứ 9 [7/8/1744]

Quyền Tuần phủ Quảng Tây Thác Dung lại tâu :

Ba phủ Nam Ninh, Thái Bình, Trấn An tiếp giáp với Di Giao Chỉ ; trước đây đã đặt 3 cửa quan, 100 cửa ải. Qua viên Tuần phủ trước đây là Kim Hồng quy định : hai cửa quan Bình Nhi và Thủy Khẩu, cho phép dân buôn ra vào, trấn Nam Quan là đường đi cống của nước này ; còn lại 100 ải đều bị ngăn cấm. Tuy nhiên trong vòng 3 cửa quan, 100 cửa ải đều có đường nhỏ, nhiều lam chướng độc hại, vết chân người ít khi gặp. Nhưng dân Mèo sinh sống tại nơi này, quen việc vượt núi qua lãnh ; nếu việc tuần tra lỡ bị sơ hốt, bọn gian bèn lén vượt.

Mấy năm gần đây, trong nước An Nam có loạn, viên Tổng đốc tiền nhiệm Sách Lăng tâu xin nghiêm cấm Hán gian ra vào, không cho dân buôn đến nước Di giao dịch, ở lâu tại đất Phiên rồi lấy phụ nữ Phiên. Sau khi thần đến nhậm chức, duyệt đọc án từ, gặp các viên ty, đạo để tìm hiểu, rồi cho lấy gạch gỗ ngăn chặn các cửa ải, lập bảo giáp (9) ; lại xin đem ải Do Thôn, thuộc phủ Thái Bình, do Ðồng tri Minh Giang quản lý, được mở cửa ra vào để tiện cho dân buôn qua lại. Lại cứ theo lời bẩm, dọc theo biên giới một dãy Thập Vạn Sơn kéo dài hơn một ngàn lý, người có thể vin leo mà qua, thực khó cấm chỉ. Thần trước sau lưu tâm hỏi han được biết ải Do Thôn cách châu Ninh Minh 110 lý, dân buôn tại Ninh Minh muốn qua ải này để buôn bán. Nhân vì ải Do Thôn thông với các xứ Lộc Bình, Văn Uyên, Kỳ Lừa thuộc Giao Chỉ, các nơi này là chỗ hàng hóa tụ tập đông ; nếu ra vào tại các cửa quan Bình Nhi, Thuỷ Khẩu phải qua đường vòng mấy trăm lý, hành trình hơn 10 ngày, không bằng đi đường tắt qua Do Thôn cho tiện. Tuy Do Thôn trước đây nghiêm cấm, dân vẫn trèo vượt không thể chấm dứt được. Vả lại Minh Giang có 53 trại Thổ dân, nguyên trước đây do Thổ phủ Tư Minh quản hạt ; dân ngang ngạnh lờn pháp luật, Thổ phủ Hoàng Quan Châu không quản thúc được, bèn chia đất cho các quan lưu động đến cai quản. Vào năm Ung Chính thứ 10, nhập vào châu Ninh Minh quản hạt. Bọn Thổ dân này đều dựa vào gánh hàng hóa sinh sống, nếu ngăn cấm ải Do Thôn, sợ chúng thất nghiệp tụ tập thành thổ phỉ, tìm mọi cách ôm hàng hóa trốn vượt, việc biên phòng trở nên vô ích. Lại hỏi ra vùng ven biển Giao Chỉ, sản xuất muối rất nhiều, không cấm tư nhân làm muối, cho dân phơi ruộng lấy muối rồi bán. Bọn buôn muối nạp 20 đồng tiền, có được một gánh nặng ; khi gánh được đến nội địa 1 cân có thể bán được từ 1,2 đến 5,6 phân bạc. Dân tại biên giới tham lợi đi buôn, nếu gặp quân lính, thì dựa vào đám đông mà cự lại. Hiện tại thông sức các ty, đạo tìm cách cấm đoán ; một mặt cho dân buôn sự tiện lợi, để không sinh ra chuyện.

Nhận được chiếu chỉ :

Lưu tâm như vậy, cứ thực tâu bày, thực đáng khen. Vẫn cần thực tâm liệu biện ổn thoả, nhắm gần với dân tình và bỏ được mối tệ, chiết trung hành động là được.” (Cao Tông Thực Lục quyển 219, trang 22-24)


2. Sau một thời gian ngừng buôn bán với Việt Nam, dưới thời Càn Long thứ 58 [1793] nhà Thanh và nhà Tây Sơn giao hảo ; các quan ải Thuỷ Khẩu, Bình Nhi, Do thôn lại được mở cửa trở lại để chở hàng hóa sang Việt Nam buôn bán :

Ngày 1 tháng 8 năm Càn Long thứ 58 [5/9/1793]

Tuần phủ Quách Thế Huân, quyền Tổng đốc Lưỡng Quảng, tâu :

Việc mở cửa buôn bán [với An Nam] trước đây đã tâu cho phép thương nhân ở hai cửa ải Bình Nhi và Thuỷ Khẩu lập chợ tại phố Mục Mã trấn Cao Bằng ; thương nhân đến ải Do Thôn lập chợ tại phố Kỳ Lừa trấn Lạng Sơn. Mở hai hiệu Thái Hòa, Phong Thịnh, và đặt Ngao trưởng (10), Thị trưởng mỗi chức một người, Bảo hộ, Giám đương mỗi chức một viên. Sau đó theo viên quyền Đồng tri Long Châu là Vương Phủ Đường bẩm báo thì nước này còn lập thêm cửa hàng khác tại vùng Hoa Sơn (11) thuộc trấn Lạng Sơn để thu hút những thương nhân xuất khẩu cửa ải Bình Nhi. Kiểm tra thấy không đúng với tờ bẩm, lập tức viết thư chỉ thị viên Đồng tri ở gần điều tra thêm. Liền so sánh với công văn phúc đáp của Quốc vương như sau : “Các thương nhân xuất khẩu qua cửa ải Bình Nhi, dùng đường thủy đến Hoa Sơn trước, hành trình chỉ hơn hai trăm dặm. Vả lại vùng phụ cận Hoa Sơn thôn trang trù mật, lập thêm phố thị, dân và thương nhân cả hai đều có lợi. Các chức Thị trưởng, Giám đương theo ngạch đã có sẵn tại Kỳ Lừa, chỉ cần phái đến mà thôi. Ngoài ra khách thương ai muốn sử dụng đường bộ đến Mục Mã thì tùy tiện.” Bọn thần tra xét tình hình, áp dụng biện pháp thích hợp tùy theo từng nơi, hiện đã gửi công văn đi, chuẩn cho họ đặt thêm. Xin thông báo để hay biết. (Cao Tông Thực lục q. 1434, tr. 167-168)

 

3. Thổ châu Hạ Thạch Tây [下石西]


Châu tại phía tây phủ lỵ Thái Bình 160 lý [92 km], từ đông sang tây 10 lý [5.8 km], nam chí bắc 13 lý [7.5 km], phía đông cách địa giới châu Ninh Minh 5 lý [2.9 km], tây cách địa giới thổ châu Thượng Thạch Tây 5 lý [2.9 km], nam cách địa giới thổ châu Thượng Thạch Tây 7 lý [4 km], phía bắc đến địa giới ty Hạ Long 6 lý [3.4 km]. Phía đông nam cách địa giới châu Ninh Minh 10 lý [5.8 km], tây nam cách địa giới thổ châu Thượng Thạch Tây 5 lý [2.9 km], đông bắc cách địa giới châu Ninh Minh 7 lý [4 km], tây bắc cách địa giới ty Hạ Long 8 lý [4.6 km].

Ðời Ðường thuộc đất châu Thạch Tây, triều Tống sau năm Nguyên Phong [1078-1084] đặt châu Hạ Thạch Tây thuộc trại Vĩnh Bình, Nguyên thuộc lộ Tư Minh, Minh thuộc phủ Tư Minh sau đó cải thuộc phủ Thái Bình, nhà Thanh y theo. Dưới thời Trung Hoa Nhân dân Cộng Hòa Quốc thuộc Bằng Tường thị, tỉnh Quảng Tây; hiện nay tại Bằng Tường thị có trấn tên là Hạ Thạch.

 

Ðặc điểm núi sông và địa vực quan trọng :


Núi Bạch Lạc : tại phía tây châu Hạ Thạch tây 1 lý [0.58 km], núi cao, cây gỗ xanh um.



Hồ Bạch Thảo

 

 





(1)  Trung Việt Biên Giới Tư Liệu Ðiệp Biên, sđd, từ trang 129-130.

(2)  Châu Thất Nguyên : tương tự với huyện Tràng Ðịnh, tỉnh Lạng Sơn hiện nay.

(3)  Châu Thoát Lãng : tương tự với huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn hiện nay.

(4)  Việt Cương Mục trang 200.

(5)  Việt Cương Mục trang 538.

(6)  Trung Việt Biên Giới Lịch Sử Tư Liệu Tuyển Biên, từ trang 122-123.

(7)  Bình Nhi : quan ải Bình Nhi tại chỗ sông Kỳ Cùng chảy qua biên giới.

(8)  Thủy Khẩu : quan ải Thủy Khẩu tại chỗ sông Bằng chảy qua biên giới.

(9)  Bảo giáp : phép bảo giáp có từ thời nhà Tống, tổ chức gần như nhân dân tự vệ ngày nay.

(10)  Ngao Trưởng : người quản lý kho,vựa thóc, nay gọi là thủ kho.

(11)  Hoa Sơn : chợ Hoa Sơn tại tổng Hoa Sơn, châu Thất Tuyền ; nay thuộc huyện Tràng Ðịnh, tỉnh Lạng Sơn.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss