Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / THUYỀN CHIẾN TRIỀU NGUYỄN QUA MÔ TẢ TRONG SÁCH HẢI QUỐC ĐỒ CHÍ

THUYỀN CHIẾN TRIỀU NGUYỄN QUA MÔ TẢ TRONG SÁCH HẢI QUỐC ĐỒ CHÍ

- Phạm Hoàng Quân — published 03/02/2021 14:25, cập nhật lần cuối 03/02/2021 15:38

THUYỀN CHIẾN TRIỀU NGUYỄN QUA VÀI TƯ LIỆU XƯA (1)


                                             

THUYỀN CHIẾN TRIỀU NGUYỄN
QUA MÔ TẢ TRONG
SÁCH HẢI QUỐC ĐỒ CHÍ

                                                                                            


Phạm Hoàng Quân

                                                                                               

   

Tên sách Hải quốc đồ chí (của Trung Quốc) khá quen thuộc đối với học giới Việt Nam qua một địa đồ vẽ vùng biển Đông Nam Á được trích dẫn nhiều lần trong những bài viết về lịch sử địa lý Biển Đông. Trong bộ sách gồm 100 quyển này, ngoài bức địa đồ “Sự thay đổi địa danh các nước Đông Nam Dương” in ở quyển 3, còn nhiều ghi chép liên quan đến lịch sử địa lý Việt Nam nằm rải rác ở một số quyển khác, và khá đặc biệt là đã lưu giữ một tài liệu lược tả về mô hình thuyền chiến thời Minh Mạng. Mảng tư liệu này có thể bổ túc phần nào cho các nghiên cứu về lịch sử tàu thuyền Việt Nam, một đề tài đang thiếu hụt loại tư liệu mô tả cụ thể về kết cấu, về quy cách hay những đồ hình tổng thể hoặc các bộ phận tàu thuyền mà chúng vốn là những yếu tố kỹ thuật quan trọng không chỉ trong nghiên cứu lịch sử lý thuyết mà còn rất quan trọng trong việc phục dựng mô hình trực quan.


I. Tóm lược về tác giả, tác phẩm, ấn bản Hải quốc đồ chí.


Ngụy Nguyên (魏源, 1794-1857), người huyện Thiệu Dương tỉnh Hồ Nam, còn có tên Viễn Đạt (遠達), tự Mặc Thâm (默深). Tiến sĩ triều Đạo Quang, từng nhậm Nội các Trung thư, rồi nhận lời mời của Tuần phủ Giang Tô lo việc quy hoạch, đốc suất thi công hệ thống thủy lợi và vận tải đường sông. Sau Chiến tranh nha phiến (1840), Ngụy Nguyên nhận ủy thác của Tổng đốc Lưỡng Quảng Lâm Tắc Từ, thu thập tài liệu trong và ngoài nước, kết tập thành sách Hải quốc đồ chí. Ngoài Hải quốc đồ chí, tác phẩm tiêu biểu của Ngụy Nguyên có Hoàng triều kinh thế văn biên (1826, cùng Hạ Trường Linh), Thánh võ ký (1842), Cổ Vi Đường tập (1878),  Nguyên sử tân biên (1905).

Hải quốc đồ chí (海國圖志) có 3 bản in, bản in lần đầu 50 quyển vào năm 1842, lần hai 60 quyển (1847) và lần ba 100 quyển (1852), nội dung chính viết về lịch sử, địa lý, chính trị các nước trên thế giới và khoa học kỹ thuật hải quân phương Tây. Khoảng năm 1838, Khâm sai đại thần kiêm Tiết chế Thủy sư Quảng Đông Lâm Tắc Từ – người chủ xướng “ học kỹ thuật phương Tây để đối phó phương Tây ” (sư Di chi trường kỹ dĩ chế Di / 師夷之長技以制夷) – tập hợp một số trí thức tiến bộ ở Quảng Đông biên dịch bộ Encyclopædia of Geography, a Description of the Earth, physical, statistical, civil, and political (London, 1834) của tác giả người Anh Hugh Murray, bản dịch được đặt tên tiếng Trung Hoa là Tứ Châu chí (四洲志) (Ghi chép về Bốn châu) 1. Tháng 3 năm 1839, Lâm thực hiện chiến dịch tiêu hủy nha phiến ở Quảng Châu, tháng Giêng năm 1840 nhậm Tổng đốc Lưỡng Quảng, nhưng do áp lực của phe chủ hòa, đến tháng 10 thì bị cách chức. Năm 1841, trước khi phải thuyên chuyển về phía bắc, Lâm Tắc Từ đã giao bản thảo Tứ Châu chí cho Ngụy Nguyên, với mục đích tăng bổ soạn tập lại để nó thành bộ sách có thể đánh động dư luận, cảnh báo nguy cơ mất nước do tình trạng ngu muội và sáo rỗng của phần lớn quan lại và trí thức đương thời. Trên cơ sở bản dịch sơ thảo Tứ châu chí, Ngụy Nguyên kết tập thêm và tăng bổ rất nhiều, làm thành bộ Hải quốc đồ chí.

Nội dung của 3 bản in (qua 3 lần in) Hải quốc đồ chí tóm tắt như sau :

       * Hải quốc đồ chí 50 quyển (1842), Quyển 1 là phần “ Trù hải thiên – Nghị thủ ” (Kế sách phòng vệ biển — Luận về phòng thủ) do Ngụy Nguyên soạn. Quyển 2 là phần bản đồ, gồm : bản đồ thế giới, bản đồ các khu vực, bản đồ bờ biển Trung Hoa, bản đồ một số nước (trong đó có An Nam đồ), trong đó, các bản đồ thế giới và khu vực thì sao chép của phương Tây, giữ y hình trạng địa lý và kinh vĩ độ, dịch địa danh Tây sang chữ Hán. Các quyển còn lại về cơ bản là nội dung Tứ Châu chí, phân chép về các nước, những quyển viết về mấy nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á thì phối hợp sử liệu Trung Hoa với tư liệu dịch, còn những quyển khác thì chủ yếu là dịch. Tình hình các nước được chép bao quát các mặt : địa lý, lịch sử, chính trị, xã hội, phong tục, khoa học kỹ thuật. Nói thêm, cũng theo cách phiên dịch sách Tây để tìm hiểu bên ngoài, năm 1844, Tuần phủ Phước Kiến Từ Kế Dư làm xong bản sơ thảo Doanh hoàn khảo lược. 2

    * Hải quốc đồ chí 60 quyển (1847), trên cơ sở bản in 1842, tăng thêm các phần viết về kỹ thuật tàu chiến phương Tây, sưu tập một số tấu sớ kiến nghị đóng tàu chiến mô phỏng theo kiểu tàu chiến phương Tây. Nói thêm, năm 1847, Từ Kế Dư bổ sung hoàn thiện Doanh hoàn khảo lược, làm thành bộ Doanh hoàn chí lược 10 quyển, năm 1848 khắc in.

    * Hải quốc đồ chí 100 quyển (1852), trên cơ sở bản 60 quyển, ở đầu sách tăng thêm 1 quyển “ Trù hải thiên ” (xếp thành quyển 1-quyển 2), trước đây chỉ Nghị thủ, nay thêm phần Nghị chiến (Luận về giao chiến) và Nghị khoản (Luận về hòa hoãn) ; kế đến là tăng thêm số lượng bản đồ các nước (xếp thành quyển 3-quyển 4) ; còn mấy chục quyển sau là tăng thêm các phần : các tôn giáo trên thế giới, sưu tập các bài viết bàn về địa thế Trung Hoa, sưu tập các bài viết về kế sách phòng vệ biển (Trù hải tổng luận), cập nhật thông tin về tình hình các nước phương Tây, dịch nhiều sách về kỹ thuật chế tạo súng máy, đại bác, thuốc súng, bom mìn, thủy lôi, thuyền máy hơi nước, cách xây dựng pháo đài của phương Tây… (đa số có kèm đồ hình), lịch pháp và thiên văn học phương Tây. Ngoài việc thêm mới 40 quyển, thì trong nhiều quyển đã viết trước cũng bổ sung thêm thông tin khác, từ sử liệu Trung Hoa và tin tức Trung-Tây đương thời, nối theo ở cuối quyển.

    Nhìn chung, Hải quốc đồ chí được thực hiện trên tinh thần muốn nắm rõ tình hình bên ngoài Trung Hoa, chú trọng về địa lý và khoa học kỹ thuật. Trong lãnh vực khoa học kỹ thuật thì mục tiêu chính là tập trung vào kỹ thuật quân sự mà chủ yếu là hải quân.

    Bản Hải quốc đồ chí 100 quyển sau lần in đầu (1852) lại được khắc in nhiều lần ở Trung Quốc, bản in đầu cùng với Doanh hoàn chí lược du nhập Nhật Bản vào năm 1853 và có ảnh hưởng rất lớn đối với chính giới và học giới nước này (tại Nhật Bản sau cũng khắc in lại). Phần chúng tôi đề cập trong bài khảo sát này là bài viết “ An Nam chiến thuyền thuyết ” (thuộc quyển 84) chỉ có trong bản 100 quyển. Bài viết và bản dịch “ An Nam chiến thuyền thuyết ” căn cứ theo bản Cổ Vi Đường khắc in năm Hàm Phong nhâm tý (1852), được ảnh ấn trong cuốn 47 của bộ tùng thư Trung Quốc binh thư tập thành do Giải Phóng Quân xuất bản xã và Liêu Thẩm Thư Xã liên kết xuất bản năm 1992 [gọi tắt là bản Cổ Vi Đường 1852] ; cũng đối chiếu với bản có Lời Tựa của Tả Tông Đường đề năm ất hợi 1875, do Ngụy Quang Thọ (cháu nội Ngụy Nguyên) in lại năm Quang Tự thứ hai (1876) tại đạo Bình Khánh tỉnh Cam Túc, bản này hiện lưu tại Thư viện Đại học Waseda, KH: 儿1. 3176 [gọi tắt là bản Cam Túc 1876].


II. Thuyền chiến nước ngoài trong Hải quốc đồ chí


Quyển 84 sách Hải quốc đồ chí giới thiệu và nói về các loại thuyền chiến nước ngoài, trong đó Ngụy Nguyên sưu tập nhiều bản kiến nghị của nhiều người về việc cách tân thuyền chiến Trung Hoa, những báo cáo về việc chế tạo thuyền chiến hoặc tự thuật lại những sự kiện chế tạo thuyền chiến mang tính thời sự. Những bản kiến nghị được sưu tập đều có tiêu đề và ghi rõ tác giả, còn các sự kiện do Ngụy Nguyên miêu thuật thì không ghi tiêu đề. Toàn quyển 84 gồm các đề mục :

“ Thỉnh tạo chiến thuyền sớ ” (Kiến nghị chế tạo thuyền chiến), của Phương Hùng Phi, Giám sinh, phủ An Khánh (請造戰船疏, 方熊飛安慶府監生).

“ Phúc tấu phỏng tạo Di thức binh thuyền sớ ” (Lại tâu về kiến nghị mô phỏng hình thức thuyền binh Tây phương), của Kì Cống, Tổng đốc Lưỡng Quảng (覆奏仿造夷式兵船疏, 两廣總督祁 [土貢]).

“ Tạo pháo công giá nan phù lệ giá sớ ” (Kiến nghị việc giá quy định khó phù hợp với giá thành chế tạo súng pháo), Tĩnh nghịch tướng quân Dịch Sơn cùng cộng sự (造礮工價難符例價疏, 靖逆將軍奕山等).

“ Thủy dũng tiểu chu công kích tình hình sớ ” (Trình bày về tình hình dân binh dùng thuyền nhỏ để công kích), Tướng quân Dịch Sơn cùng cộng sự, đề ngày 28 tháng 8 năm Đạo Quang thứ 21 (1841) (水勇小舟攻擊情形疏, 將軍奕山等)

“ Chế tạo xuất dương chiến thuyền sớ ” (Kiến nghị chế tạo thuyền chiến hoạt động ngoài khơi xa), Tĩnh nghịch tướng quân Dịch Sơn cùng cộng sự, đề ngày 24 tháng 6 năm Đạo Quang thứ 22 (1842). (製造出洋戰船疏, 靖逆將軍奕山等)

Không tiêu đề, hàng đầu viết : “ 水師提督吳建勲擬仿照夷船製造戰船式 / Thủy sư Đề đốc Ngô Kiến Huân nghĩ phỏng chiếu Di thuyền chế tạo chiến thuyền thức ” (Thủy sư Đề đốc Ngô Kiến Huân kiến nghị mô phỏng thuyền phương Tây để chế tạo thuyền chiến) [cuối bài ghi “ kèm theo một trang bản vẽ dâng lên ”, nhưng không thấy bản Cổ Vi Đường 1852 và bản Cam Túc 1876 in kèm bức vẽ]

Không tiêu đề, hàng đầu viết : “ 廣州府知府易長華承造師船 / Quảng Châu phủ Tri phủ Dịch Trường Hoa thừa tạo sư thuyền ” (Tri phủ phủ Quảng Châu Dịch Trường Hoa chế tạo thuyền chiến) [cuối bài ghi “ kèm theo một trang bản vẽ dâng lên ”, nhưng không thấy bản Cổ Vi Đường 1852 và bản Cam Túc 1876  in kèm bức vẽ]

Không tiêu đề, hàng đầu viết : “ 批驗所大使長慶承造輪戰船一隻 / Phê nghiệm sở Đại sứ Trường Khánh thừa tạo thủy luân chiến thuyền nhất chích ” (Đại sứ sở giám định Trường Khánh chế tạo một chiếc thuyền chiến gắn bánh xe nước) [cuối bài ghi “ kèm theo một trang bản vẽ dâng lên ”, nhưng không thấy bản Cổ Vi Đường 1852 và bản Cam Túc 1876  in kèm bức vẽ.]

Không tiêu đề, hàng đầu viết : “ 在籍形部郎中潘仕成新造戰船一隻 / Tại tịch Hình bộ Lang trung Phan Sĩ Thành tân tạo chiến thuyền nhất chích ” (Người sở tại [Quảng Đông] là Hình bộ Lang trung Phan Sĩ Thành mới làm xong một thuyền chiến) [cuối bài ghi “ kèm theo một trang bản vẽ dâng lên ”, nhưng không thấy bản Cổ Vi Đường 1852 và bản Cam Túc 1876 in kèm bức vẽ.]

Không tiêu đề, hàng đầu viết : “ 在籍戶部員外郎許祥光捐造戰船二隻 / Tại tịch Hộ bộ Viên ngoại lang Hứa Tường Quang quyên tạo chiến thuyền nhị chích ” (Người sở tại [Quảng Đông] là Hộ bộ Viên ngoại lang Hứa Tường Quang gom tiền làm 2 chiếc thuyền chiến) [cuối bài ghi “ kèm theo một trang bản vẽ dâng lên ”, nhưng không thấy bản Cổ Vi Đường 1852 và bản Cam Túc 1876 in kèm bức vẽ.]

“ An nam chiến thuyền thuyết ” (Nói về thuyền chiến An Nam), Uông Trọng Dương, Tri huyện huyện Dư Diêu (安南戰船說, 餘姚縣知縣汪仲洋).

Cuối quyển 84 trích dẫn một đoạn trong sách Doanh hoàn chí lược (1848) nói về thuyền chiến của nước Anh. Ngoài quyển 84 với nội dung như một tập hợp chuyên đề, rải rác ở nhiều quyển khác trong Hải quốc đồ chí cũng có đề cập tàu thuyền nước ngoài qua sự liên đới tư liệu về lịch sử giao thương hoặc vấn đề hải phòng, nhưng bài viết này chỉ giới hạn trong bản mô tả chiến thuyền An Nam.


III. Uông Trọng Dương-Lâm Tắc Từ với “ An Nam chiến thuyền thuyết


Như đề mục đã nêu, trong quyển 84, phần viết về thuyền chiến Việt Nam là của Tri huyện Dư Diêu Uông Trọng Dương. Dư Diêu là một huyện ven biển, đương thời thuộc phủ Ninh Ba tỉnh Chiết Giang, nơi có pháo đài Trấn Hải – địa điểm bị hạm đội Viễn Đông của Pháp tấn công hồi đầu tháng 3 năm 1885. Uông Trọng Dương tự Thiếu Hải (少海), người Thành Đô (Tứ Xuyên), nhậm Tri huyện huyện Dư Diêu vào năm 1841. Trong Hải quốc đồ chí, ngoài bài viết “ Nói về thuyền chiến An Nam ” ở quyển 84, Uông còn có bài “ Chú pháo thuyết (鑄礟說/ Nói về việc đúc pháo) ” ở quyển 87. Trong “ An nam chiến thuyền thuyết ”, Uông thuật rằng, trong lần Lâm Tắc Từ đến Trấn Hải để cùng bàn bạc về vấn đề thuyền chiến, đã trao cho Uông 8 bức vẽ các mẫu thuyền, trong đó gồm 1 bức vẽ thuyền Khoái giải đĩnh 2 cột buồm của dinh Thủy sư Quảng Đông 3 ; 1 bức vẽ thuyền Tri sa bích 3 cột buồm tương tự kiểu thuyền của hải quân Anh với 34 khẩu pháo đặt làm hai tầng 4 ; 1 bức vẽ thuyền Hoa Kỳ 3 cột buồm với 28 khẩu pháo đặt làm hai tầng5; trong 5 bức còn lại, có 4 bức vẽ thuyền chiến An Nam, và 1 bức Xa luân thuyền không rõ xuất xứ.

Bài viết “ An Nam chiến thuyền thuyết ” nặng tính mô tả, tuy sơ lược nhưng cho nhiều số liệu mà nhiều sử liệu khác không chép, nên có thể coi đây là một tư liệu hữu dụng trong việc nghiên cứu lịch sử tàu thuyền Việt Nam ở khía cạnh kỹ thuật và rộng hơn là ở góc độ tương tác trong kỹ thuật chế tạo của khu vực. Ở Đài Loan, Bao Tuân Bành trong Lịch sử hải quân Trung Quốc (1970) đã trích dẫn trọn bài viết “ An Nam chiến thuyền thuyết ” để phân tích tình hình thu thập kiến thức tiên tiến về tàu thuyền một cách rộng khắp của giới sĩ phu, vốn là một nhân tố quan trọng trong quá trình cách tân tàu thuyền của hải quân Trung Hoa 6. Ở Trung Quốc, trong Trung Quốc cổ đại hải quân sử (1993) do Trương Thiết Ngưu và Cao Hiểu Tinh biên soạn cũng nhắc đến sự kiện Lâm Tắc Từ từng chủ trì công việc mô phỏng chế tạo kiểu thuyền chiến 3 cột buồm của phương Tây cùng với kiểu thuyền chiến cỡ nhỏ của Việt Nam 7. Gần đây thấy có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu về đề tài này, tiêu biểu có thể kể là bài viết “ Hào quang thoáng qua : Chế tạo và truyền thừa thuyền bọc đồng của triều Nguyễn Việt Nam ” của hai tác giả Trịnh Vĩnh Thường và Lý Quý Dân (giáo sư và tiến sĩ Đại học Thành Công) đăng trên Nam Phương Đại Học học báo hồi năm 2014. Tuy nghiên cứu sâu về loại tàu bọc đồng thời Minh Mạng, nhưng ở phần lịch sử vấn đề, hai tác giả Trịnh-Lý đã trích dẫn khá đầy đủ phần “ An Nam chiến thuyền thuyết ”.8

Ở tầm mức liên kết và đối sánh tàu thuyền khu vực Đông Nam Á là một nghiên cứu tổng quan về tàu thuyền triều Nguyễn được biết đến nhiều ở Việt Nam của Li Tana qua bản dịch Việt ngữ đăng trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (Huế) hồi năm 2002 đã từng nhắc đến và tóm lược nội dung “ An nam chiến thuyền thuyết ”, tuy nhiên tác giả chỉ đề cập đến nó như một sự kiện quan trọng mà không đi sâu vào những chi tiết mang tính kỹ thuật vốn là nội dung đặc biệt đáng tham khảo 9. Li Tana kể tên 4 loại thuyền nhưng qua bản dịch Việt ngữ, thấy tên các loại thuyền được nêu có điểm thiếu sót hoặc không phù hợp với tên gốc, như : ở kiểu thuyền thứ nhứt, trong văn bản của Uông viết “ 一種安南國魚船圖,此船一名戰船 ” (Nhứt chủng An Nam quốc ngư thuyền đồ, thử thuyền nhất danh chiến thuyền) tức “ Một loại là bức vẽ ngư thuyền nước An Nam, thuyền này còn có tên chiến thuyền ”, cách viết của Uông cho thấy – đối với Uông – tên ngư thuyền mới là tên chánh còn chiến thuyền chỉ là tên phụ/khác, nhưng bài nghiên cứu đã không nhắc đến tên chánh là Ngư thuyền mà chỉ nói 1 tên phụ là “ chiến thuyền ” (warship of Annam); tên An Nam đại sư thuyền được viết là “ Dashi chuan of Annam ”, nên bị dịch sai là “ đại thức thuyền của An Nam ”, điểm sai này làm việc tra cứu tên thuyền và quy chủng loại có phần khó khăn 10 ; còn tên An Nam bố thoa thuyền, được viết là “ buxuo chuan of Annam ”, nên được dịch là “ thuyền buxuo của An Nam ”, cách viết tên riêng theo kiểu ký âm pinyin này gây khó hiểu và cũng khó tra cứu ; chỉ tên An Nam đại đầu tam bản thuyền được dịch khá phù hợp là “ tam bản đầu to của An Nam ”. Phần mô tả đặc trưng 4 kiểu thuyền trong nghiên cứu của Li Tana cũng cần phải xét lại vì thấy nó không khớp với mô tả của Uông, cụ thể là : 1/ kiểu ngư thuyền (Li Tana gọi warship of Annam) được tóm gọn đặc trưng trong 1 câu “ sử dụng bánh răng tại vị trí người chèo thuyền ”, câu này rất khó hình dung và theo mô tả của Uông thì nói vậy cũng không phải là đặc trưng, bản mô tả viết “ Ngư thuyền có hình dáng gống như trái bí lớn thuôn dẹt, hai bên mũi và lái có 3, 4 mái chèo, hoặc gắn bánh xe nước ” trong ; 2/ kiểu đại sư thuyền (dịch sai là đại thức) được nêu với đặc trưng “ hai cột buồm có ba khúc giống như loại của Anh, dây cáp được điều khiển bằng tời ”, nhưng mô tả của Uông thì “ Thuyền có 2 cột buồm, cột gồm 2 đoạn, dùng then tre nối tiếp giữ cột đứng thẳng,…, dây neo thuyền dùng máy trục đứng [ba lăng /capstan] ”; 3/ kiểu bố thoa thuyền (gọi/dịch là buxuo) được nêu đặc trưng “ loại thuyền nhỏ tương tự như của phương Tây nhưng có hai cần lái ở hai bên đuôi thuyền ”, chỗ này sai rất nặng, làm biến dạng kết cấu thuyền đến độ phản kỹ thuật, Uông mô tả “ Hai đầu thuyền đặt bánh lái, đầu đuôi không phân biệt, tùy nghi tới lui ”, thật ra kết cấu thuyền này giống như kiểu lưỡng đầu thuyền đã có từ thời Minh, nhưng đã cách tân hiện đại hơn cả về kích thước và công năng.

Rất tiếc là toàn bộ 8 bức vẽ của Lâm Tắc Từ đưa cho Uông Trọng Dương đều không được khắc in kèm theo bài viết của Uông, tức là 4 loại thuyền chiến An Nam chỉ được Uông qua mô tả bằng lời văn. Gồm: Ngư thuyền, Đại sư thuyền, Bố thoa thuyền, Đại đầu tam bản thuyền. Mô tả trong văn bản của Uông Trọng Dương có điểm không rõ lắm, ở chỗ tiếp theo 4 loại thuyền An Nam lại mô tả về loại Xa luân thuyền, và không nêu xuất xứ loại này, nên chưa rõ Xa luân thuyền là của phương Tây hay của An Nam (phần Phụ lục sẽ dịch trọn để tham khảo tìm hiểu thêm).

Kiểu thuyền chiến đầu tiên được Uông mô tả là ngư thuyền dài ước hơn 8 trượng [~26m], rộng ước hơn 8, 9 thước [~2,6m – 2,9m] 11. Ngư thuyền có hình dáng gống như trái bí lớn thuôn dẹt, hai bên mũi và lái có 3, 4 mái chèo, hoặc gắn bánh xe nước. Thuyền đóng gỗ dầy rất chắc chắn, hai bên đặt pháo, khi bắn pháo thuyền không rung lắc. Về tên gọi của loại thuyền này, tiêu đề phần viết của Uông là “ nói về chiến thuyền ”, tức hàm ý các kiểu đều là loại chiến thuyền, đi vào nội dung, cũng sẽ thấy các kiểu thức mà Uông mô tả tất cả 4 kiểu thuyền An Nam đều là “ chiến thuyền ”. Uông viết : “Một bức vẽ ngư thuyền của nước An Nam, còn gọi là chiến thuyền, [khi tác chiến] theo sau thuyền bố thoa và thuyền đại đầu tam bản ”, như vậy, xét về đặc tính / công năng thì bố thoađại đầu tam bản cũng là chiến thuyền, nên mặc dù ngư thuyền cũng còn gọi chiến thuyền, nhưng gọi ngư thuyền có lẽ dễ phân biệt hơn. Trong bài viết / bản dịch này sẽ dựa theo tiêu đề của Uông mà quy ước chiến thuyền / thuyền chiến như là một loại tàu, với 4 kiểu thức: ngư thuyền, đại sư thuyền, bố thoa thuyền, đại đầu tam bản thuyền.

Mô tả về ngư thuyền cho thấy đây là thuyền chiến cỡ lớn của thủy quân triều Nguyễn. Tên gọi ngư thuyền, có thể do dáng thuyền gần giống 1 loại thuyền đánh cá ở Trung Hoa nên Lâm Tắc Từ đề tên trên bản vẽ là ngư thuyền, và cũng có thể do dựa vào tính năng tác chiến của kiểu thuyền chiến cỡ nhỏ có tên ngư thuyền thời Minh. Nhưng loại thuyền chiến thời Minh có tên ngư thuyền được vẽ và mô tả trong Tam tài đồ hội (1607) của Vương Kỳ và Võ bị chí (1619) của Mao Nguyên Nghi lại là kiểu thuyền chiến rất nhỏ, biên chế đội ngũ chỉ có 3 người, gồm 1 người giữ buồm, 1 người cầm chèo và 1 người điều khiển súng điểu chủy 12, đây là loại thuyền được thiết kế tối giản nên rất nhẹ nhàng linh hoạt, nhằm tiến nhanh rút lẹ, và súng điểu chủy là loại hỏa khí hiện đại thời Minh, cơ cấu như súng pháo với sức công phá lớn [Hình 1]. Dựa vào kích thước và một số đặc điểm thì thấy ngư thuyền An Nam do Uông mô tả khác với kiểu ngư thuyền Trung Hoa. Còn trong sử liệu về tàu thuyền thời Nguyễn, trong các kiểu, các dạng thức chiến thuyền không thấy có dạng nào gọi tên ngư thuyền. Về đội hình tác chiến, đoạn văn cho thấy ngư thuyền phối hợp với hai loại thuyền chiến nhỏ hơn là bố thoađại đầu tam bản, và ngư thuyền theo sau 2 loại thuyền này. Về kích thước, ngư thuyền (chiến thuyền) được mô tả dài khoảng 26m ngang chừng 2,6 đến 2,9m. Kích thước này không sai lệch nhiều so với một số kiểu chiến thuyền trong sử liệu Việt Nam, quy thức chuẩn định vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829) cho thấy kiểu thuyền hải đạo có chiều dài rộng tương đương với ngư thuyền này, nhưng có điểm khác là thuyền hải đạo có tới 46 mái chèo 13. Đến lúc đã qua thời hoàng kim của thủy quân triều Nguyễn, vẫn còn thấy một kiểu chiến thuyền được nói đến trong tờ Châu bản của bộ Công đề năm 1874 (Tự Đức thứ 27), đoạn nêu kích thước cho biết “ chiến thuyền dài 5 trượng 4 thước [21m], ngang 9 thước [3,2m], từ ván đáy đến be gió cao 5 thước [2m] ” 14.

Mô tả tiếp theo là đại sư thuyền mà Uông nói là kiểu thuyền chiến lớn nhất trong 4 kiểu, dài khoảng 46m, rộng chừng 7m, lòng khoang sâu hơn 3,2m. Thuyền này được cho là giống kiểu thuyền Anh, với 2 cột buồm, đầu và đuôi thuyền ngang nhau, dây neo thuyền dùng máy trục đứng [ba lăng /capstan], và đặc biệt là nguyên vật liệu rất tốt, gỗ ván rất dày có thể chịu được đạn pháo. Kiểu đại sư thuyền này được chép cụ thể kích thước, nhiều mô tả trong các du ký của người phương Tây cùng ghi chép trong sử nhà Nguyễn tuy có nói tới thuyền chiến có kích cỡ lớn nhưng chưa thấy ghi chép rõ về kích thước như vậy 15. Cũng nên có một so sánh ngắn gọn để hình dung được quy mô của loại chiến thuyền các bên liên quan trong thời điểm Uông mô tả đại sư thuyền An Nam, theo Tịch Long Phi trong Trung Quốc tạo thuyền sử, thì vào thời đoạn Chiến tranh nha phiến 1840-1842, người Anh đưa đến 32 chiếc quân hạm, 25 chiếc tàu vận tải, chiếc quân hạm lớn nhất dài hơn 32 trượng (~102m), rộng hơn 6 trượng (~20m), bố trí khoảng 70 khẩu đại pháo với tầm bắn ước 20 dặm (~11km); trong khi chiến thuyền lớn nhất của Thủy sư nhà Thanh dài chỉ 11 trượng 2 xích (~36m), rộng hơn 2 trượng (~6,5m), đặt không hơn 10 khẩu pháo17. Về tên gọi, tên “ đại sư thuyền ” có lẽ được Lâm Tắc Từ đặt gọi với ý chỉ kiểu chiến thuyền cỡ lớn (đại chiến thuyền) của Thủy sư triều Nguyễn.

Kiểu bố thoa thuyền được mô tả có kiểu thức như tam bản nhỏ, dài khoảng 10m, rộng chừng 2m, hơn 20 mái chèo, lính bắn súng 20 tên. Đặc điểm của loại thuyền này là đầu và đuôi thuyền đều có bánh lái và đặt mỗi nơi 1 khẩu pháo phóng lựu, dựa vào đặc điểm này có thể gọi Bố thoa thuyền là “ thuyền 2 đầu ” cho dễ nhớ. Về tên gọi, tham khảo các kiểu thuyền chiến cổ Trung Hoa thời Minh được vẽ và chép trong Tam tài đồ hội 1607 (Khí dụng 4) và Võ bị chí 1619 (quyển 116), thấy có một kiểu tên cương thoa [Hình 2], mà không có kiểu tên bố thoa. Chữ thoa/toa (trong tên bố thoacương thoa) có nghĩa là coi thoi, bố thoa có thể hiểu là “ bày trận nhanh chóng ”, còn cương thoa có thể hiểu là “ đội hình linh hoạt ”, có lẽ tên này được gọi dựa vào tính năng linh hoạt của kiểu thuyền này. Về kiểu thức gắn bánh lái 2 đầu, thì loại thuyền bố thoa lại có vẻ gần như loại lưỡng đầu thuyền cũng có mô tả trong Tam tài đồ hộiVõ bị chí [Hinh 3], tuy nhiên bố thoa thuyền hai đầu của An Nam lớn hơn.  Mô tả của Uông có chỗ hơi nhập nhằng, như nói “ bố thoa thuyền hình dáng như thuyền Di, kiểu tam bản nhỏ ”, nếu vậy thì có vẻ như nói về kiểu tam bản Mã Lai (sampan) hoặc tam bản (xuồng) trên thuyền Tây dương, và nó cũng có kích thước gần như đại đầu tam bản thuyền trong mô tả tiếp theo.

Kiểu đại đầu tam bản thuyền được mô tả dài 10m, rộng khoảng 3,5m - 3,8m, đầu thuyền đặt 1 pháo lớn, đuôi thuyền đặt 2 khẩu pháo phóng lựu, 20 lính chèo, 1 cầm lái, 9 lính bắn súng. Đại đầu tam bản thuyềnbố thoa thuyền phối hợp với ngư thuyền trong tác chiến, đi trước dẫn đường. Về tên gọi, đại đầu thuyền kiểu Trung Hoa thuộc hệ thuyền Quảng Đông được nói tới từ thời Minh, là một trong 3 kiểu thuyền chiến phổ biến, gồm : Quảng thuyền (thuyền Quảng), tiêm vĩ thuyền (thuyền đuôi nhọn), đại đầu thuyền (thuyền đầu lớn) [Hình 4]. Còn tam bản thuyền trong ghi chép Trung Hoa là kiểu thuyền nhỏ dùng chèo chỉ đi ven biển hoặc đi sông. Cách gọi đại đầu tam bản thuyền có thể do Lâm Tắc Từ chế ra căn cứ vào hình dáng thuyền này có nét giống đại đầu thuyền lại có nét giống tam bản thuyền trong thuyền sử Trung Hoa. Nếu là thuyền kiểu thuyền Tam bản (三板) ngoài Trung Hoa thì do phiên âm tên thuyền tiếng Mã Lai “sampan” (nghĩa là thuyền nhỏ), và cũng để chỉ thuyền nhỏ (xuồng) trên tàu Anh, tuy nhiên thấy các mô tả trong nhiều sách có vẻ dùng tên gọi này đồng nghĩa với các kiểu sam bản, san bản trong nội địa Trung Hoa. Hải quốc đồ chí (Trù hải thiên, thượng) có đề cập về một kiểu chiến thuyền cỡ nhỏ là sam thuyền (杉船), còn Đại Thanh hội điển cũng nói đến kiểu chiến thuyền nhỏ như Ngụy Nguyên đề cập, nằm trong đội hình tác chiến trên sông với tên san bản (舢舨)17. Kiểu thuyền tam bản này chép trong sử triều Nguyễn với tên sam bản, Đại Nam thực lục có chép việc năm Gia Long thứ 9 (1810) cho tạo thuyền sam bản lớn 18 ; còn ghi chép cụ thể hơn trong Đại Nam hội điển sự lệ cho thấy có nhiều kiểu thuyền sam bản, có đến 7 kiểu : sam bản, sam bản mui hoa, sam bản dạng hoa, sam bản hồ tâm đình, sam bản phù kiều, sam bản tiên sà, sam bản nhỏ kiểu Tây dương. Trong các kiểu sam bản chép trong Đại Nam hội điển sự lệ thì thấy sam bản dạng hoa có cỡ lớn và cỡ nhỏ, 1 chiếc cỡ lớn (cũng là lớn nhất trong các kiểu sam bản) đóng vào năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) dài đến 4 trượng 1 tấc (~15m), rộng 8 xích (3,3m), sâu 2 xích (0,84m); còn 1 chiếc đóng năm Thiệu Trị thứ sáu (1846) chỉ dài có 1 trượng 7 xích 7 tấc, rộng 5 xích, sâu 1 xích 9 tấc; và tuy có nói đến việc đóng 3 chiếc sam bản nhỏ kiểu Tây dương vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) nhưng không chép kích cỡ. Như số liệu kích thước cho thấy thì đại đầu tam bản thuyền có chiều dài ngắn hơn sam bản hoa dạng, còn chiều ngang thì gần như tương đương. Các kiểu sam bản chép trong Đại Nam hội điển sự lệ không thấy tên đại đầu tam bản và cũng chưa thấy mô tả nào có dạng thức tương tự, chỉ có thể phỏng định đại đầu tam bản thuyền tức là kiểu thuyền sam bản nhỏ kiểu Tây dương 19.


Lời kết


Cuối phần mô tả, Uông cho rằng có thể mô phỏng theo 4 kiểu chiến thuyền An Nam này và bố trí chúng ở những cửa biển quan yếu để chống chọi với tàu chiến phương Tây. Chỉ có thể coi nhận định của Uông – thay như lời kiến nghị cuối bài thuyết – là biểu hiện của sự lúng túng của giới sĩ phu Trung Hoa sau Chiến tranh nha phiến mà Lâm Tắc Từ và Uông Trọng Dương là đại biểu. Đó chỉ là phản ứng nhất thời trong giai đoạn suy thoái trầm trọng về năng lực chiến đấu của thủy sư nhà Thanh, và điều kỳ vọng về một kiểu mẫu tàu thuyền có thể chế ngự hải quân phương Tây theo tầm nhìn của Lâm và Uông thực tế đã sai lầm. Trước lúc phát hành sách Hải quốc đồ chí 5 năm, tức năm 1847, tàu của hải quân Pháp đã bắn cháy 5 chiếc tàu bọc đồng hạng lớn của thủy quân nhà Nguyễn chỉ trong vòng 1 giờ ở cửa biển Đà Nẵng.

Uông Trọng Dương đã mô tả 4 kiểu chiến thuyền An Nam theo bản vẽ của Lâm Tắc Từ đưa cho, nhờ đó giới nghiên cứu lịch sử tàu thuyền có thêm một nguồn tư liệu đáng kể. Tuy nhiên, ở một chiều hướng khác, cũng nên đặt câu hỏi rằng, do đâu mà Lâm Tắc Từ có các bản vẽ ấy, người của Lâm thu thập được bản vẽ từ các xưởng đóng thuyền chiến của thủy quân nhà Nguyễn hay là họ tự điều tra khảo sát để vẽ ra. Cả hai trường hợp giả định nói trên đều cho thấy dấu hiệu thất xuất quân cơ của quân đội nhà Nguyễn. Do Ngụy Nguyên chỉ thu thập cho in bản viết mô tả của Uông mà không in kèm bản vẽ của Lâm Tắc Từ nên không rõ các bản vẽ ấy chi tiết đến đâu, nhưng với ý định mô phỏng kiểu thức để chế tác thì thiết nghĩ các bản vẽ ấy không đến nỗi sơ sài. Và loại tư liệu thuộc dạng bản vẽ tàu thuyền mang yếu tố kỹ thuật trong lịch sử nói chung và của triều Nguyễn nói riêng cho đến nay vẫn thuộc loại ít ỏi 20.

Tóm lại, mục đích của bài viết này chủ yếu giới thiệu và dịch văn bản mô tả của Uông Trọng Dương, nên chỉ giới hạn trong một vài so sánh cơ bản. Qua bản dịch toàn văn ở phần phụ lục, sẽ thấy điểm cần lưu ý về cách gọi tên thuyền và các bộ phận kết cấu theo cách Trung Hoa đối với thuyền An Nam trong mô tả của Uông, cho nên việc so sánh các đặc điểm hình dáng, kích thước, kết cấu, khí tài, thuyền cụ v.v. trong mô tả này nhằm xác định thêm, xác định rõ hơn về sự tương ứng của nó với kiểu chiến thuyền nào đó đã từng được nói đến trong sử liệu Việt Nam là việc cần tiếp tục.

Phạm Hoàng Quân



Chú thích

1.    Tứ Châu chí (四洲志) khắc in năm Đạo Quang 21 (1841), Hoa Hạ xuất bản xã (Bắc Kinh) in lại 2002

2.    Doanh hoàn khảo lược của Từ Kế Dư chỉ phân 2 quyển (Thượng, Hạ), còn ở dạng bản thảo viết tay, lời Tựa đề năm Giáp thìn (1844), bản thảo này được Đài Loan Học Sinh thư cục in ảnh ấn năm 1984. Bản thảo Doanh hoàn khảo lược sau khi hoàn thiện khắc in thành sách với tên Doanh hoàn chí lược gồm 10 quyển, lần in đầu vào năm Đạo Quang thứ 28 (1848).

3.    Nguyên văn tên bức vẽ “ 廣東水師营快蟹艇圖 / Quảng Đông thủy sư doanh khoái giải đĩnh đồ ”, nếu dịch cho đủ nghĩa phải là “ bức vẽ thuyền con cua đi nhanh của doanh thủy quân tỉnh Quảng Đông ”, khoái giải đĩnh nghĩa là thuyền khoái giải. Thấy trong tờ tâu của Dịch Sơn và Kỳ Cống (cùng trong Q.84), thuyền khoái giải (快蟹) được nói đến cùng với 3 loại thuyền khác là tha phong (拖風), lao hội (撈繪), bát tưởng (八槳), nhưng nhận xét rằng các loại thuyền này chỉ để tuần tiễu trên sông, không thể đưa ra tác chiến trên biển được. Thanh sử cảo (Binh chí 6) cũng viết lại theo nhận định của Dịch Sơn và Kỳ Cống. Trong 4 tên thuyền nêu trên, thấy vừa có thuyền khoái giải (con cua đi nhanh) lại có thuyền bát tưởng (8 mái chèo ngắn) với số mái chèo hợp với số chân cua, có lẽ nào nhập nhằng về tên gọi chăng.

4.    Nguyên văn tên bức vẽ “ 知沙碧船 / Tri sa bích thuyền ”, chưa rõ về loại thuyền này, có thể là cách gọi khác của Sa thuyền (沙船), hoặc là một kiểu cách tân từ Sa thuyền, một loại thuyền đáy bằng. Sa thuyền qua mô tả trong sách Võ bị chí thời Minh là kiểu thuyền thích hợp với vùng biển phía bắc Trung Hoa; đến thời Thanh được cải tiến nên cũng khá phổ biến ở vùng biển phía nam. [Hình 5]

5.    Nguyên văn tên bức vẽ “ 花旗船 / Hoa Kỳ thuyền ” .

6.    Bao Tuân Bành, Trung Quốc hải quân sử, Đài Loan Trung Hoa Thư Cục, 1970. Tập Hạ, Tr.482-484. [包遵彭,中國海軍史, 臺灣中華書局, 1970]

7.    Trương Thiết Ngưu - Cao Hiểu Tinh, Trung Quốc cổ đại hải quân sử, Bát Nhất xuất bản xã, Bắc Kinh, 1993, tr.348. [张鉄牛-高晓星, 中國古代海軍史,八一出版社, 北京, 1993]. Kiểu thuyền nhỏ Việt Nam được nói đến với tên trát thuyền (軋船), [軋cũng đọc loát, cũng viết 札], gần giống kiểu bố thoa thuyền mà Uông Trọng Dương mô tả.

8.    Trịnh Vĩnh Thường-Lý Quý Dân, “ Hào quang thoáng qua: Chế tạo và truyền thừa tàu bọc đồng của triều Nguyễn Việt Nam ”, Nam Phương Đại Học học báo, quyển 2, 8/2014 (tr. 65-89). [鄭永常李貴民, 瞬间的光芒: 越南阮朝裹铜船之制作与传承, 南方大学学报, 第2卷, 8/2014]

9.    Li Tana, “ Thuyền và kỹ thuật đóng thuyền ở Đàng Trong cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 ”, Đức Hạnh dịch, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 4 (38), 2002, (tr 79-94). [Li Tana, “ Ships and Shipbuilding in the Mekong Delta, c.1750-1840 ”]

10.    Trong bản gốc bài nghiên cứu của Li Tana viết là “ Dashi chuan of Annam ”, tức giữ tên gốc qua hình thức phiên âm pinyin Dashi chuan (大師船), phiên âm Hán Việt là đại sư thuyền; do Dashi cũng là âm pinyin của 大式 (đại thức), nên dịch giả Đức Hạnh dịch là “ đại thức thuyền của An Nam ”, đây là lỗi nhỏ của dịch giả, và tác giả cũng có phần sai vì không viết kèm hoặc ghi chú tên gốc chữ Hán đối với danh từ riêng, bởi shi (pinyin) có đến gần 200 chữ Hán đồng âm.

11.    Trượng, đơn vị đo (1 trượng = 10 xích, xích = 10 thốn). Một trượng TQ thời Thanh = 3,2m ; một trượng VN thời Nguyễn ước khoảng từ 4m đến 4,2m. Trong bài viết này Uông Trọng Dương tính theo trượng Thanh, nên bản dịch “ An Nam chiến thuyền thuyết ” sẽ theo quy ước Thanh đổi đơn vị ra metre. Còn những trích dẫn từ sử triều Nguyễn tính theo quy ước triều Nguyễn để quy đổi.

12.    Ngư thuyền (漁船) xem Tam tài đồ hội - Khí dụng 4 ; hoặc xem Võ bị chí, Q.116 - Quân tư thừa, Thủy, Chiến thuyền, [bản Hoa Thế, tr.4754.]. Điểu chủy súng (鳥嘴銃) xem Hán ngữ đại từ điển.

13.    Đại Nam thực lục, Đệ nhị kỷ, Minh Mạng thứ 10 (1829), quy thức chuẩn đinh : “ Thuyền hải đạo : dài 6 trượng 1 thước, ngang 9 thước 8 tấc, sâu 4 thước 1 tấc 3 phân, 46 mái chèo ” (đổi ra là : dài 25, 6 m; rộng ~4m ; sâu ~1,7m)

14.    Có nhiều mô tả tuy không nói cụ thể kích thước thuyền chiến, nhưng có cho một số thông tin khác như trọng tải, số mái chèo, số lượng vũ khí trên thuyền vv. , là những yếu tố có thể căn cứ để tính toán và so sánh với mô tả của Uông Trọng Dương.

15.    Tịch Long Phi, Trung Quốc tạo thuyền sử, Hồ Bắc Giáo Dục xbx, 1999, tr.312 [席龙飞,中国造船史, 湖北教育出版社, 1999]

16.    Theo Hà Mai Phương, Hoạt động của bộ Công dưới thời vua Tự Đức qua các Châu bản nhà Nguyễn, Bộ Văn hóa Giao Dục và Thanh niên, Sài Gòn, 1974. Kích thước nói trên căn cứ theo bản dịch của tác giả Hà Mai Phương, tờ Châu bản đề ngày 23 tháng giêng năm Tự Đức 27. Do bản dịch không kèm văn bản gốc, nên tên gốc (chữ Hán trong Châu bản) của loại chiến thuyền này chưa rõ là gì, chờ xét sau.

17.    Trong thuyền sử Trung Hoa có nhiều cách viết cùng để chỉ kiểu tam bản / sam bản, như : san bản (舢板), san bản (舢舨), sam thuyền (杉船), sam bản (杉舨). Theo Thanh hội điển, (Công bộ, Đô thủy Thanh lại ty), san bản thuyền là 1 trong 3 loại chiến thuyền sử dụng trên sông trong phiên chế Thủy sư nhà Thanh, phối hợp tác chiến cùng với tiểu tiêu thuyền (小哨船) và trường long thuyền (長龍船) ). 

18.    Đại Nam thực lục, Đệ nhất kỷ, q.40, Gia Long năm thứ 9. Ng.v viết “ 杉舨大船 ” (sam bản đại thuyền).

19.    Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 217, Công bộ, Thuyền chính (Xem bản nguyên tác chữ Hán). Tên 7 kiểu thuyền sam bản trong nguyên văn : sam bản (杉版), sam bản hoa bồng (杉版花篷) [chữ bồng lạ, bộ gõ không có, đã tạm thay], sam bản hoa dạng (杉版花樣), sam bản hồ tâm đình (湖心亭杉版), sam bản phù kiều (浮橋杉版), sam bản tiên sà (仙艖杉版), sam bản nhỏ Tây dương (西洋式小杉版).

20.    Khoảng 10 năm trước, ký giả Hoàng Hải Vân có bài phỏng vấn ông Ưng Viên, nội dung cho biết mập mờ về một ghi chép bí truyền trong hoàng tộc triều Nguyễn, trong đó có nói đến bản vẽ thiết kế chiến thuyền. Chưa rõ loại tư liệu rất có giá trị trong nghiên cứu lịch sử tàu thuyền này đã được công bố hay chưa. (Báo Thanh Niên, ngày 19/9 và 20/9/2011. Truy cập online lúc 7h41’ ngày 29/1/2021)

 


Bản dịch toàn văn “An nam chiến thuyền thuyết” và chú giải.

Nói về thuyền chiến An Nam


Uông Trọng Dương


    

Ông Lâm [Tắc Từ] nguyên Tổng đốc Lưỡng Quảng đến Trấn Hải, bàn về thuyền chiến, kiểm trong rương còn mấy bức họa đồ bèn trao cho. Kể gồm 8 loại, phân nửa là  bức vẽ thuyền An Nam.

Một loại là bức vẽ “ Khoái giải đĩnh của Dinh thủy sư Quảng Đông ” (廣東水師营快蟹艇圖) [thuyền con cua đi nhanh của thủy quân tỉnh Quảng Đông], có hai cột buồm, mỗi bên 20 mái chèo nhỏ.

Một loại là bức vẽ “ Tri sa bích thuyền ” (知沙碧船) [Sa thuyền?], ba cột buồm, đầu mũi thuyền giống như thuyền của Anh, pháo đặt 2 tầng, 34 khẩu, thuyền dài 12 trượng [38,4m].

Một loại là bức vẽ “ Hoa Kỳ thuyền ” (花旗船) [thuyền Mỹ], 3 cột buồm, giống như thuyền Anh, pháo đặt 2 tầng, 28 khẩu.

Một loại là bức vẽ “ Ngư thuyền của nước An Nam ” (安南國魚船), thuyền này còn gọi là chiến thuyền 1, [khi tác chiến] theo sau bố thoa thuyềnđại đầu tam bản thuyền. Thuyền dài ước hơn 8 trượng [~26m] 2, rộng ước hơn 8, 9 thước [~2,6m – 2,9m], dài rộng có thể tăng thêm. Hình dáng gi ống như trái bí lớn thuôn dẹt, hai bên đặt pháo, lính ở trong mui chiến đấu, không nhìn thấy hỏa pháo bên địch, nên gan dạ tấn công. Gỗ đóng thuyền thật dày dặn cứng cáp, khi bắn pháo thuyền không rung lắc. Hai bên mũi và lái có 3, 4 mái chèo, hoặc gắn bánh xe nước, thêm phần bình ổn. Ụ pháo ở tầng trên bằng gỗ, dạng như tường thành thấp, bố trí súng pháo, nắp ụ bằng gỗ ôm vòng, mui thuyền dày 2 thước [~64cm] 3, đỉnh có lỗ thông trời, không khí lưu thông.

Một loại là bức vẽ “Đại sư thuyền của nước An Nam ” (安南國大師船), thân thuyền dài ước 14 trượng [~46m], rộng chừng 2 trượng thêm 1 hoặc 2 thước [~6,7m - 7m], khoang thuyền sâu ước hơn 1 trượng [3,2m], đầu thuyền đuôi thuyền ngang nhau, dây neo thuyền dùng máy trục đứng [ba lăng /capstan] 4, ván đáy thuyền dày hơn 5 tấc [~16cm] 5, ván be dày hơn 7 tấc [~23cm] 6, vành thuyền dày hơn 1 thước (~32cm) 7, dùng gỗ cứng. Vành thuyền gồ ra 6 tấc [~20cm], gỗ làm vách thuyền dày dặn chắn được đạn pháo, bên trong khoang thông với vách hầm chứa thuốc súng, trên khoang đặt pháo lớn. Khoang phía sau, ở giữa và hai bên đặt thùng nước, thùng cách nhau 2 thước [64cm], không để ẩm ướt, dùng thùng gỗ đựng chứa, không dùng đồ sành. Thuyền có 2 cột buồm, cột gồm 2 đoạn, dùng then tre nối tiếp giữ cột đứng thẳng. Thuyền này kiểu thức giống như thuyền Anh [ng.v dùng chữ Anh Di], so với Ngư thuyền thì lớn hơn, [cả hai] đều là thuyền lớn của An Nam.

Một loại là “ Bố thoa thuyền An Nam ” (安南布梭船) 8, hình dáng như thuyền Di, kiểu tam bản nhỏ 9. Dài khoảng 3 trượng [~10m], rộng 6 xích [~2m], hai bên hông mỗi bên hơn 10 mái chèo, ở đầu thuyền đuôi thuyền đều đặt một khẩu tử mẫu pháo [súng bắn lựu đạn] 10, lính bắn súng hơn 20 tên. Hai đầu thuyền đặt bánh lái, đầu đuôi không phân biệt, tùy nghi tới lui ”.11

Một loại là bức vẽ “ Đại đầu tam bản thuyền của An Nam ” (安南大頭三板船) 12, là loại cùng với Bố toa thuyền dẫn đầu hiệp công, phần đầu thuyền rất kiên cố, ngoài gắn thêm mái chèo hình chữ bát (八), bọc nhiều lớp da trâu. Phần đầu thuyền cao hơn đuôi thuyền 2 xích [64cm], khi đạn bắn tới không thể đả thương người trong thuyền, be thuyền hai bên cao ngang đầu người chèo, đầu thuyền đặt đặt cỗ pháo ngàn cân, hai bên đuôi thuyền đều đặt tử mẫu pháo [súng bắn lựu đạn], lính chèo hơn 20 tên, cầm lái 1 tên, một số lính pháo, một số lính súng, toàn thuyền có hơn 30 người. Thân thuyền dài hơn 3 trượng [~10m], rộng 7 hoặc 8 xích [~3,5m hoặc 3,8m], ván thuyền dùng gỗ cứng dày khoảng 2 thốn [~6,4 cm]. [Nói về] thuyền này [Đại đầu tam bản thuyền] cùng với Thoa thuyền [Bố thoa thuyền], người Việt Nam cho rằng là cách thức mà Minh Thái tổ dùng thuyền nhỏ phá thuyền lớn của Trần Hữu Lượng 13. Khi Anh Cát Lợi [Anh] xâm phạm, Việt Nam nhờ mấy thuyền này mà thắng 14. Đây là loại thuyền không nại sóng gió, di chuyển như bay.

Một loại là bức vẽ “Xa luân thuyền” (車輪船 / Thuyền bánh xe), trước sau đều có khoang [cabin], gắn hai bánh xe, bánh xe 6 răng, răng bánh xe ngang với đáy thuyền. Tâm xe 6 góc, thùng xe dài 3 xích [~90,6cm], trong thuyền hai người chịu vai dùng sức đẩy, khi chuyển động tức răng bánh xe quạt nước, chạy tợ như bay, cũng có thể dùng chân đạp như dạng xe nước. Thuyền dài 1 trượng 7 xích 5 thốn [~5,6m], bụng thuyền rộng 5 xích [1,6m], hai bên thuyền là be gỗ nhô ra 1 xích 1 thốn [~35cm]. Đầu đuôi thuyền có mui gỗ, khoảng giữa là mui tre, từ nóc mui tới đáy thuyền hơn 6 xích [~1,9m], một nửa dưới mặt nước. Như thuyền nhẹ thì lấy đá chất cho khẳm, khi đáy thuyền nhập thủy 1 xích tức bánh xe nước nhập thủy 1 xích. 15

Xét 4 loại thuyền An Nam kể trên, Bố thoa thuyền và Đại đầu tam bản thuyền dài chỉ 3 trượng [~10m], chèo đi rất nhanh, tới lui theo ý, kỳ thực tương tợ như trát thuyền, mà không phải tên trát thuyền 16. Nếu như phỏng theo 4 loại thuyền An Nam này, chế tạo 1 phần 3 số thuyền theo kiểu đại sư thuyền và ngư thuyền, 2 phần 3 theo kiểu bố thoa thuyền và đại đầu tam bản thuyền, chọn vật liệu cứng tốt, chuẩn bị sẵn súng pháo, tuyển chọn người mạnh khỏe bơi lặn giỏi, luyện tập thường xuyên. Phân bố [đội thuyền] ở Hổ Môn tỉnh Quảng Đông, Hạ Môn ở Phước Kiến, Trấn Hải và Sạ Phố ở Chiết Giang, Thượng Hải ở Giang Tô, Thiên Tân ở Bắc Trực Lệ, nhắm vào những nơi Anh Di ghé đến, [thuyền] dài ngắn lớn nhỏ phối hợp phòng vệ, chỉ cần từ cửa biển, từ nội dương đánh ra, bên kia sao có thể múa gậy vườn hoang, vô cớ xông vào nội địa.




Chú thích

1.    ngư thuyền (魚船), chiến thuyền (戰船), về tên gọi ngư thuyền xem phụ lục và mô tả trong Tam tài đồ hội (khí dụng 4) và Võ bị chí (q.116-quân tư thừa, Thủy, Chiến thuyền); về hình dáng, kết cấu xem thêm Thuyền bá danh hiệu đồ thức (Bài 2).

2.    Trượng, đơn vị đo (1 trượng = 10 xích, xích=10 thốn). Một trượng TQ thời Thanh=3,2m; một trượng VN thời Nguyễn di động từ 4m đến 4,2m. Trong bài viết này Uông Trọng Dương tính theo trượng Thanh.

3.    chỗ này nguyên văn viết “篷厚二尺” (bồng hậu nhị xích), mui thuyền dày 2 xích (~64 cm), ngờ là viết hoặc khắc in là sai con số, nếu mui thuyền 64 cm thì quá thấp.

4.    ng.v viết “絞纜” (giảo lãm), bộ phận này có chỗ gọi là lãm sách (纜策), giảo bàn (絞盤), tức chỉ bộ phận trục quấn dây neo thuyền, có thể dùng sức người hoặc động cơ, tức cái ba lăng, máy trục đứng (Capstan). 

5.    ng.v viết “船底艕” (thuyền để bảng), chỉ miếng ván đáy thuyền, bộ phận này thấy Thuyền bá danh hiệu đồ thức gọi là “龍脊骨” (long tích cốt), nghĩa là miếng ván liền với long cốt (tức xương sống thuyền).

6.    ng.v viết “水離艕” (thủy ly bảng), miếng ván be thuyền (phần nổi trên mặt nước), bộ phận này thấy bản vẽ Thuyền bá danh hiệu đồ thức ghi là “Hộ long/ 護龍” (hàm nghĩa bảo vệ miếng ván long cốt/龍骨và long tích cốt/龍脊骨)

7.    ng.v viết “𦨭邊” (bì biên), chữ bì [舟皮] ít thấy, Khang Hy tự điển, Từ nguyên, Hán ngữ đại từ điển không nhập, chữ 𦨭 này cũng thấy trong Võ bị chí, q.116; bản vẽ trong Mân tỉnh thủy sư các tiêu trấn hiệp doanh chiến tiêu thuyền chích đồ thuyết / 閩省水師各標鎮協營戰哨船隻圖說 (Bản vẽ và thuyết minh về thuyền chiến tuần tiễu của các trấn doanh thuộc Thủy sư tỉnh Phước Kiến) thấy quy ước toàn bộ phần ván hai bên hông thuyền gọi là thuyền bì (船𦨭). Chữ “𦨭” nôm đọc là Bè, thấy địa danh sông Cái Bè trong Hoàng Việt Nhất thống dư địa chí 1806 và Gia Định Thành thông chí 1820. Tôi tạm dịch chữ “𦨭邊” (bì biên) là “ván be”, vẫn còn ngờ, chờ xét thêm.

8.    Bố thoa (布梭), Tam tài đồ hội (Khí dụng 4) và Võ bị chí (q.116) mô tả và vẽ kiểu cương thoa thuyền [Hình 2]

9.    Nguyên văn viết “hình dáng như thuyền Di, kiểu tam bản nhỏ”, cách viết này có thể chỉ thuyền tam bản Mã Lai. Tam bản (三板), chữ phiên âm tên thuyền tiếng Mã Lai “sampan” (nghĩa là thuyền nhỏ); cũng có thể chỉ thuyền nhỏ trên tàu Anh.

10.     nguyên văn viết “子母炮” (tử mẫu pháo), súng bắn lựu đạn. Hán ngữ đại từ điển: “子母弹” tử mẫu đạn, xưa gọi là lựu bá đạn (榴霰彈), loại chất nổ khi bắn vỡ tung nhiều hạt như hạt lựu, tung tóe như tuyết rơi, và “子母炮彈” (tử mẫu pháo đạn), là súng bắn lựu đạn / cartridge with ammunition.

11.    xem thêm “lưỡng đầu thuyền” trong Tam tài đồ hộiVõ bị chí mô tả và vẽ kiểu lưỡng đầu thuyền [Hình 3]

12.    Đại đầu tam bản (大頭三板), sự phối hợp hai kiểu thức đại đầu thuyền với tam bản thuyền, tức tam bản đầu  vuông lớn. Đại đầu thuyền được mô tả (bằng hình vẽ) trong sách thời Minh như Tam tài đồ hội Võ bị chí. Bức vẽ đại đầu thuyền trong Tam tài đồ hội ghi chú thêm là “Đại đầu thuyền thuộc hệ thuyền Quảng Đông” (Quảng thuyền, Tiêm vĩ thuyền, Đại đầu thuyền); còn bức vẽ đại đầu thuyền trong thì ghi “Đông Hoản huyện đại đầu thuyền”, tức kiểu thuyền đại đầu ở huyện Đông Hoản. [Hình 4]

13.    Tích cũ, trận thủy chiến hồ Bà Dương, Chu Nguyên Chương đánh bại Trần Hữu Lượng

14.    tích cũ, nhắc chuyện thuyền chúa Nguyễn phá thuyền Hà Lan, có lẽ viết nhầm là thuyền Anh.

15.    “Xa luân thuyền” (車輪船 / Thuyền bánh xe), Tam tài đồ hộiVõ bị chí mô tả và vẽ kiểu [Hình 6]

16.    trát thuyền (軋船), chữ “軋” còn đọc yết, loát; cũng viết trát thuyền (札船), là loại thuyền chèo, kiểu trát thuyền của An Nam được ghi chép nhiều trong sử Trung Hoa, nhằm chỉ loại thuyền nhỏ thời Chúa Nguyễn, với sự kiện đột kích phá thuyền Hà Lan.Hoàng triều thông khảo (Tứ duệ khảo, An Nam) viết: “Trát thuyền không [phân] mũi lái, nhanh nhẹn khác thường”.



1a                                 1b


[Hình 1.a], Ngư thuyền trong sách Tam tài đồ hội 1607          [Hình 1.b], Ngư thuyền, trong Võ bị chí 1619        


2a                                     2b

[Hình 2.a], Cương thoa thuyền trong sách Tam tài đồ hội 1607         [Hình 2.b], Cương thoa thuyền, trong Võ bị chí 1619


3a          3b


[Hình 3.a], Lưỡng đầu thuyền trong sách Tam tài đồ hội 1607       [Hình 3.b], Lưỡng đầu thuyền, trong Võ bị chí 1619


4a                            4b

[Hình 4.a], Đại đầu thuyền (hệ Quảng thuyền) trong sách Tam tài đồ hội 1607

[Hình 4.b], Đại đầu thuyền (huyện Đông Hoản), trong Võ bị chí 1619


5a              5b


    [Hình 5.a] Sa thuyền, trong sách Tam tài đồ hội 1607                     [Hình 5.b], Sa thuyền, trong Võ bị chí 1619

   

6

[Hình 6], Xa luân thuyền, trong Võ bị chí 1619


安南戰船說

餘姚縣知縣汪仲洋

前兩廣制府林公到鎮海,論及戰船,檢篋中繪存圖式以授,計凡八種,而安南船居其半。

一種廣東水師營快蟹艇圖,計兩桅,每面用槳二十枝。

一種知沙碧船圖,計三桅,有頭鼻與英夷船同。炮二層,三十四位,長十二丈。

一種花旗船圖,三桅與英夷船同。炮二層,二十八位。

一種安南國魚船圖,此船一名戰船,用在布梭大頭三板船後,長約八丈餘,寬約八九尺餘, 更加寬長亦可,形如大西瓜扁式。兩邊安炮,兵在篷內打仗,不見敵人炮火,有膽進攻。木料要十分堅厚,使炮子打不動,頭尾兩邊,各設槳三四枝,或設車輪激 水,更為穩捷。炮眼上一層設木欄,欄如女牆式,排列槍炮,欄上設木拱,篷厚二尺,頂有井口,以透煙氣。

一種安南國大師船圖,船身約長十四丈,寬約二丈一二尺,艙深一丈餘,船頭與尾均平,絞 纜用絞盤,船底艕厚五寸餘,水離艕厚七寸餘,𦨭邊一尺餘,以堅木為之。𦨭外企排六寸,寬厚木枋以擋炮,艙內通擋藏火藥,艙安大炮。後正中兩邊,夾以水 櫃,相離二尺,不至潮濕。用木桶裝貯,不用瓦器,凡兩桅,桅凡二段,以筍接豎,式與英夷相同。此船較魚船更巨,皆安南之大船也。

一種安南布梭船,形如夷船,小三板式。長約三丈,寬六尺,兩旁每面設槳十餘枝,頭尾各 安熟鐵大子母炮一位,兩旁配小炮四位,槍兵二十餘名,兩頭用舵,首尾不分,隨意棹走。

一種安南大頭三板船圖,此與布梭船當先夾攻,其船頭須十分堅厚,外加八字槳,以生牛皮 數層蓋之。且船頭高於船尾二尺,彈子擊來,傷不著船中之人,船兩旁高與掉槳人頭齊,船頭安千斤炮一位,兩旁船尾各安子母炮,配槳兵二十餘名,把舵一名,司 炮數名槍兵數名,每船約用三十餘人,船身長三丈餘寬七八尺,旁用堅木厚約二寸,此船及梭船,越南謂明太祖用小船破陳友諒大船之法。英吉利來侵越南,賴此等 船勝之。以其不借風潮,而能運動如飛也。

一種車輪船圖,前後各艙,裝車輪二輛,每輪六齒,齒與船底相平。車心六角,車艙長三 尺,船內兩人齊肩,把條用力,攀轉則輪齒激水,其走如飛。或用腳踏轉,如車水一般,船身長一丈七尺五寸,船艙肚闊五尺,船邊護木,離船一尺一寸,頭尾用木 篷,中用竹篷,船篷至底高六尺餘,一半入水。如船輕用石壓之,蓋船底入水一尺,則輪齒亦入水一尺也。

按以上安南船凡四種,其布梭船大頭三板船,長僅三丈,操楫飛行,進退惟意,實與軋船相 似,而無軋船之名。誠能仿安南之四種,若大師船魚船造三分之一,布梭船大頭三板船造三分之二,工料務求堅實,槍炮咸為預備,揀選善沒水之勇健,不時操練, 分佈粵之虎門、閩之廈門、浙之鎮海、乍浦、吳之上海、北直之天津,隨英夷所到之處,長短大小相衛,但於海口內洋攻之,彼何能肆行無忌,闌入內地。

[“An Nam chiến thuyền thuyết”, bản gõ chữ điện tử phồn thể]


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss