Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Nỗi Đau Thăng Long

Nỗi Đau Thăng Long

- Phạm Thảo Nguyên — published 22/03/2016 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Đọc lại LONG THÀNH CẦM GIẢ CA của Nguyễn Du

Thơ chữ Hán Nguyễn Du


Nỗi Đau Thăng Long


Phạm Thảo Nguyên



Trích đoạn trong Nguyễn Du, Cuộc Đời Trong Thơ

Năm 1813, Nguyễn Du được vua Gia Long thăng Cần Chánh điện học sĩ, làm Chánh sứ đi Trung Hoa triều cống. Được qua Bắc Thành (tên mới của Thăng Long), nhìn lại núi Tản sông Lô hùng vĩ, thi hào vui mừng hào hứng, bộc lộ trong hai câu đầu bài thơ Thăng Long :

Tản Lĩnh Lô Giang tuế tuế đồng
Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long

Núi Tản sông Lô mãi mãi đồng
Bạc đầu còn được thấy Thăng Long

Ôi Thăng Long ! Ôi Thăng Long thành xưa !

Người Thăng Long nào mà chẳng muốn nhìn lại thành xưa, những nơi đẹp đẽ của quá khứ, may ra còn vương lại chút gì chăng ? Thi hào rời Thăng Long năm 1793, dưới triều Tây Sơn, lúc ấy Thăng Long của chàng thanh niên sinh ra và lớn lên tại đất này còn nguyên vẹn :

Này đường về phố cũ. Này đường về ô xưa
Nét xưa ngàn năm mờ phai khi tàn mơ

(Thăng Long Hành Khúc, Văn Cao)

Văn Cao, người thời nay không sinh trưởng tại đây còn nhớ Thăng Long như thế, nữa là người thời xưa, nữa là Chiêu Bẩy Nguyễn Du ! Nhưng, ngay đó với hai câu thực liền sau của bài thơ trên, thi hào đã mở tung sự thật : Thăng Long yêu quý đã bị phá tan, đã biến đổi tàn khốc rồi ! (Hiện nay nhiều nhà khảo cổ đã có kết luận rằng tất cả những dấu tích cuả Thăng Long xưa từ thời nhà Lý đã bị xoá sạch, từ đàn Nam Giao đến các cung điện thành quách…). Đây chỉ là hai hình ảnh đau đớn xuất hiện ngay trước mắt, căn bản đối với thi hào :

Thiên niên cự thất thành quan đạo
Nhất phiến tân thành
một cố cung !

Ngàn năm dinh thự thành đường cái
Một giải thành xây mất cố cung !

Dinh thự ngàn năm (nhà ta xưa ở đó), bây giờ đã bị phá đi xây đường cái đè lên cho xe cộ người vật đi lại suốt ngày đêm rồi. Còn cung điện vua cũ ? Bị đập nát, vùi đi, dựng một bức thành lên trên rồi ! Mà ai phá ? Chính vua nhà Nguyễn chứ ai ! Việc này là do lệnh Gia Long (1806), không phải do chiến tranh. (Lệnh trong thời bình từ một triều đình người Việt, phá tan cả một nền văn hoá dài ngàn năm, do bao nhiêu tổ tiên triều trước xây dựng nên trên đất nước này. Thêm lệnh cấm nói tới Tây Sơn, ngay cả nói tới các chúa Trịnh… nên con dân Lạc Việt thời nay không biết gì hết ! Quên hết dĩ vãng !)

Hơn nữa, theo phong thuỷ, phá thành cũ xây đường cái lên, dựng thành mới đè lên cố cung của vua chúa cũ, là cách yểm đất để vùi dập tất cả tương lai. (Anh Nguyễn Khản, em Nguyễn Ức chuyên về kiến trúc, Nguyễn Du không thể không biết về phong thuỷ). Chắc chắn Nguyễn Du hiểu rõ khi viết ba chữ một cố cung. “Một” nghĩa là vùi lấp, là chìm mất, là chết, là hết, là không còn, là “mai một”.

(Thế mà đi sứ về Nguyễn Du không sợ, dám cho phát hành tập Bắc hành !).

Điểm cuối cùng của những ngày ghé Long Thành xưa là đêm tiệc chiêu đãi sứ đoàn của đương kim tuyên phủ Bắc Thành Nguyễn Huỳnh Đức.

Sau hai mươi năm xa vắng, Nguyễn Du dưới mũ áo quan chánh sứ khâm sai đại thần, bước vào dự đêm đại tiệc chiêu đãi chính ông, người Thăng Long cũ trở về : “ Kế văn, cầm thanh thanh việt, quýnh dị thời khúc, tâm dị chi ” (Bất chợt nghe thấy vút lên một tiếng đàn trong trẻo, khác hẳn các khúc nhạc đương thời) 1.

Ôi, khúc đàn xưa xuất hiện ! Vừa lọt tai, lắng tiếng, lòng người đã tràn ngập nhớ thương ! Ôi, có lẽ nào ! Khúc đàn xưa đang rung lên trong không gian, đang nức nở đánh thức tâm tư sâu thẳm của người nghe, kêu gọi tới nơi tận cùng của ý tứ, của những niềm riêng đã từ lâu im ắng… Người nghệ sĩ Nguyễn Du thưởng thức âm nhạc bằng cả tâm hồn mình, đã nhận rõ từng uẩn khúc : Diễm ảo mà kỳ lạ thay, âm thanh du dương thánh thót kia ẩn giấu giọt lệ tủi hờn. Lập tức trong sâu thẳm lòng ông, tiếng đàn ngày cũ nổi lên cùng tiếng đàn đêm nay ẩn hiện chập trùng : Quá khứ, hiện tại trộn lẫn vào nhau không phân biệt, mang mang đưa người vào cơn mơ siêu thực trong Long Thành chỉ còn là hư ảo. Trong lòng ông hình bóng Nàng Cầm của những ngày xưa cũ hiện về :

Cựu khúc thanh thanh ám lệ thuỳ
Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi
Mãnh nhiên ức khởi nhị thập
niên tiền sự

Giám hồ tịch trung tằng kiến chi…

Khúc xưa thánh thót ẩn lệ rơi
Tai nghe lắng tiếng dạ bồi hồi
Bỗng nhiên nhớ lại chuyện hai mươi
năm về trước
Hồ Giám đêm hát từng thấy rồi 2.

(Tuy lúc này, thi hào còn lầm tưởng rằng người tấu đàn ngồi cuối chiếu đêm nay là người mình chưa từng biết, có hình hài sắc tàn mi úa không trang điểm).

Thật bất ngờ, quá khứ không đợi mà về, trùng trùng không dứt tung lên dạt xuống, dày vò kẻ tha hương vừa trở lại. Tất cả quá khứ hiện tại, hiện tại quá khứ suốt hơn hai mươi năm biến động bỗng như trộn lẫn vào nhau, cùng biểu hiện trong lòng thi sĩ : Quá khứ thời Tây Sơn khi ông lần đầu được nghe khúc đàn do Nàng Cầm tấu, và quá khứ của quá khứ vì khúc đàn đó chính là khúc Cung Phụng của Đại Nội triều Lê xưa. Từ thành quách cơ nghiệp oai hùng của Tây Sơn, với tướng tá hào hoa… thoắt chốc tan tành hết, tiêu tán hết, chỉ còn một nàng đào nương tàn tạ ngồi kia đang tấu khúc đàn xưa làm nhân chứng :

Thành quách suy di nhân sự cải
Kỷ xứ tang điền biến thương hải
Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong 
Ca vũ không di nhất nhân tại 

Thành quách tàn đi, người thay đổi
Bao nhiêu ruộng dâu thành biển khơi
Cơ nghiệp Tây Sơn tan tành hết
Đào nương còn đó, một nàng thôi.

Người nghệ sĩ trong ông rung động theo tiếng đàn, chơi vơi giữa bây giờ và ngày ấy. Sự tinh tế đã lên đến tuyệt đỉnh của cả người tấu nhạc lẫn người nghe. Hình như lúc ấy trong toà thành mới xây, hai người đó đang trùng phùng trong từng tiếng đàn thánh thót tràn ngập xúc động tự ngày xưa.

Đêm hát qua đi, tiếng đàn vẫn lẩn khuất đâu đây trong không gian, và cả trong hồn người lữ khách mới trở về. Khiến quan chánh sứ phải tìm người dò hỏi : “tức kỳ nhân dã” (thì ra người ấy ! x. Tiểu Dẫn, Nguyễn Du). Niềm thương xót dâng trào, mắt thơ đầm đìa những lệ. Kiệt tác văn chương Long Thành Cầm Giả Ca được thi hào viết ra trên đường đi sứ tiếp theo. Bút pháp tuyệt vời của Nguyễn Du như nhẩy múa, như chao đảo. Tiếng thơ vang lên như cơn say :

Thuấn tức bách niên năng kỷ thì 
Thương tâm vãng sự lệ triêm y 

Trăm năm thoáng chốc đáng bao nhỉ
Đau lòng ướt áo lệ trào mi

Hai câu kết là :

Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng
Khả liên đối diện bất tương tri

Đôi mắt trừng trừng không tưởng nổi
Thương ôi, đối mặt chẳng biết gì !

Đúng là trong buổi tiệc Nguyễn Du đã không nhận ra Nàng Cầm, cũng như Nguyễn Du không biết rằng : Chắc chắn Nàng Cầm đã nhận ra Nguyễn Du !

Đêm nay, cô được giáo phường gọi tới đàn giúp vui tiệc chiêu đãi khâm sai đại thần cùng sứ đoàn. Cả thành ai cũng biết, cũng xì xào vì quan chánh sứ là người Thăng Long cũ, con em quan tham tụng, tể tướng thời vua Lê chúa Trịnh xưa, tên là Nguyễn Du ! Ôi chàng trẻ tuổi Nguyễn Du xưa, nếu không phải người tình thời niên thiếu, thì cũng là tri âm của Nàng Cầm thuở ấy. Cuộc đời một đào nương được mấy tri âm ? Làm sao mà quên được ? Phải chăng nàng vẫn trông ngóng đợi chở người tri âm đó từ bấy đến nay ?

Nhưng Nàng Cầm tài giỏi xinh đẹp khả ái ngày xưa, một báu vật vô giả của kinh thành Thăng Long cũ : “ Hoạt tố Tràng an vô giá bảo ” đó, trong đêm tiệc chiêu đãi quan chánh sứ tại Long Thành, đã xuất hiện rất khác lạ như sau dưới mắt Nguyễn Du, trong thơ :

...Tịch mạt nhất nhân phát bán hoa ...
Nhan xấu thần khô hình lược tiểu
Lang tạ tàn mi bất sức trang

...Cuối chiếu có nàng tóc pha bạc
Võ vàng nhỏ bé mặt ủ ê
Sắc tàn mi úa không trang điểm...

Và rõ ràng hơn nữa trong bài Tiểu Dẫn :

Thị kỳ nhân nhan xấu thần khô, diện hắc, sắc như quỷ, y phục tịnh thô bố, bại bôi sắc, đa bạch bổ, mặc toạ tịch mạt, bất ngôn diệc bất tiếu, kỳ trang đãi bất kham giả bất phục tri vị thuỳ hà ” (Người gầy gò, vẻ tiều tuỵ, mặt đen, xấu như quỷ, áo quần toàn vải thô, bạc thếch thêm nhiều mảnh vá trắng, ngồi im ở cuối chiếu, không nói cũng không cười, hình dáng thật khó coi – Đào Duy Anh, sđd – khiến cho Nguyễn Du trông thấy mà hoàn toàn không nhận ra người).

Việc này thật khác thường, xưa cũng như nay, không một đào nương ca sĩ nào khi đi biểu diễn tại các nơi quan khách cấp nhà nước, mà không làm đẹp, không ăn mặc lộng lẫy chải chuốt, mà trái lại dám phục sức lem luốc như thế. Nhất là những mảnh vải trắng vá đụp (!) trên xống áo, hiện ra lồ lộ như đập vào mắt mọi người. Chúng tôi nghĩ rằng giáo phường phải biết trước. Họ đã đồng ý cho phép, hay đồng loã che chở cho Nàng Cầm phục sức như vậy. Nếu không, cô đã không thể đi tới được buổi tiệc, hay bị đuổi ra khỏi dinh ngay từ đầu.

Thêm nữa, Nàng Cầm thật ra chưa hề già ! Thi sĩ gặp cô lần đầu sau khi Tây Sơn đã phá xong trận Đống Đa, chiếm Thăng Long, Nguyễn Nễ đi sứ về,vậy khoảng năm 1790. Lúc đó cô mới được “...tam thất chính phương niên ” (Ba lần bẩy, tức 21 tuổi). Tới lúc này 1813, tức 23 năm sau, cô 44 tuổi, tuổi chín tới của một người đàn bà. Cô là đào nương có tuyệt kỹ chơi đàn nguyệt, nổi tiếng không ai bì kịp. Giáo phường vẫn biết trọng tài nghệ của cô. Cô vẫn được mời đi tấu nhạc. Nếu không được vinh quang như ngày xưa, thì cũng không đến nỗi ba đào lênh đênh. Không có lý do gì làm cô tiều tuỵ nhanh như thế ! Ai cũng biết người đàn bà Á Đông thường trẻ lâu hơn tuổi. Vi vây, phải chăng cô cố ý hoá trang, cố ý ăn mặc như đang để tang Thăng Long ? Phải chăng cô muốn Nguyễn Du biết nỗi đau của người Thăng Long ? của thành Thăng Long ? Hành động của cô như muốn gửi đi một thông điệp. Có thể như sau :

Hỡi chàng thi sĩ ngày xưa nghèo khổ, sống đời giang hồ trốn tránh ngoài bãi sông, được anh ruột làm quan cho Tây Sơn bao bọc che chở. Hôm nay vinh hiển trở về. Nghe tiếng đàn xưa của ta, có nhớ thời xưa, người xưa chăng tá ?

Ngày xưa anh luân lạc phù Lê, bây giờ anh phù ai ? Phù cái triều đình đã đập phá tan tành thành Thăng Long của chúng ta đấy ư ? Anh có biết dân Thăng Long khổ như thế nào không ? ”

Đồng thời, cô là một nghệ sĩ bậc nhất, một người đàn bà nhan sắc, có cá tính rất mạnh (Tiểu Dẫn). Từ khi biết khách chính đêm tiệc là Nguyễn Du, cô muốn đựơc gặp, được thấy lại chàng thi sĩ của ngày xưa. Cô hiểu, đây là một đặc ân tuyệt diệu, một cơ hội đẹp nhất mà cuộc đời dành lại cho cô : Được đàn cho Nguyễn Du, người tri âm xưa cũ nghe một lần cuối trong đời.

Cho nên, cô mang hết tuyệt kỹ, hết lòng mình gửi vào khúc Cung Phụng để tặng người, và cũng để người hiểu nỗi đau Thăng Long, một lần cuối này thôi.

Cho nên, tiếng đàn mới “ nức nở ” nhường ấy, mới “ ẩn lệ rơi ” nhường ấy.

Vì thế, người nghệ sĩ Nguyễn Du, dù chưa nhận ra cô, mới nghe tiếng đàn, đã hiểu thâm sâu, hiểu hồn người tấu nhạc, đã lập tức cảm thấy lòng đầy bi thương (tâm trung bi), với hình ảnh lồng lộng diễm ảo của Nàng Cầm trong quá khứ :

Giám hồ tịch trung tằng kiến chi…

Hồ Giám đêm hát từng thấy người

Và thi hào tiếc nuối tột cùng khi hiểu được người đánh đàn là ai :

Nam hà quy lai đầu tận bạch
Quái để giai nhân nhan sắc suy
Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng
Khà liên đối diện bất tương tri.

Nam hà trở lại ta trắng tóc
Lạ gì người đẹp sắc phai đi
Đôi mắt trừng trừng không tưởng nổi
Thương ôi ! Đối mặt chẳng biết gì !

Đêm hát kết thúc, Nàng Cầm lặng lẽ theo giáo phường ra về. Cô đã thực hiện được điều cô không bao giờ dám mơ ước trong suốt hai mươi năm trời vắng bóng “người ấy” ở Thăng Long. Còn Nguyễn Du, sau khi biết người tấu nhạc chính là Nàng Cầm, đã “cảm thương vô hạn” cô bạn cũ (Tiểu Dẫn). Thi hào viết bài thơ Long Thành Cầm Giả Ca, để lại cho hậu thế chúng ta những câu thơ thần sầu, xúc động nhất tập Bắc Hành, kỳ lạ nhất của văn chương Việt Nam. Năm sau 1814, khi sứ đoàn về nước, Nguyễn Du đã cho phát hành khắp nơi tập thơ Bắc hành 3. Như vậy, Nàng Cầm chắc đã được đọc bài thơ này, đã cảm được sự an ủi vô cùng từ người bạn tri âm ngày xưa cũ. Và nhất là hành động có chủ ý chứng tỏ nỗi đau của Nàng, của người Thăng Long, của thành Thăng Long đã được Nguyễn Du thấy, hiểu, viết ra, kể lại cho người đọc cả nước, và cho hậu thế chúng ta.

Sau đó it năm, Nguyễn Hành khổ hơn chú Du nhiều khi trở về Bắc Thành không còn gập một người quen. Ngỡ ngàng cay đắng thấy mình chỉ là một thằng rách rưới không ai biết đến ngay tại nơi quê hương kinh đô cũ. Nơi đã hoàn toàn thay đổi, không còn tới một vật xưa, trong bài thơ Bắc Thành Lữ Hoài (Tha Thẩn Bắc Thành) sau đây :

Ngã diệc vi hà giả ? 
Tịch liêu lai thử thành 
Nhãn trung vô cố vật. 
Tâm thượng hữu dư tình.

Ta là thằng nào đây ?
Lủi thủi tới thành này
Chẳng thấy một vật cũ
Lòng nặng tình quắt quay…

Với hai câu kết :

Tích niên quý công tử,
Kim dã lão thư sinh.

Năm xưa quý công tử. 
Lão đồ già, ngày nay.


Phạm Thảo Nguyên


Chú Thích
 

1 Nguyễn Du, Tiểu Dẫn, Đào duy Anh dịch, trong Thơ Chữ Hán Nguyễn Du, 1988.

2 Phạm Thảo Nguyên, thơ Việt dịch trong bài viết này đa số trích trong cuốn : Đọc Và Dịch Thơ Chữ Hán Của Nguyễn Du, Thảo Nguyên, 2007, và 2009.

3 Nguyễn Quảng Tuân, Tìm Hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều, trích Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, nxb Khoa Học Xã Hội, Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc học, 2000.

 
 

Phụ lục

LONG THÀNH CẨM GIẢ CA

 

Lời người dịch : bài Long Thành Cầm Giả Ca của Nguyễn Du đã có nhiều bản dịch, phần nhiều theo thể song thất lục bát hay lục bát theo âm hưởng Truyện Kiều, và có một ít bản theo thể thất ngôn trường thiên. Nhưng thời nào vẫn có những tìm kiếm, những cách viết mới, cách hiểu mới, hứng thú mới. Bài dịch này là một thí dụ;

Phạm Thảo Nguyên

 

Ghi Chú : Trước bài Long Thành Cầm Giả Ca, Nguyễn Du có viết một bài Tiểu Dẫn văn xuôi. Trong đó thi nhân mô tả sắc đẹp, tính cách nàng Cầm và những lần ông gặp nàng : ngoài hai lần đầu và cuối tả trong bài thơ, còn có những lần được nghe nàng đàn hát ở nhà Nguyễn Nễ, anh ông, đang làm quan cho nhà Tây Sơn ở Thăng Long. Sau cùng là những xúc động khi gặp lại Nàng Cầm tiều tụy bây giờ, khiến ông làm bài thơ này.


龍城琴者歌


阮攸


1-龍城佳人 
2-姓氏不記清
3-獨擅阮琴      
4-舉城之人以琴名  
5-學得先朝宮中供奉曲
6-自是天上人間第一聲
7-余憶少年曾一見       
8-鑑湖湖邊夜開宴       
9-其時三七正芳年       
10-紅裝晻曖桃花面       
11-酡顏憨態最宜人       
12-歷亂五聲隨手變       
13-緩如疏風渡松林        
14-清如隻鶴鳴在陰       
15-烈如薦福碑頭碎霹靋   
16-哀如莊舄病中為越吟   
17-聽者靡靡不知倦      
18-便是中和大內音       
19-西山諸臣滿座盡傾倒   
20-徹夜追歡不知飽       
21-左拋右擲爭纏頭       
22-泥土金錢殊草草      
23-豪華意氣凌公侯       
24-五陵少年不足道       
25-并將三十六宮春       
26-活做長安無價寶       
27-此席回頭二十年       
28-西山敗後余南遷       
29-咫尺龍城不復見       
30-何況城中歌舞筵       
31-宣撫使君為余重買笑   
32-席中歌妓皆年少       
33-席末一人髮半華       
34-顏瘦神枯形略小       
35-狼藉殘眉不飾妝       
36-誰知就是當時城中
第一妙
37-舊曲新聲暗淚垂       
38-耳中靜聽心中悲       
39-猛然億起二十年前事  
40-鑑湖席中曾見之       
41-城郭推移人事改       
42-幾處桑田變滄海       
43-西山基業盡消亡       
44-歌舞空遺一人在       
45-瞬息百年能幾時       
46-傷心往事淚沾衣       
47-南河歸來頭盡白       
48-怪底佳人顏色衰       
49雙眼瞪瞪空想像       
50-可憐對面不相知      

Long Thành Cầm Giả Ca


Nguyễn Du


Long Thành giai nhân,
Tính thị bất ký thanh.
Độc thiện Nguyễn cầm (1) ,
Cử thành chi nhân dĩ Cầm danh.
Học đắc tiên triều cung trung Cung Phụng khúc
Tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh.
Dư ức thiếu thời tằng nhât kiến,
Giám hồ (2) hồ biên dạ khai yến.
Kỳ thời tam thất chánh phương niên,
Hồng trang yểm ái (3) đào hoa diện.
Đà nhan hám thái tối nghi nhân,
Lịch loạn ngũ thanh tùy thủ biến.
Hoãn như sơ phong độ tùng lâm,
Thanh như song hạc minh tại âm.
Liệt như Tiến Phúc bi (4) đầu toái phích lịch,
Ai như Trang Tích (5) bệnh trung vi Việt ngâm.
Thính giả mi mi bất tri quyện,
Tiện thị Trung Hoà (6) đại nội âm.
Tây Sơn chư thần mãn tọa tận khuynh đảo
Triệt dạ truy hoan bất tri bão.
Tả phao hữu trịch tranh triền đầu,
Nê thổ kim tiền thù thảo thảo.
Hào hoa ý khí lăng công hầu,
Ngũ lăng (7) thiếu niên bất túc đạo.
Tính tương tam thập lục cung xuân,
Hoạt tố Trường An vô giá bảo.
Thử tịch hồi đầu nhị thập niên,
Tây Sơn bại hậu, dư nam thiên.
Chỉ xích Long Thành bất phục kiến,
Hà huống thành trung ca vũ diên,
Tuyên phủ (8) sứ quân vị dư trùng mãi tiếu,
Tịch trung ca kỹ giai niên thiếu.
Tịch mạt nhất nhơn phát bán hoa,
Nhan sấu thần khô, hình lược tiểu,
Lang tạ tàn my bất sức trang,
Thùy tri tựu thị đương thời thành trung
đệ nhất diệu
Cựu khúc tân thanh ám lệ thùy,
Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi,
Mãnh nhiên ức khởi nhị thập niên tiền sự,
Giám hồ tịch trung tằng kiến chi.
Thành quách thôi di nhân sự cải,
Kỷ xứ tang điền biến thương hải,
Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong,
Ca vũ không di, nhất nhân tại
Thuấn tức bách niên năng kỷ thì,
Thương tâm vãng sự lệ triêm y.
Nam hà (9) quy lai đầu tận bạch,
Quái để giai nhân nhan sắc suy.
Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng,
Khả liên đối diện bất tương tri



Dịch thơ


Bài Ca Nàng Cầm Ở Long Thành



Người đẹp Long Thành
Tên họ chẳng ghi lại rõ rành
Giỏi nhất đàn Nguyễn cầm
Người trong thành gọi Nàng Cầm, nên danh
Học được trong cung triều xưa khúc Cung Phụng
Trên trời dưới thế tuyệt vời âm thanh
Nhớ xưa tuổi trẻ từng thấy đến
Bên bờ Hồ Giám đêm tiệc yến
Áo hồng chìm dưới mặt hoa đào
Mới vừa hai mốt mùa xuân điểm
Yêu sao má rượu đỏ hây hây
Thoắt chuyển năm cung tay lướt biến
Tiếng khoan như gió thoảng rừng thông
Trong như đôi hạc kêu đêm không
Mạnh như sét đánh bia Tiến Phúc
Buồn như Trang ốm Việt ngâm nồng
Người nghe say sưa hồn thu hút
Đúng là Trung Hoà Đại Nội Cung Phụng Khúc
Quan khách Tây Sơn thoả thích ngồi ngất ngây
Say sưa mê đắm năm canh suốt
Tả hữu tranh nhau gieo thưởng tiền
Bạc vàng như đất quăng như rác
Hào hoa sang cả át vương hầu
Thiếu niên Ngũ Lăng thấm vào đâu !
Mình nàng ba mươi sáu cung chung đúc
Lung linh vô giá Thăng Long bảo châu
Đêm tiệc đã qua hai mươi năm
Tây Sơn thất bại, ta vào Nam
Gang tấc Long Thành chẳng thấy lại
Nữa là Hồ Giám chiếu ca ngâm
Đêm nay, Tuyên phủ vì ta mở tiệc mua vui, vời ca kỹ
Đầy chiếu đào nương tuổi xuân thì
Cuối chiếu có nàng tóc pha bạc
Võ vàng nhỏ bé mặt ủ ê
Sắc tàn mi úa không trang điểm
Ai biết ngày xưa tài hoa bậc nhất chốn Kinh kỳ ?
Khúc xưa thánh thót ẩn lệ rơi
Lọt tai, lắng tiếng, dạ bồi hồi
Bỗng nhớ chuyện xưa hai mươi năm về trước
Hồ Giám chiếu hát từng thấy người
Thành quách tàn đi, người thay đổi
Bao nhiêu ruộng dâu thành biển khơi
Tây Sơn cơ nghiệp tan tành hết
Đào nương còn đó một nàng thôi
Trăm năm thoáng chốc đáng bao nhỉ ?
Đau lòng ướt áo lệ trào mi
Nam Hà trở lại, ta trắng tóc
Lạ gì người đẹp sắc phai đi
Đôi mắt trừng trừng không tưởng nổi
Thương ôi, đối mặt chẳng biết gì !



Chú Thích


Long Thành là tên gọi khác của thành Thăng Long. Từ khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh, Phú Xuân trở thành kinh đô cả nước, Thăng Long có tên là Bắc Thành.

(1) Nguyễn cầm : Đàn nguyệt.
(2) Giám hồ : Hồ ở khu Quốc Tử Giám, Văn miếu. Xưa kia vùng này có một loạt hồ thông nhau, tổng cộng rộng hơn Hồ Tây. Hiện nay hãy còn di tích hồ Văn thuộc Giám.
(3) Yểm ái : Ám mạo, nghĩa là bị mờ đi
(4) Tiến Phúc bi : Bia chùa Tiến Phúc, Giang Tây, chữ đẹp nổi tiếng, sau bị sét đánh vỡ tan.
(5) Trang Tích : Người gốc Việt, thời Bắc Thuộc, làm quan cho nước Sở, khi ốm vẫn ca ngâm bằng tiếng Việt.
(6) Trung Hoà Đại Nội : Cung điện của các vua nhà Lê xưa, thuộc nội thành Thăng Long, rất huy hoàng tráng lệ. Chắc rằng khi Nguyễn Du còn nhỏ, ông đã được nhìn thấy những cung điện của Thăng Long cổ, trước khi những cuộc chiến tranh tàn khốc xảy ra, nhất là lệnh vua Gia Long phá Thăng Long xây thành mới, 1806.
(7) Ngũ Lăng : Khu mộ nhà Hán, nơi bọn tài tử trẻ tuổi thường đến chơi.
(8) Tuyên Phủ : Quan trấn thủ Bắc Thành.
(9) Nam Hà : Phía nam của sông Cái, sông Hồng, chỉ Thuận Hoá, nơi Nguyễn Du đang làm quan với nhà Nguyễn.



Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Bính Thân
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss