Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Những thiên đường mù trên sân khấu Paris

Những thiên đường mù trên sân khấu Paris

- Kiến Văn — published 23/10/2006 15:14, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:17
Kiến Văn đi xem vở kịch Les Paradis Aveugles, do Philippe Malone và Gilles Đào đồng chuyển thể thành kịch nói, từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Dương Thu Hương.

Những thiên đường mù trên sân khấu Paris
     

       
Kiến Văn

Paradis Aveugles      
Muộn còn hơn không : xém chút nữa, Diễn Đàn trở thành "đồng loã" trong im lặng với các nhật báo Pháp (ngoại trừ L'HumanitéLe Parisien Libéré). Tất nhiên, vậy mà không phải vậy : chúng tôi đã thông báo ngày diễn vở kịch nay ngay từ đầu năm. Nhưng do một sự ngẫu nhiên đáng tiếc, những biên tập viên Diễn Đàn ghi mua vé xem kịch đều chọn hai tuần cuối. Kết quả là hôm nay, mới có bài giới thiệu : và khán giả (vùng Paris) chỉ còn đúng 5 buổi (20g, từ thứ ba 24 đến thứ bảy 28.10) để đi xem Les Paradis Aveugles, vở kịch do Philippe Malone và Gilles Đào đồng chuyển thể thành kịch nói, từ cuốn tiểu thuyết cùng tên (1) của Dương Thu Hương.

Những thiên đường mù là một trong những cuốn tiểu thuyết thành công nhất của nhà văn. Có lẽ hiếm thấy trong văn học Việt Nam hai nhân vật nữ sắc nét và đầy ngập như Cô Tâm và bà Quế, cô và mẹ của Hằng. Cô Tâm là hiện thân của người phụ nữ nạn nhân không-chịu-làm-nạn-nhân của cuộc đấu tố trong cải cách ruộng đất đã cướp đi người em trai của mình, để lại cho dòng họ Trần giọt máu duy nhất là Hằng, mà cậu ruột, cậu Chính, lại chính là kẻ đã gây ra cái chết của cha. Nếu ý chí bất khuất giúp cho cô Tâm sống và vượt qua mọi thử thách, cái gì đã giúp mẹ Quế sống còn ? Mất chồng, kẻ giết chồng lại chính là em ruột, cậu em luôn luôn bắt mình "đổi thành phần giai cấp" để chính hắn có "lí lịch trong sạch", bà Quế, đúng như Hoàng Ngọc Hiến nhận xét rất tinh tế, vừa là hiện thân của người phụ nữ, vừa là biểu tượng của Nhân dân - Mẹ, người đã đỡ đẻ cho cuộc cách mạng, và là nạn nhân đau khổ nhất của "cách mạng". Nếu chỉ tóm tắt như vậy, người nào chưa đọc cuốn tiểu thuyết này có thể tưởng lầm Những thiên đường mù là một tiểu thuyết luận đề, nếu không nói là xã luận chính trị, đối nghịch mà y hệt những tiếu thuyết "hiện thực xã hội chủ nghĩa" những năm 1960. Trái lại, Dương Thu Hưong cuốn hút chúng ta bằng tài kể chuyện hiếm có và những trang văn đầy nhục cảm (hãy đọc những trang về món ăn, đặc biệt là vụ xôi gấc, hay bất cứ đoạn tả cảnh gợi hình, đầy âm thanh và chứa chan cảm xúc...)

Có thể khẳng định Philippe Malone và Gilles Đào đã thành công trong việc chuyển thể Những thiên đường mù lên sân khấu, và phải cảm ơn Gilles Đào đã đạo diễn vở kịch với tất cả sự chắc tay, mạnh dạn, sáng tạo mà vẫn trung thành với tác giả tiểu thuyết. Họ đã không đi tìm những "nút kịch tính" giả tạo, mà chỉ cần đan kẽ những xung đột, đối chọi giữa nạn nhân và đao phủ (Hằng và mẹ Quế, mẹ Quế và cậu Chính) giữa nạn nhân thúc thủ và nạn nhân quyết liệt (mẹ Quế và cô Tâm), giữa hiện tại và quá khứ (chuyến tàu hoả đưa Hằng từ một tỉnh nhỏ Liên Xô về Mạc Tư Khoa sau khi nhận được bức điện "cậu Chính ốm nặng", trên sân khấu rạp Le Tarmac, cũng trở thành cuộc hành trình đi ngược thời gian). Đạo diễn đã tránh khỏi mọi cám dỗ "exotique", không cho các nhân vật Hằng (hai diễn viên, đây là một sáng tạo rất đạt của đạo diễn), mẹ Quế, cô Tâm, cậu Chính mặc y phục Việt Nam, buộc họ, bằng diễn xuất, phát âm, biểu đạt cái gì là phổ quát nhất, phi biên giới nhất để cuối cùng, họ vừa rất Việt Nam, vừa là những con người máu thịt, gần gũi với khán giả. Thành công nhất có lẽ là vai Cô Tâm và cậu Chính (hùng hục đấu tố như một Đỗ Mười, nhưng phải nói nhân vật này không thành công lắm ngay từ nguyên tác, vì nó quá giản lược). Vai mẹ Quế thể hiện được nỗi đau của nạn nhân, sự kiên nhẫn của người chị, người mẹ, nhưng đã không biểu đạt được sự vĩ đại đã nói ở trên của nhân vật này (câu hỏi tất nhiên cũng đặt ra : có thể làm được không ?). Đối với người viết bài, hoạt cảnh câm "chia quả táo" giữa vai nam (cậu Chính) và nữ (mẹ Quế) là một "sai lầm mĩ cảm" nghiêm trọng, nhưng theo lời đạo diễn, chính tác giả cũng không phản đối kích thước "loạn luân" (dù là tinh thần) giữa hai nhân vật này. Thôi, chuyện ấy để bàn trong một dịp khác. Hai diễn viên thủ vai Hằng (một diễn viên Pháp, một diễn viên Thái Lan) đã giúp ta vừa theo dõi câu chuyện vừa đi vào thế giới nội tâm của nhân vật : đây là một sáng tạo thành công của Gilles Đào (tên Việt Nam của anh là Đào Ngọc Thơ, cha người Việt, mẹ... quốc tế). Các nhân vật đều sống động, di chuyển trong một thế giới đầy "âm thanh và cuồng nộ" của một thời chưa hẳn là "xa vắng", trong một bầu không khí "nhục cảm" (nhờ những trang mô tả món ăn, như đã nói trên).

Trước khi mở màn và lúc đầu vở kịch, người viết lo lắng liệu khán giả Âu Tây ngày hôm nay có quá xa lạ với thế giới của Những thiên đường mù hay không. Phản ứng của công chúng ngồi đầy rạp Le Tarmac trong khi xem, khi vở kịch kết thúc, cũng như sau đó, quanh bát phở hay đĩa cơm rang ở quán ăn bên ngoài phòng diễn, chứng tỏ nỗi lo ấy vô căn cứ. Một nhận xét lạc quan nữa : sự có mặt của không ít khán giả Việt Nam, hầu hết là giới trẻ (sinh viên du học và sinh viên sinh trưởng ở Pháp).

Kiến Văn


Rạp kịch LE TARMAC (Théâtre de langue française, Parc de la Villette, 211 avenue Jean Jaurès, Paris 19, M° : Porte de Pantin, Parking : Cité de la Musique)
Giữ chỗ : 01 40 03 93 95

www.fnac.com
www.theatreonline.com
www.ticket-theatre.com
Fnac, Kiosques, Crous, Starterplus

Giá vé : 15 € (thường), 10 € (người ở quận 19 và Pantin / cao niên / sinh viên / thẻ Villette hay tập thể)


(1) Dương Thu Hương : Những thiên đường mù, Nhà xuất bản Phụ Nữ, 1988 ; Les paradis aveugles, Editions des Femmes, Paris, 1991 ; Paradise of the Blind, William Morrow, New York, 1993.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Festival de Cannes: Việt and Nam - Film de Trương Minh Quý 22/05/2024 - 25/05/2024 — Palais des Festivals et des Congrès de Cannes, France
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Rencontre avec Alain Ruscio 28/05/2024 18:00 - 20:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville - 79 rue Nationale, Paris 13e
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss