Tìm hiểu về Kant
Tìm hiểu về Kant
Phan Thanh Lưu
LTS. Ở nước ta hiện nay trong chương trình trung học phổ thông không có môn triết học. Trong khi tại nhiều nước, ít nhất trong năm cuối của bậc trung học, triết học được dạy như một môn chính, ít nhiều tùy ban ngành. Như vậy đối với thanh thiếu niên nước ta khi đi vào cuộc sống, triết học là một thứ gì xa lạ, khiến họ ít có cơ hội tìm hiểu bản thân khi chọn lựa các giá trị cho mình và cho xã hội. Một hệ quả là nhiều người dễ bị lung lạc bởi các thế lực có chủ đích riêng và đi ngược lại sự tiến hóa tích cực. Từ nhận xét đó, tác giả - một nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học tự nhiên - đã hợp tác với Viện nghiên cứu Giáo dục (IRED, TPHCM) để biên soạn một cuốn sách "Triết học cho người không chuyên", sắp được xuất bản. Được sự đồng ý của IRED, tác giả gửi cho Diễn Đàn một chương của cuốn sách. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Immanuel Kant được xem như nhân vật chính yếu của triết học Tây phương hiện đại. Kant suốt đời (80 năm, 1724-1804) không rời Königsberg, thành phố nơi ông sinh trưởng (thủ đô nước Phổ lúc bấy giờ, sau Thế Chiến Thứ Hai bị chia cho Liên Xô và đổi tên thành Kaliningrad). Ông sinh trưởng trong một gia đình Tin Lành theo phái « kiên tín », hấp thụ một nền giáo dục khắt khe, và điều này có ảnh hưởng quyết định trên triết học cũng như lối sống của ông.
Cuộc đời của Kant là cuộc đời của một học giả cần mẫn, ông dùng thời khoá biểu chính xác như một bộ máy đồng hồ. Hàng xóm mỗi lần thấy ông đi qua trước nhà là biết mấy giờ, và suốt trong bao năm trời ông giữ thói quen đi dạo vào một giờ nhất định; chỉ một lần duy nhất ông bỏ buổi đi dạo là hôm Cách mạng Pháp bùng nổ, ông nôn nao ở nhà chờ tờ báo đưa tin. Ông sống kín đáo, không vợ con.
Những nền tảng triết học của Kant
Là một giáo sư triết học, Kant am tường truyền thống triết học trước ông. Ông biết tư tưởng của những người duy lý như Descartes hay Spinoza và của những người duy nghiệm như Locke, Berkeley hay Hume. Phái duy lý cho rằng lý trí con người là nền tảng của tri thức, còn phái duy nghiệm thì cho rằng chỉ có giác quan mới làm cho chúng ta nhận biết thế giới. Hume ngoài ra còn chỉ ra những giới hạn của những kết luận do cảm tưởng của chúng ta mang lại. Theo Kant, cả hai phái đều đúng và sai. Vấn đề cần phải biết là : tri thức nào chúng ta có thể có về thế giới và thế giới có phải như cái mà giác quan ta cảm nhận, hay là như lý trí hình dung cho chúng ta ? Theo Kant, sự cảm nhận và lý trí đều đóng một vai trò quan trọng, nhưng phái duy lý cho lý trí quá nhiều quyền lực và phái duy nghiệm lại quá tự giới hạn vào kinh nghiệm khả cảm. Kant chấp nhận kinh nghiệm là khởi điểm của mọi nhận thức, nhưng chỉ có lý trí mới có những điều kiện cần thiết để phân tích xem chúng ta cảm nhận thế giới như thế nào. Lý trí có những khả năng để quyết định tất cả những kinh nghiệm khả cảm. Dù kinh nghiệm khả cảm là gì đi nữa, nó nhất thiết phải ghi khắc trong không gian và thời gian mà Kant gọi là hai « dạng tiên thiên » của cảm tính con người (nghĩa là có trước mọi kinh nghiệm). Thế giới chỉ là một tổng số những hiện tượng ghi khắc trong không gian và thời gian. Không gian và thời gian là ở nơi chúng ta, đó là những yếu tố tạo thành con người. Chúng không phải do từ thế giới mà có. Ý thức con người không phải là một tờ giấy trắng trên đó được viết lên một cách thụ động những cảm tưởng của giác quan chúng ta. Trái lại nó vô cùng chủ động, bởi vì chính ý thức quyết định quan niệm của chúng ta về thế giới. Kant khẳng định rằng nếu ý thức được hình thành từ sự vật, sự vật cũng được hình thành từ ý thức. Điểm sau này chính Kant đặt cho cái biệt danh là cuộc « cách mạng Copernic » về tri thức (xem sau). Còn định luật nhân quả mà theo Hume con người không thể biết đến bằng kinh nghiệm, Kant cho là nó thuộc về lý trí. Cái mà Hume cho không thể chứng minh Kant cho là một đặc tính bẩm sinh của lý trí. Kant quả quyết rằng chúng ta mang định luật nhân quả trong chúng ta và tri thức của con người luôn luôn xem xét mỗi biến cố, mỗi sự kiện trong một tương quan nguyên nhân–hậu quả : đó là điều được gọi là dạng tri thức. Còn những yếu tố bên ngoài mà chúng ta không nhận biết được trước khi trải nghiệm về chúng thì được gọi là chất liệu tri thức. Kant cũng chấp nhận như Hume rằng chúng ta không thể nào chắc chắn về bản chất đích thật của thế giới « tự thân ». Chúng ta chỉ có thể biết thế giới như thế nào « đối với tôi », nghĩa là đối với chúng ta, những con người. Sự khác biệt giữa sự vật tự thân (das Ding an sich) và sự vật đối với tôi (das Ding für mich) là điểm thiết yếu của triết học của Kant. Kant cũng chỉ rõ rằng tri thức con người có những giới hạn. Những câu hỏi lớn của triết học như linh hồn con người có bất tử hay không, Chúa có hiện hữu hay không, thiên nhiên có do những vi tử cấu thành hay không, hoàn vũ là hạn định hay vô tận, v.v…không thuộc địa hạt của con người. Về những vấn đề quan trọng như thế, lý trí tác động bên ngoài trường tri thức, lý trí không thể quyết định dứt khoát. Mặt khác, kinh nghiệm cũng không thể nào cho phép chúng ta quả quyết Chúa hiện hữu hay không. Thay vào kinh nghiệm là lòng tin. Lòng tin, chứ không phải lý trí đã đưa đến những kết luận như con người có một linh hồn bất tử, Chúa hiện hữu, và con người có tự do định đoạt đúng sai. Đó là những định đề thực tiễn. Định đề vì là không chứng minh được, thực tiễn vì liên quan đến đạo đức. Kant nói : chấp nhận sự hiện hữu của Chúa là một sự tất yếu đạo đức.
Sự hoài nghi của Hume đối với thông điệp của lý trí và giác quan làm cho Kant đặt lại tất cả những câu hỏi thiết yếu, nhất là về vấn đề đạo đức. Hume nói rằng không thể nào gỡ cái thực ra khỏi cái giả, bởi vì những gì « là » không bao hàm những gì « phải là ». Đó chỉ là một vấn đề thuần tình cảm. Kant thì cho rằng sự phân biệt giữa điều thiện và điều ác là một cái gì thực (ở đây ông đứng về phái duy lý). Mọi người đều biết cái gì là thiện, cái gì là ác, không phải vì chúng ta học được mà vì những cái đó ghi khắc trong lý trí chúng ta. Khả năng phân biệt thiện ác là bẩm sinh, như những tính chất khác của lý trí. Đó là một định luật đạo đức phổ cập, có tính tuyệt đối, như những định luật vật lý đối với những hiện tượng thiên nhiên. Định luật đó là nền tảng của đời sống đạo đức của chúng ta, cũng như nguyên lý nhân quả là nền tảng của tri thức của chúng ta. Cũng có thể nói quy luật đạo đức là lương tâm của chúng ta.
Nói tóm lại:
Lý trí của chúng ta không thể chỉ giới hạn vào kinh nghiệm, chúng ta luôn luôn đi ra ngoài giới hạn (linh hồn, Thượng Đế, …), và từ đấy chúng ta không biết trông đợi váo ai khác ngoài chúng ta.
Kant muốn giải quyết vấn đề ấy bằng triết học và bằng lý trí để chống lại chủ nghĩa hoài nghi. Lý trí có những khả năng nào ? Phải lấy lại tri thức về cho mình và đẩy lùi tất cả những gì không có căn cứ, đó là sự phê phán cái lý trí thuần túy.
Như vậy phải tìm trong chính lý trí những quy luật và những giới hạn hoạt động của lý trí để biết trong chừng mực nào chúng ta có thể tin vào lý trí. Vật chất là hậu nghiệm, mô thức là tiên nghiệm. Tri thức có thứ là tiên nghiệm, có thứ là hậu nghiệm.
Chủ nghĩa phê phán là gì ?
Kant
được công nhận như người
sáng lập triết học hiện đại,
vì ông đã đưa ra những phê
phán có tính quyết định về
những tham vọng của siêu hình học
muốn tự nâng lên thành thứ kiến
thức tuyệt đối. Triết học của
Kant được gọi là chủ
nghĩa phê phán
vì lý do đó và cũng vì
phần quan trọng của những tác phẩm
của ông nằm trong ba cuốn «Phê
Phán »
mà ông đã lần lượt viết :
- Phê phán lý trí thuần tuý, bàn về lý thuyết về nhận thức ;
- Phê phán lý trí thực tế, bàn về hành động đạo đức ;
- Phê phán sự phán đoán, bàn về sở thích và mục đích.
Kant là một triết gia của phê phán, nhưng cũng là một triết gia của hệ thống. Cuốn Phê Phán Lý Trí Thuần Tuý là một công trình đồ sộ, toàn bộ cuốn sách cơ cấu như một thành phố. Tác giả rất chú trọng đến cách cấu trúc của tác phẩm : những phần đối xứng xây dựng trên những mảng tương phản, những sự đồng dạng, v.v.
Tính hệ thống được xác lập chống lại điều mà Kant gọi là lối hát vè (rhapsodie), nghĩa là một chuỗi những dữ kiện và ý tưởng không ăn nhập gì với nhau. Chẳng hạn, danh sách mười phạm trù đề xướng bởi Aristote là một « bài vè ». Bản mười hai phạm trù đề xướng bởi Kant có tính hệ thống. Chủ nghĩa phê phán cũng khác xa chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa giáo điều. Kant nhìn với con mắt nghiêm khắc chủ nghĩa bách khoa mà ông cho là hời hợt không có tính uyên bác, và ông coi thường những "chuyên gia" về tư tưởng. Kant nói một cách mỉa mai : những chuyên gia mà chỉ nhìn thế giới bằng một con mắt thì cũng chẳng khác gì mấy ông thần một mắt.
Trích dẫn : « Lý trí con người theo bản chất là có tính kiến trúc, nghĩa là nó xem tất cả kiến thức như thuộc vào một hệ thống khả dĩ », - Kant
Kant có tên tuổi trong lịch sử khoa học
Trước khi trở thành triết gia, ông dạy thiên văn địa lý ở đại học Königsberg.
Cho đến năm 46 tuổi, trước khi ông viết « Luận Văn 1770 » về lưỡng tính của thế giới khả cảm và thế giới khả niệm, Kant còn chưa định được hướng đi cho mình. Người ta gọi thời kỳ trước khi Kant có ý tưởng lập dự án phê phán dẫn tới cuốn Phê Phán Lý Trí Thuần Tuý (1784) là thời kỳ « tiền phê phán ». Cho đến cái ngã rẽ quyết định ấy, Kant là một triết gia duy lý, quan niệm của ông về thế giới là theo dấu vết của Christian Wolf, ông này lại là đồ đệ của Leibniz.
Cuộc động đất khủng khiếp ở Lisbone năm 1755 làm chấn động Âu châu đã trở thành đề tài tranh cãi triết học (Làm sao còn tin vào Thiên Hựu khi hàng nghìn người vô tội đã chết trong một thiên tai như vậy ?), Kant viết mấy bài báo chấm dứt bằng sự phán đoán rất đượm màu Leibniz : chúng ta là một phần của thiên nhiên, mà chúng ta lại muốn là Tất Cả.
Lúc đó Kant quan tâm đến thiên nhiên, thậm chí trong chiều kích thực nghiệm nhất, cụ thể nhất. Ông làm luận án tiến sĩ với đề tài về lửa, rồi dạy địa lý. Một trong những công trình đầu tiên của ông (Vạn vật học và lý thuyết về trời) là dùng lý thuyết hấp dẫn vạn vật của Newton để đưa ra một lý thuyết về hệ mặt trời. Về sau nhà bác học Pháp Laplace lấy lại lý thuyết đó và cải thiện để trở thành giả thuyết Kant-Laplace, khoa học hiện đại đã kiểm chứng giả thuyết đó.
Chương trình phê phán : trả lời ba câu hỏi
Kant nói đọc Hume đã khiến ông thức tỉnh khỏi giấc ngủ giáo điều. Ông tự cho mình đối với Hume có một vị trí giống như Descartes đối với Montaigne : làm thế nào cứu tư tưởng hoài nghi mà không rơi vào ảo tưởng ?
Kant nói : Tất cả công việc của lý trí đều nằm trong ba câu hỏi sau :
- Tôi có thể biết gì ?
- Tôi phải làm gì ?
- Tôi được phép hy vọng gì ?
Ba câu hỏi đó dẫn tới một câu hỏi thứ tư tóm lược mọi câu hỏi : con người là gì ?
Như thế, Kant đi từ thiên nhiên vật lý sang chủ thể người.
Cuộc cách mạng Copernic
Khi Einstein nói rằng cái điều khó hiểu nhất trên thế giới là có thể hiểu được thế giới, tư tưởng ấy nằm trong khung tư tưởng của chủ nghĩa phê phán của Kant (Kant đã có một ảnh hưởng to lớn lên tư tưởng của nước Đức ở cuối thế kỷ 19, lúc Einstein đi học đại học, và lúc xuất hiện một trào lưu gọi là « chủ nghĩa Kant mới » để phản ứng lại chủ nghĩa duy vật khoa học).
Ở đoạn đầu của Phê Phán Lý Trí Thuần Tuý Kant so sánh phương pháp của mình với phương pháp của Copernic. Nhà bác học Ba Lan đã đưa môn thiên văn vào quỹ đạo của khoa học hiện đại ở thể kỷ 16 khi đặt mặt trời vào trung tâm của hệ thống và đẩy Trái Đất ra. Thời Cổ Đại đã tin và xem Trái Đất như là trung tâm của vũ trụ. Kant so sánh sự chỉnh tâm của Copernic với sự chỉnh tâm của mình : cho đến bấy giờ các triết gia đã tìm cách giải quyết vấn đề nhận thức bằng cách cho chủ thể quay quanh khách thể (đối tượng), do đó mà có những ngõ bí và những cuộc tranh cãi. Kant quả quyết : lấy khách thể ra khỏi trung tâm, đặt chủ thể vào trung tâm và cho khách thể ra ngoại biên, thì chúng ta sẽ có thể biết được nhận thức là gì và giới hạn của nhận thức là ở đâu.
Sau này Bertrand Russell và nhiều người khác lưu ý về sự không hợp lý của Kant khi so sánh với Copernic, bởi vì động thái của Copernic là lấy con người ra khỏi trung tâm mà con người đã huênh hoang tự gán cho mình. Ngày nay khoa học hiện đại đã chối bỏ sự lấy con người làm trung tâm có từ mấy nghìn năm. Kant đi từ nguyên lý : con người có những khả năng (cảm tính, tri thức, lý trí) và những khả năng này là những dữ kiện hoàn tất về mặt cấu trúc cũng như trong cách vận hành. Thế nhưng điều này có thể phản bác bởi khoa học hiện đại.
Xem tiếp: Xin bấm vào đường dẫn dưới đây để đọc toàn văn bài viết.
Phan Thanh Lưu
Các thao tác trên Tài liệu