Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Tài liệu xưa liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa (tiếp theo)

Tài liệu xưa liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa (tiếp theo)

- Hồ Bạch Thảo — published 11/09/2009 15:37, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18


Biên khảo


Tư liệu xưa liên quan
đến Hoàng Sa, Trường Sa (2)

Hồ Bạch Thảo


tiếp yheo PHẦN 1


5. Ðại Nam Thực Lục

ba


DỊCH NGHĨA


Ðại Nam Thực Lục Chính Biên

Kỷ thứ nhất, quyển 52.

Thế Tổ Cao Hoàng đế [Gia Long] Thực Lục


Năm Bính Tý [1816] Gia Long thứ 15, tháng giêng mùa xuân.

…Mệnh thuỷ quân cùng đội Hoàng Sa dùng thuyền đến Hoàng Sa thăm đo thuỷ trình…



bb

DỊCH NGHĨA

Ðại Nam Thực Lục Chính Biên

Kỷ thứ hai, quyển 104.

Thánh Tổ Nhân Hoàng đế [ Minh Mệnh] Thực Lục

Năm Quý Tỵ [1833], Minh Mệnh thứ 14, tháng 8 mùa thu…

Nhà vua bảo bộ Công rằng tại biển Quảng Ngãi có một dãy Hoàng Sa, nhìn xa trời nước một màu không phân biệt được nông sâu, từ trước tới nay thương thuyền thường bị hại. Nay nên chuẩn bị thuyền bè, đến năm sau đến đó xây miếu, lập bia và trồng nhiều cây. Chờ mai sau cây mỗi ngày một lớn tốt tươi để dễ nhận biết, ngõ hầu khỏi lầm chổ cạn; đó là điều lợi vạn năm vậy.


bca



bcb


DỊCH NGHĨA


Ðại Nam Thực Lục Chính Biên

Kỷ thứ 2, quyển 122.

Thánh Tổ Nhân Hoàng đế [Minh Mệnh] Thực Lục

Năm Giáp Ngọ [1834] Minh Mệnh thứ 15, tháng 3 mùa xuân… Sai Giám thành Ðội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng 20 thuỷ quân đáp thuyền đến xứ Hoàng Sa, Quảng Nghĩa vẽ bản đồ rồi về. Nhà vua hỏi về sản vật tại nơi này, Sĩ tâu xứ này bãi cát rộng lớn không có bến bờ, duy có người Thanh thường đi lại đánh cá bắt chim mà thôi ; nhân đem những đồ bắt được như chim chóc, cá, ba ba, ốc, sò dâng lên ; phần lớn là những vật lạ người ta ít khi được thấy. Vua triệu các Thị thần cho xem, cùng thưởng cho những người đi tiền bạc nén có sai biệt.


bda



bdb


DỊCH NGHĨA

Ðại Nam Thực Lục Chính Biên

Kỷ thứ 2, quyển 154.

Thánh Tổ Nhân Hoàng đế [Minh Mệnh] Thực Lục

Năm Ất Mùi [1835] Minh Mệnh thứ 16, tháng 6 mùa hạ… Xây đền thờ thần tại đảo Hoàng Sa, Quảng Nghĩa. Tại đảo Hoàng Sa, hải phận Quảng Nghĩa có một gò cát trắng, cây cối mọc rậm rạp, giữa có giếng, phía tây nam có cổ miếu và bia khắc 4 chữ “ Vạn Lý Ba Bình ” (Gò cát trắng chu vi 1070 trượng (1) [4,7 mét x 1070 = 5029 mét], xưa có tên là núi Phật Tự. Phía đông, tây, nam bao bọc nghiêng nghiêng bởi đá san hô ; mặt nước phía bắc tiếp với đá san hô đột nhô lên một gò chu vi 340 trượng [4,7m x 340 = 1598 m], cao 1 trượng 3 xích [ 0,7 m x 13 = 9,1 m], ngang với gò cát, gọi là đá Bàn Than). Năm trước vua định cho xây miếu, lập bia nơi này, nhưng vì gặp sóng gió nên chưa làm được, đến nay sai Cai đội Thuỷ quân Phạm Văn Nguyên đốc suất lính thợ giám thành cùng phu thuyền 2 tỉnh Quảng Nghĩa, Bình Ðịnh chở vật liệu, xây miếu (vị trí cách miếu đá cũ 7 trượng [4,7 m x 7= 32,7 m]), bên trái dựng bia, phía trước có bình phong chắn ngang ; xây suốt tuần, hoàn tất rồi trở về.

bea



beb


bec



DỊCH NGHĨA

Ðại Nam Thực Lục Chính Biên

Kỷ thứ 2, quyển 165.

Thánh Tổ Nhân Hoàng đế [Minh Mệnh] Thực Lục

Năm Bính Thân [1836] Minh Mệnh thứ 17, ngày mồng một tháng giêng mùa xuân… Bộ Công tâu rằng vùng biển Hoàng Sa nước ta rất hiểm yếu, trước đây đã cho vẽ bản đồ, nhưng hình thế rộng rãi, chỉ vẽ được một xứ mà cũng chưa thật rõ ràng, nên hàng năm thường sai phái đi thăm dò khắp để thuộc hải trình.

Xin từ năm nay trở đi mỗi năm vào hạ tuần tháng giêng chọn sai lính thuỷ cùng giám thành đáp một chiếc thuyền ô đến thượng tuần tháng 2 đến Quảng Ngãi. Rồi do hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh điều mướn dân cùng 4 chiếc thuyền hàng hải đến xứ Hoàng Sa. Ðến nơi bất luận đảo hoặc bãi cát nào đều đo chiều dài, rộng, cao, chu vi ; cùng giáp biển 4 phía nông sâu ; có hay không đá hoặc bãi cát ngầm, hình thế hiểm hoặc dễ ra sao ; ghi rõ cùng vẽ bản đồ. Lại xét ngày khởi hành tại cửa biển nào, ra biển đi theo phương hướng nào đến nơi đó, cứ theo thuỷ trình kế toán ước lượng bao nhiêu dặm ; lại từ xứ đó nhìn thẳng vào bờ biển thì đối diện với tỉnh hạt nào, hướng tà [xiên] giáp với tỉnh hạt nào, ước lượng cách bờ bao nhiêu dặm, nhất nhất ghi rõ, mang về trình tiến.

Nhà vua chấp nhận, sai Thuỷ quân Suất đội Phạm Hữu Nhật mang binh thuyền đi, cho mang theo 10 chiếc cột gỗ đến nơi dựng lên làm tiêu chí, ( cột dài 5 xích [5 x 0,7m = 3,5 mét], rộng 5 thốn [0,35 mét], dày 1 thốn [0,07 mét]) trên khắc các chữ “ Minh Mệnh thập thất niên, Bính Thân, Thuỷ quân Chánh Ðội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ, chí thử lưu chí ” [Năm Bính Thân [1836], Minh Mệnh thứ 17, Thuỷ quân Chánh Ðội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh đền Hoàng Sa đo đạc, lưu lời ghi tại đây)


LỜI NGƯỜI DỊCH


Ðại Nam Thực Lục là bộ sử lớn chép theo lối biên niên về nhà Nguyễn, gồm 560 quyển chia làm 2 phần : Tiền Biên, và Chính Biên. Phần Tiền Biên chép về thời các chúa Nguyễn, gồm 13 quyển, bắt đầu từ Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế (Nguyễn Hoàng) năm Mậu Ngọ đời Lê Chính Trị thứ nhất [1558] ; đến Duệ Tông Hiếu Thuận Hoàng đế vào năm Ðinh Dậu đời Lê Cảnh Hưng thứ 38 [1777]. Phần Chính Biên chép các sự việc theo thứ tự từng ngày, kể từ vua Gia Long đến Ðồng Khánh. Những tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa vả Trường Sa sao lục tại đây gồm 1 văn bản thuộc Ðại Nam Thực Lục Chính Biên kỷ thứ nhất [Gia Long] và 4 văn bản thuộc Chính biên kỷ thứ 2 [Minh Mệnh]. Các tài liệu này khởi đầu được vua đương nhiệm phê duyệt bằng mực son (châu phê) nên gọi chung là Châu Bản, rồi được sao làm 3 bản, trong đó có 1 bản gửi cho Quốc Sử Quán làm sử liệu (2). Sau khi vị vua đương nhiệm mất, các Sử thần thuộc Quốc Sử Quán dựa vào tài liệu tại Châu Bản để soạn thành sử. Ðây là tài liệu chính xác nhất có được và còn có thể tham khảo lại từ Châu Bản.


Chú Thích

1. Theo Việt Wikipidea, đầu thế kỷ thứ 20 Trung Kỳ vẫn theo tiêu chuẩn cũ 1 trượng = 4,7 mét ; như vậy 1 xích= 1/10 trượng, vậy 1 xích = 0,7 mét ; 1 thốn = 1/10 xích, vậy thốn = 0,07 mét.

2. Châu Bản Triều Tự Ðức. Hà Nội : N.X.B Văn Học, 2003, trang 6-7.



6. Khâm Ðịnh Ðại Nam Hội Ðiển Sự Lệ


bfa


DỊCH NGHĨA


Quyển thứ 207

Bộ Công

… Vào năm [Minh Mệnh] thứ 16 [1835] tâu chuẩn xây một gian miếu tại Hoàng Sa, Quảng Ngãi (theo thể chế mái gạch). Vị trí tại phía tây nam gò Bạch Sa, phía trái xây bia gạch (Cao 1 xích 5 thốn [1,05 mét], bề mặt 1 xích 2 thốn [0.84 mét]), trước xây bình phong ; phía trái, phải, đằng sau đều trồng các loại cây.


LỜI NGƯỜI DỊCH

Khâm Ðịnh Ðại Nam Hội Ðiển Sự Lệ, gồm 262 quyển, là bộ sách ghi chép tương đối đầy đủ các chiếu chỉ, tấu sớ, phiếu dụ về các việc được đem ra thi hành tại 6 bộ ; sự việc liên quan đến bộ nào, ghi riêng vào bộ đó. Như sự kiện được Ðại Nam Thực Lục chép rằng năm Minh Mệnh thứ 16 [1835] sai Cai đội Thuỷ quân Phạm Văn Nguyên đưa lính thợ xây cất miếu tại đảo Hoàng Sa ; thì về mặt chuyên môn, bộ Công [bộ xây dựng] trong Khâm Ðịnh Ðại Nam Hội Ðiển cho biết miếu thuộc loại nào, mấy gian ; kích thước bình phong, trồng cây như thế nào. Hai tư liệu thuộc hai nguồn kiểm chứng cho nhau, giúp người đọc thấy được độ chính xác của các tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa.


7. Ðại Nam Nhất Thống Chí


bg

DỊCH NGHĨA

Ðại Nam Nhất Thống Chí

Quyển thứ 6

……………..

Ðảo Hoàng Sa

Tại phía đông cù lao Ré, từ cửa biển Sa Kỳ ra đại dương, thuận gió đi ba bốn ngày đêm thì tới nơi. Quần đảo la liệt gồm hơn 130 ngọn, cách nhau hoặc 1 ngày đường, hoặc một vài canh. Trên các đảo có bãi cát vàng kéo dài ra không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Trường Sa ; trên bãi có giếng, suối nước ngọt chảy ra. Chim biển tụ tập nhiều không biết bao nhiêu mà kể ; có nhiều hải sâm, đồi mồi, vích ; các thuyền bị nạn vì bão, hoá vật tụ tập tại đây.

Hồi đầu triều Nguyễn đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người, dùng dân xã Vĩnh An sung vào. Hàng năm cứ tháng 3 ra biển kiếm hải vật, đến tháng 8 trở về cửa biển Tư Hiền để nạp ; lại đặt đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản, đến các đảo Bắc Hải, Côn Lôn, tìm kiếm hải vật. Phía đông đảo Hoàng Sa gần đảo Hải Nam, Quỳnh Châu thuộc nước Thanh.

Vào thời đầu Gia Long, theo chế độ cũ đặt đội Hoàng Sa, sau đó bãi. Thời đầu Minh Mệnh thường dùng thuyển quan đến nơi này thăm dò hải trình. Có một nơi có gò cát trắng, chu vi 1 070 trượng [5 029 mét], cây cối tốt tươi, giữa gò có giếng, phía tây nam có miếu cổ không biết xây từ đời nào, bia khắc 4 chữ “ Vạn lý ba bình ” (sóng yên vạn dặm). Ðảo này xưa gọi là núi Phật Tự, hai bên bờ nghiêng nghiêng bao bọc bởi đá san hô, phía tây bắc trên mặt nước đột nhô lên một gò chu vi 340 trượng 2 xích [1 599,4 mét], cao ngang gò cát, có tên là đá Bàn Than. Năm Minh Mệnh thứ 16 sai thuyền quan chuyển gạch đá đến xây đền, bên trái dựng bia đá để ghi dấu ; lúc bấy giờ binh phu làm việc đào được lá đồng và sắt đến 2.000 cân.


LỜI NGƯỜI DỊCH

Kho sách Hán Nôm nước ta còn để lại nhiều sách viết về địa lý, trong số đó bộ Ðại Nam Nhất Thống Chí hoàn thành thời Tự Ðức chép đầy đủ hơn các sách khác và tham khảo rộng đến phần lớn các sách cùng loại. Ngoài những tư liệu thuần về địa lý , sách còn đề cập đến lịch sử, kinh tế, chính trị, văn học vv… Sách chép đủ các tỉnh từ Lạng Sơn đến Hà Tiên, dành 1 quyển cho 1 tỉnh, riêng kinh đô Huế và phủ Thừa Thiên chép làm 2 quyển.

Ðảo Hoàng Sa được ghi trong Ðại Nam Nhất Thống Chí, quyển 8, tỉnh Quảng Ngãi; nội dung khẳng định nhữnG tư liệu đã đề cập trong Phủ Biên Tạp Lục, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, và Ðại Nam Thực Lục.



8. Ðại Nam Nhất Thống Toàn Ðồ



bh


Phiên âm và chú thích các địa danh quan trọng


  1. Ðại Nam Nhất Thống Toàn Ðồ : tên bản đồ

  2. Nam Quan : ải Nam Quan.

  3. Lạng Sơn : tỉnh Lạng Sơn.

  4. Thái Nguyên : tỉnh Thái Nguyên.

  5. Quảng Yên : tỉnh Quảng Yên.

  6. Vạn Ninh.

  7. Cù Lao Hải Nam : đảo Hải Nam, Trung Quốc.

  8. Ninh Viễn châu : tên châu xưa thuộc tỉnh Lai Châu, Ðiện Biên ngày nay.

  9. Hưng Hoá : tỉnh Hưng Hoá.

  10. Sơn Tây : tỉnh Sơn Tây

  11. Hà Nội : tỉnh Hà Nội

  12. Bắc Ninh : tỉnh Bắc Ninh

  13. Hưng Yên : tỉnh Hưng Yên.

  14. Nam Ðịnh : tỉnh Nam Ðịnh.

  15. Lân hải : Cửa Lân, cửa biển thuộc huyện Giao Thuỷ, Nam Ðịnh.

  16. Liêu Hải : cửa Liêu tại xã Quần Liêu, huyện Ðại An ; xưa có tên là cửa biển Ðại Ác, đời vua Lý Thái Tông cho đổi tên là cửa Ðại An.

  17. Ninh Bình tỉnh Ninh Bình.

  18. Thanh Hoá : tỉnh Thanh Hoá.

  19. Hàn tấn : cửa Hàn, thuộc địa phận huyện Quảng Xương, Thanh Hoá.

  20. Nghệ An : tỉnh Nghệ An.

  21. Hội Hải : biển cửa Hội, tại Vinh, Nghệ An.

  22. Hà Tĩnh : tỉnh Hà Tĩnh.

  23. Nhượng hải : biển cửa Nhượng

  24. Vạn Tượng : tên nước Ai Lao xưa.

  25. Tiêm La Quốc : tên nước Thái Lan xưa.

  26. Quảng Bình : tỉnh Quảng Bình.

  27. Linh Giang : tên sông thuộc tỉnh Quảng Bình.

  28. Quảng Trị : tỉnh Quảng Trị.

  29. Kinh thành : tức kinh thành Huế.

  30. Việt Yên : tức cửa Việt, thuộc Quảng Trị.

  31. Thuận An : cửa Thuận An tại Thừa Thiên.

  32. Tư Hiền : cửa Tư Hiền tại Thừa Thiên.

  33. Hải Vân : đèo Hải Vân tại Ðà Nẵng.

  34. Cu Đê Hải : cửa sông Cu Đê, Đà Nẵng

  35. Hoàng Sa đảo Hoàng Sa.

  36. Đại Chiêm Cửa Ðại Chiêm tại Hội An.

  37. Quảng Nam tỉnh Quảng Nam.

  38. Quảng Nghĩa tỉnh Quảng Nghĩa.

  39. Bình Ðịnh tỉnh Bình Ðịnh.

  40. Thi Nại cửa Thi Nại tại Bình Ðịnh.

  41. Phú Yên tỉnh Phú Yên.

  42. Vạn Lý Trường Sa.

  43. Khánh Hoà : tỉnh Khánh Hoà.

  44. Bình Thuận : tỉnh Bình Thuận.

  45. Cần Giờ hải khẩu : cửa biển Cần Giờ tại cửa sông Sài Gòn.

  46. Tiểu môn : cửa Tiểu thuộc sông Cửu Long.

  47. Đại môn : cửa Ðại thuộc sông Cửu Long.

  48. Biên Hoà : tỉnh Biên Hoà.

  49. Gia Ðịnh : tỉnh Gia Ðịnh.

  50. Định Tường : tỉnh Ðịnh Tường.

  51. Vĩnh Long : Tỉnh Vĩnh Long.

  52. Ba Thắc môn : cửa biển Ba Thắc thuộc sông Cửu Long.

  53. Long Xuyên đạo : tỉnh Long Xuyên thời Minh Mệnh trở về trước gọi là đạo Long Xuyên.

  54. Mỹ Thanh môn : cửa Mỹ Thanh, nay thuộc tỉnh Sóc Trăng.

  55. An Giang : tỉnh An Giang.

  56. Hà Tiên : tỉnh Hà Tiên.

  57. Phú Quốc : đảo Phú Quốc.

  58. Hồ Hải : Biển Hồ.


LỜI NGƯỜI DỊCH

Ðại Nam Nhất Thống Toàn Ðồ được ghi chú khá chi tiết, tuy nhiên bản đồ này cũng như các bản đồ khác của Việt Nam và Trung Quốc thời xưa, được vẽ theo lối tượng trưng không căn cứ vào tỷ lệ xích, nên không thể dựa vào đó mà tính khoảng cách một cách chính xác. Trong bản đồ ghi tên tỉnh, y theo tên được đặt trong kỳ cải cách hành chánh vào năm Minh Mệnh thứ 12 [1831] ; tuy nhiên mới đây trong Tập bản đồ hành chính 64 tỉnh, thành phố Việt Nam (1) bản Toàn Ðồ này được in lại tại trang đầu, nhà xuất bản ghi thời gian thiết lập là năm 1834, điều này cũng cần phải xét lại. Lý do bởi nhan đề bản đồ ghi Ðại Nam Nhất Thống Toàn Ðồ, mà quốc hiệu Ðại Nam bắt đầu có từ năm Minh Mệnh thứ 19 [1838]. Sau đây là sử liệu liên quan đến việc cải quốc hiệu Ðại Nam được ban hành vào ngày mồng 2 tháng 3 năm Mậu Tuất Minh Mệnh thứ 19 [1838] :

Ngày mồng 2 tháng 3, bắt đầu cải quốc hiệu Ðại Nam, chiếu lược ghi như sau : Ðức Triệu Tổ (2) đặt cơ sở phương nam, đến đời Thế Tổ (2) có cả đất Việt Thường ; những dân tộc để dài tóc, bỏ răng đều vào bản đồ ; nơi góc biển, chân núi đều gia nhập lãnh thổ, nay đổi quốc hiệu thành Ðại Nam bắt đầu từ nằm [Minh Mệnh] thứ 20; hoặc xưng Ðại Việt Nam quốc cũng được.(4)

Vậy có lẽ nên thận trọng, xếp thời gian thành lập bản đồ vào triều Minh Mệnh nhưng từ năm 1838 trở về sau.

Hồ Bạch Thảo


Chú thích

  1. Tập bản đồ hành chính 64 tỉnh, thành phố Việt Nam, Hà Nội: N.X. B. Bản đồ, 2005.

  2. Triệu Tổ : nhà Nguyễn tôn Nguyễn Hoàng là Triệu Tổ.

  3. Thế Tổ : tức vua Gia Long.

  4. Thám hoa Phan Thúc Trực, Quốc Sử Di Biên, Hong kong: Chinese University of Hong Kong, 1965.





Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us