Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Triển lãm quốc tế nghệ thuật đương đại, Sydney 2008

Triển lãm quốc tế nghệ thuật đương đại, Sydney 2008

- Vũ Hoàng Hoa — published 25/08/2008 14:50, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:17

Triển lãm quốc tế 

nghệ thuật đương đại 2008, Sydney

(Biennale of Sydney 2008)

Vũ Hoàng Hoa

paulchan
Paul Chan, 6th light, 2007

Triển lãm quốc tế Nghệ thuật đương đại được tổ chức ở Sydney lần này với chủ đề : Revolutions - Forms that turn  ( Cách mạng - Các dạng xoay). 180 nghệ sĩ từ 42 nước tham dự, trong đó có 50 sáng tác mới được làm đặc biệt cho Sydney. Các tác phẩm  bày  tại  nhiều  điểm khác nhau : Cookatoo Island, (Đảo Cookatoo), Walsh Bay (Vịnh Walsh), Museum of Contemporary Art (Bảo tàng Nghệ thuật đương đại), Sydney Opera House (Nhà hát của Syndey), Royal Botanic Garden ( Vườn Thực vật Hoàng gia), Art Gallery of New South Wales (Bảo tàng Nghệ thuật của bang NSW), ArtSpace (Không gian nghệ thuật).

 Trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ có tên tuổi và của những nghệ sĩ chưa thành danh, từ Marcel Duchamp, Joseph Beuys, Gianni Colombo…( các nghệ sĩ cách mạng nhất từ nửa đầu thế kỉ XX, thập kỉ 60, 70)…đến các nghệ sĩ sinh vào những năm 70, 80. Triển lãm lần này bắt rễ từ lịch sử, vươn ra những cành mới độc đáo.  Quay tròn, đi ngược, lộn trái, trồng cây chuối, thay đổi phương hướng…triển lãm đã khai thác triệt để các dạng ‘cách mạng’ có thể:  sắp đặt, trình diễn, phim ngắn, ảnh, video, ánh sáng, bóng râm, các loại vật liệu, từ vải buồm, máy móc, bình ga, gương, kính…đến cả một hòn đảo như đảo Cookatoo nằm giữa vịnh Sydney. Sydney với các không gian trống mênh mông đúng là thiên đường để thực hiện các  ý tưởng sáng tác đồ sộ. Cả một nhà xưởng thênh thang trên đảo Cookatoo được dùng để căng những cánh buồm trắng dài đến 5 mét đan chéo nhau vừa thơ mộng, bay bổng, lại vừa hùng vĩ, hay một gian tầng trệt rộng đến 50 m2  bày 1000 con rắn hổ mang được tạo bằng hạt thóc, tre và sợi màu  của một nghệ sĩ Ấn độ…Cả một gian rộng thênh thang tối om chỉ để thu hút sự chú ý của người xem vào một mảng sáng dưới đất…Sydney hào phóng về không gian thực sự là mảnh đất lý tưởng cho nghệ thuật đương đại.

  Và  không chỉ là  phông nền  trưng bày các tác phẩm, Sydney thổi vào chúng  hơi thở hoang dã, mầu nhiệm làm chúng bay vút lên.

vernon
 Vernon Ah Kee, What is an Aborigine, 2008

Có gì mới trong cuộc  “ Cách mạng” và thay đổi lần này ? Đầu thế kỉ XXI, Còn có thể làm gì mới  nữa đây ?  Mới bằng cách nào khi những nghệ sĩ ‘cách mạng’ của các thập kỉ trước  đã khai thác  tất cả các chất liệu và phương tiện có thể để thể hiện : mổ xẻ mình trên toan vải, máu ròng ròng, hoảng lọan dục tính, sắp đặt, trình bày, nhôm thép, bê tông, phế liệu, dây điện, vải, phim, ảnh… Carolyn Christove-Bakargiev, giám đốc nghệ thuật của Biennale đã nói về ý nghĩa " cách mạng " mà  triển lãm lần này muốn thể hiện : 

“  Từ  Cách mạng được dùng phần lớn bởi các liên doanh và  công nghiệp toàn cầu, mạng internet cũng là “ cách mạng” ; giầy thể thao mới cũng là  cách mạng, điện thoại di động là  cách mạng, vân vân và vân vân. Điều quan trọng cần hiểu rõ là từ này đã mang nghĩa đối ngược với nghĩa ban đầu: “ revolution” ( cách mạng/thay đổi) được hình thành từ “ re” và “ volvere” có nghĩa là quay ngược lại, cho nên với tiếp đầu ngữ “ re” bạn quay một lần và lại quay lần nữa và thế là bạn vẫn đứng nguyên ở chỗ bắt đầu. Nghĩa gốc của từ này thực ra gần với nghĩa mà ta muốn thể hiện khi ta nói về những sự xoay vòng của các hành tinh xung quanh mặt trời. Như thế, có sự đối lập giữa việc sử dụng hàng ngày của từ này mà nghĩa được hiểu là  thay đổi đột ngột ( trong xã hội, chính trị, khoa học hay kĩ thuật) và  nghĩa gốc của nó.

Vì thế, tôi thấy rất thú vị việc đi giật lùi rồi  tiến lên,  lộn ngược đầu đuôi, mặt trái và hình  trong gương của hình ảnh - việc nhìn thế giới một cách khác.

Tôi nghĩ rằng Biennale of Sydney là một  gợi ý thú vị về khái niệm một thế giới lộn ngược. Đây cũng là điều mà nhiều nghệ sĩ  nghĩ : nếu bạn thay đổi cách nghĩ vẫn thống trị bạn thì bạn mở ra  những khả năng tưởng tượng và cả tự do nữa. ”

Hãy cùng  khám phá ý nghĩa " cách mạng " của Biennale lần này qua một số tác phẩm.

shaungladwell
Shaun Gladwell, In a station of the Metro, 2006

Bộ phim ngắn Revolution, video, film montage ( phim ghép) của Tracy Moffatt và Gary Hillbery có lẽ là tác phẩm thể hiện trung thành nhất ý nghĩa “ revolution”  mà  Carolyn Christov-Bakargiev đã nói đến. Bộ phim được lắp ghép bởi các đoạn lấy từ các phim khác nhau. Cảnh đầu  là trao vương miện, một động tác trao vương miện nhưng cho nhiều ông vua khác nhau vào các thời  khác nhau, được lấy   từ nhiều  bộ phim lịch sử.  Sau đó là cảnh các quí tộc ăn tiệc, bên cạnh đó là cảnh dân chúng càng ngày càng khổ, cũng lấy ở các bộ phim khác nhau, các nước khác nhau, các thời khác nhau.  Súng nổ. Cách mạng. Cảnh quí tộc đang  ăn tiệc bỗng nghe tiếng súng, rồi dân chúng ( ở đây là thanh niên ngày nay phá vỡ cửa xô vào…) Các quí tộc sợ hãi chạy, một bà hoàng nghe tiếng súng ám sát chồng, một phu nhân ôm mặt, một ông hoàng ngã từ trên ghế xuống…Âm nhạc đóng vai trò rất quan trọng, thể hiện nỗi sợ hãi cùng cực, sự bạo loạn, sự cuồng nộ. Dân chúng phá phách, kéo đổ tượng Lê nin, tượng vua  châu Âu, nổi dậy của nông dân ở Trung Quốc, Nhật…Không phân biệt thời kì, nơi chốn, tất cả chỉ tập trung thể hiện chủ đề : nỗi sợ hãi, trao vương miện, nổi dậy…Đập phá chán, dân chúng lại tụ tập nhau lại với gương mặt hoang mang (lúc này quần áo, nhà cửa, nhà thờ cho thấy đang vào thời Trung cổ), một đứa bé ra đời, tiếng kèn cất lên báo hiệu, đám đông đang thẫn thờ hoang mang bỗng tụ tập nhau hướng về phía lâu đài. Hai tay dang về phía trước, hướng tới ông vua tí hon vừa ra đời, mặt của họ thể hiện niềm sùng tín tột độ. Hết phim. Kết luận là gì? Cách mạng chỉ là một thái độ, một phản ứng tức thời vì bí bách quá, đi hết một vòng lại trở lại chỗ cũ. Phải chăng suy nghĩ này cũng là Cách mạng ?

marcboulos
 Marc Boulot, All that is solid Melt into Air


 

" Cách mạng " lại được thể hiện một cách khác trong bộ phim ngắn  về buổi hoà nhạc tại London của John Cage năm 1952.   Đó là buổi hoà nhạc mà John Cage trình bày  bản nhạc mang tên “ Đang xảy ra” được BBC thu trực tiếp. Nhạc trưởng John Cage hít một hơi thật sâu, nhắm mắt lại, động tác chậm rãi như đón nhận cảm xúc mạnh mẽ đang  dâng lên từ bên trong. Nhạc trưởng vung đũa, bàn tay trái của ông lặng lẽ đặt lên ngực như nén giữ các cảm xúc rất mạnh. Các nhạc công đặt tay lên nhạc cụ, cúi đầu. Im phăng phắc. Khán giả chờ đợi điều gì đó sắp xảy ra. Nhạc trưởng chìm đắm trong suy tưởng đầy  xúc cảm. Nhìn gương mặt ông  thì có cảm tưởng như đang nghe thấy tiếng nhạc của dàn giao hưởng  cuồn cuộn vút lên. Im lặng tuyệt đối. Một số khán giả hơi nháo nhác. Chờ đợi. Họ chờ âm nhạc ngân lên hay cái gì đó sẽ diễn ra. Hết phần 1, bản nhạc trống trơn. Nhạc trưởng mở mắt, lật sang trang mới, các nhạc công lật trang. Phần 2. Nhạc trưởng vung đũa, nhạc công đặt tay lên nhạc cụ. Im lặng. 4’33 giây. Cả dàn nhạc chìm trong trạng thái thiền. Đó là khoảnh khắc chìa khoá của thế kỉ XX, khi sự mở rộng căn bản về quan niệm  âm nhạc của John Cage bao gộp cả  âm thanh xung quanh chúng ta đã làm cho khán giả hoang mang, bối rối chờ đợi cái gì đó “ xảy ra”. Trong khoảng thời gian  kéo dài 4phút 33 giây, khán giả trải nghiệm trạng thái gì đó như ngồi thiền. Họ tập trung vào âm thanh trong phòng hoà nhạc trong khi dàn nhạc không chơi và im lặng lại làm âm thanh hiện hữu. Tác phẩm này biểu trưng cho tư tưởng của Cage về “ cuộc sống như nghệ thuật ”.

 

 Im lặng được hiện ra như vẻ đẹp thanh tịnh, như cái nhìn lặng lẽ, từ tốn, thanh thản, thấm nhuần tinh thần Phật giáo và Khổng gíao  trong Bài thơ Jiang Nan, tác phẩm video đầu tay của Qiu Anxiong, sinh năm 1972 tại Sichuan. Màn hình là một tấm toan trắng, trên đó vẽ bằng mực tàu những cành khúc khuỷu, một bức tranh rất nên thơ.  Các cành cây hầu như không động đậy hoặc động đậy rất nhẹ. Lá cây rụng để lại các cành khẳng khiu choẽ ra rất đẹp. Âm nhạc nền là những tiếng gõ lách cách lác đác, tiếng chuông thanh tịnh. Một con chim nhỏ đến đậu vào rồi bay đi. Một con khác đến. Sự có mặt  của các con chim báo hiệu sự sống đang tiếp tục. Các cành thay đổi tư thế, mỗi tư thế là một góc nhìn đầy mỹ cảm, thơ mộng, giản đơn, thanh tịnh. Bốn mùa trôi qua lặng lẽ. Những cành cây hầu như bất động. Nhẹ, thanh, chậm rãi, từ tốn như cái nhìn rất hiền trước cuộc sống.  12 phút chìm trong không gian thanhh tịnh,  lòng  tĩnh lặng như thể vừa được dọn quét.  Trống rỗng. Cái đẹp thanh tịnh, tinh tế trong một thế giới ồn ào.

qiuanxiong
 Qui Anxiong, Jiang nan poeme

Nhiều tác phẩm được thể hiện bằng các hình ảnh trồng cây chuối, lộn đầu đuôi, các màn hình đặt ngang, con ngựa treo lơ lửng… nhưng vẫn không chỉ để đập vàomắt, dường như các nghệ sĩ đã đằm hơn, đi sâu hơn trong cuộc tìm kiếm cái đẹp, đưa ra một hình ảnh đẹp có giá trị thẩm mỹ chứ không phải chỉ thể hiện cốt là thể hiện.  Phải chăng cuộc cách mạng của Biennale of Sydney lần này đang quay trở lại với cái cốt lõi của nghệ thuật, cái lý do cho sự tồn tại của nó :  đi tìm Cái đẹp.

 

Không biết có phải do chủ đề “ cách mạng” của triển lãm mà rất ít tranh, nếu không nói là chỉ có hai nghệ sĩ bày tranh, người thứ nhất là Giuseppe Pinot-Gallizio ( 1902-1964), người thứ hai là Rodney Graham sinh năm 1946 đang sống và làm việc tại Canada. Tranh của Giuseppe Pinot-Gallizio là những cuộn vải dài đến 100 mét được treo từ trên trần nhà buông thõng xuống chấm đất. Tranh của ông theo xu hướng trừu tượng.  Ông phun sơn lên vải,  rồi cắt từng miếng bán. Ông gọi các sáng tác  của mình là “ tranh công nghiệp”, như thế là chối bỏ quan niệm nghệ thuật là cái gì đó chỉ thuộc về một số ít ưu tú và xa rời hoàn toàn với cuộc sống thật.

Rodney Graham bày 13 bức tranh khổ nhỏ, 15 x30 cm hoặc 20x40 cm.Ông tự nhận là một hoạ sĩ siêu thực từ tâm hồn và không ngừng khám phá Picasso. Vẫn không biết lý do gì mà Biennale đã chọn tranh của ông để bày,  chỉ thể hiện sự cố gắng của người học theo Picasso mà thường theo voi thì…

 

Ngoài hai hoạ sĩ bày tranh này, các nghệ sĩ của Biennale đều có lý lịch rất cồng kềnh: hoạ sĩ, quay phim, dựng phim, chụp ảnh, điêu khắc…Có lẽ trong thời đại thống trị bởi video và màn ảnh thì một nghệ sĩ giờ đây không chỉ là một hoạ sĩ, một nhà điêu khắc, một nhiếp ảnh gia, một đạo diễn phim, một nhạc sĩ đơn thuần, nghệ sĩ là tổng hợp của tất cả các môn nghệ thuật và dường như nghệ thuật là cái  gì đó được chắt lọc từ các môn khác nhau, một bông hoa rất mong manh tụ lại từ những vụn vàng li ti của  lao động và học hỏi gian nan.

Ai đến  triển lãm chắc cũng nhận thấy ngay  là có rất nhiều ảnh chụp và video như thể các nghệ sĩ vẽ hình bằng video,  sử dụng kĩ thuật  ánh sáng, bóng chiếu để tạo nên các đường nét, hình ảnh. Như Paul Chan, một nghệ sĩ Hồng Kông sinh năm 1973 đã tìm cách “ vẽ ” lên  một khối sáng hình thang trên nền bê tông trong căn phòng tối. Từ trên hắt xuống những nét thanh như những nét bút mực tàu, những nét này di chuyển,  thay đổi thành những cánh chim chấp chới,  những đám mây  phủ đen lên hình thang…rồi khung cửa sổ hiện ra như dưới ánh trăng…Các hình ảnh diễn ra chầm chậm như trong một giấc mơ.

 

           

            Việc chọn đảo Cookatoo làm điểm triển lãm chắc hẳn cũng nằm trong mục đích thể hiện chủ đề “ cách mạng ” của Biennale. Có lẽ chẳng có địa điểm  nào làm nền tốt hơn, làm bật lên những ý tưởng sắc cạnh, gay gắt hơn là cái hòn đảo nhà tù và xưởng đóng tàu cũ này. 15 phút đi ferry từ Circular Quay là đến đảo, 35 nghệ sĩ  sử dụng các xưởng máy, các hành lang xuyên núi và các dãy nhà của đảo để trình bày tác phẩm. Đặt chân lên đảo không khỏi có cảm giác rờn rợn, các hành lang xuyên núi đen ngòm hun hút, các dãy  xưởng khắc khổ, xám xịt, cồ cộ máy móc, dây xích, sắt thép, cũ kĩ, cục mịch.  Cảm giác u ám chỉ càng tăng lên khi lọt vào một đường hầm tối om, tiếng chân chạy, tiếng người thở, tiếng nhạc dồn dập. Một nghệ sĩ đã sử dụng ngay hành lang này để thực hiện tác phẩm bằng hình ảnh và âm thanh. Hoảng sợ. Cũng một nỗi sợ như vậy khi lọt vào các phòng tối om tìm kiếm các “ tác phẩm nghệ thuật ”. Dần dần các ý tưởng và cách thể hiện độc đáo cũng làm tan đi mọi nỗi sợ hãi. Trong một căn phòng rộng thênh thang, hai màn hình đặt đối diện nhau, lúc đầu không hiểu phải xem màn hình nào. Một bên là một người đàn ông Nigeria đang giận dữ lấy dao chém vào không khí, doạ dẫm những người da trắng đến khai thác dầu, bên kia là cảnh nhốn nháo của thị trường chứng khoán ở London. Rồi hiểu ra rằng đó là cuộc đối thoại câm. Cả hai bên đều gào thét, thị trường chứng khoán như đàn ông vỡ tổ mỗi khi bảng điện thay đổi, ở Nigeria, trong những căn nhà tồi tàn, trên cánh đồng, người dân giận dữ. Họ kêu gào nhưng bên này người ta cũng đang căng thẳng mua và bán cổ phiếu, đâm ra những lời dọa dẫm của họ chỉ rơi vào tai những kẻ điếc. Sự vận hành của thế giới trở nên vô lối, kì quặc. Không có đối thoại. Sự chuyển biến của hai màn hình ăn khớp với nhau, bên này lửa cháy thì bên kia nháo nhác…Các  hình ảnh được quay tỉ mĩ, kĩ lưỡng như các bức tranh đẹp.

favaretto
Favaretto, Plotone, 2005

Có lẽ sáng tác đặc sắc nhất của Biennale lần này là What will come của William Kentridge vào năm 2007, một phim ngắn 8 phút 40 giây. Trong căn phòng tối om hiện ra một chiếc bàn tròn bằng gương, đường kính khoảng 1 mét, ở chính giữa chiếc đĩa bóng như chiếc CD lớn này là một hình trụ cũng bằng gương cao khoảng 50 cm. Ánh sáng từ trên rọi xuống chiếc đĩa quay. Trên chiếc đĩa sóng sánh chất lỏng nâu, một bàn tay hiện lên cầm thìa khuấy. Chiếc đĩa to trở thành  một cốc cà phê. Chiếc đĩa quay tít rồi chầm chậm lại, các hình vẽ ngoằn nghoèo hiện ra mà ta chỉ nhìn được hình ảnh thật trên hình trụ, bầu trời sao, cái máy bay…trên nền piano của Chostakovich. Chiếc đĩa quay như  kính vạn hoa mỗi lúc lại thay đổi  dưới những nét vẽ  trên chiếc đĩa mà ta chỉ nhận ra hình ảnh cuối cùng trên hình trụ : con ruồi, con lạc đà, các nóc nhà, cảnh làng xã Ethiopia nhộn nhịp trong âm nhạc Ethiopia.  Rồi chiến tranh nổ ra, tác gỉa muốn nói về cuộc xâm lược Ethiopia của Ý. Cảnh tàn phá khủng khiếp, làng xóm tiêu điều, dây kẽm gai. Sự kinh sợ chiến tranh. Các hình vẽ đen trên nền trắng rất đẹp. Cái hay của sáng tác này là bộ phim có hai hình ảnh, hình ảnh được phát ra bị  bóp méo ở cái đĩa, hình ảnh tưởng tượng được khôi phục ở hình trụ. Nhiệm vụ của người xem là nhìn cả hai hình ảnh và tự hiểu  chính họ đang tạo nên những hình ảnh mà hình như lại là của bộ phim.

            Sau khi đã được thưởng thức ngần ấy cái đẹp trong một tác phẩm, hình họa, âm thanh, sự tinh tế,  như thể tác phẩm chỉ được tạo ra bởi cuộc tìm kiếm cái đẹp từng giây, từng khoảnh khắc, cái đẹp thị giác, thính giác, cái đẹp tràn ngập tâm hồn đến bàng hoàng, thảng thốt, đến ngưng thở. Xúc động sâu xa trước sự tuyệt  đẹp của sáng tạo và cuộc tìm kiếm cái đẹp, chân bước như không chấm đất ra bến tàu thuỷ, lòng hạnh phúc lâng lâng . Vẻ u ám xám xịt của hòn đảo nhà tù cũ biến mất như nó vừa thay áo.  Hòn đảo hiện lên  xanh tươi và hùng vĩ. Xung quanh nó, đại dương trải ra xanh biếc. Gió lồng lộng và trời xanh mênh mang.

 

            Phải chăng cuộc cách mạng của Biennale lần này với sự trở về với Cái đẹp đã mở ra cho sáng tạo các con đường về các ngả mênh mang xanh biếc ấy. 

 

 Vũ Hoàng Hoa



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss