Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Sau điều ước Nam Kinh [1842] liệt cường tiếp tục gây hấn và giành quyền lợi tại Trung Quốc

Sau điều ước Nam Kinh [1842] liệt cường tiếp tục gây hấn và giành quyền lợi tại Trung Quốc

- Hồ Bạch Thảo — published 26/01/2014 22:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Phần 3/3 (hết) : Liên quân Anh Pháp đánh Bắc Kinh và các điều ước bất bình đẳng [1859-1860]


HỒ BẠCH THẢO


Sau điều ước Nam Kinh [1842]
liệt cường tiếp tục gây hấn và
giành quyền lợi tại Trung Quốc




Chương ba

Liên quân Anh Pháp đánh Bắc Kinh
và các điều ước bất bình đẳng [1859-1860]


looting

Looting of the Yuan Ming Yuan pavilion by Anglo-French forces in 1860

(Liên quân Anh Pháp cướp phá tại vườn ngự uyển Viên Minh, 1860)

Nguồn : www.pinterest.com/lena2520/china-the-arts/

1. Lửa chiến tranh cháy tiếp


Sau cuộc hội đàm tại Thượng Hải [Shanghai, Giang Tô], vua Hàm Phong mấy lần căn dặn phải tìm cách thay đổi 4 điều như : trú sứ tại kinh đô, thông thương trên sông Trường Giang v v… phần còn lại có thể y theo điều ước Thiên Tân, Thượng Hải ; nhưng không chuẩn cho thuyền ngoại quốc đến Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc] lần nữa. Bọn Quế Lương tâu rằng muốn bỏ 4 điều đó, không thể dùng lời nói suông, phải dùng binh mới được. Nhưng dùng binh thì phải cầm chắc thắng, xét về thời thế hiện nay, cần phải đợi thời mới nên hành động. Vua Hàm Phong đã có ý chế ngự trước để giành thắng ; kíp đến khi được tin Lord Elgin [Ngạch Nhĩ Kim] dùng thuyền ngược sông Trường Giang [Changjiang], bèn dặn kẻ dưới rằng không cho phép đi thêm lần nữa, không cho Sứ thần trú kinh đô, nếu như đến Thiên Tân thì quân trú phòng khai pháo trước.


Trước khi trở về nước, Lord Elgin báo cho Quế Lương biết Công sứ mới nhậm chức, sẽ đến kinh đô trao đổi điều ước “ nếu như dùng lễ đối đãi với nhau, thì theo điều ước thi hành ” ; và tại xứ đó chọn đất cư trú, tiện dùng cho sau này đến kinh đô. Vua Hàm Phong miễn cưỡng đồng ý, hạn số lượng10 người, không được mang vũ khí, không được ngồi kiệu đi thành đoàn, trao đổi điều ước xong thì rời ngay kinh đô. Những điều này đem so với lời của Lord Elgin, cũng không khác nhau nhiều. Nói tóm lại, để cuối cùng trở nên quyết liệt, không hoàn toàn do triều Thanh thiếu lòng thành, nhưng thực sự nguyên nhân chính do viên Công sứ mới Frederick W. A. Bruce [Bốc Lỗ Tư] ngạo mạn khinh suất.


Năm ngoái Frederick, lúc bấy giờ là Phó sứ, mang điều ước Thiên Tân trở về nước. Tháng 2/1859, chính phủ Anh ra chỉ thị cho viên này đến kinh đô Bắc Kinh, ở lâu hay dừng tạm, không ràng buộc. Tháng 3 lại nhận lệnh, kiên trì lập sứ quán tại Bắc Kinh, mang quân đội đầy đủ, có quyền đi qua cửa khẩu tại sông Bạch Hà [Baihekou, Thiên Tân]. Frederick gặp Lord Elgin tại Tích Lan [Sri Lanka], nên biết pháo hạm của Anh đã tập trung tại Thượng Hải, để bảo vệ viên tân Công sứ. Cuối tháng 4, Frederick đến Hương Cảng, biết được hải cảng Ðại Cô [Dagu, Thiên Tân] có phòng bị ; nhận định rằng cần phải dùng võ lực để đối phó. Công sứ nước Pháp vẫn là A. de Bourboulon [Bố Nỉ Bố Long] ; riêng Ðặc sứ Mỹ đã thay nhân vật mới John Ward [Hoa Nhược Hàn], vào tháng 5 từ Hương Cảng lên Thượng Hải. Ðầu tháng 6, Frederick cùng Bourboulon tiếp tục đến Thượng Hải, lúc bấy giờ tại đây có 20 chiến thuyền Anh. Sau khi đến được 2 ngày, Frederick nhận được chiếu hội của Quế Lương xin chớ đến Thiên Tân, yêu cầu cùng thương nghị. Trung Quốc không phải không bằng lòng đến Bắc Kinh trao đổi điều ước, nhưng Quế Lương cần về kinh trước để chuẩn bị. Frederick trách Quế Lương cố ý chần chừ, điều ước không thể cắt giảm, nếu Trung Quốc tự hủy điều ước, thì cứ Trung Quốc mà hỏi. Nước Pháp cũng quyết dùng pháo hạm cưỡng bách Trung Quốc thực thi điều ước. Quế Lương bèn trở về Bắc Kinh gấp để tiện ứng phó.


Từ tháng 8/1858, doanh lũy pháo đài tại Ðại Cô [Dagu, Thiên Tân] được tu sửa xây dựng, do Tăng Cách Lâm Thấm chủ trì, đến tháng 11 thì xong, để đề phòng quân hạm Anh tái xâm nhập. Dọc pháo đài xây đường hầm, ụ pháo, lỗ quan sát ; ngoài đê có hào cùng hàng rào gỗ. Các vùng phụ cận như Bắc Ðường [Beitang], cũng xây pháo đài phòng ngự, tăng binh. Tháng 3/1859 triều đình Bắc Kinh hay tin quân Anh, Pháp trên đường lên phía bắc, mệnh Tăng đề phòng nghiêm mật tại cửa biển “ không để một cánh buồm xông vào, lập mưu đánh ”, nếu như thuyền Anh dám khai pháo, lập tức khuất phục bởi binh uy ; quyết ứng chiến nhưng không cầu chiến. Cùng hôm đó, dụ Quế Lương thông báo cho biết, nếu tuân theo điều kiện đã quy định, cho vào trao đổi điều ước. Lại dụ Tăng Cách Lâm Thấm cùng Tổng đốc Trực Lệ [Hà Bắc, Hebei], Hằng Phúc, báo cho binh thuyền Anh, Pháp đừng vào Ðại Cô ; Sứ thần đến Bắc Ðường lên bộ, sẽ có người dẫn đến kinh đô, chiếu theo lễ tiếp đãi, Thiên Tân, Bắc Kinh đều chuẩn bị sẵn công quán. Qua những điều này có thể chứng minh rằng triều đình Thanh không muốn đánh nhau, mọi việc đều y Anh, Pháp yêu cầu ; điểm bất đồng là muốn Sứ thần vào theo hướng Bắc Ðường, chứ không phải là Ðại Cô. Các Ðại thần tham dự quyết sách gồm Di thân vương Tái Viên, Trịnh thân vương Thụy Hoa, Thượng thư Túc Thuận, quân cơ Ðại thần Bành Uẩn Chương.


Vào ngày 17/8, Ðề đốc hải quân Anh James Hope [Hà Bá] đốc suất chiến hạm đến Ðại Cô, phát hiện cửa khẩu bị bè lớn cản trở ; yêu cầu trong 3 ngày phải phá hủy để Công sứ đến Bắc Kinh. Ngày thứ hai chiến hạm Anh bức bách pháo đài phá hoại công sự. Ngày 20 phái viên của Hằng Phúc thông tri xin đợi vài ngày, sẽ có người đến thương nghị. James Hope tuyên bố rằng ngày hôm nay sẽ vào sông, nếu không dẹp hàng rào gỗ, bè, cọc sắt, thì quân Anh sẽ dẹp bỏ. Ngày hôm đó Sứ thần Anh, Pháp đến nơi ; Frederick mệnh James Hope dùng vũ lực tảo thanh chướng ngại vật. Ngày 22 triều đình Bắc Kinh dụ Hằng Phúc đào đạt Anh, Pháp, cho binh thuyển đến cửa khẩu Bắc Ðường, để đợi Quế Lương đưa đến kinh đô. Ngày hôm sau Hằng Phúc chiếu hội cho Frederick xin lên bờ tại Bắc Ðường, rồi đến kinh đô. Trong 3 ngày, quân Anh không ngừng quan sát pháo đài Ðại Cô “ tường thành không thấy bóng người, các pháo môn đều có rèm che, các cửa không thấy cờ, trong đêm không nghe tiếng ”. Tăng Cách Lâm Thấm cũng không muốn quyết liệt, thúc dục Quế Lương lên phía bắc gấp ; lại rút quân tại Bắc Ðường ra đằng sau, với lòng thành nhường cho Anh, Pháp tiến lên Bắc Ðường.


Frederick quyết định đi qua Ðại Cô, không lên Bắc Ðường. Ngày 24/6 James Hope gửi tối hậu thư. Lúc 10 giờ sáng ngày 25, chiến hạm Anh 13 chiếc, với 1 200 quân bắt đầu tấn công pháo đài, quân bộ xông lên như ong. Lúc 2 giờ chiều quân phòng thủ cùng nổ súng, đánh đến đêm khuya ; thuyền Anh 5 chiếc chìm, 6 chiếc bị hư hại nặng, 2 chiếc bị bắt, tử thương hơn 500 người, James Hope bị thương tại đùi. Trận này Tăng Cách Lâm Thấm đích thân đốc quân, Ðề đốc Trực Lệ Sử Vinh Xuân, cùng hạ cấp 32 người tử trận. Frederick, Bourboulon, cùng tàn dư hạm đội đành phải rút về Thượng Hải.


Nguyên nhân trực tiếp cuộc chiến, do chiến hạm Anh cưỡng đoạt đường sông Bạch Hà để đến Thiên Tân. Bạch Hà là nội hà của Trung Quốc, Thiên Tân không phải là cảng khẩu ghi trong điều ước, chiến hạm Anh hoàn toàn không có quyền đó. Frederick, James, khinh thị Trung Quốc ; cho rằng chiếm lại Ðại Cô là việc dễ làm, không ngờ bị thất bại. Trung Quốc không có ý gây hấn, ba bốn lần khuyên bảo trước đừng tự tiện xông vào, nhưng Frederick không đếm xỉa. Một vị Sứ giả ngoại giao, mang nhiều chiến hạm, xâm nhập vào trong sông của nước khác, khó có thể nhẫn nại bao dung, huống gì lại nổ súng trước.


Triều đình nhà Thanh trước đây đã có kinh nghiệm về Ðại Cô, trong nước lại có nội loạn, nên quyết không gây mối hấn, chỉ bất mãn với điều ước Thiên Tân mà thôi. Viên thống soái tại tiền phương, Tăng Cách Lâm Thấm, tuy tức giận quân Anh ngang ngược, nhưng một mực ẩn nhẫn, chờ đối phương nổ súng, mới đánh trả lại. Tin chiến thắng đến, Hàm Phong một mặt dụ Hằng Phúc tiếp xúc với người Anh, nếu đổi ý, có thể đến kinh đô trao đổi điều ước ; lại mệnh quan chức trú tại Bắc Ðường tìm cách tiếp xúc với Mỹ, Pháp, xem ý họ có muốn thay đổi hay không ; một mặt mệnh Hà Quế Thanh tại Thượng Hải tìm cách chấm dứt binh đao, yên việc.


Trước khi Ðại Cô xẩy ra chiến tranh quyết liệt, Ðặc sứ Mỹ, John Ward, tuân theo đề nghị trao đổi điều ước. Lúc Trung Anh giao tranh, chiến hạm Mỹ từng cứu James Hope thoát hiểm, một người Mỹ bị bắt ; nên bị Trung quốc nghi ngờ. Nhưng ngày 8/7, Hằng Phúc hội đàm với John tại Bắc Ðường, tiếp đãi long trọng, kể đầu đuôi sự kiện tại Ðại Cô, nguyện Anh, Pháp khôi phục hữu nghị, John hứa sẽ chuyển đạt giúp. Ngày 27 John Ward đến kinh đô, vì không chịu quỳ bái nên không chiêm cận vua, quốc thư do Quế Lương tiếp nhận, điều ước trao đổi tại Bắc Ðường vào ngày 26/8. Người Anh đối với việc làm của John Ward, không cho là đúng : bảo viên này bị nhục tại Bắc Kinh, thực sự không có như vậy. Nếu như Công sứ Anh Frederick W. A. Bruce cũng làm như Ðặc sứ John Ward, thì cuộc chiến tại Bắc Ðường đã không xẩy ra.



2. Anh, Pháp mang đại binh tiến quân


Sự điều giải của Ðặc sứ Mỹ John Ward, cùng lời khuyến cáo của Tổng đốc Hà Quế Thanh đều vô hiệu. Tin tức về cuộc chiến tại Ðại Cô [Dagu] đến Luân Ðôn, gây nên sóng gió chính trị. Lời báo cáo của Công sứ Frederick cố tình bóp méo, cho rằng đây là dự mưu của nhà Thanh, cần dùng vũ lực để đối phó ; lại khẳng định sai rằng cửa khẩu Ðại Cô, sông Bạch Hà là đường duy nhất vào kinh đô. Nghị viên quốc hội số lớn đả kích Frederick thô lỗ, đương nhiên cũng có phái ủng hộ. Thủ tướng H.J.T. Palmerston cương quyết phái đại quân thủy, lục đến, để duy trì uy vọng của nước Anh. Vào tháng 10/1859, Ngoại trưởng John Russell [La Tố] ra huấn lệnh cho Frederick kế tiếp dùng binh tại vùng Hoa Bắc ; hải quân xuất phát từ nước Anh, trước hết đánh Ðại Cô, Thiên Tân ; rồi xem chừng có nên vào Bắc Kinh hay không.


Triều đình nhà Thanh vẫn mong thỏa hiệp, giao cho Hà Quế Thanh tiếp tục khuyên Anh, Pháp. Ngày 8/3/1860 Frederick gửi chiếu hội, yêu cầu trong 30 ngày, thừa nhận 4 điều :


- Thứ nhất : xin lỗi việc xẩy ra tại Ðại Cô.

- Thứ hai : để Công sứ từ sông Bạch Hà đến kinh đô trú ngụ.

- Thứ ba : chấp hành toàn bộ điều ước Thiên Tân.

- Thứ tư : bồi thường chiến phí, trả cho nước Anh thuyền, pháo.


Triều đình Bắc Kinh cho rằng vụ Ðại Cô do nước Anh gây hấn, trong tương lai nếu như không mang binh thuyền đến, có thể trao đổi điều ước tại Bắc Ðường. Frederick cùng Công sứ Pháp A. De Bourboulon quyết định phong tỏa eo biển Bột Hải [Bohai bay], chiếm Ðan Sơn [Zhousan, Chiết Giang]. Bắc Kinh ra lệnh Hà Quế Thanh ra sức thuyết phục, ngoài việc đưa thuyền vào sông Trường Giang và trú sứ tại Bắc Kinh thì tất cả các điều khác đều chấp thuận ; duy chỉ hội bàn tại Thượng Hải, không lên phía bắc. Vào tháng 5/1860 quân Thái Bình Thiên Quốc đánh phá các đại doanh tại Giang Nam, nên triều đình Bắc Kinh ra lệnh Hà Quế Thanh không thể quyết liệt với Anh, Pháp. Ðầu tháng 6, Hà Quế Thanh đến gặp Frederick xin giúp giữ Giang Nam, như vậy triều đình nhà Thanh có thể tiếp thu lời yêu cầu của Anh, Pháp.


Nhân dư luận Anh đối với Frederick bất lợi, nên vào tháng 2/1860 lại cử Lord Elgin làm Ðặc sứ, nước Pháp cũng cử Baron Gros trở lại. Tháng 4, John Russell ra lệnh cho Lord Elgin, cũng giống như huấn lệnh cho Frederick trước kia ; có quyền quyết định lúc nào nên đàm phán, lúc nào nên quyết liệt. Tháng 6, Lord và Baron lên Thượng Hải ; tháng 7, chia quân Anh, Pháp tập trung tại biển Hoa Bắc, Ðại Liên [Dalian, Liêu Ninh] và Yên Ðài [Yantai, Sơn Ðông]. Rút kinh nghiệm thất bại năm ngoái, liên quân Anh, Pháp quyết định đổ bộ tại Bắc Ðường, đánh phía sau lưng Ðại Cô. Bắc Kinh ba, bốn lần lệnh Hằng Phúc khuyên Anh, Pháp theo lệ của Mỹ trước kia, đưa Sứ gỉả đến Bắc Ðường rồi vào kinh đô trao đổi điều ước, nhưng không kết quả.


Ngày 27/7/1860 quân Anh, Pháp hơn 17 700 người, thuyền vận tải 143 chiếc, quân hạm 40 chiếc, đậu tại cửa biển Bắc Ðường. Quân trú phòng sớm rút ra đằng sau, quân kỵ binh Mông Cổ tinh nhuệ của Tăng Cách Lâm Thấm chuẩn bị đợi địch đổ bộ xong, dùng khinh kỵ xung kích. Ngày 1/8 quân Anh, Pháp đổ bộ ; toàn trấn Bắc Ðường bị cướp bóc. Ngày 12 liên quân tiếp tục tiến, 4 000 quân kỵ của Tăng Cách Lâm Thấm xung phong, người ngựa tương y, giữa làn súng đạn dày đặc, kỵ binh từ lưng ngựa đổ xuống ; cả đoàn quân gần như tan vỡ. Qua hai ngày, liên quân đánh mạnh vào Ðường Cô [Tanggu, Thiên Tân] 1, pháo súng liên hoàn, quân của Tăng đại bại. Hằng Phúc hai lần gửi chiếu hội cho biết đã phái Khâm sai đại thần chờ tiếp kiến tại Bắc Kinh. Vào ngày 15 Thị lang Văn Tuấn, cùng viên cựu Giám đốc hải quan Quảng Ðông Hằng Kỳ đến Thiên Tân, chuẩn bị đón tiếp Sứ thần Anh, Pháp vào kinh đô. Hằng Phúc tái xin đình chiến, Lord Elgin, Baron Gros đòi hỏi phải giao nạp pháo đài Ðại Cô và không chịu gặp Văn Tuấn, Hằng Kỳ. Sau khi thất thủ tại Ðường Cô, Tăng Cách Lâm Thấm cho rằng khó đoan chắc giữ nổi Ðại Cô. Hằng Phúc chủ trương triệt bỏ phòng thủ, dùng khoan dung uyển chuyển theo lời yêu cầu của Anh, Pháp. Ngày 21/8 quân Anh, Pháp công hãm bờ phía bắc pháo đài Ðại Cô, thương vong khoảng 400 người. Ðề đốc Trực Lệ và thuộc hạ tử thương 20 người, tinh thần anh dũng của họ, khiến kẻ địch cũng phải khâm phục. Lúc bấy giờ Tăng Cách Lâm Thấm nhận được chiếu chỉ của vua Hàm Phong như sau : “ Nắm tay nhau từ biệt đã hơn nửa năm. Hai bên bờ Đại Cô nguy cấp, lòng ngươi chắc buồn như đốt ; nhưng gốc của nước tại kinh sư chứ không phải tại cửa biển. Nếu mất hãy rút về giữ [Thiên] Tân, Thông [Châu] ; quyết không thể liều thân nơi pháo đài, để làm tròn danh tiết một mình. Cầm bút thương cảm, ngươi hãy ráng tuân ! ”. Sau khi pháo đài phía bắc mất, Tăng Cách Lâm Thấm tại bờ nam dương cờ trắng “ miễn chiến ” ; rồi rút lui trong đêm ; ngày 23 quân Anh, Pháp vào sông Bạch Hà rồi chiếm cứ Thiên Tân.



3. Công hãm Bắc Kinh


Hằng Phúc đề nghị hòa không thành ; vào ngày 24/8 vua Hàm Phong mệnh Quế Lương đến Thiên Tân, cùng với Hằng Phúc giữ chức Khâm sai đại thần, lo việc hòa đàm với Anh, Pháp tại Thiên Tân. Lần này điều kiện của Lord Elgin và Baron Gros có các khoản như thông thương tại Thiên Tân, gia tăng bồi thường, lập Thiện hậu chuyên ước, chuẩn các điều khoản, vào kinh đô trao đổi điều ước ; không chịu bàn với Quế Lương, Hằng Phúc. Lãnh sự Harry Parkes, Thomas Wade, cùng Phiên dịch người Pháp de Meritens [Mỹ Lý Ðăng] ra sức uy hiếp, bảo rằng nếu còn có lời nói khác sẽ mang quân tiến thẳng. Ngày 4/9, Hằng Phúc, Quế Lương thuận bồi thường binh phí cho Anh, Pháp 800 vạn lượng, hiện nạp 100 vạn lượng ; Harry Parkes có thể đến kinh đô trước để quan sát, trong 7 ngày sẽ ký Thiện hậu chuyên ước ; nhưng Bắc Kinh cố chấp không hứa.


Ngày 8/9, Thống lãnh quân Anh Hope Grant [Cách Lan Thành] thông báo cho Quế Lương rằng ngày mai sẽ tiến quân đến Thông Châu [Tongzhou]. Ngày hôm đó tấu báo của Quế Lương liên tiếp đến kinh đô, nội dung nếu như không nạp hiện kim, chúng sẽ chiếm nha môn lấy tiền trong ngân khố ; không chuẩn thông thương, chúng sẽ phong tỏa bến cảng ; không chuẩn cho Harry Parkes đến kinh đô, thì chúng sẽ tự đi ; hai Sứ Anh, Pháp mang 1 000 quân đến Thông Châu, đợi phái viên quan lớn nhất đến ký điều ước, trên đường nếu gặp quân phòng thủ sẽ giao chiến. Vua Hàm Phong dụ Quế Lương tiếp tục biện bác ; lại sai Di thân vương Tái Viên, Quân cơ đại thần Thượng thư bộ binh Mục Ấm làm Khâm sai đại thần đến Thông Châu giao thiệp. Ngày hôm sau lại tuyên bố ngự giá thân chinh, nhưng thực tế muốn trốn về Nhiệt Hà ; nhưng quần thần ra sức cản trở nên hoãn lại.


Ngày 14/9, Tái Viên, Mục Ấm hội nghị với Harry Parkes và Thomas Wade tại Thông Châu ; đợi Lord Elgin đến sẽ đem Thiện hậu chuyên ước, từng nghị bàn tại Thiên Tân ra ký kết ; sau đó sẽ đem 1 000 quân đến kinh đô trao đổi điều ước. Hàm Phong cho rằng quân Anh dùng binh làm áp lực để bắt ký điều ước, nên phẫn giận, ra lệnh bắt Harry Parkes. Thanh Sử Cảo chép Harry Parkes có những lời rằng “ Về điều ước này, cần phải gặp đại Hoàng đế, để làm rõ sự thành tín ” lại nói “ Người phương xa tuân theo điều phải, muốn đến thượng quốc từ lâu, xin dùng quân tiến vào ” ; vua cho rằng lời lẽ thiếu khiêm tốn, nên ra lệnh Tăng Cách Lâm Thấm bắt đưa đến kinh sư. Ngày hôm sau Harry Parkes đến, yêu cầu triệt binh khỏi trấn Trương Gia Loan [Zhangjiawanzhen, Bắc Kinh], nói xong lập tức lên ngựa đi ; tất cả 39 người (26 người Anh, 13 người Pháp), đều bị Tăng Cách Lâm Thấm bắt. Quân Anh, Pháp lập tức tiến công ; đánh bại Tăng quân tại Trương Gia Loan. Ngày 21 tiếp tục tấn công Bát Lý Kiều [Baliqiao, Bắc Kinh], gặp viện quân của Thống soái Thắng Bảo đến, viên này “ chít khăn vàng, cưỡi ngựa đốc chiến, bị súng bắn, ngã xuống ngựa ”, toàn quân tan rã.


Ngày Harry Pakes bị bắt, vua Hàm Phong kể tội, thảo phạt. Ba ngày sau đó, chiến bại tại Bát Lý Kiều, tình trạng dẫn đến cái thế quân đến dưới thành ; bèn sai người em khác mẹ là Cung thân vương Dịch Hân làm Khâm sai đại thần liệu biện về hòa cục. Ngày 1/9 vua Hàm Phong chạy lên Nhiệt Hà, phía bắc. Hiệp trợ Cung thân vương có Quế Lương, Quân cơ đại thần Văn Tường ; lo liệu cho Anh, Pháp rút quân. Lord Elgin và Baron Gros đòi trước hết phải thả bọn Harry Parkes ra, cùng chấp nhận điều ước ; nếu không sẽ tấn công. Cung thân vương đáp nếu như quân Anh, Pháp rút lui, sẽ ký điều ước và thả người bị bắt “ nếu dùng binh uy hiếp, thì rất đáng tiếc cho hòa cục mà tính mệnh của Harry Parkes cũng không giữ được ”. Lord Elgin, Baron Gros tuyên bố đình chỉ giao thiệp, trước khi Harry Parkes được thả. Ngày 5/10 liên quân đánh gần ngoại ô Bắc Kinh, quân Tăng Cách Lâm Thấm không đánh mà tan rã. Vào ngày mồng 8, Harry Parkes được phóng thích. Ngày 13/9/1860 liên quân vào thành Bắc Kinh, đây là lần thứ nhất quân Tây phương chiếm thủ đô Trung Quốc.


Quân Anh, Pháp cướp phá vườn ngự uyển Viên Minh, vườn Thanh Kỳ (núi Vạn Thọ), vườn Tĩnh Minh (núi Ngọc Tuyền). Vườn Viên Minh là một tòa ngự uyển được mở mang trong 150 năm, chu vi trên 30 lý, có các viên đình theo kiểu Trung quốc, Tây phương ; điện gác, lâu đài, quán tạ, có các đồ quý cổ ngoạn, văn vật, không những tinh hoa của Hoàng thất, mà còn là bảo tàng của một nền văn hóa ; kể từ ngày 6/10, quân Anh, Pháp ra tay cướp phá. Những đồ cướp được đưa ra bán, vào tay tư nhân, một phần vào tay Nữ Hoàng Alexandrina Victoria [Duy Ða lợi Á] và Hoàng đế Napoléon 3 [Nã Phá Luân thứ 3]. Lord Elgin lấy cớ 20 người chết trong số 39 người bị bắt, nên hạ lệnh thiêu đốt vườn Viên Minh ; nhắm trừng phạt Hoàng đế nhà Thanh ; ngày 18/10 phóng hỏa, khói bụi mịt mù, cháy suốt 3 ngày 3 đêm.


Kể từ lúc khai chiến, hai đạo quân Anh, Pháp có sự xích mích ; quân Pháp không đông bằng quân Anh, tiếp tế cũng không thuận tiện, nên hành động trì trệ. Anh thường chỉ trích, nên phía Pháp không bằng lòng ; Lord Elgin và Baron Gros cũng không hoàn toàn hòa hợp. Hai quân cảm thấy mệt nhọc, không muốn trú qua mùa đông ; sau khi chiếm lãnh Bắc Kinh xong, chỉ huy quân Anh Hope Grant [Cách Lan Thành] và Pháp de Montaubon [Mãnh Ðạt Ban] đề đạt cho Lord Elgin và Baron Gros ước mong trong vòng 12 ngày rút ra khỏi Bắc Kinh. De Montaubon lại nói với thuộc hạ của Cung thân vương trách người Hoa bồng bột, mong sớm trao đổi điều ước. Thủ tướng Anh, H. J. T. Palmerston [Ba Mạch Tôn], sợ triều đình Thanh dựa vào Nga ; Cung thân vương lại tiếp xúc với đại diện Nga E.V. Putiatine và Công sứ Pháp, Baron Gros, khiến người Anh không yên. Sau vụ đốt cháy tại Viên Minh viên, Cung thân vương đáp ứng mọi yêu cầu của Anh, Pháp, lại nạp một số tiền tử tuất 50 vạn lượng cho người chết trong số bị bắt. Ngày 24 và 25/10, Trung Anh, và Trung Pháp lần lượt ký điều ước tăng thêm tức Bắc Kinh điều ước, và hoán đổi Thiên Tân điều ước.


Hai điều ước nội dung tương đồng : Trung Quốc tạ tội sự kiện Ðại Cô, thi hành Thiên Tân điều ước, bồi khoản 800 vạn lượng ; sau khi Thiên Tân điều ước phê chuẩn, Anh, Pháp triệt binh, giao hoàn Ðịnh Hải [Dinghai, Chiết Giang] ; bồi khoản nạp xong giao hoàn Ðại Cô, Quảng Châu. Ðiều ước Bắc Kinh với Pháp quy định giao hoàn tài sản Thiên Chúa giáo ; riêng điều ước với Anh cắt đất Cửu Long [Kowloon], sáp nhập vào Hương Cảng và đặt thêm thương cảng tại Thiên Tân.


Sau khi Thiên Tân và Bắc Kinh điều ước xác lập, nhân sĩ Tây phương cảm thấy hưng phấn. Có kẻ nói rằng đây là bước đầu văn minh Tây phương tiến nhập vào Trung Quốc ; có người lại cho rằng đây là cơ hội tốt để nền kinh tế quốc tế tại Trung Quốc phát triển. Trung Quốc toàn bộ khai phóng ; tính ra có đến 16 xứ đã và đang mở ; tính từ nam chí bắc gồm 12 xứ : Ngưu Trang [Niuzhuang, Phụng Thiên], Thiên Tân, Yên Ðài [Yantai, Sơn Ðông], Thượng Hải, Ninh Ba [Ningbo, Chiết Giang], Phúc Châu, Hạ Môn, Ðài Loan [Taiwan], Ðạm Thủy [Danshui, Ðài Loan], Sán Ðầu [Shantou, Quảng Ðông], Quảng Châu, Quỳnh Châu [Quiongzhou, Hải Nam] ; ngược sông Trường Giang, lần lượt có 4 xứ : Trấn Giang [Zhenjiang, Giang Tô], Nam Kinh, Cửu Giang [Jiujiang, Giang Tây], Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc]. Các xứ mới mở như : Thiên Tân, Hán Khẩu, Cửu Giang, Trấn Giang, đều lập tô giới ; các xứ đã mở như Thượng Hải, thì tô giới được khuyếch trương thêm. Lại còn du lịch nội địa, quyền thông thương, khu vực hoạt động của ngoại nhân không bị hạn chế, hàng hóa của Tây dương thâm nhập mọi ngõ ngách trong hương thôn. Giáo sĩ đến nơi nào thì mướn nhà, thiết lập giáo đường, y viện ; người dân Trung quốc được tự tiện gia nhập tôn giáo, được quan địa phương hậu đãi bảo hộ. Giáo sĩ thường vượt ra ngoài khuôn khổ, giáo dân dựa thế khinh người, mâu thuẫn sinh ra, vấn đề tôn giáo trở thành nghiêm trọng. Quyền lãnh sự tài phán khuyếch trương rộng, người ngoại quốc trở thành giai cấp được ưu đãi ; Công sứ trú kinh đô liệu việc, trực tiếp đàn áp nước chủ nhà.


Về thuế khóa, sau điều ước Nam Kinh hàng nhập Trung Quốc phải đóng thuế nhập khẩu không đến 5 %, tuy nhiên vào đến nội địa còn phải nạp thuế qua trạm. Nay ngoài thuế nhập khẩu ra, đóng thêm Tử khẩu thuế 2 bằng 50 % thuế chính, rồi được chuyển vận khắp nước, không còn phải đóng thêm thuế nào khác. Về thuế thuyền (thuyền sao) trước kia cứ 1 tấn [1 000 kg] thuế 5 tiền, nay 1 tấn, thuế từ 4 tiền đến 1 tiền. Riêng thuốc phiện có ngạch thuế riêng, nhập vào nội địa có thuế ly quyên, thu nhập tuy có thêm, nhưng lưu độc thì không kể xiết.


Quân hạm ngoại quốc có thể ghé đậu tại các cảng khẩu, tức có thể tiến nhập các lãnh hải và các cửa khẩu trên sông Trường Giang.


Bỏ cấm chỉ người Hoa xuất dương, người Quảng Ðông, Phúc Kiến bị coi là “ trư tử ” mang bán cho Nam Dương và Trung, Nam Mỹ rất nhiều ; chịu sự thảm khốc còn quá nô lệ.


Việc hợp pháp hóa mậu dịch nha phiến, lưu độc càng thêm phổ biến. Ðiều ước của các nước đều có câu “ lợi ích đồng hưởng ” (lợi ích quân triêm) ; có nghĩa Trung Quốc mất quyền lợi bởi một nước, rồi lại bị nhân rộng ra nhiều nước !


Ðương nhiên những hành động của liệt cường, cũng có tác dụng đối với người Trung Quốc. Trải qua những giai đoạn cơ hồ vong quốc, cải triều, đổi đời ; trước mắt người dân thu hoạch được bài học cay đắng để có thể tỉnh ngộ được một phần.



4. Nước Nga được hưởng riêng


Ðối với việc giành đất đai Trung Quốc, người Nga dùng phương thức chiếm đoạt trước, sau đó hợp thức hóa. Trong điều ước Viên Hồn [1858], quy định Trung, Nga cùng quản lý vùng đất tả ngạn sông Ðiểu Tô Lý, viên Tổng đốc Nga, Nikolai Muraviev, vẫn chưa cho là đủ. Trong lúc ký điều ước Thiên Tân [13/6/1858], quân Nga mang thuyền đến sông Ðiểu Tô Lý, lập pháo đài, xây nhà tại hữu ngạn ; rêu rao rằng đề phòng ngoại quốc xâm phạm lãnh thổ.

Chẳng bao lâu viên Thiếu tướng Nga Nikolai P. Ignatiev [Y Nạp Học] điều kỵ binh chở 380 xe vũ khí, làm mồi nhử viện trợ cho triều Thanh. Khi đến biên giới Mông Cổ, nghe tin liên quân gây căng thẳng tại Thiên Tân, bèn đến Bắc Kinh một mặt hứa giúp đỡ, một mặt đàm phán với Quản lý phiên viện Túc Thuận về biên giới. Túc Thuận phủ nhận Viên Hồn điều ước, bảo rằng vùng đất Hắc Long giang chỉ cho nước Nga mượn, còn vùng Ðiểu Tô Lý không nằm trong đó.


Khi liên quân Anh, Pháp vào kinh đô ; Cung thân vương Dịch Hân cho rằng Nga cấu kết với Anh, Pháp, nếu không giải quyết việc biên giới, Nga sẽ xui liên quân Anh, Pháp không rút khỏi Bắc Kinh ; hoặc quân Nga từ Mông Cổ xuống thẳng Nhiệt Hà, thì Thanh triều cũng khó thi thố. Về phía Nga, thì Nikolai tự cho là đã giúp đỡ bàn với Anh, Pháp “ hết sức mưu đồ cứu vãn ”, để mong tranh công ; nên Cung thân vương đành chấp nhận đòi hỏi biên giới cho xong chuyện. Vào ngày 14/11/1860 Trung Nga điều ước ký kết, phạm vi đất nhường lớn hơn cả Viên Hồn điều ước ; biên giới từ đông nam cửa sông Ðiểu Tô Lý, đến phía đông Tuy Phân hà [Suifenhe, Hắc Long Giang], cửa sông Ðồ Môn [Tumen, Hắc Long Giang], đều nằm trong lãnh thổ Nga, trong đó có quân cảng Hải Sâm Uy [Vladivostok]./.



Hồ Bạch Thảo






1 Ðường Cô : vị trí nằm giữa Ðại Cô và Bắc Ðường.


2 Tử khẩu thuế : thuế phụ thu thay cho thuế tại các trạm trong nội địa, khác với mẫu khẩu thuế là thuế nhập khẩu tại cảng.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss