Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Sáu linh hồn của ngưởi Xteng

Sáu linh hồn của ngưởi Xteng

- Nguyên Ngọc — published 28/11/2007 11:52, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:17
Đột nhiên cô gái đang ngồi trước mặt tôi bỗng như biến đổi hẳn. Ra cô đang nuôi một âm mưu lớn, rất lâu dài nữa. Sẽ không dễ hơn cuộc trường chinh của cha cô từng dấn thân mấy mươi năm trước đâu, nhưng tôi tin cô. Cô đã tiết lộ với tôi, bởi cô cũng tin tôi lắm và bằng sự thính nhạy đặc biệt, cô tìm thấy ở tôi có thể một kẻ đồng loã tiềm tàng. (...) Không, Tây Nguyên còn có, đang có những Phạm Thị Trung. Nghĩa là vẫn còn nhiều hy vọng. Vẫn còn có cơ giữ được trọn sáu linh hồn cho người Xteng, bảy linh hồn cho người Gia Rai. Hồn của người, của đất. Và rừng…


Sáu linh hồn của người Xteng


Nguyên Ngọc



Vậy mà hoá ra cũng không phải dễ đi tìm ngay được cô ấy. Cô là giáo viên văn cấp ba, đang làm hiệu phó trường dân tộc nội trú Đak Glei, huyện cao và xa nhất tỉnh Kontum. Quê chính thì ở Tu Mơ Rông, cũng là huyện cao và hiểm trở chẳng kém và cùng nằm trên sườn núi lớn Ngok Linh. Có thể đi Đak Glei theo hai đường, hoặc từ Đà Nẵng lên, bây giờ đường rất tốt, mất chừng bốn tiếng, chỉ phải qua đèo Lò Xo nổi tiếng nguy hiểm, hoặc từ thị xã Kontum ngược lên, 120 cây số, cũng đường tráng nhựa láng trơn. Chuyến đầu tôi từ Đà Nẵng lên, chắc mẩm thế nào cũng gặp. Hoá ra đúng giữa mùa hè, cô là giáo viên phải đi tập huấn gì đó tận dưới Nha Trang. Chỉ ngồi nói chuyện được đôi chút với mấy chị cán bộ huyện, là bạn cô, chắc cùng lứa tuổi, qua đó mà cố đoán ra người tôi đang rất mong gặp. Mong lắm là vì tôi đã được đọc bản luận văn thạc sĩ của cô, thật hay, viết về đời sống tâm linh của người Xteng ở Tu Mơ Rông, với tôi không chỉ là một khám phá thú vị mà rất có thể, tôi tin vậy, còn là một cánh cửa cô gái rất tinh tế này mới chỉ hé mở đôi chút vào một thế giới hẳn còn bao la, huyền ảo, kỳ lạ nữa, bất tận và bí ẩn như dãy Ngok Linh thăm thẳm quê cô…

Mấy tháng sau tôi trở lên, chuyến này bay từ trong nam ra, đến Pleiku, ra Kontum, và định từ thị xã Kontum sẽ đi Đak Glei. Hỏi, cầm chắc lần này cô chẳng phải họp hành tập huấn ở đâu cả. Có đôi việc phải làm ở Kontum, gần 5 giờ chiều mới khởi hành từ thị xã ngược đường 14 mà lên, các anh ở tỉnh cho mượn chiếc xe, 120 cây số, qua Đak Tô, Tân Cảnh, Plei Kần, Dục Nhầy… những nơi tôi từng quen, xôn xao kỷ niệm từ thời chiến lẫn những năm hoà bình vất vả đầu tiên… Đến nơi gần 8 giờ tối, tạt ngay vào trụ sở Uỷ ban huyện đã vắng tanh để hỏi thăm, thì hỡi ôi, lại trật mất lần nữa rồi : cô ấy về thị xã Kontum hơn tuần nay, con cô bị viêm phổi, ở bệnh viện huyện không yên tâm, phải đưa về bệnh viện tỉnh. Tôi gọi điện cho anh chủ tịch tỉnh, người đã cho tôi mượn xe và cũng là người tôi đã giới thiệu cho đọc bản luận văn thạc sĩ của cô, rất bất ngờ hoá ra ở chính tỉnh mình lại có người “hay” đến thế, anh ấy bảo : Thôi tìm cái quán nào ăn tạm mấy miếng đi, rồi quay về đây mà ngủ, sáng mai sẽ gặp “nó”, ngủ trên ấy làm gì cho lạnh, mà cũng buồn chết ! Vậy là lại 120 cây số xuôi về thị xã. Được cái đêm trăng khi mờ ảo khi lại trong veo, rừng núi lúc như tranh lụa, lúc chợt ánh lên tựa sơn mài…

…Bây giờ thì cô đã ngồi trước mặt tôi đây rồi, cô bảo sáng nay cháu đã đỡ nhiều, cô nhờ mẹ trông hộ, xin phép bác sĩ chạy ra đây với tôi một lúc. Còn tôi, đã hẹn với cô qua điện thoại, mà vẫn bất ngờ quá. Trước mặt tôi là một cô gái nhỏ nhắn, hết sức bình thường, đoán là một cô giáo viên cấp ba giỏi cũng khó, nói gì đến một người nghiên cứu sắc sảo như tôi từng hình dung khi đọc luận văn. Rất hiền lành, dịu dàng, một chút e dè lúc đầu, nhưng rồi dễ thân ngay, thật giản dị, thậm chí còn hơi chút quê mùa nữa. Chẳng khác mấy một cô gái người dân tộc bản địa ta có thể gặp trên bất cứ một đường núi nào đấy, vừa ở rẫy về, vai cõng một gùi sắn hay củi nặng. Chỉ khi nhìn thật kỹ vào đôi mắt mới nhận ra, giấu sâu, kín đáo, tận đáy đôi mắt nhỏ và thông minh ấy là nỗi bồn chồn khó tả của một người luôn khát khao khám phá, suốt đời không bao giờ ngớt tò mò về những điều kỳ lạ bất tận của con người, của thế giới quanh mình, những chiều sâu bí ẩn nấp dưới vẻ bình lặng hằng ngày ta dễ hờ hững bỏ qua. Ở đời không nhiều những người như thế đâu, tôi biết. Và trong vẻ tự nhiên mà trầm tĩnh của cô, tinh ý đôi chút lại có thể đoán ra : cô gái này có thể kết hợp lòng say mê cháy bỏng, đến dấn thân, với một sự chặt chẽ khoa học tỉnh táo, những đức tính không dễ có của người làm nghiên cứu, nhất là nghiên cứu dân tộc học. Tôi còn mừng vì chuyện này nữa : rất thính nhạy, cô hiểu ngay tôi cũng là người cùng say mê Tây Nguyên như cô, bị nó mê hoặc rồi, theo “đạo” của nó rồi, vậy thì cô có thể tâm sự tất cả, tin cậy, như người thân, người Tây Nguyên với nhau, người đồng tộc. Đó là một hạnh phúc cuộc đời đã cho tôi mỗi lần về lại với xứ đất này.

Cô xưng cháu, và mở đầu câu chuyện thật thân tình : Cháu sinh lần này là đứa thứ hai đấy, mới được mười tháng. Lần trước, khi đang làm luận văn thì có bầu đứa thứ nhất, chú nghĩ có liều không ! Nhưng cháu tính, thôi như thế cho xong “nghĩa vụ” đi, để rồi từ nay còn tập trung vào công việc. Tôi hiểu chữ “công việc” cô nói, không phải công việc hẳn cũng chẳng nhẹ nhàng gì ở cái trường dân tộc nội trú hàng nghìn học sinh của cô, mà là công việc nghiên cứu dân tộc học, ai có ghé qua đôi chút cái nghề – đúng hơn, cái nghiệp này – đều biết, tôi thường ví với nghề địa chất, phải lăn lộn, tận tuỵ, gian nan và kiên trì lắm, có khi còn hơn chuyện địa chất nữa, bởi các vỉa quặng ở đây không chôn trong lòng đất mà trong lòng người, tận những chiều sâu khó lường và lại ngày càng đang biến mất đi của xã hội và con người bây giờ, những chiều sâu vừa hiện thực vừa siêu thực mà ta gọi bằng một từ rất chung đến gần như vô nghĩa là “văn hoá”.

Rất thân tình cô kể vừa tự cười vui, cháu thuộc loại người ta gọi là thế hệ F1 (*) đấy, chú ạ, cha cháu người Quảng Nam, quê Núi Thành, chú từng hoạt động trên này thời chiến tranh có khi chú biết cũng nên, ông Phạm Sửu, chú đã gặp bao giờ chưa ? Tôi chưa gặp nhưng từng nghe tên, và tôi hình dung ra được ngay. Đấy là một lớp người rất đặc biệt : hồi 1954 họ là cán bộ không đi tập kết, được chọn lựa cực kỳ khắt khe trong số những người vững vàng, tin cậy và đã lăn lộn ở Tây Nguyên lâu năm nhất, nay được bố trí bí mật ở lại hoạt động trong lòng địch. Bấy giờ kẻ thù tố cọng diệt cọng ráo riết dưới đồng bằng, dưới ấy trắng đất, cơ sở mất sạch rồi, ta phải lùi lên núi cao, bám vào đồng bào dân tộc mà duy trì phong trào, lặn đi trong dân, kiên trì chờ thời cơ dần dần nhen nhúm, khôi phục lại từng chút, từng chút, và đến lúc nào đó sẽ bung lên. Tất nhiên kẻ địch cũng thừa biết núi rừng là nơi ta ẩn mình, nên cả trên này nữa chúng cũng lùng sục đánh phá ác liệt chẳng kém, quyết trục cán bộ người Kinh nằm vùng ra khỏi dân mà tiêu diệt. Những người ở lại phải tự đánh chìm mình vào trong dân, tự biến mình hoàn toàn thành người dân tộc tại chỗ, đóng khố ở trần, cà răng căng tai, đi làm rẫy cho đen cháy da thịt đi, không còn ai nhận ra được là người Kinh nữa, thạo tiếng dân tộc còn hơn cả tiếng mẹ đẻ, và tuyệt đối bí mật, đến mức phải làm cho chính người thân ở quê dưới xuôi đinh ninh mình đã hy sinh hay đã ra miền Bắc từ lâu rồi. Tôi có quen thân với hai người trong số đó, biết được ít nhiều về đoạn đời kỳ lạ của lớp cán bộ đặc biệt ấy. Một anh tên là Sáu Do, hoạt động ở vùng người Cơ Tu tây Quảng Nam, một lần chị vợ anh ở đồng bằng Quảng Nam do địch khủng bố quá được bố trí tìm đường ra Bắc, thế nào lại đi ngang qua đúng vùng anh đang lặn mình hoạt động. Họ gặp nhau trên một khuôn rẫy, anh một mực lờ đi như không hề quen biết, lớ ngớ nhìn chị đúng như một anh chàng Cơ Tu lần đầu gặp người Kinh, nói với chị toàn tiếng Cơ Tu, còn chị thì ngờ ngợ sao anh chàng Cơ Tu này giống chồng mình quá, càng nhìn kỹ càng giống quá, nhớ và đau đến cháy ruột gan, mà anh thì vẫn tỉnh bơ như không. Hay vì nhớ chồng quá mà mình nhầm ? Họ chia tay nhau, lặng thinh tuyệt đối, chị tặng anh một hộp dầu cù là, anh cầm, vụng về lắp bắp cảm ơn chị bằng tiếng Cơ Tu… Vậy đó, cho đến sau chiến tranh, cả hai đều còn sống, ở Đà Nẵng, tôi nhiều lần đến thăm, anh mang cái hộp dầu cù là từng tặng chị mấy mươi năm trước ra khoe với tôi. Hộp dầu vẫn còn nguyên. Dấu vết thiêng liêng của một thời kỳ lạ lùng và những con người lạ lùng, và vô danh… Người thứ hai tôi cũng quen thân tên là Tiềm. Anh được phân công bí mật ở lại phụ trách thị xã Kontum. Đến khoảng năm 1959-60 địch đánh phá dữ quá, cơ sở của anh trong và quanh thị xã mất tiệt hết, người hy sinh, người bị bắt, tuyệt không còn ai, anh hoàn toàn bơ vơ, một tấc đất đứng chân, một bụi rậm giấu mình cũng không còn. Cùng đường, anh mới phát hiện ra ở gần phía bắc thị xã Kontum có một cái trại tập trung những người bị bệnh phong – trên này người ta gọi là bệnh cùi, trại cùi – anh quyết định xông luôn vào đó và nói thẳng với những người cùi bị cô lập ra khỏi xã hội rằng tôi là cán bộ cọng sản đây, hết chỗ trốn tránh rồi, tôi vào đây nhờ bà con che chở. Và những người cùi đã che chở anh thật, nuôi giấu anh, anh cùng ăn cùng ở với họ, như một người cùi chính cống. Anh sống sót qua cái đận kinh hoàng ấy, cho đến lúc thơ thới đôi chút mới từ đó bung dần ra, khôi phục lại phong trào…Tôi gặp lại anh khoảng mươi năm sau chiến tranh, anh cười bảo : Rứa mà mình chẳng hề bị lây cùi chút nào hết trơn, lạ không !… Tôi không quen ông Phạm Sửu nhưng biết chắc ông cũng cùng lớp anh Sáu Do, anh Tiềm, chắc chắn từng trải qua những chặng đời huyền thọai không kém. Ông hoạt động vùng Tu Mơ Rông, lấy vợ người Xteng, sinh ra cô con gái mà ông đạt tên là Trung, Phạm Thị Trung, ngày ấy người ta thường tự đặt tên mình hay tên con như vậy, Trung, Trung Thành (**), kiên định trung thành với sự nghiệp đã quyết một đời dấn thân... Và bây giờ thì cô gái ấy đang ngồi trước mặt tôi đây, cô thạc sĩ đầu tiên của tộc người Xteng, một nhánh nhỏ của dân tộc Xơ Đăng, vỏn vẹn không đến ngàn người sống trên lưng chừng núi Ngok Linh. Trong luận văn của mình Phạm Thị Trung viết nhỏ nhẹ và ân cần về dân tộc mình : “Theo quan niệm (của người Xteng) thung lũng là lối đi của ma quỷ. Người ta cũng không cư trú trên sống lưng của quả núi vì đấy là đường đi của các thần. Giữa hai khe núi hẹp cũng không phải là không gian của con người. Vì vậy người Xteng chỉ “ngủ” ở lưng chừng núi. Đó là không gian họ được quyền sở hữu mà không xâm hại đến các thế giới khác rất cần sự tôn trọng. Những ngôi nhà sàn thấp đậm bám chặt vào sườn núi tạo ra dáng vẻ độc đáo của các làng…”. Cô Trung sinh ra trong một ngôi nhà sàn nhỏ thấp đậm bám chặt lưng núi ở một làng tên là Ngok Iêu. Ông Phạm Sửu đã thành người Xteng chính cống, và suốt tuổi thơ, Trung là một cô gái Xteng nhỏ bé ở cái góc núi hẻo lánh mà đẹp đến mê hồn, vừa khóc ngoe ngoe mấy ngày đã được mẹ địu trên lưng ra rẫy, ấp vào lưng mẹ mà ngủ, ngày nắng cháy cũng như ngày mưa núi ào ào giông bão, trẻ con ở đây vẫn vậy, được trui rèn giữa thiên nhiên hoang dã từ thuở lọt lòng, tỷ lệ tử vong cao, nhưng đã sống được thì như lõi thép, một lối chọn lọc tự nhiên mà thế giới văn minh đã quên mất rồi. Lớn lên vừa biết đi đã ngày ngày ra núi chăn trâu cùng các bạn, trèo cây nhanh khéo như khỉ, ở truồng tắm suối, vào rừng nhặt củi và làm rẫy, thuộc cặn kẽ từng thứ lá cây, rể cây, vỏ cây trong rừng, thứ nào có thể làm men ủ rượu cần đến gây say ngất, thứ nào chữa được bệnh gì, biết tính nết từng con thú, thân tình đến độ là bạn của từng con, lâu lâu không thấy nó về rừng của mình thì nhớ đến ngẩn ngơ… Một cô gái Xteng nguyên chất, con đẻ đích thực của rừng Ngok Linh huyền bí…

Rồi Trung được đi học, là học sinh xuất sắc, khí chất kiên định của cha nhuyễn với cái tinh nhạy bẩm sinh hẳn được truyền từ cuống nhau mẹ. Thông minh từ hai dòng máu tụ lại. Cô học giỏi, đặc biệt giỏi văn, trở thành cô giáo văn cấp ba trường huyện. Chồng cũng là người Xơ Đăng, cùng giáo viên văn. Rồi có một lớp thạc sĩ được mở ở Hà Nội (***), anh chủ tịch, chính người đã cho tôi mượn xe để đi tìm cô, bảo : Tự tay tôi ký giấy cho nó đi học đó chớ, mà anh không nói thì tôi đâu ngờ đâu nó viết luận văn hay thế !...

Ở Hà Nội, lần đầu tiên cô gái Xteng bước chân vào một thế giới mới mênh mông, rậm rạp, cũng kỳ lạ, kỳ diệu, đầy bí ẩn, hiện thực và siêu thực, cao siêu mà gần gũi, hệt rừng núi của cô, dẫu có được mấy cuộc đời cô cũng không bao giờ có thể đi cho hết, thế giới của các nhà nhân loại học, dân tộc học hàng đầu nhân loại : những Claude Lévi-Strauss, Emile Durkheim, Arnold van Gennep, Edward Tylor, Paul Guilleminet, Georges Condominas, Jacques Dournes… Tất cả ập tới với cô cùng lúc, thoạt đầu cô đến choáng váng, nhưng rồi chỉ một vài tháng cô đã khống chế, làm chủ được ngay, đến độ quen thuộc như đi trong rừng sâu Ngok Linh của chính cô. Không phải cháu thông minh, giỏi giang gì đâu, cô bảo, chỉ vì các ông ấy sao mà gần gũi quá, có khi cháu nghĩ lẩn thẩn hay cái ông Lévi-Strauss và ông Dournes ấy, không chừng các ông ấy là người Xteng đổi tên họ, hoặc ít ra cũng đã từng đến, từng sống ở đây lâu lắm rồi, Xteng hoá rồi! Cháu nghĩ vớ vẫn thế vì ngạc nhiên quá, chú có cười không? Tôi hỏi cô đọc bằng tiếng gì ? Cô bảo có tác phẩm đã được dịch trọn, chú cũng có dịch vài cuốn đấy, cháu rất cám ơn chú, một số khác được dịch trích đoạn lưu ở các viện, còn thì cháu mò mẫm bằng tiếng Anh… Mò mẫm trong một khu rừng mới mà rất quen, bất tận nhưng mỗi ngày cô càng thuộc lối. Và cô nhận ra điều có lẽ sẽ là hệ trọng nhất trong đời mình : nhân loại bao la này hoá ra là một, và dân tộc nhỏ bé của cô, cha cô, mẹ cô, chồng cô, con cô, bà con vẫn lầm lũi trong làng Ngok Iêu cheo leo của cô là một phần gắn bó trong cái bao la ấy, sâu sắc, đẹp đẽ, quan trọng chẳng hề kém, cũng vô cùng giàu có những giá trị chưa chắc ai đã có được cho bằng… Và cô khao khát được khám phá ra chúng, được viết lên, nói lên… để góp một chút gì đó vào cái bao la kỳ diệu kia… Cô đọc, ngày đêm, rồi lao đi điền dã, có bầu bụng the le vẫn đi, đi điền dã rồi lại đọc, cái này rọi vào cái kia, hai thế giới, chữ nghĩa và hiện thực rọi vào nhau, soi sáng cho nhau, làm rực lên từng chi tiết trước đây chính cô cũng không biết, không ngờ giá trị thăm thẳm và ẩn sâu của nó…

Chú biết không, Trung kể, cháu đi điền dã vui lắm, không phải một mình đâu, cháu có cả một tổ điền dã kia đấy, mẹ cháu, chồng cháu, với cháu nữa là ba. Phân công thế này : mẹ cháu, chỉ riêng bà thôi đã là một kho vô tận, mà khi đã mang được đến cho người ta một cái kho rồi thì, lạ thế, lại gợi được cho người ta dần dần mở tung cả những kho vô tận của người ta ra cho mình ; chồng cháu thì có một nhiệm vụ đặc biệt : anh ấy uống rượu, cháu có uống được đâu, không có rượu cần làm sao ra chuyện, anh ấy uống, chuyện tuôn ra bất tận ; và cháu chỉ còn việc ghi ! Luận văn của cháu có đến ba tác giả, đúng không !… 

Cô khiêm tốn, tất nhiên cô không chỉ có việc ghi. Khi đi làm điền dã Phạm Thị Trung có một tư thế đặc biệt thuận lợi : cô vừa ở bên trong, là người trong cuộc, cô tìm và nói về chính dân tộc mình, tự nói cả về chính mình, đồng thời cô lại có con mắt của người bên ngoài có thể tỉnh táo, sắc sảo, lạnh lùng khi cần, để soi nhìn và phân tích thực tại mà cô mong muốn khám phá. Ở cô hai tư thế ấy hoà quyện nhẹ nhàng, chừng chẳng cần chút cố gắng nào. Một cô gái của làng ra đi, nhận được những ánh sáng mới mẻ của thế giới để trở về tìm lại chân dung làng mình, những người thân của mình, bà con mình, chính mình nữa. Cô làm luận văn mà cũng là đi tìm lại mình, tự phát hiện ra mình. Có gì đó rất giống với một người nghệ sĩ sáng tác.  Có thể chính vì thế chăng mà ngay lời văn của cô cũng thật hay, rung động như một áng văn chương.

Luận văn của Phạm Thị Trung có tên là Linh hồn người và những nghi lễ liên quan đến linh hồn của người Xteng ở Tu Mơ Rông. Tôi không sợ  nói quá đâu : cả một thế giới bất ngờ, lạ lùng, thẳm sâu, mà cô nén chặt lại, chỉ non trăm trang, song chính vì thế lại như một cánh cửa hé mở khiến ta mong còn được cô dẫn mình đi tiếp, có thể đến vô cùng. Cô mới chỉ đưa ta đến ngưỡng cửa, cứ như cố tình để cho ta thèm. Mà ngay chỉ mới ở ngưỡng của ấy thôi, đã có biết bao nhiêu điều kinh ngạc. Riêng tôi, đọc rồi, một lần nữa tôi trở lại với đinh ninh này : chắc chắn không có những dân tộc lớn và những dân tộc nhỏ, những dân tộc vĩ đại và những dân tộc ít vĩ đại hơn. Dân tộc Xteng của Phạm Thị Trung, mà cô bước đầu khám phá cho ta, chẳng lẽ lại ít vĩ đại hơn bất cứ dân tộc nào khác sao ? Hãy nghe chẳng hạn Phạm Thị Trung tâm sự về quan niệm của người Xteng đối với linh hồn. Với người Xteng, cũng như mọi người Tây Nguyên, vạn vật đều có linh hồn, con người cũng vậy, chẳng kém mà cũng chẳng hơn. Tuy nhiên, không phải con người đã có được linh hồn ngay từ đầu đâu. Người ta phải thổi linh hồn vào cho đứa bé khi vừa sinh ra để nó được thành người, thổi qua lỗ tai, người thổi hồn bao giờ cũng là bà mụ, thường thổi qua một ông chỉ lấy từ chiếc xa quay. Điều này thì ta đã biết qua phong tục phổ biến khắp Tây Nguyên. Duy ở người Xteng của Phạm Thị Trung có khác biệt đôi chút. Đôi chút mà sâu thẳm đến không cùng. Phạm Thị Trung viết : “Theo quan niệm của người Xteng, trạng thái song đôi (tức trạng thái thể xác chưa có linh hồn và con người đã có được linh hồn) thực sự được bắt đầu khi đứa trẻ lọt lòng mẹ. Ngay từ thời điểm ấy (Thần) Ja Ka Đo ban cho nó linh hồn cùng với quả tim và chính ở thời khắc này con người đã phải chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn cho mình một cuộc sống ngắn ngủi hay lâu dài, cùng với cách thức mà linh hồn sẽ rời bỏ thể xác, chấm dứt sự sống ở trần thế....”. Bạn có kinh ngạc không ? Có còn thấy ở đâu nữa, điều kiện để được làm người lại đặt ra với con người ngay từ lúc sơ sinh lạ lùng, quyết liệt, sâu thẳm đến vậy ? Chỉ được sống làm người nếu ngay từ lúc khởi nguyên đó tự nguyện nhận lấy cho mình một số phận, và một cái chết tất sẽ đến sớm hay muộn và theo một cách riêng nào đó. Hãy nghĩ lại xem, trong tất cả các loài vật trên thế gian này chỉ duy nhất có con người biết rằng mình sẽ chết. Đấy là chỗ khác biệt cơ bản giữa con người với muôn vật. Sống có nghĩa là nhận lấy một số phận và một cái chết vào thời điểm và theo cách thức chính mình đã chấp nhận từ đầu. Hoá ra điều làm nên nội dung và ý nghĩa của cuộc sống là cái đối lập tuyệt đối của nó, cái chết. Sự bất tử không có bởi vì nó vô nghĩa, một cuộc sống mà không bao giờ kết thúc thì sẽ không còn là cuộc sống của con người nữa. Chính từ đó mà con người phải suy ngẫm kỹ lắm cho nội dung cuộc sống của mình. Sống cho ra sống, để rồi sẽ ra đi mãi mãi, một cuộc ra đi đã được chương trình hoá và chấp nhận từ buổi khởi đầu…

Và bây giờ hãy nghe cô thạc sĩ trên núi Tu Mơ Rông của chúng ta nói về quan niệm linh hồn của người Xteng. Phạm Thị Trung đọc rất kỹ Jacques Dournes. Những nghiên cứu của Dournes chủ yếu tập trung vào người Gia Rai. Ông bảo theo người Gia Rai con người có bảy “hồn”, liên quan đến quan niệm của họ về bảy tầng của vũ trụ (Người Việt thì có “ba hồn bảy vía”). Phạm Thị Trung nói rằng người Xteng, theo quan niệm của họ, chỉ có sáu hồn. Và ở đây có hai điều  rất lạ, vừa liên quan đến đạo đức của con người ở đời lại vừa liên quan đến sự tử sinh vốn là điều kiện cốt yếu của con người trong vòng vũ trụ bất tận. Sáu linh hồn, mỗi cái đều có chức năng riêng : Linh hồn thứ nhất (mơ hua môi) được coi là linh hồn chủ, là của hơi thở, máu và nhịp tim, tức của sự sống, là linh hồn lớn hơn cả, nó phải luôn hiện diện trong thể xác, duy trì sự sống, và bảo ban các linh hồn khác, nhỏ hơn. Linh hồn thứ hai (mơ hua pea) là linh hồn của sự hoà hiếu trong gia đình. Linh hồn thứ ba (mơ hua pai) là linh hồn của sự chăm chỉ lao động. Linh hồn thứ tư (mơ hua pún) duy trì đức hiếu khách. Linh hồn thứ năm (mơ hua pơtam) là linh hồn của sự thật thà ngay thẳng. Linh hồn thứ sáu (mơ hua tơ trô) không thường xuyên ở trong cơ thể con người, có thể lang thang đây đó. Đây là linh hồn chăm lo cho việc con người phải biết kính trọng các  thần linh… Vậy hoá ra năm trong sáu linh hồn chính lại là các quy chuẩn sống của con giữa xã hội ánh chiếu vào thế giới tâm linh, trong thế giới của người Xteng không những mọi vật mà đến các mối quan hệ giữa con người với con người cũng đều có linh hồn. Phạm Thị Trung bảo trong một làng Xteng người ta gọi chẳng hạn một kẻ “hai miệng” hay ăn cắp là kẻ đã đánh mất linh hồn thứ năm, và không có lời mắng một kẻ vô lại, đồ vứt đi nào nặng hơn là bảo : mày là một kẻ không có linh hồn !… Có ở đâu khác linh hồn người được quan niệm kỳ lạ và giàu chất người đến thế ?...

Song lại còn điều này : tại sao linh hồn lại chỉ có sáu, số chẵn, trong khi cũng như hầu hết các dân tộc Tây Nguyên, người Xteng coi số lẻ mới là số tốt ? Trong mọi cách thức bói toán để đoán định một việc là tốt hay xấu, là sinh hay tử, tốt và sinh bao giờ cũng rơi vào số lẻ, ngược lại nếu rơi vào số chẵn thì ắt là xấu, tử. Ngày mở đầu mùa lúa mới, một người phụ nữ trong sạch nhất làng, gọi là chin, được chọn để gieo những hạt lúa đầu tiên. Người phụ nữ chin chỉ tiến hành trỉa hạt khi vóc lúa trong tay cô đúng số lẻ : trong vũ trụ này, sự sinh sôi nảy nở bao giờ cũng bắt nguồn từ con số lẻ, ấy là niềm tin đinh ninh của người Xteng. Từ bất đối xứng mới có được sáng tạo. Vậy sao linh hồn người lại là số chẵn ? Phạm Thị Trung bảo các cụ già dạy rằng các thần chỉ ban cho con người sáu linh hồn, chẵn chứ không được lẻ bởi, như chính điều kiện con người từ phút sơ sinh đã phải nhận để được làm người : cùng với mọi vật trên đời này, con người là một sinh linh hữu hạn và sẽ bị huỷ diệt. Hình như ở đây không chỉ có chuyện thân phận con người. Nếu quan niệm về bảy linh hồn ở người Gia Rai gắn với quan niệm về bảy tầng vũ trụ của họ, thì quan niệm về sáu linh hồn, con số chẵn là tử chứ không phải sinh, của người Xteng lại rất có thể là cách nhìn bao quát hơn nhiều của họ về vũ trụ, một vũ trụ sẽ huỷ diệt chứ không phải vĩnh hằng… Lại thêm điều này nữa, luận văn của cô viết : “ Người Xteng ở vùng Ngok Tụ, huyện Đak Tô (sát ngay huyện Tu Mơ Rông), vẫn còn bảo lưu hình thức cổ xưa trong nghi lễ tỉa lúa. Tại mảnh rẫy thiêng chỉ có duy nhất đôi vợ chồng và họ không mặc gì cả… Có như vậy hồn lúa mới trở nên đầy sức sống…”  Mong ước da diết về sự sinh sôi mỗi năm lại tái diễn xanh tươi, đầy đặn và hiểu biết sâu xa về sự huỷ diệt tất yếu …

Trên những sườn cao ngất của Ngok Linh bí ẩn, con người hiểu như vậy đó về vũ trụ, sự sống chết, lẽ đời, con người, xã hội… Và cô gái dịu hiền, hơi chút quê mùa nữa, đã đến với những Lévi-Strauss, Durkheim,  Dournes… để trở về tự khám phá dân tộc mình như thế đấy, có ai ngờ. Mà những điều vừa nói chỉ là một góc nhỏ thử nhặt từ bản luận văn sánh đặc tựa mật ong núi Ngok Linh của cô. Không phải chỉ Phạm Thị Trung đâu, chắc chắn vậy, mỗi người Xteng, mỗi người Tây Nguyên, đều có một kho báu mênh mông chẳng kém dấu sâu bên trong. Trung chỉ là một trường hợp may mắn được khai mở.

Trung bảo cô xin phép bác sĩ chạy ra chỗ tôi một lúc nhưng rồi cô ngồi gần suốt buổi sáng. Bịn rịn như với một người thân đã lâu lắm, cô bảo lần sau chú cố thu xếp lên ở lại lâu lâu hơn, chú cháu đi một chuyến Tu Mơ Rông. Không phải chỉ lên đến huyện đâu, tới huyện rồi đi bộ thêm vài ngày nữa kia, chú còn leo núi được không ? Cháu sẽ đưa chú đi, để chú biết ngay đến những chốn xa xôi ấy những điều hay ho cháu viết đó bây giờ cái gì còn cái gì đang mất đi, cả những gì đang biến đổi, biến động theo những hướng thật ra mình cũng không hiểu rồi sẽ đi về đâu, dở hay là hay… Cụ A Teng ở làng Tu Mơ Rông bảo chúng cháu : Bây giờ con người hỗn hào đã đuổi các thần đi mất rồi. Những cánh rừng đã lùi xa và biến mất, không gian sinh tồn của người Xteng không còn cái dáng vẻ thâm u của nó nữa. Bây giờ người ta  ngang nhiên bước vào, thẳng tay chặt phá lấy hết đi mà không cần một lời cầu khấn hỏi xin,… cũng phải thôi, bởi các thần nào có còn ở nơi đây nữa. Chú có nhớ đoạn Jacques Dournes ca ngợi các thanh thiếu niên Tây Nguyên chính chú đã dịch không, ông ấy viết say mê : “Cơ thể nhịp nhàng của họ cao lớn, khoẻ mạnh và mềm mại, gợi nhớ đến những lực sĩ trẻ từng làm mẫu cho các nhà điêu khắc Hy Lạp. Hình thể thanh nhã, đường nét tinh tế, cơ bắp dài, nước da mịn, đầu ngẩng cao kiêu hãnh, đôi mắt thông minh. Khuôn mặt sáng rỡ của người thanh niên tắm ở sông, khối nổi hằn nơi cánh tay mà lối ăn mặc của người Tây Nguyên để lộ trần đến vai, vẻ tinh tế của những ngón tay dệt vải ; toàn bộ thân hình uyển chuyển của người nhảy múa, dưới ánh trăng…”. Bây giờ chú vào Tu Mơ Rông mà coi, chẳng còn mấy nữa đâu. Bây giờ người ta không uống rượu cần mà tu rượu đế, thiếu rượu đế thì pha cả cồn ra mà uống. Thanh niên nát rượu, khẳng khiu, nước da xanh rớt… Cháu sợ lắm, khéo mất hết, chú ạ. Mà biết làm sao đây ? Có thể làm được gì ? Có một cái gì đó đang rạn nứt ra, đang tan vỡ đi,… có phải tan vỡ là tất yếu không chú ? Đánh giá chính sự tan vỡ đó thế nào ? Để cháu kể chú nghe chuyện này, cũng lạ lắm. Chú ở trên này nhiều, chú biết rồi, đối với người dân tộc, theo luật tục loạn luân là tội rất nặng, làm ô uế xóm làng, rối loạn dòng chảy hài hoà của tự nhiên, xúc phạm thần linh, sẽ gây tai hoạ cho cộng đồng, dịch bệnh, bão lũ, sập núi, mất mùa... Tội ấy thì nhất thiết phải đuổi ra khỏi làng, xưa vậy, nay vẫn vậy. Mà bị đuổi ra khỏi làng ngày trước thì chỉ còn lang thang trong rừng, trở thành con thú, rồi chết vùi trong đó… Trên vùng cháu vừa rồi có mấy chục cặp loạn luân như thế, họ cũng bị đuổi ra khỏi làng, nhưng khác xưa, bây giờ họ kéo nhau lên lập một cái làng riêng trên đỉnh núi Tu Mơ Rông, sống với nhau, cắt đứt hết mọi quan hệ với xã hội chung quanh, không ai đặt chân vào được. Không lang thang, chết vùi trong núi nữa, quyết giành lấy quyền yêu và quyền sống, nếu cần thì tự lập lấy một xã hội mới, riêng mà sống, như những con người độc lập, tự chủ, lạ chưa ? Một mẫu xã hội mới đang ra đời ở đây chăng ? Chuyện đó, chưa chắc chính quyền đã biết rõ đâu, còn chú, chú coi là tiêu cực hay tích cực ?… Hay lần sau chú lên, chú cháu mình thử tìm cách đột nhập vào coi, liều xem, chú có dám không ?…  Hay là một cái gì đó đang vỡ ra, biến đi, là tất yếu, và cũng có thể một cái gì đó, mới, lạ, chưa đoán định được đang hình thành, biết đâu ? Chú nghĩ sao ?…

Trước khi Trung trở về bệnh viện với con, tôi thử thăm dò cô gái đã trở nên thật lạ lùng này, tôi bảo hay là Trung chuyển sang ngành văn hoá đi, để có đất thích hợp hơn mà làm việc ? Cô lắc đầu, nhẹ nhàng nhưng quyết đoán : không, cháu sẽ ở giáo dục thôi, không đi đâu hết, ở trường của cháu thôi. Cháu nghĩ kỹ rồi, đã tính kế hoạch cả rồi, đã bàn với cả chồng cháu rồi. Chồng cháu cứ dạy ở Tu Mơ Rông, còn cháu ở trường dân tộc nội trú Đak Glei. Ở đấy có mấy chục giáo viên, toàn người dân tộc. Cháu sẽ giúp họ có được kiến thức dân tộc học, như chính cháu đã được học, và lôi cuốn họ trở lại tìm hiểu chính dân tộc của mình, khám phá, lục lọi, tìm cho ra những vấn đề của chính dân tộc mình. Rồi họ ấy sẽ truyền hiểu biết và ý chí cho hàng ngàn học sinh của họ. Cháu sẽ có được một lực lượng mênh mông, đố ngành văn hoá có được, toả về khắp các làng. Chính lực lượng đó sẽ giải quyết, sẽ trả lời những câu hỏi ngay cháu còn chưa tìm được lời giải. Chính lực lượng đó sẽ giữ Tây Nguyên trong chuyển động dữ dội ngày nay. Cháu tin, chú có tin được cùng cháu không ?

Đột nhiên cô gái đang ngồi trước mặt tôi bỗng như biến đổi hẳn. Ra cô  đang nuôi một âm mưu lớn, rất lâu dài nữa. Sẽ không dễ hơn cuộc trường chinh của cha cô từng dấn thân mấy mươi năm trước đâu, nhưng tôi tin cô. Cô đã tiết lộ với tôi, bởi cô cũng tin tôi lắm và bằng sự thính nhạy đặc biệt, cô tìm thấy ở tôi có thể một kẻ đồng loã tiềm tàng. Cô gái nhỏ nhắn đang ngồi trước mặt tôi kia, tôi nhìn lại, chợt nhận ra những nét rắn rỏi, cả liều lĩnh và thách thức nữa sáng giờ tôi chưa nhìn thấy được, chắc hệt ông Phạm Sửu những năm xưa, và cả mẹ cô, người đàn bà Xteng, những người đàn bà Tây Nguyên tôi từng biết, âm thầm, dịu dàng, bền bỉ và gan dạ đến khó ngờ. Bí ẩn như rừng. Và lại rất hiện đại. 

Không, Tây Nguyên còn có, đang có những Phạm Thị Trung. Nghĩa là vẫn còn nhiều hy vọng. Vẫn còn có cơ giữ được trọn sáu linh hồn cho người Xteng, bảy linh hồn cho người Gia Rai. Hồn của người, của đất. Và rừng…   

Nguyên Ngọc 

CHÚ THÍCH CỦA DIỄN ĐÀN :

(*) F1 : thế hệ "lai tạo" thứ nhất (học thuyết di truyền học của Mendel).

(**) Khi trở về miền Nam năm 1962, nhà văn Nguyên Ngọc (tác giả Đất nước đứng lên) cũng đã chọn bút hiệu thứ nhì là Nguyễn Trung Thành (Rừng xà nu).

(***) Xem bài của Nguyên Ngọc : Một lớp trí thức mới của Tây Nguyên, hoàn toàn là hiện thực


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss