Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Tìm hiểu MINH THỰC LỤC

Tìm hiểu MINH THỰC LỤC

- Hồ Bạch Thảo — published 29/09/2010 17:24, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Lời giới thiệu bộ MINH THỰC LỤC / Quan hệ Trung Hoa - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII (Nhà xuất bản Hà Nội)




Tìm hiểu Minh Thực Lục



Hồ Bạch Thảo


Minh Thực Lục, với khoảng bốn mươi ngàn trang không có dấu chấm câu, là bộ sử chép việc xảy ra trong gần 300 năm lịch sử triều Minh (1368-1644). Tuy nhà Minh có 15 đời vua, nhưng thực ra chỉ có 13 Thực Lục cho 13 đời, lý do bởi :


- Ðời vua thứ 2 Huệ Ðế [1399-1402] bị chú là vua Thái Tông giành ngôi, không có Thực Lục riêng. Sự kiện lịch sử trong đời này được chép lấn vào đời vua thứ nhất Thái Tổ [1368-1398] hoặc vua thứ 3 Thái Tông [1402-1424]


- Theo nguyên tắc Minh Thực Lục được soạn ngay sau khi vua tiền nhiệm mất ; như vậy vua Sùng Trinh, vị vua cuối cùng của triều Minh [1628-1644] không có người kế thừa, nên bộ Sùng Trinh Trường Biên được hoàn thành vào cuối thế kỷ thứ 17 dưới thời nhà Thanh, không được chính thức xếp vào Thực Lục.


Ðiều đáng lưu ý thêm ở chỗ vua Minh Anh Tông làm vua 2 lần, trước khi bị Ngỏa Lạt bắt làm tù binh niên hiệu là Chính Thống, sau khi được tha rồi lên ngôi trở lại có niên hiệu là Thiên Thuận. Thời gian giữa [1450-1456] do em là vua Cảnh Tông thay thế, niên hiệu Cảnh Thái. Cả 3 triều vua này được gộp lại làm một bộ Anh Tông Thực Lục.


Minh Thực Lục được biên soạn bởi những nguồn tài liệu sau đây :


1. Khởi Cư Chú (起 居 注) tức nhật ký ghi lại việc làm cùng lúc nghỉ ngơi của nhà vua. Truyền thống này bắt nguồn từ thời nhà Chu [-1100-221], do quan Tả sử chép lời, Hữu sử chép việc ; nhiệm vụ ghi lại lời nói và việc làm của nhà vua trong triều.


2. Nhật lịch (日 曆) ghi chép sự việc hàng ngày, công việc này cung cấp tài liệu chính xác cho Minh Thực Lục.


3. Các văn kiện chính thức được thu thập từ chiếu dụ của vua ; cùng tấu, biểu của các quan và các nước chư hầu.


Sau khi vị vua đương nhiệm mất, Sử quan có nhiệm vụ tổng hợp tài liệu để hoàn thành Thực Lục cho đời vua này ; việc làm được giám sát bởi quan Trung Thư tỉnh [Bí thư] của triều đình.


Bộ sử lúc làm xong chỉ chép thành hai bản ; một bản dành cho vua, để trong nội cung ; bản thứ hai dành cho các quan Đại thần, cất tại nội các, dùng để tham khảo. Vì không muốn tiết lộ những chứng liệu bất lợi cho triều đình, nên sau khi làm xong cho một đời vua, bản thảo phải đốt ngay tại Ba Tiêu viên (vườn chuối) phía đông ao Thái Dịch, trước mắt quan Tổng tài sử. Đến đời Gia Tĩnh vì có hỏa hoạn trong cung, nên nhà vua ra lệnh chép thêm hai bản, một bản khổ giấy cỡ nhỏ, để vua tiện cầm xem hàng ngày.


Như vậy Minh Thực Lục là bộ sử lưu hành hạn chế trong triều đình, nên đương thời người dân chưa từng được xem. Bàn về vấn đề này, Cố Viêm Vũ, một học giả thời đầu nhà Thanh có nhận xét như sau :


Sử của tiền triều đều do các quan đại thần của Thiên tử cùng các thị tòng làm ra ; người đời không được xem.”


Minh Thực Lục do Lương Hồng Chí in lần đầu tiên vào năm 1941, từ bản lưu tại thư viện tỉnh Giang Tô gọi là bản Bảo Kinh Lâu. Bản hiện nay được nhiều người chấp nhận là bản in tại Đài Loan từ năm 1963 cho đến 1968. Nguồn gốc bản này từ Bắc Bình Đồ Thư Quán ; trong thời chiến tranh Trung Nhật, chính phủ Dân Quốc cho chụp bằng microfilm, rồi đưa gửi tại thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ (Library of Congress) nhờ giữ dùm, sau đó mang trở về in tại Đài Loan.


Việt Nam là nước láng giềng được chép nhiều nhất trong Minh Thực Lục, chúng tôi đã thu thập được 1329 văn bản liên quan đến An Nam, Giao Chỉ hoặc Chiêm Thành ; trong khi các nước khác như Singapore, Mã Lai chỉ được đề cập trong vài chục văn bản. Tuy nhiên Học Viện Nghiên Cứu Về Á Châu (Asia Research Institute) của Trường Ðại Học Quốc Gia Singapore (National University of Singapore) đã cho dịch ra Anh văn tất cả những văn bản liên quan dến vùng Ðông Nam Á, trong một công trình lớn mang tên là Southeast Asia In The Ming Shi-Lu.


Theo sự hiểu biết hạn chế của chúng tôi, chỉ mới có một quyển sách duy nhất dùng sử liệu trong Minh Thực Lục để nghiên cứu về Việt Nam. Quyển sách này nhan đề là An Nam Sử Nghiên Cứu (安 南 史 研 究), tác giả là một người Nhật tên Sơn Bản Ðạt Lang (Yamamoto Tatsuro), xuất bản tại Tokyo. Riêng chúng tôi, không ngại học vấn cạn hẹp, đã dùng tư liệu trong Thực Lục để viết một số bài nghiên cứu về lịch sử ; những bài viết này được đăng rải rác trên các tạp chí. Nay đã đến lúc dịch toàn bộ các văn bản liên quan đến Việt Nam trong Minh Thực Lục ; làm công việc này, nhắm giúp cho sử Việt những điều thiết thực sau đây :


- Ðối với những sử liệu được ghi trong sử nước ta như Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư lại được nêu lên trong Minh Thực Lục, như vậy sử liệu được phối kiểm từ hai nguồn, bởi thư tịch 2 nước, nên độ chính xác càng cao. Ngoài ra sử Việt thường chép sơ lược, như việc Sứ thần hai bên qua lại, chỉ ghi vắn tắt ngày tháng xảy ra, riêng Minh Thực Lục cho biết thêm nội dung hai bên trao đổi, nên tư liệu dồi dào hơn.


- Ðối với những sử liệu chỉ riêng Minh Thực Lục chép, giúp chúng ta có thêm tư liệu mới.


- Qua Minh Thực Lục, người yêu sử được thưởng thức nguyên văn những văn kiện của vua quan nước ta gửi sang Trung Quốc, cảm động bởi tâm tình và lòng yêu nước của tiền nhân bàng bạc qua ngòi bút. Như trong cuộc tranh luận về việc tranh chấp đất tại biên giới Việt Hoa với phủ Tư Minh vào năm Hồng Vũ thứ 30 [1397] vua Trần Thuận Tông nước ta đã gửi cho vua Minh Thái Tổ bức thư lời lẽ tuy mềm dẻo nhưng rất cương quyết, có đoạn như sau :


“… Hạ quốc với Tư Minh giáp giới, người phủ Tư Minh thường đến đất hạ quốc giành đất đai, cướp trâu, súc vật ; hạ quốc là chỗ sơ viễn khó có thể tố cáo. Nay Tư Minh đã quen với thu hoạch nhỏ, nên mưu lợi lớn.


Nếu hạ quốc xâm chiếm thì trả lại có khó gì ! Nay không xâm chiếm lấy gì mà thoái hoàn. Năm huyện này là của hạ quốc, đời nối đời truyền lại ; đất để lại phải giữ vững, đâu dám để đất đai của tổ tiên, giao cho Tư Minh …” (Minh Thực Lục, Thái Tổ, q. 250, tr. 3b- 7a)


- Minh Thực Lục chép việc theo trình tự ngày thàng, lần lượt ghi lại mấy chục cuộc nổi dậy tại nước ta trong suốt thời gian nhà Minh đặt ách đô hộ. Chỗ này chưa dẹp xong, thì nơi khác lại nổi lên, giống như bếp lửa bén khói, để rồi bừng lên không thể nào ngăn cản nổi. Những sự kiện được thực lục, giúp người yêu sử Việt cảm thấy hãnh diện tự tin, mặt khác kẻ thù phương Bắc cũng coi đó làm điều răn, phải chùn chân trước tham vọng bành trướng. Về điểm này, bài sớ của Thị Lang Ðường Trụ dâng lên vua Gia Tĩnh triều Minh từng đề cập qua, có đoạn như sau :


Vào năm Vĩnh Lạc thứ 5 [1407-1408] bình Giao Chỉ ; năm sau Giản Định tiếm hiệu nổi lên, đến năm thứ 8 [1410-1411] Trần Quý Khoách làm phản ; rồi các thổ dân hưởng ứng theo, chỉ còn một thành Giao Châu an toàn ! Năm thứ 11 [1413-1414] Trần Quý Khoách bị bắt, Trần Nguyệt Hồ lại làm phản ; rồi năm Tuyên Đức thứ 2 [1427] Lê Lợi làm phản. Các quan văn võ của ta bị chết rất nhiều, như bọn Lưu Tử Phụ, Hà Trung, Dịch Tiên, Lý Nhiệm, Cố Phúc vv.. Quân sĩ, của cải vật chất tổn thất có đến mấy chục vạn ; làm kiệt sức lực Trung Quốc hơn 10 năm, chỉ được cái tiếng thu phục được một số quận huyện trong mấy năm.


Còn các triều đại khác, đánh mà không thắng như Tống Thái Tổ, Tống Thần Tông, Nguyên Thế Tổ, Hiến Tông thì quân đội chôn vùi, uy danh thương tổn. Các sự kiện kê ra như tấm gương sáng có thể soi, đó là điều thứ 4… ( Minh Thực Lục, Thế Tông, q. 195, tr. 1a-2a)


- Về phương điện địa lý, Minh Thực Lục ghi rõ ngày thành lập, hoặc cải đổi các đơn vị hành chánh như phủ, châu, huyện và vị trí hàng trăm ty tuần kiểm đặt khắp nước ta ; tư liệu này rất bổ ích trong việc xác định địa danh duyên cách.


Tất cả những tư liệu nêu trên được dịch ra, xếp theo thứ tự ngày tháng, để in kèm với nguyên văn. Ngoài ra để được thêm phần chính xác, chúng tôi tham khảo thêm Minh Thực Lục Hiệu Khám Ký, cùng bản dịch Anh văn của Asia Research Institute & The Singapore E-press. Cuối sách làm bản Tổng Tra (Index) tên người, tên đất, công trình xây dựng gồm 3411 mục ; giúp người đọc tra cứu một cách dễ dàng.


Làm công việc này chúng tôi đặc biệt cảm ơn anh Nguyễn Bá Dũng đã nhiệt tình cộng tác, cung cấp tài liệu về Minh Thực Lục trên mạng và góp thêm nhiều ý kiến quý báu. Trộm nghĩ muốn hoàn thành một bộ sử lớn cần sự đóng góp của nhiều người, nhiều thế hệ ; khi làm công việc này chúng tôi kính cẩn học theo đức tính cần cù của cha ông, thu lượm những vật liệu như sỏi đá rãi rác khắp nơi, ngõ hầu góp một phần nhỏ xây dựng ngôi nhà quốc sử. (1)

Dịch giả :

Hồ Bạch Thảo




Chú Thích


(1) Tài liệu tham khảo để viết Lời Giới Thiệu :

Minh Thực Lục Nghiên Cứu, Tạ Quí An, Hồ Bắc nhân dân xuất bản xã, 2003.

The Ming Shi-lu as a source for Southeast Asian History, Geoff Wade, Asian Reseach Institute.



Bảng tóm tắt về Minh Thực lục


Miếu hiệu, niên hiệu

Thời gian bao gồm cho mỗi Thực Lục

Năm soạn xong cho mỗi Thực Lục

Số quyển cho các triều đại

Đời vua tương đương tại nước ta

Thái Tổ (Hồng Vũ)

5/1351-24/6/1398

1418

257

Trần Dụ Tông, Nghệ Tông, Duệ Tông , Đế Nghiễn, Thuận đế, Thiếu đế

Thái Tông (Vĩnh Lạc)

24/6/1398-2/9/1424

1430

274

Hồ Quí Ly, Hồ Hán Thương, Minh thuộc

Nhân Tông

(Hồng Hy)

25/8/1424- 29/5/1425

1430

12

Minh thuộc

Tuyên Tông

(TuyênĐức)

16/6/1425-31/1/1435

1438

115

Lê Thái Tổ, Thái Tôn

Anh Tông
(ChínhThống) Cảnh Tông

(Cảnh Thái)

Anh Tông

(ThiênThuận)

29/1/1435-23/2/1464

1467

261

Lê Nhân Tông, Thánh Tông

Hiến Tông

(Thành Hóa)

23/2/1464-9/9/1487

1491

93

Thánh Tông

Hiếu Tông

(Hoằng Trị)

9/9/1487-8/6/1505

1509

224

Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục

Vũ Tông ( Chánh Đức )

9/6/1505-27/5/1521

1525

197

Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông

Thế Tông ( Gia Tĩnh )

27/5/1521-23/1/1567

1577

566

Chiêu Tông, nhà Mạc, Trang Tông, Trung Tông, Anh Tông

Mục Tông

(Long Khánh)

24/1/1567-5/7/1572

1574

70

Anh Tông

Thần Tông    (Vạn Lịch)

5/7/1572-18/8/1620

1630

596

Thế Tông, Kính Tông, Thần Tông

Quang Tông (Thái Xương)

19/8/1620-25/9/1620

1623

8

Thần Tông

Hy Tông (Thiên Khải)

22/1/1621-3/2/1628

1637

87

Thần Tông

Hoài Tông     (Sùng Trinh)

7/2/1628-24/4/1644

Cuối thế kỷ thứ 17

55          (Sùng Trinh Trường Biên)

Thần Tông, Chân Tông




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss