Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Thế nào là chiến tranh chính nghĩa ?

Thế nào là chiến tranh chính nghĩa ?

- Vũ Quang Việt — published 19/10/2021 12:00, cập nhật lần cuối 21/10/2021 21:00

Số đặc biệt Diễn Đàn 30 tuổi




Thế nào là chiến tranh chính nghĩa?


Vũ Quang Việt


Cám ơn bạn Ngô Thanh Nhàn và Nguyễn Ngọc Giao đã có ý kiến để bài viết hoàn chỉnh hơn.



Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975 và Liên Xô sụp đổ năm 1991, thế giới tưởng chừng như đi vào giai đoạn hòa bình, nhưng thực tế hoàn toàn khác. Chiến tranh tiếp tục, thường là một bên nhân danh quyền xây dựng một xã hội công bình, hoặc tự do dân chủ và một bên là chiến tranh tự vệ hoặc nhằm bảo đảm sự tồn tại của xã hội xây dựng trên lý tưởng tôn giáo từ ngàn xưa. Và chiến tranh ngày càng mang tính khủng bố từ phía chính quyền và từ các nhóm chống lại. Khủng bố là hành động sử dụng võ khí có khả năng sát thương nhiều người, đánh vào mục tiêu mà kẻ thi hành chiến tranh không thể bảo đảm được rằng võ khí đó không sát thương những người không phải là mục tiêu, tức là những người không tham chiến. Tuy thế, mọi bên tham gia vào chiến tranh hoặc khủng bố đều cho rằng mình có chính nghĩa, mà lờ đi những hành động phi chính nghĩa nói trên. Cho đến nay, khủng bố chỉ được hiểu theo nghĩa khủng bố của cá nhân, của nhóm như của Bin Laden hay của nhóm chủ trương của nhóm “nhà nước Hồi giáo (ISIS)”, mang tính toàn cầu, nhưng liệu có khủng bố mang tính nhà nước không?

Vậy trên cơ sở nào có thể đánh giá tính chính nghĩa của một cuộc chiến tranh? Và khủng bố, những hành vi thực hành chiến tranh phi chính nghĩa là gì? Liệu có loại khủng bố nào có tính chính nghĩa không, và có quyền dùng khủng bố để đạt chính nghĩa không?

Trước tiên, hãy xem xét nền tảng xã hội của con người rồi từ đó xét đến tính chính nghĩa, và xem xét đánh giá tính chất của những cuộc chiến tranh vừa qua.


I. Nền tảng để xã hội con người đạt hòa bình: sự bình đẳng


Những tôn giáo độc thần xuất phát từ Trung Đông, nói chung là Phương Tây, dù là Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo đều chủ trương hòa bình nhưng không bác bỏ hẳn chiến tranh, khi chiến tranh có chính nghĩa.

Chính nghĩa là gì là điều được các triết gia Thiên Chúa giáo phát triển sau này và sẽ bàn đến ở đoạn II. Nhưng trước tiên hãy xem tôn giáo ở phương Tây nói gì về chiến tranh và hoà bình, và cơ sở của hòa bình là bình đẳng giữa con người.

Đã bình đẳng thì còn lý do chính đáng gì để tìm đến chiến tranh, ngoài trừ lòng tham không chính đáng? Nhưng bình đẳng là gì? Không có tôn giáo nào định nghĩa bình đẳng là gì. Có lẽ nhà triết học đầu tiên nói về bình đẳng là Aristotle cho rằng có hai loại bình đẳng: bình đẳng số học (numerical) và bình đẳng cân xứng (proportional) bởi vì con người sinh ra có thể chất và hoàn cảnh khác nhau. Cho nên có thể hiểu được là bình đẳng cân xứng phản ánh phần nào đó qua bình đẳng cơ hội, nhưng cũng đòi hỏi sự phân chia lại (người mạnh khỏe phải lo cho người khuyết tật chẳng hạn, người may mắn chia sẻ lại với người không may mắn). Phật giáo không nói đến bình đẳng, nhưng nếu không “tham sân si” tất nhiên là sẵn sàng chia sẻ, không lấy hơn phần cho mình, do đó cũng không tạo ra cơ hội cho chiến tranh.

Điều có thể thấy khá rõ là tất cả tôn giáo lớn khởi nguồn từ Trung Đông như Thiên Chúa giáo, Hồi giáo đều bắt nguồn từ Do Thái giáo, từ kinh Cựu Ước, mang tính nhất thể hóa, tin rằng thế giới do một thượng đế tối cao duy nhất tạo ra. Trước mặt một Thượng Đế tối cao và duy nhất, mọi người đều bình đẳng.

Chủ trương nhất thần đã xóa bỏ quan niệm đa thần, xóa bỏ tất cả các thần thánh dị biệt mang tính bộ lạc, và chính vì thế đã giảm trừ chiến tranh liên miên giữa các bộ lạc nhỏ bé. Tuy nhiên, người Do Thái giáo tin rằng chúa đã chọn Abraham và dân của ông để mở nước chúa và sau này trao cho Moses 10 điều răn khi ông dẫn dắt dân Do Thái bỏ trốn khỏi thân phận nô lệ ở Ai Cập. Chính vì mang tính quốc gia chủng tộc, Do Thái giáo không mang tính phổ quát, vì như thế trước mặt thượng đế, mọi người đều không hẳn bình đẳng vì dân Do Thái là dân được chúa chọn. Và cũng chính vì thế mà nảy sinh Thiên Chúa giáo với Jesus và sau này là Hồi giáo với Muhammad, mang tính phổ quát cho mọi con người.

Thiên Chúa giáo theo Cựu Ước, cho rằng, nơi nhà đức Chúa Trời, chiến tranh sẽ chấm dứt:

Bấy giờ họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm. Nước nầy chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến tranh.” Isaiah 2:4.

Trong Tân Ước, ngay cả trên trần thế, thái độ hòa bình là chủ trương.

Jesus nói: “ Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn” Matthew 5:39. “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi”. Mathhew 5: 43-44.

Tân ước ghi lời Paul, môn đệ của Jesus của Thiên Chúa giáo ghi lại: “Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đờn ông hoặc đờn bà; vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một.” “Lại nếu anh em thuộc về Đấng Christ, thì anh em là dòng dõi của Ap-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa”. Galatians 3:28- 3.29. Tức là trước mặt thượng đế mọi người đều là dân chúa chọn. Vấn đề là lời dẫn giải này có thể bị hiểu là chỉ dành cho dân chọn Chúa, tức là phải là người Thiên Chúa giáo.

Phải chăng sau này đây là cơ sở để các Giáo hoàng nhân cơ hội kêu gọi các cuộc thánh chiến, xảy ra từ thế kỷ thứ 11 đến 13 (1095 - 1291) nhằm lấy lại Jerusalem đã bị người Hồi giáo chiếm đóng và chặn đứng sự bành trướng của đạo Hồi?

Đối với Hồi giáo, chiến tranh là phương tiện tự bảo vệ khi bị tấn công. Kinh Quaran nhắc lại lời Chúa (Allah) truyền cho Muhammet: “ Quyền (chiến đấu) là thuộc về những người là nạn nhân của chiến tranh do những người muốn áp bức họ thực hiện, và chắc chắn là Chúa (Allah) hỗ trợ họ”, Quaran: 2.39.

Muhammad (570-632 CN) cũng như mọi người Do thái coi mình là con cháu của Abraham, bắt đầu giảng đạo từ năm 40 tuổi (613 CN) khi tự coi là người được chúa chọn mặc khải, ban lời giảng dạy của chúa, và coi Jesus là tiên tri nhưng ông ta là tiên tri cuối cùng. Ông ta và môn đệ bị các bộ lạc cầm quyền địa phương chống đối, bị đánh đuổi khỏi Mecca. Ông và môn đệ đã phải lập căn cứ ở Medina. Và chiến tranh coi như hoàn toàn chính nghĩa khi các bộ lạc chống Hồi giáo từ Mecca tấn công Medina (629-630 CN). Và có thể từ những cuộc bị tấn công của thế lực cầm quyền lo sợ mất thế lực hồi đó mà Muhammad đã trở thành một tướng tài ba trong 8 cuộc chiến tranh tự vệ trong một thập niên nhưng chiến thắng đưa đến việc mở mang Hồi giáo. Với niềm tin là sứ giả của Chúa (Allah), Muhammad đã cách mạng hóa chiến tranh ở Ả Rập, dẫn đến việc thành lập đội quân đầu tiên của thế giới cổ đại trên cơ sở của một hệ thống thần học thống nhất. Kết hợp đạo với đời trong Hồi giáo xảy ra sau khi Muhammad mất và bạn ông là Abu Bar lên thay, trong thời gian 2 năm, đã chiếm lãnh và truyền bá đạo Hồi trên toàn bộ bán đảo Arab, trở thành vua giáo chủ đầu tiên (caliphate) của Hồi giáo, năm 632-634 CN.

Tư tưởng thánh chiến (jihad) và tử vì đạo (shahada) vì đức tin đã được truyền sang phương Tây sau này trong các cuộc chiến tranh giữa người Hồi giáo và Thiên Chúa giáo ở Tây Ban Nha và Pháp và đã cung cấp cho Giáo hội Công giáo sự biện minh về mặt tư tưởng cho các cuộc Thập tự chinh.

Các cuộc thánh chiến nhằm mở mang tôn giáo của Hồi giáo và Thiên Chúa giáo đã không còn mang tính chính nghĩa.


II. Thế nào là chiến tranh chính nghĩa?


Ngoài việc Hồi giáo coi chiến tranh tự vệ là chính đáng như nói ở trên, cho đến nay, triết học cận đại vẫn cũng vẫn dựa vào nguyên tắc mà Thánh Thomas Aquinas (1225-1375) người khám phá ra lại triết học của Aristotle, dung hòa vào thần học Thiên Chúa giáo trong Summa Theologica (volume II, first article, Q.40). Aquinas đưa ra hai nhóm vấn đề mang tính tiêu chí về chiến tranh chính nghĩa: "quyền làm chiến tranh" (jus ad bellum) và "Quyền (hành xử ) trong chiến tranh" (jus in bello). Nhóm tiêu chí đầu liên quan đến tính chất đạo đức khi quyết định tham chiến, và nhóm tiêu chí thứ hai liên quan đến hành vi đạo đức trong hành động khi thực thi chiến tranh. Sau này nhất là qua các tổ chức quốc tế, đã có những lời kêu gọi đưa vào loại thứ ba của lý thuyết hậu chiến tranh chính nghĩa (jus post bellum), đó là yêu cầu đạo đức của việc tái thiết và giải quyết hậu quả sau chiến tranh.

Lý thuyết chiến tranh chính nghĩa giả định niềm tin rằng chiến tranh, tuy khủng khiếp nhưng có thể không tránh khỏi và khi xảy ra, cần các ứng xử đúng đắn. Những trách nhiệm quan trọng, những kết quả không mong muốn hoặc những hành động tàn bạo có thể ngăn ngừa được không thể biện minh bằng việc coi chúng là điều dĩ nhiên của chiến tranh. Thomas Aquinas chỉ tập trung định tính các cuộc chiến tranh mang tính quốc gia. Chúng phải công khai, mục tiêu là nhằm ngăn chặn các tổn thương lớn, thiết lập lại hòa bình, công bằng chứ không vì lợi ích quốc gia và chỉ có thể là giải pháp cuối cùng khi mọi cố gắng bất bạo động không thành công. Tuy vậy, Aquinas có vẻ vượt khỏi làn ranh “chiến tranh tự vệ”. Nhưng nó cũng đưa ra các qui tắc nhằm ngăn chặn các hành động bạo lực, khủng bố phi chính đáng trong chiến tranh mà sau này làm cơ sở để các nước xây dựng lên các công ước quốc tế.

Jus ad bellum (quyền làm chiến tranh) bao gồm sáu nguyên tắc cho một cuộc chiến tranh có chính nghĩa sau:

1. Chính nghĩa (just cause): Chiến tranh là nỗ lực nhằm ngăn chặn các loại thương tổn thật sự khác.

2. Đúng thẩm quyền và tuyên bố công khai (legitimate authority): Để trở thành một cuộc chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh không chỉ phải được tuyên bố công khai, mà còn phải được tuyên bố bởi chính quyền thích hợp hoặc một cơ quan hợp pháp. Trong thời hiện đại hiện, quyền hạn thích hợp là Chủ quyền, là cơ quan quyền lực tối cao trong một lãnh thổ. Trong luật quốc tế, chủ quyền là việc một nhà nước thực hiện quyền lực.

3. Mục tiêu chính đáng (right intention):

- không được theo đuổi các lợi ích quốc gia được xác định một cách hạn hẹp, mà là nhằm thiết lập lại hòa bình và công bằng. Hòa bình phải là được ưu tiên trước và sau chiến tranh.

- không thể gây chiến, hay tham gia chiến tranh chỉ để thôn tính tài sản hoặc cài đặt một sự thay đổi chế độ.

- Chính nghĩa bao gồm sự can thiệp nhân đạo, đặc biệt khi các hành động "làm chấn động lương tâm".

4. Xác suất thành công (reasonable prospect of success): Phải có đủ cơ sở để xác định tính chính nghĩa là mục tiêu phải có khả năng đạt được. Không thể chỉ nói chuyện đạo đức mà phải trên cơ sở thực tế vì mạng người bị hy sinh.

5. Tính cân đối tương thích (proportionality): Bạo lực được sử dụng trong chiến tranh phải tương xứng với các mục tiêu quân sự. Mục tiêu này loại trừ các chính sách "diệt cho bằng sạch" (scorched earth). Mức độ chiến thắng của quân đội phải tỷ lệ thuận với mức độ tàn phá xảy ra sau đó. Ví dụ, nếu có một chiến binh của kẻ thù trong một trung tâm mua sắm với 400 thường dân, mà đem đặt bom hay ném bom làm nổ tung cả quảng trường là không cân xứng, hay dùng phí pháo định giết một người nghi ngờ mà giết tới 10 người không liên quan là phi nghĩa.

6. Chiến tranh là chọn lựa cuối cùng (last resort): Chiến tranh chỉ là lựa chọn cuối cùng sau khi tất cả các lựa chọn bất bạo động nhằm tránh chiến tranh trước đó đã không đưa đến kết quả.


Quyền (hành xử) trong chiến tranh (jus in bello) cũng được đề cập tới đặc biệt là trong luật quốc tế sau này. Chúng bao gồm 3 nguyên tắc chính nhằm tránh gây thương tích, thiệt hại cho người không tham chiến:

1. Phân biệt đối xử (Discrimination): Những phe tham chiến luôn phải phân biệt giữa mục tiêu quân sự và dân thường, và chỉ có thể cố ý tấn công các mục tiêu quân sự.

2. Tính cân đối tương thích (proportionality): Cần thấy trước những tác hại ngoài ý muốn phải tương xứng với lợi thế quân sự đạt được.

3. Sự cần thiết (necessity): phải sử dụng các phương tiện ít độc hại nhất có thể thực hiện được.

Dù chiến tranh có chính nghĩa, nhưng không nhất thiết là không vi phạm tội ác chiến tranh. Tất cả các hành vi giết, cướp bóc, đối xử tàn nhẫn, truy bức thương binh, hàng binh đều bị coi là phi chính nghĩa, và đặc biệt sau này được đưa vào các qui chế hành xử trong chiến tranh và tội ác chiến tranh trong Công ước Hague (1899, 1907) và Công ước Geneva (1864, 1906, 1929, 1949) và các nghị quyết thêm vào sau này. Thí dụ Công ước 1907 cấm "phóng đạn và chất nổ từ bóng bay hoặc bằng các phương pháp mới khác tương tự” và sau đó còn thêm điều 25 “cấm tấn công hoặc bắn phá, bằng bất cứ phương tiện nào, vào thị trấn, làng mạc, nhà ở, hoặc các tòa nhà không có người bảo vệ đều bị cấm”. Rất tiếc là Công ước này chỉ được một nước thông qua: đó là Nicaragua. Do đó mà việc sử dụng lan tràn võ khí dễ giết người vô tội bằng máy bay, phi tiễn đã diễn ra ở mức kinh hoàng sau đó.

Về mặt luật quốc tế, thông thường tổng thống một nước được quyền miễn nhiễm về các hành vi tội phạm trước tòa án nước ngoài vì lý do chủ quyền, nhưng mới đây đã có sự thay đổi là kể cả tổng thống cũng đã bị tước quyền miễn nhiễm trong một số trường hợp như tội ác quốc tế trước Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court). Có một số trường hợp sau đã xảy ra. Năm 1998, Tây Ban Nha quyết định xử cựu Tổng thống Pinochet của Chile và bị bắt ở Anh là trường hợp đặc biệt, lấy lý do tội ác tra tấn mang tính quốc tế. Sau đó, năm 1999, Tòa án Quốc tế mở cuộc xử Milosovic, tổng thống Nam Tư, về tội ác chiến tranh. Đây là trường hợp xử đặc biệt khi Milosovic còn tại chức, và bị bắt năm 2001 sau khi mất chức, nhưng vụ xử phải dừng vì ông ta chết trong nhà tù năm 2006. Đấy là những người không còn tại chức. Điển hình thứ hai là vụ Tòa án Hình sự Quốc tế yêu cầu Nam phi bắt Tổng thống Sudan, Omar Al-Bashir khi ông này tới thăm Nam Phi vào năm 2015, còn Tòa án Tối cao Nam Phi yêu cầu chính quyền Nam Phi thi hành, nhưng chính phủ này từ chối thi hành mà quyền lực quốc tế và quốc gia Nam Phi vẫn không thể làm gì. Nhưng điều đáng nói là các vụ xử dù người là đứng đầu quốc gia còn tại chức, họ đều là từ nước nhỏ. Chưa từng có một tổng thống một cường quốc nào bị đem xử vì tội ác chiến tranh dù khi còn tại chức hay mất chức. Và điều này có lẽ cũng sẽ không bao giờ xảy ra trong tương lai.

Trường hợp duy nhất là Tòa án Tội phạm Chiến tranh Quốc tế do triết gia Betrand Russel đứng ra tổ chức đã kết luận Mỹ "phạm tội như bị lên án, bao gồm diệt chủng, sử dụng vũ khí cấm, ngược đãi và giết hại tù nhân, bạo lực và cưỡng bức di chuyển tù nhân" ở Việt Nam và các nước láng giềng Lào và Campuchia. Nhưng đó chỉ là kết án của một nhóm dân sự không có thẩm quyền pháp lý.


III. Về tính chính nghĩa của các cuộc chiến tranh gần đây


Hãy thử đánh giá các cuộc chiến tranh gần đây dựa vào lý thuyết chiến tranh chính nghĩa. Ở đây, dựa vào lý thuyết về Thánh Tomas Aquinas, chỉ có cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (1991) đánh đuổi Sadam Hussein khỏi Kuwait đã bị ông ta gửi quân đóng chiếm mới có thể gọi là cuộc chiến tranh chính nghĩa, bởi vì do chính quyền Kuwait yêu cầu và được Hội đồng Bảo an của LHQ bỏ phiếu ủng hộ. Nhưng việc Mỹ chiếm Iraq, giết Sadam (2003) và việc Mỹ mang quân lật độ chế độ Taliban kỳ một (2001) cũng không thể coi là chiến tranh chính nghĩa. Cũng là phi chính nghĩa khi Liên Xô đem quân chiếm Afghanistan (1979).


A. Các cuộc chiến tranh để kiểm soát tài nguyên


Khởi nguồn là cuộc chiến tranh do Sadam Hussein chiếm Kuwait để kiểm soát dầu hỏa (chiến tranh phi nghĩa) và Mỹ mang quân đánh đuổi (chiến tranh chính nghĩa), nhưng rồi sau đó Mỹ đưa quân chiếm Iraq, giết Sadam và ở lại gần chục năm, rõ ràng là phi nghĩa.

Cuộc chiến tranh này tạo ra từ một chuỗi sự kiện làm tăng khủng hoảng ở Trung Đông và là mầm mống gây ra sự kiện khủng bố ở New York ngày 11/9/2001 và đưa đến cuộc chiến tranh ở Afganistan sau này.

Cuộc xâm lược Kuwait của Iraq (Kuwait Invasion, 1990)

Sadam Hussein, nhà độc tài ở Iraq, tấn công Kuwait ngày 2-4 tháng 8 năm 1990 và chiếm đóng Kuwait trong 7 tháng. Lý do là Sadam Hussein muốn kiểm soát nâng giá dầu hỏa trên thị trường thế giới, khi đó giảm một nửa (từ gần $40 xuống $10 một thùng) do các nước ở vùng Vịnh tăng sản xuất vượt hạn ngạch (quota), gây khó khăn cho Iraq. Nhưng lấy lý do Kuwait sản xuất vượt hạn ngạch chỉ là cái cớ để chiếm Kuwait, Hussein muốn đe đọa các nước khác ở Trung Đông, tiếp tục tham vọng bá chủ Trung Đông, mà trước đó là cuộc tấn công Iran vào những năm 1980 với ý đồ chận đứng sự bành trướng của chế độ thần quyền ở Iran. Kuwait lúc đó chỉ có sản lượng dầu bằng 5,6% sản lượng dầu của cả khu vực Trung Đông, chỉ bằng một nửa sản lượng của Iraq là 12,5%, và nhỏ hơn nhiều so với Iran là 19% và Saudi Arabia là 41% do đó Kuwait không có khả năng kiểm soát giá dầu.

Chiếm Kuwait là việc làm rất dễ thực hiện vì nó là nước rất nhỏ bé với số dân bản địa chỉ khoảng 500 ngàn nằm cạnh Iraq với số dân 17.4 triệu. Cuộc chiến tranh của Hussein rõ ràng là phi chính nghĩa. Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc lên án và ra lệnh cấm vận Iraq.

Chiến tranh Vùng Vịnh của Mỹ (Gulf War, 1991)

Ngày 17/1 đến 28/2 năm 1991 Mỹ, Tổng thống George H. W. Bush (Bush bố) cùng liên quân 35 nước thực hiện cuộc chiến tranh vùng Vịnh tiến công đánh đuổi Iraq khỏi Kuwait (Gulf War). Hành động của Mỹ và liên quân xảy ra sau khi Hội đồng Bảo an LHQ ra quyết nghị đòi hỏi Hussein phải rút quân trước ngày 15/1/1991. Hussein từ chối và liên quân hành động. Quân Iraq hoặc chạy về nước hoặc phải hàng. Ngày 28/2/1991 Mỹ tuyên bố đình chiến. Ngày 3/4/1991 Hội đồng Bảo An tuyên bố để chấm dứt chiến tranh, Hussein phải phá hủy võ khí hủy diệt hàng loạt (weapon of mass destruction). Hussein đồng ý với đề nghị của HDBA. Đây rõ ràng là một cuộc chiến tranh chính nghĩa của Mỹ, đánh đuổi quân xâm lược Hussein.

Chiến tranh Mỹ chiếm đóng Iraq (2003 invasion of Iraq)

Tổng thống Mỹ George W. Bush (Bush con) xảy ra từ tháng 3 – 5, 2003, với sự ủng hộ của Anh, Úc, Ba Lan đem quân chiếm iraq với lý do Sadam Hussein có võ khí nguyên tử, và Sadam chứa chấp al-Qaeda. Sadam bị giết, Mỹ dựng lên chính quyền theo Mỹ, nhưng cuộc chiến tranh kéo dài và vẫn kéo dài dù Mỹ rút quân vào năm 2007 và mãi đến tháng 12 2011, Mỹ mới tuyên bố chấm dứt chiến tranh.

Chẳng ai tìm ra được võ khí nguyên tử. Ủy ban điều tra về 11/9/2001 của Mỹ cũng kết luận là không có quan hệ giữa Sadam Hussein và Al-Qaeda. Cuộc chiến coi như không có lý do, phi nghĩa và chỉ được vài nước thân thiết của Mỹ ủng hộ, các cường quốc khác như Pháp, Đức Canada, New Zealand đều chống lại. Lý do của cuộc chiến tranh không phải là Hussein mà là Bush muốn chứng tỏ với khu vực Trung Đông sức mạnh của Mỹ và qua đó chứng tỏ với dân Mỹ rằng mình là tổng thống cương quyết. Một số nhà phân tích chính trị cho rằng Bush gây chiến vì sau 11/9/2001, dư luận thế giới đánh giá thấp Mỹ1. Còn dư luận Mỹ vào cuối nhiệm kỳ 1 và trước cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2 đánh giá Bush cực thấp. Và đây mới là lý do Bush tấn công lật đổ Sadam. Chính Tổng thư ký LHQ Kofi Annan năm 2004 cho rằng đây là cuộc chiếm đóng phi pháp, vi phạm Hiến chương LHQ.

Thần quyền và dầu lửa

Chính sự nổi lên của chủ nghĩa thần quyền Hồi giáo ở Iran và các cuộc chiến tranh ở Trung Đông khởi nguồn từ tham vọng của Sadam Hussein ở Iraq đã đưa việc Mỹ chiếm đóng Iraq và xây dựng thể chế thân Mỹ. Sự chiếm đóng này, tất nhiên là bất hợp pháp và bị lên án bởi LHQ, đã đẩy mạnh thêm phong trào thần quyền Hồi giáo ở Iran cũng như ở Saudi Arabia, họ cũng tranh chấp nhau, nhưng đồng thời tài trợ các phong trào thần quyền khắp nơi, kể cả thần quyền mang tính khủng bố nhằm chống Mỹ, mà theo họ, là nhằm chống lại sự can thiệp của Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo.

Con đẻ của các phong trào thần quyền Hồi giáo mang tính khủng bố này là Al-Qaeda của Bin Laden (2001), sau này là Quốc gia Hồi giáo ISIL – Islamic State of Iraq and the Levant (2014 trở đi) với quan niệm vua - giáo chủ (Caliphate) nổi lên chống chế độ do Mỹ dựng lên ở Iraq rồi lan rộng ra Syria. Vua – giáo chủ là hình thức cai trị của thời đế quốc Hồi giáo Ottoman ngự trị ở Trung Đông từ 1517-1875. Khi nói đến chiều hướng chống chế độ do Mỹ dựng lên cũng đồng thời nói lên cuộc xung đột giữa hai nền văn minh, văn minh thần quyền Hồi giáo từ thời Muhammad và văn minh dựa vào tư tưởng tự do của thời kỳ ánh sáng bắt nguồn từ tây phương, nhưng điều cần thấy là khi tư tưởng gọi là tự do mang tính áp đặt từ một lực lượng quân sự của một quốc gia ngoại bang khác tôn giáo thì việc làm đó bị dân bản địa tôn sùng tôn giáo của họ coi là áp bức, tước quyền dân tộc tự quyết và chống lại là chuyện dễ hiểu. Vấn đề vua-giáo chủ của Hồi giáo là đặc thù, rất khác giáo hội Thiên Chúa giáo. Khi Thiên Chúa giáo không còn bị đàn áp và được Hoàng đế ở La Mã chấp nhận thì nó là một tôn giáo tản quyền với các bishops (giám mục, cũng được gọi là giáo hoàng – pope chỉ có nghĩa là “thày”) ở nhiều vùng khác nhau. Chỉ đến thế kỷ thứ hai mới có giám mục La Mã, ngoài các giám mục ở các vùng khác. Ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo khi được chấp nhận, phải dựa vào thế quyền để tồn tại, và sau đó ảnh hưởng đến thế quyền, kể cả việc chỉ định hay ủng hộ vương quyền ở các nước tại châu Âu, nhưng chưa bao giờ có sức mạnnh như vua – giáo chủ của Hồi giáo. Sự tăng uy quyền của Giáo hoàng ở Rome đã đưa đến khác biệt về thần học và qua đó đòi hỏi cải cách tôn giáo và xã hội, đặc biệt của Martin Luther thế kỷ 16 và sau đó đã làm nảy sinh các hệ phái khác ngoài Công giáo ở La Mã. Từ đó với cuộc cách mạng khoa học và tư tưởng tự do cá nhân ở châu Âu đã đẩy lùi Thiên Chúa giáo khỏi vai trò độc tôn hoặc trọng yếu trong hoạt động xã hội dân sự và chính trị.


B. Các cuộc chiến tranh mang tính áp đặt chính trị và tôn giáo


Ảnh hưởng của tôn giáo, đặc biệt là Hồi giáo không biến mất trong các xã hội mà dân chúng còn qui tụ quanh bộ lạc cùng truyền thống và lịch sử và còn vai trò đặc biệt quan trọng của các lãnh tụ bộ lạc. Chính tôn giáo đã nối kết các bộ lạc này với nhau. Ý thức quốc gia có thể vẫn còn là yếu tố phụ. Vì thế mà rất nhiều cuộc chiến tranh ở Trung Đông và Trung Á ngày càng mang mầu sắc tôn giáo và bộ lạc. Và có thể nói là các kiểu khủng bố quá đà của chiến binh tôn giáo này là nhằm xóa đi các nền văn minh dựa vào chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa tự do dân chủ mà Liên Xô hay Mỹ muốn áp lên họ.

Chiến tranh xâm lược của Liên Xô vào Afghanistan 1979-1989.

Cuộc chiến xâm lược của Liên Xô bắt đầu từ 1979 với lý do đáp ứng yêu cầu của chính phủ Cộng sản Afghanistan dựa vào hiệp ước hữu nghị giữa 2 “nước”, khi mà chủ tịch Đảng Cộng sản Afghanistan vẫn còn lưu vong ở nước ngoài. Mục đích chính là dựng lên một chính quyền cộng sản ở đó. Chính quyền thân Liên Xô bị các tầng lớp dân bản địa, được tổ chức thành các lực lượng chiến binh Mudjaheeden đạo Hồi chống lại bằng chiến tranh với sự trợ giúp đắc lực về võ khí và tiền bạc của Mỹ, Pakistan và Saudi Arabia, và đặc biệt là với võ khí mới có khả năng di động nhanh là hỏa tiễn đeo vai có thể đánh phá đồn bót, xe tăng và máy bay. Chính với võ khí mới này mà cuộc chiến tranh trở thành đẫm máu, ngày càng đẩy dân bộ lạc vào cuộc chiến tranh du kích hiện đại và nguy hiểm. Cuối cùng, Gorbachev đã phải chịu thua, quyết định rút lui vào cuối năm 1988 vì không chịu đựng nổi hy sinh quá lớn về người và tiền của. Số dân Aghanistan bị giết ít nhất là hơn 500 ngàn người dân địa phương. Cuộc chiến của Liên Xô với mục đích là nhằm dựng lên một chế độ cộng sản cũng “nhất thần” với vai trò quyết định duy nhất của lãnh tụ đảng rõ ràng là phi nghĩa.

Nội chiến (1990-2001) và chiến tranh giữa Mỹ với Taliban (2001-2021) ở Afghanistan.

Năm 1992, chính quyền cộng sản đổ, chính quyền chuyển tiếp ra đời, nhưng không tạo được đoàn kết trong một đất nước nhiều bộ tộc, nội chiến xảy ra, cho đến khi Tabiban, nhóm chiến binh Hồi giáo thoát thai từ các trường đạo quá khích, nắm được chính quyền, và cai trị từ 1996 đến 2001. Taliban chính là nhóm chiến binh được sự ủng hộ tiền và võ khí của Mỹ và Saudi Arabia qua sự hợp tác của Pakistan, nhưng họ lại muốn một chính quyền Hồi giáo cực đoan.

Taliban theo phái Hồi giáo Wahabi ở Saudi Arabia, mà phái này chủ trương niệm trở về với Hồi giáo tinh khiết, cầu kinh ngày 5 lần, cấm phụ nữ đi học và làm việc ngoài gia đình ngoài trừ trong y tế; khi đi khỏi nhà phải mặc áo dài đen, trùm đầu và che mặt và có đàn ông trong gia đình đi kèm, và mọi nơi đều có cảnh sát tôn giáo kiểm tra hành vi. Các hành vi này có thể nói là không phù hợp với các nguyên tắc về đạo Hồi trong kinh Quaran nếu ta tìm chương trích cú, nó là quan niệm chỉ xuất hiện từ thế kỷ 18 nhưng là giáo phái chính thống ở Saudi Arabia, mà ở đó mọi biểu hiện của tôn giáo khác hoặc các phái Hồi giáo khác đều bị cấm hoặc bị giết (như giáo phái Shiite). Các biểu hiện này có thể nói là chỉ tìm thấy ở Saudi Arabia, chứ không thấy ở Iran, một nước cũng chủ trương Hồi giáo bảo thủ, và không thể tìm thấy ở các nước Hồi giáo ở Trung Đông như Kuwait, UAE, Qatar, Oman, và đặc biệt là khó tìm thấy ở các nước đã tiếp cận với các nền văn minh mới như ở Indonesia, Malaysia, Bangladesh.

Taliban Họ từ chối nhận viện trợ nhân đạo từ các tổ chức quốc tế. Năm 2000, Nghị quyết Hội đồng Bảo An LHQ ra đời kết án chính quyền Taliban về hành vi này.

Nhưng chính sự kiện ngày 11/9/2001 (thường được gọi là theo kiểu Mỹ là sự kiện "9/11")2 là cơ hội Mỹ đem quân chiếm Aghanistan, lấy cớ Taliban chứa chấp Bin Laden, người tổ chức cuộc cướp máy bay đâm vào tòa tháp đôi ở New York, giết gần 3000 người. Sự thật không phải thế. Khi Mỹ đòi hỏi Taliban giao lại Bin Laden, người chủ trương cuộc khủng bố 9/11, cho Mỹ thì Taliban đưa ra điều kiện phải đem Bin Laden ra tòa xử, nhưng Mỹ từ chối và đem quân chiếm Afghanistan, lật đổ chính quyền Taliban và dựng lên chính quyền thân tây phương và Mỹ. Mỹ bắt đầu chiến dịch ném bom vào tháng 10, 2001 và tháng 4 năm sau mới gửi quân chiếm đóng. Lúc đầu, chỉ có Anh ủng hộ Mỹ. Nên nhớ rằng Taliban chỉ chủ trương xây dựng một nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan và chỉ được dân bán địa Pashtun (chiếm 38-50% dân số) ủng hộ. Họ rất khác Bin Laden và cũng như nhóm ISIS chủ trương phát động thánh chiến (Jihad) để trở về Vua – Giáo chủ trên toàn thế giới như thời đế quốc Ottoman.

Khó có thể nói cuộc chiến tranh lật đổ Taliban, chiếm đóng Afghanistan là cuộc chiến tranh chính nghĩa vì rõ ràng lý do đưa ra là không đúng sự thật, và rồi mang tính khủng bố, săn lùng, bỏ bom để diệt những người ủng hộ Taliban đã đưa đến hậu quả Taliban ở nông thôn đã thu hút được người ủng hộ, sống còn suốt 20 năm và khi Mỹ rút thì họ nhanh chóng nắm lại quyền hành.

Cuộc chiến tranh ở Aghanistan làm Mỹ tốn kém 2.313 tỷ US và làm thiệt hại tính mạng của 243.000 người, phần lớn là người bản xứ, thì rõ ràng là một cuộc chiến tranh áp đặt của Mỹ là phi nghĩa, vì không thể biện minh bằng ý đồ lập nên một chế độ dựa trên nguyên tắc tôn trọng nhân quyền và tự do cá nhân. Nhưng cũng không thể nói Taliban là chính nghĩa khi dựa vào các tiêu chuẩn của Thomas Aquinas bàn đến ở trên.


Kết luận


Các triết gia sẽ còn phải bàn nhiều về tính chính nghĩa của một cuộc chiến tranh. Nhất là cuộc chiến tranh nào cũng có ba giai đoạn: Lý do chính đáng về quyết định làm chiến tranh, tính chính đáng trong việc thực thi các hành động chiến tranh, và trách nhiệm đạo đức trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh. Tính chính nghĩa ít nhất đòi hỏi chiến tranh có thể chỉ chính đáng khi mang tính tự vệ, và mục tiêu chính là lấy lại hòa bình và bình đẳng giữa con người, và cuối cùng là giải quyết các hậu quả của chiến tranh. Nhưng liệu chiến tranh nhằm ngăn ngừa chiến tranh, như Aquinas ám chỉ, có thể chính đáng không? và điều kiện nào mới chính đáng?

Cho đến nay không có luật quốc tế nào qui định thật rõ ràng về tính chính nghĩa của một cuộc chiến tranh, và nhất là quyền và trách nhiệm của công pháp, độc lập với chủ quyền quốc gia về một cuộc chiến tranh phi chính nghĩa. Tòa án quốc tế sau này đã lên án và đưa xử một vài người cầm quyền về tội ác chiến tranh lúc họ đang cầm quyền và nhất là sau khi cầm quyền, tước bỏ quyền miễn nhiễm nhân danh chủ quyền. Nhưng đây chỉ là các cuộc xử thủ lãnh vài quốc gia nhỏ bé. Chưa ai dám đưa ra xử thủ lãnh của một cường quốc nào. Có thể cần một tòa án quốc tế nằm ngoài quyền lực nhà nước, nhưng cần luật lệ rõ ràng và dư luận thế giới đồng tình. Điều này có thể chỉ là viễn mơ vì ngày càng có sự chia rẽ trầm trọng trong dư luận thế giới.

Nhưng như đã phân tích, dù chiến tranh có chính nghĩa thì tính chính nghĩa cũng không phải là điều kiện đủ để theo đuổi bất cứ phương tiện nào cần thiết nhằm giành chiến thắng hoặc trừng phạt kẻ thù.

Công ước Geneva và các nghị định thư là Luật nhân đạo quốc tế (International Humanitarian law) đã có nhiều qui định cụ thể về các hành vi bị cấm trong việc tiến hành xung đột vũ trang giữa các nước cũng như nội chiến và tìm cách hạn chế ảnh hưởng của nó, đặc biệt bảo vệ những người không tham gia vào các cuộc chiến tranh (dân thường, nhân viên y tế và nhân viên cứu trợ) và những người không còn tham gia vào các cuộc chiến tranh, chẳng hạn như những người lính bị thương, bệnh tật và đắm tàu và tù nhân chiến tranh. Công ước Geneva đặc biệt nghiêm cấm “các biện pháp khủng bố” hoặc “các hành động khủng bố”. Ngoài ra, “các hành vi hoặc đe dọa bạo lực với mục đích chính là gieo rắc nỗi kinh hoàng trong cộng đồng dân sự” cũng bị nghiêm cấm. Những điều cấm này nhằm mục đích làm nổi bật trách nhiệm hình sự của cá nhân và bảo vệ chống lại sự trừng phạt tập thể.

Nhiều vấn đề mà các nhà triết học hiện đại còn đang tranh luận và chưa được đưa vào công pháp quốc tế, hoặc cần tranh luận làm rõ:

- Dù chấp nhận rằng chiến tranh là giải pháp cuối cùng, nhưng nó cho phép đánh phủ đầu (preemptive strike) nhằm tránh chiến tranh không?

- Các bên tham chiến chỉ được phép tấn công lực lượng tham chiến đối phương, và không được phép giết người bừa bãi – không đúng mục tiêu, nhưng ai là người có trách nhiệm: lực lượng tham chiến hay thủ lãnh quốc gia có trách nhiệm? Như các cuộc tấn công vào thường dân như đã xảy ra ở Afghanistan, hay trước đây khi Mỹ bỏ bom bừa bãi ở Hà Nội hay ở Campuchia, hay khi Việt Cộng tấn công nhân dịp Mậu thân vào các thành phố lớn đông người, hoặc bắt giết những người bị tình nghi là theo phía “bên kia”?

- Việc thải chất độc hóa học để làm cây trụi lá, lấy mất chỗ trú ẩn của đối phương nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe dân chúng trong vùng thời gian đó và nhiều đời sau có phải là tội ác chiến tranh không?

- Nhưng có lẽ điểm quan trọng cần làm rõ là tính chính nghĩa của một cuộc chiến tranh. Có thể coi là chính nghĩa khi đem quân đến tấn công ủng hộ việc xây dựng một xã hội theo hình ảnh của mình dù là chế độ cộng sản hay chế độ dân chủ tự do không, dù là được một phe đang cầm quyền trong nội bộ quốc gia đó yêu cầu? Đấy chính là lý do Liên Xô dùng để chiếm đóng Afghanistan năm 1979 nhằm dựng lên chế độ cộng sản ở đó, lấy lý do theo lời mời của Đảng Cộng sản Afghanistan, nhưng thực chất là nhằm bành trướng quyền lực tới vùng Trung Á. Đấy cũng là lý do Mỹ gửi quân chiếm Iraq năm 2003 để xóa sổ chế độ độc tài Saddam Hussein lấy lý do Saddam có võ khí nguyên tử và sau đó ở lại với lý do dựng lên chế độ “dân chủ”, hoặc là Mỹ gửi quân lật đổ Taliban trước đây.

- Và vấn đề hậu chiến tranh dù cho rằng đó là một cuộc chiến tranh chính nghĩa, liệu đó là chính nghĩa hay phi nghĩa khi hành xử của bên thắng cuộc đầy đọa và phân biệt đối với bên thua cuộc, đặc biệt là những người không tham chiến và đẩy cả hàng triệu người bỏ chạy, với rất nhiều chết trên biển hay tù tội?

- Vấn đề trừng phạt bên phi nghĩa cũng là vấn đề cần đặt ra. Giả thiết rằng cuộc chiến thắng của chính quyền Taliban hiện nay là phi nghĩa, có nên có hành động trừng phạt cả dân tộc ở Afghanistan, như cấm vận toàn diện, cắt viện trợ nhân đạo hay chỉ nên tập trung vào nhà cầm quyền?

- Cuối cùng vẫn là cơ quan quốc tế nào có quyền đưa một lãnh tụ ra xử tội phạm chiến tranh?

Nguyên nhân cơ bản của chiến tranh là không có bình đẳng, bình đẳng trong một quốc gia hay bình đẳng giữa các quốc gia. “Nội chiến” có thể sẽ là một nét đáng lo ngại đang trỗi dậy trên thế giới. Các xã hội ngày nay, không chỉ ở Afghanistan mà còn ở Mỹ và châu Âu đầy những kẻ khốn cùng, nếu không phải là số đông thì cũng là số không nhỏ trong xã hội, nhưng lại nằm ở dưới đáy đã bị các nhóm chính trị gia hám quyền khích động và ngày càng mang tính khủng bố. Sự phát triển của công nghệ mới ngày càng đưa đến dư thừa lao động, và tự do lưu chuyển tư bản cũng lại làm trầm trọng thêm việc dư thừa lao động ở nước phát triển khi tư bản chuyển khỏi chính quốc để dùng lao động ở các nước nghèo. Lợi nhuận ngày càng tập trung vào một số nhỏ người. Bình đẳng ngày càng trở nên vấn đề của thế giới.

Thế giới phẳng đang từ từ biến mất. Hình như các nước lớn đang đứng trước lựa chọn: tăng bình đẳng xã hội bằng cách phân phối lại lợi tức để mọi người có cơ hội, hoặc đóng cửa biên giới quốc gia để bảo vệ việc làm? Vậy thì đâu là chọn lựa trung dung?

Vũ Quang Việt

8/10/2021


Tham khảo chính


Các tham khảo được nối kết thẳng trong bài. Nhưng đây là hai tham khảo chính.

1. Internet Encyclopidia of Philosophy, Just war Theory: https://iep.utm.edu/justwar/

2. Standford Encyclopidia of Philosophy, War: https://plato.stanford.edu/entries/war/


Chú thích :


1 Cụ thể nhất theo đánh giá của Peter Bergen trong Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện Mỹ (2009), Bin Laden và Al-Qaeda nghĩ rằng Mỹ là một con hổ giấy, một cuộc tấn công khủng bố sẽ khiến Mỹ phải rút quân từ Trung Đông giống như Mỹ đã rút khỏi Beirut (1983) sau khi ném bom giết chết 242 lính Mỹ, rút khỏi Somalia (1993) sau 18 người lính bị giết ở Mogadishu, và tất nhiên là việc Mỹ quyết rút khỏi Việt Nam sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân (1968).

2 Bin Laden và Al-Qaeda dấy lên chiến dịch khủng bố giết người Mỹ vì lý do tôn giáo, còn về mặt quân sự thì cho rằng Mỹ yếu, một con hổ giấy, như đã nói trong chú thích 1/.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Kỷ yếu 30 năm
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss