Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Tết này, lẽ nào không có bài anh Cẩn !

Tết này, lẽ nào không có bài anh Cẩn !

- Kiến Văn — published 16/02/2007 18:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:17
Nhà ngữ học giải thích về chiều cao và bề rộng của Từ Hải



Tết này, lẽ nào không có bài anh Cẩn !


Kiến Văn



Hàng năm, ban biên tập vẫn trao cho tôi nhiệm vụ gửi thư điện tử cho nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn để xin một bài cho số báo tết. Năm nay, báo lên mạng, không "số" nữa, nhưng anh chị em quyết định ngày tết vẫn phải có một loạt bài. Và như vậy phải có bài của Nguyễn Tài Cẩn. Bài của anh, mấy năm gần đây, xoáy vào đề tài văn bản Truyện Kiều, nặng phần "khoa học kĩ thuật", nhưng nhiều độc giả vẫn quan tâm, vì đó là Truyện Kiều, và tuy không phải là chuyên gia, ai chẳng mong ước được đọc một bản Kiều gần nhất với nguyên tác của Nguyễn Du.


Thư đi, mừng quá, nhận ngay được hồi âm – thời đại internet có khác. Nhưng mừng hụt : anh Cẩn cáo lỗi. Mùa đông Mạc Tư Khoa lạnh buốt, cả chị Nonna và anh đều bị cảm, ho từ hai tuần nay, không viết lách được gì cả. Cuối thư, anh gửi kèm một chú thích anh vừa soạn về câu Kiều số 2168, và viết : "buồn quá, chỉ kiếm chuyện nghịch gửi đùa với anh em cho vui, một bài thơ 8 câu mừng năm Đinh Hợi nhưng phải đủ 12 con lợn cho quanh năm".


Câu 2168 Truyện Kiều là câu gì nhỉ ? Vai năm tấc rộng thân mười thước cao ! Câu thơ mà ai trong chúng ta cũng từng thắc mắc : như vậy Từ Hải cao bao nhiêu ? vai rộng bao nhiêu ? Hay quá, vội mở ngay "tài liệu đính kèm" xem Nguyễn Tài Cẩn lí giải ra sao. Tốt hơn cả, xin chép nguyên văn dưới đây để bạn đọc khỏi nóng ruột : 



Câu Vai năm tấc rộng thân mười thước cao là câu thơ duy nhất trong Truyện Kiều  сó đưa ra hai thông số về chiều cao và về chiều rộng trong cơ thể của một nhân vật.  Nêu hai thông số như vậy có cần thiết không ? Thiết nghĩ đó là một vấn đề chắc nhà thơ đã có cân nhắc suy tính đến nơi đến chốn : bởi vì đối với việc giới thiệu một nhân vật phi phàm, một nhân vật võ tướng thì còn có gì quí hơn là nêu lên được những nét ngoại hình có thể góp phần gây được một ấn tượng mạnh mẽ đến cho người đọc !


Nhưng tại sao cái câu thơ vô cùng quan trọng đó gần đây lại bị nhiều người phản đối đến thế ?  Theo ý chúng tôi , phản đối chỉ là vì do quên rằng đây là đang nói đến chuyện xây dựng các hình tượng văn học theo các truyền thống thời xưa. Trước những nhân vật thần thoại, những hình tượng dị nhân hoặc ngay cả những nhân vật cổ điển kiểu Tam Quốc, Thủy Hử, mà lại cứ gắng lấy con mắt tả chân của người hiện đại để bắt bẻ hay gắng lấy cái óc tính toán theo lô gích khoa học tự nhiên để kiểm tra thì tất yếu sẽ lạc hướng và sẽ thắc mắc.


Có thể tin chắc rằng 2 con số vai năm tấc rộng và thân mười thước cao không nhất thiết phải là do cụ Nguyễn Du đã tự ý đặt ra đâu : chắc Cụ đã nhớ được từ truyện một vài nhân vật anh hùng nào đó mà Cụ đã từng đọc và mến mộ. Cụ đã chọn và đã bằng lòng. Và сũng không nhất thiết là các đợn vị trượng, thước, tấc mà Cụ và giới văn học nói đến đều là những đơn vị được dùng một cách nhất quán trong mọi trường hợp, vì đều cùng xuất phát từ cùng một hệ đo lường nhất định nào đó, đã được chọn lựa dứt khoát ngay từ đầu đâu !


Quả vậy, 10 thước đúng là một trượng, nhưng có loại trượng 3,33 mét, lại có loại trượng chỉ vừa tròn một mét bảy ! (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Viện ngôn ngữ học, 1997) . Nhân vật Lê Như Hổ trong Nam Hải dị nhân tả thân cao chỉ 5 thước 5 tấc : chắc phải tính theo loại trượng 3,33 mét mới thấy được chiều cao của Ông ( 5,5 x 0,333 m = 1,83 m); Từ Hải tả thân cao đến 10 thước chắc lại phải tính theo loại trượng đúng 1,7 mét mới hợp lí.

Cũng vậy, có hai loại tấc : một loại hơn 4 cm ( 0,0425 m) và một loại hơn 6 cm (0,0645 m) ; nếu tính từ bờ vai bên này đến bờ vai bên kia mà 10 tấc (hai vai, mỗi vai 5 tấc thuộc loại đầu) thì ta sẽ có khoảng hơn 42 cm. Thiết nghĩ một người có chiều cao khoảng 1,70 m , có bề ngang ở hai vai rộng 42 cm rưỡi thì chắc thời xưa cũng chỉ cho đó là một tráng sĩ thuộc vào loại cao lớn, chứ không có chút gì là dị thường cả !!


Chúng tôi rất tin ở sự nhạy cảm của nhà thơ : trong một số báo cũ năm 1998, một cửa hàngmay mặc của Ý đã giới thiệu sản phẩm của mình với 6 cột thông số như sau :


Chiều cao của cơ thể (mét) :     1,73     1,76     1,78     1,81     1,85     1,87 

Chiều rộng của vai :                 0,43     0,44     0,45     0,46     0,47     0,48

                                                                            (Special Boutique, N°1, 1998, trang 20) Rõ ràng hai thông số 1,70 và 0,42 mà cụ Nguyễn Du đã đưa ra hơn hai thế kỉ trước trong câu thơ miêu tả về Từ Hải hoàn toàn xứng đáng được đặt vào cột đầu của bảng hiện đại vừa nêu ở trên.


Và dưới đây là bài thơ Mừng Tết Đinh Hợi của nhà ngữ học (chúng tôi in đậm những chữ liên quan tới con lợn được chú thích ở dưới ) :


Đinh Hợi ! Kinh chào ! Bút kính khai !

Ba lơn nặng nghiệp kính khai hài !

Tam Sinh : răng rụng, trơ như đá !

Bát Giới : rượu về , hốt cả chai !

Heo hút xa quê, may có máy !

Thỉ chung theo vợ, đỡ lo đời !

Nghe đồn năm mới canh tân mạnh !

Xin đốt hương lên, cúi tạ trời !


CHÚ GIẢI : 1. năm Hợi, 2. Ba : lợn nái , 3. Lơn nặng là... lợn, 4. Hài : lợn 4 chân màu trắng, 5. Tam sinh : ba con vật để cúng tế, trong đó có lợn, 6. Trơ như nói lái thành trư nhơ, trư là lợn, 7. Bát Giới : Tám điều răn, tên đặt cho nhân vật Lợn của Tây Du ký, 8. Hốt, 9. Heo và 10. Thỉ đều là lợn, 11. Đồn : lợn con, 12. Cúi : lợn (gốc tiếng dân tộc).


Có xướng thì phải có hoạ, đây là bài hoạ của bổn báo biên tập viên Đặng Tiến :

Mới nghe ủn ỉn, ngỡ hôi khai,

Dái, nái vầy xuân, góp tiệc hài !

Ổ lợn âm dương còn ỷ mạ ?

Sề mâm cấn chấn những bao chai ?

Giấc hồ đất khách, vinh danh bột

Chung thỉ non thơ, khất tuổi đời.

Một thoáng ba sinh, heo hút lửa !

Mừng nhau Đinh Hợi sót ơn trời.


Đếm sơ sơ thì bài hoạ này là cả một cái chuồng lợn ủn ỉn. Mời các bạn đếm thử. Bạn đọc đầu tiên kể đúng số chắc chắn sẽ nhận được quà của tác giả.


Riêng phần người chấp bút bài viết ngắn này, hắn tự coi đã làm xong nhiệm vụ : số tết này có bài của anh Nguyễn Tài Cẩn.


Paris, 27 tháng chạp Đinh Hợi

Kiến Văn


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Đinh Hợi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss