Sách mới : Làng mạc ở sông Hồng
Giới thiệu sách mới
Làng mạc ở châu thổ sông Hồng
LTS. Nhà cuất bản Tri thức vừa phát hành cuốn « Làng mạc ở châu thổ sông Hồng » của hai nhà nhân học Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski. Chúng tôi xin cho đăng lại dưới đây « Lời nói đầu » của Nguyễn Tùng để giới thiệu với bạn dọc cuốn sách đáng chú ý này.

Lời nói đầu
Nguyễn Tùng
Các bài đăng trong cuốn
sách
này là kết quả mà Nelly Krowolski và tôi (Nguyễn Tùng) đã
đạt được thông qua hai chương trình hợp tác nghiên cứu
Pháp-Việt: về làng Mông Phụ (xã Đường Lâm, thị xã
Sơn Tây, Hà Nội) và về làng ở vùng châu thổ sông
Hồng.
- Chương trình nghiên cứu làng Mông Phụ
Đây là chương trình được ký kết vào tháng 7/1989 giữa Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học của Pháp (CNRS) và được giao cho Viện Dân tộc học (thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam) và Viện Nghiên cứu Ðông Nam Á và Thế giới Nam Đảo (LASEMA, thuộc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học của Pháp, CNRS) thực hiện.
Tham gia hai cuộc điền dã (5-6/1990 và 10-11/1991) ở Đường Lâm, có bốn nhà nghiên cứu thuộc Viện Dân tộc học (Võ Thị Thường, Diệp Ðình Hoa, Nguyễn Dương Bình và Trần Văn Hà) và ba nhà nghiên cứu thuộc LASEMA (Nelly Krowolski, Nguyễn Xuân Linh và Nguyễn Tùng). Dù rất bận rộn với trách nhiệm lãnh đạo, GS. Bế Viết Ðẳng, Viện trưởng Viện Dân tộc học, thỉnh thoảng cũng đã đến tham gia.
Ngoài hai cuộc điền dã chính nói trên, Nguyễn Tùng và Nguyễn Xuân Linh còn về điều tra bổ túc ở Ðường Lâm vào tháng 5/1995. Và trong mỗi lần sang Việt Nam điền dã trong khuôn khổ của chương trình nghiên cứu kế tiếp về “làng ở vùng châu thổ sông Hồng”, Nelly Krowolski và Nguyễn Tùng cũng đã về thăm Ðường Lâm để cập nhật các tri thức và nhất là để theo dõi các biến đổi mới xảy ra ở đó.
Các bài nghiên cứu về Mông Phụ đã được in trong cuốn Nguyễn Tùng (éd.), Mông Phụ, un village du delta du fleuve Rouge, Paris: L’Harmattan, 1999, 349 trang. Cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Việt: Nguyễn Tùng (chủ biên), Mông Phụ, một làng ở đồng bằng sông Hồng, Hà Nội: Nxb. Văn hóa Thông tin, 2003, 269 trang.
- Chương trình nghiên cứu về “làng ở vùng châu thổ sông Hồng”
Năm 1996, Nelly Krowolski và tôi đã được mời tham gia chương trình này ra đời nhờ sáng kiến của ba tổ chức: Văn phòng đại diện Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) tại Việt Nam, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tham gia chương trình này gồm có:
- Các GS. Đào Thế Tuấn, Đặng Nghiêm Vạn, Lê Bá Thảo, Nguyễn Đức Nghinh, Phan Đại Doãn, Phan Huy Lê và Tương Lai.
- Các nhà nghiên cứu Dương Duy Bằng, Đặng Thế Đại, Alain Forucci, Nelly Krowolski, Vũ Văn Quân, Lê Đức Thịnh, Lê Thanh Bình, Nguyễn Tùng, Olivier Tessier, Trương Xuân Trường.
Kéo dài ba năm (1996 - 1999), chương trình tập trung nghiên cứu bốn làng Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì, Hà Nội), Mộ Trạch (huyện Bình Giang, Hải Dương), Hay (huyện Thanh Ba, Phú Thọ) và Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Nelly Krowolski và tôi đã đi điền dã nhiều tháng ở hai làng Tả Thanh Oai và Mộ Trạch. Riêng tôi đã nhiều lần về thăm lại làng Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mà tôi đã bắt đầu quan tâm tìm hiểu từ đầu những năm 1980, khi tôi lưu lại vài ngày ở nhà một anh bạn đồng nghiệp, dù làng này không nằm trong chương trình nghiên cứu chính thức.
Trong khuôn khổ của chương trình nghiên cứu về “làng ở vùng châu thổ sông Hồng”, chúng tôi đã bỏ nhiều tháng để tìm tư liệu ở Thư viện Khoa học Xã hội (đặc biệt về hương ước), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (phông tư liệu về tỉnh Hà Đông rất phong phú) và thư viện của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội (có nhiều sách và bài nghiên cứu viết bằng tiếng Pháp về làng xã trong thời Pháp thuộc).
Kết quả của chương trình nghiên cứu này đã được giới thiệu trong cuốn: Philippe Papin và Olivier Tessier (chủ biên), Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: vấn đề còn bỏ ngỏ, Hà Nội: Nxb. Lao Động-Xã Hội, 2002, 742 trang.
Vào đầu năm nay, khi đọc lại các bài của chúng tôi đăng trong hai cuốn sách ghi trên đây, tôi thấy chúng vẫn còn hữu ích cho các độc giả quan tâm đến làng xã người Việt, nhất là làng xã truyền thống, dù chúng đã được viết cách đây đến 20 năm! Do đó, tôi đã có ý định in lại chúng trong cùng một cuốn sách để tiện cho việc tham khảo.
Vì ở xa chúng tôi đã không làm việc trực tiếp được với các biên tập viên của hai nhà xuất bản Văn hoá Thông tin và nhà xuất bản Lao động-Xã hội, nên các bài của chúng tôi còn không ít sai sót. Tôi đã đọc kỹ lại nhiều lần để sửa chữa và bổ sung. Thế mà, khi tôi nhờ đọc lại, chị Thái Thị Ngọc Dư và anh Trần Hữu Quang vẫn tìm ra khá nhiều lỗi! Xin chân thành cảm ơn hai bạn đồng nghiệp.
Nguyễn Tùng
Làng mạc ở châu thổ sông Hồng
Tác giả: Nguyễn Tùng, Nelly Krowolski
Nxb Tri Thức, Hà Nội 2020, 336 trang khổ 16x24cm
Giá bìa: 105.000 VNĐ
Mục lục
Lời nói đầu
Vài tâm đắc về làng xã Việt Nam
I. Làng Mông Phụ (xã Đường Lâm, Hà Nội)
Từ tổng đến xã: lãnh thổ và bản sắc
Tổ chức chính trị và xã hội
Tổ chức không gian
Biến đổi kinh tế
Từ nội sang ngoại: Từ vựng thân tộc
Gia đình mở rộng hay gia đình hạt nhân
Cưới hỏi ở làng quê
Ẩm thực ở làng quê: từ bữa ăn hằng ngày đến bữa tiệc
II. Ba làng Tả Thanh Oai, Mộ Trạch và Đông Ngạc
Về không gian làng
Họ, dòng họ và không gian hôn nhân ở Tả Thanh Oai, một làng ngoại ô Hà Nội
III. Chợ làng
Ba chợ làng ở châu thổ sông Hồng
Thư mục
Các thao tác trên Tài liệu