Phát biểu trong Hội thảo 100 năm sinh Nguyễn Đổng Chi
Phát biểu trong Hội thảo kỷ niệm 100 năm sinh Nguyễn Đổng Chi
Nguyễn Huệ Chi
Nhiều người gọi điện và gửi mail hỏi tôi trong Hội thảo về ông thân sinh vào ngày 7-5, tôi có được phát biểu không? Tôi nói Có. Người ta lại giục sao không đưa lên mạng những phát biểu của mình. Tôi trả lời: Đưa lên sợ làm các bạn thất vọng thôi, bởi vì chẳng có gì liên quan đến thời sự cả, chỉ là chuyện thuần học thuật. Thật ra, tôi đã định phát biểu từ buổi sáng vì thấy cuộc Hội thảo quá sôi nổi, đi vào nhiều vấn đề rất hay, nhưng hơi ngại điều mình nói ra sẽ là tiếng nói xuất phát từ "cái nhìn bên trong", không khách quan, nên lại làm thinh không phát biểu. Nhưng đến buổi chiều không khí sôi nổi vẫn không giảm, vì thế phải đứng dậy góp phần.
Thoạt tiên, tôi nói những điều đã trao đổi riêng với Chu Xuân Diên, nhà Folklore học đáng nể, bạn cùng khóa, sau khi nghe phát biểu của anh. Tôi bàn luận lại với Chu Xuân Diên những gì Diên đã không nói hết trong việc GS Đinh Gia Khánh tiếp nhận quan điểm phân loại truyện cổ tích của Nguyễn Đổng Chi. Năm 1957, trong Tập I bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, NĐC phân loại truyện cổ tích thành 3 tiểu loại: 1. Cổ tích thần kỳ; 2. Cổ tích thế sự; 3. Cổ tích lịch sử. Đến năm 1962, ĐGK mới công bố Giáo trình văn học dân gian 2 tập (viết chung với CXD), trong đó ông đánh giá sự phân loại cổ tích của ông thân tôi là "hợp lý hơn cả", nhưng ông lại đề nghị bỏ tiểu loại cổ tích thần kỳ đi, chỉ để lại 2 tiểu loại cổ tích thế sự và cổ tích lịch sử là đủ, vì ông cho rằng 2 tiểu loại sau cũng có đan xen chất thần kỳ. Ông thân tôi đã không trả lời ĐGK nhưng có nói riêng với tôi: Sao lạ thế nhỉ? Chắc anh Khánh mới bước sang nghiên cứu văn học dân gian nên nhầm, vì đã gọi “cổ tích thần kỳ” thì yếu tố thần kỳ phải chi phối cốt truyện về căn bản kia, chứ ảnh hưởng thần kỳ ở một vài tình tiết nào đấy thì đâu có thể nói là là cổ tích thần kỳ được. Thực tế về sau, và cho đến tận nay, quan điểm phân loại của NĐC đã được xác nhận là đúng. Bỏ tiểu loại “cổ tích thần kỳ” để nhập nó vào 2 tiểu loại “thế sự” và “lịch sử” chứng tỏ một cách nhìn hẹp, chưa bao quát đầy đủ đặc trưng của truyện cổ tích thần kỳ trong truyện cổ tích thế giới cũng như Việt Nam. Tôi cũng nói thêm, do Chu Xuân Diên không đọc Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam Q. I cũng công bố cùng năm 1957 nên đã nghĩ NĐC đánh đồng truyền thuyết với cổ tích lịch sử. Thực tế NĐC khu biệt khá thấu đáo 3 thể loại "Thần thoại", "truyền thuyết" và "cổ tích" trong sách trên. Có điều, khi trình bày trong bộ Kho tàng, ông có giới thuyết rõ là vì truyền thuyết không còn bao nhiêu, hình thức lại rất gần cổ tích lịch sử, nên đặt chung cả vào đấy. Thế nghĩa là ông không hề bỏ quên truyền thuyết, trong khi đó thì ĐGK chủ trương không có truyền thuyết như một thể loại trong bộ môn Folklore.
Ý kiến thứ hai, tôi góp thêm với hai bạn Đoàn Lê Giang và Nguyễn Phạm Hùng. Một người coi Việt Nam cổ văn học sử của NĐC là có những phát kiến đi trước thời đại, trở thành mẫu mực để noi theo; một người tỏ ý băn khoăn việc viết văn học sử lấy mốc đầu công nguyên làm mốc khởi đầu, và cũng băn khoăn khả năng viết văn học sử theo thể loại. Tôi cho rằng nên coi Việt Nam cổ văn học sử là một thể nghiệm của một người dám tìm tòi cái mới, và những tìm tòi này chứng tỏ một tinh thần độc lập suy nghĩ, có ý thức tự nhiệm cao. Thế là đủ. Còn nếu muốn nói rõ ra nữa thì NĐC cũng như các nhà văn học sử Việt Nam buổi ấy đã chịu ảnh hưởng rất rõ của Lanson trong cuốn Histoire de la littérature française là cuốn sách có tiếng, in đến lần thứ 9 vào năm 1933 (lần in này có bổ chính của học trò là Tuffaut), vì đây là sách giáo khoa trung học, ai đi học cũng phải đọc nó, và thư viện gia đình tôi trước có một cuốn đúng là in năm 1933). Nhưng ông thân tôi khác người khác ở chỗ quyết không chịu ảnh hưởng máy móc mà tìm ra cái mới của riêng mình. Cái mới đó, bên cạnh những quan điểm mới, chẳng hạn đề cập đến văn học Việt Nam từ đầu công nguyên cho đến thế kỷ X như một chặng đường "phát đoan" [từ Hán-Việt ít thông dụng, có nghĩa là "mở lối, chú thích của DĐ] của lịch sử văn học Việt Nam (ông dùng với liều lượng chừng mực như thế là hợp lý), hay quan điểm phải đưa văn học chữ Hán vào văn học sử (đến nay cũng đã thấy hoàn toàn hợp lý), thì còn có chủ trương phải nhìn nhận văn học theo tiến trình nổi bật lên của từng thể loại tiếp nối nhau, tất nhiên vẫn không bỏ quên tác gia, tác phẩm và khuynh hướng văn học. Nếu xét ở giai đoạn Lý Trần Hồ thì chủ trương này không sai, bởi thế kỷ X và XI ta thấy nổi lên thể thơ "sấm vĩ"; thế kỷ XII và XIII nổi lên thể "thơ thiền" và “ngữ lục thiền”; thế kỷ XIII và XIV thậm chí đến đầu XV nổi lên các thể "cáo hịch". Nắm được điều đó là nắm được một trong những mấu chốt của vận động văn học trong 5 thế kỷ này.
Dẫu sao vẫn phải nhớ, câu chuyện phương pháp viết văn học sử bao giờ cũng là chuyện đòi hỏi đổi mới liên tục, của từng thời đoạn khác nhau. Sau Lanson có Thibaudet vào những năm 1960, chủ trương xem xét tiến trình văn học sử theo "thế hệ nhà văn". Ở miền Bắc bấy giờ thì không ai đọc Thibaudet nữa vì XHCN không được đọc sách ngoại, đặc biệt là sách Âu Tây, đành dừng lại ở Lanson. Còn ở miền Nam đã có ngay Thanh Lãng vận dụng khá sát sườn Thibaudet (ông phân chia văn học Việt Nam cận đại có “thế hệ dấn thân yêu đời”, văn học Trung đại có “thế hệ đối kháng Trung Hoa”...). Nhưng cả Lanson và Thibaudet nay hình như cũng đều đã bị bỏ xa. Năm ngoái tôi từ nước Mỹ trở về hồi tháng 9, có mang theo hai cuốn văn học sử quà tặng của thi sĩ Chân Phương, một cuốn là La nouvelle histoire de littérature française (tôi tạm dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp để gợi nhớ tới cuốn sách của Lanson) và một cuốn tương tự thế về văn học sử Hoa Kỳ và đều do các GS Harvard soạn, công bố những năm giáp ranh thế kỷ XX và XXI. Tuy sách bằng tiếng Anh, tôi chưa đọc được sâu, nhưng cũng có nhìn qua, thấy nhiều điều làm mình choáng váng, chẳng hạn họ coi cuộc nổi loạn của người da đen (1966-1967) là một chương đổi mới của lịch sử văn học Hoa Kỳ, hay sự ra đời của nhạc Pop khoảng một phần ba đầu thế kỷ XX cũng là một chương đổi mới quan trọng khác của lịch sử văn học Hoa Kỳ.
Từ đây, có thể đi đến một nhận định chung: mọi tìm tòi về phương pháp văn học sử đã diễn ra và rồi sẽ còn diễn ra, và nếu đó là sự tìm tòi bám chắc vào đối tượng với tất cả bản lĩnh của một nhà khoa học biết làm chủ đối tượng của mình và chịu trách nhiệm trước cộng đồng bạn đọc về những tìm tòi ấy thì đều rất đáng trân trọng. Bài học của Việt Nam cổ văn học sử là ở chỗ đó.
N.H.C.
Các thao tác trên Tài liệu