Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Qua sử chí Trung Quốc hãy tìm hiểu về chủ quyền nước này tại Biển Đông (II)

Qua sử chí Trung Quốc hãy tìm hiểu về chủ quyền nước này tại Biển Đông (II)

- Hồ Bạch Thảo — published 18/08/2017 00:14, cập nhật lần cuối 18/08/2017 00:14



Qua sử chí Trung Quốc hãy tìm hiểu về
chủ quyền nước này tại Biển Đông (II)


Hồ Bạch Thảo



2. Lục Triều :


1. Lục Triều gồm các triều đại Tam Quốc, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần; mỗi triều đều có sử riêng. Sử đời Tấn có Tấn Thư [晉書, Book of Jin] do Phòng Huyền Linh đời Đường Chủ biên, trong quyển 15, Địa Lý Hạ, chép về Giao Châu, tức châu cực nam giáp biển; cho biết đời Ngô [Tam Quốc] lại đặt đảo Hải Nam thành quận Châu Nhai, đến đời Tấn thì ghép Châu Nhai vào quận Hợp Phố:

Năm Xích Ô thứ 5 [242] lại đặt quận Châu Nhai” … “Sau khi bình Ngô, nhà Tấn ghép Châu Nhai vào quận Hợp Phố

[赤烏五年,復置珠崖平吳後,省珠崖入合]


2. Chính sử thời Lục Triều chỉ ghi nhận đảo Hải Nam là đảo cực nam Trung Quốc, nhưng Hàn Chấn Hoa trong NQNHCÐSLHB cố vin vào sách Phù Nam Truyện [扶南傳] của Khang Thái đời Tấn để chứng minh các đảo Tây Sa [Paracel Islands], Nam Sa [Spratly Islands] đều thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Sách Phù Nam Truyện đã thất truyền, được Lý Phương đời Tống trích dẫn từ bộ Thái Bình Ngự Lãm [太平御 覧], trong đó có câu :

Từ Trướng Hải đến bãi San Hô, dưới bãi có đá bàn thạch, san hô sinh trong đó.”

[ 漲 海 中, 到 珊 瑚 洲, 洲厎有盤石, 珊 瑚 生 其 上 也 ]

Hàn Chấn Hoa vin vào 3 chữ “ San Hô châu ” để nêu lên đây là đảo Tây Sa [Hoàng Sa] và Nam Sa [Trường Sa] là những đảo tại Nam Hải được cấu tạo bởi san hô 1. Nhận xét như vậy không hợp lý, vì san hô có nhiều nơi trên biển; nào phải chỉ dành riêng cho các đảo Tây Sa, Nam Sa!

Hãy bàn thêm về Khang Thái, ông giữ chức Trung lang thời Ngô Tôn Quyền. Năm Xích Ô thứ 6 [243] được Thứ sử Giao Châu Lữ Đại sai đến các nước phương nam tuyên dương giáo hoá Trung Quốc. Lúc trở về nước soạn quyển sách “Ngô Thời Ngoại Quốc Truyện 吳時外國傳” ghi chép hàng trăm nước, nay đã thất truyền, chỉ còn lại 35 nước như Phù Nam, Nhật Nam, Thiên Trúc vv...Các sách đời sau như Thuỷ Kinh Chú, Thái Bình Ngự Lãm gọi là “Khang Thái Phù Nam Truyện”. Nguyên nhan đề “Ngô Thời Ngoại Quốc Truyện”, chứng tỏ Khang Thái chép truyện về ngoại quốc thời Ngô, trong đó có Trướng Hải; và như đã chứng minh tại mục 1 Đời Hán rằng Trướng Hải thuộc Việt Nam; vậy các vùng san hô Khang Thái đề cập cũng thuộc Việt Nam.


3. Trong bài văn phúng điếu Tống Vũ Đế Lưu Dụ của danh sĩ Tạ Linh Vận [謝靈運, 385-433], có câu văn ca tụng Vũ Đế dẹp cuộc nổi dậy của Lô Tuần như sau:

Hoằng nguy tế hiểm, nhĩ nan thích đãi, hổ kỵ giá thấp, châu sư Trướng Hải.

弘危濟險,弭難釋殆。虎騎駕濕,舟師漲海”

(Trong mối nguy lớn cứu vớt nguy hiểm, trừ bỏ gian nan; như cưỡi lưng cọp vào chỗ thấp, thuyền binh xông vào Trướng Hải.)

Hàn Chấn Hoa trong NQNHCÐSLHB đã vin vào 4 chữ “châu sư Trướng Hải” của Tạ Linh Vận rồi lập luận một cách ba hoa rằng :

Năm 410 Lô Tuần tiến quân vây Kiến Nghiệp [Nam Kinh] bị Lưu Dụ đánh bại; Lô Tuần chạy về các nơi tại duyên hải Giao Châu, Năm 411 lại đánh nhau, Thứ sử Giao Châu Đỗ Tuệ Độ giết Lô Tuần; bộ hạ Lô Tuần chạy trốn ra hải ngoại. Tạ Linh Vận ghi Tống Vũ Đế “cưỡi lưng cọp vào chỗ thấp, thuyền binh xông vào Trướng Hải”, tức điều suất hải quân cùng với Lô Tuần chiến đấu tại bao quát các đảo Nam Hải tại nam Trung Quốc. Thuyết minh các đảo Nam Hải tại thời Đông Tấn do hải quân nước ta tuần tiễu cai quản2

Sau khi đọc Tấn Thư phần Kỷ, quyển 10, và Tống Thư phần Bản Kỷ quyển 2 và Liệt Truyện quyển 52 về đầu đuôi việc đánh dẹp Lô Tuần, thấy được rằng:

* Trong các cuộc hành quân chống Lô Tuần, Tống Vũ Đế Lưu Dụ đích thân chỉ huy tại vùng lưu vực sông Trường Giang, ông chưa hề đến Trướng Hải hoặc Giao Châu.

* Hai bộ sử trích dẫn không chép việc nhà Tấn tuần tiễu cai quản các đảo tại Nam Hải.

* Bốn chữ “Châu sư Trướng Hải” nằm trong bài văn tế chỉ mô tả tổng quát việc quân Tấn tại thành Giao Châu [Long Biên, Việt Nam] do Thứ sử Đỗ Tuệ Độ chỉ huy đánh giết cha con Lô Tuần. Phần Liệt Truyện Đỗ Tuệ Độ trong quyển 92 Tống Thư [宋書 Book of Song] do Thẩm Ước đời Lương soạn, xin trích dẫn như sau :

“…Vào mùa xuân năm đó [Nghĩa Hy thứ 7, năm 411], Lô Tuần tập kích Hợp Phố rồi mang quân thẳng đến Giao Châu [Việt Nam]. Tuệ Độ bèn mang quân văn võ chống cự Tuần tại Thạch Kỳ, bắt viên Trưởng sử Tôn Kiến Chi. Tuần tuy bại, còn dư đảng 3.000 tên, được tập luyện binh sự. Bọn Lý Tử Tốn, Lý Dịch, Lý Thoát đến đóng tại Thạch Kỳ; cấu kết với nhóm Lý, Liêu; các phe đều có đồ đảng. Tuần biết rằng bọn Dịch với họ Đỗ vốn kết oán, bèn sai sứ đến chiêu dụ; Dịch bèn dẫn đồng bọn 5,6 ngàn người, dưới quyền tiết chế của Tuần. Tháng 6, Tuần mang đại quân vào lúc sáng sớm đến bến phía nam, mệnh ba quân đánh gấp để vào thành [Giao Châu] ăn sáng. Tuệ Độ dốc hết tiền tài cả họ để dùng vào việc khuyến thưởng. Em Tuệ Độ là Thái thú Giao Chỉ Tuệ Kỳ, Thái thú Cửu Chân Chương Dân cũng đốc suất quân thuỷ bộ; Tuệ Độ ngồi trên thuyền lớn đốc chiến, dùng tên lửa như đuôi chim trĩ bắn vào thuyền giặc, quân bộ hai bên bờ cũng bắn yểm hộ. Thuyền của Tuần bị tên lửa, tan vỡ; Tuần trúng tên rơi xuống nước chết. Quan quân chém đầu Tuần cùng cha là Hỗ, 2 con của Tuần; cùng bọn thân thuộc như Lục sự tham quân Nguyễn Tĩnh, Trung quân tham quân La Nông Phu, Lý Thoát; tất cả đều mang đầu về kinh. Tuệ Độ được phong Long biên huyện hầu, lãnh thực ấp 1.000 nhà.

[其 年春,盧循襲破合浦,徑向交州。慧度乃率文武六千人距循於石碕,交戰,禽循長史孫建之。循雖敗,餘黨猶有三千人,皆習練兵事。李子遜李弈、李脫等奔竄石 碕,盤結俚、獠,各有部曲。循知弈等與杜氏有怨,遣使招之,弈等引諸俚帥眾五六千人,受循節度。六月庚子,循晨造南津,命三軍入城乃食。慧度悉出宗族私 財,以充勸賞。弟交趾太守慧期、九真太守章民並督率水步軍,慧度自登高艦,合戰,放火箭雉尾炬,步軍夾兩岸射之。循眾艦俱然,一時散潰,循中箭赴水死。斬 循及父嘏,並循二子,親屬錄事參軍阮靜、中兵參軍羅農夫、李脫等,傳首京邑。封慧度龍編縣侯,食邑千戶]



3. Các đời Tuỳ, Đường.


1. Tuỳ Thư [隋書, Book of Sui] do Nguỵ Trưng đời Đường soạn, trong phần Chí chép nhà Tuỳ đặt 190 quận; đảo Hải Nam được gọi là quận Châu Nhai, là đảo cực nam nước này, với chi tiết như sau, trong quyển 31:

* Quyển 31, Chí thứ 26: Địa lý hạ.

Quận Châu Nhai đời Lương gọi là Nhai Châu, có 10 huyện thống thuộc, 19.500 hộ. Gồm: Nghĩa Luân kèm theo quận lỵ, Cảm Ân, Nhan Lô, Tỷ Thiện, Xương Hoá có núi Đằng Sơn; Cát An, Diên Đức, Ninh Viễn, Trừng Mại, Vũ Đức có núi Phù Sơn.

[珠崖郡梁置崖州。統縣十,戶一萬九千 五百。

義倫帶郡。感恩顏盧毗善昌化有藤山。吉安延德寧遠澄邁武德有扶山]

Tiếp đến sách Tân Đường Thư [新唐書, New Book of Tang ] do Âu Dương Tu đời Tống soạn, trong quyển 43, phần Chí, ghi nhận vào thời Đường Túc Tông Càn Nguyên thứ nhất [758] lãnh thổ đảo Hải Nam được chia thành 5 châu, trực thuộc đạo Lĩnh Nam; với chi tiết như sau:

- Châu Nhai có 3 huyện: Xá Thành, Trừng Mại, Văn Xương.

- Châu Quỳnh có 5 huyện: Quỳnh Sơn, Lâm Cao, Tăng Khẩu, Lạc Hội, Nhan La.

- Châu Chấn có 5 huyện:Ninh Viễn, Diên Đức, Cát Dương, Lâm Xuyên, Lạc Đồn.

- Châu Đam có 5 huyện: Nghĩa Luân, Xương Hoá, Cảm Ân, Lạc Trường, Phú La.

- Châu Vạn An có 4 huyện:Vạn An, Lăng Thuỷ, Phú Vân, Bác Liêu.

Cả hai bộ cũng chỉ đề cập đến đảo Hải Nam là đảo duy nhất tại phương nam.


2. Trong NQNHSLHB Hàn Chấn Hoa cũng dẫn chứng Tuỳ Thư [隨書], nhưng với dụng ý khác, ông tránh phần Địa Lý Chí đề cập ở phần trên, chỉ trích dẫn đoạn văn về cuộc hành trình đến nước Xích Thố 3 của Sứ giả Thường Tuấn trong phần phần Liệt Truyện 4 như sau:

Tháng 10 năm Ðại Nghiệp thứ 3 [607] bọn Thường Tuấn từ quận Nam Hải đáp thuyền, qua ngày đêm 2 tuần, gặp gió thuận đến đảo Tiêu Thạch Sơn, rồi qua đông nam ghé đến châu Lăng Già Bát Bạt Ða, phía tây đối diện với nước Lâm Ấp, tại đó có đền thờ thần.

大 業 三 年 十 月, 常 駿 等 自 南 海 郡 乘 舟,晝 夜 二 旬,每 值 便 風 至 焦 石 山,而 過 東 南,泊 陵 伽 鉢 拨 多 洲,西 與 林 邑 對,上 有 神 祠 焉”

Trong phần nhận xét 5 Hàn Chấn Hoa cho rằng địa danh “Tiêu Thạch” và Pracel của Tây phương nghĩa giống nhau, người Tây phương gọi Tây Sa [Hoàng Sa] là Pracel ; như vậy phái bộ Thường Tuấn đã đi qua đảo Tây Sa.

Hai địa danh nghĩa giống nhau như thế nào thì họ Hàn không hề giải thích; nhưng dù hai địa danh giống nhau cả âm lẫn nghĩa, cũng không thể đồng hóa làm một; bởi vậy cho Tiêu Thạch là Paracel là một điều vô lý. Ngoài ra lại còn đáng nói thêm, cho dù Thường Tuấn có thực sự đi qua đảo Paracel, cũng không thể vì lý do này mà có thể giành chủ quyền biển đảo cho Trung Quốc; vì chẳng lẽ người Trung Quốc bước chân đến đâu thì họ có chủ quyền đến đó?


3.Về đời Đường, Hàn Chấn Hoa trích một đoạn văn của Giả Ðam trong sách Quảng Châu Thông Hải Di Đạo [廣州通海夷道] đề cập đến địa danh Tượng Thạch như sau :

Từ phía đông nam Quảng Châu hải hành 200 lý đến Ðồn Môn Sơn, lại dương buồm đi tiếp 2 ngày đến Cửu Châu Thạch,lại đi về phía nam 2 ngày đến Tượng Thạch, đi tiếp về phía tây nam 3 ngày đến núi Chiêm Bất Lao, núi tại phía đông nước Hoàn Vương 200 lý.”

[廣 州 東 南 海 行 二 百 里, 至 屯 門 山, 乃 帆 風 西 行 二 日, 至 九 州 石, 又 南 二 日 至 象 石, 又 西 南 三 日 行 至 占 不 勞 山, 山 在 環 王 國 東 二 百 里 海 中.] 6

Mặc dầu địa danh Tượng Thạch nêu lên trong sử liệu này đã được học gỉả Phùng Thừa Quân 馮承鈞, một nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng vào tiền bán thế kỷ thứ 20, cho rằng đó là đảo Ðại Châu, sách xưa gọi là Ðộc Châu lãnh, thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Hải Nam, và Hoàn Vương quốc là nước Chiêm Thành, Cửu Châu Thạch tức núi Thất Châu; nhưng họ Hàn vẫn khẳng định rằng Tượng Thạch là quần đảo Tây Sa [Paracel] mà không nêu lý do. Ý họ Hàn muốn chứng tỏ “Quảng Châu thông hải Di đạo” tức đường thông suốt từ Quảng Châu [Quảng Đông] đến các nước Di phương nam phải qua quần đảo Paracel. Điều này trái với lời cảnh cáo của các nhà hàng hải biển Đông, sách Đông Tây Dương Khảo [quyển 9, mục Châu Sư Khảo] của Trương Tiếp đời Minh báo động rằng khi thuyền đến Thất Châu Dương, phải lưu ý kim địa bàn đừng để chệch sang hướng đông, vì lỡ đâm vào Van Lý Thạch Đường [Paracel] sẽ gặp nguy hiểm:

Thuyền đi qua rất nguy hiểm, lệch sang hướng đông phạm vào Vạn Lý Thạch Ðường; nơi mà Quỳnh Chí [瓊志] chép là phía đông châu Vạn có biển Thạch Ðường, thuyền đến đó ít có chiếc nào thoát hiểm.

(còn nữa)

Hồ Bạch Thảo



1 Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编] , sđd, trang 25.

2 Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编] , sđd, trang 28-29.

3 Nước Xích Thố: thuộc phía tây nước Mã Lai.

4 Tuỳ Thư, quyển 82, Liệt Truyện quyển 47,

5 Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编] , sđd, trang 30.

6 Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编] , sđd, trang 30.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss