Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Sông Seine, nhìn từ cầu...

Sông Seine, nhìn từ cầu...

- Cổ Ngư — published 23/09/2022 00:05, cập nhật lần cuối 17/10/2022 14:48
Bài "phải đọc" cho những người yêu Paris !

Sông Seine, nhìn từ cầu...


Cổ Ngư


Dưới những chiếc cầu của Paris, khi đêm buông nhanh
Không đủ tiền thuê một túp lều tranh
Đôi lứa mình cứ lén lút yêu, mê đắm, em với anh
Và mắt trong mắt, cùng dệt những giấc mơ xanh...

(Dưới những chiếc cầu của Paris - Jean Rodor & Vincent Scotto)


Trên thế giới, hình như không thành phố nào có nhiều cầu bằng Venise : ở đây, đường bộ đã hoàn toàn bị thay thế bằng đường thuỷ, với hệ thống kinh đào chằng chịt, thông thương khắp các ngõ ngách của thành phố có một không hai này. Vì thế, tại Venise, đứng ở đâu cũng thấy cầu, đi đến đâu cũng thấy cầu, không biết có du khách nào, thậm chí người dân bản địa nào, đã nhẩm đếm xem mình đã bước qua được bao nhiêu trong số 435 chiếc cầu nối 121 hòn đảo của trung tâm Venise, một thành phố với diện tích chỉ vỏn vẹn 415 cây số vuông hay không ?

Không thể sánh được về lượng so với Venise, nhưng Paris lại hãnh diện với phẩm chất của 37 chiếc cầu soi bóng dòng Seine, nối hai bờ tả, hữu ngạn cùng ba hòn đảo Cité, Saint-Louis và Cygnes giữa lòng thủ đô nước Pháp. 37 chiếc cầu này nằm trong danh sách hơn 250 chiếc cầu bắc qua sông Seine, dòng sông với chiều dài gần 800 km, chảy qua nhiều vùng ruộng đồng trù phú, nhiều khu rừng rậm hoang dã, nhiều thành phố lớn trước khi đổ ra biển ở cảng Le Havre. Nhưng, nói đến sông Seine, người ta thường chỉ nghĩ đến Paris, và đương nhiên, khi nói đến những chiếc cầu bắc qua dòng Seine, người ta thường chỉ nhớ đến những chiếc cầu của Paris mà thôi !

37 chiếc cầu của Paris, trừ Cầu Thượng Nguồn và Cầu Hạ Nguồn nằm trên Đại lộ Vành đai của thủ đô nước Pháp, đều có tên riêng, hình dáng riêng, lịch sử riêng. Trong khuôn khổ bài viết này, ba nhóm cầu với bộ mặt của 19 chiếc cầu gây chú ý nhất sẽ được lần lượt giới thiệu theo hướng chảy của dòng Seine ngang qua Paris, từ đông sang tây.


Cầu Phố Thượng


Có thể gộp các chiếc cầu nối quận 13 ở tả ngạn sông Seine với quận 12 ở hữu ngạn vào nhóm "Cầu Phố Thượng". Nhóm này gồm 7 chiếc cầu, có chiếc chỉ dành riêng cho đường métro chạy lộ thiên trên sông Seine (Viaduc d’Austerlitz), có chiếc vừa được tân trang với hệ thống tramway chạy quanh thủ đô nước Pháp (Pont National). Đáng chú ý nhất trong nhóm này là 4 chiếc cầu Simone de Beauvoir, Bercy, Charles de Gaulle và Austerlitz.

Cầu Simone de Beauvoir

Mang tên nữ triết gia, văn sĩ Pháp nổi tiếng của thế kỷ XX, người được xem là lý thuyết gia quan trọng của phong trào Nữ Quyền Luận và có các tác phẩm được đọc, nghiên cứu rộng rãi trên thế giới, cầu dành cho người đi bộ Simone de Beauvoir dài 304 m, nối thư viện Quốc gia François Mitterrand với công viên Bercy. Đây là chiếc cầu mới nhất của Paris, khánh thành vào tháng 07.2006, sau khi một phần của quận 13 ven sông Seine được cải tạo lại theo công trình quy hoạch đô thị mới, với việc xây dựng Thư viện Quốc gia Pháp gồm 4 cao ốc (mỗi cao ốc có 2 toà mở ra như một quyển sách, thẳng góc nhau, với 22 tầng, cao 80m), cùng các khu nhà ở, tiệm ăn, cửa hiệu, văn phòng làm việc… nằm dọc theo những con đường rộng rãi thẳng tăm tắp. Được kiến trúc sư người Áo Dietmar Feichtinger thiết kế theo hình ảnh hai đường cong giao nhau tại hai điểm, cầu Simone de Beauvoir kết hợp được sự uyển chuyển, mềm mại nữ tính và nét khoáng đạt, thanh thoát hiện đại, giữa hai chất liệu chính thép và gỗ. Ở bất cứ vị trí nào, bên này sông hay bên kia sông, dưới cầu hay trên cầu, người ta đều thấy được đây đó những đường cong của chân, thân hay thành cầu Simone de Beauvoir.

Cầu Bercy


Cầu Bercy (cùng với cầu Bir-Haikem ở nhóm "Cầu Phố Hạ" của Paris) là loại cầu 2 tầng, tầng thấp dành cho bộ hành cùng các loại xe có và không động cơ, tầng cao dành riêng cho đường métro số 6. Cầu nằm sát bên khu nhà đồ sộ của bộ Kinh tế-Tài chính, với hơn 200.000 mét vuông diện tích văn phòng, bãi đáp cho trực thăng trên nóc (được quay trong phim "Mission Impossible 6" với tài tử Tom Cruise) và cung Thể thao-Âm nhạc POBP (*) có sức chứa hơn 20.000 khán giả, nổi bật trên phố vì các phần tường nghiêng lợp cỏ.

Được xây dựng từ thế kỷ XIX (1861-1864) thay cho chiếc cầu treo ở cùng vị trí, cầu Bercy, với chiều dài 175m và chiều rộng 40m như hiện nay, được lên tầng năm 1905 để đường métro số 6 vượt sông Seine ở đoạn này. Cầu có các khoanh tròn phù điêu với vòng lá nguyệt quế và chữ N, biểu hiệu của tổng thống-hoàng đế Napoléon III.

(*) POPB : Palais des Omnisports de Paris Bercy

Cầu Charles de Gaulle

Như một nét kẻ trắng thẳng tắp dài 207m qua sông Seine, nối hai nhà ga quan trọng của Paris, ga Austerlitz bên tả ngạn với ga Lyon bên hữu ngạn, cầu Charles de Gaulle thuộc lớp cầu "trẻ", được hai kiến trúc sư Louis Arretche và Roman Karasinsky hoàn tất sau ba năm xây dựng (1993-1996).

Du khách đến thăm nước Pháp, có người "hoang mang" khi thấy đâu đâu, từ làng nhỏ đến phố lớn, đều có một con đường hay một công trình kiến trúc mang tên Charles de Gaulle. Riêng Paris, đã có quảng trường Charles de Gaulle- Étoile với Khải Hoàn Môn, phi trường quốc tế Charles de Gaulle-Roissy, bến sông Charles de Gaulle (dọc sông Seine, nơi điện Louvre) và chiếc cầu Charles de Gaulle này. Đủ để thấy sự bày tỏ lòng tri ân của người dân đối với vị tướng (sau này trở thành tổng thống) đã góp công giải phóng nước Pháp khỏi ách phát-xít Đức trong Đệ Nhị Thế chiến.

Riêng người Việt, khi đứng trên cầu Charles de Gaulle nhìn về ngọn tháp cao 67m với bốn mặt đồng hồ khổng lồ của ga Lyon, không ít người đã ngâm nga mấy câu thơ được phổ biến rộng rãi qua ca khúc "Tiễn em" của Phạm Duy :

Ga Lyon đèn vàng
Tuyết rơi buồn mênh mang
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng…

(Chưa bao giờ buồn thế - Cung Trầm Tưởng)

Khách nhàn du dạo dọc bờ sông Seine, khi đi dưới bụng cầu Charles de Gaulle ghép bằng những tấm thép trắng dài, sẽ có cảm tưởng như đang luồn dưới cánh một chiếc phi cơ khổng lồ.

Cầu Austerlitz

Có đến hai chiếc cầu mang tên Austerlitz cùng song song bắc qua sông Seine ở đoạn này : cầu sắt (Viaduc d’Austerlitz) dành riêng cho đường métro số 5 ra vào ga Austerlitz và cầu Austerlitz bằng đá dài 174m, hướng vào đại lộ Bệnh viện (Boulevard de l’Hôpital) bên tả ngạn. Được xây dựng vào giữa thế kỷ XIX, cầu có nhiều phù điêu hình đầu sư tử, cờ và các loại vũ khí tượng trưng cho nền Cộng Hoà, nhưng lại mang tên vùng đất thuộc Tiệp, nơi ghi dấu chiến công hiển hách của hoàng đế Napoléon Đệ Nhất, đại thắng liên quân Áo-Nga vào năm 1805.

Từ cầu Austerlitz, nếu đổ dọc theo đại lộ Bệnh viện, phía trái, người đi bộ sẽ thấy một phần của ga Austerlitz, bên phải là vườn Bách thảo với cả chục ngàn loại cây cỏ khắp thế giới mọc trong-ngoài các nhà kính, cùng nhiều bảo tàng chứa xương khủng long, cá voi, chim dodo và các loài thú đã tuyệt chủng..., các loại đá quý, các bộ sưu tầm côn trùng, bên cạnh chim chóc, voi, hươu cao cổ, tê giác... nhồi (khoảng 67 triệu tiêu bản) được sắp xếp sống động với hệ thống đèn rọi tân tiến.

Để xứng với cái tên đại lộ Bệnh viện, khi tiếp tục dạo bước, du khách sẽ thấy bệnh viện Pitié-Salpêtrière, lớn nhất nước Pháp, bao gồm 90 toà nhà và vườn cây trên một diện tích 33 mẫu, được vua "Mặt Trời" Louis XIV cho xây dựng từ giữa thế kỷ XVII, đã gợi hứng cho nhiều quyển tiểu thuyết ra đời và là hậu cảnh của nhiều bộ phim Pháp. Đây cũng là nơi các sinh viên khoa Y của trường đại học Sorbonne học hỏi, nghiên cứu và thực tập. Điểm đến của đại lộ Bệnh viện chính là quảng trường Italie (Place d’Italie), nơi bắt đầu xuất hiện nhiều tiệm ăn Việt, Thái, Hoa, Nhật, Hàn... hướng vào Chinatown của Paris.


Cầu Phố Trung


Tập trung 23 chiếc cầu ngắn nhất, xưa nhất, tình nhất, thơ mộng nhất, oai hùng nhất, huyền hoặc nhất… của Paris, phần lớn nối đôi bờ tả-hữu ngạn với hai hòn đảo Cité và Saint-Louis.


Cầu Tournelle

Với chiều dài 120m, chiếc cầu bằng bê-tông cốt sắt này nối tả ngạn với đảo Saint-Louis, hoàn tất sau 4 năm xây dựng (1924-1928). Ở đầu cầu phía tả ngạn, có một tháp trắng cao vút, trên đặt tượng nữ thánh Geneviève, tay chạm vào vai một bé gái. Bà là nữ thánh bảo hộ của Paris, tương truyền đã đốc thúc dân chúng chuẩn bị chống công thành, đồng thời dùng lời cầu nguyện ngăn không cho quân Hung Nô của Thiền Vu tấn công thành phố Lutèce (tên cũ của Paris) vào năm 451.

Ngày cắt băng khánh thành cầu Tournelle, điêu khắc gia Paul Landowski, người tạc tượng thánh Geneviève, vắng mặt : ông không hài lòng vì đề nghị để tượng nữ thánh hướng về nhà thờ Đức Bà Paris bị từ chối ; hội đồng thành phố đã quyết định để tượng quay lưng lại Notre Dame de Paris và mặt hướng về phía đông, nơi năm xưa, vó ngựa đoàn quân thiện chiến của Attila đã dừng lại và đổi hướng, sau khi dẫm nát ruộng vườn, thành quách của đế chế La Mã khắp Âu châu, khiến cỏ không mọc nổi dưới bước viễn chinh như lời truyền tụng.

Cầu Marie

Được mệnh danh là "Cầu Tình Nhân", cầu Marie dài 92m, nối đảo Saint-Louis và hữu ngạn sông Seine, được vua Louis XIII đặt viên đá đầu tiên năm 1614, khởi công cho cuộc xây dựng dài hơi hơn 20 năm. Khi ngắm Paris bằng đường thuỷ trên các con tàu của hãng Bateau-Mouche, khách du lịch sẽ được báo trước khi tàu chui vào vòm cầu : "Quý vị hãy ước một điều và hôn nhau để điều ước đó trở thành hiện thực". Từ bao năm nay, tóc ngắn, tóc dài, tóc demi-garçon (*), tóc vàng sợi nhỏ (**) hay tóc màu củi chưa đun (***), tóc nào đã cuốn lấy tóc nào lùa vào nhau nhóm lửa (***) trong bóng tối của vòm cầu Marie ?

(*) thơ Nguyễn Tất Nhiên
(**) thơ Cung Trầm Tưởng
(***) thơ Nguyên Sa

Cầu Saint-Louis

Là chiếc cầu chỉ có một nhịp dài 67m, dành riêng cho người đi bộ và xe không động cơ, cũng là chiếc cầu duy nhất nối liền hai hòn đảo Cité và Saint-Louis của Paris. Cầu được xây năm 1970, đúng tại vị trí của ba chiếc cầu đã lần lượt bắc qua sông Seine những năm 1627, 1709, 1861 và sau đó bị phá huỷ. Đứng từ đây, bộ hành nhìn thấy được một phần nhà thờ Đức Bà và toà Thị chính Paris. Sát bên cầu, nằm phía dưới một công viên nhỏ ở chóp đảo Cité, du khách cũng có thể viếng thăm khu Tưởng niệm các nạn nhân Do Thái bị bức hại trong Thế chiến II. Mùa hè, xin đừng quên ghé mắt nhìn lớp lớp thanh niên, thiếu nữ thảnh thơi nằm phơi nắng dọc các bờ kè và nếm vị ngọt đặc biệt của tiệm kem Berthillon nổi tiếng trên đảo Saint-Louis.

Cầu Nhỏ / Hồng y Lustiger

Đúng với cái tên, cầu Nhỏ chỉ dài 31m, được xem là chiếc cầu ngắn nhất Paris bắc qua sông Seine. Chiếc cầu hiện nay, bằng xi-măng và đá cối (pierre meulière) được hai kỹ sư Michal và Darcel xây trong hai năm 1852-1853, thay chỗ cho những chiếc cầu gỗ hoặc đá trước đó, đã được dựng lên từ thế kỷ XVI, nhưng lần lượt bị thiêu huỷ hoặc bị nước lũ làm hư hại. Theo lời kể lại, một người mẹ có con trai bị chết chìm mất xác, đã theo tín ngưỡng thời bấy giờ, cắm ngọn nến trên mẩu bánh mì được ban phép thánh, đặt lên một cái chén rồi thả xuống sông. Khi chén đột nhiên dừng lại giữa dòng nước, tìm quanh đó, sẽ thấy xác người chết trôi. Rủi thay, cái chén có thắp nến tấp vào một con tàu chở rơm. Lửa bén, mọi người hò nhau cắt dây neo tàu. Nhưng thay vì chìm, con tàu tiếp tục bị dòng nước cuốn đi và va vào cầu Nhỏ, thiêu rụi chiếc cầu bằng gỗ với nhiều nhà cửa phía trên vào một đêm cuối tháng tư 1718.

Cầu Nhỏ nối tả ngạn với sân trước của nhà thờ Đức Bà Paris, ngôi thánh đường đã được gần 860 năm (1163-2022), nổi tiếng khắp thế giới với truyện dài lịch sử mang cùng tên của nhà văn Victor Hugo. Cùng với cầu Nhỏ (Petit Pont), còn có cầu Đôi (Pont au Double) và cầu Toà Tổng giám mục (Pont de l’Archevêché) nối tả ngạn sông Seine với đảo Cité, ở trước, giữa và phía sau nhà thờ Đức Bà, nơi đang được trùng tu sau trận hoả hoạn vào tháng 04.2019 (lại một tháng tư !) và dự định sẽ mở rộng cửa đón tín hữu vào năm 2024. Từ Cầu Nhỏ, nếu cứ vui chân thẳng tiến về phía tả ngạn, khách bộ hành sẽ bước trên đường Saint-Jacques, một trong những con đường xưa và dài nhất Paris, có từ thời La Mã, khi thủ đô nước Pháp còn mang tên Lutèce.

Cầu Saint Michel

Chiếc cầu bằng đá trắng, được xây năm 1857, nổi bật với các phù điêu chữ N có vòng nguyệt quế bao quanh, biểu tượng của Napoléon Đệ Tam dọc theo thân cầu, dài 62m, nối tả ngạn với đảo Cité. Phía đảo Cité, đầu cầu chạm vào khu toà án rộng lớn, nhưng ở giữa lại vươn cao tháp Thánh giá của giáo đường Sainte-Chapelle với những khung kính muôn màu, là nơi lưu giữ nhiều thánh tích quý giá, trong đó có mão gai và một mẩu gỗ thập tự của chúa Giê-su. Phía tả ngạn, cầu đổ vào đại lộ Saint-Michel, với tượng đài vị Tổng lãnh thiên thần đang chém quỷ Satan bên phải và khu La-tinh phía trái. Đại lộ Saint-Michel, với cái tên gọi thân mật « Boul’Mich’ », là nơi gặp gỡ và nảy sinh không biết bao nhiêu mối tình của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên parisien. Các « Người em xóm Học » (*) từ Sorbonne và hai trường trung học danh tiếng Henri IV, Louis le Grand đổ về đại lộ này, cùng mua sách, uống cà phê, bát phố, ngắm điện Chư Thần (le Panthéon) hay đắm đuối trao nhau những nụ french kiss dưới vòm lá vườn Luxembourg. Vì thế, Nguyên Sa, trong bài thơ "Paris", đã viết :

Dù đêm nay tôi vẫn làm thơ
Dặn những người con gái nhỏ đi về
Trên hè phố Saint Michel
Gò má đỏ phồng bánh gaufre
Để những hạt đường rơi trên má
Lau vội làm gì cho có duyên…

(*) truyện ngắn Kiệt Tấn


Cầu Mới (Pont Neuf)

Tương tự cầu Sully nối tả ngạn với đảo Saint-Louis rồi lại nối đảo này với hữu ngạn, cầu Mới gồm 2 phần, với 7 nhịp nối tả ngạn vào đầu veo đảo Cité cùng 5 nhịp nối đảo Cité vào bên hữu ngạn. Cùng với cầu Marie và cầu Hoàng gia (Pont Royal), cầu Mới thuộc vào nhóm cầu của thế kỷ XVII còn sót lại cho đến ngày nay.

Trái ngược với cái tên, cầu Mới lại là chiếc cầu xưa nhất của Paris. Dài 140m, xây dựng ròng rã trong vòng gần 30 năm, cầu được vua Henri IV khánh thành năm 1604, với nhiều cái "mới" của thời đó : là chiếc cầu đá đầu tiên của Paris không có nhà ở và có lề dành riêng cho người đi bộ. Trước đó, cầu Paris đều bằng gỗ, lại chịu sức nặng của nhà cửa, hàng quán phía trên (tượng tự như chiếc cầu nổi tiếng Vecchio của Florence/Firenze ở Ý hiện nay) nên, nếu thoát được khỏi tay bà Hoả, rồi cũng sụp đổ sau những lần nước lũ đổ về.

Được trang trí ven thành cầu bằng hàng trăm đầu nhân dương (satyre) bằng đá, mỗi đầu một vẻ, cầu Mới còn có tượng đồng vua Henri IV ngồi trên ngựa đặt ở bệ cao sừng sững giữa cầu. Đây là phiên bản của bức tượng đã bị phá huỷ thời Cách mạng Pháp. Theo lời đồn, Mesnel, người chạm trổ cho phiên bản này, vốn theo tư tưởng của Napoléon Bonaparte, đã dấu nhiều tài liệu chống đối hoàng gia trong ruột tượng. Mãi đến năm 2004, để làm sáng tỏ sự việc, pho tượng này đã được "mổ bụng" : người ta tìm thấy bên trong 7 hộp tài liệu với huy chương cùng các thông tin về việc khánh thành tượng, về vua Henri Đệ Tứ, Voltaire… Điều đáng nói là có 3 cuộn giấy đầy chữ mang triện của Mesnel cũng được tìm thấy, nhưng không ai hiểu nổi ý nghĩa của những dòng chữ này. Bí mật vẫn chưa được bật mí !

Chưa hết chuyện về cầu Mới : năm 1974, người ta tìm thấy một con cá sấu sông Nil (Ai Cập) dài 75 cm tá túc dưới cầu. Được mời vào sở thú, ngày nay, cô nàng mang tên Éléanore đã dài 3m, nặng đến 300kg. Chỉ một năm sau ngày tìm thấy Éléanore, với 40.000 mét vuông vải, nghệ sĩ người Mỹ Christo đã tạo "sự kiện" bằng cách bọc kín chiếc cầu này, gây tiếng vang trên khắp thế giới.

Cầu Mới còn được du khách ghé thăm Paris nhắc nhở nhiều vì là một trong những điểm khởi hành của các chuyến tàu du lịch lênh đênh một tiếng đồng hồ trên sông Seine. Trong "Ngày sanh của rắn", nhà thơ Phạm Công Thiện có vài dòng dành riêng cho cầu Mới :

Đứng ngang cầu Pont-Neuf
Nhìn sông Seine tôi thấy Cửu Long
Paris đuổi mất mây mộng hoang đường
Đập vỡ cơn điên trên triền đá sương…

Cầu Nghệ thuật (Pont des Arts)

Gồm 7 nhịp, mỗi nhịp dài 22m, chiếc cầu thanh mảnh với sự kết hợp giữa đá, thép và gỗ này nối liền bảo tàng viện Louvre bên tả ngạn và Học viện Pháp quốc với 5 viện Hàn lâm bên hữu ngạn. Được kiến trúc sư Louis Arretche xây dựng lại trong 2 năm 1982-1984, cầu Nghệ thuật dành riêng cho người đi bộ và xe không động cơ, với nhiều băng ghế đặt giữa cầu để bộ hành nghỉ chân và… hôn nhau ! Từ 2008, người ta bắt đầu thấy những "ổ khoá tình yêu" gắn vào các lưới thép bảo vệ thành cầu. Qua nhiều năm, cả trăm ngàn ổ khoá bằng kim loại gắn chi chít vào đây, cuối cùng đã trở thành mối hoạ lớn cho cầu Nghệ thuật : trọng lượng "quá tải" khoảng 54 tấn không được tính trước này có thể làm cầu gãy, sập như chơi ! Năm 2015, tất cả hệ thống lưới thép và ổ khoá này bị dỡ bỏ, thay bằng lớp kính trong và dày bọc lấy thành cầu, nhưng không ngăn được các cặp tình nhân, từ khắp thế giới đổ về thăm Paris, sẽ tìm một nơi nào đó dọc sông Seine, móc khoá tình vào và thề thốt trọn đời chung thuỷ bên nhau.

Trong nhóm "Cầu Phố Trung", nếu tính theo dòng chảy của sông Seine từ đông sang tây, cầu Nghệ thuật là chiếc cầu đầu tiên nối liền tả ngạn với hữu ngạn, nơi sông Seine mở ra khá rộng, nên đứng ở đây, sẽ cảm nhận được rõ nét sự mênh mang của dòng sông và vẻ nên thơ của Paris :

Rồi trăm năm sau nữa
Bước chân ai qua chốn này
Dòng sông Seine lờ lững
Tóc xanh mây chiều vẫn bay

(Sông Seine chiều gió xoá – Hoàng Quốc Bảo)


Cầu Léopold Sédar Senghor / Solferino


Lại thêm một chiếc cầu bằng thép và gỗ dành riêng cho người đi bộ, nối vườn "thượng uyển" Tuileries phía tả ngạn với viện bảo tàng Orsay phía hữu ngạn, nơi lưu trữ nhiều bức tranh nổi tiếng của các hoạ sĩ thuộc phái Ấn tượng : Monet, Manet, Renoir, Cézanne, Degas… cùng tranh, tượng của Van Gogh, Gauguin, Toulouse-Lautrec, Rodin… Thuộc thế hệ cầu của thế kỷ XX, với một nhịp duy nhất dài 106m, gồm 2 tầng là 2 đường cong giao nhau ở điểm giữa mỗi đường, cầu vinh danh nhà thơ-tổng thống Léopold Sédar Senghor (1906-2001) người Sénégal, từng là bộ trưởng Pháp và giữ ghế số 16 trong viện Hàn lâm Pháp suốt 18 năm cho đến ngày qua đời (1983-2001). Ở cùng vị trí, chiếc cầu cũ Solferino bằng gang được tổng thống-hoàng đế Napoléon Đệ Tam khánh thành năm 1861, mang tên một chiến công hiển hách của ông, thắng quân Áo. Cầu này được thay bằng một chiếc cầu thép năm 1961 và cuối cùng là chiếc cầu hiện nay, do kiến trúc sư Marc Mimram thiết kế và xây dựng từ 1997 đến 1999.

Gần chân cầu phía hữu ngạn, có bức tượng của Thomas Jefferson (1743-1826), từng là đại sứ tại Paris trước khi được bầu chọn làm tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ.

Cầu Hoà hợp (Pont de la Concorde)

Kiến trúc sư Jean-Rodolphe Perronet đã dùng những viên đá của ngục Bastille để xây chiếc cầu dài 153m này, với thâm ý để dân chúng thủ đô có thể thoải mái giẫm bước lên một trong những biểu tượng của nền quân chủ đã bị phá huỷ trong Cách mạng Pháp 1789.

Phía tả ngạn, cầu Hoà hợp nhìn vào toà nhà Quốc hội (Hạ viện) Pháp (toà Thượng viện toạ lạc trong một góc vườn Luxembourg). Phía hữu ngạn, cầu hướng thẳng vào quảng trường Concorde, nơi hơn 1000 người đã bị xử trảm chỉ trong vòng 2 năm 1792-1794 : vua Louis XVI, hoàng hậu Marie-Antoinette, các nhà cách mạng Robespierre, Danton, khoa học gia Lavoisier… Quảng trường đẫm máu này hiện nay là quảng trường lớn nhất Paris, chính giữa đặt cột đá obélisque cao 23m đầy chữ tượng hình, quà tặng của phó vương Ai Cập năm 1831, hai bên có hai đài phun nước "Các vùng biển" và "Các dòng sông" (Fontaines des Mers et des Fleuves). Đây cũng chính là nơi dựng lễ đài để tổng thống Pháp và quan khách duyệt binh vào dịp quốc khánh 14.07 hàng năm.

Cầu Alexandre Đệ Tam

Được tôn vinh là chiếc cầu thơ mộng nhất Paris, với 32 cột đèn đồng lung linh mỗi khi đêm về, chạm trổ đầy hoa văn từ chân đến bóng, cùng nhiều phù điêu, tượng đồng đen, tượng đá trắng, tượng mạ vàng ở hai đầu và dọc theo thân cầu. Cầu Alexandre Đệ Tam được tổng thống Pháp Emile Loubet cắt băng khánh thành đúng vào dịp có cuộc Triển lãm Hoàn vũ năm 1900 tại Paris. Trước đó 4 năm, chính sa hoàng Nicolas Đệ Nhị đã đặt viên đá đầu tiên để xây dựng chiếc cầu này, tượng trưng cho mối giao hảo của hai nước Nga-Pháp. Sau Cách mạng tháng Mười, vị vua này cùng toàn gia đình đã bị những người cộng sản bolchevik sát hại năm 1918.

Cầu Alexandre III gồm 3 phần : một nhịp bằng thép đúc dài 107,5m bắc qua sông Seine, nối với hai đầu cầu bằng đá trụ trên bến sông, mỗi đầu cầu dài 22,5m. Hai bên thành cầu có tượng các nàng tiên thiên nhiên (nymphe) của sông Seine và sông Neva với nụ cười và thân thể khêu gợi chào đón khách vãng lai. Vì vẻ tráng lệ của cây cầu này, hơn 20 bộ phim màn ảnh lớn (kể cả bộ phim hoạt hoạ Anastasia của Don Bluth) và vô số phim quảng cáo của các hãng nước hoa, mỹ phẩm, xe hơi danh tiếng đã có cảnh quay ở đây.

Phía tả ngạn, cầu Alexandre III hướng thẳng vào điện Phế binh (Les Invalides), hiện là viện bảo tàng Quân đội, có ngôi mộ Napoléon Đệ Nhất và nhiều tướng lĩnh của quân đội Pháp. Phía hữu ngạn, trục nhìn của cầu thẳng góc với đại lộ Champs-Élysées, với hai bên trái, phải là hai viện bảo tàng nổi tiếng Grand Palais và Petit Palais.

Cầu Alma


"Nước lên tới đâu trên người ổng rồi ?", dân parisien lo lắng hỏi nhau như vậy mỗi khi nước lũ sông Seine tràn về thủ đô nước Pháp. "Ổng" chính là pho tượng đá của người lính Algérie đặt dưới chân cầu Alma, chỗ nối hai nhịp không đều nhau. Tượng đặt trên bệ đá, cao khoảng 9 m so với mực nước sông, vậy mà trong trận lũ năm 1910, nước đã ngập đến ngang ngực pho tượng này : năm đó, dân của nửa thành phố Paris phải dùng thuyền để di chuyển !

Ở vị trí của chiếc cầu cũ xây vào giữa thế kỷ XIX, chiếc cầu bằng thép dài 142m này được hoàn thành sau 5 năm xây dựng (1969-1973), có hàng cột đèn cao, mỗi đèn 4 bóng vàng thuôn, như những con mắt trần gian (*) đổ xuôi ánh sáng soi xuống lòng sông đen thẫm.

Đầu cầu, phía hữu ngạn, có đặt tượng mạ vàng mô phỏng ngọn lửa của nữ thần Tự do, là món quà của báo International Herald Tribune tặng Paris. Sau tai nạn xe hơi thảm khốc của công nương Diana trong đường hầm gần đó, đây trở thành nơi đặt hoa tưởng niệm của những người mến mộ bà.

(*) nhạc Trịnh Công Sơn

Cầu Iéna


Được kỹ sư Lamandé xây sau chiến thắng Iéna của hoàng đế Napoléon Đệ Nhất (1806), kết hợp đá và gạch, cầu gồm 5 nhịp đều đặn, dài 140m, hai bên thân cầu được đắp nổi nhiều hình chim ó hoàng gia cổ choàng vòng nguyệt quế. Ở hai đầu cầu, đặt trên 4 cột cao, là nhóm tượng người-ngựa : chiến binh gaulois, Hy Lạp, La Mã và Ả Rập cùng chiến mã.

Phía tả ngạn, hướng nhìn của cầu Iéna xuyên qua chân tháp Eiffel ngất ngưởng cao 330 m, băng ngang Champs de Mars cỏ hoa tươi mướt, xưa kia là bãi tập ngựa của học viên kỵ binh, rồi ngừng nơi trường Quân sự (École Militaire) do vua Louis XV xây dựng từ giữa thế kỷ XVIII. Phía hữu ngạn, cầu Iéna nhìn thẳng vào cung Chaillot với viện bảo tàng Con Người, bãi cỏ, vòi phun nước và vườn cây cùng quảng trường Trocadéro. Tại đây, có khoảng rộng Nhân quyền (Parvis des droits de l’homme) là nơi nhiều sắc dân, trong đó có cộng đồng người Việt, thường tụ họp, biểu tình đòi hỏi sự tự do, bình đẳng, hoà bình, độc lập, thống nhất… thể hiện những ước ao, mong mỏi chính đáng nhất của con người. Chếch về phía trái, trong nghĩa trang Passy, có ngôi mộ khiêm tốn của cựu hoàng Bảo Đại, vị vua cuối cùng triều Nguyễn.


Cầu Phố Hạ


Trong nhóm cầu nối quận 15 với quận 16 Paris chỉ có 5 chiếc này (với Garigliano, cầu cao nhất Paris), đã có 3 chiếc gồm 2 phần, nối tả ngạn với hữu ngạn ngang qua đảo Thiên Nga. Đây là một hòn đảo nhân tạo, như một chữ I dài ngoằng, phủ đầy cây xanh, nên không được nhắc nhở đến nhiều như hai hòn đảo Cité và Saint-Louis nằm ngay trung tâm thành phố.

Cầu Bir-Hakeim


Chiếc cầu có cái tên "không tây một chút nào" này, dài đến 247m, là chiếc cầu có hai tầng, tầng cao dành cho đường métro số 6 và tầng thấp dành cho xe cộ, khách bộ hành và… cô dâu chú rể. Vì sao thế ? Với hàng cột kim loại cao lêu đêu trấn giữa cầu, nâng đỡ cho đường métro chạy lộ thiên trên cao qua sông Seine ở đoạn này, cầu tạo một cảm giác siêu thực, nên nhiều bộ phim nổi tiếng đã có cảnh quay ở đây, như "Bản tango cuối cùng ở Paris" (với Marlon Brando), "Gã chuyên nghiệp" (với Jean-Paul Belmondo), "Benjamin Gates và quyển sách kỳ bí" (với Nicolas Cage), "Inception / Sự khởi đầu" (với Leonardo DiCaprio), bộ phim truyền hình Mỹ "Dexter"… Điều này đã thu hút sự chú ý của các đôi uyên ương, nên mỗi lần đi qua đây, lại thấy họ diện quần áo ngày cưới để chụp hình, quay phim ngoại cảnh. Hơn nữa, chỉ cần rời hàng cột xám, bước sang bên kia đường xe chạy, giai nhân tài tử sẽ lại tha hồ nhập vai trên một bao lơn rộng nhìn ra sông Seine và tháp Eiffel, đặt ở mũi bắc đảo Thiên Nga. Cùng với quảng trường Trocadéro, bãi Champs de Mars, đây là nơi nhìn thấy tháp Eiffel đủ và đẹp nhất : mỗi năm, dân parisien đổ về cầu đông nghìn nghịt để xem đốt pháo bông đêm "cát-toóc duy-ê" 14.07.

Bir-Hakeim mang tên một địa danh ở Bắc Phi, thuộc Libye, nơi lực lượng "quân đội Pháp tự do" đã chiến thắng binh đoàn xe mô-tô liên quân Đức-Ý của tướng Rommel năm 1942. Để vinh danh một trong những chiến thắng mở đường cho sự phản công của quân đội Đồng minh trong Thế chiến II này, năm 1949, chiếc cầu xây từ đầu thế kỷ XX, với tên gọi cũ Passy đã được đổi sang tên gọi hiện nay.  

Cầu Grenelle

Với chiều dài 890m, hòn đảo nhân tạo Île aux Cygnes có đến 3 chiếc cầu bắc ngang qua : Bir-Hakeim ở đầu mũi bắc, Rouelle chỉ dành cho hệ thống đường sắt (RER C) ở giữa đảo và Grenelle ở đầu mũi nam. Có 3 kỹ sư cùng 3 kiến trúc sư đã tham gia xây dựng chiếc cầu này trong vòng 3 năm, từ 1966 đến 1968. Cầu gồm 3 phần : hai phần nối đảo Thiên Nga với hai bên tả-hữu ngạn dài 85m mỗi bên và phần băng ngang đảo dài 20m. Phía hữu ngạn, gần cầu, có đài Truyền thanh, trụ sở của Radio France.

Cạnh cầu Grenelle, ở chóp mũi nam đảo Thiên Nga, có đặt pho tượng đồng "Tự do soi sáng thế giới" cao 9 m của điêu khắc gia Auguste Bartholdi. Đây là mẫu thu nhỏ một phần tư của pho tượng nổi tiếng ở New York, quà tặng của Paris dành cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ năm 1885. Nguyên bản, chỉ cao 2,9 m, sau 100 năm phơi mình cùng nắng mưa trong vườn Luxembourg, đã được đưa về viện bảo tàng Orsay. Một phiên bản của bức tượng này cũng đã từng sừng sững đứng trên đỉnh tháp Rùa, sau đó được đưa về vườn hoa Cửa Nam Hà Nội trước khi bị giật sập và nấu chảy để đúc thành tượng Phật A-di-đà.

Cầu Mirabeau

Chiếc cầu màu xanh bằng thép này được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Hai bên tay vịn thành cầu, nổi lên 4 tháp vuông cùng huy hiệu "thuyền vượt sóng" của thành phố Paris. Trụ trên các chân cầu cắm xuống dòng Seine, có tượng các nàng thiếu nữ khoả thân "Phồn vinh", "Thương mại", "Hàng hải". Chỉ riêng nàng "Paris" là có trang phục oai vệ chỉnh tề thôi !

Chiếc cầu rất đẹp này nằm ở một góc khuất của Paris, nên có vẻ như đang bị bỏ quên. Chân cầu trên bến dùng làm nơi chứa vật liệu của các công trường xây dựng. Sơn chống rỉ trên các pho tượng và thành cầu bị tróc lở nhiều. Tuy vậy, cầu Mirabeau lại chính là biểu tượng của sự lãng mạn : ở đầu cầu phía hữu ngạn, có gắn tấm bảng đồng với vài câu thơ của Guillaume Apollinaire về chiếc cầu này. Nhà thơ Apollinaire được người Việt biết đến nhiều qua ca khúc phóng tác "Mùa thu chết" của nhạc sĩ Phạm Duy, chuyển dịch từ bài thơ 5 câu "Adieu / Vĩnh biệt" của ông. Bài thơ "Cầu Mirabeau" nổi tiếng thế giới được ông viết năm 1912 đã có nhiều bản dịch sang tiếng Việt của Xuân Diệu, Tế Hanh, Phạm Công Thiện, Hoàng Hưng, Phan Cẩm Thịnh, Hàn Thuỷ…

Dưới cầu Mirabeau sông Seine trôi
Tình đôi ta
Nổi chìm sao bỗng nhớ
Nỗi buồn đi qua lại có niềm vui
Giờ mỗi điểm và đêm mỗi rơi
Ngày tiếp ngày đi ta còn đây
Tay nắm tay đôi ta đứng nhìn nhau
Tay bắc cầu
Sóng nước trôi hờ hững
Có gì đâu vẫn ánh mắt thiên thâu
Giờ cứ điểm và đêm cứ rơi
Ngày tiếp ngày đi ta còn đây


Tình đã rời xa như nước trôi mau
Tình đã rời
Bước đời sao quá chậm$
Và Hy vọng bùng lên mãnh liệt sao

Giờ hãy điểm và đêm hãy rơi
Ngày tiếp ngày đi ta còn đây

Ngày tháng dần qua sau những tháng ngày
Thời gian cũ
Và tình không trở lại
Dưới cầu Mirabeau sông Seine trôi

Giờ vẫn điểm và đêm vẫn rơi
Ngày tiếp ngày đi ta còn đây

(Guillaume Apollinaire - bản dịch của Hàn Thuỷ)


Những chiếc cầu của Paris, chỗ bao lứa đôi từng móc các "ổ khoá tình yêu" vào và thề thốt suốt đời bên nhau với bao nụ hôn đắm đuối, cũng chính là nơi họ soi bóng cùng nhau lần cuối trước khi nói lời chia tay. Hạnh phúc và chia lìa. Hợp đó rồi sẽ tan. Chỉ có dòng Seine, từ bao thế kỷ nay, vẫn cứ mải miết mải miết nước chảy qua cầu

Cổ Ngư

(bài và ảnh)
Thiais 09.2022


Liên kết để nghe nhạc :

Sông Seine chiều gió xoá – Hoàng Quốc Bảo
https://www.youtube.com/watch?v=NFPsPIZ4UMk 

Paris và em – Tùng Giang
https://www.youtube.com/watch?v=ayOxd5CCRMA

Mùa Thu Không Trở Lại - Phạm Trọng Cầu
https://www.youtube.com/watch?v=RVJwqEZfwBg

Nắng Paris, nắng Sài Gòn – Ngô Thuỵ Miên
https://www.youtube.com/watch?v=ecy8nUn-YZM

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us