Nguyễn Cường, thơ như hơi thở
Nguyễn Cường, thơ như hơi thở
Hàn Thuỷ
Tôi quen anh Nguyễn Cường trên mạng facebook, một sự tình cờ không thể ít tình cờ hơn, vì có lẽ facebook được làm ra vì thế, để thiên hạ kết bạn. Hình như tôi bắt đầu trước vì tưởng anh là một người bạn cũ, anh bảo không phải, hỏi tôi là ai? Tôi xin lỗi vì hiểu nhầm, nói đại khái tôi là thế, xin bắt tay anh một cái, anh bảo, được. Anh ở Hải Phòng, tôi ở Pháp, ba bốn năm một lần về VN nhưng lại ít có dịp đến Hải Phòng, chưa hề được hân hạnh gặp anh để cụng ly một cái. Tóm lại, thế thôi.
Khởi đầu thấy anh hay treo thơ trên tường nhà, tôi đôi khi thích thú nhảy vào « còm » một cú ; còn anh, ít khi can thiệp xa hơn dơ một ngón tay cái trên tường nhà tôi. Ừ, trừ ra, có lẽ một vài lần, như lần năm ngoái anh còm trên bài tôi viết về Alexandre de Rhode (lại tình cờ đúng ngày 15-03/2017, hôm qua 15-03, kỷ niệm sinh nhật AdR, facebook nó lại lôi ra cho tôi xem... cái thằng, khôn thiệt!). Ôi chao, lần ấy vui ơi là vui, anh hùng hiệp nữ tụ tập thảo luận túi bụi...
*
Phải nói anh treo thơ rất đều đặn trên tường nhà. Đều đặn như hơi thở, cho nên những bài thơ của anh rất nhiều. Đôi khi tôi có cảm tưởng anh chỉ nói bằng lời thơ, trong mọi dịp của cuộc sống : về khi ngồi hút thuốc, về một cốc cà phê, về đêm Noël, về khi nghe ca Huế... về những nơi anh đi qua, và như mọi người làm văn chương, anh đi nhiều... về ngay cả khi nhìn « chiếc bánh trung thu », hay « những chiếc bu lông chân cầu », hay một cây đàn vứt đi trên vỉa hè... và, dĩ nhiên, về thơ của mình.
Hàng
xóm dọn nhà
vứt ra một đống
tướng
Bàn ghế giường tủ
xe đạp bếp ga
tất cả ép vào
xe rác...
Tôi
nhặt lại cây đàn
Gảy điệu
tình tính tang
rằng ta là kẻ lỡ
làng
Vẫn mải mê say những điều
không tưởng...
Cây
đàn nhặt được (trích)
(Giấc
mơ thường ngày)
Tôi vẫn quan niệm, có ý thơ thì làm thơ, không thì thôi ; chẳng lẽ hết ý rồi sao mà lại làm thơ về thơ ? Nhất là về « thơ tôi » thì lại càng không nên... bởi vậy rất ít khi thích được một bài « thơ tôi ». Dĩ nhiên, có ngoại lệ, đó là về những người thi sĩ « chuyên nghiệp », đúng với nghĩa của chữ « nghiệp », không phải chỉ là « nghề », như đôi khi, với những nhà thơ lớn. Thơ với một người như Nguyễn Cường, lại khác hẳn. Tôi cảm nhận được thơ như là mạng sống, như là hơi thở của anh, lúc nào cũng phải hiện diện trong đầu. Một hiện tượng đối với tôi rất kỳ lạ, bởi thế vẫn theo dõi và đối thoại với anh dù chưa hề gặp. Nhưng, dù hiển ngôn hay không, thơ bao giờ chẳng nói sâu về tâm tính tác giả ; Nguyễn Cường thẳng thắn và khiêm tốn nói về mình và thơ như ẩn dụ vừa trích dẫn; ở đây xin nhấn mạnh từ "ẩn dụ" trong thi pháp Nguyễn Cường.
Trên bề nổi, các bài thơ của anh mô tả một người Việt Nam ngày nay và những gì người ấy làm nhân chứng : một cuộc sống bình thường, đôn hậu, như số đông người Việt Nam. Có khác chăng là, như một người làm thơ, anh mẫn cảm hơn với thời sự mặc dù rất kín đáo, anh tỉnh táo hơn, và nhiều khi buồn. Có lẽ đó là điều khó nhận thấy, và cần nhận ra, để thấy tâm tư và tính phê phán trong bề sâu của hơi thở thơ Nguyễn Cường.
Đó là về nội dung, về hình thức, những bài thơ của Nguyễn Cường thường có những câu kết rất đắc địa, với một ngôn từ bất ngờ như hai câu cuối trong bài « uyển ngữ » dưới đây, người ta sau khi ngẫm nghĩ thấy có lẽ gần cả bài thơ là để chuẩn bị cho cái kết ấy, thế nhưng hơi thơ đi trôi chảy tự nhiên, không hề gò ép. Dưới đây là bài thơ đó, anh đăng trên facebook, phải chăng viết khi nhìn màn truyền hình trước nàng nào đó đang « chém gió » ?
Uyển ngữ
lời
nói dịu dàng uyển chuyển
như
phấn son cho khuôn mặt thêm duyên
nhưng
không thể biến quân trộm cướp
thành
mỹ nhân trong sáng dịu hiền
ta
đang sống trong thế giới thông tin
thật
giả trắng đen rất rõ ràng
câu
chữ lại càng phải chuẩn xác
hay
hớm gì lời nói quàng xiên
mắt
thấy tai nghe chợ chiều nhốn nháo
biết
bao điều giả dối điêu ngoa
mượn
uyển ngữ che giấu phần ma quỷ
khác
chi khuyển ngữ sủa trăng già …
(chép trên facebook),
Còn đây nữa, bài thơ với tựa đề ngắn ngủn và ác liệt "Hèn". Một đối/độc thoại giữa "tôi" và "em", vẫn kết thúc với câu thơ quyết liệt "là vĩnh viễn không còn em nữa...".
Hèn
tôi đã nhận tôi hèn
thì mọi sự khen chê cũng đều vô ích
nếu em lấy tôi làm đích ngắm
ô hô ... em đã nhầm
tôi hèn bởi vô số lý do
có thể không to mồm lớn giọng
có thể không mưu toan hiểm độc
nhưng quan trọng là tôi đã nhận ra tôi
tôi đã nhận ra rồi ... em có hay không
suốt bấy nhiêu năm em bảo tôi giỏi giang tốt đẹp
thực ra tôi chỉ là kẻ bại vong
không nói không nghe không nhìn ... không mọi thứ
có phải vậy nên em cứ mặc lòng huỷ hoại
cho đến khi tôi gục ngã chưa thôi
nhưng hãy nhớ trong cơn đau tôi nhận tôi hèn
là vĩnh viễn không còn em nữa...
(giấc mơ thường ngày)
*
Khi tôi nhận được tập thơ mới nhất của anh « Giấc mơ thường ngày »*, rất mừng và hứa sẽ giới thiệu, không ngờ, thật khó. Tính tình đôn hậu khiến anh chưa bao giờ nhắc với tôi lời tôi đã hứa. Như thế là đã nửa năm. Khó giới thiệu, vì cảm hứng trong tập thơ này là những chuyện thường ngày, xin nhấn mạnh trên chữ « thường », vì thế các bài thơ không có ngày tháng và được tác giả sắp xếp theo thứ tự abc. Một sự đơn giản đầy tự tin và tự chủ, như thể nói : tôi đây, mỗi bài thơ là tôi và cả tập thơ là tôi, lúc nào cũng như thế... vì thế « giấc mơ thường ngày »... không còn là giấc mơ nữa. Đó là Nguyễn Cường, trong từng hơi thở. Nhưng lại càng thêm khó, khi đây chỉ là phần nổi của tảng băng kho tàng thơ của tác giả... vì thế những nhận xét về thi pháp như ở trên chỉ có thể rất phiến diện.
Với một người sáng tác thơ như hơi thở, bạn bảo tôi giới thiệu thế nào ? Vậy xin ngừng ở đây để chép thêm lại vài bài thơ chọn lựa khó khăn trong những bài tôi thích, có lẽ vì lời lẽ nhẹ nhàng thanh thoát, trong tập thơ "Giấc mơ thường ngày".
Chiều nắng tắt
Chiều
nắng tắt đi về miền cỏ nhặt
Cánh
chim bay để lại vết xa mờ
Ta lạc
giữa đôi bờ hoang vắng
Lặng
chìm vào một thoáng hư không...
Đâu
dòng nước chảy về nơi sâu
thẳm
Đâu con đò tìm lại
bến xuân
Bờ lau lách gió đương
thầm thì hát
Khúc nhạc quê
năm tháng phai dần …
Về
đây giữa đồng xanh bát ngát
Chốn
quê nhà một ngả dấu yêu
Còn
vương mãi bờ vai áo bạc
Chút
hương xưa đọng nắng cuối chiều
…
Chiếc bánh trung thu
chiếc
bánh trung thu
bỏ quên trong ngăn tủ
ngày
tháng qua biến thành hòn đá
giấu
trong lòng một khối trầm tư
kể
từ thuở mặt đất còn vuông
vức trong lành
sao không giữ nổi
gốc đa
để cuội già và
những lời dối trá
treo lên trời
như một tấm gương soi
giờ
thì sự ngọt ngào hóa đá
như
thủy chung thuở nào đã hóa vọng
phu
qua thời gian thức tỉnh lòng
người
hay cũng vỡ tan trước những
cơn sống lạ
ta
đã có một thời thơ mộng
ngửa
mặt trông trăng ước vọng bao
điều
bây giờ ta lại bỏ
quên
hạnh phúc nhỏ nhoi giữa đống
đồ kỷ vật …
Tàn thơ
Tôi
cứ lặn ngụp mãi trong hoang tưởng
cái
đáy giếng coi trời bằng vung
cái
hạt sương tự cho mình phản
chiếu cả vũ trụ
cái ao tù
luẩn quẩn khốn cùng...
những
giọt nước trong lành đã hoá
mây bay
tôi đọng lại và tự
hào gần bùn mà chẳng hôi
tanh
ngày ngày mượn câu chữ
múa may
nhưng nào đâu cuộc
sống an lành...
khi
thù hận và tội lỗi giăng
mành
mọi tình yêu đêu cô
đơn trước vành móng ngựa
những
định giá ngàn đời không còn
nữa
câu thơ ơi sấp ngửa ích
gì...
ừ
thì đóng cửa tắt đèn kệ
nắng mưa
kệ số phận đang gào
thét nợ
trong bóng tối tôi thấy
mình trong suốt
chẳng còn gì
ngoài đám xác thơ...
Con Diều
thương
vời vợi
cánh diều bay
tấm thân
nhỏ bé chân mây cuối trời
ngoái
nhìn quê mẹ xa xôi
nào đâu
lối cũ
đâu lời hẹn xưa
con
đò lạc giữa chiều mưa
dòng
sông lạc giữa bốn mùa quanh co
xin
cho
giữ lại đường tơ
con diều
thoát kiếp bơ vơ giữa dòng
Thỉnh thoảng bạn hãy mở « Giấc mơ thường ngày » vào đọc một trang bất kỳ, để nghe hơi thở của một người bình thường không hề bình thường vì phải sống một thời không bình thường, dù với nhịp tim thanh thản, hay tiếc nuối, hay hân hoan, hay có khi nổi giận. Cám ơn Nguyễn Cường.
Hàn Thuỷ
* NXB Thế Giới; Hà Nội, 2017
Các thao tác trên Tài liệu