Trần Thiếu Đế
Trần
Thiếu Đế
[1398-1400]
Hồ Bạch Thảo
Tháng 3, năm Quang Thái thứ 11 [19/3-16/4/1398] (Minh Hồng Vũ thứ 31), Vua Trần Thuận Tông truyền ngôi cho Thái tử An tức Trần Thiếu Đế. Thái tử lên ngôi, đổi niên hiệu là Kiến Tân năm thứ nhất; tôn Khâm thánh hoàng hậu làm Hoàng thái hậu. Lê Quý Ly tự xưng là Đại vương, thay vua giữ chính quyền trong nước:
“Quý Ly có chí cướp ngôi vua đã lâu, nhưng trót thề với Nghệ Tông [sự việc xảy ra vào năm 1394], nay trái lời thề cũng có ý ngại, bèn ngầm sai đạo sĩ Nguyễn Khánh ra vào trong cung, khuyên nhà vua rằng:
‘Cảnh tiên thanh thú, khác hẳn trần gian, các thánh đế triều ta chỉ ham chuộng về Phật giáo, chưa có vị nào giao du với người tiên đắc đạo. Nay bệ hạ ở nơi cửu ngũ [chỉ ngôi Vua] (1) tôn nghiêm, nhọc lòng với muôn việc, chi bằng truyền ngôi cho Đông cung theo tiên tu đạo để cho cái đức khiêm cung thuần hoà ngày thêm sáng sủa.’
Nhà vua nhận lời, bèn phụng lĩnh đạo giáo ghi tên vào sổ tu tiên. Quý Ly dựng cung Bảo Thanh ở phía tây nam núi Đại Lại [huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa], rước vua ra ở. Nhà vua bèn hạ chiếu truyền ngôi, đại lược tờ chiếu nói:
‘Trẫm lúc trước vẫn mến tưởng phong vị thanh tao, không có bụng muốn ngự xe hoàng ốc [chỉ ngôi Vua]. Vả lại, Trẫm là người không có đức, làm nhục đến ngôi Vua, thực không sao đương nổi công việc. Nay truyền ngôi để nghiệp lớn được lâu dài. Hoàng thái tử An cần được lên ngôi Vua [tức là Thiếu Đế], Phụ chính thái sư Lê Quý Ly lấy danh nghĩa là Quốc tổ [ông ngoại Vua] thay giữ chính quyền, Trẫm tự xưng là Thái thượng nguyên quân hoàng đế, bồi dưỡng lòng trai khiết ở cung Bảo Thanh, để thoả được ý muốn trước kia của Trẫm...’ Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Lúc ấy Thái tử mới 3 tuổi, khi nhận tờ chiếu truyền ngôi, không biết lạy. Quý Ly sai Thái hậu lạy đằng trước để Thái tử theo sau. Quý Ly tự xưng là Khâm đức Hưng liệt đại vương. Lập bảng văn ghi:"Trung thư, Thượng thư sảnh phụng mệnh Nhiếp chính cai giáo hoàng đế thánh chỉ ".
Ngày hôm ấy lên ngự điện ở kinh đô mới, làm lễ khánh thành, ban yến cho các quan từ hàng ngũ phẩm trở lên, cho phép con trai con gái được ngày đêm dạo chơi ngắm cảnh ở cửa nam kinh thành.
Nhắm yểm trợ cho phép “Hạn điền” ban hành từ năm trước; triều đình cho đo đạc chính xác; ruộng đất nào không sở hữu hợp pháp, thì đem sung công. Lại giáng chức Hành khiển Hà Đức Lân, vì có lời nói trái với chính sách:
“Hạ lệnh cho dân, người nào có ruộng phải cung khai báo cáo số mẫu ruộng, trên mặt ruộng phải cắm thẻ tiêu đề họ tên của mình, các quan ở lộ, phủ, châu và huyện phải hội đồng kiểm xét đo đạc, làm thành sổ sách 5 năm mới xong. Ruộng nào không có người cung khai đoan nhận, thì nhà nước lấy làm ruộng công. Lúc ấy, Đức Lân nói kín với người nhà rằng:
‘Đặt ra phép này chỉ để ăn cướp ruộng của dân đấy thôi’.
Quý Ly nghe biết, liền giáng chức Đức Lân.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Tháng 4 năm Kiến Tân thứ 2 [6/5-4/6/1399] (Minh Huệ Đế, Kiến Văn năm thứ nhất), sau khi đã truyền ngôi, Quí Ly bức Nguyên quân Thuận Tông dời ra ở quán Ngọc Thanh thuộc huyện Đông Triều, Hải Dương; lại ngầm sai nội tẩm học sinh Nguyễn Cẩn đi theo để trông nom coi sóc; Nguyên quân hỏi Cẩn:
‘Anh đi theo ta, ý muốn làm gì?’.
Cẩn không nỡ nói rõ âm mưu. Trước đó Quý Ly đưa cho Nguyên quân 4 câu thơ, nhắm xui nhà Vua tự tử, nguyên văn như sau:
Tiền
hữu dung ám quân,
Hôn Đức
cập Linh Đức.
Hà bất tảo an
bài,
Đồ sử lao nhân lực.
(Trước
đó vua hèn ngu,
Hôn Đức
[Dương Nhật Lễ] và Linh Đức
[Phế Đế].
Sao không sớm liệu
đi,
Để
cho người nhọc sức?).
Sau lại bảo Cẩn rằng:
"Nếu Nguyên quân không chết, thì nhà người phải chết".
Cẩn dâng thuốc độc, Thuận Tông không chết, lại dâng nước dừa và không cho ăn, cũng không chết. Quý Ly bèn sai Xa kỵ thượng tướng quân Phạm Khả Vĩnh đem thắt cổ cho chết.
Rồi nhân lễ hội thề hàng năm, bọn Thái bảo Trần Nguyên Hàng và Thượng tướng quân Trần Khát Chân mưu giết Quý Ly không thành, nên bị giết:
“Bọn Thái bảo Trần Nguyên Hàng và thượng tướng quân Trần Khát Chân bàn định đến ngày hội họp tuyên thệ sẽ giết Quý Ly. Đến ngày ấy, hội thề ở Đốn Sơn [xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa], Quý Ly lên trên lầu nhà Khát Chân để xem, nghi vệ y như Thiên tử đi tuần du. Lúc ấy Phạm Tổ Thu và thích khách là Phạm Ngưu Tất cầm vững tay kiếm muốn xông lên, Khát Chân trừng mắt nhìn, hai người bèn không quả quyết tiến lên nữa. Quý Ly thấy chột dạ, liền đứng dậy, vệ sĩ hộ vệ để xuống. Ngưu Tất quăng thanh kiếm xuống đất, nói:
‘Cả lũ chỉ chết uổng mất thôi!’.
Việc ấy bị tiết lộ, Thái bảo Nguyên Hàng, Trụ quốc Nhật Đôn, Tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, Thượng thư Hà Đức Lân, Hành khiển Lương Nguyên Bưu và bọn Phạm Ông Thiện, Phạm Tổ Thu, Phạm Ngưu Tất cùng người thân thích liêu thuộc hơn ba trăm bảy mươi người đều bị hại, gia sản bị tịch thu. Những người liên can bị bắt, hết năm này sang năm khác chưa xong. Ở ngoài đường sá, người ta chỉ lấy mắt nhìn nhau, dầu hai người cũng không dám nói chuyện. Lễ hội thệ từ đây bãi bỏ.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Tháng 6 [4/7-1/8/1399]. Quý Ly tự xưng là Quốc Tổ chương hoàng.
Quý Ly ở cung Nhân Thọ, bảng văn đề là "Phụng nhiếp chính Quốc tổ chương hoàng", mặc áo sắc bồ hoàng (sắc vàng), khi đi ra đi vào dùng 12 cây lọng vàng, y như nghi trượng Thiên tử, nhưng còn xưng là "dư" (2), chưa dám xưng là "trẫm"(2). Còn con Hán Thương xưng quyền chức Thái phó, ở bên hữu điện Hoàng Nguyên; Nguyên Trừng làm Tư đồ.
Tháng 7 [2/8-30/8/1399], Nguyễn Dụng Phủ đưa thư đả kích Lê Quý Ly, nên bị bắt giam, nhưng rồi được tha. Dụng Phủ người đất Hoằng Hóa thuộc tỉnh Thanh Hóa dâng thư lên Quý Ly đại lược nói: "Chương hoàng là hiệu gì? Bồ hoàng là sắc gì? Đối với việc Tiên đế xưa phó thác thì sao?". Quý Ly nổi giận, bắt giam mấy ngày, sau lại tha ra.
Tháng 8 [31/8-29/9/1399], Nguyễn Nhữ Cái nổi dậy tại Đà Giang; tháng 12 [28/12/1399-25/1/1400], An phủ sứ ở lộ Đông Đô là Nguyễn Bằng Cử dẹp yên được. Trước đây, Nguyễn Nhữ Cái ở Đà Giang, trốn đến Thiết Sơn làm tiền giấy giả; gặp lúc Thuận Tông bị hại, Khát Chân bị chết, Nhữ Cái liền chiêu dụ dân lành, được hơn một vạn người, đi lại quấy rối cướp bóc ở quãng sông Đáy, sông Đà, núi Tản, núi Lịch; châu, huyện không thể chống cự nổi. Quý Ly sai Bằng Cử điều binh đi đánh, dẹp yên được.
Tháng 9 [30/9-28/10/1399], dời các tội nhân giam ở Cảo Điền vào xã Tương Một, Thanh Hóa. Sai Trần Ninh đốc suất người phủ Thanh Hóa trồng tre gai ở phía tây thành, phía nam từ Đốn Sơn, phía bắc từ An Tôn đến tận cửa Bào Đàm, phía tây từ chợ Khả Lãng ở Vực Sơn đến sông Lỗi Giang, vây quanh làm toà thành lớn bọc phía ngoài. Dân chúng ai lấy trộm măng thì bị xử tử. Dọc rừng rậm và đồng hoang dựng các quán xá, từ cầu Đại Tân đến bến Đàm Xá để tiện cho quân dân qua lại nghỉ ngơi. Đặt sở tuần kiểm ở sông Đại Lại, thuộc huyện Vĩnh Lộc Thanh Hóa. Sai chăng dây chão to ở giữa sông phàm các thuyền trên sông phải kéo dây theo thứ tự mà đi, không được tranh nhau đi trước.
Mùa đông, tháng 10 [29/10-27/11/1399 ], đổi người có tội đi đày làm lính khơi mương, sai đi khơi các con kênh Vi, kênh Trầm, kênh Hào, đến tận cửa biển Hà Hoa [Kỳ Anh, Hà Tĩnh] để tiện thuyền bè qua lại.
Tháng 2, năm Kiến Tân thứ 3 [25/2-25/3/1400] (Minh Huệ Đế, Kiến Văn năm thứ 2). Quý Ly truất nhà vua làm Bảo Ninh đại vương, Quý Ly tự xưng Hoàng đế:
“Quý Ly nói thác ra rằng nhà vua truyền ngôi cho. Bầy tôi khuyên mời lên ngôi vua. Quý Ly giả vờ thoái thác nói:
‘Ta sắp đến ngày xuống lỗ rồi, nếu làm như thế, thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới đất được?’.
Bầy tôi ba lần dâng tờ biểu, mới nhận lời, xưng là Hoàng đế, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, đổi quốc hiệu là Đại Ngu và đổi họ mình là họ Hồ (3), truất Thiếu Đế làm Bảo Ninh đại vương, vì Thiếu Đế là cháu ngoại (4), nên không giết chết.”
Hồ Bạch Thảo
Chú thích:
1. Cửu ngũ: Tượng trưng ngôi vua, do hào Cửu Ngũ trong quẻ Kiền là một quẻ thuần Dương trong Kinh Dịch: "Long phi tại thiên, lợi kiến đại nhân". Ý nói rồng bay trên trời, thì thiên hạ thấy có ông vua đức độ to lớn.
2. Chữ "dư"và chữ "trẫm": Đều nghĩa là ta, nhưng theo chế độ phân biệt đẳng cấp đời quân chủ thì chữ "dư" dùng chung cho người trên đối với người dưới, chữ "trẫm" để riêng cho Vua xưng với thần dân.
3. Theo truyền thuyết, họ Hồ là con cháu Ngu Thuấn; con Ngu Yên là Vĩ Mãn được Chu Vũ Vương phong cho ở đất Trần gọi là Hồ Công, sau dùng chữ Hồ làm tên họ. Quý Ly nhận mình là dòng dõi họ Hồ, con cháu Ngu Thuấn, nên đặt quốc hiệu là Đại Ngu.
4. Vợ Vua Thuận Tông là con gái trưởng của Lê Quý Ly, nên Thiếu Đế gọi Quý Ly bằng ông ngoại.
Các thao tác trên Tài liệu