Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Tam quan chùa Việt

Tam quan chùa Việt

- Nguyễn Hồng Kiên — published 19/03/2016 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19

TAM QUAN CHÙA VIỆT


Nguyễn Hồng Kiên (*)



Nhà cháu xin không lạm bàn về ý nghĩa Phật triết của công trình này. Chỉ xin bày tỏ đôi điều về kiến trúc của CÁI CỔNG CỦA CHÙA VIỆT NAM.

Nguồn cơn chuyện này là do tình cờ nhà cháu được xem một album ảnh trên FB của TS Toán học Nguyễn Đông Yên: Thăm Việt Nam Phật Quốc tự ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya, thuộc bang Bihar, Ấn Độ) - ngôi chùa của người Việt Nam được Thầy Thích Huyền Diệu cho xây năm 1987.

Nhà cháu thấy cái cổng của “Việt Nam Phật quốc tự” chả có mấy nét của kiến trúc cổ Việt Nam.


phat-quoc-tu


Theo nhà cháu hiểu, kiểu thức cổng dựng bởi 04 trụ để hình thành 03 lối đi, nhưng phần giữa các trụ cổng lại có mái, là một kiểu thức cổng truyền thống của kiến trúc Trung Hoa.

Kiểu thức cổng này có tên là Pailou 牌 樓 hay Paifang 牌 坊 (cổng làng). Đúng như tên gọi, các cổng kiểu này được dựng trên đường dẫn vào làng, trước một ngôi đền hay mộ... (nên có giả thuyết cho rằng dạng cổng này có nguồn gốc từ các Torana Ấn Độ).

Kiểu cổng này đã thành một biểu tượng Trung Hoa khi các Chinatowns ở nhiều nước trên thế giới đều được đánh dấu bằng các Paifang. Tuy nhiên, ở Trung Quốc từ thời Tống, các Paifang đã nhẹ công năng là cổng, mà nặng tính chất một công trình trang trí. Dễ dàng nhận ra rằng: các diện mái nhỏ giữa các trụ cổng chỉ có tác dụng che mưa chắn nắng cho các đại tự và các trang trí trên chính cái cổng đó.


Tangyue
Tangyue Memorial Archway Group


Đáng buồn là trong khoảng 20 năm gần đây, kiểu cổng rất truyền thống của kiến trúc Trung Hoa này đã và đang tràn ngập khắp các di tích chùa, đình, đền… ở Việt Nam. Đến mức, nếu tra bằng cụm từ “tam quan chùa”, thì Google sẽ cho kết quả hình ảnh toàn là cổng kiểu Paifang.

Nguyên mẫu kiểu cổng Paifang (ít nhiều được Việt hoá), hiện đã và đang được nhân ra khắp nơi ấy, là cổng chùa Láng (Chiêu Thiền tự  昭 禪 寺 ở Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội). Tuy nhiên, dù thuộc về một ngôi chùa có từ thời Lý Anh tông (1138-1175) nhưng cổng tứ trụ-có mái này chỉ có niên đại cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20 (có ý kiến còn cho là sản phẩm của đợt trùng tu năm 1901).


chuaLang
Cổng Tứ trụ có mái và Tam quan chùa Láng

Vấn đề là cái cổng này vẫn thường bị gọi sai là Tam quan. Thực ra, công trình phía sau cái cổng này mới đúng là Tam quan chùa Láng.

Vậy tại sao lại có cái cổng kiểu Tàu kia ở đây?

Hoành phi giữa hai trụ lớn chạm bốn chữ to (đại tự): “Thiền thiên khải thánh” (Trời Thiền sinh Thánh). Bài trí tượng ở Thượng điện theo kiểu “tiền Thánh, hậu Phật”: tượng đức thánh Láng ở trước các lớp tượng Phật.

Có thể thấy ở mọi ngôi chùa kiểu “Tiền Thánh – hậu Phật” hay “Tiền Phật – hậu Thánh” đều có rất nhiều lớp và nhiều loại cổng. Ví dụ chùa Bối Khê (Hà Tây trước đây), chùa Keo Thái Bình… Và nảy ra các “thuật ngữ”: Tam quan ngoại, tam quan nội.



Trong cảm nhận của nhà cháu từ bé về ngôi chùa Việt thì cái cổng chùa luôn là một ngôi nhà không đóng cửa bao giờ, dù nhiều khi có đủ các bộ cửa bằng gỗ to, nặng.

Lớn lên đi học khảo cổ, ấn tượng ấy càng đậm nét trong nhà cháu, khi hiểu rằng cái ngôi nhà 3 gian ấy không chỉ là báo hiệu Cửa Phật, mà đó còn là nơi bất cứ ai cũng có thể trú nghỉ khi lỡ độ đường hay đụt mưa, tránh nắng.

Khi làm bài tập nghiên cứu đầu tiên, nhà cháu về lại chùa Phổ Minh (Nam Định), nơi từng về sơ tán thời Mỹ ném bom miền Bắc năm 1972.


sau-da
Sấu đá thành bậc tam cấp của tam quan chùa Phổ Minh


Tha thẩn ở Tam quan, nhà cháu nhận ra những nét hoa văn mang phong cách nghệ thuật thời Trần ở hai ông Sấu/Sóc đá thành bậc. Cho đến nay, đây vẫn là những hiện vật giúp khẳng định từ thế kỷ 13-14 cổng chùa/Tam quan là một ngôi nhà 03 gian.

Các cuộc khai quật khảo cổ (từ 2012 đến 2014) tại cấp nền thứ nhất của chùa Dạm (xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã làm xuất lộ một phế tích kiến trúc có 03 gian. Báo cáo khai quật cho rằng đây chính là Tam quan chùa Dạm thời Lý.

Nghĩa là niên đại của Tam quan kiểu một ngôi nhà đã được đẩy sớm ít nhất 2 thế kỷ.


plan


Nhà cháu vẫn còn nhớ hồi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, mẫu cổng chùa Láng này đã được copy/past cho 2 trong 4 “Tứ trấn Thăng Long” là đền Voi Phục và đình Kim Liên. Và cho dù vài nhà nghiên cứu và báo chí lên tiếng phản đối, thì 2 công trình “tôn tạo” này vẫn được long trọng gắn biển vàng 1.000 năm. Danh sách các di tích được gán ép thêm một cái cổng kiểu Paifang hiện vẫn đang được nối dài chưa biết bao giờ dứt.



Thật khó giải thích nguyên nhân của tình trạng này.

Không đến nỗi giới nghiên cứu không biết, không phân biệt nổi đâu là các yếu tố Ngoại lai.

Chủ trương của Nhà nước Việt Nam hiện nay luôn là “giữ gìn bản sắc dân tộc”, nhưng trên thực tế các DU NHẬP CÓ Ý THỨC đã và đang trở thành một hiện tượng xã hội.

Nhà cháu vẫn nhớ bài giảng của Thầy Vượng về du nhập/ảnh hưởng văn hoá: Khi bị Cai trị các chính sách Đồng hoá luôn bị tinh thần yêu nước của người Việt BẬT LẠI trong một phản xạ gần như vô thức, nhưng khi người Việt có Độc lập – Tự chủ thì các nhà nước Quân chủ lại CHỦ ĐỘNG du nhập các ảnh hưởng từ phương Bắc…

Để kết thúc, nhà cháu xin dẫn chuyện nhỏ mà không hề nhỏ: Du nhập kiểu “cổng trụ có mái” của Trung Hoa, người Nhật đã SÁNG TẠO LẠI thành Torri- kiểu thức cổng đặc trưng Nhật Bản nổi tiếng thế giới ./.


Nguyễn Hồng Kiên


(*) Bài viết cho Diễn Đàn. Tác giả là Tiến sĩ khảo cổ học. "Thầy Vượng" trong bài là cố giáo sư Trần Quốc Vượng, nhà sử học và khảo cổ học Việt Nam.


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Bính Thân
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss