Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Tây giáo, Tây học du nhập Trung Quốc cùng trở ngại

Tây giáo, Tây học du nhập Trung Quốc cùng trở ngại

- Hồ Bạch Thảo — published 08/03/2013 14:35, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Biết mình, biết người. Hãy tìm hiểu “người” mình cần phải biết.






Tây giáo, Tây học
du nhập Trung Quốc
cùng trở ngại




Hồ Bạch Thảo




1. Sự cống hiến của Giáo sĩ Gia Tô


Sau khi đường biển Âu, Á khai thông ; vị Giáo sĩ Gia Tô, tức Thiên Chúa giáo, đầu tiên đến Ðông phương, người Tây Ban Nha, tên là St. Francis Xavier [Sa Vật Lược]. Ông đến đảo Thượng Xuyên tỉnh Quảng Ðông năm 1552, nhưng chưa vào được lục địa Trung Quốc thì mất.


Sau khi Bồ Ðào Nha giành được Áo Môn, Giáo sĩ Gia Tô có một số phương tiện. Năm 1579, Giáo sĩ người Ý Ðại Lợi Michael Ruggiero [La Minh Kiên] cũng đến đất này, qua 3 năm sau đến Triệu Khánh [Zhaoquing] 1, lỵ sở của quan Tổng đốc Quảng Ðông thời đó. Ông mang đồng hồ tặng cho các quan, cùng đem môn thiên văn, toán học hướng dẫn các nhân sĩ. Ông cởi áo thầy tu, cư xử theo tục lệ Trung Quốc, là Giáo sĩ Thiên Chúa giáo đầu tiên đến lục địa.


Nhưng người chính thức đặt căn bản cho Thiên Chúa giáo tại Trung Quốc, cũng là một Tu sĩ gốc Ý Ðại Lợi, tên là Matteo Ricci [Lợi Mã Ðậu 1552-1610]. Vị Giáo sĩ này lúc còn nhỏ học tập thiên văn, toán học, vật lý, chế tạo, địa lý, tại La Mã. Năm 1582 đến Áo Môn [Macau], năm sau cũng đến Triệu Khánh như Giáo sĩ La Minh Kiên. Ông có nhiều tài, nhiều chuyên môn, và hiểu rằng muốn thuyết phục người Trung Quốc theo Thiên Chúa giáo, Giáo sĩ phải tự mình sống như người Trung Quốc, dùng phương diện trí thức để chuyển biến quan niệm. Ông cùng Giáo sĩ Michael Ruggiero [La Minh Kiên] tạo một ngôi giáo đường, trưng bày đồng hồ báo giờ, nhạc khí, những sách vở in rất đẹp ; nhưng điều làm cho người Trung Quốc lúc bấy giờ chú ý nhất là tấm bản đồ thế giới và tượng Thánh Mẫu giống y như thật ; người dân cảm thấy tân kỳ, nên xin rửa tội càng nhiều. Năm 1586, Michael Ruggiero [La Minh Kiên] theo viên Tri phủ Triệu Khánh lên phía bắc, tự đặt tên Trung Quốc, từ đó trở về sau các Giáo sĩ đến Trung Quốc đều bắt chước. Ông đi qua Giang Tây [Jiangxi], Chiết Giang [Zhejiang], Hồ Quảng [Huguan], Quế Lâm [Guilin, Quảng Tây] ; lại trở về Triệu Khánh. Rồi trở về Âu châu, xin Giáo Hoàng gửi Sứ giả đến Bắc Kinh, nhưng tòa Thánh có nhiều việc nên không rảnh để thực hiện.


Thời đầu Minh Vạn Lịch, Giáo sĩ Gia Tô chuẩn bị hoạt động. Giáo sĩ Matteo Ricci [Lợi Mã Ðậu] đến phủ Thiều Châu [Ganzhou, Quảng Ðông], năm 1589 đến Bắc Kinh [Beijing], nhân bị nghi kị nên quay xuống Nam Kinh [Nanjing, Giang Tô] ; tại đây giao du với các bậc khoa bảng, danh tiếng một thời. Năm 1600 đến Bắc Kinh, tiến trình đồng hồ, đàn Tây phương cho vua Thần Tông [Vạn Lịch] ; rất được nhà vua yêu thích, hứa cho lưu cư tại kinh đô. Nhân cơ hội này, giáo sĩ Matteo Ricci [Lợi Mã Ðậu] miệt mài giảng học, luận đạo ; trong vòng 5 năm thu nhận hơn 200 tín đồ, trong đó có các nhân vật nổi danh trong lịch sử như Từ Quang Khải [tên thánh Paul], Lý Chi Tảo [tên thánh Leon]. Các Giáo sĩ thời cuối Minh “ phần lớn là kẻ sĩ thành đạt thông minh, chuyên tâm hành giáo, không cần lợi lộc, những điều trước tác phần lớn người Hoa chưa từng nói đến ; vì vậy những người ưa sự lạ cảm phục và tôn giáo họ hưng vượng ”. Trong các Giáo sĩ, Matteo Ricci [Lợi Mã Ðậu] công rất lớn, là người tiên phong du nhập văn hóa Tây phương vào Trung Quốc ; năm 1610 ông mất, vua Thần Tông cho làm lễ an táng.


Từ trước tới nay chế lịch là điều đại sự của Trung Quốc. Thời Minh dùng lịch Ðại Thống, lâu ngày bị sai lầm. Chiếu vua mệnh các đồ đệ của Matteo Ricci [Lợi Mã Ðậu] như Từ Quang Khải, Lý Chi Tảo và Giáo sĩ Thiên Chúa Sabbathin De Ursis [Hùng Tam Bạt] tham gia làm lịch ; nhân bị phái cựu chống đối. Viên Thị lang Nam Kinh bài xích rằng “ Giáo sĩ Tây phương biến loạn lịch pháp, mê hoặc nhân tâm, cùng với các Phiên tại Áo Môn thông mưu, làm điều sai trái.” Vua Thần Tông yêu thích Giáo sĩ vì những vật kỳ xảo của họ, nay liên quan đến vấn đề chính trị nên không còn nhân nhượng ; lệnh đuổi Giáo sĩ tại kinh đô và các nơi khác về Áo Môn.


Trong lúc các Giáo sĩ bị đuổi, thì tại miền đông bắc Mãn Thanh dấy lên, mang đại quân xâm phạm. Trước đó Giáo sĩ Matteo Ricci [Lợi Mã Ðậu] đã bảo cho Từ Quang Khải, Lý Chi Tảo biết rằng binh là việc đại sự ; phép công, thủ, khí giới cần phải cải tiến không ngừng, vũ khí Tây dương kỳ xảo, đánh chỗ nào cũng thắng. Ðến nay trong lúc cấp bách, Từ Quang Khải xin ra sức luyện binh, dùng dân Bồ Ðào Nha chế tạo và dạy pháo. Năm 1621, 100 người Bồ mang pháo súng lên phía bắc, giữa đường bị ngăn trở. Cùng năm Liêu Dương [Liaoyang, tại miền trung tỉnh Liêu Ninh] thất thủ, Từ Quang Khải lại xin mua pháo súng Tây Dương ; nhờ đó trong trận chiến Ninh Viễn [Ningyuan, tại duyên hải phía nam tỉnh Liêu Ninh Liaoning] vào năm 1626 quân Thanh bị bại, trận này Thanh Thái Tổ bị thương vì pháo. Năm 1629 Từ Quang Khải lại xin mộ binh, chế vũ khí, mời người Bồ Ðào Nha mang pháo súng đến Bắc Kinh, nhưng bị người Bồ chèn ép, xẩy ra cuộc phản đối Tây giáo, nên sự việc không thành. Năm 1636 quân Thanh đến gần Bắc Kinh, triều đình nhà Minh mệnh Giáo sĩ Thiên Chúa Jean Adam Schall Von Bell [Thang Nhược Vọng] lập xưởng chế pháo, trước sau chế được 520 cỗ ; nhưng vận thua đã đến, vũ khí mới cũng không cứu nổi nhà Minh.


