Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Sex trong xã hội đương đại và thuần phong mỹ tục Việt

Sex trong xã hội đương đại và thuần phong mỹ tục Việt

- Tống Văn Công — published 29/09/2011 18:44, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18



Sex trong xã hội đương đại và thuần phong mỹ tục Việt


Tống Văn Công

                                                                           


Viết tặng nhạc sĩ Dương Thụ

                                                                                


Sex bị cấm kỵ từ bao giờ ?


Sex trong xã hội đương đại và thuần phong mỹ tục Việt ”. Đó là câu nhạc sĩ Dương Thụ nhắn qua điện thoại mời dự cuộc trao đổi ý kiến lý thú ở Cà phê Thứ bảy do anh chủ trì. Rất tiếc, tôi không đến được. Sau đó, chỉ có một tờ báo đưa tin tương đối rõ và có tựa đề là Khuynh hướng “cởi” và “mở” trong xã hội Việt Nam đương đại với thuần phong mỹ tục Việt. Tối 24 tháng 7 năm 2011 bản tin thời sự của HTV9 có đưa những ý kiến trao đổi nói trên, nhưng chỉ chọn phát biểu của 3 người (người chủ trì, một cựu quan chức và một đạo diễn), các ý kiến rất quan trọng không được nhắc đến. Do đó, tôi muốn góp vài suy nghĩ của mình.


Ngày nay, chúng ta tỏ ra kiêng kỵ đối với sex hơn bất cứ thời nào trong lich sử! Tôi muốn mọi người nhìn lại xem ông bà ta từ xưa đã đối xử với sex như thế nào. (Sex từ tiếng Anh đã được Việt hóa, có nghĩa : Giới tính trai, gái; vấn đề sinh lý, dục tính; sự giao cấu.)


Trong kho tàng truyện tiếu lâm từ ngàn xưa (hiện nay vẫn tiếp tục có thêm nhiều truyện tiếu lâm mới), có lẽ đủ cho thấy người Việt hiểu sex, bàn về sex không khác và không kém bất cứ dân tộc nào. Quan lại của các triều đình phong kiến, tức là những người từng dồi mài kinh sử theo nho giáo, cũng không hề kiêng kỵ mà lại còn rất mê sex. Sách Hoa viên kỳ ngộ tập một tập truyện sex (ra đời 1760-1761) do các quan lại Việt Nam đi sứ sang Tàu mang về chuyền tay nhau đọc. Người ta phát hiện Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ có vài truyện phỏng tác từ sách này...  Xin trích mấy câu trong bài ký Cuộc gặp gỡ ở Tây viên : “ Hai nàng thẹn thùng nói : “ Chúng em việc xuân chưa am hiểu, lòng thơm đang còn khiếp sợ, chỉ e tình hoa rung rẩy, tơ liễu điên cuồng, ngượng hồng oán lục làm giảm mất một đoạn phong lưu ”. Thư sinh đáp : “ Cứ tạm thử, không dám làm hai nàng phải khổ vì mây mưa đâu ”. Nói xong, sinh cắt tàn bấc cho đèn sáng lên, rồi cùng nằm, ghé sát vàng, tựa kề ngọc, vừa nghiêng bên gối, đã xô vụn sóng ba đào ”.


Thi hào Nguyễn Du là bậc thày miêu tả những cảnh sex. Đây là cảnh khỏa thân của nàng Kiêù lúc tắm :


          “Rõ màu trong ngọc trắng ngà,
      Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên


Cảnh Kiều bị thất thân bởi Mã Giám Sinh :


       “ Tiếc thay một đóa trà my,
    Con ong đã tỏ đường đi lối về !
         Một cơn mưa gió nặng nề,
    Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương.
         Đêm xuân một giấc mơ màng.
    Đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ. ”


Đây là lời Tú Bà dạy Kiều cách phục vụ khách làng chơi :


        “ Này con thuộc lấy nằm lòng.
    Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề.
          Chơi cho liễu chán hoa chê,
    Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời.


Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề ”, đã có trong Tố Nữ Kinh, tương truyền là ở thời Hoàng Đế của Trung Quốc (hơn 2000 năm trước công nguyên). “ Vành ngoài bảy chữ ” là kích dục bên ngoài. “ Vành trong tám nghề ” là cách làm tình. Ai đã đọc Tố Nữ Kinh thì qua câu này đã hình dung ra “ nghề chơi cũng lắm công phu ”.


Chúng ta không thể không nhắc đến bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương mà hầu hết tác phẩm đều có nghĩa ngầm (cách nói của Xuân Diệu) tả sex.


    “ Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm,
    Một lạch đào nguyên suối chửa thông.
    Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt ”…


Và 


    “ Trai đu gối hạc khom khom cật,
       Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng ”…


Trong Hoàng Lê nhất thống chí, có đoạn, khi được gợi ý việc xin cưới công chúa Ngọc Hân, anh hùng Nguyễn Huệ đã trả lời rất sex : Gái miền Nam thì ta đã được hưởng, nay nếu được biết gái Bắc thì hay quá !


Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 văn hóa Pháp truyền vào nước ta, trong đó có sex. Có lẽ nghệ thuật nhiếp ảnh khỏa thân du nhập vào nước ta sớm nhất, trước cả khoa kiến trúc. Anh lính Pierre Dieulefils đã chụp hằng trăm ảnh khỏa thân của phụ nữ Việt Nam ở mọi tư thế. Năm 1886, ông đã tổ chức triển lãm số ảnh khỏa thân đó tại Hà Nội. Điều này cho thấy từ ngày ấy Hà Nội đã có những người Pháp và cả người Việt biết thưởng thức loại hình nghệ thuật rất mới mẻ này. Với số ảnh đó, Pierre Dieulefils đã đoạt nhiều giải thưởng ảnh nghệ thuật của Pháp, Bỉ, để rồi sau khi giải ngũ ông tiếp tục hành nghề nhiếp ảnh tại Hà Nội. Đến thập kỷ 30, 40, sex đã có mặt ở hầu hết các bộ môn văn học nghệ thuật của nước ta. Tranh khỏa thân của Trần Văn Cẩn, Lê Phổ…(cách đây đã lâu có tin, tranh khỏa thân của các cụ có giá bán hơn 3000 USD một bức); tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng; thơ tình Xuân Diệu…


Sau cách mạng Tháng Tám 1945, sex vẫn không bị cấm kỵ trong văn học nghệ thuật ; nhưng bắt đầu cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp thì sex đồng nghĩa với những gì hủ bại, thậm chí rất phản động. Ngay những tác phẩm miêu tả tình yêu lành mạnh như Màu tím hoa sim của Hữu Loan cũng bị lên án là sa đọa ! Các văn nghệ sĩ tham gia cách mạng đều tuyên bố từ bỏ những đứa con tinh thần của mình sáng tác trước 1945 có hơi hướng lãng mạn chứ chưa cần có sex. Ở vùng giải phóng Nam Bộ thời chống Pháp ca vọng cổ cũng bị cấm, vi phạm sẽ bị tù ! Để thay thế loại nghệ thuật này, nhân dân vùng giải phóng Bạc Liêu, Cà Mau (quê hương của Cao Văn Lầu, tác giả bài Vọng cổ hoài lang nổi tiếng), đã sáng tạo ra hình thức Nói thơ Bạc Liêu rất “ ướt át ” để bù lại. Trong khi đó, ở các thành thị và sau này ở miền Nam, sex được các ngành nghệ thuật khai thác và có không ít tác phẩm có giá trị..



“ Cởi ra, rồi lại buộc vào...! ”


Từ Đại hội 6 đôỉ mới, sex bắt đầu sống lại với các văn sĩ trẻ như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… Các tác giả này được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Nhưng không lâu sau đã bị phê phán gay gắt. Nói chung văn nghệ sĩ Việt Nam phải tự răn mình trước khi muốn đưa sex vào tác phẩm vì rất dễ bị lâm nạn ! Nhiều tác giả nước ngoài nổi tiếng, thậm chí đoạt giải Nobel văn chương vào Việt Nam cũng bị cắt xẻo. Đầu thập kỷ 90, Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hồi Tình yêu thời thổ tả của Gabriel García Márquez với lý do “ truyện đầy cảnh dâm dục ”! Có lẽ rút bài học này mà 10 năm sau, tháng 3-2000, khi xuất bản quyển Lụa của nhà văn Ý Alessandro Baricco từ bản dịch của Pháp, nhà xuất bản Trẻ đã viết trong Lời giới thiệu sách : “ Gần cuối câu chuyện có một đoạn rất thường gặp trong tiểu thuyết hoặc phim ảnh phương Tây, nhưng xa lạ với truyền thống văn hóa phương Đông. Đó là những đoạn trong bảy trang thư tình của Hélène, vợ của Hervé Joncour nhờ người viết…Vì lý do thuần phong mỹ tục, Nhà xuất bản Trẻ đã lược bỏ bớt những chỗ quá đáng trong bảy trang thư này ”. Đúng ra Nhà xuất bản Trẻ chỉ có thể viết là “ không phù hợp với các nhà quản lý văn hóa Việt Nam ”, chứ không thể nói “ xa lạ với truyền thống văn hóa phương Đông ”, bởi vì Nhật Bản từ lâu lắm đã từ bỏ thứ truyền thống phi nhân bản đó, tiếp theo là Hàn Quốc, Đài Loan, và đến nay cả Trung Quốc nữa cũng không hề có sự kiêng kỵ đối với sex như chúng ta !


Năm 1995, có sự kiện đáng nhớ là phim Xích Lô của Trần Anh Hùng được giải Sư tử Vàng ở Liên hoan phim Venise lần thứ 52 tại Italia, nhưng Việt Nam cấm chiếu phim này và cấm tác giả về nước với lý do “ đầy những hình ảnh bạo lực, nhiều cảnh sex, hiện thực trong phim không đúng thực tế Việt Nam ”. Từ đó, cho rằng đạo diễn làm phim này nhằm chống Việt Nam. Hãng phim Giải phóng phải làm bản kiểm điểm vì sao lại hợp tác với Trần Anh Hùng làm phim này. Dù rằng suốt quá trình làm phim, có nhiều cán bộ A25 được giao bám sát, và yêu cầu Trần Anh Hùng phải sửa chữa liên tục ! Trong một lần trả lời phỏng vấn, Trần Anh Hùng cho rằng, những cảnh bạo lực của phim phải đạt mục đích là làm cho người xem căm ghét bạo lực và những cảnh sex là cần thiết cho nội dung. Ông Thái Kế Toại người được A25 giao trách nhiêm theo dõi quá trình làm phim này đã đặt câu hỏi : “ Chẳng lẽ vì để chống Việt Nam mà ban giám khảo LHP Venise hạ thấp mình để trao giải cho bộ phim mà người Việt Nam cho là thấp kém ? Nếu có lý trí tỉnh táo, có thiện chí thì giải đáp câu hỏi này không khó ”. Rất tiếc 16 năm đã qua không có cơ quan có trách nhiệm nào giải đáp câu hỏi rất cấp thiết đó !


Mười lăm năm sau, phim Bi, đừng sợ ! của Phan Đăng Di vượt qua 4 ứng viên nặng ký của Nga, Pháp, Australia, Rumani, đoạt hai giải thưởng lớn Phim đầu tay xuất sắc, và Quay phim xuất sắc ở LHP Stockholm Thụy Điển. May mắn hơn Xích Lô, phim Bi, đừng sợ ! được chiếu trong nước và được vài nhà bình luận viết bài khen ngợi, nhưng chỉ vài ngày sau, đã bị một trận bão phê bình vùi dập tơi bời trên các báo lớn, chủ yếu vì phạm tội sex, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam !  Phan Đăng Di là đạo diễn được đào tạo bài bản. Ông được những nhà lý luận của các cường quốc điện ảnh như Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc… đánh giá cao, thế mà những người lớn tiếng chỉ trích ông chỉ cần “ món võ ” thô sơ là “ trái thuần phong mỹ tục ” !


Từ đầu thập niên 90, cho đến gần đây, nhiều họa sĩ và nghệ sĩ nhiếp ảnh xin triển lãm tranh và ảnh khỏa thân đều không được cho phép. Ban đầu, các nhà quản lý tìm cớ loanh quanh như địa điểm không thích hợp, thời điểm chưa thuận (Sở văn hóa Hà Nội đối với nhà nhiếp ảnh Thái Phiên), sau đó thì nói thẳng là trái thuần phong mỹ tục. Thái Phiên cho rằng, đó là cách viết lịch sự ở văn bản, còn nói với nhau người ta lên án là “ ảnh khiêu dâm ”! Bức ảnh Đồi trinh nữ của Thái Phiên đã được giải đặc biệt ở cuộc thi ảnh nghệ thuật Hàn Quốc, nhưng Sở văn hóa thông tin Hà Nội vẫn phán là “ không phù hợp ”. Tranh khỏa thân của họa sĩ Nguyễn Kim Đính được Hội đồng nghệ thuật Thừa Thiên - Huế thẩm định là “ đạt tiêu chuẩn nghệ thuật ”; nhưng Sở văn hóa thông tin (tức là những người có quyền nhưng không có chuyên môn) vẫn kết luận “ không phù hợp thuần phong mỹ tục ”. Có thể xem nội dung công văn của Phó giám đốc Sở văn hóa thông tin thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tuất Việt gửi cho nữ nhiếp ảnh gia Nguyễn Kim Hoàng là lập luận chung của tất cả các nhà quản lý văn hóa Việt Nam hiện nay : “ Nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam là nét đẹp kín đáo. Các bức ảnh đều chụp cận cảnh và phô diễn những đường nét nhạy cảm nhất của người phụ nữ, nên việc triển lãm này đến công chúng là không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ”.  


Nhiếp ảnh gia Nguyễn Kim Hoàng nói : “ Khi đọc công văn của Sở tôi cảm thấy vô cùng tổn thương !


Năm 2005, có một sự kiện đáng nhớ là việc phát hành tập truyện Bóng Đè của nhà văn nữ Đỗ Hoàng Diệu. Tập truyện được các nhà phê bình, nhà văn hóa hàng đầu của đất nước hết lời ca ngợi. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên viết : “ Phụ nữ trong quan hệ với dục tính, nhưng quan trọng hơn, phụ nữ và dục tính trong quan hệ với xã hội và lịch sử .” Nhà văn Nguyên Ngọc viết : “ Và cũng có lẽ một trong những dấu hiệu đáng tin cậy để nhận ra một tài năng văn học là đọc họ, ta cảm thấy cứ như bằng trực cảm, bằng một thứ ăngten riêng, dường như họ nhận ra được và truyền đến chúng ta những nghiền ngẫm sâu thẳm về con người, xã hội, về đất nước, thậm chí về số phận dân tộc mà chính họ bằng luận lý cũng không nói ra cho rõ được.” Nhà văn Châu Diên : “ Đây là cuốn sách mà tôi kính trọng ”. Độc giả Hoàng Hạc từ Canada cho rằng “ Ở Việt nam có thể cho là mới, nhưng so sánh không đâu xa, ngay với Trung Quốc thôi cũng không có gì là mới cả !


Ngay lập tức trên tờ báo Sài Gòn Giải Phóng của đảng bộ TP HCM có một bài viết phê phán rằng, đây là một quyển sách dung tục, lạc lõng, bác bỏ ý kiến ở trên của Nguyên Ngọc một cách nặng nề : “ Không biết sâu xa ý tứ ấy là gì, nhưng một người bình thường đọc quyển sách này đều khó lòng nhận ra điều cao cả ấy, nếu không muốn nói là sự báng bổ đến khó hiểu trong tâm thức nhà văn này ”. Một nhà báo không lấy gì làm nổi tiếng, lại lấy ý kiến của “ một người đọc bình thường ” (có lẽ tác giả muốn nói là ý kiến của công nông chăng), nhưng đã đủ sức khóa miệng các danh sĩ bậc nhất của đất nước !


Năm 2010 ầm ỹ với Sợi Xích của Lê Kiều Như. Lẽ ra các nhà phê bình chỉ rõ : đây không phải là một tác phẩm văn học. Sự yếu kém của Sợi Xích như bố cục lỏng lẻo, tâm trạng nhân vật nhạt nhẽo, tả sex vụng về, tự nhiên chủ nghĩa… Nhưng tất cả mọi chỉ trích dồn dập nhằm vào sex !



Có ba điều cần “ cởi ” và “ mở ”


1.  Sex làm cho con người khác con vật 


Ngôn ngữ học cho rằng, con người khác con vật là biết tư duy qua ngôn ngữ. Tôi muốn nói thêm, con người còn khác con vật ở sex. Ông Osho một triết gia Ấn Độ cho rằng từ tình dục đến tình yêu cũng giống như từ than đá đến kim cương vậy. Không có tình dục sẽ không có tình yêu, cũng như không có than đá thì không có kim cương. Hiểu theo Osho thì con người có trình độ văn hóa cao thì tình dục và tình yêu hòa nhau làm một, như viên kim cương không còn dấu vết nào của than đá.


Tôi nghĩ, sẽ rất sai lầm nếu cho rằng những quyển sách Tố Nữ Kinh của Trung Quốc, hoặc Kama Sutra của Ấn Độ là sách dạy dâm dục. Đúng ra phải hiểu đó là những quyển sách sớm nhất của nhân loại dạy cho con người biết nâng sinh hoạt tình dục thành một nghệ thuật, khoái lạc hơn, bảo vệ sức khỏe tốt hơn, hoàn toàn khác với con vật. Hãy nghe Tố Nữ góp ý cho Hoàng Đế : “ Hoàng Đế sớm xuất tinh, suy nhược là vì ngài không biết cách sinh hoạt phòng sự một cách bình thường. Hậu quả là không cảm thấy khoái lạc mà lại mệt mỏi. Tất cả chỉ vì Hoàng Đế không hiểu thủy tính và hỏa tính, không hiểu hệ quả khi không biết điều hòa âm dương ”. Sau khi Nho giáo bị lợi dụng trở thành công cụ bảo vệ vương quyền thì Tố Nữ Kinh không được phổ biến cho trăm họ nữa mà biến thành của riêng vua chúa, áp dụng nó với mục đích trụy lạc trong cung cấm.


Ở nước ta một số trống đồng đã khai quật được có niên đại suýt soát thời Hoàng Đế, miêu tả những cảnh giao hợp, chứng tỏ sinh hoạt tình dục từ xa xưa, không hề bị ông bà chúng ta coi là điều xấu xa, kiêng kỵ mà đã đặt nó ở bình diện văn hóa. Như vậy cũng tức là từ xa xưa, thuần phong mỹ tục Việt Nam đã gồm có cả sex !


Nếu cứ giữ tình trạng như hiện nay, thì chúng ta sẽ là quốc gia cá biệt đối với sex. Bởi vì Trung Quốc xứ sở của nho giáo lại cùng thể chế như ta, vậy mà từ hơn 10 năm trước đã xuất hiện dòng văn học linglei 另类 bởi những nữ tác giả rất trẻ. Ban đầu các nhà lý luận định kiến gọi đó là loại “ lưu manh ”, nhưng chỉ ít lâu sau đã định nghĩa lại là “ sự năng động ”. Ở các quốc gia Hồi giáo, sex là điều rất cấm kỵ có thể bị coi là phạm tội chết. Vậy mà nữ tác giả Nedjma người A-rập theo đạo Hồi đã có tác phẩm Trái Hạnh Đào được gọi là “ sự thức tỉnh về tình yêu và tính dục ”. Nhật Bản quốc gia “ đồng văn ” phương Đông với chúng ta, sex trong văn học nghệ thuật từ lâu đã là điều bình thường. Haruki Murakami tác giả Rừng Na Uy nổi tiếng thế giới cho rằng “ Tình yêu luôn gắn với tính dục ”. Ông viết về tình dục, nhưng văn phong không hề gợi dục tính : “ Tính dục là cánh cửa mở vào tâm linh ”. Chính vì Murakami coi sex là của con người cho nên ông đươc các nhà bình luận nhiều nước cho rằng : “ Tác phẩm của Murakami có quy mô hành tinh, nó đụng chạm đến những vấn đề của toàn thể loài người ” (Philipp Vase).


Trong cuộc trao đổi Cà phê Thứ Bảy, dịch giả Trần Đỉnh, ngoài 80 xuân, cho rằng “ chuyện đó ” rất “ người ”, nên nhìn nó ở khía cạnh nhân bản. Ông cho rằng không thể dùng chuẩn mực của những người nhuộm răng đen để phê phán người răng trắng. Nhà nghiên cứu Lữ Phương đã phát triển ý này : “ Càng không nên biến chúng thành những quy phạm để chỉ đạo văn học nghệ thuật ”.


2.  Nếu chỉ bản năng thì chưa thoát khỏi con vật


Tiến sĩ Trần Hữu Quang cho rằng đằng sau hiện tương sex tràn lan trên báo “ lá cải ” là sự khủng hoảng của xã hội đang có dấu hiệu của sự đổ vỡ. Từ hiện tượng sex, ông đã nhìn ra bình diện rộng. Đúng là xã hội chúng ta đang đứng trước những nghịch lý chưa giải tỏa được, kéo theo sự khủng hoảng văn hóa, đạo đức, trong đó có sex. Người ta chưa phân biệt sex được thể hiên như thế nào mới đạt phẩm chất của con người, còn nếu như miêu tả thô tục, bản năng thì gần với con vật. Ông Lữ Phương nhấn mạnh cái gọi là “ cởi ” và “ mở ” hiện nay đang nghiêng quá nhiều về phần đua đòi, lai căng, thô tục, xem thường phụ nữ… tràn lan trên cả các mạng chính thống của nhà nước, rất trắng trợn, hạ cấp, không phân biệt cho từng lứa tuổi. Ông cho rằng :


Vấn đề quan trọng này không được pháp luật quy định một cách phân minh. Nếu không có giải pháp đúng đắn thì có thể chúng ta từ mong muốn thoát ra khỏi tình thế bất thường cũ lại trượt dài vào tình trạng bất thường mới : Xã hội chúng ta vẫn chưa có được một trạng thái cân bằng mà các xã hội phát triển khác đang có ”.


Có lẽ, vấn đề này nên xem xét, đánh giá cả hai phía. Các văn nghệ sĩ, nhà báo phải miêu tả sex ở tầm văn hóa của con người, học tập, nâng cao nghệ thuật từ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và tiếp thu tinh hoa của các bậc thày nước ngoài. Nếu miêu tả sex một cách bản năng thì chưa đạt tính người mà hãy còn gần với con vật. Mặt khác, người tiếp nhận nghe nhìn, thưởng thức văn học nghệ thuật cũng phải được nâng sự hiểu biết lên, để phân biệt sự thanh cao với điều ô trọc. Họa sĩ tài danh người Tây Ban Nha Francisco José Goya (1746-1826) có câu nói được truyền tụng : “ Sự trần truồng là tác phẩm tuyệt mỹ của tạo hóa ban cho con người. Ý nghĩ tà dâm nãy sinh trước sự trần truồng là sự bộc lộ bản chất của những kẻ gian manh ! ”. Nhưng trước khi mạ lỵ như thế, cần phải có sự giáo dục đã !


3. Để có trạng thái của một xã hội bình thường


Nhà nghiên cứu Lữ Phương cho rằng việc quan tâm đến sex có mặt tích cực là : Phản ánh sự đòi hỏi chuyển biến từ một xã hội không bình thường sang một xã hội bình thường. Ý kiến của ông rất có lý. Xã hội ta nhiều năm qua đã đem cái không bình thường làm cái bình thường : chấp nhận phong bì, lót tay ; bầu người thoái hóa thành người “ 4 tốt ” ; khen tặng những tập thể đang che giấu tiêu cực lại là “ trong sạch vững mạnh ”... Trái lại, biến cái bình thường thành cái không bình thường như : Dám tố cáo tham nhũng ; nhường chỗ ngồi cho người già yếu, phụ nữ; dừng xe trước đèn đỏ… Trong những điều bất bình thường đó có sex, là chuyện bình thường từ ngàn xưa bỗng dưng trở thành một thứ bẩn thỉu, phải kiêng kỵ.


Trong cuộc trao đổi ở Cà phê Thứ Bảy, nguyên phó giám đốc Sở văn hóa thông tin TP HCM, bà Thế Thanh cho rằng “ Cần có những đường lối phù hợp để mọi người có thể chia sẻ sự sáng tạo của mình trong báo chí, điện ảnh hay các lĩnh vực nghệ thuật xã hội khác ”. Nói vậy là các nhà quản lý văn hóa hiện nay đang thực hiện một “ đường lối ” nào đó không còn thích hợp ? Giở văn kiện Đại Hội 11 ở phần Phát triển văn hóa : “ Huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa kế thừa, phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội.” Nội dung này hầu như không thay đổi từ các Đại Hội Đảng trước kia. Vậy có lẽ phải hiểu thế nào là “ kế thừa, phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp ” và thế nào là “ tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại ”. Việc đó chủ yếu không phải của các nhà chính trị và các nhà quản lý văn hóa mà là của các nhà nghiên cứu lý luận văn học nghệ thuật từng chuyên ngành, đồng thời phải được sự tranh biện công khai và cuối cùng được kết luận bởi cơ quan có thẩm quyền ở từng chuyên ngành.


Các văn nghệ sĩ phải được bảo đảm tự do sáng tác. Các nhà quản lý có trách nhiệm bảo đảm cho các loại tác phẩm đến đúng với đối tượng, ví dụ sách, ảnh, phim… loại nào dành cho lứa tuổi nào. Việc phê bình đánh giá tác phẩm nên được tiến hành công khai, tôn trọng sự phản biện và các quan điểm chưa được số đông công nhận cũng được bảo lưu và tiếp tục tranh biện. Tránh sự áp đặt một quan điềm không biết từ đâu mà ai cũng kiêng dè. Ví dụ mới đây, có nhà báo viết dưới tiêu đề Dấn thân vào cảnh nóng gồm ba bài liên tục : Cảnh “nóng” và nước mắt ; Đi qua dư luậnGiá trị không ở cảnh sex. Chỉ cần đọc ba tựa đề cũng thấy được người viết không coi sex có sự cần thiết cho bất cứ tác phẩm nào mà chỉ là một loại để câu khách ! Lẽ ra người viết loạt bài này phải chỉ ra cụ thể, những bộ phim Việt Nam nào (người viết cho rằng đến 80 % số phim) đã đưa sex không phải vì cần thiết cho nội dung mà chỉ nhằm câu khách.Vậy mà, tất cả văn nghệ sĩ và các nhà lý luận phê bình Việt Nam đều im tiếng. Đó là một tình trạng rất, rất không bình thường !


                                                      Ngày 27 tháng 7 năm 2011


Tống Văn Công


 


Nguồn : Viet-Studies

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss