Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / So sánh VN với Mexico trong thương chiến Mỹ - Trung

So sánh VN với Mexico trong thương chiến Mỹ - Trung

- Trần Quốc Hùng — published 30/10/2021 12:00, cập nhật lần cuối 30/10/2021 16:58

Số đặc biệt Diễn Đàn 30 tuổi



CẠNH TRANH GIÀNH FDI VÀ THỊ PHẦN Ở MỸ
TRONG THƯƠNG CHIẾN MỸ-TRUNG:

SO SÁNH VIỆT NAM VỚI MEXICO


Trần Quốc Hùng

Nonresident Senior Fellow, Atlantic Council


Trái với một số kỳ vọng khi Joe Biden nhậm chức Tổng Thống Mỹ đầu năm nay, thương chiến Mỹ-Trung do cựu TT Trump khởi đầu vẫn tiếp diễn; có dấu hiệu hoà hoãn trong vài trường hợp cụ thể, nhưng đã leo thang trong một số lãnh vực khác—thí dụ như mới vừa cấm China Telecom không được hoạt động ở Mỹ vì lý do an ninh quốc gia. Quan trọng nhất là thuế quan đánh trên hàng nhập khẩu từ TQ và từ Mỹ vẫn tiếp tục (với suất thuế quan Mỹ trung bình là 19,3% trên 66,4% lượng hàng TQ xuất sang Mỹ; so với 3% đối với thế giới—và thuế quan TQ 20,7% trên 58,3% lượng hàng Mỹ xuất sang TQ; 6% đối với thế giới) (Brown 2021). Ngoài ra, đại dịch Covid cũng góp phần làm các doanh nghiệp đa quốc gia phải khẩn trương xem xét và đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa các chuỗi cung ứng toàn cầu để giảm bớt nguy cơ bị lệ thuộc quá nhiều vào một nước nếu tình hình chính trị, kinh tế hay dịch bệnh trên thế giới thay đổi bất ngờ.

Vì TQ chiếm vị trí trung tâm trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, đa dạng hoá có nghĩa là chuyển dịch một phần đầu tư nước ngoài (FDI) tại TQ hay dự định vào TQ sang các nước khác nhằm sản xuất để phục vụ thị trường thế giới ngoài TQ—cần để ý điều này khác với việc đầu tư FDI để phục vụ thị trường TQ sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Trong tiến trình chuyển dịch này, dư luận đã chú ý nhiều đến các nước Châu Á đặc biệt là Việt Nam có khả năng thu hút FDI—chủ yếu vì điều kiện kinh tế và thương mại thích hợp, giá nhân công rẻ và lại gần TQ nên dể chuyển dịch. Tuy nhiên, khi nói đến chuyển dịch đầu tư để tạo cơ sở xuất khẩu sang thị trường quan trọng nhất là Mỹ, thì phải so sách ưu và nhược điểm của các nước châu Á như VN với Mexico. Sự so sánh này cần thiết để giúp VN có thể cạnh tranh hữu hiệu hơn trong cuộc chạy đua giành FDI và thị phần ở Mỹ.


VN và Mexico


VN và Mexico ở hai giai đoạn phát triển khác nhau. Mexico với 128 triệu dân có tổng sản lượng quốc nội GDP 1,19 ngàn tỷ đôla, và GDP/đầu người 8,346 đôla—được xếp vào hạng các nước thu nhập trung bình cao (ITA 2021). VN có 98 triệu dân với GDP 340 tỷ đôla; GDP/đầu người 3,500 đôla—thuộc hạng thu nhập trung bình thấp (IMF 2021).

Cả hai nước đã tăng trưởng kim ngạch xuất và nhập khẩu, dựa vào ngoại thương để phát triển kinh tế trong thời gian qua. Quan trọng hơn, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu chiến lược đối với cả hai nước. Tổng kim ngạch mậu dịch hàng hóa (xuất và nhập khẩu) của Mexico đạt mức 927 tỷ đôla trong năm 2020, chiếm 78% GDP. Nhờ là thành viên của hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Mexico; và Mexico cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ với tồng kim ngạch 617 tỷ đôla, cao hơn Canada và TQ (Roberts 2020).

Tổng kim ngạch ngoại thương của VN cũng tăng rất nhanh, đạt 517 tỷ đôla trong năm 2020, chiếm 156% GDP. Kim ngạch mậu dịch hàng hoá với Mỹ đạt 89,5 tỷ đôla năm 2020—giúp VN giữ vị trí đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ. Tuy nhiên quan hệ thương mại Mỹ-Việt rất không cân đối: Mỹ nhập siêu về hàng hoá 69,7 tỷ đôla—và VN đứng thứ 3 sau TQ và Mexico trong số các nước Mỹ có nhập siêu lớn nhất (USTR 2021). Nói cách khác, trong 1 đôla mậu dịch với Mexico, Mỹ xuất khẩu 42 xu; với TQ Mỹ xuất 22 xu; nhưng chỉ xuất khẩu 11 xu đối với VN (Roberts 2021).


Tác động của thuế quan Mỹ-Trung


Trong bối cảnh đó, thuế quan mà Mỹ và TQ đánh trên hàng nhập khẩu của nhau đã gây ra một số thay đổi về mức tăng trưởng hàng nhập vào Mỹ từ các nước. Theo Peterson Institute for International Economics (PIIE), giữa hai giai đoạn 7/2016-12/2017 và 7/2018-12/2019, thị phần của hàng TQ trong thị trường nhập khẩu ở Mỹ giảm 0,26 chấm phần trăm (percentage point)(1) trong các mặt hàng không bị thuế quan; nhưng giảm tới 4,12 chấm trong các mặt hàng chịu thuế (Schott 2021). Trong khi đó, Mexico tăng thị phần của các mặt hàng chịu thuế lên 1,63 chấm phần trăm—cao hơn nước được lợi thứ nhì là Hàn Quốc tăng 0,57 chấm và tất cả các đối tác khác của Mỹ. Các mặt hàng nhập từ Mexico tăng nhiều nhất là đồ da, dụng cụ điện và sản phẩm điện tử. Tuy nhiên, trong các mặt hàng không bị thuế, thị phần của Mexico giảm 0,88 chấm và Hàn Quốc giảm 0,85 chấm.

Ngược lại, thị phần của VN tăng đến 1,3 chấm phần trăm trong các mặt hàng không bị thuế, cao hơn mức tăng 0,29 chấm trong các hàng chịu thuế quan (Schott 2021). Nhờ vậy, trong 12 tháng vừa qua, VN đã trở thành nước thứ 6 xuất khẩu (86 tỷ đôla) sang Mỹ, vượt qua các nước lớn khác như Hàn Quốc (78 tỷ đôla) hay Anh (50 tỷ đôla) (Zumbrun 2021). Các loại hàng mà Mỹ nhập nhiều nhất từ VN gồm dụng cụ điện (27 tỷ đôla), đồ gỗ nội thất (9,9 tỷ đôla), hàng dệt may (7,1 tỷ đôla), máy móc (6,8 tỷ đôla), giầy (6,5 tỷ đôla), và nông sản phẩm (2,1 tỷ đôla) (USTR 2021). Đối với VN, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong năm 2020, chiếm 27% kim ngạch xuất khẩu; so với TQ chiếm 17,3% (và Hồng Kông 3,7%), Nhật và Hàn Quốc mỗi nước chiếm 6,8% (TrendEconomy 2021).

Như thế, Mỹ đã trở thành thị trường chiến lược quan trọng hàng đầu đối với VN và Mexico. Mexico có lợi thế là ở trong USMCA (được ưu đãi so với các nước khác, nhất là trong lãnh vực xe ô tô và phụ tùng xe, đòi hỏi tỷ lệ hàng và lao động nội địa cao) và ngay sát nước Mỹ nên phí vận chuyển thấp. VN có khả năng tăng thâm nhập vào thị trường Mỹ không những trong các mặt hàng chịu thuế, mà trong các loại hàng khác không chịu thuế. Đây là một lợi thế cần khai thác, nhất là trong trường hợp thuế quan giữa Mỹ và TQ được giảm hay bãi bỏ.


Thu hút FDI


VN và Mexico có khả năng thu hút FDI vì môi trường kinh tế và thương mại thích hợp, nhất là giá lao động rẻ: ước tính khoảng 2,99 đôla/giờ ở VN, 4,82 đôla/giờ ở Mexico so với 6,5 đôla/giờ ở TQ (Jung 2020). Ngoài ra, mức thuế quan ở hai nước tương đối thấp vì tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Thí dụ như Mexico tham gia USMCA, CPTPP, Mexico-EU FTA, Mexico-Japan FTA—suất thuế quan của Mexico trên hàng nhập từ các nước thành viên FTAs trung bình chỉ có 0,1% (Jung 2020). VN tham gia CPTPP, RCEP, ASEAN-China FTA, VN-Japan FTA, VN-EU FTA và VN-UK FTA—đối với các nước thành viên, suất thuế quan của VN khoảng 5% hay thấp hơn (Jung 2020).

Đầu tư nước ngoài FDI là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng cao của nên kinh tế và ngoại thương VN trong các thập kỷ qua; và những tiến bộ này trở thành sức hút FDI vào VN. Trong chín tháng đầu năm 2021, với tình hình Covid rất khó khăn, số vốn FDI đăng ký tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái—đạt 22,15 tỷ đôla. Tuy nhiên số vốn FDI thực hiện giảm 3,5% còn 13,28 tỷ đôla (TCTK 2021). Tính tới nay, theo UNCTAD (2021), tổng số vốn FDI đăng ký tại VN đạt 177 tỷ đôla. Các doanh nghiệp có vốn FDI đóng vai trò hết sức quan trọng trong ngoại thương VN—chúng chiếm 72% kim ngạch xuất khẩu và 63% kim ngạch nhập khẩu (Deshmukh 2021). Tuy nhiên, các doanh nghiệp có vốn FDI chủ yếu tập trung vào khâu lắp ráp trong tiến trình sản xuất, nên phần đóng góp của giá trị tăng thêm của VN vào kim ngạch xuất khẩu còn tất khiêm tốn—chỉ có 20,4 tỷ đôla (hay 7,7% xuất khẩu, tuy đã tăng rất nhiều so với khoảng 2 tỷ đôla năm 1990) (Jung 2020)

Ngược lại, lượng đầu tư FDI vào Mexico giảm từ 34 tỷ đôla năm 2019 xuống còn 29 tỷ đôla năm 2020 (Schott 2021). Ngoài ảnh hưởng của dịch Covid, FDI giảm vì chính phủ Mexico đang xúc tiến ban hành luật nhằm tăng cường vai trò ưu tiên của công ty quốc doanh PEMEX trong lãnh vực dầu khí và không có nhiều nỗ lực thu hút FDI. Thêm vào đó, hiệp định USMCA tuy dành ưu đãi về mậu dịch cho các nước thành viên, nhưng đã gây một số bất ổn trong môi trường đầu tư vì nhiều doanh nghiệp và công đoàn Mỹ kiện Mexico không thực hiện đúng cam kết trong việc bảo hộ lao động và môi trường. Theo UNCTAD (2021), tổng số vốn FDI ở Mexico lên tới 597 tỷ đôla.

Tuy các doanh nghiệp có vốn FDI cũng đóng vai trò quan trọng trong ngoại thương, Mexico đã nâng phần đóng góp của giá trị tăng thêm lên đến 166 tỷ đôla (hay khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu so với mức 10 tỷ đôla năm 1990) (Jung 2020).


Rút kinh nghiệm cho VN


So sách sự thay đổi thị phần của VN và Mexico trong cơ cấu nhập khẩu của Mỹ cho thấy VN cần chú ý các vấn đề sau đây.

1) Mexico cạnh tranh trực tiếp với VN trong các mặt hàng quan trọng như da giầy, dụng cụ và sản phẩm điện, điện tử, máy tính và viễn thông. VN cần tìm cách phân biệt hàng của mình (bằng chất lượng, mẫu mã hay giá) để tránh bị thay thế bởi hàng của Mexico, vốn có lợi thế là thành viên của USMCA và ở gần Mỹ. Tuy hiện nay CP Biden không chủ trương thương lượng hiệp định thương mại mới, nhưng khi điều kiện cho phép, VN cần xúc tiến có HĐTM với Mỹ để ổn định quan hệ mậu dịch.

2) Quan hệ mậu dịch Việt-Mỹ rất mất cân đối. Tuy vừa qua Cơ Quan Đại Diện Thương Mại Mỹ (USTR) đã quyết định không tăng thuế quan hay đặt hạn ngạch với hàng VN vì đã thương lượng và đồng ý các biện pháp VN sẽ áp dụng để đáp ứng các cáo buộc của Mỹ như thao túng tiền tệ và sử dụng gỗ trái phép, nhưng mức nhập siêu rất lớn vẫn là mối quan ngại của Mỹ. Khả năng Mỹ áp dụng các biện pháp chế tài đối với VN vẫn tồn tại. Thành thử VN cần phải tìm mọi cách để tăng việc nhập hàng Mỹ, nhất là các loại hàng công nghệ cao, để giảm bớt mức nhập siêu của Mỹ từ VN. Nói chung VN cũng phải cân bằng các quan hệ thương mại của mình, chủ yếu là giảm bớt nhập siêu quá lớn từ TQ. Trước mắt, VN cũng cần kiểm soát tránh để hàng TQ mạo danh “Made in VN” nhằm trốn thuế quan của Mỹ.

3) So với Mexico, mức đóng góp giá trị gia tăng nội địa vào kim ngạch xuất khẩu của VN rất thấp. VN cần tìm cách nâng cao giá trị gia tăng của nội địa trong xuất khẩu, cụ thể là tăng khả năng chế tạo và sản xuất các phụ tùng và bán thành phẩm của các mặt hàng xuất khẩu. Điều này sẽ giúp công nghệ hoá và phát triển kinh tế VN.

4) Để thực hiện điểm 3, VN nên tìm cách thu hút FDI để xây dựng các ngành sản xuất phụ tùng và bán thành phẩm, để dần dà có thể hình thành hệ sinh thái cho cả một ngành công nghiệp. Đây là chính sách “Made in China 2025” mà TQ đã áp dụng trong thời gian qua. VN cũng nên tìm cách thu hút đầu tư FDI từ các doanh nghiệp Mỹ—số vốn FDI từ Mỹ còn rất thấp trong số các nước đầu tư vào VN (chủ yếu là trong khu vực châu Á). Kính nghiệm cho thấy tăng FDI từ một nước sẽ tăng xuất khẩu (như máy móc thiết bị và bán thành phẩm) sang nước nhận FDI. Ngoài ra, VN nên học bài học của Mexico, tránh gây ra tình trạng không ổn định trong hệ thống pháp lý và luật lệ, nhất là trong việc kiểm soát đầu tư nước ngoài, có thể làm giảm luồng FDI.


-----------------------------

(1) Thí dụ thị phần của một nước giảm từ 20% xuống 19,74%, được tính là giảm 0,26 chấm phần trăm.

Dùng "chấm phần trăm" để dể so sánh sự thay đổi thị phần của các nước trong thị trường Mỹ, nếu dùng phần trăm thi không rõ vì mẫu số (thị phần lúc đầu) khác nhau.


Trần Quốc Hùng


Tài liệu tham khảo


Chad Brown (2021), “US-China Trade War Tariffs: An Up-to-date Chart”, Peterson Institute for International Economics (PIIE)

Atharva Deshmukh (2021), “FDI in Vietnam: A Year in Review and Outlook for 2021”, Vietnam Briefing, Dezan Shira & Associates

IMF (2021), Vietnam Staff Report

International Trade Administration (ITA-US) (2021), Mexico—Country Commercial Guide

Euijin Jung (2020), “Vietnam and Mexico could become major players in global supply chains”, PIIE

Ken Roberts (2020), “It’s Official: Mexico is No 1 US trade partner for first time, despite overall US trade decline”, Forbes

Ken Roberts (2021), “Yikes! For the first time, here comes a $1 trillion US trade deficit”, Forbes

Jeffrey Schott, Matthew Goodman eds (2021), “Bringing Supply Chains back to Mexico: Opportunities and Obstacles”, PIIE

Tổng Cục Thống Kê VN (TCTK) (2021), “Một số giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại VN”

TrendEconomy (2021), International Trade Statistics by Country

UNCTAD (2021), World Investment Review 2021

US Trade Representative (USTR) (2021), Vietnam

Josh Zumbrun (2021), “US tariffs drive drop in Chinese imports”, Wall Street Journal

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Kỷ yếu 30 năm
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us