Năm 1629, Khâm thiên giám tiên đoán nhật thực, lại sai Từ Quang Khải y theo phương pháp Tây phương suy trắc, phụng mệnh dùng các Giáo sĩ Tây phương, lập cục soạn lịch. Từ khi Từ Quang Khải mất, các khí dụng làm lịch hoàn thành, suy trắc hoàn toàn chính xác, người có công lớn là Jean Adam Schall Von Bell [Thang Nhược Vọng]


Thiên văn lịch pháp truyền nhập, tăng tiến tri thức người Trung Quốc về thời gian ; địa lý học truyền nhập cải biến quan niệm về không gian. Từ khi Giáo sĩ Matteo Ricci [Lợi Mã Ðậu] khắc vẽ bản đồ thế giới tại Triệu Khánh, Trung Quốc mới bắt đầu biết 5 châu lớn và lý thuyết về địa đồ ; trong các phẩm vật tiến trình tại kinh đô có Vạn Quốc Ðồ Chí. Giáo sĩ Thiên chúa cũng giới thiệu các môn học khác như triết học, hội họa. sinh lý ; và dĩ nhiên có rất nhiều sách tôn giáo, năm 1820 có vị Giáo sĩ mang 7000 bộ điển tịch, chẳng khác gì cao tăng Tây Vức mang kinh Phật tới Trung Hoa.


Thời Matteo Ricci [Lợi Mã Ðậu], có khoảng 2500 tín đồ tại Trung Quốc, 30 năm sau số tín đồ đạt tới trên 10 vạn. Ðến đời Sùng Trinh [1628-1644] rất thịnh ; bọn Từ Quang Khải tâu lên Sùng Trinh về học thuyết Thiên chúa, Jean Adam Schall Von Bell [Thang Nhược Vọng] ra vào nơi cung cấm, trong cung lập giáo đường. Từ năm 1636-1640 có 4 Hậu phi, 78 cung nữ, 48 Thái giám, 140 Tôn thất vào đạo ; riêng các tỉnh đều có giáo đường. Vua thời nam Minh như Hoằng Quang, Long Vũ đều do giáo đồ Cù Thức Tỷ [tên thánh Thomas] ủng lập ; lúc bấy giờ Hoàng thái hậu, Hoàng hậu, Thái tử đều rửa tội.


Vào khoảng năm 1632, Chu Tông Quang người tỉnh Chiết Giang, rất sùng thượng Thiên chúa giáo, viết 2 thiên văn chương : một thiên suy sùng văn vật, quân chính Tây phương ; một thiên xiển dương Thiên chúa. Trong thiên đầu, ông viết : “ Các nước Thái Tây không giống như các nước cổ hủ man di khác, họ có những cái mà Trung Quốc không bằng. Ngoài đường không nhặt của rơi, tối không phải đóng cửa, tôn hiền trọng đức, trên dưới đều yên ; người Trung thổ ta không bằng. Nghĩa lý muôn đời, sách suy lý cách vật, tượng số, luật lịch ; không điều gì không nghiên cứu uyên thâm, kẻ sĩ Trung Quốc học vấn không bằng. Dùng đá quý chế cung thất cao hàng trăm trượng, trang sức bằng kim ngọc pha lê, y phục sặc sỡ, ăn uống đồ ngon ; sự phồn hoa đất Trung thổ không bằng. Chuông không gõ tự kêu lên, kính chiếu viễn, dụng cụ nhắc kéo vật nặng, nhạc khí không cần đánh mà cử nhạc, không có vật gì không tinh vi ; công nghệ Trung Quốc kỳ xảo không bằng. Vác binh khí địch muôn người, chiến sĩ lâm trận vạn lần chết không đoái, pháo lớn bắn vào, thành lũy kiên cố đều sụp ; vũ bị của Trung Quốc không bằng. Ðất đai màu mỡ, trăm vật sinh sôi, buôn bán vạn nước, vàng bạc chất như núi, Trung Quốc ta giàu có không bằng. Với dân như vậy, phong tục như vậy, mà bị chê là man di ; tôi e rằng không man di chút nào.” Trên 300 năm về trước, hiếm người có kiến thức cao như vậy.




2. Tây học và Tây giáo phát triển thời Thanh sơ


Thời Minh Thanh tương tranh, tại phía nam các Giáo sĩ nỗ lực khôi phục nam Minh ; trong khi các Giáo sĩ ở lại Bắc Kinh chuyển hướng ủng hộ tân chính quyền Mãn Thanh. Sau khi Nhiếp chính vương Ða nhĩ Cổn 2 vào kinh đô, hạn trong 3 ngày dân chúng phải rời khỏi kinh thành để quân Bát kỳ 3 trú đóng. Jean Adam Schall Von Bell [Thang Nhược Vọng] tâu rằng giáo đường trong cung chứa bản điêu khắc về lịch, các dụng cụ trắc lượng thiên văn, cùng lễ khí kinh điển, không dễ gì di chuyển ; nếu bị hư hại thì tu chỉnh rất khó khăn, xin cho Giáo sĩ Tây phương trú nguyên tại chỗ cũ. Ða Nhĩ Cổn chấp nhận, lại còn ban dụ tăng cường bảo hộ. Tân triều cần lịch Thời Hiến mới, Ða Nhĩ Cổn cho rằng lịch pháp của Jean Adam Schall Von Bell [Thang Nhược Vọng] hợp với thiên tượng “ Thiên vận đổi mới, chấp thuận cho dùng lịch pháp này ”. Jean Adam Schall Von Bell [Thang Nhược Vọng] diện tâu lịch pháp này không sai lầm, Ða Nhĩ Cổn cho ban hành, và cử Jean Adam Schall Von Bell làm Giám chính Khâm Thiên Giám ; địa vị này từ trước tới nay Giáo sĩ Tây phương chưa từng có, Giáo sĩ các nơi nhờ vào Jean Adam Schall Von Bell mà được êm ấm. Năm 1660, Thuận Trị đích thân coi việc chính trị, sủng hạnh tăng thêm, được cấp đất xây thêm giáo đường Thiên Chúa tại kinh đô, ban biển ngạch khắc vào cửa, và ngự chế văn bia. Vào đầu thời Khang Hy, Ðại thần phụ chính ; Jean Adam Schall Von Bell bị Dương Quang Tiên, thuộc phái cựu về lịch pháp vu cáo hạ ngục ; được Hoàng thái hậu ra sức cứu miễn, năm 1666 mất.


Sau khi vị vua anh minh hiếu học Khang Hy đích thân coi việc chính trị, không những khôi phục địa vị của Giáo sĩ như cũ, mà lại ưu đãi quá thời Thuận Trị ; đây là thời đại hoàng kim của đạo Thiên Chúa. Năm 1669, Dương Quang Tiên coi Khâm Thiên Giám, tính toán lịch sai, bị cách chức. Bèn trao chức cho Giáo sĩ Ferdinand Verbiest [Nam Hoài Nhân] người Bỉ, làm Giám phó Khâm Thiên Giám, đặc trách về việc chế lịch. Ðây là vị Giáo sĩ kiệt xuất thứ 3, sau Matteo Ricci [Lợi Mã Ðậu] và Jean Adam Schall Von Bell [Thang Nhược Vọng]. Khi loạn Ngô Tam Quế nổi lên, Ferdinand Verbiest [Nam Hoài Nhân] phụng mệnh chế pháo, trước sau đúc được 680 cỗ. Ông ta thường được triều kiến, mời ngồi, đãi ăn ; các Ðại thần gốc Mãn, Hoa hiếm có người được ưu đãi như vậy. Năm 1688 ông mất, được truy tặng Thị lang bộ Lễ, vua Khang Hy sai quan đến tế, tế văn có đoạn như sau “ Học chuyên nghiên cứu thiên tượng,trắc nghiệm 4 mùa thời tiết ; chức quan chế lịch, phù hợp với sự chiêm nghiệm thất chính 4. Chẳng những đo đạc không sai, mà lại còn rành về các ngành kỹ thuật khác. Ra công đúc súng, từ kiểu cũ làm tân kỳ, ứng dụng hỏa công, bày cơ mưu chế thắng.” Chiến dịch đánh Tam Phiên (5)5 quan hệ đến mất còn của nhà Thanh, việc chế pháo của Ferdinand Verbiest [Nam Hoài Nhân] là chìa khóa để chiến thắng.


Làm lịch, chế pháo là ngưyên nhân trực tiếp Ferdinand Verbiest [Nam Hoài Nhân] được sủng ái, ngoài ra Khang Hy là người đam mê trí thức nên hai người càng có quan hệ mật thiết. Hầu như hàng ngày Nam Hoài nhân vào cung giảng hình học, đại số cho Khang Hy. Năm 1713 Khang Hy cho lập Toán học quán, tuyển con em Bát kỳ vào học toán cùng các môn lịch pháp, nhạc luật. Sách Ngự chế của nhà vua như Lịch tượng khảo thành, Số lý tinh uẩn, Luật lữ chính nghĩa phần lớn chịu ảnh hưởng học thuyết Tây phương.


Khang Hy là vị vua đầu tiên tin và dùng Tây dược. Năm 1693 bị bệnh, Giáo sĩ Joannes de Fontaney [Hồng Nhược Hàn] dâng kim dược Quinine, uống khỏi ; được ban ngôi nhà lớn trong Hoàng thành và cho đất xây nhà thờ. Trong cung cũng có Giáo sĩ khác làm Ngự y.


Một bộ địa đồ toàn quốc hoàn thành năm 1717, do các Giáo sĩ phụng mệnh đo đạc hội chế, mang tên Hoàng Dư Toàn Lãm Ðồ, được lưu hành mãi mấy trăm năm sau. Vào thời Thanh sơ việc đối ngoại giao thiệp với nước Nga, hoàn thành hiệp ước Ni Bố Sở cũng do các Giáo sĩ đóng góp phần lớn ; thư từ giao dịch bằng La Tinh đều do Giáo sĩ dịch.


Giáo sĩ Thiên Chúa được ưu đãi, nên việc truyền giáo càng tiện lợi. Vào năm 1650, tín đồ đạt 15 vạn, năm 1661 ước 25 vạn, năm 1670 ước 27 vạn. Thời đầu Khang Hy, vua Pháp Louis 14 thanh uy thịnh, Giáo hội tại Pháp bắt đầu cử người sang Hoa, ảnh hưởng và cống hiến mạnh hơn các nước khác. Nhưng lúc bấy giờ chỉ hứa hành đạo tại kinh sư, không cho phép lập giáo đường tại các tỉnh. Ðợi sau khi điều ước Ni Bố Sở với Nga ký kết xong, các Giáo sĩ có công trong việc này, đã tích cực vận động, bộ Lễ hội đồng với Ðại học sĩ tâu rằng “ Giáo sĩ Tây phương nhân đức hơn người, gần đây quản lý thiên văn toán học, đúc vũ khí, tháp tùng lo liệu việc Trung Nga, đều lập thành tích. Những người Tây phương cư trú tại các tỉnh, không có hành động ác loạn, không phải tả đạo mê hoặc người, dị đoan sinh sự. Các giáo đường Thiên chúa giáo tại ngoài tỉnh, chiếu theo cũ được tồn lưu ; phàm những người thờ phụng được tự do đi lại như thường.” Vua ban chiếu chỉ y theo lời tâu.




3. Tây giáo bị cấm, Tây học suy thoái :


Khang Hy vốn trọng khoa học kỹ thuật Tây phương, yêu nhà yêu đến cửa ngõ, nên mới cho đạo Thiên chúa hành giáo. Từ khi đạo Thiên chúa vào Ðông phương có cuộc tranh luận về nghi lễ, khiến Khang Hy tỏ ra phản cảm, biểu lộ ý cấm đạo.


Nguyên do Thiên chúa giáo tại Ðông phương có 2 trường phái. Trường phái vào Trung Quốc trước do Matteo Ricci [Lợi Mã Ðậu 1552-1610] đứng đầu, tỏ ra cởi mở ; cho rằng trời, hoặc Thượng đế của Trung Quốc cũng giống như Chúa trời Thiên chúa giáo ; Trung Quốc tế tự Khổng Tử, cha mẹ, trời đất ; chỉ là kỉ niệm tiền nhân, không có ý tôn thờ thần tượng. Trường phái thứ hai gồm các dòng Dominican [Ða Minh Ngã Hội Sĩ], Franciscan [Phương Tế Các Hội Sĩ] ; mấy lần muốn đến Trung Quốc hoạt động, nhưng bị phái trước và người Bồ Ðào Nha ngăn cản. Do gặp sự khó khăn, rồi sinh bài xích về tư tưởng ; cho rằng trời, hoặc Thượng đế không thể sánh với đức Chúa trời ; tế trời, Khổng Tử, cha mẹ đều là mê tín. Mới đầu Giáo hoàng đối với vấn đề này thái độ lúc tả, lúc hữu, nên không giải quyết dứt khoát. Năm 1703, Giáo hoàng Clement 11 [Cách Lặc Môn thứ 11] cử Giáo sĩ Carolus Maigrot [Nhan Ðang] vốn không có cảm tình với trường phái cũ, làm Giáo chủ Viễn Ðông. Giáo chủ này đề ra những điều cấm quy định vị chúa tể trời đất vạn vật được gọi là Thiên chúa, không được kêu trời và Thượng đế lả Thiên chúa ; không cho thờ tự Khổng Tử và tổ tiên. Năm 1705, cử một vị Giáo sĩ mới 34 tuổi, tên Carolus Thomas Maillard de Tournon [Ða La], làm sứ giả đến Bắc Kinh ; năm sau Carolus Maigrot [Nhan Ðang] đích thân đến, bài xích Trung Quốc vô thần ; riêng Carolus Thomas [Ða La] tự cao tự đại đưa những điều cấm ước cho vua Khang Hy. Khang Hy nổi giận, đem Carolus Maigrot [Nhan Ðang] phát vãng Hắc Long Giang [Heilongjiang], giải tống Carolus Thomas [Ða La] đến Áo Môn quản chế, cùng truyền dụ cho người Tây phương tại kinh đô rằng “ Từ nay trở về sau, nếu không tuân theo quy củ của Matteo Ricci [Lợi Mã Ðậu], thì không được trú tại Trung Quốc.”


Khang Hy từng nói rằng “ Hàng trăm, hàng ngàn năm sau, Trung Quốc sẽ chịu mối họa về các nước Tây Dương.” Khi các nước tại Nam Dương bị tiêu diệt, người Tây phương muốn xen vào nội tình Trung Quốc, thì sự ngờ vực càng lớn.


Vua Ung Chính kế vị, vốn là người đa nghi, lại càng giận ghét việc Giáo sĩ xen vào chính trị tại cung đình. Ung Chính có người em là Duẫn Ðường, thân cận với Giáo sĩ Tây Phương, lập vây cánh để tranh giành ngôi báu. Sau khi lên làm vua, bèn đem người em đày tại Tây Ninh [Xining], thủ phủ tỉnh Thanh Hải [Qinghai]. Rồi theo lời tâu của Ðại thần, tại kinh đô và các tỉnh chỉ lưu lại những người Tây phương hiểu về kỹ thuật, kỳ dư đưa đến Áo Môn an trí ; cải giáo đường Thiên chúa thành công ốc, cấm nhập giáo. Tuy nhiên sự cấm đoán cũng chưa quá nghiêm nhặt.


Năm 1735, Giáo hoàng ra lệnh đình chỉ hội truyền giáo công tác tại Trung Quốc ; việc cấm đạo tại Trung Quốc mỗi ngày một nghiêm. Năm 1746, vua Càn Long ra chỉ dụ không cho phép hành đạo và mở giáo đường tại các tỉnh Phúc Kiến [Fujian], Quảng Ðông [Guangdong] ; Giáo chủ, Phó giáo chủ, Giáo sĩ tại Phúc Kiến bị hại. Từ đó trở về sau trong vòng 30 năm ; Giáo sĩ, Giáo đồ thường bị bách hại. Tuy nhiên Càn Long thích hội họa, lưu dụng một vài Giáo sĩ trong cung như Joseph Castiglione [Lang Thế Ninh], để vẽ chân dung ; lại tự phụ về võ công, bắt vẽ chiến đồ. Ngoài ra tạo vườn thượng uyển Viên Minh theo kiểu Tây phương do Lang Thế Ninh thiết kế, trong đó có Chung phòng, trưng bày hơn 4000 đồng hồ chuông, do người Tây Dương hàng ngày tu sửa.


Thời Gia Khánh Giáo sĩ không dám ra ngoài. Năm 1805 có 2 Giáo sĩ làm việc trong cung đình, lén vẽ địa đồ các tỉnh Trực Lệ [Zhili], Sơn Tây [Shanxi] ; rồi sai người mang đến Quảng Ðông, định đưa về La Mã. Việc phát giác, chiếu chỉ cho rằng lòng dạ khó lường, bèn phát vãng đến Y Lê [Yili, Tân Cương]. Từ năm 1814 đến 1820, có Giáo sĩ tại Thành Ðô [Chengdu, Tứ Xuyên], Trường Sa [Changsa, Hồ Nam], Vũ Xương [Wugang, Hồ Bắc] bị xử tử, nhiều giáo đồ bị liên lụy.


Cấm đạo nhưng không cấm thông thương, việc hỗ thị tại Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Ðông] vẫn tiếp tục tiến hành. Nhưng thương nhân chí tại mưu lợi, khó dựa vào họ để phát triển văn hóa. Trong vòng hơn 100 năm kể từ thế kỷ thứ 18 ; thế giới Tây phương mỗi ngày một mới, khoa học kỹ thuật tiến bộ không ngừng, tư tưởng, xã hội, chính trị diễn tiến trước kia chưa từng thấy. Riêng Trung Quốc vẫn nằm ì cổ hủ, sự cách biệt mỗi ngày một xa ; thế ưu thắng, liệt bại, ngày một rõ nét.


Hồ Bạch Thảo








1 Giúp xác định vị trí trên Google maps, các địa danh Trung Quốc được ghi thêm phiên âm Pin Yin, như Triệu Khánh với âm [Zhaoquing]. Ðộc gỉả chỉ cần chép Zhaoquing vào ô chữ nhật trên Google map, rồi gõ vào bên phải, thì vị trí Triệu Khánh sẽ hiện trên bản đồ.


2 Ða Nhĩ Cổn: Nhiếp chính vương thời vua Thuận Trị, có công mang quân nhập quan , khiến Mãn Thanh làm chủ Trung Quốc trong 300 năm.


3 Bát kỳ: biên chế quân đội mãn Thanh có 8 màu cờ.


4 Thất chính: chỉ mặt trời, mặt trăng và 5 sao.


5 Tam Phiên chỉ Bình tây vương Ngô Tam Quế, Bình nam vương Thượng Chi Tín và Tĩnh nam vương Cảnh Tinh Trung.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us