Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Những con tem Pháp - Việt

Những con tem Pháp - Việt

- Cổ Ngư — published 16/11/2011 00:00, cập nhật lần cuối 23/03/2019 14:37

NHỮNG CON TEM PHÁP-VIỆT


Cổ Ngư



Nếu không kể đến những con tem Đông Dương (Indochine) được nhà nước thuộc địa / bảo hộ Pháp phát hành ở Lào, Cam-bốt, Bắc kỳ (Tonkin), Trung kỳ (Annam), Nam kỳ (Cochinchine) từ 1862 đến 1949, các con tem của bưu chính Pháp có liên quan đế́n Việt Nam và được phát hành rộng rãi, tính từ 1951 đến 2018, chỉ vừa nhỉnh qua khỏi con số hàng chục.

Đầu thập kỷ 50, thế kỷ XX, các con tem hai màu “Maurice Noguès“ 12 francs và “Thống chế de Lattre de Tassigny” với hai giá tiền 15 và 12 francs được bưu chính Pháp phát hành trong các năm 1951, 1952, 1954.

Phi công Maurice Noguès (1889-1934) là người đi tiên phong trong ngành hàng không thương mại quốc tế. Ông mở hãng hàng không Air-Orient năm 1928 và dịch vụ bưu chính Pháp-Đông Dương năm 1930. Trước khi tử nạn máy bay, ông đã lập kỷ lục về tốc độ trong chuyến bay Paris-Sài Gòn. Trên chuyến bay định mệnh do ông cầm lái tại Pháp vào tháng giêng 1934, trong số mười hành khách thiệt mạng, có viên Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier.

Xuất thân từ học viện quân sự nổi tiếng Saint-Cyr, tướng Jean-Marie Gabriel de Lattre de Tassigny (1889-1952) bắt đầu được biết đến từ Đệ nhất Thế chiến. Bị Đức bắt, vượt ngục, trở lại cầm quân, ông là một vị tướng tài trong nhiều trận chiến chống phát-xít ở Đệ nhị Thế chiến. Ngày 08.05.1945, tại Berlin, đại diện nước Pháp, ông ký tên vào hàng ước của nước Đức bại trận. Sau khi chiến tranh kết thúc ở Âu châu, ông đến Đông Dương với chức vụ Cao uỷ rồi nhậm chức Tổng tư lệnh vào năm 1950. Nhưng chỉ hai năm sau, ông qua đời tại Pháp vì chứng ung thư.


Gần ba mươi năm sau ngày phát hành tem “Thống chế de Lattre de Tassigny” giá 12 francs, năm 1982, tem “Kinh đô Huế” bốn màu in hình rồng đá với giá 1,80 franc mới được bưu chính Pháp, đại diện cho tổ chức UNESCO, phổ biến rộng rãi qua hệ thống bưu điện. Người sưu tầm có thể dễ dàng mua loại tem UNESCO (cũng như loại tem Conseil de l’Europe / Hội đồng Âu châu, cũng do bưu chính Pháp đại diện phát hành) ở bưu điện, nhưng không thể gửi thư bằng loại tem này. Chỉ những nhân viên làm việc cho UNESCO mới được dùng các con tem này để dán lên phong bì chứa giấy tờ hành chính của tổ chức rồi gửi đi.


Nằm trong bộ tem “Danh nhân Pháp” của năm 1987, con tem hai màu xanh xám giá 2,20 francs với phụ thu 50 xu (quyên giúp hội Hồng thập tự Pháp) có chân dung bác sĩ Yersin và dòng chữ “Phát hiện trực trùng dịch hạch”. Alexandre Émile Jean Yersin (1863-1943) là một bác sĩ, nhà vi khuẩn học, nhà thám hiểm Pháp-Thụy Sĩ. Là thành viên viện Pasteur, ông sáng lập và là hiệu trưởng đầu tiên của trường Thuốc Hà Nội năm 1902, sau khi khám phá ra cao nguyên Lâm Viên và đặt nền tảng cho việc xây dựng thành phố Đà Lạt năm 1893. Chính ông là người đã đem cây cao-su, cà-phê, nhiều loại hoa, rau, quả ôn đới vào trồng và nhân giống tại Việt Nam. Ông mất ở Nha Trang, sau khi đã cống hiến một phần lớn đời mình cho việc thám hiểm, bào chế thuốc chủng ngừa, nghiên cứu, chữa trị các chứng bệnh vùng nhiệt đới cho người và động vật.

Hai mươi sáu năm sau,  vào tháng 09.2013, để kỷ niệm 150 năm ngày sinh, thêm một lần nữa, bác sĩ Yersin được vinh danh qua bộ tem phát hành chung Pháp-Việt, với hai giá tiền 0,63€, 0,95€ (Pháp) và 2000đ, 18500đ (Việt). Những con tem này được phát hành cùng lúc tại Pháp và Việt Nam. Một tem có chân dung Yersin lúc trẻ, với nền là viện Pasteur ở Paris và hình ông ngồi làm việc trong phòng thí nghiệm. Tem thứ nhì in chân dung Yersin khi lớn tuổi, trên nền là viện Pasteur ở Nha Trang do ông sáng lập và khu trồng cây quinquina để ông bào chế thuốc ký-ninh chống bệnh sốt rét. Cho đến hôm nay, vẫn còn nhiều người dân Nha Trang nhắc đến "Ông Năm" và ngôi mộ của ông ở Suối Dầu. Du khách viếng thăm Đà Lạt thường ghé Lycée Yersin để chụp vài tấm hình lưu niệm.

Ngoài những con tem vừa nêu trên, Đông Dương, Việt Nam, Thuỵ Sĩ và Monaco cũng đã phát hành một số tem có liên quan đến bác sĩ Yersin. Năm 1943, ngay sau khi ông mất, bưu điện Đông Dương đã phát hành bộ tem ba mẫu in chân dung Yersin : màu đỏ nền trắng giá 6 xu, màu nâu nền trắng giá 15 xu và màu xanh lá cây nền trắng giá 1 đồng. Năm 1946, sau khi giành chính quyền, Việt Minh sử dụng lại một số tem Đông Dương và in đè lên mặt tem dòng chữ "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà" bằng mực đen. Trong số các con tem đó, mẫu tem Yersin màu đỏ bị in đè dòng chữ "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà - Bảo Anh + 2 đồng" và mẫu tem màu xanh lá cây bị in đè dòng chữ "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà". Năm 1971, trong bộ "Danh nhân" gồm năm tem do Thuỵ Sĩ (nơi Yersin sinh ra và lớn lên) phát hành, có con tem 10 xu màu nâu in chân dung ông thời trẻ. Ở Việt Nam, những con tem kỷ niệm "90 năm trường đại học Y Hà Nội" và "100 năm ngày Yersin tìm ra vi khuẩn dịch hạch" đã được phát hành năm 1992, 1994 với các giá tiền 5000 đồng và 400 đồng. Sau cùng, con tem "Tàu Yersin" của Monaco giá 1,30€ phát hành năm 2017 giới thiệu đến người yêu tem hình ảnh con tàu nghiên cứu khoa học mang tên Yersin, chuyên về nghiên cứu biển và đại dương.

Những con tem nhắc nhớ đến chiến cuộc Đông Dương, cuối cùng, cũng được phát hành. Năm 1993, con tem “Đài tưởng niệm các cuộc chiến Đông Dương - Nghĩa trang Fréjus” giá 4 francs được ấn hành. Mười một năm sau, 2004, để kỷ niệm nửa thế kỷ ngày thất trận, đến lượt tem “Điện Biên Phủ” giá 0,50 € với hình vẽ ba người lính Pháp, máy bay, những cánh dù và dòng chữ “Tri ân chiến sĩ” được in trên giấy láng nhiều màu.

Ngoài bộ tem bác sĩ Yersin với hai mẫu vẽ-khắc của Yves Beaujard, Pháp và Việt Nam còn có bộ tem phát hành chung năm 2008, giới thiệu cảnh đẹp ở vịnh Hạ Long (Việt Nam) và cửa Bonifacio của eo biển giữa hai đảo Corse (Pháp) và Sardaigne (Ý). Tem in nhiều màu trên giấy láng, giá 0,55€, 0,85€ (Pháp), 14000 đồng và 800 đồng (Việt Nam), hai mẫu vẽ đều do hoạ sĩ Vũ Kim Liên thực hiện. 

Năm 2014 và mới đây, tháng 09.2018, hai con tem "Marguerite Duras" giá 1,10€ và "Pierre Schoendoerffer" giá 1,30€ đã được phát hành.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Marguerite Duras (1914-1996), bưu chính Pháp phát hành con tem nhiều màu in hình bà thời trẻ, lúc còn ở Đông Dương. Marguerite Duras (tên thật Marguerite Germaine Marie Donnadieu) sinh tại Gia Định, lớn lên ở Vĩnh Long, về Pháp sống và tiếp tục học hành sau khi có bằng tú tài. Trong Thế chiến thứ hai, bà gia nhập đảng Cộng sản Pháp và tham gia kháng chiến cùng chồng và người tình. Chiến tranh chấm dứt, bà bỏ đảng Cộng sản, ly dị chồng và kết hôn với người tình. Bà viết tiểu thuyết, kịch và tham gia chuyển thể kịch bản phim, viết đối thoại phim, đạo diễn, thực hiện phim. Tiểu thuyết "L’Amant" ("Người tình") xuất bản năm 1984, đoạt giải thưởng văn chương quan trọng Goncourt của Pháp, thuật lại quãng đời niên thiếu của bà tại Việt Nam, sau đó được Jean-Jacques Annaud dựng thành phim năm 1992, với bối cảnh là vùng sông nước Cửu Long và đường phố Chợ Lớn, Sài Gòn.

Cũng nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của nhà văn, nhà báo và nhà làm phim Pierre Schoendoerffer (1928-2012), con tem có chân dung ông thời làm phóng viên chiến trường trên nền thung lũng Điện Biên vừa đến tay người sưu tầm tem. Sau khi bị bắt và được Việt Minh trả tự do năm 1954, ông đi khắp thế giới, làm phóng viên nhiếp ảnh cho các tờ báo nổi tiếng Match, Life, Look và Bunte trước khi quay về Pháp để hoạt động trong các bộ môn văn chương và phim ảnh. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng lớn của hai bộ môn này, trong đó, có giải Oscar (Hoa Kỳ), Fémina (Bỉ) và César (Pháp). Năm 1988, ông được bầu vào Viện Hàn lâm Nghệ thuật Pháp.

Những năm gần đây, các phương tiện truyền thông Việt Nam loan tin : Pháp còn phát hành nhiều bộ tem khác có liên quan đến Việt Nam như "Biển đảo Việt Nam", "Kiến trúc thời Pháp thuộc ở Việt Nam" hoặc "45 năm quan hệ ngoại giao Việt-Pháp". Một số người Việt sưu tầm tem sống tại Pháp cả tin, vội vàng tìm mua, nhưng họ không kiếm đâu ra được những bộ tem này, dù có cất công đến các bưu điện lớn của thành phố có góc bưu hoa, hoặc những nơi đại diện phát hành tem Pháp và có đóng dấu ngày phát hành đầu tiên trên phong bì đặc biệt như "Musée de la Poste" hay "Le Carré d’Encre" ở Paris. Thật ra, đó là những con tem cùng một khổ 35mm x 45mm, in màu trên giấy láng nền trắng, có tính cá nhân, hiệp hội, xí nghiệp, tổ chức…, nên không phổ biến rộng rãi. Ở Pháp, Hoa Kỳ và một số nước khác, cách in tem "riêng tư" này đã có trên 10 năm nay. Để kỷ niệm một sự kiện đặc biệt, người ta lên internet, tìm một nhu liệu ứng dụng (mon timbre à moi : https://boutique.laposte.fr/mon-timbre-à-moi), sau đó gửi hình muốn in tem (chó, mèo, em bé, cô dâu chú rể, huy hiệu, bích chương, nhà cửa, xí nghiệp, phong cảnh…, miễn đừng phạm pháp, như hình cờ phát-xít, ảnh xúc phạm đến thuần phong mỹ tục chẳng hạn) vào nhu liệu, chọn kiểu tem (đứng / nằm),  giá tiền (trong nước / ngoài nước / gửi nhanh / gửi chậm), chủ đề, phông màu trang trí, số lượng tem in trong một bloc, số lượng bloc… Cuối cùng, người muốn in tem trả tiền bằng thẻ tín dụng như mua một món hàng trên mạng và nhận được tem in sau vài ngày. Hiện nay, tại Pháp, Tổng công ty tem quốc gia (Phil@poste) giữ độc quyền dịch vụ này. Ngoài ra, các tổ chức, hiệp hội, xí nghiệp cũng có thể ký hợp đồng với Phil@poste hoặc "Le Carré d’Encre" để in những bộ tem riêng (nhưng vẫn theo khổ 35mm x 45mm) có cách trình bày đặc biệt hơn so với cách in tem qua nhu liệu "Mon timbre à moi", như kiểu Toà Đại sứ Việt Nam tại Pháp đã làm. Vì vậy, nếu muốn có các bộ tem vừa nêu trên, chỉ có thể đến Toà Đại sứ Việt Nam tại Pháp, hoặc các cơ quan có liên hệ xa gần, may ra tìm được. Người sưu tầm tem thực thụ xem những con tem thuộc "collection privée" này không có giá trị, nếu có, chỉ là giá trị tinh thần của một, hay một nhóm người mà thôi.

  

Đôi khi, chỉ cần nhìn vào một con tem, cũng đã thấy lộ rõ sự lừa phỉnh của cả một tập đoàn !


Thiais 10.2018

Cổ Ngư


Tài liệu tham khảo :


http://www.phil-ouest.com/Timbres.php?Cas=Theme&ListeMots=Pays_VietNam&EtOu=&Entier&Ordre=Annee&TitreListe=Timbres%20%C3%A9voquant%20Timbres%20%C3%A9voquant%20le%20Viet-Nam


http://enenvor.fr/eeo_actu/aviation/l_emeraude_des_pilotes_maurice_nogues.html


https://fr.wikipedia.org/wiki/Jean_de_Lattre_de_Tassigny


http://www.thuvientinlanh.org/ls_alexandreyersin/


https://phanxipang.wordpress.com/2013/06/09/nho-ong-nam-yersin-i/


https://www.marguerite-duras.com/Biographie.php


http://www.allocine.fr/personne/fichepersonne-5877/biographie/


http://baoquangninh.com.vn/quoc-te/201711/hinh-anh-bien-dao-viet-nam-len-tem-buu-chinh-phap-2365317/


http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/36063202-phat-hanh-bo-tem-ky-niem-45-nam-thiet-lap-quan-he-ngoai-giao-viet-nam-phap.html


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Biên khảo, Giai phẩm Xuân 2019
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss