Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Quan hệ thương mại Trung - Mỹ và một số nước châu Á

Quan hệ thương mại Trung - Mỹ và một số nước châu Á

- Vũ Quang Việt — published 01/04/2021 18:10, cập nhật lần cuối 02/04/2021 10:12

Quan hệ thương mại Trung - Mỹ và một số nước châu Á


Vũ Quang Việt



Sự nổi lên của Trung Quốc với ý đồ bá chủ đòi hỏi việc đánh giá quan hệ thương mại giữa Trung Quốc, Mỹ, châu Âu và với các nước ở châu Á. Việc quá lệ thuộc vào thương mại, đặc biệt là với Trung Quốc sẽ hạn chế và kiềm chế chọn lựa chiến lược trong quan hệ quốc tế, dù thương mại chỉ là một trong nhiều yếu tố quan trọng.

Ngoại thương và ngoại giao


Trước tiên, nhìn tổng thể, nếu quốc gia nào quá dựa vào ngoại thương, không chỉ là nước nhỏ mà cả nước lớn, thì sẽ phải rất đắn đo trong quan hệ ngoại giao nhằm gìn giữ hòa bình ở khu vực và với đối tác quan trọng, bởi vì xung đột có thể đưa đến chiến tranh sẽ tạo bất ổn định cho nền kinh tế. Nhưng với một nước nhỏ cần giữ thế độc lập thì khả năng chọn lựa lại càng rất ít.

Số liệu năm 2019 cho thấy Mỹ dựa vào ngoại thương ít hơn nhiều so với mọi cường quốc trên thế giới, thậm chí thấp hơn cả Ấn Độ vì tỷ lệ ngoại thương trên GDP chỉ là 20% so với Ấn Độ là 28%. Mức độ dựa vào ngoại thương của Liên hiệp châu Âu (EU) gấp gần 3 lần Mỹ (78% trên GDP) do đó mà EU sẽ đắn đo hơn Mỹ trong việc sử dụng áp lực ngoại thương trong chính sách ngoại giao. Trung Quốc (32%) dù ở mức cao hơn Mỹ, nhưng thấp hơn nhiều so với EU. Điều này cho thấy Trung Quốc không nhất thiết phải quá lo sợ khi bị áp lực trừng phạt về ngoại thương vì thị trường nội địa rất lớn so với thị trường ngoại thương.

Nhưng cũng có thể nhận ra một vài nước đã rơi vào tình trạng quá lệ thuộc vào ngoại thương như Việt Nam và Singapore, với tỷ lệ ngoại thương lên tới 200% GDP. Nhìn một cách so sánh, có thể thấy Nhật và Nam Hàn khi dùng chiến lược ngoại thương để phát triển, họ đã nhắm vào tạo ra giá trị gia tăng nội địa bằng cách phát triển công nghệ và lao động chuyên nghiệp của chính họ, do đó mà tỷ lệ ngoại thương trên GDP nhỏ hơn rất nhiều so với Singapore và Việt Nam. Singapore là nước nhỏ bé, nhưng lại ở vị trí địa lý cực kỳ tốt nên đã tận dụng việc phát huy khả năng về dịch vụ trung chuyển để phát triển, tỷ lệ có cao nhưng ở xa hai cường quốc nên không đáng lo ngại. Còn Việt Nam rất tiếc chỉ sử dụng lao động cơ bắp làm thuê cho nên thu nhập đầu người cực thấp, nằm sát Trung Quốc và lại quá dựa vào ngoại thương với Trung Quốc. Vậy cần xem Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc tới mức nào?

Quan hệ với Trung Quốc và Mỹ qua cái nhìn ngoại thương


Quan hệ ngoại thương có thể giúp đánh giá quan hệ giữa từng nước hoặc từng khối nước với Mỹ và Trung Quốc. Cả Mỹ và Trung Quốc dựa vào nhau rất ít so với các nước khác, qua việc xem xét mức độ quan hệ ngoại thương vì tỷ lệ ngoại thương giữa hai nước hiện nay thấp hơn 5% GDP (Mỹ 2,6%, TQ 3,8%).

Ngược lại, nhiều nước ở Đông Nam Á không chỉ lệ thuộc vào thương nói chung mà còn quá lệ thuộc vào vào Mỹ và Trung Quốc. Ở châu Á, Việt Nam và Singapore lệ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc quá xa. Riêng Việt Nam, mức độ lệ thuộc Trung Quốc với tỷ lệ ngoại thương giữa hai nước năm 2019 lên tới một mức kinh khủng là 45%, và cả với Mỹ cũng ở một tỷ lệ rất cao là 30%. Không có nước nào ở châu Á có mức lệ thuộc như thế. Điều này cho thấy Việt Nam đang nằm ở thế trên đe dưới búa.

Cũng cần thấy là tỷ lệ lệ thuộc Trung Quốc về ngoại thương của Việt Nam phát triển đặc biệt nhanh, tăng từ 5% năm 2000 lên 45% GDP năm 2019. Câu hỏi đáng xem xét là phải chăng đây là kết quả của chính sách hay phi chính sách? Điều rõ nhất như bảng 5 chỉ ra, tỷ lệ quan hệ thương mại trên GDP không nhất thiết tạo ra thu nhập đầu người cao. Cứ so Mỹ, Ấn Độ, Nhật, Trung Quốc thì rõ. Và càng rõ nếu so Việt Nam với Trung Quốc hay Thái Lan.

Việc coi thu hút FDI cũng là vấn đề cần đặt lại, vì mục đích của Việt Nam hình như không phải nhằm vào phát triển nền kinh tế có lợi cho đa số dân chúng mà là nhằm làm lợi cho thiểu số, để cho doanh nghiệp nước ngoài mượn đất, dùng điện và lao động rẻ, tha hồ thải ô nhiễm, thay vì gia công nguyên liệu nội địa lại đưa nguyên liệu từ nước ngoài vào để làm hàng xuất khẩu. Những năm gần đây, đầu tư trực tiếp của nước ngoài chiếm khoảng 22-24% tổng tích lũy của Việt Nam nhưng chiếm tới 70% tổng xuất khẩu của Việt Nam và trên 90% hàng xuất khẩu hàng đầu như máy tính, hàng điện thoại, điện tử, máy móc là của doanh nghiệp nước ngoài (theo số liệu của Hải quan và Tổng cục Thống kê VN). Ngay cả đến dệt may, 63% xuất khẩu cũng là của doanh nghiệp nước ngoài. Đây cũng là lý do dù thu nhập đầu người thấp nhưng tỷ lệ xuất nhập khẩu so với GDP của VN thuộc loại cao nhất thế giới.

Giải pháp cho vấn đề là có luật đầu tư xem xét FDI trên cơ sở đòi hỏi thực hiện tỷ lệ nội hóa tối thiểu, tùy từng ngành nghề. Đây cũng chính là nguyên tắc mà Luật thương mại tự do với EU đã áp dụng ngay cả với hàng nhập từ Việt Nam.

Vũ Quang Việt

26/03/2021


Nguồn: Bài đã đăng trên TBKTSG, tác giả gửi cho Diễn Đàn.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss