Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Tính khả tri của văn hoá

Tính khả tri của văn hoá

- Đà Linh — published 11/09/2008 09:23, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:17
Giới thiệu cuốn sách mới của François Jullien. Tuy chưa được dịch ra tiếng Việt, vừa qua François Jullien đã sang Việt Nam và có 2 buổi nói chuyện (ngày 8 và 9/9/2008) tại Bộ Văn Hoá Việt Nam và Trung tâm Minh Triết (Hà Nội) về tác phẩm này.


Tính khả tri của văn hóa

cảm nhận bước đầu về
công trình mới xuất bản
của François Jullien*


Đà Linh

Cách đây hơn 3 năm, tại Viện Đại học Cố đô Huế, Việt Nam, đã diễn ra Hội Thảo Quốc tế Triết học (COLLOQUE FRANCOIS JULLIEN). Qua 3 ngày Hội thảo, với hàng chục tham luận của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đến từ thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, các viện nghiên cứu, trường đại học, từ Paris, Charles-de-Gaulle Lille 3, Tokyo... đã đánh dấu Colloque này là một sự kiện đặc biệt đối với không khí học thuật tại Việt Nam, có lẽ trong những thập kỷ gần đây chưa thấy. Từ những năm cuối thế kỉ XX, GS Hoàng Ngọc Hiến sau khi nghiên cứu về hiện tượng François Jullien đã thấy sự cần thiết và không thể chậm trễ hơn trong việc giới thiệu và dịch các tác phẩm của François Jullien đến bạn đọc Việt Nam. Theo ông, Tư duy Triết học của François Jullien là tặng vật của trời đất, “như mảnh thiên thạch rơi xuống vùng hồ triết học Âu Tây”. Bước sang đầu thế kỉ XXI này, các công trình, tiểu luận của François Jullien liên tục được công bố tại Việt Nam. Bạn đọc, nhất là giới trí thức đã phát hiện, cảm nhận được một hướng mới lạ trong phương pháp luận của François Jullien. Phương pháp luận cùng kiến thức quảng bác từ những công trình, tiểu luận này đã thực sự đem lại những thức nhận mới, bổ ích. Các công trình xuất bản và Hội thảo góp phần khẳng định những phát hiện, sáng tạo hết sức to lớn của François Jullien trước những vấn đề căn cốt của Triết học và Minh triết, suy rộng là tư tưởng nhân loại. Nhiều tham luận tại hội thảo, cho thấy rõ François Jullien đã dồn rất nhiều tâm sức trong việc cố gắng kết tinh những giá trị của cả hai nền văn hoá Đông - Tây và nỗ lực chắt lọc tinh hoa đẩy lên một tầm cao mới trên bình diện phương pháp tư duy khoa học.

François Jullien là một nhà nghiên cứu tư tưởng đương đại lừng danh, triết gia dạy đại học, chủ nhiệm khoa ngôn ngữ và văn minh Đông Á, viện trưởng, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc học, tác giả của nhiều chuyên luận so sánh tư tưởng Trung Hoa và triết học phương Tây và đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Một học giả như François Jullien “rất cần thiết cho việc phát triển các ngành Việt học sắp tới ” (trích lời khai mạc của Ban tổ chức Colloque).

Triết gia - Minh triết - Tâm huyết là ba tố chất tỏa ra từ François Jullien.

Chính từ tâm huyết lớn lao của François Jullien, hôm nay chúng ta lại được tiếp cận với một công trình hết sức quan trọng, có tính chủ đạo và hướng đạo, mới được ra mắt tại Paris trong ít ngày vừa qua, và lập tức đã có hiệu ứng. Đó là “Bàn về cái phổ biến, cái đồng nhất, cái chung và về cuộc đàm đạo giữa các nền văn hóa”.*

Cuộc đàm đạo, hội thoại giữa các nền văn hóa mà tác giả đề xuất là cuộc gặp gỡ, hội thoại mang tính toàn cầu - là cơ sở điều độ toàn cầu hóa. Nó không dừng lại ở chỗ cung cấp những kiến thức đã chưng cất, khảo sát từng bình diện của con người và thời đại, mà nó chỉ ra cách giải quyết cơ bản, trên cơ sở khẳng định vai trò nền tảng của văn hóa, phổ biến là định hướng, là viễn cảnh, hai ý niệm này lại có thể chuyển đổi vị thế cho nhau. Chúng ta đã nghe nói đến trục tung và trục hoành trong văn hóa, và cảm nhận phác đồ dòng chảy thành hình tượng tỏa lan trên bề mặt đồng thời là những mạch ngầm bên dưới.

Trong lịch sử đã từng xảy ra những cuộc gặp gỡ, đàm thoại giữa những nền văn hoá qua trao đổi, mậu dịch, di dân, định cư, truyền giáo và kể cả chiến tranh… Sắc thái, tầm vóc và nhu cầu đàm thoại văn hóa thay đổi theo giai đoạn và không gian lịch sử. Yêu cầu hội ngộ văn hóa trở nên bức thiết khi Toàn cầu hóa lên cơn sốt và trở thành hiện trạng bất khả kháng. Nhưng, Toàn cầu hóa có vấn đề, vì hội ngộ văn hóa còn chứa đựng nhiều vấn đề cần tháo gỡ và chưa được giải quyết. Hội ngộ văn hóa sẽ trở thành xung đột văn hóa, nếu không phát hiện ra hướng “chủ đạo”, hướng “phổ biến”, bền vững và thăng hoa. Văn hóa chính là thực thể động lực của mọi bình diện liên quan đến con người: chính trị, xã hội, kinh tế… Có rất nhiều loại hình văn hóa: cô lập, bài tha, độc tôn ái kỷ, vong thân, tha hóa, truyền thống, khai phóng… nên khi văn hóa có vấn đề, sẽ tất yếu dẫn tới những khủng hoảng nhất định trong đời sống cộng đồng. Cần phải hiểu ý niệm văn hóa đích thực, tất nhiên không đến từ sự áp đặt bằng sức mạnh quân sự (như Châu Âu từng áp đặt cho phương Đông, Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản…), hoặc nền văn hóa của Trung Hoa tự xem là trung tâm vũ trụ, cũng đã chạm vào giới hạn, đã tự phát hiện ra nhược điểm. Rồi hiện nay, kinh tế đang lăm le tiếm đoạt ngôi vị “hoàng đế” của văn hóa. Nhưng nhân loại sẽ ra sao, khi vị vua không hội đủ hoặc thiếu tư cách?

Tác giả khẳng định “ngôi trị vì” của văn hóa, đó chính là động cơ do tinh thần hun đúc, thúc đẩy khối đông người trong vận động, chọn hướng sinh tồn. François Jullien trong công trình này đã nỗ lực phát hiện phương tiện “khả tri” (intelligible). François Jullien sống lâu ở Trung Hoa, ông cảm nghiệm sâu sắc “thiên hạ” Trung Quốc, “thế giới” Đông phương. Phương Tây của khái niệm, chuộng sự rạch ròi của khái niệm. Phương Đông của ý niệm, lấy cái tinh vi, uyển chuyển của ý để thâm nhập. Để chuyển tải văn hóa, nếu Tây và Đông cứ đứng riêng rẽ, thì đều khó đáp ứng yêu cầu hiện nay. Thế nên, François Jullien “người của 2 phương trời” đã đưa ra được phương tiện chung: từ khía cạnh bênh vực chủ trương “nhân bản mềm” (humanisme mou), lấy ý niệm “phổ biến” làm phương tiện trọng tài. Trong khi dẫn giải, xác lập ý nghĩa đích thực, thực hiệu của phổ biến, tác giả đã tạo lập một dạng tam giác, bằng cách thiết đặt “phổ biến” vào thế vừa giằng co với mặt trái của nó là “đồng nhất”, vừa dè dặt với cái xuất phát từ hiệu ứng trong nó là “cái chung”. Về ý niệm “đồng nhất”, lớp bồi thứ nhì làm sa đoạ ý niệm “phổ biến”, nó không phải là yêu sách bức thiết của lý trí mà xuất phát từ sự “tiện dụng” trong sản xuất, tính độc hại của nó khó tránh, khi ảo giác, ảnh ảo (image virtuelle) xuất hiện, sẽ âm thầm truyền bá tính độc đoán khó nhìn thấy của nó. Cái “chung” trong ý niệm “chung” là ở chỗ có phần, chỗ tham gia (partage/share), không tiên nghiệm. Nó là cái kho vô tận cho kinh nghiệm khai thác, nó mở cửa nhưng lại bị đe doạ, bị nhốt trở lại vào chủ nghĩa “cộng đồng” hẹp hòi. Ở đây, vấn đề “phản tỉnh nhân loại tính”, tự do sáng tạo... (những nội dung rất căn cốt của văn hóa và phát triển) đang đứng trước những nguy cơ, thách thức nghiêm trọng.

Phương Tây xây dựng lâu đài kiến thức bằng những viên gạch được nung thành những khái niệm phân minh, cơ sở thuận lợi cho việc truyền giao lưu giữ. Phương Đông gợi ý “tu thân” để có nhũng bậc quân tử, chân nhân. Phương Tây của ánh sáng Ki-tô giáo (Ta là ánh sáng), của triết học Hy Lạp, lý trí của thời Ánh sáng (siècle des lumières) và phương Đông của Minh triết, của Đạo, Ngũ hành... “Đạo chi vi vật, duy hoảng duy hốt, hốt hề hoảng hề, kỳ trung hữu tượng...” (Đạo sanh ra Vật / thấp thoáng mập mờ / thấp thoáng mập mờ / trong đó có hình... Lão tử - Đạo Đức kinh, chương XXI, lời dịch Nguyễn Duy Cần). Nhưng đó là những nền văn hóa “hữu tượng” của truyền thống, “tiền-toàn-cầu-hóa”, khi Toàn cầu chưa có tên gọi. Toàn cầu hóa đã bùng nổ, nhưng sẽ đi về đâu khi văn hóa bất định hình hay có nguy cơ trở thành xung đột? Giải quyết bằng phát hiện “khoảng cách” (écart) văn hóa, nhận diện độ chênh, căng thẳng giữa chúng, mở cửa không gian tao ngộ, tiếp biến trên tầm mức mới của thời đại, và những barrière cũ mòn sẽ được dành cho các bảo tàng hoặc chỉ còn tác dụng trang trí. Mở không gian văn hóa, đối diện (face à face), tao ngộ là tâm huyết, là nỗ lực to lớn và vô cùng quan trọng. “Dia” (trong từ Dialogue) là hai, đôi, cặp, là đối. Chỉ nhờ qua “dia” của “ khoảng cách” mới tạo ra “thoại (logue)” giữa hai cực (positif và négatif), cư ngụ được trên bình diện chung của đôi bên là cái “khả tri”. Mà tính khả tri (intelligiblité) là thuộc tính vốn có, nó luôn tiềm ẩn trong mọi nền văn hóa . “Dia” sẽ sản sinh ra những điều kiện mới cho cuộc tự-phản (nhân loại tính). Đó là linh cảm đặc biệt và niềm tin của tác giả, trên cơ sở bẩm sinh năng tri của nhân loại.

Triết gia François Jullien từ rất sớm đã hòa mình vào dòng sông Minh triết, những nỗ lực không ngừng đã đưa ông chạm đến ngọn nguồn khởi thủy, thu vào mình những điều vi diệu. Và như một tất yếu, công trình có tính “chủ đạo - hướng đạo” này được ra đời, nói theo cách người Việt, đúng thời khắc- “trái chín tự rụng”.

8 .8.2008

Đà Linh

Ghi chú:

*De l’universel, de l’uniforme, du commun et du dialogue entre les cultures. François Jullien. Fayard, 2008

Nguồn : Bài đã đăng trên tuần báo Văn Nghệ, đây là bản gốc do tác giả gửi Diễn Đàn.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss