Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Quân cách mệnh Trung Quốc hoạt động tại biên giới Việt Nam

Quân cách mệnh Trung Quốc hoạt động tại biên giới Việt Nam

- Hồ Bạch Thảo — published 31/12/2012 22:45, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Tôn Trung Sơn hoạt động ở Việt Nam đầu thế kỉ 20



Quân cách mệnh Trung Quốc
hoạt động tại biên giới Việt Nam



Hồ Bạch Thảo



Cách mệnh Trung Quốc lập cơ sở tại Việt Nam từ năm 1905, khi Tôn Văn (Trung Sơn) liên lạc được với người Pháp tại Việt Nam. Tháng 3/1907, Tôn từ Nhật Bản đến Hà Nội ; tiếp xúc với dân châu Khâm, Quảng Ðông, tổ chức Vạn Nhân Hội, hô hào chống đối nhà Thanh. Tổng đốc Lưỡng Quảng Chu Phức phái Tân quân đến đàn áp. Tôn một mặt lệnh Hoàng Hưng tuyên truyền Tân quân kết hợp với đoàn thể nhân sĩ châu Khâm, đợi ngày cử sự. Một mặt mua khí giới từ Nhật Bản, và mời quan quân Pháp huấn luyện giúp ; mưu đồ một lần dấy lên thu phục Lưỡng Quảng. Vào tháng 9, quân cách mệnh khởi nghĩa tại châu Khâm, vì lực lượng Tân quân trù trừ nhìn ngó không hưởng ứng kịp thời, nên cuộc khởi nghĩa thất bại.


Lực lượng cách mệnh quay sang Quảng Tây, đột kích ải Nam Quan. Ải Nam Quan cách huyện lỵ Bằng Tường 40 dặm, cách đồn Ðồng Ðăng, còn gọi là đồn Văn Uyên 4 km ; đồn này lúc bấy giờ do quân Pháp đóng. Ải Nam Quan nằm giữa núi Tả Phụ và Hữu Phụ, phía trên có lầu ; hai bên xây tường, có quân Tả Phụ, Hữu Phụ đóng. Ngoài cửa quan là biên giới Việt Nam, người Pháp xây một lô cốt trên đỉnh núi để quan sát Nam Quan.


Theo lời điện tâu của Tuần phủ Quảng Tây Trương Minh Kỳ, khi xẩy ra cuộc đột kích, thì số quân đóng tại Tả Phụ và Hữu Phụ gồm 1 doanh khoảng 500 quân, phía bên Hữu Phụ có đặt đài sơn pháo :




Ngày 3 Canh Dần tháng 11 năm Quang Tự thứ 53 [7/12/1907]


Ðiện gửi bọn [Tổng đốc Lưỡng Quảng] Trương Nhân Tuấn : điện tâu đã xem xong. Trước đây nhân việc biên phòng Quảng Tây khẩn yếu, tình hình bọn phỉ không thể dò được, từng lệnh viên Ðốc phủ nghiêm mật trù tính phòng thủ. Vào ngày mồng 3 tháng 10, cứ viên Ðốc phủ phúc tấu, đã tập trung nhiều binh lực, đủ để chống cự. Lần này Trương Minh Kỳ điện tâu, tại ải Nam Quan chỉ trú binh 1 doanh, số trú giữ đài sơn pháo hữu quân cũng trong 1 doanh đó; binh lực quá ít, không lạ bọn phỉ đã thừa hư nhược đánh chiếm. Viên Phủ bố trí sơ hốt, khiến mất ải quan trọng, khó mà tránh được tội ; Trương Minh Kỳ đáng giao bộ bàn xử....” . (Ðức Tông Thực Lục quyển 582, trang 3-4).


Quân cách mệnh bí mật trèo lên khu vực phía ngoài ải Nam Quan, tấn công chiếm đài Hữu Phụ. Tôn Trung Sơn, Hoàng Hưng, Hồ Hán Dân đích thân đốc quân, chiến đấu trong vòng 7 ngày đêm.


Trong hai ngày đầu quân Thanh không đẩy lui được ; bèn liên lạc với Pháp mượn đoạn đường mấy dặm phía Việt Nam, để quân Thanh đi qua nhắm chặn đường tiếp viện, nhưng Pháp không đồng ý. Vua Quang Tự trực tiếp ra lệnh cho Ðạo viên Hữu Giang, Long Tế Quang, chỉ huy tấn công ; mặt khác đốc sức Ngoại vụ thương lượng với Pháp để chặn đường tiếp tế :




Ngày 6 Quí Tỵ tháng 11 năm Quang Tự thứ 33 [10/12/1907]


Ðiện gửi Trương Minh Kỳ : Các điện trong ngày mồng 4 cùng điện tấu của Trương Minh Kỳ ngày hôm nay, đã xem xong. Hiện do bộ Ngoại vụ thương lượng khẩn thiết với sứ thần Pháp tại kinh đô, mấy lần điện cho viên Ðốc tại Việt Nam nghiêm cấm tiếp tế ; lại do Sứ thần ta tại Pháp, hướng đến bộ Ngoại giao Pháp thiết thực lý luận. Mệnh Trương Minh Kỳ vẫn đốc sức bọn Long Tế Quang tìm đường phân binh, tùy cơ phối hợp đánh, các ải quan trọng chưa thất thủ cần nghiêm mật bố trí, không được sơ hốt chút nào...” (Ðức Tông Thực Lục quyển 582, trang 6).


Một tuần lễ sau quân cách mệnh rút lui, Long Tế Quang tiến chiếm pháo đài nhưng không xảy ra giao tranh ác liệt. Có lẽ quân cách mệnh chỉ nhắm biểu dương tuyên truyền mà thôi, không nhắm chiếm giữ ải Nam Quan lâu dài.


Ðầu năm 1908, do sự thương lượng giữa triều đình nhà Thanh và Pháp, Tôn Trung Sơn không tiện tiếp tục sống tại Hà Nội. Trước khi đi Tân Gia Ba, ông ra lệnh Hoàng Hưng mưu đồ các châu Khâm, Liêm ; Hoàng Minh Ðường hoạt động tại tỉnh Vân Nam.


Tháng 3 Hoàng Hưng vào châu Khâm, tháng 4 đánh bại quân Thanh, rồi quay sang hoạt động vùng biên giới Quảng Ðông, Quảng Tây, uy danh chấn động ; đến tháng 5 thì trở lại Việt Nam.


Vào tháng 4 quân cách mệnh do Hoàng Minh Ðường chỉ huy chiếm được thành phố Hà Khẩu sát biên giới tỉnh Lao Cai, cùng lưu vực sông Nam Khê phía đông bắc thành phố này. Vua Quang Tự ban dụ cho Nội các, liên quan đến việc thất thủ vùng đất này như sau :




Ngày mồng một Ất Dậu tháng 5 năm Quang Tự thứ 34 [30/5/1908]


Dụ Nội các :


Vào ngày 29 tháng 3 năm nay tại biên cảnh Vân Nam hốt nhiên có đảng phỉ cấu kết sinh sự; binh lực biên phòng đơn nhược, nên các xứ Hà Khẩu, Nam Khê 1, Bá Sái tiếp tục thất thủ, quân uy chưa chấn chỉnh được, ngọn lửa giặc ngày một dấy lên, muốn trở thành cây đuốc. Nhiều lần điện sức Tổng đốc Vân Quí Tích Lương, điều động doanh đội, cấp tốc tiễu trừ, để khỏi lan tràn... (Ðức Tông Thực Lục quyển 591, trang 1-2 )


Ðối phó với tình hình trước mắt, hai cánh quân được điều phái đánh dẹp. Cánh thứ nhất do Tổng đốc Vân Quí Tích Lương chỉ huy tổng quát, chia làm 3 lộ : đông lộ, trung lộ, tây lộ ; theo hướng xuôi dòng sông Nguyên Giang [thượng lưu sông Hồng Hà] và sông Nam Khê, tấn công vào mục tiêu. Cánh thứ hai do Ðề đốc Bạch Kim Quế chỉ huy, xuất phát từ phủ thành Khai Hóa, tiến đánh từ đông sang tây :




Ngày 25 Kỷ Mão tháng 4 năm Quang Tự thứ 34 [24/5/1908]


Ðiện gửi Tích Lương : Ðã xem điện xong. Trung lộ địa thế hiểm dốc, quan quân đánh ngược lên, không dễ tiến chiếm, nếu khắc phục được, tất phải nhiều thương vong. Hiện nay tây lộ xưng là được việc, đông lộ thì đã tập hợp lại được ; nếu như tây lộ tiến thẳng đến Bá Sái, hoặc đông lộ đánh sau lưng địch, hẹn cùng Trung lộ tiến thẳng giáp công, bọn giặc bụng và lưng đều bị đánh, thì không khó, một tiếng trống có thể diệt được. Mệnh Tích Lương sức cho Bạch Kim Quế ước tính tình hình phỉ, trù tính ổn thỏa phương lược quyết thắng, hẹn ngày sớm tâu xong việc. Các tướng biền tại hai lộ trung, tây giao tranh lần này, do Tích Lương tra rõ thứ hạng những người ra sức để ban thưởng trước, nhắm khích lệ sĩ khí. (Ðức Tông Thực Lục quyển 590, trang 8)


Quân Thanh điều động lực lượng lớn đến đánh dẹp, không kể đến đạo quân của Ðề đốc Long Tế Quang từ Quảng Tây trên đường tăng viện. Cuộc nổi dậy kéo dài gần một tháng, lực lượng hai bên chống trả từng bước ; ngày 23/5 đạo quân của Ðề đốc Bạch Kim Quế từ phủ thành Khai Hóa tiến sang phía đông chiếm được vùng Ðại, Tiểu Nam Khê. Bị đánh từ sườn bên hông, lại gặp đạo quân của Tổng đốc Tích Lương theo hướng ngược dòng sông Hồng tấn công, tiến chiếm vùng Bá Sái và thành phố Hà Khẩu ; khiến quân cách mệnh đành phải phân tán rút lui :




Ngày 29 Quí Vị tháng 4 năm Quang Tự thứ 34 [28/5/1908]


Dụ các Quân cơ đại thần :


Ðiện gửi Tích Lương: Ðã xem xong 3 điện tâu ngày 27. Vào ngày 24 [23/5], Bạch Kim Quế phân phái các doanh đột kích các trại ; trước tiên dùng kỳ binh chặn quân rút lui, điều động hợp với cơ nghi ; lại dùng công kiên chiến chiếm luỹ, giết địch rất nhiều, lập tức khắc phục Ðại, Tiểu Nam Khê, đảng phỉ trải qua cuộc đánh mạnh, bọn hung hãn bị giết đến hết. Trận đánh thu phục Hà Khẩu vào ngày 27 [26/5], chưa chắc đắc lực hơn trận này... (Ðức Tông Thực Lục quyển 590, trang 11)


*

Sau những cuộc nổi dậy tại biên giới Việt Hoa, Ngoại vụ nhà Thanh thương lượng với chính phủ Pháp để đạt được chương trình ‘Ngăn cấm nghịch đảng Trung Pháp’ gồm 5 khoản. Trong đó có những khoản với nội dung : ngăn cấm giải tán đảng phản nghịch hoặc báo chí tuyên truyền từ Việt Nam chống phá Trung Quốc, hoặc từ Trung Quốc chống phá nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam. Tình trạng này hiển nhiên không thuận lợi cho đảng cách mệnh Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam, nên làn sóng cách mệnh chuyển đến Quảng Châu, Thượng Hải, Hồ Nam, Hồ Bắc ; để cuối cùng tạo thành cuộc cách mệnh Tân Hợi [1911] lật đổ nhà Thanh.


HỒ BẠCH THẢO









1Nam Khê : nay là trấn, thuộc huyện Hà Khẩu ; có 2 sông Ðại, Tiểu Nam Khê chảy qua ; hạ lưu sông này nhập vào sông Hồng Hà làm đường ranh Hà Khẩu, Lao Cai.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss