Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / NGUYỄN DU, người tráng sĩ

NGUYỄN DU, người tráng sĩ

- Phạm Thảo Nguyên — published 21/09/2015 15:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Nhân 22 tháng 9-2015 (10 tháng tám âm lịch), ngày giỗ thứ 195 của Nguyễn Du (từ trần ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn 1820).



Nguyễn Du, Người Tng Sĩ



Phạm Thảo Nguyên



Thuở Trời Đất Nổi Cơn Gió Bụi


Năm 1786 dưới triều Lê Trịnh, Nguyễn Du đã đỗ tú tài, chưa thành danh, lên Thái Nguyên tập ấm chức quan võ Chánh thủ hiệu quân hùng hậu hiệu, từ người cha nuôi họ Hà mới mất. Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 vua Quang Trung đại phá quân Thanh tại Đống Đa. Nhà Lê sụp đổ. Nhà Tây Sơn trị vì. Nguyễn Du cùng một số quan lại nhà Lê không muốn hợp tác với Tây Sơn, bỏ trốn sợ bị truy đuổi. Đó là cái mốc rất quan trọng trong đời thi sĩ : Đang là quan lại nhà Lê, dòng dõi đại thần đầu triều, thành kẻ không nhà phiêu bạt, đói rét. Thi hào nghèo đói tới nỗi phải nhận lòng thương hại của người đời trong bài Khất Thực (Xin Ăn) :`

Cơ hàn bất giác thụ nhân liên                               Đói rét bất ngờ nhận của cho…

Nguyễn Du rời bỏ kinh kỳ chạy về phía nam. Là một cậu chiêu (tên gọi con đại thần nhà Lê) nổi tiếng văn học, thi sĩ chế nhạo mình là người rừng, khi trốn chui trốn lủi trong núi sâu rừng thẳm, giấu gốc tích, lập vườn thuốc trong bài thơ Sơn Cư Mạn Hứng (Sống Trong Núi Cảm Hứng) :

Nam khứ Trường An thiên lý dư                            Nam hướng kinh thành ngàn dậm dư
Quần phong thâm xứ dã nhân                         Người rừng sống giữa núi thâm u
Sài môn trú tĩnh sơn vân bế                                    Ngày yên cửa trúc mây ngàn phủ
Dược phố xuân hàn lũng trúc sơ …                        Xuân lạnh dậu tre vườn thuốc thưa…

Trong lòng lo lắng cho các anh chị em nơi quê nhà :

Cố hương đệ muội âm hao tuyệt                           Các em quê cũ bặt tin tức
Bất kiến bình an nhất chỉ thư
                                Chẳng thấy bình an chẳng được thư.

Xưa nay các nhà biên khảo đều cho rằng sau khi vua Quang Trung phá tan giặc Thanh tại Đống Đa 1789, vua Lê chạy sang Tầu, Nguyễn Du không theo kịp, đã về Quỳnh Côi quê vợ ngay. Tuy nhiên, Đào Duy Anh trong Thơ Chữ Hán Nguyễn Du, trang 373 1 chú thích bài thơ trên : Không rõ lúc này Nguyễn Du ở đâu mà vừa xa Thăng Long vừa xa quê hương. Đúng vậy, bài thơ này cho thấy Nguyễn Du xa quê, xa Thăng Long, hơn nữa còn xác nhận không phải thi nhân đang ở Quỳnh Côi, quê vợ, châu thổ sông Hồng, đất bồi bằng phẳng bên bờ biển, mà đang lẩn trốn trong núi sâu phía nam. Những bài viết khác cùng thời cũng tỏ ra là ông sống một mình cô đơn giữa những người xa lạ, như bài U Cư nói về tâm lý căng thẳng, phải tập nuôi cái vụng dại (vờ vụng dại), giữ ý, e ngại người, đề phòng bị lộ thân thế :

Tha hương dưỡng chuyết sơ phòng tục                Xa quê, nuôi dại đề phòng tục,

       Loạn thế toàn sinh cửu uý nhân                        Thời loạn sống còn, e ngại người…



Bài Bất Mị viết về đời sống trốn tránh nghèo khó một mình có quá nhiều đau khổ, thi sĩ nghe tiếng chầy đập vải huỳnh huỵch nặng nề vẳng lên trong đêm khuya, hiện thực như tiếng chân của cái lạnh, nó thật quá, từng bước từng bước tiến gần người đói rét :

Bất mị thính hàn canh                                                          Mất ngủ nghe lạnh trống canh
Hàn canh bất khẳng tận                                             Lạnh hoài chẳng hết trống canh chẳng tàn
Quan san dẫn mộng trường                                               Quan san dẫn mộng ngút ngàn
Chiêm chử thôi hàn cận                                            Tiếng chầy giục lạnh, lạnh càng gần thêm.

Nỗi niềm đau khổ như sâu bọ, ẩn nấp trong góc sâu kín, nay ùa ra đầy đàn, bò lổm ngổm trong bếp nghèo hoang lạnh, nào giun, nào dế, nào ếch, nào nhái :

Phế táo tụ hà ma                                                            Bếp vắng ếch nhái họp đêM
Thâm đường xuất khâu dận
                                         Góc sâu giun dế bò lên nhà ngoài…

Cùng với nỗi đau tiếc nuối nước non nhà Lê vừa mất, bài Thu Dạ II :

Thiên lý giang sơn tần trướng vọng                            Ngàn dậm giang sơn hoài tưởng nhớ
Tứ thời yên cảnh độc trầm ngâm
                                Bốn mùa sương khói ngậm ngùi đau.

Uất hận đầy lòng, thi nhân muốn theo cách Khuất Nguyên “Hỏi trời” cho ra nhẽ (Bất Mị). Nhưng tội nghiệp thay, làm gì có ông trời nào mà hỏi ! Nguyễn Du hiểu điều đó rõ ràng, chắc chắn như một khoa học gia hiện đại, đưa mắt nhìn thẳng lên trời dõng dạc :

Thiên cao hà xứ vấn ?                                                  Trời cao thăm thẳm hỏi nơi chốn nào?


Luân lạc giang hồ :


Thế rồi, Nguyễn Du bỏ núi sâu, ra sống giang hồ một mình trên sông nước, bãi bờ lau sậy, dưới một mái tranh, hay trên chiếc thuyền nan nhỏ bé manh động dễ ẩn nấp, như Nguyễn Trãi xưa. Nhưng Nguyễn Trãi viết nhiều thơ, bầy tỏ nhiều cảm xúc, về những đêm đậu thuyền cửa biển. Còn Nguyễn Du trái lại, không biết vô tình hay hữu ý, không viết gì về những xúc động thi sĩ với phong cảnh và đời sống sông hồ, như muốn giấu đi, làm mờ nhạt đời sống này đi, đến nỗi người đời gần như không biết đến, không để ý tới (vì an ninh chăng ?). Tuy nhiên chỉ với vài câu thơ nho nhỏ mô tả tâm sự u uất trong hoàn cảnh luân lạc, thi tài vẫn làm người đọc xúc động thâm sâu. Bài Mạn Hứng :

Lữ thực giang tân hựu hải tân…                           Bến sông, bãi biển mãi ăn nhờ…

Rồi Xuân Dạ :

Giang hồ bệnh đáo kinh thời cữu                         Giang hồ bệnh ám dây dưa mãi
Phong vũ xuân tuỳ nhất dạ thâm
                     Mưa gió theo xuân xuyên thấu đêm…

Sống giang hồ dễ kiếm ăn, dễ tránh tai mắt Tây Sơn, dễ liên lạc với anh em bạn hữu. Thực vậy, Nguyễn Du gập lại được Nguyễn Đại Lang, (Đại Lang = “anh lớn”, giấu tên thật), một người thân xưa. Thi sĩ viết hai bài thơ tình cảm sâu nặng tuyệt vời về những lần anh Nguyễn tới thăm và những lưu luyến khi anh từ giã.

Bài thứ nhất Lưu Biệt Nguyễn Đại Lang (Điều Còn Lại Sau Khi Anh Nguyễn từ Biệt) phác hoạ vài nét chấm phá về buổi gặp lại anh Nguyễn nơi rừng liễu : Uống rượu, tâm sự tới khuya. Vậy chắc anh phải thân thiết với thi nhân lắm nên vừa gặp nhau là chuyện trò thâu canh. Hơn nữa còn dám thổ lộ câu chia gan sẻ ruột “nam nhi tu đối kiếm”, về nỗi lòng đau đớn không chịu khuất phục Tây Sơn :

Tây phong quy tụ liễu cao lâm                       Rừng dương tay áo gió lùa bay
Khuynh tận ly bôi thoại dạ thâm
                    Chén biệt cạn đêm tâm sự đầy
Loạn thế nam nhi tu đối kiếm…                   Thời loạn thân trai nhìn kiếm thẹn


Đó chính là Nguyễn Du nhận trách nhiệm của một vị quan võ, hổ thẹn cho mình và cho cả quân đội triều Lê, chưa đánh đã thua trận Đống Đa. Thăng Long bay mất ngay trước mũi, nhanh như một tiếng sét ! Đưa tới việc nhà Lê sụp đổ, và thi sĩ lo việc nước ! Tâm sự phù Lê giữa thời Tây Sơn này, ăn sâu trong lòng thi sĩ, như kim trong bọc, giấu không nổi, tự nó chui ra trong thơ. Thi sĩ phải viết thêm hai ý “bằng hữu” và “Cao sơn lưu thuỷ” (tiếng đàn tri kỷ của đôi Bá Nha, Tử Kỳ) quy Nguyễn Đại Lang vào loại “bạn”, để che đậy cho mình và những “anh Nguyễn” ruột thịt của mình, khỏi bị nghi là kẻ chống đối nhà cầm quyền Tây Sơn :

Cao sơn lưu thuỷ vô nhân thức…                  Non cao nước chảy không người hiểu
Tha hương bằng hữu
trọng phân tâm            Quê người bạn hữu xót chia tay.

Vì vậy trong bài thơ này, “anh Nguyễn” được viết không như một người nhất định nào, mà tượng trưng cho một số bạn hữu, anh em Nguyễn Du, mang lý tưởng “cần vương” tuy không còn tin tưởng gì ở vua Lê, thờ chúa Trịnh nhưng Trịnh không còn, muốn phản Tây Sơn nhưng dân chúng đã quá ngán chiến tranh... Khi anh Nguyễn từ biệt, biết bao thương nhớ : Chỉ còn lại vầng trăng đêm chiếu rọi hai tấm lòng người phía “nam sông” (cùng “giang bắc”, “giang nam” là ba “địa danh” được viết ra trong suốt thời kỳ này) :

Lưu thủ giang nam nhất phiến nguyệt           Còn mảnh trăng khuya vòi vọi chiếc
Dạ lai thường chiếu lưỡng nhân tâm
            Tấm lòng hai kẻ bến nam này


Bài thứ hai là Biệt Nguyễn Đại Lang gồm ba khổ thơ về ba lần tiễn anh Nguyễn trên sông, trong tình thế mỗi ngày mỗi nguy hiểm hơn. Ngay từ cái tên, chữ “Biệt” đã có ý vĩnh biệt, đi biệt, đi không bao giờ trở lại. Ý thơ toàn bài sâu lắng, đậm đặc cảm xúc :

Khổ 1. Lần tiễn đưa thứ 1 :

Ngã thả phù giang khứ                                               Tôi theo sông lênh đênh
Tống quân quy cố khâu
…                                           Tiễn anh về núi cũ

Câu 1 : Ngã thả phù giang khứ : Chỉ một câu thơ 5 chữ đặc biệt này, với hai chữ “thảvà “phùtuyệt chiêu (thả = buông thả, buông trôi ; phù = bồng bềnh, trôi nổi ; phù giang khứ = phù giang + phù khứ), thi hào nói được hết hoàn cảnh và tâm trạng của mình, của người phiêu bạt trên sông không bến đỗ : Tôi buông theo dòng sông lênh đênh mà đi, chuyến đi, hay đời tôi, lênh đênh vô định.

Câu 2 : Tiễn anh về núi cũ. Núi cũ (cố khâu) hai chữ thật nặng tình, chỉ ngọn núi thân yêu cũ của cả hai người (phải chăng là Hồng Lĩnh?).

4 câu sau : lúc này Tây Sơn vừa phá xong giặc Thanh, nước nhà mới tạm yên : trên bờ, người có nơi trú ẩn, dưới nước, cá được tung tăng bơi lội, hươu nai nhẩn nha đi lại trong núi sâu:

Càn khôn dư thảo ốc                                                      Đất trời còn mái tranh.
Phong vũ túc cô chu
                                                       Gió mưa ẩn thuyền lá
Thu dạ ngư long trập
                                                     Đêm thu cá lặn bơi
Thâm sơn mi lộc du
                                                        Núi sâu nai thong thả

Chàng quan võ trẻ còn quá non nớt, thiếu hiểu biết về tình hình chính trị, quân sự, nhất là về sức mạnh của Tây Sơn lúc đó, nên nức lòng hy vọng gập lại anh Nguyễn ở Trung Châu, nơi giữa nước (nếu chiếm lại được Thăng Long !) :

Hưu kỳ bất thậm viễn                                                    Ngày vui chẳng lâu nữa

Tương kiến tại Trung Châu                                          Trung Châu ta gập ta.

Khổ 2 : Lần đưa tiễn thứ 2 :

Tống quân quy cố khâu                                                 Tiễn anh về núi cũ
Ngã diệc phù giang hán
…                                             Tôi, lãng tử nước mây…

Câu 1 : Lập lại câu 2 của khổ 1, “tiễn anh về núi cũ” thắm đậm tình thân thiết. Câu 2 : Còn tôi là kẻ lang thang trên dòng sông vô định (hán = một người hảo hán).

Tình cảm giữa hai người rất dung dị mà sâu đậm, được lột tả bằng hai câu :

Thiên lý bất tương văn                                                  Ngàn dậm không nghe tiếng
Nhất tâm vị thường gián
                                              Một lòng không hề thay

Vào giai đoạn thứ 2 này, nhà Tây Sơn sau những bận rộn về đại thắng Đống Đa 1789, đã có thời gian tổ chức bộ máy chính trị, quân sự. Việc đàn áp những người chống đối có hiệu quả rõ rệt, buộc họ phải chạy dạt đi, tan tác như bầy chim vỡ đàn bay tứ tán :

Dạ hắc sài hổ kiêu                                                        Đêm tối hổ gầm thét
Nguyệt minh hồng nhạn tán
                                      Trăng sáng nhạn xé bầy*

Cho nên :

Lưỡng địa các tương vương                                       Hai nơi cùng mong nhớ,
Phù vân ưng bất đoạn
                                                 Đừng ngừng trôi, hỡi mây !

Tứ thơ mới mẻ lạ thường. Do quá thương nhớ, lo sợ anh Nguyễn gập nguy biến, và chỉ có mây là nguồn lưu chuyển duy nhất, hai người cùng nhìn được để thương nhớ nhau, nên thi sĩ hết lòng mong cầu việc dĩ nhiên nhất trên đời “Xin mây đừng ngừng trôi, để có cảm tưởng anh Nguyễn đang yên ổn. Tình cảm giữa anh em bạn bè của cổ nhân thường rất đằm thắm sâu nặng, hơn cả tình yêu.

Khổ 3 : Sau mỗi lần gặp nhau, anh Nguyễn đều trở về “núi cũ”. Lần tiễn đưa quan trọng trong khổ 3 này viết gọn hơn : “quân quy” (“anh về”, phải chăng là về quê hương?). Đây là thời điểm nguy hiểm nhất của việc cần vương: Giữa thời Tây Sơn hưng thịnh, dân hai nước Việt và Tầu đều quá ngán sợ chiến tranh, chỉ còn một số cựu thần nhà Lê muốn chống Tây Sơn, để “rửa hận nam nhi”. Nguyễn Du khi viết bài này (vài năm sau 1789) đã hiểu nổi dậy là vô ích, biết việc cần vương đã tới bước đường cùng. Lời thơ nói tới “sống chết”, tới “còn mất”, chỉ còn nghĩa khí, tình thâm đọng lại, chia sẻ cùng nhau :

Quân quy ngã diệc khứ                                             Anh về, tôi cũng đi
Các tại loạn ly trung
                                                  Giữa cõi đời loạn ly
Sinh tử giao tình tại                                                      Sống chết tình ở lại
Tồn vong khổ tiết đồng
                                                Được mất nghĩa cùng chia

Cảnh đưa tiễn cuối cùng thật bi hùng, đơn sơ cô đọng như cổ thi, đi tới cái đơn giản tuyệt vời của mỹ cảm : “Tấm cửa liếp mở ra nguyên một đêm trăng, đưa người nón rách ra đi trong gió thu” :

Sài môn khai dạ nguyệt                                                Cửa mở đêm trăng sáng
Tàn lạp tẩu thu phong
                                                  Gió thu nón rách đi

Phần kết buồn thăm thẳm: Cả bầu trời mịt mù u ám! Anh Nguyễn đã “một đi”. Có bao giờ trở lại ?:

Thiên lý bất tương kiến                                                 Ngàn dậm, không thấy nữa
Phù vân mê thái không
                                                  Bầu trời mờ mây che.

Vậy thì anh Nguyễn là ai ?

Tình thương giữa anh Nguyễn và thi nhân quả là rất sâu xa thắm thiết, thắt chặt trong hai bài thơ. Nhìn kỹ lại, Nguyễn Đại Lang có những tính chất tương tự như Nguyễn Quýnh, người anh bạc mệnh của Nguyễn Du. Thực vậy :

Nguyễn Quýnh (1759-1791), còn có tên là Luyện, thọ ấm Mai Nhạc Bá, đỗ tú tài năm 1779, năm 1787 giữ chức quản trấn Tả Đội triều Lê. Hai năm sau khi nhà Lê mất, 1791, Nguyễn Quýnh, cùng nghĩa sĩ Nghệ Tĩnh nổi dậy chốmg Tây Sơn. Bị hiệp trấn Nguyễn Quang Dũng vây ráp phóng hoả đốt làng Tiên Điền, Nguyễn Quýnh bị bắt, không chịu khuất phục nên bị giết 2. Tiên Điền bị san bằng để trừng phạt. Nay người làng còn thuật chuyện quân Tây Sơn lấy mỡ lợn tưới lên dinh cơ họ Nguyễn để đốt cho hết.

Trong bài thơ Bát Muộn, Nguyễn Du kể lại việc nhận được thư báo tin quê. Thi sĩ đọc tin thư âm thầm dưới đèn, khóc “thiên lý lệ”: “…Chinh chiến máu chảy ô uế vẩn đục cả đất trời. Quê hương binh lửa, nói cách khác, đó là : “Nổi loạn tại Tiên Điền, chiến tranh, đốt phá, máu, người chết, nghĩa là : “Cuộc nổi dậy đã bị đập tan, Nguyễn Quýnh bị bắt, bị giết tại Tiên Điền. Tin đó được gửi thẳng tới thi nhân, chứng tỏ Nguyễn Du có liên lạc mật thiết với nhóm nổi dậy Nguyễn Quýnh:

Chỉ uế càn khôn huyết chiến dư …                                   Trời đất đục ngầu huyết chiến loang
Tang tử binh điền thiên lý lệ
                                             Binh lửa quê hương ngàn dặm lệ
Thân bằng đăng hạ sổ hàng thư
                                      Dưới đèn thân thích mấy thư trang

Hai năm sau, 1793, Nguyễn Nễ đưa tiền cho Nguyễn Du và Nguyễn Ức về tu sửa Tiên Điền bị tàn phá. Có thêm cháu Nguyễn Hành đang ở Thanh Chương, Hà Tĩnh tới giúp. Xa quê nhà, luân lạc mỗi người một nơi đã lâu, lần đầu tiên sau chiến tranh được trở về quê, ba chú cháu đã vô cùng đau đớn khi thấy cảnh nhà cửa đổ nát, dinh cơ tan hoang, ngổn ngang nguyên bãi chiến trường năm cũ, bao gồm vết tích nơi hành hình Nguyễn Qúynh. Công việc phải làm là tụ họp dân phu tu sửa toàn thể gia trang từ ngôi từ đường, đến viết hoành phi câu đối thờ, xây lại nhà cửa sơ sài cho con cháu ở, xửa chữa lại Cầu Tiên, chùa Trường Ninh… và chắc chắn còn âm thầm đắp điếm lại mộ phần cho Nguyễn Quýnh. Thật ra, khi nổi dậy bị bắt, bị hành hình nơi đây, Nguyễn Quýnh làm gì có mồ mả, hoạ chăng chỉ được “vùi nông một nấm”. Giữa những mất mát, đau đớn, việc tu sửa dinh cơ cổ xưa của gia tộc bao đời để lại, chú cháu Nguyễn Du dù cố gắng bao nhiêu cũng chỉ là làm giả cái cũ mà thôi.

Xong việc, Nguyễn Du vào Phú Xuân thăm Nguyễn Nễ, cũng là để báo anh rõ tình hình, rồi về thẳng Quỳnh Côi vào cuối năm 1793. Nguyễn Nễ có thơ Tống Tố Như Đệ Tự Phú Xuân Quy Bắc Hoàn, nói rõ việc này. Trên đường về, qua Thanh Hoá tới đèo Tam Điệp, tức Ba Dội, Nguyễn Du đứng trên đỉnh đèo quay lại phía nam nhìn về hướng Tiên Điền. Tình cảm đau xót nhớ tiếc quê cũ người xưa vẫn còn quá sâu đậm, chưa hề nguôi ngoai trong bài thơ Tái Du Tam Điệp Sơn (Lại qua Đèo Ba Dội) :

Hành nhân hồi khán xứ                                                       Quay nhìn về quê cũ.
Vô ná, cố hương sầu
                                                             Mất rồi, sầu ngất ngây.

Học giả Đào Duy Anh trong cuốn Thơ Chữ Hán Nguyễn Du (1983), thường có ý giữ thứ tự các bài thơ như sách cũ, đã in bài Biệt Nguyễn Đại Lang (trang 68) ngay trước bài thơ viết trên đường trở về Quỳnh Côi Tái Du Tam Điệp Sơn 3. Hy vọng thứ tự đó đúng. Như vậy, Nguyễn Du viết bài Biệt Nguyễn Đại Lang trước khi rời Tiên Điền ra về, thậm chí có thể là ngay trong thời gian đang tu sửa Tiên Điền, đắp mộ Nguyễn Quýnh, là lúc xúc động về cái chết của Nguyễn Quýnh dâng cao nhất. Phải chăng vì Nguyễn Đại Lang chính là Nguyễn Quýnh, nên bài thơ tạo cảm xúc mãnh liệt đến thế ? (Trong cuốn Đọc Và Dịch Thơ Chữ Hán Của Nguyễn Du, tôi đã cho rằng bài Biệt Nguyễn Đại Lang được viết vào thời kỳ Hồng Lĩnh cùng với những bài thơ về gia đình : Giang Đình Hữu Cảm, nhớ Cha đã mất ; Ký Mộng, nhớ vợ đã mất ; Ức Gia Huynh, nhớ anh Nguyễn Nễ. Điều này chắc là sai, xin xửa lại).

Ngoài ra, giả thuyết “Nguyễn Đại Lang là một người khác Nguyễn Quýnh”, tình và lý không đứng vững : Nguyễn Quýnh là anh cùng cha khác mẹ của thi hào, anh em một nhà sống chung từ nhỏ, có chung một mối hận, một nỗi mất mát, một cõi lòng, nhất là anh chết vì lý tưởng chung, bi thương, anh dũng như thế, không ai có thể thay thế anh được. Làm sao một thi sĩ tột bực bén nhậy, một tâm hồn chất chứa đầy tình cảm thâm sâu, một lòng thương bao la như Nguyễn Du mà ta biết, vào lúc đắp mộ cho anh trên quê hương yêu quý tang thương tan tành từng mảnh vụn, có thể không viết bài Điếu Anh mà viết về người khác cho được ?

Hơn nữa, nếu bài thơ viết về một nhân vật họ Nguyễn khác không phải là Nguyễn Quýnh, (không nổi dậy, không bị giết ở Tiên Điền) thì việc gì phải dấu dưới tên Đại Lang ? Trong khi với Nguyễn Quýnh, ngay từ ngày đầu tiên anh em được gập lại nhau giữa thời “ly loạn” Tây Sơn, giữa nơi đất khách ẩn trốn, trong bài Lưu Biệt Nguyễn Đại Lang, Nguyễn Du đã không thể gọi anh bằng tên thật, vì phải che giấu tông tích cả hai anh em, (“Hai cậu chiêu con cố tể tướng triều Lêâm mưu phù Lê, phản Tây Sơn. Nếu một người bị lộ thì cả hai cùng bị). Vì vậy dùng một cái tên vô thưởng vô phạt như “Đại Lang” tránh tên thật là điều dễ hiểu. Tới bài thơ thứ hai, thi hào vẫn gọi anh là “Đại Lang” để kỷ niệm sâu sắc quãng đời cùng nhau chung sức, chung lý tưởng phù Lê (Cho dù nhà Lê đã ữa nát từ lâu). Về phần mình , Nguyễn Du vẫn không hề tỏ lộ mình thuộc tổ chức của Nguyễn Quýnh, là điều có thể bị Tây Sơn bắt giam dễ dàng, bất cứ lúc nào.

Vì những lý do trên, chúng tôi cho rằng Nguyễn Đại Lang chính là Nguyễn Quýnh, bài thơ Biệt Nguyễn Đại Lang chính là bài thơ Điếu anh Nguyễn Quýnh. Mà cũng là bài thơ điếu cuộc đời lý tưởng đi “trả nợ nam nhi” của chính Nguyễn Du.

Nguyễn Hành, cùng đắp mộ Nguyễn Quýnh với chú Nguyễn Du, cũng viết một bài thơ Viếng chú Nguyễn Quýnh :

Đại đạo thành nhân mỗi bất đồng                                              Đạo lớn nên người thường chẳng đồng
Lâm nguy khẳng khái nghĩa duy ông
                                          Lúc nguy, nghĩa khí chỉ mình ông
Nhất thân độc nhiệm cương thường trọng
                               Một mình gánh lấy cương thường nặng
Vạn cổ do văn tráng liệt phong                                                  
Muôn thuở vang rền tiếng liệt trung
Cổ thỉ kim triều hà truật bức                                                      
Nhìn lại chuyện xưa đau xót quá
Hồi huy đương nhật thâm thung dung
                                      Nhớ sao ngày trước dáng ung dung
Thống tâm hối nại kinh từ miếu
                                                 Đau lòng chẳng nỡ đi ngang miếu
Độc lạp lưu thành lệ mãn không.
                                               Sáp nến chảy thành lệ ngập không

(Bài này chúng tôi chỉ có bản phiên âm, thiếu chữ Hán, nên nhiều chữ có thể sai, quý vị độc giả nào có bản chính, xin gửi cho chúng tôi, xin đa tạ).

Bây giờ chúng ta có thể nhìn lại cuộc đời Nguyễn Du suốt mười năm gió bụi (từ 1786 tới 1796) với chi tiết Nguyễn đaị Lang” là Nguyễn Quýnh anh thứ tư của Nguyễn Du, người cầm đầu nhóm Phù Lê vùng Nghệ Tĩnh:

Năm 1786, Nguyễn Du rời Thăng Long, lên Thái Nguyên giữ chức chức quan võ Chánh thủ hiệu quân hùng hậu hiệu, tập ấm người cha nuôi họ Hà mới mất. Tháng giêng năm 1789 vua Quang Trung đại phá quân Thanh, Nguyễn Du không theo kịp vua Lê Chiêu Thống chạy sang Tầu, một mình chạy trốn xa Thăng Long vì sợ Tây Sơn truy đuổi. Đang ẩn náu trong chốn giang hồ, luân lạc một mình, bơ vơ xa gia đình, e sợ người lạ, bỗng gặp lại được anh Quýnh. Đó là lần đầu gập lại được gia đình. Nguyễn Du chắc chắn rất vui mừng và từ nay không còn đơn độc nữa. Ta thấy rõ sự thân mật đặc biệt của hai người trong bài Lưu Biệt Nguyễn Đại Lang : Vừa gặp nhau là nói chuyện tâm sự thâu canh, với những ý tưởng sâu xa tận cùng lòng dạ : “nhìn kiếm thẹn”. Từ nay có được người thân hoàn toàn tin cậy, thêm nữa thấy anh đang kêu gọi nghĩa sĩ tụ họp chống Tây Sơn đúng như lý tưởng của mình, chắc chắn Nguyễn Du đồng lòng nhất trí với anh. Sau đó, Nguyễn Quýnh thường đến bàn bạc mưu tính với em, coi em như một người mưu sĩ ở ẩn hay một chi nhánh nghĩa quân để phân tán, che giấu lực lượng. Ta thấy Nguyễn Quýnh rất thương yêu Nguyễn Du, luôn luôn bảo vệ em, tránh mọi nguy hiểm cho em, như chỉ tự mình đi qua cạm bẫy, lưới giăng của Tây Sơn tới nơi em trú ẩn, mà không cho Nguyễn Du về Tiên Điền với mình, dù rất mong muốn.

Trong bài thơ Tiễn Nguyễn Sĩ Hữu Nam Quy, được viết trong thời kỳ gió bụi, sau câu thơ thứ 3, khen ngợi bạn về Hồng Lĩnh, thi sĩ than rằng mình chẳng làm nên việc gì, mà lại không về nhà. Đào Duy Anh giảng : “Nguyễn Du nói mình chưa thực hiện được hoài bão nên chưa có thể về quê Hồng Lĩnh để Nguyễn Sĩ Hữu về trước”. 4

Hồng Lĩnh hữu nhân lai tố chủ                                                   Hồng Lĩnh có người về đứng chủ
Bạc đầu vô lại bất hoàn gia
                                                        Bạc đầu vô lại chẳng về nhà…

Đúng vậy, Nguyễn Du lúc này còn trẻ, mới nổi tiếng danh sĩ về văn chương thơ phú, nhưng còn non nớt về chính trị quân sự. Nguyễn Nể anh cùng mẹ, đang là quan Tây Sơn, khi nhớ thương em luân lạc một mình, làm thơ : Hoài Tố Như Đệ, cũng cho rằng thi sĩ tài cao nhưng chưa có trải nhiệm sống :

Tự hữu lăng vân chí                                                                     Chí cao mây xanh thắm
Hoàn vô thiệp thế tài
                                                                  Tài chưa trải nghiệm sâu

1790 Nguyễn Nễ đi sứ Tầu lần thứ nhất cho Tây Sơn trở về. Nguyễn Du được tin quay lại Bắc Thành (Thăng Long) tìm gặp anh, được anh bao bọc, thi sĩ thường đi lại thăm anh, tuy vẫn ở nhà trọ, sống cuộc đời thanh niên hoạt động ngoài vòng cương toả của Tây Sơn. Lúc này thi sĩ có được những kỳ ngộ như với Nàng Cầm, đệ nhất danh cầm ở Long Thành (Tiểu Dẫn, Long Thành Cầm Giả Ca), và cả nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở Nghi Tàm, Hồ Tây.

Năm 1791, Nguyễn Quýnh trước khi khởi nghĩa chống Tây Sơn ở Tiên Điền, tới bàn bạc, từ biệt Nguyễn Du. Cuộc nổi dậy thất bại, Nguyễn Quýnh bị giết, Tiên Điền bị triệt hạ.

Nguyễn Du vì có liên hệ với Nguyễn Quýnh, sợ Tây Sơn truy bắt, tìm cách lánh về Quỳnh Côi, Thái Bình quê vợ (có thể lúc này ông mới lấy bà họ Đoàn), nương nhờ anh vợ là Đoàn Nguyên Tuấn đang làm quan cho Tây Sơn.

Năm 1793, Nguyễn Nễ trước khi vào Phú Xuân làm việc tại viện Cơ Mật, và sửa soạn đi sứ Tầu lần thứ 2 (1795, 1796), đưa tiền cho Nguyễn Du, Nguyễn Ức và Nguyễn Hành về Tiên Điền tu sửa quê hương bị tàn phá và xây đắp mộ chí cho Nguyễn Quýnh.

Nguyễn Du viết bài thơ bất hủ Biệt Nguyễn Đại Lang khoảng thời gian này. Thi sĩ đã thu góp, tinh giản những lần Nguyễn Quýnh tới thăm bàn việc nước, đúc kết vào ba lần đưa tiễn tiêu biểu. Đây là một bài thơ trác tuyệt đầy tình cảm và nghĩa khí, giản dị mà bi hùng, đơn sơ mà thăm thẳm xuyên qua suốt phần đời phù Lê chống Tây Sơn của cả hai anh em Nguyễn Quýnh, Nguyễn Du.

Năm 1795 bà vợ họ Đoàn bị bệnh mất. 1796 Nguyễn Du rời Quỳnh Côi, dự tính đi theo chúa Nguyễn, việc bại lộ, bị quận công Nguyễn Thận bắt giam, việc chống đối Tây Sơn của Nguyễn Du đã rõ ràng, không cần che giấu nữa. Thi hào viết Mi Trung Mạn Hứng (Hứng trong tù) dùng điển Chung tử gẩy Nam âm, và Trang Tử thơ Việt ngâm, tỏ rõ ý tưởng không bao giờ quên nước cũ, triều Lê xưa, và cõi lòng vô cùng thống khổ vì thương nước thương nhà :

Tứ hải phong trần gia quốc lệ                                                     Bốn bể giãi dầu thương khóc nước

Cuối năm 1796, Nguyễn Nễ đi sứ lần 2 cho Tây Sơn về, tới xin bạn đồng liêu, quận công Thận, vì yêu mến tài thơ phú của Nguyên Du, đã thả thi hào ra sau mười tuần tù ngục (khoảng 100 ngày).

Không sợ bị Tây Sơn truy đuổi nữa, thi hào về ở hẳn Hồng Sơn. Tại đây, Nguyễn Du viết Tạp Thi I. Đây là lần duy nhất, người cựu thần nhà Lê nhận mình là tráng sĩ, một tráng sĩ thua trận, trắng tay, đau khổ ngút trời:

Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên                                               Trắng đầu tráng sĩ khổ trông trời
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên
                                         Việc nước việc nhà hỏng cả đôi.


Đúng ra trong suốt thời gian gió bụi, Nguyễn Du đã sống giang hồ lẩn trốn cần vương với tấm lòng tráng sĩ. Thi hào thực sự tham dự công cuộc phù Lê. Đến lúc mọi việc lỡ cả, mới viết chữ tráng sĩ, đúng vai trò lý tưởng của mình một lần, rồi không bao giờ nhắc lại nữa.


Sau này Nguyễn Hành viết bài Thướng Thúc Phụ Đông Các Học Sĩ (Kính gửi chú Đông Các học sĩ) có nói tới phần đời giang hồ phù Lê này của Nguyễn Du :

Giang hồ, long miếu nhiêu song đạo                                          Giang hồ, đền miếu hai đường đủ.

Giang hồ (tham dự cần vương chống Tây Sơn) và long miếu (= triều vua = làm quan, cho nhà Nguyễn) là hai điều đều đầy đủ (nhiêu = đầy đủ). Ta biết Nguyễn Du làm quan 18 năm đầy đủ, thì giang hồ chống đối cũng tương đương đầy đủ không kém.

Phạm Thảo Nguyên

Trích đoạn bài Nguyễn Du Cuộc Đời Trong Thơ


Phụ Lục


1/ LƯU BIỆT NGUYỄN ĐẠI LANG


留 別 阮 大 郎


西 風 歸 袖 柳 高 林

傾 盡 離 杯 話 夜 深

亂 世 男 兒 羞

他 鄉 朋 友 重 分 襟

高 山 流 水 無 人 識

海 角 天 涯 何 處 尋

留 取 江 南 一 片 月

夜 來 常 照 兩 人 心



Phiên âm:                                                                                          Thơ dịch:


Lưu Biệt Nguyễn Đại Lang Dư Vị                                                  Chia Tay Anh Nguyễn

Tây phong quy tụ liễu cao lâm                                                        Rừng dương tay áo gió lùa bay
Khuynh tận ly bôi thoại dạ thâm
                                                     Chén biệt cạn đêm tâm sự đầy
Loạn thế nam nhi tu đối kiếm
                                                         Đời loạn thân trai nhìn kiếm thẹn
Tha hương bằng hữu trọng phân khâm
                                        Quê người bầu bạn xót chia tay
Cao sơn lưu thủy vô nhân thức
                                                       Non cao nước chảy không người hiểu
Hải giác thiên nhai hà xứ tầm?
                                                       Nào biết đâu tìm chốn nước mây?
Lưu thủ giang nam nhất phiến nguyệt
                                           Còn mảnh trăng đêm vòi vọi chiếu
Dạ lai thường chiếu lưỡng nhân tâm                                            
Tấm lòng đôi bạn bến nam này.





2/  BIỆT NGUYỄN ĐẠI LANG


別 阮 大 郎


我 且 浮 江 去

送 君 歸 故 丘

乾 坤 餘 草 屋

風 雨 宿 孤 丹

秋 夜 魚 龍 蟄

深 山 麋 鹿 遊

休 期 不甚 遠

相 見 在 中 洲



送 君 歸 故 丘

我 亦 浮 江 漢

千 里 相 聞

一 心 未 嘗 間

夜 黑 豺 虎 驕

月 明 鴻 鴈 散

兩 地 各 相 望

浮 雲



君 歸 我 亦 去

各 在 亂 離 中

生 死 交 情 在

存 亡 苦 節 同

柴 門 開 夜 月

殘 笠 走 秋 風

千 里 相 見

雲 迷 太 空



Phiên âm : Biệt Nguyễn Đại Lang                                              Thơ dịch: Biệt Anh Nguyễn

I

Ngã thả phù giang khứ                                                                 Tôi theo sông lênh đênh
Tống quân quy cố khâu                                                                 Tiễn anh về núi cũ
Càn khôn dư thảo ốc                                                                     Đất trời còn mái tranh
Phong vũ túc cô chu                                                                      Gió mưa ẩn thuyền lá
Thu dạ ngư long trập                                                                    Đêm thu cá lặn bơi
Thâm sơn mi lộc du                                                                       Núi sâu nai thong thả
Hưu kỳ bất thậm viễn                                                                   Trung châu ta gặp ta
Tương kiến tại trung châu*                                                         Ngày ấy không xa nữa



II

Tống quân quy cố khâu                                                                Tiễn anh về núi cũ
Ngã diệc phù giang hán**                                                           Tôi, lãng tử nước mây
Thiên lý bất tương văn                                                                 Ngàn dặm không tin tức
Nhất tâm vị thường gián                                                              Một lòng chưa hề thay
Dạ hắc sài hổ kiêu                                                                         Đêm tối hổ gầm thét
Nguyệt minh hồng nhạn tán                                                       Trăng sáng nhạn xẻ bầy
Lưỡng địa các tương vương                                                        Hai nơi cùng mong nhớ
Phù vân ưng bất đoạn                                                                  Đừng ngừng trôi, hỡi mây !



III

Quân quy ngã diệc khứ                                                                Anh về, tôi cũng đi
Các tại loạn ly trung                                                                     Giữa cõi đời loạn ly
Sinh tử giao tình tại                                                                      Sống chết tình ở lại
Tồn vong khổ tiết đồng                                                                Được mất nghĩa cùng chia
Sài môn khai dạ nguyệt                                                                Mở cửa đêm trăng sáng
Tàn lạp tẩu thu phong                                                                  Gió thu nón rách đi
Thiên lý bất tương kiến                                                                Ngàn dậm không thấy nữa
Phù vân mê thái không                                                                 Bầu trời mờ mây che.






1 Đào Duy Anh, Thơ Chữ Hán Nguyễn Du, NXB Văn Hoc, HN 1988, tr 373 chú giải về Sơn Cư Mạn Hứng

2 Đinh Sỹ Hồng, Họ Nguyễn Tiên Điền Và Khu Di Tích Nguyễn Du, Ban Quản Lý Di Tích Nguyễn Du, NXB Nghệ An, 2005, trang 39 về người bắt và giết Nguyễn Quýnh.

 3 Đào Duy Anh, sdd trang 68, Biệt Nguyễn Đại Lang trước Tái Du Tam Điệp Sơn

4  Đào Duy Anh, sdd trang 375 dòng 15,Nguyễn Du cho biết vì chưa thực hiện được hoài bão nên chưa thể về Hồng Lĩnh.

Thơ Việt dịch trong bài này phần nhiều trích trong cuốn Đọc Và Dịch Thơ Chữ Hán Của Nguyễn Du, Thảo Nguyên tức Phạm Thảo Nguyên, 2007, 2009.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss