Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Lịch sử sân khấu, kịch và điện ảnh Việt Nam

Lịch sử sân khấu, kịch và điện ảnh Việt Nam

- Nguyễn Đức Hiệp — published 16/09/2023 23:35, cập nhật lần cuối 16/09/2023 23:40

Giới thiệu sách mới


Lịch sử sân khấu, kịch và điện ảnh Việt Nam


Nguyễn Đức Hiệp



Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2003,
288 trang khổ 16x24 cm.

Lời nói đầu

Sự phát triển sân khấu nghệ thuật cải lương, kịch và điện ảnh cũng như âm nhạc có liên hệ mật thiết với nhau trong giai đoạn đầu và phát triển trong thế kỷ 20. Nhiều nghệ sĩ và soạn giả vừa hoạt động trên sân khấu cải lương và cũng tham gia đóng kịch, đóng phim và hát tân nhạc. Sự hình thành và phát triển của sân khấu cải lương từ hát bội và đờn ca tài tử truyền thống đã được nghiên cứu, trình bày và xuất bản trong các năm qua. Ở Nam Kỳ, tầng lớp trí thức đã thu nhập các thành phần của sân khấu kịch Tây phương từ dàn cảnh, đối thoại đến âm nhạc mang vào sân khấu nghệ thuật hát bội và nhạc tài tử để thành cải lương. Sự phối hợp tân cổ giao duyên trong nghệ thuật cải lương là một sự chuyển tiếp, tiến hóa không gây đứt đoạn từ sân khấu truyền thống phổ thông trong dân gian để thích ứng với sự ảnh hưởng của văn hóa Tây phương trong xã hội vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Sân khấu cải lương đã phát triển thành công và có chỗ đứng vững chắc trong xã hội vào giai đoạn này do sự chấp nhận của mọi thành phần xã hội.

Ở Bắc Kỳ thì trái lại, nghệ thuật tuồng và chèo truyền thống đã dần bị thay thế bởi sân khấu kịch được hình thành và phát triển ở các đô thị chủ yếu là ở Hà Nội do các trí thức Tây học du nhập vào. Sân khấu kịch ở Bắc Kỳ phát triển nhanh chóng và phổ thông trong các thành phần trung lưu và có học, trong khi ở Nam Kỳ, kịch không thể cạnh tranh được với cải lương và không có những ban kịch hay các tác phẩm kịch có tầm cỡ như ở Hà Nội và miền Bắc. Sau này một số các ban kịch, các nhà soạn kịch và các nhạc sĩ ở miền Bắc nhất là trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp từ 1945 đến 1954 đã vào Nam và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển sân khấu kịch và tân nhạc ở Sài Gòn và Nam Bộ. Do có một khoảng trống giữa sân khấu kịch với truyền thống tuồng và chèo, cải lương từ Nam Kỳ đã lan đến và thành công phát triển ở Bắc Kỳ. Ngoài những gánh cải lương từ miền Nam ra miền Bắc trình diễn thường xuyên trong thập niên 1930 và 1940, còn có các ban cải lương ở miền Bắc như ban cải lương Ái Liên hoạt động và phát triển hình thái nghệ thuật này rất ăn khách và sống động.

Điện ảnh được du nhập và phát triển cùng thời và đồng bộ vào đầu thế kỷ 20 cho đến 1954 ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam. Sau năm 1954, điện ảnh ở miền Nam và miền Bắc đi theo hai xu hướng khác nhau. Miền Nam hoạt động sản xuất phim ảnh do cá nhân cũng như các công ty tư nhân là chính và do đó đề tài của phim ảnh rất đa dạng từ thương mại chủ yếu phục vụ nhu cầu của khán giả và thành công đạt doanh thu đến các tác phẩm phim ảnh nghệ thuật của một số nhà đạo diễn tiên phong và các hãng phim có thực lực đầu tư cho các đề tài mới theo trào lưu của điện ảnh ở Á châu và thế giới. Điện ảnh miền Bắc do các hãng phim nhà nước thực hiện với mục đích là xây dựng một xã hội mới theo hướng chủ nghĩa xã hội và góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, đề cao tinh thần yêu nước, tập thể hơn là vai trò và nhận thức cá nhân. Sau năm 1975, sự chuyển biến từ điện ảnh lý tưởng đến điện ảnh hiện thực bắt đầu từ giai đoạn trong thời kỳ đổi mới ở cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990. Ngày nay điện ảnh Việt Nam cũng đa dạng với các hãng phim tư nhân sản xuất dòng phim thương mại hợp với thực trạng xã hội và thị hiếu của người xem, đồng thời cạnh tranh được với các phim nước ngoài.

Quyển sách này ra đời với mục đích giới thiệu sự hình thành và phát triển của sân khấu kịch nghệ và điện ảnh vào đầu thế kỷ 20 cho đến thập niên 2010 chủ yếu ở Nam Bộ. Mặc dù chỉ giới hạn trong khoảng thời gian và không gian này, nhưng chúng tôi cũng đề cập đến không gian rộng hơn trên toàn Việt Nam khi có sự tương tác và ảnh hưởng của các hình thái nghệ thuật trên ở các miền trước khi đất nước thống nhất. 

Phần tân nhạc, một lãnh vực âm nhạc có sự liên hệ nhiều đến nghệ thuật kịch và điện ảnh, chúng tôi sẽ viết trong một cuốn sách riêng về sự hình thành và phát triển tân nhạc Việt Nam vì lãnh vực này rất lớn và đa dạng.

Cuốn sách này sẽ còn thiếu sót nếu không có sự giúp đỡ của nhiều người trong đó có nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Thùy Trang, Vũ Hà Tuệ, Huỳnh Trung Kiên và các bạn, người thân Ngô Thị Hạnh, Quỳnh My, Vũ Hùng, Hồ Thị Ngọc Phương, Nguyễn Ngọc Giao, Nguyễn Thị Sáu, Vivienne Nguyễn, Trương Kiều Hạnh cùng các bạn đọc thân thuộc Candy Nguyễn, Trần Hữu Phúc Tiến, Hồ Ngọc Lữ, Trần Ngọc Hùng, Lê Tuyên đã cung cấp tư liệu, khuyến khích viết cuốn sách này và luôn đặt niềm tin vào tác giả.


Nguyễn Đức Hiệp


Nguồn: Tác giả gửi Diễn Đàn. Đoạn đóng khung là do chúng tôi nhấn mạnh.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss