Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Nghịch lý những nốt vàng Thuyền Và Biển

Nghịch lý những nốt vàng Thuyền Và Biển

- Bùi Đức Hào — published 14/07/2015 15:15, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19

Nghịch lý những nốt vàng
Thuyền Và Biển


Bùi Đức Hào



Những dòng này được viết lên như nén hương lòng dâng muộn, để nhớ tưởng tới nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, người nghệ sĩ tài danh – cùng họ, cùng quê với nhà cách mạng Phan Chu Trinh – vừa đột ngột ra đi1, người đã góp phần đưa thanh nhạc Việt Nam lên ngang tầm thế giới: ít nhất, theo thiển ý, cũng là qua hai tác phẩm Bóng Cây Kơ-Nia và Thuyền Và Biển.

Trong tâm thức người thưởng ngoạn, nếu bài trước là khúc ca đằm thắm nghĩa tình, vang vọng, khắc ghi trên từng bóng cây ngọn lá núi rừng, thì bài sau là tiếng sóng lòng dào dạt, là nỗi khắc khoải của một trái tim nồng cháy, không ngớt phải băn khoăn, ray rứt trước mênh mông vô định của biển cả tình yêu và bão táp cuộc đời.

Nếu Bóng Cây Kơ-Nia làm mê hoặc lòng người với âm hưởng độc đáo của nhạc điệu dân tộc Tây Nguyên, thì Thuyền Và Biển – qua dòng nhạc ngắn ngủi thoạt trông như quá giản đơn và cổ điển, nhưng kỳ thật lại biến hóa, cô đọng, có độ nén và tính năng động (dynamique) khác thường – cuốn hút người nghe, chẳng những với các luyến láy ý nhị thuần Việt khi trầm lắng, mà đồng thời còn gợi mở – lúc cao trào – cả không gian rộng lớn, đa chiều của một đại hợp tấu giao hưởng kiểu phương Tây... Cái xuất thần của Phan Huỳnh Điểu, một nhạc sĩ phổ thơ bậc thầy2, là ở đó.


phan-huynh-dieu
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ( 1924-2015)


Mặc dù vậy, bên cạnh thành công to lớn của tác phẩm, Thuyền Và Biển lại chịu số phận của một tuyệt tác chưa được hiểu hết (mặc dù nghĩ cho cùng, đó cũng chẳng là điều lạ) nhưng đặc biệt là chưa bao giờ được thể hiện một cách thật trung thành, trọn vẹn.

Trước tiên, Thuyền Và Biển là một tác phẩm hay của Xuân Quỳnh, nhưng nếu như không có bàn tay nhạc sĩ họ Phan thì có lẽ bài thơ, và thậm chí cả tác giả của nó, đã không được nhiều người biết đến như hôm nay. Tuy nhiên, Phan Huỳnh Điểu luôn tỏ ra rất khiêm tốn và trân trọng đối với các thi sĩ, như ông đã nhiều lần nêu rõ quan điểm của ông về mối tương quan giữa thơ và nhạc.3

Phan Huỳnh Điểu không phải là người duy nhất, mà còn có vài nhạc sĩ khác chẳng hạn như Hữu Xuân cũng đã phổ nhạc bài thơ Xuân Quỳnh và được ca sĩ Ngọc Tân trình bày4, nhưng xem ra ít được hưởng ứng.

Nhạc sĩ họ Phan cũng không phải chỉ đóng vai trò đơn thuần của nhà soạn nhạc: ông còn cung cấp một số tư liệu quý báu giúp người thưởng ngoạn biết thêm về hoàn cảnh ra đời của sáng tác, nhạc cũng như thơ. Trong một cuộc phỏng vấn5, ông tiết lộ:

Tôi và Xuân Quỳnh biết nhau khi ở cùng một chung cư. Lúc đó, Xuân Quỳnh làm dâu gia đình một người bạn của tôi là ông Lưu Quang Tuấn. Tôi vốn hiểu rõ những khó khăn của đôi vợ chồng trẻ, và đồng cảm với họ. Lưu Quang Vũ vốn là người “bay bướm” nên tâm trạng của Xuân Quỳnh rất buồn và nặng nề. Đó cũng là lý do Xuân Quỳnh có nhiều bài thơ tình rất hay, trong đó có bài Thuyền và biển được tôi phổ nhạc.”

Thông tin cũng trong cùng chiều hướng với một chứng từ khác, do nhạc sĩ Trương Quang Lục đem lại6 :“Xuân Quỳnh viết bài thơ này theo nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, bạn của Xuân Quỳnh kể lại vào những năm 1960 khi đang yêu đắm đuối và đau khổ trong cuộc tình tuyệt vọng”

Từ đó, câu chữ Thuyền Và Biển trở nên thật cụ thể, thấm thía và nỗi lòng Xuân Quỳnh, trong chừng mực nào đó, cũng được chia sẻ trọn vẹn hơn. Huyền thoại về mối tình mẫu mực Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ mà nhiều người đã từng ca ngợi7, như vậy, cũng cần được xem lại.

Riêng về bài hát tâm đắc của ông, Phan Huỳnh Điểu cho biết Xuân Quỳnh đã đánh giá cao ngay sau khi nghe Tuấn Phong trình bày lần đầu. Song, nhà thơ có tỏ ý mong muốn người hát, bất luận nam hay nữ, sẽ không thay đổi đại danh từ “em” trong nguyên tác thành “anh”, như thói quen khá phổ biến của các ca sĩ Việt Nam8.

Dĩ nhiên, đó là quyền của tác giả và yêu cầu tự tại của tác phẩm. Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận là, dường như Xuân Quỳnh đã có lần cho rằng bài Thuyền Và Biển khi hát lên nghe có vẻ như giống với tâm sự của một người đàn ông nhiều hơn9. Phát biểu này có thể đem so với ý kiến theo đó dòng nhạc bài hát, tự nó, hợp với giọng nam hơn là nữ10 và vì thế, dễ đưa tới những cảm nhận như vừa nói.

Dù sao, đó là chuyện chủ quan. Nghịch lý lớn nhất nằm ở chỗ khác, là sự kiện khách quan này: trên bình diện nhạc lý – nghĩa là hoàn toàn kỹ thuật –, có chênh lệch khá lạ lùng giữa tác phẩm và cách thể hiện của ca sĩ từ trước đến giờ. Đến độ, người ta có thể mãi mãi mang nuối tiếc bởi vì, từ nay, sẽ không bao giờ còn cơ hội thỉnh ý tác giả trên vấn đề này được nữa…

Thật thế, ta có thể xét qua ba điểm cụ thể.

Trước hết, Thuyền Và Biển nổi bật với từng chuỗi luyến láy tuyệt vời, vốn là sở trường của nhạc sĩ họ Phan, nhưng đặc biệt ở đây nó tạo thêm cảm giác như đang trôi dạt, bềnh bồng trên mặt sóng. Thế mà, rất ít khi – thậm chí chưa bao giờ – ca sĩ hát hết và hát đúng những nốt ghi trong bài. Lộ liễu nhất là trường hợp câu biển mênh mông nhường nào trong đó mênh mông bao gồm 3 nốt và nhường 3 nốt, như ta có thể kiểm chứng trên hình khuông nhạc cạnh đây. Ngay cả Tuấn Phong, người được chính nhạc sĩ họ Phan coi là “ca sĩ thể hiện tốt nhất” nhạc của mình11, trong phiên bản được ghi nhận12 quả có láy cụm từ này, nhưng lại… không đúng với nốt nhạc.

ban-nhac

Một “chi tiết” khác, tinh tế và tuyệt diệu, nhưng tiếc thay, hình như chưa có ca sĩ nào quan tâm, đó là câu những ngày không gặp nhau lòng thuyền đau rạn vỡ

trong đó chữ thuyền dài một “nhịp”[còn được gọi là “phách”] rưỡi, và đặc biệt là chấm dứt trên nửa đầu của nhịp mạnh (temps fort) ở đầu “ô nhịp” (mesure). Vì thế, chữ đau kế tiếp đương nhiên rớt vào nhịp yếu (temps faible): người hát phải “ngậm nuốt” phần ngân cuối chữ thuyền trên nhịp 1 ( mạnh), để kịp thời “nhả” chữ đau ở nhịp 2 (yếu) – nhẹ nhàng, thảng thốt, tựa hồ thoáng giữa cơn mê –, cùng lúc với cảm giác quặn thắt, xoáy sâu như bị co nén, nghẹn ngào, khiến phải thóp bụng, khép khủy tay, để đưa hết cảm xúc vào lòng…

Cuối cùng, nhìn rộng hơn trên toàn bộ bài hát, cái khoảng cách giữa tác phẩm và kiểu hát càng lộ rõ: bài hát viết theo nhịp 6/8 cho suốt phần đầu và kết thúc theo nhịp 2/4. Đó không phải ngẫu nhiên mà là cả một sự chọn lựa, bao hàm nhiều ý tưởng của nhà soạn nhạc. Thế mà, trừ một hoặc hai ngoại lệ mà người viết bài này được biết13, phần đông các ca sĩ và nhà phối khí đều thẳng tay… san bằng và thậm chí thay đổi tùy tiện!

Dĩ nhiên, từ Đông sang Tây, tự cổ chí kim, ca sĩ có quyền thể hiện bài hát theo cách của mình, nhưng với điều kiện nó mang lại một sự cách tân nào đó và/hoặc hay hơn (đối với số đông) hoặc phong thú hơn trên mặt nhạc thuật. Bằng không, đó là sự thiếu tôn trọng tác giả, là sự phá mất vẻ đẹp nguyên thủy của tác phẩm.

*

Cùng với Thơ Tình Cuối Mùa Thu, Thuyền Và Biển là thành tựu điển hình về sự hài hòa toàn bích giữa nhạc và thơ, thể hiện hùng hồn đỉnh điểm tài năng của nhạc sĩ sông Hàn.

Phát biểu về tác phẩm này, Tuấn Phong rất mạnh dạn và chính xác:

Thuyền và biển là một tác phẩm lớn mang màu sắc kinh điển, mang tính hàn lâm - thính phòng sang trọng ngay từ khi mới ra đời. Đó cũng là bước ngoặt của âm nhạc Phan Huỳnh Điểu ở những năm cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980. Nó lỗi lạc ở chỗ hướng con người đi lên mang tính nhân văn, chỉ ca ngợi tình yêu thuần túy và muôn đời chứ không mang tính chiến đấu như những ca khúc của ông trước đây...” 14

Sự ái mộ to lớn của công chúng dành cho bài hát ngày càng khẳng định một chân lý và đồng thời cũng là nghịch lý cho những ai còn bịt mắt dương cao ngọn cờ “tư tưởng”: cái “đỏ” sẽ tự nó phai mờ, để sáng mãi trong sáng tác Phan Huỳnh Điểu và lòng người màu vàng hoa cúc, màu xanh biển trời.


Bùi Đức Hào




Chú thích


1/ Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời sáng 29/6 tại bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) sau một đêm hôn mê sâu vì mắc bệnh bạch cầu cấp, hưởng thọ 91 tuổi.

2/ Ngoài Bóng Cây Kơ Nia (thơ Ngọc Anh, nguồn Hrê) và Thuyền Và Biển (thơ Xuân Quỳnh), các bài thành công nổi bật khác như Anh Ở Đầu Sông Em Cuối Sông và Thơ Tình Cuối Mùa Thu cũng đã được phổ từ thơ của Hoài Vũ và Xuân Quỳnh.

3/ Thơ và nhạc theo Phan Huỳnh Điểu,

http://www.thanhnien.com.vn/am-nhac/nhac-si-phan-huynh-dieu-toi-nguyen-chap-canh-cho-tho-bay-len-299299.html

“Xét đến cùng, chất thơ trong ca từ của một nhạc sĩ thuần túy không thể bằng được chất thơ trong ca từ vốn là bài thơ của một nhà thơ. Nhà thơ chắt chiu từng con chữ, nhạc sĩ chăm chút từng nốt nhạc sẽ cho ra một tác phẩm toàn vẹn và đầy đặn. Bởi vậy, tôi hết sức thích phổ nhạc cho thơ. Thơ và nhạc như cặp anh chị em song sinh, thơ một cánh, nhạc một cánh cho tác phẩm bay lên.”

Trong buổi trình diễn trên đài truyền hình VTV3 mừng sinh nhật lần thứ 85 của ông, Phan Huỳnh Điểu đi xa hơn và phân định 50/50 công của người làm thơ và phổ nhạc, là điều rất thoáng so với một nhạc sĩ, đặc biệt về mặt chia tác quyền.

4/ Ngọc Tân hát Thuyền Và Biển, phiên bản Hữu Xuân :
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Thuyen-Va-Bien-Ngoc-Tan/ZWZAA9ZB.html

5/http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/trong-nuoc/phan-huynh-dieu-chi-tinh-yeu-o-lai-1905453.html

6/ http://sggp.org.vn/amnhac/2015/7/388474/

7/ http://nghiahung_63.violet.vn/entry/showprint/entry_id/8822792 ;

http://vietbao.vn/Van-hoa/Xuan-Quynh-Luu-Quang-Vu-Mot-doi-thoai-tinh-yeu-dep-nhat/40019753/181/

8/ http://sggp.org.vn/amnhac/2015/7/388474/;
http://baicadicungnamthang.net/tu-lieu/khi-ca-si-hat-sai-loi-604.html

Một trường hợp tương tự đáng được nhắc đến ở đây: trong bài Kiếp Nào Có Yêu Nhau (thơ Minh Đức Hoài Trinh, nhạc Phạm Duy) việc đổi “em” thành “anh” của các ca sĩ làm biến chất bài thơ và đánh mất bối cảnh nghệ thuật, bởi lẽ các câu chữ ( tuỵệt vời) vốn hoàn toàn mang nữ tính!

9/ http://vietbao.vn/Van-hoa/Nhac-si-Phan-Huynh-Dieu-Tinh-yeu-la-bau-vat-cua-doi/10843330/181/

10/ https://mbasic.facebook.com/notes/mosaic/xu%C3%A2n-qu%E1%BB%B3nh-v%C3%A0-nh%E1%BB%AFng-b%C3%A0i-th%C6%A1-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-ph%E1%BB%95-nh%E1%BA%A1c/10150285817869340/

11/ https://vi.wikipedia.org/wiki/Tu%E1%BA%A5n_Phong

12/Tuấn Phong hát Thuyền Và Biển :
https://www.youtube.com/watch?v=HbLVvcy65xw 

13/ Ví dụ Lê Dung trong băng thực hiện tại Paris, do Lưu Thanh Dũng và Nguyễn Văn Tuấn đệm ghi-ta.

14/ http://www.thanhnien.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/phan-huynh-dieu-bac-thay-pho-tho-580430.html



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us