Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Quân phiệt tranh giành tại Trung Quốc / Quân phiệt tranh giành tại Trung Quốc (1)

Quân phiệt tranh giành tại Trung Quốc (1)

- Hồ Bạch Thảo — published 01/12/2014 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 1 : Những thế lực sau thời Viên Thế Khải [1916-1917]



Quân phiệt tranh giành tại Trung Quốc



Hồ Bạch Thảo


Chương 1

Những thế lực sau thời Viên Thế Khải
[1916-1917]


doan

Đoàn Kỳ Thuỵ [1865-1936]

Nguồn : Wikipedia


Viên Thế Khải vươn lên, đổ xuống, rồi lại dấn bước, cuối cùng nắm tối cao quyền lực, phần lớn dựa vào vũ lực. Y từng nói rằng “ Đại trượng phu không thể một ngày mà không có binh ; chỉ cần có binh quyền trong tay, chẳng có gì sợ cả ”. Qua 2 lần chiến thắng Quốc dân đảng, niềm tin càng mạnh ; rồi trên làm dưới bắt chước, bộ hạ của y cũng cho rằng vũ lực vạn năng, mỗi người lo mưu tính riêng. Trước thời đế chế thì cứ theo mệnh lệnh Viên mà tuân theo, sau nhân phong trào phản đối Viên chuẩn bị lên ngôi thì thực lực đã có sẵn trong tay bèn mưu độc lập, đó là một trong những nguyên nhân khiến Viên mau sụp đổ. Từ đó thế lực quân phiệt gia tăng, lớn thì bàn cứ tại trung ương, nhỏ thì chiếm một phương, tranh thành tranh đất, hỗ tương thôn tính.




1. Quân phiệt cát cứ



Lúc Viên Thế Khải làm Tổng thống, lấy danh nghĩa quân, dân chia quyền trị nước, mỗi tỉnh thiết lập Đô đốc và Dân chính trưởng ; sau đó cải xưng Tướng quân với nhiệm vụ quản đốc quân sự và Tuần án sứ quản lý chính sự, nhưng quyền lớn tại Đô đốc hoặc Tướng quân. Lúc Lê Nguyên Hồng giữ chức Tổng thống, Đoàn Kỳ Thuỵ giữ chức Tổng lý quốc vụ ; vào tháng 7/1916 cải Tướng quân thành Đốc quân, Tuần án sứ thành Tỉnh trưởng. Nếu xét về tên gọi thì Tỉnh trưởng có quyền tối cao, nhưng thực chất đều lệ thuộc vào Đốc quân. Từ đó quân phiệt tại Trung quốc nổi tiếng trên thế giới ; Đốc quân thành đại biểu quân phiệt, phần lớn xuất thân từ quân Bắc dương, nên được gọi là Bắc dương quân phiệt ; lực lượng này bố trí khắp vùng lưu vực sông Trường Giang, Hoàng Hà và miền đông bắc. Đoàn Kỳ Thuỵ, Phùng Quốc Chương là 2 tay cừ khôi, đã sớm lập riêng môn phái. Đoàn tuy không phải là Đốc quân, nhưng từ lâu giữ chức Tổng trưởng bộ lục quân, lại làm Tổng lý nội các ; phạm vi thế lực tại các tỉnh Sơn Đông, An Huy, Chiết Giang, Phúc Kiến, Thiểm Tây, Cam Túc. Phùng làm Đốc quân Giang Tô, các Đốc quân tại Trực Lệ, Giang Tây, Hồ Bắc tôn làm thủ lãnh ; lãnh thổ tuy không bằng Đoàn, nhưng giàu có hơn, hai bên ở thế đối địch. Đoàn người An Huy, Phùng người Trực Lệ ; nên tập đoàn do Đoàn lãnh đạo được gọi là Hoán hệ 1, do Phùng lãnh đạo được gọi là Trực hệ. Tuần duyệt sứ sông Trường Giang kiêm Đốc quân An Huy Trương Huân, cầm quân 3 vạn quân đóng tại yếu địa Từ Châu [Xuzhou, Giang Tô]. Tóc Trương vẫn thắt bím để tỏ ra không quên triều Thanh, nên quân dưới quyền được gọi là Bím tử quân, lập riêng một ngọn cờ. Đốc quân Phụng Thiên Trương Tác Lâm thời cuối Thanh giữ chức Thống lãnh tuần phòng doanh, dân quốc thăng lên Sư trưởng ; thời đế chế Hồng Hiến làm ra vẻ tận trung với Viên Thế Khải, một mặt đuổi Tướng quân Phụng Thiên để giành chức, tiến thêm một bước khống chế các tỉnh Cát Lâm, Hắc Long Giang, nên được gọi là Phụng hệ ; có thể coi đây là biệt chi của Bắc dương. Đốc quân Sơn Tây Diêm Tích Sơn không thuộc phái Bắc dương, nhưng khéo ứng phó, trước kia theo Viên Thế Khải, nay liên kết với Đoàn Kỳ Thuỵ để mong giữ yên tỉnh nhà ; trong khi quân phiệt tranh giành, thì đứng riêng một mình không lung lay, khiến cho hơn 10 năm Sơn Tây không có chiến tranh, nhân dân trong tỉnh được yên ổn. Đốc quân Tân Cương Dương Tăng Tân áp dụng sách lược tương tự như Diêm Tích Sơn, nhưng lãnh thổ ở nơi xa xôi, các tướng lãnh quân phiệt không coi trọng, nên có thể đứng yên một mình.


Các tỉnh tại phương nam tuy không thuộc quân phiệt Bắc dương, nhưng đều bị cát cứ. Tại Vân Nam, sau khi Viên Thế Khải chết, tháng 8/1916 Thái Ngạc cũng bị bệnh mất. Đường Kế Nghiêu đứng đầu Vân Nam, các tỉnh Tứ Xuyên, Quí Châu coi như là phần đất phụ thuộc ; gọi là Điền hệ 2. Lục Vinh Đình thì ngoài phần đất tỉnh Quảng Tây, còn xua đuổi Long Tế Quang kiêm cả Quảng Đông, được gọi là Quế hệ 3.


Thời Viên Thế Khải thế lực Bắc dương hầu như bao trùm cả nước, sau khi đế chế không thành, mất các tỉnh như Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây. Lục Vinh Đình, Đường Kế Nghiêu có đất cát cứ riêng, còn Quốc Dân Đảng lúc bấy giờ chưa chiếm được tỉnh nào. Các tập đoàn lớn đều dựa vào ngoại quốc ; như Hoán hệ, Phụng hệ, Bím tử quân của Trương Huân được Nhật Bản yểm trợ ; Trực hệ của Phùng quốc Chương thì dựa vào Anh, Mỹ, tuy nhiên Mỹ không tỏ ra lộ liễu bằng Anh ; riêng Điền và Quế giáp giới Việt Nam, nên lúc bấy giờ chịu ảnh hưởng của Pháp.




2. Mâu thuẫn giữa Đoàn Kỳ Thuỵ và Lê Nguyên Hồng



Hộ quốc quân kiên quyết đòi Lê Nguyên Hồng giữ chức Tổng thống, khôi phục ước pháp, quốc hội. Tôn Trung Sơn cũng ủng hộ việc khôi phục ước pháp và quốc hội. Ngày 6/7/1916, Lê Nguyên Hồng tiếp tục nhiệm kỳ thứ nhất Tổng thống, Đoàn Kỳ Thuỵ làm Tổng lý nội các. Đoàn tỏ ra khinh thường Lê và không thích quốc hội. Sau khi Viên Thế Khải mất, do hoàn cảnh áp bách, Đoàn tuyên bố y theo ước pháp Phó tổng thống thay thế Tổng thống, nhưng không đề cập đến quốc hội ; ước pháp Đoàn nêu lên đây tức Tân ước pháp, do phe Viên Thế Khải đặt ra năm 1914, chứ không phải là Cựu ước pháp lập ra vào năm 1912. Đầu tiên Nghị viên quốc hội lên tiếng bác bỏ, bảo rằng Tân ước pháp do Viên lập ra để làm loạn nước, không có hiệu lực pháp lý. Các lãnh tụ phương nam tiếp tục phản đối, đòi khôi phục Cựu ước pháp và quốc hội do Viên bãi bỏ ; căn cứ vào ước pháp tổ chức nội các, không thừa nhận nội các do Đoàn Kỳ Thuỵ lãnh đạo. Lúc Lê tuyên thệ Tổng thống đã nói rõ “ Y cứ ước pháp ban bố năm dân quốc thứ nhất, tiếp nhiệm chức quyền Tổng thống ”. Đối với Đoàn, Cựu ước pháp dùng nội các chế, có lợi cho Đoàn hơn; nhưng Đoàn không muốn khôi phục vì ghét Quốc dân đảng chiếm đa số trong quốc hội và có ảnh hưởng lớn trong việc thiết lập Cựu ước pháp.


Phùng Quốc Chương lo sợ thế lực của Đoàn bành trướng, bèn liên kết với phương nam, tán thành khôi phục Cựu ước pháp cùng quốc hội. Đệ nhất hạm đội hải quân trú tại Thượng Hải cũng tuyên bố nếu không khôi phục Cựu ước pháp, quốc hội, chính thức thành lập nội các, thì không chịu nhận mệnh lệnh từ Bắc Kinh. Đoàn thấy sự việc trở nên nghiêm trọng, nên tạm thời nhẫn nại. Vào ngày 29/6 Lê Nguyên Hồng hạ lệnh tuân hành Lâm thời ước pháp năm Dân quốc thứ nhất [1912], cùng phép tuyển cử Tổng thống năm Dân quốc thứ 2 [1913], tiếp tục triệu tập quốc hội đã bị Viên Thế Khải giải tán, giao cho Đoàn Kỳ Thuỵ tổ chức nội các chính thức. Chính sách nhất quán của đảng Tiến bộ là dựa vào kẻ có quyền, do vậy Lương Khải Siêu nhất tâm ủng lập Đoàn ; qua sự khuyến cáo của Lương, Hộ quốc quân tuyên bố triệt tiêu vào ngày 14/7. Quốc dân đảng lấy làm bất mãn, kịch liệt đả kích Lương. Cùng ngày 14/7 chính phủ Bắc Kinh hạ lệnh trừng phạt những kẻ chủ mưu lập đế chế như bọn Dương Độ, gồm 8 người.


Ngày 1/8 quốc hội khai mạc, nhiệm vụ lớn là chế định hiến pháp. Nhắm đoàn kết lực lượng, Quốc dân đảng tập hợp được 360 Nghị viên, tổ chức thành “ Hiến chính thương xác 4 hội ”, trong đó có những người trước kia thuộc Tiến bộ đảng. Sau đó lực lượng này chia làm 3 phái : chủ trương tiến mạnh được gọi là Dân hữu xã, phái ôn hoà gọi là Ích hữu xã, cùng Chính học hội ; nói chung thường gọi là Thương xác hệ, chủ trương ủng hộ Lê Nguyên Hồng. Lương Khải Siêu lập Hiến pháp nghiên cứu đồng chí hội, Thang Hoá Long lập Hiến pháp thảo luận hội ; cả hai chủ trương tương tự nên sau đó hợp lại thành Hiến pháp nghiên cứu hội, người đương thời quen gọi là Nghiên cứu hệ, là tổ chức ủng hộ Đoàn Kỳ Thuỵ, do vậy Tiến bộ đảng không còn. Phe riêng của Đoàn lập Trung hoà câu lạc bộ, tức là An phúc câu lạc bộ sau này. Đoàn cũng giống như Viên Thế Khải, nghi kỵ các Đốc quân phía nam và coi Quốc dân đảng như cừu địch, nhưng không chủ trương lật đổ cộng hoà.


Sau khi Viên Thế Khải mất, Trương Huân tại Từ Châu [Xuzhou, Giang Tô] họp 7 tỉnh lại, quyết định ưu đãi triều Thanh, yêu cầu các tỉnh đã tuyên bố độc lập phải huỷ bỏ, ức chế phần tử bạo động tham gia chính quyền, nếu chính trị trung ương có mối tệ thì cộng đồng tranh đấu, cố kết đoàn thể, nghiêm chỉnh binh bị. Mục đích của nhóm này muốn áp bức người khác ý kiến, bài xích Quốc dân đảng, khống chế chính quyền trung ương, đợi thời cơ để khôi phục ngôi vua. Đoàn Kỳ Thuỵ rất ghét Tổng trưởng ngoại giao Đường Thiệu Nghi cùng các thành viên nội các thuộc Quốc dân đảng. Tháng 9/1916 chuyển ý cho Trương Huân liên hợp Đốc quân 7 tỉnh bài xích Tổng trưởng Trương Diệu Tăng ; rồi lại tập hợp 13 tỉnh tái tổ chức hội nghị Từ Châu dể bài xích Đường Thiệu Nghi. Đoàn đề nghị Tổng trưởng ngoại giao 2 lần, nhưng đều bị quốc hội phủ quyết. Thương xác hệ liên lạc tốt với Phùng Quốc Chương, đề cử Phùng làm Phó tổng thống, càng làm tăng thêm mối chia rẽ giữa Phùng và Đoàn. Nghiên cứu hệ cũng muốn cho Phùng, Đoàn cả hai đều có phần, nên biểu thị tán đồng. Ngày 30/10/1916 Phùng Quốc Chương được quốc hội bổ tuyển làm Phó tổng thống, văn phòng đặt tại Nam Kinh. Mưu sĩ của Phùng là Tổng trưởng nội vụ Tôn Hồng Y, cùng tâm phúc của Đoàn là Từ Thụ Tranh ngày càng mâu thuẫn. Đoàn Kỳ Thuỵ áp lực Lê Nguyên Hồng bãi miễn Tôn không được ; do đó sự tranh chấp giữa Tôn, Từ, biến thành “ Tranh chấp phủ viện ” tức giữa phủ Tổng thống của Lê và Quốc vụ viện của Đoàn. Nghị viên Thương xác hệ đề xuất đàn hặc Từ Thụ Tranh và Đoàn Kỳ Thuỵ ; kết cục qua sự điều giải của Từ Thọ Xương khiến Lê và Đoàn bớt căng thẳng ; nhưng Tôn, Từ đều bị mất chức. Quốc hội phủ quyết 2 lần về những Tổng trưởng do Đoàn đề nghị ; các Nghị viên Nghiên cứu hệ ủng hộ cho Đoàn, tranh cãi với Nghị viên phái Thương xác. Tháng 12, Lương Khải Siêu vận động Phùng Quốc Chương, Trương Huân liên hợp 22 Đốc quân, Tỉnh trưởng, điện khuyên Lê, Đoàn và cảnh cáo quốc hội. Trương Huân lại triệu tập hội nghị Từ Châu lần thứ 3 ; Đoàn cũng phái đại biểu tham dự, yêu cầu Lê Nguyên Hồng dẹp bỏ quốc hội, ủng hộ Đoàn Kỳ Thuỵ, chỉnh đốn thành viên nội các, cùng chuẩn bị việc đánh đổ Lê.


Trước đó vào mùa thu năm 1915, nước Đức đem việc việc công nhận Viên Thế Khải lên ngôi vua làm mồi, để dụ Trung Quốc thành nước đồng minh. Anh, Pháp, Nga cảm thấy bất an, bèn khuyên Trung Quốc gia nhập Hiệp ước quốc 5, đồng ý cho vay tiền mở công binh xưởng chế vũ khi đạn dược để cung cấp cho các nước trong hiệp ước ; Viên sợ Nhật không bằng lòng, nên chưa chấp thuận. Anh, Pháp, Nga quay sang thương lượng với Nhật ; Thủ tướng Đại Ôi Trùng Tín cho rằng nếu Trung Quốc tham chiến thì Nhật mất độc quyền tại châu Á, nên từ chối. Chính sách của Đại Ôi đối với Trung Quốc chủ yếu dùng chính trị xâm lược, áp bức chính quyền hiện hữu.


Từ tháng 10/1916, Tự Nội Chính Nghị lập nội các tại Nhật, chủ trương xâm lược kinh tế, dung dưỡng chính quyền Trung Quốc hiện tại. Kể từ khi cuộc Thế giới đại chiến, hàng hoá mậu dịch tại Nhật Bản gia tăng xuất siêu, trong nước hiện kim rất nhiều, nếu như cho Trung Quốc mượn, thì nguồn tư bản không bị ứ đọng, vật giá trở nên quân bình ; hơn nữa nguyên liệu vật tư tại Nhật không nhiều, cần nhập từ Trung Quốc. Bằng con đường cho mượn, không khăng khăng vào mối lợi tức thời, mà nhắm vào lợi lớn trong tương lai, thực hiện cái gọi là “ Muốn lấy sau, phải đưa ra nhử trước ”. Lúc này Đoàn Kỳ Thuỵ cần nhiều tiền để khuyếch trương lực lượng, nên thừa dịp lấy danh nghĩa chuẩn bị tham gia đại chiến, để vay mượn cho nhiều.


Vào tháng 1/1917 Đoàn Kỳ Thuỵ có ý tham chiến, Công sứ Đức P.von Hintze [Tân Từ] tìm nhiều cách ngăn trở. Tháng 2, Mỹ tuyệt giao với Đức, khuyên Trung Quốc noi theo ; Đoàn Kỳ Thuỵ lập tức tán thành. Lương Khải Siêu tán đồng chủ trương này, hy vọng Trung Quốc thừa cơ bước vào thế lực quốc tế, có thể nhờ Hiệp ước quốc ủng hộ tăng gia quan thuế, hoãn trả tiền bồi thường năm Canh Tý [1900], ngoài ra Mỹ là nước rất đáng tin cậy, có thể tương trợ. Nội các Đoàn lấy cớ tiềm thuỷ đỉnh Đức đánh chìm tàu quốc gia trung lập, bèn đem ra kháng nghị, chuẩn bị tuyệt giao để đi đến tuyên chiến. Ngày 4/3 Tổng lý Đoàn Kỳ Thuỵ cùng thành viên nội các (ngoại trừ Ngoại trưởng Ngũ Đình Phương không tham gia) mang văn thư của Quốc vụ viện yêu cầu quốc hội tuyệt giao với Đức để Tổng thống phó thự 6 [cùng ký tên đóng dấu] chấp nhận. Tổng thống Lê Nguyên Hồng cho rằng chưa đến lúc tuyệt giao, Đoàn doạ từ chức rời Bắc Kinh đến Thiên Tân để ép. Đây là cuộc “ Tranh chấp phủ viện ” lần thứ hai, nhưng rồi qua sự điều giải của Phó tổng thống Phùng Quốc Chương, Lê đành chịu khuất ; Đoàn trở lại làm việc, vào ngày 14/3 công bố tuyệt giao với Đức.


Hiệp ước quốc khuyên Đoàn thực hành tham chiến, Tôn Trung Sơn kịch liệt phản đối, đa số quốc hội cũng không đồng ý. Công sứ Đức P. von Hintze hứa giúp tài lực cho Tôn Trung Sơn. Nhắm dọn đường cho việc tuyên chiến với Đức, Đoàn Kỳ Thuỵ triệu tập Đốc quân đoàn hội nghị, ngày 28/4 biểu quyết yêu cầu quốc hội thông qua quyết nghị tuyên chiến với Đức. Ngày 10/5 Đoàn Kỳ Thuỵ thi hành phương sách của Viên Thế Khải đối với quốc hội trước kia, xui khiến cái gọi là Công dân thỉnh nguyện đoàn bao vây quốc hội, ẩu đả và làm nhục Nghị viên, ép buộc phải thông qua trong ngày. Dư luận rất công phẫn, yêu cầu trừng trị kẻ xui khiến ; nhưng Đoàn Kỳ Thuỵ không quan tâm, vẫn tiếp tục đòi quốc hội thông qua. Quốc hội không đáp ứng, yêu cầu cải tổ nội các ; riêng Đốc quân thì đòi giải tán quốc hội. Ngày 23/5 Lê Nguyên Hồng quyết định bãi miễn chức Tổng lý của Đoàn. Khác với sự nhu nhược thường lệ, lần này Lê quả quyết ra tay hành động, có thể bởi những lý do sau đây : thứ nhất, Lê đã bị Đoàn áp bức nhiều lần, không có thể chịu nhịn thêm ; thứ hai, chỉ có một số Đốc quân ủng hộ Đoàn, còn Trực hệ của Phùng Quốc Chương và lực lượng phía nam vẫn chống tuyên chiến ; thứ ba, trước khi sự việc xẩy ra, Lê đã trình bày với Công sứ Mỹ P. S. Reinsch và viên Cố vấn người Mỹ W. W. Willoughby [Vi Lạc Bối], chắc đã được các giới chức này thông cảm. Riêng Đoàn Kỳ Thuỵ giận dữ trở về Thiên Tân, và tuyên bố căn cứ Trung Hoa lâm thời ước pháp, Tổng thống không có quyền cách chức Tổng lý, nên không thừa nhận.




3. Trương Huân tái lập Thanh triều



Tháng 3/1917 Lục Vinh Đình, thời cuối Thanh từng giữ chức Đề đốc Quảng Tây, hiện giữ chức Đốc quân Quảng Đông, đi lên phía bắc. Qua Từ Châu gặp Trương Huân bàn bạc ; sau khi đến Bắc Kinh bèn thỉnh an Tuyên Thống. Phái “ Phục bích ” 7 vô cùng hoan hỷ, bảo rằng “ Nam Lục, bắc Trương ” là những trung thần ; nước Đức và Nhật cũng tán đồng như vậy, có nhiều hy vọng nhà Thanh trở lại ngôi. Năm 1912 Thân vương Hanh Lợi nước Đức từng gặp Thân vương Phổ Vĩ nhà Thanh tại Thanh Đảo [Qingdao, Sơn Đông], cận thần Phương Nãi Tuyên nhiều lần liên lạc với người Đức. Sau khi Trung Quốc tuyệt giao với Đức, người Đức cổ vũ Trương Huân sớm phục bích. Nhật Bản có quan hệ mật thiết với Túc thân vương Thiện Kỳ tại Đại Liên [Dalian, Liêu Ninh], đồng thời liên lạc với Trương Huân và các di thần nhà Thanh như bọn Từ Thế Xương tại Thiên Tân, Thượng Hải.


Sau khi Lê Nguyên Hồng, Đoàn Kỳ Thuỵ tranh chấp quyết liệt, Trương Huân cùng các Đốc quân lại cử hành hội nghị Từ Châu. Đoàn Kỳ Thuỵ nêu ra rằng việc thay đổi nội các, Tổng lý chưa phó thự, nếu tương lại có việc gì xẩy ra thì Đoàn không chịu trách nhiệm ; rõ ý muốn cổ võ Đốc quân phản đối trung ương. Trương Huân trách Lê phá hoại pháp luật, các tỉnh sẽ tự do hành động


Tỉnh trưởng An Huy Nghê Tự Xung tuyên bố độc lập trước tiên, kế đến các tỉnh Thiểm Tây, Hà Nam, Chiết Giang, Phụng Thiên, Hắc Long Giang, Sơn Đông, Trực Lệ, Phúc Kiến, Sơn Tây, Thượng Hải. Lương Khải Siêu cự tuyệt thỉnh cầu điều giải của Lê, các yếu nhân Nghiên cứu hệ rầm rộ ra khỏi kinh đô, thực hiện bất hợp tác. Đoàn và Nghiên cứu hệ định tổ chức nội các lâm thời tại Thiên Tân, nhưng Trương Huân phản đối vì không hợp với ý đồ riêng, Công sứ đoàn cũng sợ tổn hại đến quyền lợi các nước, thanh ngôn không thể thừa nhận, Công sứ Mỹ P. S. Reinsch ra sức cản trở. Các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây tuy gửi điện ủng hộ Lê thảo phạt phản nghịch, nhưng chỉ có giá trị trên giấy tờ, vô bổ cho thực tế. Phùng Quốc Chương giữ thái độ trung lập, muốn cho Lê xuống để thay thế. Đốc quân Sơn Đông chuẩn bị tiến quân lên Bắc Kinh, định dùng Trương Huân đứng đầu 13 tỉnh liên hiệp yêu cầu Lê thoái chức. Lê bèn bó tay thúc thủ, khốn khó lo buồn, bèn mời Trương Huân đến bàn việc nước.


Ngày 8/6 Trương Huân mang Bím tử quân đến Thiên Tân, đòi Lê Nguyên Hồng trong 3 ngày phải giải tán quốc hội. Đoàn Kỳ Thuỵ ngỏ ý với Trương Huân đợi sau khi đánh đổ Lê xong, việc phục bích có thể thương lượng; Công sứ Nhật Bản Lâm Quyền Trợ cũng cổ vũ,Trương Huân cho rằng việc có thể thành. Lê thanh ngôn rằng “ Không sợ chết, không trái pháp luật, không ký tên đóng dấu nếu bị uy hiếp ” ; nhưng đến lúc quân Trương Huân vào kinh đô vào ngày 13/6, bị ép hạ lệnh giải tán quốc hội. Vào ngày 1/7 Trương ủng lập Tuyên Thống 12 tuổi lên làm vua “ Lên ngôi cao nghe việc chính trị, thu hồi quyền lớn ”, sử dụng cờ Hoàng long [Rồng vàng]. Dùng bọn Trương Huân, Vương Sĩ Trân làm Nghị chính đại thần ; Lương Đôn Ngạn, Lôi Chấn Xuân vv… giữ Thượng thư các bộ ; Từ Thế Xương, Khang Hữu Vi làm Bật đức viện Chánh, Phó viện trưởng; Trương Huân làm Tổng đốc Trực Lệ, Bắc dương đại thần ; Phùng Quốc Chương làm Lưỡng Giang Tổng đốc, Nam dương đại thần. Lê Nguyên Hồng chạy vào Sứ quán Nhật Bản. Lê đối với việc Viên Thế Khải lên làm vua, thái độ tiêu cực bất hợp tác ; lần này đối với việc Tuyên Thống phục bích, có hành động tích cực hơn, như điện các tỉnh mang quân dẹp giặc Trương Huân, tái bổ Đoàn Kỳ Thuỵ chức Tổng lý nội các, yêu cầu Phùng Quốc Chương thay mặt giữ chức Tổng thống.


Học giả Nghiêm Phục có lời bình về Lê Nguyên Hồng như sau “ Thiên hạ tin đạo đức của Lê công, nhưng cầu cho đất nước tồn tại thì đạo đức đó không hữu hiệu. Tại sao vậy ? Vì nhu nhược hôn ám. Đọc hết lịch sử Trung, Tây ; người lương thiện mà nhu nhược hôn ám rất nguy hiểm. Làm gia trưởng không thể làm cho gia đình no ấm, ra ngoài đứng đầu một nước, không đủ để giữ nước.”


Đoàn Kỳ Thuỵ đã mượn được tay Trương Huân gạt bỏ Lê ; nay Trương Huân phục bích nắm quyền lớn, nhưng trong sắc dụ của Tuyên Thống bổ nhiệm các quan không có tên Đoàn. Do đó Đoàn cho rằng trước kia từng ép nhà Thanh thoái vị, nếu chế độ này tồn tại, có thể nguy hiểm đến bản thân ; trước mắt quân Trương Huân chưa kịp củng cố bèn ra tay gấp, vừa đảo Lê, tiếp đảo Trương, địa vị Đoàn sẽ trở nên độc tôn, lại lập được công lớn tái tạo nền cộng hoà. Lương Khải Siêu ra sức khuyên cử binh, giúp trù quân phí ; Nhật Bản thấy thế lực Đoàn hơn hẳn Trương, bèn tìm cách lợi dụng, trợ giúp tiền bạc. Ngày 3/7 Đoàn làm lễ thệ sư dẹp giặc Trương Huân tại Mã Xưởng, phía nam Thiên Tân, tự xưng Thảo nghịch quân Tổng tư lệnh. Phùng Quốc Chương với tư cách thay mặt Tổng thống, nếu như lật đổ Trương sẽ thuận lý để kế vị Lê Nguyên Hồng; nên nhất trí dẹp Trương Huân.


Đoàn Kỳ Thuỵ chỉ huy Thảo nghịch quân gồm 3 vạn, quân Trương Huân đóng tại Bắc Kinh chỉ có 5.000, biết rằng không địch nổi, nên tuyên bố từ chức ; Từ Thế Xương quan sát chiều gió chính trị, bèn bẻ bánh lái thuyền tuyên bố phản đối phục bích, Tuyên Thống mệnh Vương sĩ Trân giao thiệp với Đoàn Kỳ Thuỵ. Thảo nghịch quân tiến công không ngừng, Trương Huân tố cáo Từ Thế Xương, Đoàn Kỳ Thuỵ, Phùng Quốc Chương bội tín phản bạn hữu. Ngày 12/7 Thảo nghịch quân đánh vào Bắc Kinh, Trương Huân chạy trốn vào sứ quán Hà Lan.


Sau này Tôn Trung Sơn có lời phê về Trương Huân như sau “ Triều Thanh mất ngôi vốn do thời thế, Trương Huân cưỡng lại để phục bích, thuộc vào loại ngu trung ; tội phản quốc đáng tru diệt ; nhưng tấm lòng luyến chủ cũ cũng đáng thương, Văn [Tôn Văn] này coi phục bích là kẻ địch, nhưng không phải không kính tư cách ”.


Hai ngày sau Tuyên Thống thoái vị, Từ Thế Xương hết sức duy trì điều kiện ưu đãi. Đoàn Kỳ Thuỵ cũng cho rằng phục bích do Trương Huân ép, không phải là ý nguyện của nhà Thanh, nên Tuyên Thống vẫn được sống ung dung trong cung.


Sau vụ này Đoàn Kỳ Thuỵ được tiếng khen là “ Tam tạo cộng hoà ” (3 lần tạo dựng chế độ cộng hoà) với thành tích được kể thêm bởi 2 vụ trước đó là yêu cầu vua Thanh thoái vị năm 1912, và phản đối đế chế thời Hồng Hiến của Viên Thế Khải năm 1916.


Hồ Bạch Thảo







1 An Huy còn được gọi là Hoán, vì thời cổ nước Hoán tại nơi này.


2 Điền là tên tắt của tỉnh Vân Nam.


3 Quế tức tỉnh Quảng Tây, vì đời Tần thuộc quận Quế Lâm.


4 Thương xác : bàn bạc đắn đo để tìm ra lẽ phải.


5 Hiệp ước quốc : các quốc gia hiệp ước chống phe Đức trong Thế chiến thứ 1.


6 Phó thự (Countersign) : ý nói văn thư bãi miễn của Tổng thống Lê Nguyên Hồng, phải được Tổng Lý Đoàn Kỳ Thuỵ cùng ký mới có hiệu lực.


7 Phục bích : vua lên ngôi trở lại, trở lại thời quân chủ.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss