Qua sử chí Trung Quốc hãy tìm hiểu về chủ quyền nước này tại Biển Đông (I)
Qua sử chí Trung Quốc hãy tìm
hiểu về
chủ quyền nước
này tại Biển Đông (I)
Hồ Bạch Thảo
Mặc dù năm 2016 toà Quốc tế La Haye phán quyết rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về hàng hải và tài nguyên Biển Đông đều không hợp với luật pháp quốc tế; một yếu nhân Trung Quốc, Thứ trưởng ngoại giao Lưu Chấn Dân [劉振民] vẫn ngạo mạn tuyên bố rằng phán quyết đó chỉ là tờ giấy lộn. Bởi vậy cần thêm một lần nữa, đi vào sử, chí, các triều đại Trung Quốc, để tìm hiểu kỹ xem nước này thực sự có chủ quyền về các đảo trên Biển Đông hay không?
Trung Quốc là một nước văn hiến, theo truyền thống nước này mỗi triều đại đều có một bộ sử lớn, gộp lại mệnh danh là Nhị Thập Ngũ Sử [Twenty-five History Books]; ngoài ra lại có hàng trăm bộ Địa Lý Chí. Nếu Trung Quốc thực sự chủ quyền đảo nào trên Biển Đông, ắt phải ghi rõ trong sử, chí của triều đình; ngược lại nếu sử, chí Trung Quốc không chép , thì rõ ràng nước này không thể hành sử chủ quyền về biển đảo.
Lại cần nói thêm, các vị lãnh đạo Trung Quốc từng tuyên bố tại Mỹ và Việt Nam rằng họ có chủ quyền không thể tranh cãi trên biển Nam Hải [Biển Đông] từ thời nhà Hán; thể theo lời tuyên bố này, chúng ta hãy bắt đầu nghiên cứu các sử, chí Trung Quốc từ đời Hán.
1. Đời Hán :
1. Hai bộ sử lớn đời Hán đều có ghi phần Địa Lý Chí. Bộ Hán Thư [漢書, Book of Han] do Ban Cố thời Đông Hán soạn, sách gồm 100 quyển. Trong đó quyển 28 hạ, ghi chép đảo duy nhất với giới hạn ngang dọc 1000 lý tức đảo Hải Nam; được chia thành 2 quận Đam Nhĩ, Châu Nhai vào năm –110, lúc Hán Vũ Đế đánh nước Nam Việt của nhà Triệu. Rồi sau đó dân địa phương nổi dậy, nên đến thời Hán Nguyên Đế [–46] phải bỏ đất này:
Quyển 28 hạ, Địa Lý Chí
Đam Nhĩ, Châu Nhai :
“Từ phía nam huyện Từ Văn, quận Hợp Phố đi ra biển, có một châu lớn; đông, tây, nam, bắc rộng ngàn lý, vào thời Hán Vũ đế năm Nguyên Phong thứ nhất [-110] chiếm, chia thành các quận Đam Nhĩ, Châu Nhai. Dân mặc vải bố quấn trùm xuyên qua đầu; đàn ông làm ruộng trồng lúa, nếp, tơ gai; đàn bà dệt tơ tằm. Dân lầm ngựa với cọp, chỉ có 5 loại gia súc 1, trong núi có nhiều con hoẵng. Binh khí có mâu, thuẫn, đao, cung nỏ, tên mũi nhọn bằng xương. Lúc mới chia thành quận huyện, bọn binh lính quan lại Trung Quốc ra tay xâm bức, nên được mấy năm thì dân làm phản; vào thời Nguyên Đế [-46] phải bãi bỏ đất này….”
[自合浦徐聞南入海,得大州,東西南北方千里,武帝元封元年略以為儋耳、 珠崖郡。民皆服布如單被,穿中央為貫頭。男子耕農,種禾稻紵麻,女子桑蠶織績。亡馬與虎,民有五畜,山多麈嗷。兵則矛、盾、刀,木弓弩,竹矢,或骨為鏃。 自初為郡縣,吏卒中國人多侵陵之,故率數歲壹反。元帝時,遂罷棄之。]
Xin lưu ý, 1 lý đời Hán = 415.8 mét; như vậy đông tây nam bắc rộng 1000 lý tức vào khoảng 415 km, cũng tương đương với đảo Hải Nam hiện nay.
Vào đầu thời Hán Quang Vũ, đất Châu Nhai được thu phục trở lại. Phần địa lý chí trong bộ Tục Hán Thư [續漢書, Continued Book of Han] của Tư Mã Bưu ghi Châu Nhai lúc bấy giờ là một huyện thuộc quận Hợp Phố:
“Quận Hợp Phố do Vũ Đế đặt, cách Lạc Dương 9.191 lý phía nam, có 5 huyện thành; 23.131 hộ, 86.617 nhân khẩu: Hợp Phố, Từ Văn, Cao Lương, Lâm Nguyên, Châu Nhai.”
[合浦郡武帝置。雒阳南九千一百九十一 里。五城,户二万三千一百二十一,口八万六千六百一十七。〖合浦〗〖徐闻〗〖高凉〗〖临元〗〖朱崖〗]
Xét 2 bộ sử đời Hán, chép phần cực nam; ngoài đảo Hải Nam tức Châu Nhai, Đam Nhĩ, không ghi thêm đảo nào khác.
2. Nhà nghiên cứu Trung Quốc Hàn Chấn Hoa, trong tác phẩm Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编NQNHCÐSLHB] 2 nêu lên sử liệu về Trướng Hải trong sách Dị Vật Chí [异物志] của Dương Phù đời Ðông Hán. Sách này tuy đã thất truyền nhưng được các tác gỉả Trung Quốc đời Tống, Minh, Thanh nhắc lại như sau:
“Tại Trướng Hải Kỳ Ðầu nước cạn nhưng nhiều đá nam châm, thuyền lớn đi ngoài cõi, dưới thuyền gắn lá sắt sẽ bị nhổ ra.”
[漲海崎頭水淺而多磁石,徼外大舟,錮以鐵葉值之多拔]
Với sử liệu của Dương Phù, Hàn Chấn Hoa khẳng định rằng Trướng Hải tức biển Nam Hải, trong đó có các đảo như Tây Sa [Paracel Islands], Nam Sa [Spratly Islands ] đều thuộc lãnh thổ Trung Quốc:
“Các sách địa phương chí đời Thanh và cận đại nói về đảo tại biển Nam đều trích dẫn đoạn văn này tại Dị Vật Chí. Thấy được Trướng Hải Kỳ Ðầu cùng truyền thuyết về nam châm tại Trướng Hải hút đinh sắt của thuyền có liên quan đến các quần đảo Tây Sa và Nam Sa tại vùng biển Nam Hải.”
Đây là điều sai lầm cố ý, muốn biến chủ quyền của người, thành của mình; bởi lẽ ngay thư tịch cổ Trung Quốc, có nhiều sử liệu chứng minh Trướng Hải tức Biển Đông thuộc Việt Nam:
* Sách Hậu Hán Thư [後漢書] của Tạ Thừa [謝承], tại quyển 1 chép:
“...7 quận Giao Chỉ cống hiến, đều từ Trướng Hải vào [Trung Quốc]....7 quận Giao Chỉ hiến long nhãn... Trên đây thuộc Thứ sử bộ Giao Châu....”
[…交 趾七郡貢獻,皆從漲海出入..交趾七郡獻龍 眼…以上屬交州刺史部]
Dưới thời Bắc thuộc, quan lại cai trị thường lấy long nhãn từ Giao Châu đem tiến cống; Giao Châu thời Hán vị trí tại miền bắc Việt Nam hiện nay. Nhãn nổi tiếng tại tỉnh Hưng Yên, thuộc lưu vực sông Hồng; từ đó chở về Trung Quốc phải qua vùng biển thuộc các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh ngày nay; đó là Biển Đông của Việt Nam.
* Lời chú sách Nhĩ Nhã [尔雅] của Quách Phác đời Tấn có đoạn như sau:
“ Ốc loa lớn như cái đấu sinh ra từ Trướng Hải quận Nhật Nam, có thể dùng làm chén uống rượu.”
[螺 大 者 如 斗, 出 日 南 漲 海中, 可 以 爲 酒]
Theo nghiên cứu của Học giả Đào Duy Anh 3 lãnh thổ quận Nhật Nam đời Tấn khoảng từ tỉnh Quảng Bình đến đèo Hải Vân, Đà Nẵng. Như vậy vùng biển miền Trung Việt Nam thuộc Trướng Hải; hay nói một cách khác Trướng Hải tức Biển Đông.
* Tại nước Việt
Nam dưới thời Tiền Lê, trong cuộc tiếp xúc với Sứ
thần Trung Quốc Lý Nhược Truất vào năm Bính Thân [996],
vua Lê Đại Hành đã khẳng định chức phận của An Nam
là giữ an ninh biển Trướng Hải. Tống
sử [宋史, History of Song]
quyển 488, Liệt truyện Giao Chỉ,
trích dẫn như sau :
[桓 愕然避席,曰:「海賊犯邊,守臣之罪也。聖君容貸,恩過父母,未加誅責。自今謹守職約,保永清於漲海].”
Lời nói của vua Lê Đại Hành khẳng định Trướng Hải thuộc Việt Nam và nhà vua hứa với vua Tống giữ gìn an ninh vùng biển này.
(còn nữa)
Hồ Bạch Thảo
1 Gia súc nguyên có 6, gọi là lục súc gồm: ngựa, trâu bò, dê, chó, lợn gà. Nhưng người đảo Hải Nam [Châu Nhai, Đam Nhĩ] thời bấy giờ không cho ngựa là gia súc, nên chỉ có 5 loại.
2 Hàn Chấn Hoa, Ngã Quốc Nam Hải Chư Đảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编], trang 23; Nhà xuất bản Hạ Môn Ðại Học Nam Dương Nghiên Cứu Sở, Trung Quốc, 1985.
3 Đào Duy Anh, Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời, NXB Thuận Hoá: Huế, 1994, trang 78.
Các thao tác trên Tài liệu