Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Thần Kỳ Kinh Tế Tây Đức giai đoạn 1949-1969

Thần Kỳ Kinh Tế Tây Đức giai đoạn 1949-1969

- B.T. — published 28/04/2019 22:01, cập nhật lần cuối 28/04/2019 22:01

Giới thiệu sách


Thần Kỳ Kinh Tế Tây Đức
giai đoạn 1949-1969



Long đong tờ giấy phép xuất bản


Thật kỳ lạ, không kiếm được trên thị trường chữ nghĩa Việt Nam một cuốn sách biên khảo bằng tiếng Việt về lịch sử kinh tế Đức, mặc dù nước này có nền kinh tế mạnh nhất châu Âu hiện nay. Đối với người Việt Nam, việc tìm hiểu lịch sử kinh tế Tây Đức trong hai thập niên hậu chiến lại càng lý thú hơn :

Thứ nhất, tình trạng kinh tế và xã hội của Tây Đức sau 1945 rất giống Việt Nam sau 1975 và trong nhiều khía cạnh, họ còn khó khăn gấp bội so với Việt Nam vào giữa thập niên 1970. Thế mà Đức đã trở thành một nước công nghiệp hàng đầu trên thế giới, trong lúc Việt Nam đến thế kỷ 21 vẫn chưa làm được một động cơ xe gắn máy.

Thứ hai, Tây Đức xây dựng kinh tế thị trường từ điều kiện đặc thù của nền kinh tế tự cung tự cấp, một hệ thống kinh tế kế hoạch nhà nước ở mức độ cao để phục vụ chiến tranh ; hay nói cách khác, họ xuất phát từ tình trạng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển kinh tế thị trường tự do. Hơn nữa, tư tưởng chủ đạo của chính trị gia và kinh tế gia trong năm năm đầu sau chiến tranh có xu hướng bị ảnh hưởng bởi học thuyết Marx, thế mà cuối cùng họ cũng vượt ra khỏi quĩ đạo của chủ nghĩa xã hội để toàn tâm xây dựng thành công nền kinh tế thị trường.

Thứ ba, Tây Đức kết hợp khôn ngoan thế nào giữa một bên là lý thuyết kinh tế thị trường tự do theo lý thuyết của Adam Smith, bên kia là tư tưởng bình đẳng trong công nghiệp theo tinh thần của Karl Marx và công bằng xã hội theo giáo lý của Kitô giáo. Trên nền tảng tư tưởng đó, điều gọi là « nhân bản hóa nền sản xuất công nghiệp » được xây dựng thành công như thế nào? 

Thứ tư, Tây Đức giải quyết vấn nạn gia cư sau chiến tranh như thế nào ? Chính sách xây dựng chung cư của họ – với mục tiêu phục vụ người nghèo – mang tính chất xã hội cao, xem ra thì rất phi kinh tế và ắt phải bù lỗ, nhưng cuối cùng, chính sách đó không những thành công về mặt xã hội, mà còn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, nâng cao sự phồn vinh và làm giàu cho ngân sách nhà nước. Tại sao các nước khác có cùng hoàn cảnh không làm được điều đó ?

Đấy chỉ là vài thí dụ đơn sơ trong nhiều bài học lịch sử mà chúng ta có thể tham khảo để áp dụng vào hoàn cảnh Việt Nam.

Từ nỗi băn khoăn đó, tác giả tìm cách tổng kết lại những nét chính của lịch sử kinh tế Tây Đức trong hai thập niên 1950 và 1960, giai đoạn mà sử gia thế giới đã tặng cho danh hiệu thần kỳ kinh tế Tây Đức. Sách viết xong tháng 5.2017, ký hợp đồng xuất bản với Phương Nam Books vào tháng 6.1917. Tưởng rằng mọi chuyện như thế đã được an bài. Nhưng rồi thu đến, đông qua, xuân đã tàn mà vẫn chưa thấy sách ra đời. Hỏi ra thì ai cũng tránh một câu trả lời dứt khoát minh bạch. Phải chăng, gần một năm long đong qua vài nhà xuất bản, dường như không ai muốn liên lụy với cái « di sản của chủ nghĩa tư bản phương Tây » này ?

May mắn là cuối cùng, Phương Nam liên kết được với nhà xuất bản Tri Thức, lúc ấy Chu Hảo còn làm giám đốc, để có giấy phép vào tháng 6.2018. Tưởng thế là yên, không ngờ rằng trong hậu trường đang xảy ra « sự kiện Chu Hảo ». Dường như ban giám đốc mới của nhà xuất bản Tri Thức ngưng lại để xem xét, mãi đến tháng 11.2018 mới bật đèn xanh, sau khi kiểm duyệt thêm 10 trang. Mười tám tháng, một quãng đường không ngắn ngủi chút nào để có tờ giấy phép xuất bản ! Thật không phấn khởi chút nào cho nghề viết lách ở Việt Nam. 

Xin giới thiệu với độc giả tác phẩm Thần Kỳ Kinh Tế Tây Đức giai đoạn 1949-1969. Ở cuối bài, độc giả sẽ thấy một đường dẫn để tải đề mục đã bị kiểm duyệt, và bổ sung vào sách cho đầy đủ.

B.T.

Tháng tư năm 2019


Nhà Xuất Bản: Tri Thức

Tổng phát hành: Phương Nam Books

ISBN 978-604-943-812-7

Thể loại: Lịch sử kinh tế

525 trang 14cm x 21cm

Giá bìa tại VN: 198.000 Đồng

Mua sách ở ngoại quốc: liên lạc với

https://diendankhaiphong.org/lien-lac-voi-chung-toi/ 

bia

   

Trích lời nói đầu


Sự vươn dậy của Tây Đức sau Thế chiến II là một hiện tượng lạ kỳ, và sự phát triển kinh tế vũ bão sau 1945 đã được nhiều sử gia thế giới phong tặng danh hiệu thần kỳ kinh tế. Không riêng về kinh tế vốn là đề tài đáng chý ý, mà sự vươn dậy nhanh chóng và bền vững của Tây Đức cho đến hôm nay còn được thúc đẩy bởi những thành công trong nhiều lĩnh vực khác mà sách báo ít đề cập. Dù không bàn hết mọi vấn đề, nhưng tập sách này cố gắng vẽ lên vài nét chấm phá về những lĩnh vực nói trên. 

Lịch sử kinh tế tất nhiên là nội dung chính của tập sách này. Độc giả sẽ tìm thấy rải rác trong sách nhiều đoạn nói về chính sách kinh tế, về lý thuyết, về tổ chức, về phương pháp thực hiện v.v... Chắc hẳn sẽ rất lý thú, nếu chúng ta trả lời được những câu hỏi như : Sự phát triển kinh tế của Đức khác các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, nhưng khác nhau ở chỗ nào ? Lý thuyết kinh tế của họ khác với lý thuyết mà các nước phát triển đương thời áp dụng ở chỗ nào ? Điều gì đã làm cho họ tự tin vào sự thành công của những nguyên lý chưa ai từng thử nghiệm ? Từ đâu mà vị kiến trúc sư kinh tế hậu chiến quả quyết rằng, mọi khung trật tự kinh tế trong tương lai được thành lập và hoạt động ở bất kỳ quốc gia tự do nào trên thế giới, bằng cách này hay cách khác, đều phải dựa trên luồng tư tưởng của mô hình họ đưa ra ? Câu hỏi lý thú hơn cho người Việt Nam là, từ đâu họ dám quả quyết rằng mô hình kinh tế đó cũng áp dụng được cho các nước đang phát triển ? Tập sách này sẽ cung cấp cho độc giả những dữ liệu cần thiết và những mối liên hệ giữa chúng với nhau để độc giả tự phán đoán.  

Nhưng thật là thiếu sót nếu chúng ta chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế khi bàn về lịch sử hậu chiến Tây Đức.

Chính sách xã hội đóng vai trò gì trong sự phát triển toàn diện ? Khi bàn về công bằng và an toàn xã hội, chúng ta thường nghĩ đến những dịch vụ tốt đẹp mà một nhà nước tốt đẹp mang đến cho người dân xứ họ, hòng giảm bớt chênh lệch giàu nghèo và làm cho xã hội được bình đẳng hơn. Cũng đúng, nhưng chưa đủ. Nếu người Đức chỉ nghĩ như thế thì chắc hẳn sự phát triển hậu chiến sẽ không đạt đến mức xứng đáng được gọi là thần kỳ. Từ đâu họ quả quyết rằng chính sách xã hội đúng đắn sẽ có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ? Dựa trên nền tảng tư tưởng nào mà họ có thể thiết lập được những chính sách xã hội vốn dĩ rất tốn kém và phi kinh tế, cuối cùng không những thành công về mặt xã hội và còn có tác dụng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế ? Và một câu hỏi lý thú hơn : Có phải sự phát triển vững chắc của Tây Đức suốt một thời gian dài có nguồn gốc từ những chính sách xã hội được thiết kế trên những nguyên tắc hợp đạo đức và không đối kháng với qui luật kinh tế ?

Quan hệ mới trong công nghiệp được thiết kế thế nào, dựa vào nền tảng tư tưởng xã hội và đạo đức nào mà họ đã hóa giải một phần các xung khắc triền miên trong công nghiệp từ hơn một thế kỷ trước ? Tây Đức đạt được một điều mà ít nước khác làm được trong thời hậu chiến : ấy là sự hợp tác hiếm có giữa chủ nhân và lao động trong hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp. Từ đâu họ làm được chuyện đó ? Dựa vào những nguyên tắc nào, sử dụng công cụ nào mà họ duy trì tình trạng đó một cách lâu dài ? Việc giảm bớt xung khắc giữa các thành viên đối kháng trong công nghiệp đã tác động thế nào lên sự phát triển nói chung ?

Ngoài ra có những câu hỏi lý thú liên quan đến sự phát triển của Tây Đức. Thí dụ, việc tạo bình đẳng cơ hội trong giáo dục và đào tạo tại Tây Đức đã đóng góp thế nào vào quá trình xóa bỏ phân hóa giai cấp trong xã hội ? Nhưng cũng quan trọng không kém, nó đóng góp thế nào vào việc nâng cao số lượng và chất lượng lực lượng lao động cũng như năng suất lao động ? Và nhiều câu hỏi tương tự trong mối liên hệ hỗ tương giữa hai lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Đến đây, chúng ta thử nêu thêm một câu hỏi : chúng ta học được gì từ lịch sử Tây Đức ? Giữa Việt Nam hôm nay và Tây Đức hậu chiến có rất nhiều điều khác biệt, nhưng cũng có những chỗ giống nhau đến lạ kỳ. Cuốn sách này bàn về lịch sử kinh tế Tây Đức, nhưng chắc hẳn độc giả sẽ không khỏi ưu tư về một vài câu hỏi thiết thân trong bối cảnh phát triển ở nước nhà : Làm thế nào Tây Đức có thể chuyển đổi từ một nền kinh tế phi thị trường sang kinh tế thị trường với thành công trong một thời gian ngắn ? Mà đó lại là nền kinh tế thị trường tự do với rất ít vấn nạn xã hội ? Điều gì đã giúp Tây Đức chuyển từ thể chế chính trị tập trung phi dân chủ sang thể chế dân chủ tự do với quyền lực phân tán ? Và còn nhiều câu hỏi tương tự. Tập sách này hy vọng sẽ cung cấp cho độc giả những chất liệu cần thiết để tìm câu trả lời.

Trọng điểm sách này bàn về lịch sử kinh tế, nhưng độc giả sẽ không tìm thấy những công thức trừu tượng, những đồ thị khô khan, những thuật ngữ chuyên môn, những lý luận rườm rà phức tạp. Thay vào đó là ngôn ngữ đời thường cho mọi người cùng đọc. Đặc biệt, tác giả muốn gởi gắm đôi lời đến các bạn trẻ nặng lòng với đất nước và ham thích kiến thức mới lạ : Muốn tìm thấy chân lý, chắc hẳn chúng ta cần biết nhiều nguồn tri thức khác nhau để so sánh và chọn lựa. Các bạn hãy so sánh nội dung sách này với những điều đã học ở trường, đã đọc trên báo, nghe trên đài, đã chứng kiến trong đời sống nghề nghiệp, đã trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Rồi so sánh, rồi phán đoán, rồi quyết định. Biết đâu các bạn sẽ thấy vài điều hay để cải tạo xã hội, để giúp đời, giúp người, giúp cả chính mình và con cháu mai sau.      


Ghi chú: 


Bản thảo của tác giả có một đề mục “ Karl Marx ” dài 12 trang, nhưng sau “ sự kiện Chu Hảo ”, ban giám đốc mới của nhà xuất bản “ chiếu cố ” và kiểm duyệt bớt 10 trang, cho nên đề mục đó xem ra thật trơ trẽn như xác không hồn. Vì thế, tác giả quyết định bỏ hẳn tiểu mục Karl Marx. Độc giả có thể dùng đường dẫn dưới đây để tải đề mục bị kiểm duyệt và bổ sung vào trang 457, ở giữa hai phần Adam Smith và John Maynard Keynes :

KARL MARX và Tây Đức thời hậu chiến


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss