Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Phật Triết

Phật Triết

- Vĩnh Sính — published 02/05/2010 20:10, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Chuyện một người Lâm Ấp sang Nhật Bản đã đóng góp về âm nhạc vào thời cổ đại.

ĐÃ TÌM RA TƯ LIỆU VỀ “NGƯỜI LÂM ẤP SANG NHẬT BẢN” VÀO THẾ KỶ VIII
– PHẬT TRIẾT


Vĩnh Sính


Mùa Hè năm 1988, chúng tôi được mời nói chuyện ở Trường Vạn Hạnh. Trưa hôm ấy trời đang nắng ráo bỗng mây đen kịt tự dưng kéo đến, bầu trời tối sầm lại; trong khoảnh khắc một trận mưa như trút nước đổ xuống Sài thành. Người đi nghe vội vã bước vào sảnh đường, có người còn mang áo mưa trong người khiến căn phòng trở nên chật ních. Lúc nói chuyện, chúng tôi cố gắng nói thật lớn để át tiếng mưa. Thầy Thích Minh Châu sau buổi nói chuyện, đến chào hỏi chúng tôi. Thầy hỏi về chuyện một người Lâm Ấp sang Nhật Bản đã đóng góp về âm nhạc vào thời cổ đại. “Nhờ anh khi nào có dịp thì kiếm giùm nghe !” Giọng Thầy chân thành, hồn nhiên và vui vẻ.

Câu chuyện ngỡ đã đi vào quên lãng. Lời dặn dò của Thầy thì chúng tôi chẳng khi nào dám quên. Khổ nổi đi Nhật Bản thì thường xuyên, mà tư liệu thì thành thật chúng tôi không biết phải tìm manh mối từ đâu nước Lâm Ấp ngày xưa ấy biết tìm ở đâu bây giờ ?

Ấy vậy mà vào tháng 3 năm 2005, tình cờ chúng tôi kiếm ra được người Lâm Ấp đó ! Sau đó, tôi có viết một bài về chuyện này năm 2006.1 Mặc dầu cách trình bày các những tư liệu trong bài ấy không có vấn đề gì, nhưng việc thêm vào những tài liệu mới có và việc diễn dịch các tài liệu ấy cùng với việc cập nhật hoá bài viết, đã thúc giục tôi viết lại bài đó lần này.

Trong giờ phút này (tháng 4, 2010), chúng tôi vẫn còn nhớ cảnh sảnh đường hơn 20 năm về trước với bao khuôn mặt thân thương, và nụ cười vô cùng đôn hậu của Thầy. Chúng tôi mạo muội viết mấy hàng này trước để kính trình Thầy.

*


hinh2


Phật Triết 仏哲 sinh trưởng ở Lâm Ấp 林邑, sang Nhật Bản từ năm 736 với cao tăng người Ấn Độ là Bồ Đề Tiên Na (菩提仙那Bodhisena, 704-760); chữ “Tiên” này có thể viết là 菩提僊那 .

Phật Triết ít nhất ở Nhật Bản cho đến năm 752 vì ông đã dự lễ Pháp hội và nghe tấu vũ nhạc trong buổi đại lễ âm nhạc lịch sử tại chùa Tôdaiji (Đông Đại Tự) với Bồ Đề Tiên Na là Kaiganshi (開眼師Khai nhãn sư, dùng chữ ngày nay tức là Người điều khiển chương trình / Master-of-ceremonies). Chúng ta nói Phật Triết “ít nhất ở Nhật Bản cho đến năm 752” vì biết chắc chắn là ông có dự Pháp hội và nghe tấu vũ nhạc năm đó, nhưng có lẽ Phật Triết đã ở Nhật Bản lâu hơn thế nữa.

Nước Lâm Ấp là vùng đất miền Trung Việt Nam bây giờ. Đời Tần gọi là nước Lâm Ấp 林邑, qua đời Hán gọi là huyện Tượng Lâm 象林, đến đời Hậu Hán thì độc lập hẳn từ Trung Hoa. Từ đời Đường trở về sau, người ta thường gọi là Chămpa. Lâm Ấp có nhiều trầm và̀ đóng vai trò mậu dịch trung chuyển/trung kế/trung gian giữa Ấn Độ và Trung Hoa.2 Từ khoảng năm 758,3 cho đến những năm 850, nước Lâm Ấp đổi thành Hoàn Vương, một cái tên mới rất đổi xa lạ (Phan Rang ngày nay), nằm về phía Nam; sau những năm 850, Hoàn Vương lại đổi thành Chiêm Thành. Vì những bia mộ sau thế kỷ IV thường được viết bằng chữ Phạn (Sankrit), chúng ta có thể phỏng đoán tiếng Lâm Ấp bắt đầu Ấn hóa từ lúc đó.

Phật Triết là nhân vật sống vào một thời đại xa xưa trên một đất nước không còn tồn tại nữa. Tuy vậy, chúng ta cũng biết chắc chắn rằng từng mảnh đất luống rau của đất nước đó đã biến thành một phần của non nước Việt Nam ngày nay. Con cháu của Phật Triết đi đâu, nếu không ở ngay trên chỗ chôn nhau cắt rốn của mình với những địa danh mới, và cái tên cuối cùng đó chính là Việt Nam.

Ngược lại ở Nhật Bản, thời đại Nara (710-794) cũng chính là cao điểm những nỗ lực của người Nhật hầu thu thập các mô chế chính trị, văn hoá (chữ viết dưới dạng chữ Man’yôgana, hoặc thi ca, lịch sử v.v.) và kinh tế, ngõ hầu bắt kịp với Trung Hoa. Những trang viết về tiểu sử của Phật Triết chính là những trang lịch sử cổ nhất về Lâm Ấp mà Nhật Bản còn có hiện nay.

Trong bài này, chúng ta thử dựa vào tiểu sử của Phật Triết do Mochizuki Bukkyô Daijiten (Mochizuki Phật giáo Đại từ điển) và Bukkyô Daijiten (Phật giáo Đại từ điển) cung cấp, rồi dùng những tư liệu góp nhặt đó đây để xây dựng lại một vài hình ảnh về thời đại và nhân vật này.


*


1. Mochizuki Bukkyô Daijiten đã ghi lại về Phật Triết như sau:


“Phật Triết 仏哲người nước Lâm Ấp (An Nam). Tên ông có thể viết là Phật Triệt 仏徹.

Từ nhỏ theo học Phật giáo, đọc được chú. Thấy chúng sinh nghèo khổ, ông muốn phát chẩn, bơi thuyền ra Nam Hải, đọc chú để Long Vương đem ngọc Như Ý ra. Long Vương nói dối, giải chú, rồi đem ngọc trốn xuống biển. Sóng lúc đó rất lớn, thuyền phải chìm. Gặp lúc Bồ Đề Tiên Na đi Trung Quốc, ông tháp tùng qua Ngũ Đài Sơn [Wutaishan]. Đến tháng 12 năm Khai Nguyên thứ 18 [tức năm 730?], ông cùng Tiên Na đến Nhật Bản.

Tháng 7 (có sách nói tháng 8), Tempei [Thiên Bình] năm thứ 8 [tức năm 736], Thiên hoàng Shômu [Thánh Võ] ngự giá đến Setsu, [ông tháp tùng,] các quan đón ông rất sùng kính. Ông thường ngụ ở chùa Daian [Đại An]. Tháng 4 đời Tempyô Shôhô [Thiên Bình Thắng Bửu] thứ 4 [tức năm 752], lúc có lễ cúng dường Khai nhãn Đại Phật ở chùa Tôdaiji [Đông Đại Tự], ông thừa lệnh cùng Tiên Na dự lễ Pháp hội và nghe tấu vũ nhạc.


hinh1
Heian-jingû shrine / Kyôto City bugaku / gagaku - performing arts


Ông được tôn làm sư của các điệu múa Bồ Đề và Bạt Đầu; nhạc Lâm Ấp cũng là do công phu của ông mà có. Không biết ông mất và hưởng thọ bao nhiêu. Ông có viết Tất đàm悉曇, Chương thứ nhất.

Tiểu truyện có đăng ở Shichidaiji nenpyô, Tôdaiji yôroku dai 2, Fusô ryakki batsui, Wamei ruijushô dai 4, Nihon kôsô den yobunshô dai 1, Genkyô yakusho dai 15, Nanto kôsô den, Honchô kôsô den dai 2, Minami Tenjiku Baramon-sô seihi”. 4

2. Bukkyô Daijiten viết về Phật Triết:


“[Phật Triết là] Tăng ở chùa Daian [Đại An], Yamato. Có người viết là Phật Triệt.

Người nước Lâm Ấp. Đi chơi ở Ấn Độ gặp Bồ Đề Tiên Na, tôn làm thầy, học Phật pháp và thông mật chú. Thấy chúng sinh nghèo khổ, ông ra biển đọc chú gọi Long Vương đem ngọc Như Ý ra. Long Vương nhanh tay, chạy trốn khỏi chú và không nộp ngọc. Phật Triết thất vọng quay về. Giữa năm Khai Nguyên, cùng đi với Bồ Đề Tiên Na qua nước Đường [Trung Hoa], rồi cùng sang Nhật Bản. Đó là năm Tempei [Thiên Bình] thứ 8 [tức năm 736]. Ông ngụ ở chùa Daian [Đại An] và được các quan rất sùng kính. Đời Tempyô Shôhô [Thiên Bình Thắng Bửu] thứ 4 [tức năm 752], lúc có lễ cúng dường Khai nhãn Đại Phật ở chùa Tôdaiji [Đông Đại Tự], ông thừa lệnh cùng Bồ Đề Tiên Na dự lễ Pháp hội và nghe tấu vũ nhạc.

Ông được tôn làm sư của các điệu múa Bồ Đề, Bạt Đầu và nhạc Lâm Ấp, [tất cả] là do công phu của ông. Không biết ông mất và hưởng thọ bao nhiêu. Ông viết Tất đàm 悉曇, Chương thứ nhất.

Tiểu truyện có đăng ở Tôdaiji yôroku dai 2, Wamei ruijushô dai 4, Genkyô yakusho dai 15”. 5

3. Bóng hình Phật Triết


Ở Đông Á, nhã nhạc 雅楽 là âm nhạc có lịch sử từ thời cổ đại. Nhã nhạc ra đời ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Vì Lâm Ấp đã biến dạng sau khoảng năm 758, lịch sử nhã nhạc của Lâm Ấp thường được nghiên cứu chung với nhã nhạc Việt Nam.

Khác với “tục nhạc 俗楽” (nhạc thông thường), “nhã chính 雅政” là âm nhạc mang tư tưởng lễ nhạc của Nho giáo. Nói một cách khác, nhã nhạc là âm nhạc truyền bá ý thức quốc gia, nghi thức cung đình và yến tiệc. Nhã nhạc Nhật Bản thường dùng các nhạc khí không giống các nước Đông Á khác. Chúng ta có thể khẳng định là Phật Triết đã góp phần vào việc khai thông những bước đầu của nhã nhạc Nhật Bản và Phật Triết đúng là nhân vật đáng kể trong lúc âm nhạc giữ vai trò quan trọng trong việc giao thiệp giữa Nhật Bản với các nước khác.

Chúng ta thử lần lượt đi qua từng từ.

Phật Triết 仏哲: Phật là tên dịch tiếng Hán của chữ Buddha. Vì sao người ta lại viết câu “Có người viết là Phật Triệt 仏徹” ?

Chữ “triệt 徹” cùng âm nhưng khác “thanh” với âm chữ “triết 哲” trong tiếng Hán-Việt, nhưng đối với những ngôn ngữ không phân biệt “thanh”, âm của “triết” với “triệt” đều giống nhau. Nói một cách khác, khác với tiếng Việt hiện nay, có lẽ trong tiếng Lâm Ấp “triết” và “triệt” đọc giống nhau, vậy chắc hẳn vì tiếng Lâm Ấp không phân biệt “thanh” (tone) ?

Cả 2 từ điển Mochizuki Bukkyô DaijitenBukkyô Daijiten đều viết bằng chữ Nhật, nghĩa là có cả chữ Hán đi cùng với tiếng hiraganakatagana. Tên của Phật Triết (và Phật Triệt) viết bằng chữ Hán. Chúng ta suy luận rằng vào thời Phật Triết, giới có học ở Lâm Ấp biết chữ Hán vì Phật Triết không phải qua Trung Hoa mà dùng chữ Hán được liền.

Ngôn ngữ “Việt Nam” của người Việt đi theo làn sóng “Nam tiến” với tiếng Việt ở miền châu thổ sông Hồng là chính, còn những ngôn ngữ của các dân tộc trên bước đường “Nam tiến” đã bị đồng hóa và dần dần biến dạng (như tiếng Lâm Ấp, Chiêm Thành, Chân Lạp, v.v.).

Sách của Mochizuki trong ngoặc đơn ghi Lâm Ấp là thuộc “An Nam”. Vì sao vậy ? Trong tiếng Nhật, An Nam là tên gọi Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, chúng ta có thể đoán sách này biên soạn dưới thời ấy và trong khi in lại nhà xuất bản vẫn để y như cũ.

Long Vương 龍王, Nam Hải 南海 và ngọc Như Ý 如意珠. Long Vương còn gọi là Long Thần hay Hải Thần. Long Vương là vị thần coi về nước, mưa và mây. Nam Hải là biển ở phương Nam. Ngọc Như Ý là ngọc quý vô cùng, có thể cầu bất cứ chuyện gì.6

Từ điển Mochizuki Bukkyô Daijiten viết là : “Long Vương nói dối, giải chú, rồi đem ngọc trốn xuống biển. Sóng lúc đó rất lớn, thuyền phải chìm. Gặp lúc Bồ Đề Tiên Na đi Trung Quốc, ông tháp tùng qua Ngũ Đài Sơn”. Trong khi đó, từ điển Bukkyô Daijiten lại nói Phật Triết “đi chơi Ấn Độ gặp Bồ Đề Tiên Na”.

Vậy sóng lớn nên thuyền của Phật Triết bị chìm, rồi tình cờ gặp Tiên Na đang ở trên đường đi Trung Hoa cứu giúp, rồi cả hai cùng đi Ngũ Đài Sơn (Wutaishan, Trung Hoa)? Hay Phật Triết tự mình đi chơi Ấn Độ, rồi gặp Tiên Na? Như vậy cuốn từ điển nào nói đúng?

Chúng ta không khẳng định được điều đó, mặc dầu điều không còn hoài nghi là Phật Triết đã gặp Tiên Na ở vùng biển miền Trung Việt Nam, hoặc đã đi sang Ấn Độ cũng bằng đường biển. Nói một cách khác, trong cả hai trường hợp, Phật Triết đã gặp Tiên Na ở vùng biển, rồi từ đó cũng bằng đường biển mà sang Trung Hoa.

Con đường từ Đông Nam Á/Nam Á đi lên Trung Hoa bằng biển này được gọi là “Con đường tơ lụa bằng biển” (Sea Silk Road) thay vì “Con đường tơ lụa” (Silk Road) mà thầy Huyền Trang (Xuanzung) đi thỉnh kinh ở Ấn Độ vào đời Đường.7

Mặt khác, cả hai sách MochizukiDaijiten ghi rõ là Phật Triết sau khi sang Trung Hoa với Bồ Đề Tiên Na, đã cùng với Tiên Na sang Nhật Bản. Vậy Bồ Đề Tiên Na là người như thế nào ?

Bồ Đề Tiên Na, người Nam Ấn, là một vị cao tăng gốc Bà La Môn theo Phật giáo (“Brahman Buddhist High Priest”).

Tư liệu Nhật Bản về Tiên Na rất chi là nhiều, so với Phật Triết. Tên của Tiên Na có thể viết chữ Hán là Bà La Môn Tăng Chính,8 Bồ Đề Tăng Chính, Bồ Đề Noãn Na, hoặc nhiều cách viết khác nữa.

Tiên Na sang Trung Hoa vào Ngũ Đài Sơn (Wutaishan) để “thu thập kinh nghiệm mầu nhiệm của Văn Thù Bồ Tát” 文殊菩薩 (tiếng Nhật : Monju Bosatsu), biểu hiện của trí huệ/trí tuệ (wisdom). Đáp lời mời của Tajihi no Mabito Hironari (丹墀真人広成 Đan-trì Chân-nhân Quảng-thành), người tháp tùng chuyến thứ 9 của những phái đoàn Nhật gửi sang nhà Đường, Tiên Na cùng Phật Triết, Lý Cảnh 理鏡, và Đạo Nhược 道弱 (người Trung Hoa) sang Nhật Bản năm 736. Thật ra, lời mời này là thay cho Thiên hoàng Shômu (聖武 Thánh Võ) (701-756).

Trong lần sang Nhật Bản, thuyền của Tiên Na và Phật Triết đến Dazaifu (Kyushu) tháng 5 (có sách nói tháng 7) năm 736, sau đó đến Tsu, Nanba (Osaka) vào tháng 8. Gyôki 行基 (tương truyền Gyôki là hiện thân của Văn Thù Bồ Tát) cùng các tăng lữ khác đón đến ở chùa Daian (Đại An) ở Heijô-kyô (sau này là Nara) và dạy tăng lữ ở đó. Bồ Đề Tiên Na thường đọc kinh Hoa Nghiêm (Huayan jing 華厳経; tiếng Nhật: Kegon kyô)9 và rất giỏi về mật chú. Tháng 4 năm 751 Tiên Na được phong làm Tăng Chính, và năm sau (752) được làm Kaigan dôshi (Khai nhãn Hướng sư, hay gọi tắt là Khai nhãn sư), phụ trách cúng dường khi “khai nhãn” cho Đại Phật ở chùa Tôdaiji (Đông Đại Tự).

Bồ Đề Tiên Na thay Gyôki làm giám đốc Phật học vào năm 751 (hay 752?) ở chùa Tôdaiji. Ở Shôsôin (正倉院 Chính Sáng Viện), người ta còn giữ cây bút và sợi dây cầm tay Tiên Na dùng lúc đó. Sau đó Tiên Na được phong làm Tăng Cương (chức lớn hơn Tăng Chính một bực). Như vậy, Tiên Na là vị tăng lữ mang hàm (chức quan) lớn nhất. Tiên Na mất ngày 25 tháng 2 năm 760, lễ hỏa táng được tổ chức long trọng. Ngôi mộ của Tiên Na ở trên núi Ryôjusen 霊鷲山 (Linh Thứu Sơn; có sách nói là núi Tomi 登美 Đăng Mỹ, có lẽ chỉ là cách gọi khác nhau), Nara, và Tiên Na được xem là một trong bốn vị “thánh” của chùa Tôdaiji. Trong các sách Phật giáo ở Nhật Bản, Tiên Na được ghi nhớ đóng góp vào việc đưa kinh Hoa Nghiêm và nhạc Lâm Ấp vào Nhật Bản, ngoài những đóng góp khác.

Có khá nhiều sách tiếng Nhật nói rằng Tiên Na thiên về phái Fujiwara Nakamaro (藤原仲麻呂Đằng-Nguyên Trọng-Ma-Lữ, 706-764), một trọng thần, cùng với Thiên hoàng Junnin (淳仁 Thuần Nhân), chống lại Hoàng Thái hậu Kôken (孝謙 Hiếu Khiêm) và nhà sư Dōkyō (道鏡 Đạo Chung), khi Nakamaro thấy phái của Kôken lạm quyền. Cuộc “nổi loạn”, hay nói cho đúng là cuộc “đảo chánh”, bị thất bại năm 764. Nakamaro và vợ con bị sát hại ở hồ Biwa 琵琶湖.10 Chúng ta nhắc lại chuyện này vì không chừng đó là lý do cho sự  ‘biệt vô âm tín kỳ bí’ (“Không biết ông mất và hưởng thọ bao nhiêu”) của Phật Triết như chúng ta đã thấy trong hai cuốn từ điển.

Cần nói thêm về đại lễ tại chùa Tôdaiji vào năm 752 vì ý nghĩa của lễ này vô cùng quan trọng. Vào thế kỷ VII, VIII, IX, dưới đời Đường, Trung Hoa có đủ loại hàng hóa cần thiết : từ âm nhạc, đồ sứ đến thuốc men hay hương liệu. Chữ Hán thuộc về “thế giới Đông Á”, còn tiếng Phạn thì đang còn nghiễm nhiên chiếm địa vị độc tôn ở các vùng thuộc văn minh Ấn Độ.

Ấn Độ gồm có nhiều vương quốc và sắc tộc khác nhau. Mặc dầu Ấn Độ giáo (Hinduism) lúc này đang ở trên đà đi lên, chùa chiền Phật giáo hãy còn chiếm phần lớn. Đối với người Đông Á, âm nhạc và các vũ điệu là những gì hấp dẫn nhất. Những phòng trà nổi danh ở Trường An (Tây An hiện nay) thường có những dàn nhạc “người ngoại quốc” hay các vũ nữ “Tây dương”. “Nam Ấn Độ”, “Vó ngựa Thổ Nhĩ Kỳ”, “Trăng vùng Bà La Môn”, v.v. là những bài hát ở các phòng trà. Người ta tính có đến 171 mặt nạ để nhảy múa. Trong đại lễ tại chùa Tôdaiji, người ta mời đến 25000 tăng lữ người ngoại quốc (chủ yếu là Ấn Độ hay Java) đến tham dự !

Bởi vậy, việc Tajihino Mabito Hironari mời Tiên Na và Phật Triết sang Nhật Bản từ năm 736 chính là để chuẩn bị ngày lễ lịch sử, dựa theo mô hình Trung Hoa, vào năm 752 này. Cần nói thêm rằng Nhật Bản vào thời Nara, trước sự lớn mạnh của Trung Hoa thuộc nhà Đường, những tác phẩm về lịch sử (Kojiki hay Cổ sự ký, 712, Nihon shoki hay Nhật Bản thư kỷ, 720) hoặc thơ (Man’yôshû hay Vạn diệp tập, 760) đã lần lượt ra đời để Nhật Bản bắt kịp với Trung Hoa.

Sau khi xong “đại lễ âm nhạc Á châu vĩ đại” (A great Asian music festival) năm 752, sách Shoku-Nihongi đã ghi lại như sau : “Ngày 9 tháng 4, tượng Đại Phật đã hoàn thành và sẵn sàng để chiêm bái. Thiên hoàng đến chùa Tôdaiji, ban huấn lệnh cho một số quan chức rồi bắt đầu đại lễ. Thứ tự chương trình và vị trí của người tham dự buổi lễ giống như trong lễ Tết. Quan chức trên ngũ phẩm bận triều phục, quan lục phẩm hay thấp hơn mặc đồng phục và màu sắc định thứ bậc. Mười ngàn tăng lữ Utaryô (ban nhạc chính thức, có nhiều người ngoại quốc) và nhạc công của mỗi chùa đứng sắp hàng. Quý tộc và quan chức của mỗi vùng sắp hàng chỉnh tề. Vũ công và nhạc công trình diễn, gồm có Gosechi (5 nữ nhạc công múa theo nhạc của cung đình Nhật), Kumemai (múa kiếm trần theo âm nhạc), Tatefushi (múa đội mũ sắt, mang kiếm và mộc), Arare-hashiri (còn gọi là Toka, vừa chạy vừa la “Muôn năm”), và Hoko (vũ điệu múa bởi thiếu nữ Trung Quốc, mặc hakama).

Ngôi vườn [chùa Tôdaiji] chia làm hai, Đông và Tây, và tiếng hát vọng qua vọng lại khu vườn. Thật khó mà tả lại cho chính xác. Từ ngày Phật giáo được truyền vào nước ta, không có cảnh nào to lớn cho bằng”.11

Trong Nihon Sandai Jitsuroku có ghi là “107 người tập nhạc Lâm Ấp ở vườn chùa Daian”. Sách cũng nói rõ là “Nhã Nhạc Liêu (Gagagu-Ryô) và chùa Kôfukuji (Hưng Phúc Tự) dạy nhạc Cao Lệ (Komagaku, nhạc gốc Triều Tiên) và chùa Daianji (Đại An Tự) dạy nhạc Lâm Ấp”. Âm nhạc được công nhận là nghề nghiệp chính thức và các nhạc sư được tuyển dụng tại các chùa. Những buổi lễ ở các chùa lớn được xem như một chức năng của nhà nước đương thời.

Hai từ điển Mochizuki Bukkyô DaijitenBukkyô Daijiten cho biết năm qua Nhật Bản của Phật Triết khác nhau. Trong khi Mochizuki Bukkyô Daijiten cho biết “tháng 12 năm Khai Nguyên thứ 18 [tức năm 730?], ông cùng Tiên Na đến Nhật Bản”; Bukkyô Daijiten lại cho biết đó là “năm Thiên Bình thứ 8 [tức năm 736]”.

Chúng ta có thể khẳng định rằng trong trường hợp này từ điển Bukkyô Daijiten đúng, còn từ điển Mochizuki Bukkyô Daijiten sai, vì Phật Triết đã đi cùng với Tiên Na, mà Tiên Na đến Nhật Bản vào năm 736. Tư liệu về Tiên Na có rất nhiều và tất cả đều cho biết Tiên Na đến Nhật Bản vào năm 736.

hinh3


– “Múa Bồ Đề (Bosatsu), Bạt Đầu (Batô) và nhạc Lâm Ấp (Rin’ yû ) :

Những điệu múa Lâm Ấp thuộc nhã nhạc Nhật Bản bắt nguồn từ nhạc Trung Hoa, Ấn Độ và một phần của nhạc Tây vực.

Múa Bồ Đề là một điệu múa trong nhã nhạc của Đông Nam Á. Bồ Đề là dịch âm chữ Hán của chữ Bodhi, tức là “đạo, giác, tri” để bỏ hết phiền não và có được trí tuệ đúng đắn. Múa Bồ Đề và nhạc Lâm Ấp có thể hiểu là những điệu múa Phật giáo mang tính cách Lâm Ấp.

Nhạc Lâm Ấp do Phật Triết mang sang Nhật cùng với Tiên Na, chúng ta biết đó là những điệu múa mang mặt nạ có dáng vẻ dị thường. Có người đưa ra thuyết có lẽ Phật Triết đã đặt tên Lâm Ấp để người đời còn nhớ mãi tên đó. Vì Phật Triết và Tiên Na được xem cha đẻ của nhạc Lâm Ấp, năm 736 được xem là năm bắt đầu nhã nhạc Lâm Ấp ở Nhật Bản. Ngày nay, múa Lâm Ấp và múa Bồ Đề không còn tất cả những chi tiết, chỉ có múa Bạt Đầu tạm gọi là đầy đủ.

Múa Bạt Đầu 抜 頭 là một điệu múa Taishiki (Thái thực) trong Đường nhạc. Sáo là nhạc cụ chính yếu. Múa một người (hitori-mai 一人舞) có 2 loại : múa bên trái và múa bên phải, như vừa múa vừa chạy (hashiri-mai 走舞), hoặc đôi khi như múa trẻ con (đồng vũ 童舞). Mặt nạ có mũi màu đỏ và màu đen, đầu tóc hình dạng ghê rợn, tay mặt đánh trống, tay trái vừa múa vừa nắm tay. Tương truyền điệu múa này được Phật Triết và Tiên Na đưa vào Nhật Bản từ Trung Hoa dưới đời nhà Đường. Điệu múa “Lâm Ấp loạn thanh” (Rin’yû ranjô 林邑乱声) là “đánh loạn lên” những thanh âm nên còn gọi là “cổ nhạc loạn thanh” (Kogaku ranjô 古楽乱声).

Ngoài ra còn có các điệu múa như Thọ Lăng Tần (Karyôbin 迦陵頻) và Bồi Lư (Bairo) cũng được xem là nhạc Lâm Ấp.

Từ điển Sekai daihyakka jiten (Thế giới Bách khoa Từ điển) ghi lại những chi tiết đáng để ý và có khác nhau ít nhiều với đoạn tả bên trên: “Năm 736 Bồ Đề Tiên Na và Phật Triết đến Nhật Bản để truyền bá nhạc Lâm Ấp, theo lệnh của Thiên hoàng tất cả phải truyền thụ ở chùa Daian [Đại An Tự] (Theo Tôdaiji yôroku). Những nhạc này qua đời Heian, tức tháng 3 năm 809, được biên tập thành Gagaku-ryô [雅楽 寮 Nhã nhạc Liêu]. Những vũ nhạc mà Phật Triết truyền lại là Bồ Đề 菩醍, Thọ Lăng Tần 迦陵頻, Bạt Đầu 抜頭 , Bồi Lư, Thiên Thu Nhạc 万秋楽, Lan Lăng Vương 蘭陵王, A Ma 安摩, Nhị Vũ 二の舞, Hồ Ẩm Tửu 胡飲酒. Tất cả có 8 khúc”.

– “Không biết ông mất và hưởng thọ bao nhiêu”: Vì Nhật Bản là quần đảo, vào thời cổ đại di chuyển từ Nhật Bản đến các nước khác rất mực khó khăn. Bởi vậy, sau đại lễ ở chùa Tôdaiji (Đông Đại Tự) năm 752, chúng ta khó hình dung Phật Triết tìm đường về Lâm Ấp, huống nữa quê hương Phật Triết đang có binh lửa. Như đã bàn, chúng ta có thể đặt nghi vấn là phải chăng Phật Triết bị vạ lây trong cuộc “đảo chánh” của Fujiwara Nakamaro năm 764? Xin nhắc lại rằng có nhiều sách nói Tiên Na theo phái của Nakamaro, mà Tiên Na với Phật Triết thì rất gần gũi với nhau và Tiên Na đã mất từ bốn năm trước (năm 760). Nếu không phải là chuyện bí ẩn, vì sao người ta lại không biết Phật Triết mất khi nào, đặc biệt Phật Triết là người đóng vai trò quan trọng ở Nhật Bản lúc bấy giờ ? Cái chết của Phật Triết là cả một nghi vấn và cần phải đánh dấu hỏi lớn.

– “Ông viết Tất đàm, Chương thứ nhất : Phật Triết chắc hẳn viết sách này bằng chữ Hán. “Tất đàm” dịch âm từ tiếng Phạn là Siddham, “tất” 悉là “biết hết”; “tất đàm 悉曇” là “thành tựu 成就” hoặc “hoàn thành 完成” (Huyền ứng âm nghĩa , II). Có thể dịch là “Tất đàn” 悉檀 (“đàn” 檀 như trong cây bạch đàn), hay “Tất đàm 悉談” (“đàm 談” như chữ “đàm thoại”). “Tất đàm” còn có nghĩa là một loại chữ viết của tiếng Phạn, hoặc cách viết loại chữ ấy, hoặc phương pháp đọc nối các mẫu âm. Từ đó, tất đàm có nghĩa là ngành nghiên cứu về cách viết chữ Phạn, thư pháp chữ Phạn, cách đọc âm (âm độc 音読), và văn pháp/văn phạm” (Trích Cựu Đường thư 旧唐書, “Thiên Trúc quốc truyện” 天竺国伝, hoặc Tự loại sao 字 類抄 ).12

Đối với người Nhật Bản vào thế kỷ VII và VIII, tiếng Phạn và “Tất đàm” có thể xem như đồng nghĩa. Trên thực tế, Phật Triết đã thuyết giảng về “Tất đàm” tại đại lễ ở chùa Tôdaiji (Đông Đại Tự) năm 752.13

Việc vì sao Phật Triết bỏ công việc nghiên cứu dở dang sau viết xong Chương I của cuốn Tất đàm và sau đó không biết gì về Phật Triết nữa, chúng ta cần đánh một dấu hỏi lớn.


*

Phật Triết là nhân vật có thật, sống giữa lúc mà lịch sử Lâm Ấp cũng như Nhật Bản đang có nhiều đổi thay. Lâm Ấp thì chiến loạn, còn Nhật Bản đang “thức tỉnh” và vùng lên vào thời Nara. Trên dưới 20 năm cuối đời, Phật Triết sống ở Nhật, một điều khiến đời Phật Triết mang ít nhiều “kịch tính”.

Người ta dễ quên Lâm Ấp là nước sắp mất tên, đặc biệt chuyện ở vào một thời xa xưa đi ngược về những năm 750, nghĩa là xa hơn 12 thế kỷ. Chúng ta biết rằng Phật Triết đã đóng vai trò cốt cán trong việc truyền bá nhã nhạc Lâm Ấp ở Nhật Bản. Những điệu múa Bồ Đề, Bạt Đầu, hay nhạc Lâm Ấp nói chung, đều do Phật Triết và Bồ Đề Tiên Na truyền vào Nhật Bản. Nhưng những tài liệu về Phật Triết lại quá ư khiêm tốn, mặc dầu ngay tại Nhật Bản một nước nổi tiếng là nơi lưu trữ  các văn hoá.

Ngôn ngữ mẹ đẻ của Phật Triết, tiếng Lâm Ấp, có thể không có “thanh”. Tác giả có gợi ý như vậy ở phần đầu. Có người hỏi : “Vậy Phật Triết không có dính líu gì với người Việt Nam cả hay sao ?” Chúng tôi xin mạn phép không đồng ý. Bởi vì nếu quan niệm rằng chúng ta vốn có nhiều chủng tộc thì lúc ban đầu chúng ta khác nhau cũng là chuyện dễ hiểu. Bước đường “Nam tiến” cần mấy trăm năm trên thực tế đã giúp người Việt Nam có đủ thời gian để giải quyết các khác biệt lớn, trong đó có những khác biệt về ngôn ngữ và chủng tộc. Giáo sư Hà Văn Tấn cách đây gần hai mươi năm (1991) có kể cho chúng tôi nghe tại hội thảo ở Cornell rằng có vùng nào đó nào ở Hà Tĩnh người ta không phân biệt “thanh”. Nghe chuyện Phật Triết xong, chúng ta có thể thắc mắc tại sao lại giống chuyện con cháu Phật Triết còn sót lại đến thế !

Cuối cùng, khi nhắc lại chuyện Phật Triết gặp Tiên Na chúng ta đã xác định rằng hai người đã gặp nhau ở vùng biển. Nói một cách khác, Phật Triết và Tiên Na đã dùng “Đường tơ lụa bằng biển” để đến Trung Hoa. Mối liên hệ giữa miền Trung của Việt Nam, với Ấn Độ bằng đường biển, và vai trò của các người Ấn Độ còn được xác nhận ở thời kỳ Phật Triết.

Chúng ta tưởng nên nhắc lại rằng từ đầu thế kỷ III (trước CN) cho đến cuối thế kỷ VII (sau CN), khu vực từ vịnh Bengal đến vùng biển Đông Nam Á đã được người Ấn Độ chuyển đổi vùng biển này thành “Hồ Phật giáo” (Lake of Buddhism).14 Câu chuyện này làm chúng ta nhớ lại Phật Triết gặp Tiên Na lúc ban đầu cũng ở trong vùng này.

Tháng 4, 2010

Vĩnh Sính


1 Vĩnh Sính, “Phật Triết: Người Lâm Ấp ở Nhật vào thế kỷ VII [sic]”, trong cuốn Trong Ngần Bóng Gương: Kỷ Yếu Mừng GS. TS. Đặng Đình Áng Thượng Thọ 80, PGS. TS. Nguyễn Dũng và TS. Nguyễn Xuân Xanh (chủ biên), Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tri Thức, trang 293-302.

2 Theo Ozaki Yûji, Tsuru Haruo, và Nishioka Hiroshi biên tập, Daijigen (Đại từ nguyên). Tokyo: Kadokawa Shoten, 1992, trang 252.

3 Trong bài này, năm 758 còn có nghĩa là 6 năm sau khi có tin tức cuối cùng về Phật Triết.

4 Mochizuki Bukkyô Daijiten, Dai 5 kan. Hensan Daihyô: Tsukamoto Yoshitaka. Tokyo: Sekai Seiten Kankôkai, Shôwa 63 nen [1988]. Bản dịch từ tiếng Nhật (hoặc tiếng Anh) ra tiếng Việt trong bài là do tác giả.

5 Ryûkoku Daigaku, Bukkyô Daijiten, vol. 6. Tokyo: Tôsanbô, Shôwa 60-nen [ấn bản 1985].

6 Daichido-ron大智度論_ Đại trí độ luận, 10. Xem Daijigen, trang 290.

7 Con đường mậu dịch và giao lưu văn hóa từ Trung Quốc qua Ấn Độ, Afghanistan, Hy Lạp rồi đến Rome bằng đường bộ.

8 Tăng Chính thường là chức quan lớn nhất trong tăng lữ. Tăng Chính có 3 bực: Đại Tăng Chính, Tăng Chính, và Quyền Tăng Chính. Trong hệ thống Nhật Bản thời này, trên Tăng Chính còn có Tăng Cương.

9 Hoa Nghiêm tông thuộc Phật giáo Đại thừa, rất thịnh hành vào đời Đường. Hoa Nghiêm tông là một trong tám tông phái. “Hoa” là cách nói ẩn dụ của mọi tu hành, “nghiêm” là làm đúng đắn theo lời Phật dạy và gom góp mọi tu hành để tích lũy công quả. Kinh Hoa Nghiêm (tiếng Phạn gọi là Avataṃsaka Sūtra) là kinh văn Phật Thích Ca thuyết pháp trong thuở ban đầu sau khi thành đạo. Xem Daijigen, trang 1511.

10 Tên hồ Biwa âm Hán Việt đọc là Tỳ Bà. Vì hồ Biwa giống như cây đàn tỳ bà nên người ta mới đặt tên như vậy. Đàn tỳ bà cũng có gốc từ Ấn Độ (veena).

11 Shoku-Nihongi, vol. 18, 752 A.D.

12 Daijigen, trang 648.

13 Diễn văn của Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Enoki Yasukuni đọc tại Delhi Rotary Club, “A Strong Cultural and Historical Bond Linking Japan and India”, ngày 9 tháng 2, 2006. Xem http://www.in.em-japan.go.jp/Lectures/Lecture35.htm hoặc http://kidzu.blogspot.com/.

14 Như trên.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss