Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Trung Quốc tiếp tục cách mệnh / Trung Quốc tiếp tục cách mệnh (1)

Trung Quốc tiếp tục cách mệnh (1)

- Hồ Bạch Thảo — published 31/12/2014 01:15, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 1 : Cuộc vận động văn hoá mới [1915-1920]



Trung Quốc tiếp tục cách mệnh, cùng chính sách liên Nga dung Cộng


Hồ Bạch Thảo


Chương 1

Cuộc vận động văn hoá mới
[1915-1920]


tdt

Trần Độc Tú

Nguồn : Wikipedia

Thời cuối Thanh văn hoá Tây phương bắt đầu ảnh hưởng, các phần tử trí thức chủ trương dân chủ là nguyên động lực cách mệnh ; lưu học sinh tại Nhật Bản cùng học sinh trong nước đứng địa vị trung kiên. Những sự kiện xẩy ra sau thời Dân quốc, khiến họ thất vọng nhiều, tiếp tục đi sâu vào con đường cứu nước, cuối cùng giác ngộ và thấy rằng trước đây chỉ mới mô phỏng về hình thức, chưa từng đi sâu vào cốt lõi tinh thần xây dựng nước của Tây phương. Muốn thay đổi chính trị, trước hết phải thay đổi xã hội, muốn thay đổi xã hội phải thay đổi lòng người. Về phương diện tiêu cực, phài quét sạch những điều trái với thời đại như quan niệm bảo thủ, tín ngưỡng cũ, nhân sinh quan cũ, tức văn hoá cũ. Về phương diện tích cực, xây dựng một xã hội mới, với quan niệm tiến bộ, niềm tin mới, nhân sinh quan mới, tức văn hoá mới. Nói tóm tắt, cần cắt bỏ truyền thống, triệt để Tây hoá, trước hết ra sức vào tư trào mới, hoặc vận động tân văn hoá; do đó mở màn việc làm lại cuộc cách mệnh.




1. Giải phóng tư tưởng



Trước cách mệnh Tân Hợi [1911] số du học sinh sang các nước Âu, Mỹ ngày một tăng, trừ số giáo hội gửi đi cùng tự phí, riêng từ năm 1909 trở về sau, do tiền bồi khoản năm Canh Tý 1 mỗi năm gửi sang Mỹ khoảng 60 du học sinh. Những năm đầu Dân quốc số du học sinh sang các nước Âu, Mỹ tăng lên, hoặc học bổng, hoặc tự phí, mỗi năm lên đến hơn 400 người, còn số sang Nhật cũng mỗi ngày một nhiều ; do đó đào tạo được một số đông thâm thiết nhận thức văn hoá Tây phương. Thời cuối Thanh, các khoa bảng từng du học Âu châu như Thái Nguyên Bồi, Ngô Kính Hoàn, Lý Dục Doanh từng xuất bản tuần san Tân Thế Kỷ [1907-1910] nhắm tuyên truyền chính trị, xã hội, học thuật. Sau thời Dân quốc lại có lưu học sinh tại Pháp, Anh tổ chức Kiệm học hội, năm 1915 đổi thành Cần công kiệm học hội, tiếp đó mở Pháp Hoa giáo dục hội, Hoa công học hiệu, hy vọng đem cận đại khoa học chân lý, cùng nhân đạo chủ nghĩa của Âu châu du nhập Trung Quốc. Có thể thấy lòng thiết tha hâm mộ văn hoá Tây phương cùng dấy lên trong lòng, thấy người hay giỏi, muốn tiến mau cho bằng người. Trước cách mệnh Tân Hợi số thanh niên chịu ảnh hưởng ít nhiều về giáo dục Tây phương có đến gần 200 vạn người ; sau cách mệnh số này tăng lên gấp 3, 4 lần. Trình độ thâm cứu về văn hoá Tây phương của họ lẽ dĩ nhiên không bằng các du học sinh đã đích thân va chạm với dòng văn hoá này ; nhưng cả hai cùng chung một lòng ngưỡng mộ, qua sự hiệu triệu sẽ cùng hăng hái hưởng ứng.


Chương Sĩ Sao, người tỉnh Hồ Nam, từng du học Nhật Bản, Anh ; khi Tống Giáo Nhân bị giết đã tiên đoán rằng Viên Thế Khải sẽ thực hiện đế chế, giải tán quốc hội, tu cải hiến pháp, sự việc sau đó xẩy ra đúng như vậy. Tháng 5/1914 Chương tại Nhật Bản sáng lập Giáp Dần Tạp Chí, đề cao dân chủ hiến chính, xúc tiến người trong nước nhận thức về chính trị cận đại. Tháng 6 cùng năm, lưu học sinh tại Mỹ lập Trung Quốc khoa học xã, xuất bản tạp chí Khoa Học, tôn chỉ giới thiệu khoa học và kỹ nghệ. Đây là những phần tử trí thức bước đầu cổ động Tây hoá Trung quốc học thuật chính trị.


Từ phương diện tư tưởng, quét trừ chướng ngại cho chính trị học thuật, đáng suy tôn Trần Độc Tú là tay lãnh đạo, phấn đấu dựng lập cơ sở cho nền dân chủ khoa học. Trần Độc Tú tên là Can Sinh, bút hiệu Độc Tú [1879-1942], người đất Hoài Ninh, An Khánh [Anquing, An Huy] ; năm 18 tuổi đậu Tú tài, thi Hương rớt Cử nhân, vào Hàng Châu cầu thị thư viện học chế thuyền và Pháp văn trong 2 năm. Lúc đầu chịu ảnh hưởng của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, thuộc phái Duy tân. Sau cuộc biến pháp năm Mậu Tuất [1898], khuynh hướng chống Mãn Thanh, Trần sang Nhật Bản du học. Năm 1902 gia nhập Đông Kinh lưu Nhật học sinh, tổ chức Thanh niên hội, sau biến thành Cách mệnh đảng. Năm 1903 nhân cùng các bạn như Trâu Dung cưỡng ép cắt bím tóc của Giám đốc lưu học sinh Hồ Bắc, nên bị đuổi về nước. Tại An Khánh quê nhà, Trần tổ chức Ái quốc hội, xuất bản Ái Quốc Tân Báo, cùng chung chủ trương với Ái quốc học xã của Thái Nguyên Bồi, Chương Bỉnh Lân tại Thượng Hải. Kế tiếp tham gia Quốc Dân Nhật Báo tại Thượng Hải, cùng Tô Man Thù dịch Les Misérables [Những kẻ khốn cùng] của Victor Hugo. Năm 1904 chủ biên An Huy Tục Thoại báo tại Vu Hồ [Wuhu, An Huy] tuyên truyền cách mệnh, lúc Đồng minh hội thành lập, Trần là một thành viên. Năm 1906 dạy trung học Hoán Giang tại Vu Hồ, năm 1907 làm Giáo tập quốc văn cho Chiết Giang lục quân tiểu học. Thời cách mệnh Tân Hợi giữ chức Bí thư trưởng cho Đô đốc An Huy Bách Văn Uý, cùng Hiệu trưởng trường sư phạm An Huy. Sau cuộc cách mệnh lần thứ hai, lưu vong Nhật Bản. Năm 1914 giúp Chương Sĩ Sao trợ biên Giáp Dần Tạp Chí, lúc này Trần bắt đầu dùng bút hiệu Độc Tú, đăng bài xã luận “ Lòng yêu nước và lòng tự giác ”, trong thiên văn chương này đề xuất rằng muốn có lòng ái quốc phải có tinh thần tự giác. Ngoài ra cũng tham gia Âu sự nghiên cứu hội với nhóm Hoàng Hưng. Năm 1915, đau khổ bởi “ thế nước suy sụp, đạo suy vi, học thuật có nhiều mối tệ ” “ trách nhiệm tương lai, toàn dựa vào thanh niên ” bởi vậy cần “ cải tạo tư tưởng thanh niên, hướng dẫn thanh niên tu dưỡng… xác định con đường tu thân trị quốc trong tương lai ” ; nên vào ngày 5/10, trong giai đoạn Viên Thế Khải đốc thúc tiến hành đế chế, Trần sáng lập nguyệt san Thanh Niên Tạp Chí tại Thượng Hải, dốc tâm trình bày phân tích sự tình các nước, cùng học thuật tư trào, năm 1916 đổi tên tờ báo thành Tân Thanh Niên. Năm 1917, sau khi nhận chức Trưởng ban văn khoa tại trường đại học Bắc Kinh, Trần cho triển khai ban biên tập và di chuyển tạp chí Tân Thanh Niên lên Bắc Kinh.


Có thể nói Giáp Dần Tạp Chí là thượng nguồn của vận động tân văn hoá, còn Thanh Niên Tạp chí hoặc Tân Thanh Niên là chủ lưu. Trong thiên mở đầu Trần Độc Tú soạn “ Kính cáo thanh niên ” viết rằng “ Thanh niên đối với xã hội, như tế bào mới đối với con người ” phải tuân theo luật đào thải thay cũ đổi mới, nếu không thì xã hội mất, con người chết. Xã hội Trung Quốc sắp mất, duy chỉ có thanh niên tự giác phấn đấu, xem sự hủ lậu như cừu địch, cắt bỏ đi ; phát huy trí năng, chọn lọc những tư tưởng hay, mới có thể thích hợp với cạnh tranh sinh tồn. Trần hy vọng thanh niên mai sau :


– Thứ nhất : tự chủ, không nô lệ. Mọi hành động, quyền lợi, tín ngưỡng quyết không mù quáng lệ thuộc người khác, nhân cách tự do.


– Thứ hai : vì tiến bộ, không bảo thủ ; phàm việc không tiến tức thoái ; “ những kẻ ôm lòng thủ cựu sẽ đến lúc suy vong ; ngày ngày đổi mới cầu tiến, sẽ hưng thịnh không ngừng ”. Luân lý, pháp luật, học thuật Trung Quốc là di sản của chế độ phong kiến so sánh với Tây phương sai trái rất nhiều, nếu không chịu cải tiến, không thể tồn tại với thế giới hôm nay. Chẳng thà để quá khứ quốc tuý tiêu vong ; không nỡ để cho dân tộc ta hiện tại tương lai bị tiêu diệt.


– Thứ ba : tiến thủ, không thoái ẩn. Chiến thắng xã hội ác, không để cho nó chinh phục ; oán ghét xã hội xấu, nhưng không trốn tránh. Phong tục Tây phương vùng vaaxy ngang dọc, phủ nhận quá khứ để tiến, cho đó là đức tốt, Trung Quốc đóng cửa yên tĩnh điềm đạm cho là mỹ tục ; đó là nguyên nhân lớn khiến 2 dân tộc Trung, Tây mạnh yếu khác nhau.


– Thứ tư : vì thế giới, không vì quốc gia hẹp hòi. Đất nước mất, còn, suy, thịnh một nửa liên quan đến chính trị nội bộ, một nửa thuộc ngoại quốc ; nếu miệt mài thủ cựu không thay đổi, không có trí thức thế giới, không biết thuận theo trào lưu thế giới, thật khó mà đứng vững.


– Thứ năm : cần thực tế, không cần hư văn. Giáo dục chính trị khoa học kỹ thuật của Tây phương dẫn đường cho kẻ hậu sinh dùng ; Trung Quốc chuộng hư văn, tôn Nho trọng đạo, không giúp gì cho xã hội hiện thực, đó là việc của người điên, giá không đáng một đồng tiền.


– Thứ sáu : vì khoa học, không tưởng tượng. Gần đây Âu châu ưu việt hơn các nước khác, một mặt tôn trọng nhân quyền, một mặt tôn trọng khoa học, lời nói và thực hành không có điều gì không tuân theo lý tính, lấy phép tắc khoa học để quyết định sự được mất, theo hay bỏ. Trung Quốc cần bỏ những tư tưởng trái với khoa học thường thức, những tín ngưỡng vô lý, dùng khoa học thuyết minh chân lý để chứng thực. “ Tổng hợp các hiện tượng khách quan rồi liên hệ với định lý chủ quan mà không tương phản ” tức khoa học.


Sở dĩ Trần Độc Tú ca tụng văn hoá Tây phương, đả kích văn hoá Trung Quốc, mục đích đề xướng chính trị dân chủ, tinh thần khoa học, khuyến khích thanh niên phấn đấu noi theo hai mục đích lớn đó, để kịp trào lưu thế giới. Chuyên chế và mê tín là kẻ địch của dân chủ và khoa học, nên cần phải bài trừ trước. Đả kích Nho giáo để phát triển chính trị dân chủ, đả kích quỷ thần để phát triển tinh thần khoa học ; nhưng việc trước phải làm triệt để vì tư tưởng chuyên chế đã mọc sâu gốc rễ, nó dựa vào học thuyết nhà Nho, vì vậy Trần kịch liệt phản đối Khổng Tử. Trần bảo rằng Trung Quốc như cá thịt nằm trên dao thớt người, do thiếu tinh thần đề kháng cương cường quyết tiến, tính cương cường mất do quân chủ chuyên chế lưu độc, do học thuyết Khổng Tử làm hại. Hạnh phúc con người cần do tự lực tạo thành, quốc gia là tài sản chung của người trong nước, người dân đáng đứng vào địa vị chủ nhân, chủ động, chinh phục, tự phấn đấu tạo sức mạnh ; “ Tự tiến để kiến thiết chính phủ, tự lập pháp rồi tự phục tùng, tự định quyền lợi, rồi tự tôn trọng ”. Chính thể cộng hoà lập hiến thực hiện, toàn dựa vào đa số người trong nước tự giác, tự động ; không thể nhờ vào người khác ban cho. Nho gia nói về cương thường danh giáo, phân biệt giai cấp tôn quý, ti tiện ; so với những nguyên tắc độc lập, bình đẳng, tự do của cộng hoà lập hiến quyết không thể dung hợp ; “ dùng một cái, thì phải phế bỏ cái kia ”. Một khi thi hành chính trị cộng hoà lập hiến, mà còn tôn trọng luân lý cũ, gia đình xã hội vẫn giữ đặc quyền bảo thủ ; như vậy bình đẳng pháp luật, kinh tế độc lập bị huỷ không còn gì. Điều cần thiết nhu yếu cho Trung Quốc là tôn trọng tư cách cá nhân, trăm sự lấy cái ta làm trung tâm, mỗi người tự phấn đấu, thoát ly địa vị phụ thuộc, tham gia vận động người trong nước, nuôi dưỡng tấm lòng yêu nước của đa số, cùng tích cực hành động yêu nước, thực hiện chủ nghĩa duy dân, quốc gia mới được cứu.


Mùa thu năm 1916, Khang Hữu Vi xin chính phủ đem Khổng giáo làm quốc giáo, ghi vào trong hiến pháp. Trần Độc Tú bài bác mạnh mẽ, bảo rằng Khổng Tử và đế chế có nhân duyên không thể phân cách ; Khổng Tử đề xướng đạo đức lễ nghĩa tức phong kiến thời đại đạo đức lễ nghĩa, tôn trọng quyền lợi thiểu số vua chúa quý tộc, luân lý học thuyết của Khổng trái với cộng hoà lập hiến, nếu như vấn đề luân lý không giải quyết, thì cành lá chi tiết vẫn còn, cho dù nhất thời bỏ cũ thay mới, thì gốc rễ tư tưởng cũng không thay đổi được. Khổng Tử dạy trung, dạy hiếu, dạy tòng, đều là nghĩa vụ phiến diện, bất bình đẳng đạo đức. Muốn kiến thiết tân quốc gia, tân xã hội, cầu sinh tồn trong thế giới mới cần thâu nhập lòng tin mới về bình đẳng, nhân quyền ; muốn củng cố nền cộng hoà trước hết phải tẩy sạch những tư tưởng cũ phản đối nền cộng hoà. Độc tôn Khổng Tử để ngăn chặn dân trí, tức phản lại lòng tin về tự do, đi đến quân chủ chuyên chế. Chính phủ dân quốc thờ Khổng, chẳng khác gì quân chủ chuyên chế thờ Washington ! Những người hết sức chi trì Trần Độc Tú có Lý Đại Sao, Ngô Ngu. Lý Đại Sao hô hào đi vào lịch sử, phá hoại những học thuyết cũ, để sản sinh tư tưởng mới. Ngô Ngu phân tích “ hiếu ” là khởi điểm lập giáo của Khổng tử, đối với “ trung ” có quan hệ liên đới; tại nhà thờ phụng cha mẹ làm hiếu, tại triều thờ vua làm trung “ Cái nghĩa về hiếu không lập, thì trung không có chỗ dựa, bởi vậy cởi bỏ chuyên chế trong gia đình, thì quân chủ áp bách cũng tan ; nếu không cách mệnh Nho giáo, Trung quốc sẽ không có tư tưởng mới, học thuật mới, quốc dân mới ”. Do đó phản Khổng giáo, trở thành tiền đề của cuộc vận động giải phóng tư tưởng, được chính thức nêu cao. Vào tháng 1/1917 Thái Nguyên Bồi giữ chức Hiệu trưởng trường đại học Bắc Kinh, nhận ra rằng đại học là nơi nghiên cứu học vấn cao thâm, không chỉ thâu nhập văn hoá Âu châu, còn muốn từ văn hoá Âu châu phát minh tiến bộ thêm ; không chỉ bảo tồn quốc tuý, mà cần dùng phương pháp khoa học nêu lên chân tướng về quốc tuý. Đối với các loại học thuyết, theo nguyên tắc tự do tư tưởng, đều dung nạp thu thái ; bất cứ học phái nào có thể trình bày thành lý, nêu rõ được nguyên nhân, đều khuyến tự do phát triển. Đối với Giáo viên, Thái lấy học vấn làm chủ, giảng dạy không phản với tư tưởng tự do ; đối với học sinh phá trừ tư tưởng làm quan, phát tài, phong cách hủ lậu, chủ trương khuyếch đại phạm vi học tập, tìm hiểu những điều trọng yếu về khoa học. Thái Nguyên Bồi đối với Trần Độc Tú sớm biểu lộ khâm phục, sau khi đọc qua 1 năm báo Tân Thanh Niên thấy kiến giải tương hợp, bèn mời Trần làm Trưởng ban văn khoa trường đại học Bắc Kinh, để cùng chỉnh đốn trường đại học, tìm mời những Giáo sư ưu tú. Trước đó đại học Bắc Kinh là một trường nổi tiếng hủ bại, nay khí tượng biến đổi, ngày một mới, xứng đáng là đại bản doanh của cuộc vận động văn hoá mới.




2. Cách mệnh về văn học và chính trị



Hồ Thích [1891-1962] người huyện Tích Khê [Jixi], tỉnh An Huy : lúc nhỏ học trường tân học tại Thượng Hải. Năm 1910 được học bổng về bồi khoản năm Canh Tý (1), sang Mỹ lần lượt học tại các đại học Cornell và Columbia tại tiểu bang New York, chuyên nghiên cứu vế triết học và văn học, tốt nghiệp Tiến sĩ ; năm 1919 giữ chức Giáo sư đại học Bắc Kinh. Năm 1915, Hồ đã có ý cải lương văn học Trung Quốc, từng trao đổi với Trần Độc Tú trên tạp chí Tân Thanh Niên, Trần Độc Tú từng nói từ nay trở về sau văn học Trung Quốc nên xu hướng tả thực. Hồ Thích phát huy thêm, soạn thành Văn Học Cải Lương Xu Nghị, đăng trên Tân Thanh Niên vào năm 1917, đề xuất gồm 8 hạng, trong đó có các điểm quan trọng như lời nói biểu tượng sự vật cụ thể, không bắt chước cổ nhân, không tránh chữ thông tục, tục ngữ. Cái gọi là không tránh chữ thông tục, tục ngữ tức dùng bạch thoại, dùng lời nói thường của người ngày nay, để lời nói và chữ viết nhất trí. 10 năm trước đó, Trần Độc Tú từng xuất bản Cảnh Chung Nhật Báo chủ trương ngôn ngữ và chữ viết hợp nhất, dự đoán trong tương lai văn bạch thoại sẽ thịnh hành. Trong Thanh Niên Tạp ChíTân Thanh Niên tuy chưa dùng hẳn bạch thoại, nhưng đã chủ trương “ dùng văn bình dị ” trình bày lý lẽ cao thâm. Đối với ý kiến của Hồ Thích, Trần Độc Tú tán đồng ; nhưng Hồ Thích chỉ giới hạn trong việc cải lương hình thức văn học, Trần tiến thêm vào nội dung, để cùng tư tưởng giải phóng. Sau khi Hồ Thích đăng Văn Học Cải Lương Xu Nghị được 2 tháng, Trần Độc Tú phát biểu Văn Học Cách Mệnh Luận nêu ra gần đây Trung Quốc có 3 cuộc cách mệnh tức cách mệnh Tân Hợi và 2 lần chống Viên Thế Khải đều là cách mệnh về chính trị ; chưa tẩy sạch được ô uế lâu đời, gồm “ luân lý, đạo đức, văn học, nghệ thuật ăn sâu gốc rễ, bàn cứ trong lòng mọi người, như tầng tầng lớp lớp màn đêm hắc ám ” khiến cho xã hội không tiến hoá được, vẫn hắc ám như xưa. Cần phải dương cao ngọn cờ lớn “ Văn học cách mệnh quân ” ; lấy 3 chủ nghĩa lớn làm hiệu triệu :


– Thứ nhất : lật đổ văn học quý tộc a dua, gọt dũa ; kiến thiết văn học dân tộc bình dị, trữ tình.


– Thứ hai : lật đổ văn học cổ điển phô trương hủ lậu ; kiến thiết văn học tả thực mới.


– Thứ ba : lật đổ văn học rừng rú tối tăm khó hiểu ; kiến thiết văn học trong sáng, dùng văn học phổ thông trong xã hội.


Văn học là đối tượng của vũ trụ, nhân sinh, xã hội ; “ muốn canh tân chính trị không thể không canh tân văn học, vì văn học vốn là công cụ căn bản cho việc vận dụng chính trị ” ; “ văn hoá Âu châu phần lớn chịu ảnh hưởng của chính trị, khoa học, ảnh hưởng bởi văn học cũng không nhỏ ”. Hồ Thích tán thành ý kiến của Trần, nhưng chủ trương tiệm tiến, thung dung thực hiện. Trần cho rằng bạch thoại là văn học chính tông, lấy quốc ngữ làm văn ; là lẽ hiển nhiên không còn chỗ để thảo luận, thái độ hết sức dứt khoát. Giáo thụ quốc văn trường đại học Bắc Kinh như Tiền Huyền Đồng, Lưu Bán Nông nhiệt tâm ủng hộ hai người. Năm 1918 báo Tân Thanh Niên bắt đầu đăng tải văn bạch thoại, sử dụng tiêu điểm phù hiệu. Về sau Hồ Thích nói rằng ông bị thành kiến về lịch sử quá sâu, không đủ để lập nên sự nghiệp cách mệnh ; tiên phong về văn học cách mệnh đáng nên suy tôn Trần Độc Tú. Lại bảo Trần có 3 cống hiến lớn : thứ nhất, dương cao 3 chủ nghĩa lớn khiến văn thể cải lương biến thành văn học cách mệnh ; thứ hai, làm cuộc đại vận động đem luân lý, đạo đức, chính trị cách mệnh hợp với văn học cách mệnh ; thứ ba, do Trần có tinh thần xông lên phía trước, nên văn học cách mệnh có được sự thu hoạch lớn. Năm 1920, chính phủ lần lần phế bỏ các sách giáo khoa cũ tại các trường, cải sang dùng quốc ngữ, tiếp nhận văn học cách mệnh về phương diện hình thức, ngoài xã hội cũng cùng tiếp thu nội dung văn học cách mệnh.


Tháng 9/1917, Hồ Thích được Trần Độc Tú giới thiệu làm Giáo thụ tại trường đại học Bắc Kinh. Tháng 4/1918, Hồ phát biểu Kiến Thiết Văn Học Cách Mệnh Luận trình bày mục đích văn học cách mệnh nhắm sáng tạo văn học viết bằng quốc ngữ bạch thoại, một khi có được văn học bằng quốc ngữ mới có được nền văn học quốc ngữ ; khi đã có nền văn học quốc ngữ thì quốc ngữ mới xứng đáng là quốc ngữ. Văn học Trung Quốc trong quá khứ dùng thứ chữ đã chết [tử ngữ] để diễn tả, văn tự đã chết không thể tạo ra một nền văn học sống ; nếu muốn có một nền văn học sống, phải dùng bạch thoại, quốc ngữ, làm văn học bằng quốc ngữ. Tân Thanh Niên đăng tải đầu tiên các dịch phẩm viết bằng bạch thoại do Chu Tác Nhân dịch từ tiểu thuyết Âu Châu. Tháng 5/1918 xuất bản Cuồng Nhân Nhật Ký của Lỗ Tấn [1881-1936], đây là tác phẩm đầu tiên do Lỗ sáng tác thành công bằng bạch thoại. Tuy việc dùng văn bạch thoại biến thành cao trào, nhưng thành phần bảo thủ phản đối cũng không ít ; đơn cử một chuyên gia cổ văn, Lâm Thư, gửi thư cho Hiệu trưởng đại học Bắc Kinh, Thái Nguyên Bồi, nhắm đả kích bạch thoại có đoạn như sau “ Nếu phế bỏ hết cổ văn, dùng lời thổ ngữ để làm văn tự, dùng những lời của những bọn kéo xe, bán tương rồi cho rằng có văn pháp, … nếu như vậy thì bọn buôn bán đầu đường tại Bắc Kinh, Thiên Tân đều có thể dùng làm Giáo thụ (đại học) ! ”


Khi Trần Độc Tú mới ra báo Tân Thanh Niên, cho rằng sẽ gây chấn động ; nhưng thực sự trong năm đầu phát hành không nhiều, mỗi kỳ chỉ khoảng 1.000 ấn bản. Bắt đầu từ năm 1917, số báo tăng dần, sau đó đạt đến 1 vạn 5,6 ngàn bản ; các sinh viên đại học, cao đẳng, trung học tranh nhau mua, thực sự gây chấn động một thời. Cố nhiên do những bài chống lại Nho giáo tác động, nhưng văn học cách mệnh cũng đưa đến cho thanh niên nguồn thú vị mới. Trong quá khứ Tân Thanh Niên chỉ là tạp chí của Trần Độc Tú, nhưng sau đó được coi như là tập san của Giáo sư đại học Bắc Kinh. Ngoài những bài tuyên truyền cho văn hoá mới, Tiền Huyền Đồng hư cấu nhân vật “ Vương Kính Hiên ”, chuyên huỷ báng văn học cách mệnh ; rồi bị Lưu Bán Nông phản bác, khiến độc giả thêm phần hứng thú. Năm 1918 là năm cực thịnh của Tân Thanh Niên, và cũng là thời kỳ khích động mạnh của thanh niên trí thức.


Khi Tân Thanh Niên mới xuất bản, thanh ngôn rằng tôn chỉ không nhắm phê bình chính trị hiện thời ; tuy toàn tạp chí đều đề cập đến vấn đề chính trị, đặc biệt là dân chủ chính trị, nhưng chỉ đề cập về lý luận chính trị, không phải là thực tế chính trị. Nhưng hai lãnh vực khó mà phân biệt một cách nghiêm nhặt, hơn nữa Đoàn Kỳ Thuỵ thi hành chính sách phản lại nguyện vọng dân tộc, nên tháng 7/1918 Trần Độc Tú buộc phải lên tiếng về vấn đề chính trị liên quan đến sự mất còn của quốc gia. Trần tuyên bố nếu như muốn nền chính trị Trung Quốc trong sạch an ninh ; thứ nhất cần bài xích chính trị vũ lực, quân phiệt ; thứ hai, cần từ bỏ tư tưởng một đảng độc quyền thống nhất đất nước, các đảng được bình phân chính quyền, bao dung chấp nhận đảng đối lập cùng chấp chính ; thứ ba, đáng quyết định chủ trương thủ cựu hay canh tân, vì cả hai không thể cùng thi hành. Riêng Trần đương nhiên chủ trương cách tân, nhất thiết dùng “ phương pháp mới của Tây dương ” ; tôn trọng dân quyền, pháp trị, bình đẳng. Chẳng bao lâu kết thúc Thế chiến thứ nhất, Trần cho rằng cơ hội mới sắp đến, đốc thúc đương cục Trung Quốc cùng nhân dân phấn đấu. Rồi cuộc cách mệnh tháng mười tại Nga được một năm, nhận thức của Trần sâu sắc hơn, thấy được con đường mới. Tháng 11, trong cuộc đại hội mừng Hiệp ước quốc thắng lợi tại Bắc Kinh, Trần cùng Thái Nguyên Bồi diễn thuyết các đề tài như “ Thắng Lợi Của Thứ Dân ”, “ Lao Công Thần Thánh ”. Trần cường điệu rằng thắng lợi kỳ này không riêng vũ lực của Hiệp ước quốc mà do thắng lợi của thứ dân toàn thế giới. Ngày 22/12 Trần Độc Tú và Lý Đại Sao xuất bản báo hàng tuần nhan đề “ Mỗi Chu Bình Luận ” có các mục quốc nội, quốc ngoại, xã luận, cảm tưởng, quốc nội lao động trạng huống ; với bút pháp tinh tế sắc bén, phê bình vấn đề thời sự. Đối ngoại phản đối cường quốc khinh thường nước yếu, nghiêm trách cường quốc khống chế hội đàm Ba Lê, cùng Tổng thống W. Wilson [Uy Nhĩ Tốn] phản bội lời hứa, với lời phẫn nộ “ công lý ở đâu ! ”. Đối nội phản đối quân phiệt bạo ngược với nhân dân, nắm giữ chính quyền ; bài xích Đoàn Kỳ Thuỵ cấu kết với Nhật Bản ; nêu quân phiệt, quan liêu, chính khách là “ tam hại ”. Nhắm trừ “ tam hại ” người trong nước phải giác ngộ tham dự chính quyền, cử hành vận động thị uy phản đối quân phiệt, quan liêu, chính khách. Hô hào phần tử trung kiên của xã hội dấn thân xuất hiện, tổ chức quốc dân làm hậu thuẩn cho chính đảng, tảo trừ đặc thù thế lực (ý chỉ Nhật Bản) đứng đằng sau “ cẩu đảng ” (đảng chó) ; có thể coi đây là tiếng nói tiên phong của cuộc vận động Ngũ tứ.


Tháng 5/1918 lưu học sinh tại Nhật Bản phản đối hiệp định quân sự Trung Nhật, bị cảnh sát Nhật Bản đánh, làm nhục ; khoảng 3.000 người bỏ học trở về nước, tổ chức Cứu quốc đoàn, phát hành Cứu Quốc Nhật Báo. Ngày 21/5, hơn 2.000 học sinh tại Bắc Kinh dấy lên hưởng ứng, đòi chính phủ phế bỏ hiệp định này, hô hào mở quốc dân đại hội, cự tuyệt hàng hoá Nhật ; đây là mở màn cho cuộc vận động của học sinh. Tháng 6, một số thanh niên tại Bắc Kinh lập “ Thiếu niên Trung Quốc học hội ” “ với tinh thần khoa học, vì xã hội mà hoạt động, giúp sáng tạo cho thiếu niên Trung quốc ”. Chẳng bao lâu học sinh đại học Trung Quốc cũng tổ chức “ Tân trào xã ” “ Quốc dân tạp chí xã ”. Tháng 1/1919 được sự chỉ đạo và giúp đỡ của Thái Nguyên Bồi, Trần Độc Tú, Hồ Thích, Lý Đại Sao, chia nhau xuất bản các nguyệt san “ Tân Trào ”, “ Quốc Dân ”. Quốc Dân vẫn dùng văn ngôn (cổ văn), nặng tinh thần chống Nhật, chủ trương điều hoà tư tưởng cũ và mới. Phong cách của Tân Trào giống như Tân Thanh Niên, hai bên lập luận yểm trợ cho nhau. Tân Trào nhấn mạnh rằng Trung Quốc không thể đứng ngoài trào lưu thế giới, cần phải quan sát xu hướng tư trào hiện đại mà đi ; với tình trạng xa cách tư trào hiện đại, Tân Trào lập luận bằng cách nào Trung Quốc có thể hội nhập cùng quỹ đạo với tư trào thế giới. Số đầu tạp chí Tân Trào, sau khi xuất bản lần thứ nhất được in lại 3 lần, đạt đến 1 vạn bản ; cùng với Tân Thanh Niên, là những tạp chí phát hành mạnh nhất. Các lãnh đạo trong cuộc Ngũ tứ vận động đều là những thành viên chủ chốt trong 2 tạp chí Quốc DânTân Trào. Sau khi Ngũ tứ vận động bộc phát, ngày 8/6 Trần Độc Tú đăng trên “ Mỗi Chu Bình Luận ” bài “ Nghiên Cứu Thất Và Ngục Tù ” hô hào sinh viên học sinh kiên cường trước sự khủng bố, ca tụng phòng nghiên cứu, nhà tù là nơi sinh hoạt cao thượng, rèn luyện ý chí thanh niên. Trước đây trong cuộc vận động tân văn hoá một mình Tân Thanh Niên cáng đáng, nay có thêm những tạp chí bạn cùng ứng chiến.




3. Kinh tế xã hội biến đổi ; thương nhân, công nhân, phụ nữ thức tỉnh



Trước cách mệnh Tân Hợi một vài năm, nỗ lực phát triển kinh tế trong nước gặp những trở lực quấy nhiễu từ hai phía trong và ngoài ; tuy thành quả không đúng như sự mong muốn, nhưng đại thể cũng không đến nỗi tệ. Những năm đầu Dân quốc, công luận chú trọng hai vấn đề : thứ nhất, cải tiến chính trị ; thứ hai, giàu có về kinh tế. Tôn Trung Sơn đề xướng kiến thiết tân xã hội nhắm cạnh tranh sinh tồn, nhận thức đã đến lúc bắt tay vào cuộc vận động cách mệnh kinh tế, ra sức khuyên Viên Thế Khải chấn hưng về thực nghiệp. Đoàn thể chấn hưng thực nghiệp được lập lên từ các nơi, như : Trung Hoa dân quốc công nghiệp kiến thiết hội, Kinh tế hiệp hội, Thực nghiệp hiệp hội, Dân chủ đoàn, Quốc hoá duy trì hội. Tháng 9/1912 Tôn, Viên họp bàn, đạt được cương lãnh về kinh tế như : hưng biện đường sắt, mỏ khoáng, đặt xưởng luyện thép, tư trợ tư nhân về thực nghiệp. Tháng 12, bộ công thương ban bố chương trình tạm thi hành tưởng lệ công nghệ phẩm, nội dung phàm phát minh hoặc cải lương sản phẩm chế tạo, công nhận hợp cách, được hưởng 5 năm độc quyền hoặc thưởng danh dự. Năm 1913, bộ công thương, nông lâm hợp thành bộ nông thương ; do Trương Tái, người có nhiều năm kinh nghiệm về thực nghiệp làm Tổng trưởng hơn 3 năm. Trương chỉ trích trước kia chính quyền “ không khuyến khích dân phát triển nghiệp vụ ”, nên phí phạm mà không có hiệu quả. Nay đình bãi việc bộ, chính phủ chỉ huy xí nghiệp, để cho dân làm, chính phủ chỉ giúp đỡ tưởng lệ, nên hiệu quả hơn. Đặc biệt đối với các xí nghiệp quan trọng như sắt thép, dệt; thì đặt ra những pháp lệnh qui định rõ ràng. Ngoài ra kinh tế phát triển còn có nguyên nhân lớn bởi tình thế quốc tế biến chuyển, năm 1914 Thế giới đại chiến bộc phát. Các quốc gia chủ yếu tại Âu châu như Anh, Pháp, Đức, Nga đều bị cuốn nhập vào cuộc chiến, lo đấu tranh thắng, bại, sống, chết, không còn rảnh tại Đông phương, nên sự xâm lược kinh tế tại Trung Quốc có phần lỏng lẽo; ngoài ra thị trường mở rộng, Trung Quốc dành được cơ hội tốt mà trước kia chưa từng xẩy ra.


Từ năm 1913 đến 1914 thương phẩm ngoại quốc nhập vào Trung Quốc mỗi năm khoảng 57.000 vạn lượng ; nhập siêu mỗi năm 15.500 vạn lượng hoặc 21.200 vạn lượng. Sau đó từ năm 1915-1916 đột nhiên nhập siêu giảm xuống khoảng hơn 3.400 vạn lượng ; năm 1917-1918 mỗi năm 8.600, hoặc hơn 6.900 vạn lượng. Năm 1919 hơn 1.600 vạn lượng, số lượng khoảng 1/10 năm 1913 ; công nghiệp Trung Quốc trở nên năng động hơn. Lại một phần Nhật Bản gia tăng xâm lược, năm 1915 dấy lên phong trào ái quốc, nhất trí chống lại hàng Nhật, đề cao thực nghiệp cứu nước ; tại công thương nghiệp có tác dụng lớn, nhất là công nghiệp nhẹ, đứng đầu là ngành dệt và bột mì. Trước cách mệnh Tân Hợi, cả nước chỉ có 20 xưởng dệt, sản xuất khoảng 50 vạn tấm sa, giá tiền 1.700 vạn nguyên, Năm 1914, Đệ nhất thế chiến bắt đầu, tuy nhiên số sa tồn kho còn nhiều, nên chưa đến nỗi thiếu. Năm 1915, cung không đáp ứng nỗi cầu, nên giá sa tăng vọt, thiên hạ mưu đồ kiếm lời. Từ năm đó cho đến năm 1922, các xưởng cũ khôi phục và khuếch trương, số xưởng mới lập tăng lên đến hơn 60, sa sản xuất đến 150 vạn tấm, giá tiền hơn 6.000 vạn nguyên, lợi nhuận tăng rất nhiều ; số người đầu tư phần lớn là thương nhân, có liên quan đến buôn vải ngoại quốc trước kia. Những xưởng dệt này phân bố tại các tỉnh Giang Tô, Trực Lệ, Sơn Đông, Hà Nam, Hồ Bắc; trước đại chiến số máy dệt toàn quốc có 2.000 đơn vị, năm 1922 tăng đến hơn 6.700 đơn vị ; ngoài ra các nghề ươm tơ, dệt lụa, cán bông, nhuộm, cũng phát triển theo.


Trước cách mệnh Tân Hợi cả nước có 40 xưởng bột mì, mỗi ngày đêm sản xuất được hơn 4 vạn bao, tiền vốn khoảng 600 vạn nguyên. Từ năm 1914 ngày mỗi gia tăng, đứng đầu là Đông Tam Tỉnh 2, Giang Tô, thứ đến Trực Lệ, Hồ Bắc, Sơn Đông. Năm 1922, cả nước có 120 xưởng, mỗi ngày đêm sản xuất được 19 vạn bao bột mì, tiền vốn khoảng 4.500 vạn nguyên. Những xưởng lớn nhất có công ty Mậu Tân, Phú Tân, đặt tại Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc]. Năm 1914 số bột mì nhập siêu khoảng 740 vạn lượng, năm sau chuyển sang xuất siêu, đến đỉnh cao năm 1922 đạt 1.600 vạn lượng. Người Anh, Pháp, Nga, Nhật, Nam Dương đều dùng bột mì Trung Quốc.


Ngoài các ngành dệt, làm bột mì ; về sản xuất xi măng, tại Thiên Tân có Khải Tân Dương Hôi là công ty lớn nhất, tiền vốn từ 100 vạn nguyên, phát triển lên đến 2.000 vạn nguyên. Về thuốc lá có công ty Nam Dương Huynh Đệ Yên Thảo, tiền vốn từ 100 vạn nguyên lên đến 1.500 vạn nguyên ; nhưng cuối cùng không cạnh tranh nổi hãng thuốc lá Anh, Mỹ thành lập năm 1902. Diêm từ 30 xưởng, tăng lên đến khoảng 90 xưởng ; tiền vốn từ hơn 180 vạn nguyên tăng đến hơn 700 vạn nguyên. Các ngành nghề khác như hoá học, làm giấy, ấn loát, pha lê, thực phẩm đóng gói, ép dầu, đều có sự tiến triển.


Công nghiệp nặng phát triển thua xa công nghiệp nhẹ, nhưng cũng có chút ít tiến bộ. Những mỏ than do người Hoa phụ trách có sự phát triển, như Trung Hưng Môi Khoáng tại tỉnh Sơn Đông. Có các mỏ do người ngoại quốc kinh doanh được thu hồi, như Lục Hà Cấu Môi Khoáng tại Hà Nam, Tỉnh Kinh Môi Khoáng tại Trực Lệ. Có đến hơn 10 công ty mỏ than mới được thành lập, ngoại trừ Trung Nguyên Công Ty tại Hà Nam, các công ty khác đều thuộc cở nhỏ. Tổng kê trên toàn nước, số công ty do người Hoa xuất vốn mỗi năm sản xuất được hơn 300 vạn tấn than. Về sắt thép, bắt đầu từ năm 1914 công ty Hán Trị Bình, trước sau lập nên 6 xưởng, công ty thép Long Quan thành lập năm 1916 tại Bắc Kinh, công ty thép Hoà Hưng thành lập năm 1916 tại Thượng Hải, công ty Dương Tử Cơ Giới thành lập năm 1919 tại Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc]. Tính gộp lại mỗi năm sản xuất 70 vạn tấn sắt, 10 vạn tấn thép ; các loại chì, thiếc cũng có gia tăng.


Về vận tải, dứng đầu phát triển là thuyền máy. Năm 1912, số thuyền máy của Hoa thương có đến 1.000 chiếc, khả năng vận tải 8 vạn tấn. Đến năm 1920 có đến 1.600 chiếc, khả năng vận tải 18 vạn tấn. Mới thành lập là những công ty thuyền máy lớn, năm 1914 có công ty Tam Bắc Luân Phụ Cổ Phần Hữu Hạn, năm 1915 có công ty Trung Quốc Bưu Thuyền, năm 1919 có công ty Trung Hoa Hàng Nghiệp Cổ Phần Hữu Hạn ; hai công ty đề cập sau, chuyên hàng hành viễn dương. Năm 1918 có công ty Mậu Thông Luân Thuyền Cổ Phần Hữu Hạn chuyên hàng hành tại các tỉnh Cát Lâm, Hắc Long Giang.


Từ năm 1911 trở về trước, có 14 ngân hàng do tư sản Trung Hoa làm chủ, trong thời kỳ Thế giới đại chiến phát triển nhanh, năm 1919 có đến 60 ngân hàng. Ngân hàng có thực lực mạnh nhất, phải kể : năm 1915 có Diêm nghiệp, Thượng Hải Trử Súc, Chiết Giang địa phương thực nghiệp ; năm 1916 có ngân Trung Phù, năm 1917 có Kim Thành, Đại Lục; năm 1919 có Trung Quốc Thực Nghiệp ; các ngân hàng này trung tâm thường đặt tại Thiên Tân, Thượng Hải.


Cuộc Thế giới đại chiến giúp cho Trung Quốc những cơ hội trước đó không có ; đồng thời về kinh tế tại Hoa, Nhật Bản cũng có cơ hội xâm lược, Trung Quốc không dễ đương đầu lại, nên rút cuộc bị thất bại. Trước đại chiến, Anh đứng đầu về kinh tế liệt cường tại Trung Quốc, hầu như lũng đoạn đủ mọi ngành. Sau khi đại chiến mở màn, thế lực Nhật Bản tiến nhanh, chỉ trong vòng mấy năm tỷ suất thâu nhập từ 15 % tăng đến 29 %. Rồi thông qua kế hoạch cho vay vào năm 1917 do Tây Nguyên Điện Tam làm môi giới, được gọi là Tây Nguyên tá khoản, Nhật dành các quyền lợi khai thác khoáng sản, kiến trúc đường sắt, hợp tác kinh doanh. Nhật trực tiếp đầu tư vào công xưởng, phân bố tại các vùng Đông bắc, Sơn Đông, Thiên Tân, Hán Khẩu, Thượng Hải ; riêng vùng Đông bắc lên đến 360 triệu nguyên. Về ngành dệt phần lớn đầu tư tại Thanh Đảo [Qingdao, Sơn Đông], Thượng Hải ; năm 1913 sản xuất 11 vạn tấm sa, năm 1922 được 62 vạn tấm, tăng lên đến 5 lần. Các xưởng bột mì của Nhật thiết lập tại Tế Nam [Jinan, Sơn Đông], Thanh Đảo, Hán Khẩu, Thượng Hải ; riêng Mãn Châu chế phấn xưởng chiếm lãnh việc cung cấp bột mì miền Đông bắc.


Những điều nêu trên nói lên được sự uy hiếp đối với ngành dệt và chế bột mì non trẻ của Trung Quốc ; đến như ngành công nghiệp nặng thì Trung Quốc không thể cạnh tranh nổi. Sản lượng Nhật Bản đầu tư vào sắt thép tại Trung Quốc chiếm 94 %, riêng than đá, nếu cộng chung với nước Anh chiếm 75 %. Sau khi đại chiến chấm dứt, thế lực kinh tế của Tây phương lại bùng lên trở lại, mậu dịch Trung Quốc nhập siêu có xu hướng tăng ; thậm chí trước đây xuất siêu về bột mì, đến năm 1922 phải nhập siêu trở lại, Mậu dịch của nước Anh tại Trung Quốc lúc này nghiêng ngửa với Nhật, riêng Mỹ đứng hàng thứ ba.


Nền kinh tế dân tộc Trung Hoa không tiến được, rồi dần dần đi vào chỗ suy thoái, không đáng quy hoàn toàn vào áp lực ngoại lai, tình hình quốc nội ngày một ác hoá cũng là yếu tố quan trọng. Chính phủ không có lòng giúp đỡ, chiến loạn không ngừng, binh ngạch gia tăng, là những đòn trí mệnh đánh vào nền kinh tế. Tính từ năm 1916 đến 1922, tối thiểu có đến 10 cuộc nội chiến ; xuôi dòng thời gian phải kể đến : chiến tranh chống đế chế thời Viên Thế Khải, chống Trương Huân phục bích, chiến tranh Vân Nam - Tứ Xuyên, chiến tranh nam-bắc, chiến tranh Trực-Hoán hệ, hai lần chiến tranh Quảng Đông - Quảng Tây, chiến tranh Hồ Nam - Hồ Bắc, chiến tranh Tứ Xuyên - Hồ Bắc, chiến tranh Trực-Phụng hệ ; binh ngạch từ 50 vạn tăng lên đến 150 vạn. Quân phí lấy từ thuế và quyên góp, công thương nghiệp là nguồn chính để bòn rút. Bình thời hàng hoá phải nạp thuế ly kim, rồi tăng thêm vào các loại quyên góp, thực thu tăng đến 20 % sản phẩm. Các phương tiện vận chuyển bị quân đội nắm, bày chuyện hạch sách, không những trở ngại cho vấn đề tiêu thụ, lại còn trở ngại cả việc cung ứng nguyên liệu. Quân phiệt địa phương tự ý đúc tiền đồng, phát hành tiền giấy, khiến đồng bạc xuống giá. Đơn vị tiền tệ không đồng nhất, có đồng nguyên đúc bằng bạc, lượng bạc ; đồng nguyên bằng bạc không giống nhau ; lượng bạc thì có Hải quan lượng, Khố bình lượng, Thượng Hải lượng, Thiên Tân lượng, khiến “ ra khỏi tỉnh một bước, như ra nước ngoài, lữ hành đã phiền phức, kinh doanh lại càng khó khăn ”. Chính phủ trung ương phát hành nhiều công trái, giới công thương là đối tượng phải gánh vác. Đầu tư ngân hàng bấp bênh, tham mua công trái lợi tức cao, chiết khấu lớn, một khi công trái sụp đổ, ngân hàng phải đóng cửa. Vào thời chiến, quân phiệt không thi hành pháp luật, đến ngân hàng thương hội cưỡng bách mượn tiền, trưng dụng xe thuyền, phá cầu đường, coi đó là chuyện tự nhiên. Còn việc nông thôn bị khốn khổ thì không nói hết, thuế ruộng, thuế muối gia tăng, vật giá không ngừng tăng cao. Rồi còn bị thuỷ tai, hạn hán, tai nạn vì chiến tranh, thổ phỉ ; dân không có đường mà tránh, có khi cầu chết cũng không được.


Công thương nghiệp hưng suy liên quan mật thiết đến đại cuộc, nên giới này rất quan tâm đến thời sự, đặc biệt tại nơi cửa khẩu thông thương và đô thị lớn. Hai lần cách mệnh xẩy ra, Tổng thương hội Thượng Hải từng hô hào hoà bình. Năm 1914, Thương hội liên hiệp hội toàn quốc thành lập; năm 1915, nhân phản đối hiệp định quân sự Trung Nhật, yêu cầu đình chỉ nội chiến. Tháng 3/1919, 53 đoàn thể thương nghiệp tại Thượng Hải tổ chức thành Công đoàn thương nghiệp, gửi thư cho các nước yêu cầu hành động giúp hoà bình, nếu không sẽ đoạn tuyệt quan hệ với các nước chi viện cho quân phiệt ; không nạp tô thuế cho chính phủ, không vận chuyển hàng hoá. Tháng 4 cùng năm, do vấn đề Sơn Đông, Tổng thương nghiệp Thượng Hải phản đối hoà đàm Ba Lê, cùng Tổng thống Mỹ W. Wilson. Những vấn đề nêu trên biểu thị lòng ái quốc của thương nhân.


Công nhân phần lớn đến từ nông thôn, tuy kém tri thức, nhưng dần dần cũng được giác ngộ. Từ cuối thế kỷ 19, việc thông thương tại các bến cảng ngày một thịnh vượng, đường sắt, mỏ khoáng ngày một mở mang, cần nhiều nhân lực ; nên nông dân từ thôn quê đi tìm việc đông như chim đàn. Lao động cực nhọc, thời gian đến 12 giờ một ngày, nhưng tiền công rẻ mạt, không đủ nuôi gia đình, lại còn bị ngược đãi. Rồi sự nghe biết dần dần rộng ra, lòng bất mãn sinh sôi, đi đến chỗ bãi công tranh đấu. Khoảng năm 1911, công nhân toàn quốc khoảng 50 vạn. Năm 1912 bắt đầu kết hợp đoàn thể, như Đồng chí hội của công nhân dường sắt phía nam Tân Phố [Thiên Tân - Phố Khẩu], Thượng Hải chế tạo công nhân đồng minh hội, Sào ty nữ công đồng nhân hội, Quảng Đông cơ khí tổng hội, Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc] xa phu đồng minh hội vvv…


Sau khi Viên Thế Khải công bố Dân quốc tân hình luật, quy định xử phạt tổ chức bãi công, nhưng vào năm 1913 Hán Dương [Hanyang, Hồ Bắc] binh công xưởng vẫn ngang nhiên bãi công. Năm 1914 ban hành Trị an cảnh sát điều lệ, có điều khoản ngăn cấm công nhân, nhưng chẳng bao lâu công nhân ngành sơn bãi công tại Thượng Hải. Thanh niên công nhân của Thương vụ ấn thư quán có tổ chức Lệ chí hội, nhân viên ngành biển tại Hương Cảng có tổ chức Liên nghị xã. Năm 1915 Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Đông] công đoàn thành lập, công nhân tại bến cảng Hán Khẩu bãi công, làm huỷ hoại hàng hoá Nhật Bản xuất cảng. Cùng với sự phát triển công thương nghiệp, số công nhân toàn quốc lên đến 200 vạn người, công hội tăng thêm. Từ năm 1914-1918 số vụ bãi công tăng lên, bình quân mỗi năm đến 18 lần. Năm 1917 có 23 vụ, 1918 có 30 vụ ; đại đa số đòi hỏi tăng lương, cải thiện đãi ngộ ; cũng có vụ liên quan đến chính trị. Năm 1915 phản đối 21 điều do Nhật Bản đưa ra, dấy lên phong trào chống hàng Nhật, bãi công diễn hành ; tại các hãng xưởng Nhật, công nhân Hoa tích cực đấu tranh. Năm 1916 phản đối Pháp khuếch trương tô giới tại Thiên Tân, công nhân Hoa tại tô giới bãi công, thành lập công đoàn. Năm 1918 công nhân tại Quảng Châu tổ chức ngày kỷ niệm công nhân 1/5 ; tại Hán Khẩu công nhân tổ chức hội phản Nhật. Từ năm 1918-1919 tại các hãng dệt sa của Nhật Bản, có 4 lần bãi công.


Những năm đầu Dân quốc, ngoại trừ trường nữ sư phạm ; các tỉnh, huyện hầu như chưa lập các trường nữ trung học, tiểu học. Năm 1915, số nữ học sinh toàn quốc khoảng 18 vạn ; vào năm này giáo hội Mỹ mở trường nữ đại học tại Kim Lăng [Nam Kinh]. Năm 1917 chính phủ mở trường sư phạm chuyên khoa cho nữ giới tại Bắc Kinh, hai năm sau cải thành trường nữ cao đẳng. Đối tượng tạp chí Tân Thanh Niên tuyên truyền là nữ giới, năm 1916 Trần Độc Tú khuyên phụ nữ không nên đứng vào địa vị bị chinh phục, cần tự phấn đấu, thoát khỏi sự phụ thuộc, khôi phục nhân cách tự chủ, đặc biệt đả kích tư tưởng “ Phu vi thê cương [chồng ràng buộc vợ] ” của Khổng giáo là không đúng. Trần cũng đả kích giáo điều “ Tam tòng ” của Khổng giáo đòi hỏi phụ nữ tòng phụ, tòng phu, tòng tử 3. Trần chủ trương phụ nữ tham gia việc chính trị, chồng chết có thể tái giá, giao tế tự do, sinh hoạt độc lập. Năm 1917 trên tạp chí Tân Thanh Niên mở chuyên mục về phụ nữ, đăng các bài về giáo dục, hôn nhân, chức nghiệp, quyền lợi, thuận theo trào lưu của thế giới. Đối với vấn đề trinh tiết, vào năm 1918 hai, ba lần đem ra thảo luận ; cho rằng trinh tiết không phải là đạo đức, chỉ là ý thích, lòng tin, tính ưa trong sạch ; rồi biên dịch các hài kịch chỉ trích nếp sống cũ, khuyên phái nữ cần có dũng khí phản kháng. Hồ Thích nhấn mạnh phụ nữ cần có nhân sinh quan cao hơn vợ hiền, từ mẫu ; phát triển tinh thần tự chủ, đường đường làm tròn nghĩa vụ, sự nghiệp.




4. Cuộc vận động Ngũ tứ phát triển toàn quốc



Đệ nhất thế giới đại chiến chấm dứt, lúc hoà hội sắp mở màn ; tại Trung Quốc, một trong những nước được liệt danh chiến thắng, trên dưới đều vui vẻ, phần tử trí thức càng cao hứng, trường học cả nước nghỉ mừng 3 ngày. Trong nước mở đại hội chúc mừng Hiệp ước quốc thắng lợi, đốt đèn diễn hành, cờ xí đầy đường, kèn trống ca hát rầm rộ, cất tiếng ca “ Mây tiêu mù tan, lại thấy trời xanh ! ”. Hiệu trưởng trường đại học Bắc Kinh cùng Giáo thụ cử hành diễn thuyết, nêu lên 4 ý nghĩa lớn :


– Thứ nhất, cường quyền hắc ám tiêu diệt, lực lượng hỗ trợ quang minh phát triển.


– Thứ hai, phái chủ trương dùng âm mưu bị tiêu diệt, phái chính nghĩa phát triển.


– Thứ ba, vũ lực độc đoán chủ nghĩa tiêu diệt, bình dân chủ nghĩa phát triển.


– Thứ tư, chủng tộc thiên kiến tiêu diệt, đại đồng thế giới phát triển.


Chưa đầy 3 tháng, tin tức xấu về hội nghị Ba Lê liên tục truyền đến, thất vọng như bị đánh vào mặt, khiến trời đất quay cuồng, thanh niên học sinh hết sức phẫn khái, biến thành cuộc vận động thị uy tại Bắc Kinh vào ngày 4/5/1919. Tại tuyên ngôn phát biểu, bài xích các nước tham dự hoà hội dùng cường quyền, không chiếu cố đến chính nghĩa công lý “ Lừa dối lăng nhục ta, áp bức ta, nô lệ ta ”, “ Nếu ta không làm cuộc hô hào tranh đấu một lần sống vạn lần chết…. thì chủng tộc này sẽ điêu tàn trong thế kỷ thứ 20, không còn lời nói với nhân loại ”. Qua các truyền đơn phát tán hiệu triệu “ Đối ngoại tranh chủ quyền, đối nội trừ giặc nước ” “ Đất đai Trung Quốc có thể chinh phục, nhưng không cắt chiếm được ; nhân dân Trung Quốc có thể giết nhưng không cúi đầu ”. Ba tuần lễ sau, một trong những lãnh tụ cuộc thị uy, La Gia Luân, gọi đó là “ Ngũ tứ vận động ”, nên đã trở thành danh từ thông dụng, ý nghĩa khuếch đại thành cuộc vận động cho văn hoá mới, tư trào mới.


Nguyên nhân gần của cuộc phản kháng là vấn đề Sơn Đông, sau khi phát động đấu tranh, không được giải quyết thoả đáng, nên nhiệt huyết học sinh càng dâng cao, không chịu ngưng. Chính phủ với thủ đoạn đàn áp mạnh và thái độ ngoan cố càng tăng thêm sự phẫn nộ. Ngày 5/5 kế tục ủng hộ học sinh bị bắt, lực lượng biểu tình đòi hỏi trừng trị quan chức bán nước, cự tuyệt hoà ước Ba Lê, thực hành bãi khoá. Ngày thứ hai, học sinh tại các trường đại học, chuyên môn, trung học thành lập Bắc Kinh học sinh liên hiệp hội, nữ sinh cũng tham gia, đó là tổ chức đầu tiên của học sinh. Các học sinh tại Thiên Tân, Thượng Hải, lưu học sinh tại Nhật, cùng các đoàn thể nổi tiếng từ bắc xuống nam đều nhất trí ủng hộ. Tổng thống Từ Thế Xương chấn hãi, ra lệnh thả các học sinh bị bắt, mở lại trường học, học sinh thu được thắng lợi sơ bộ.


Nhân bị phái Đoàn Kỳ Thuỵ làm áp lực, Từ Thế Xương cấm chỉ học sinh tiếp tục nhiễu loạn trật tự, đem những học sinh có liên quan giao cho pháp đình xử lý, lưu giữ bọn Tào Nhữ Lâm xin từ chức. Phái đương quyền thân Nhật và phái bảo thủ nhận thấy rằng sự kiện xẩy ra do chủ trương tư tưởng học thuật tự do của trường đại học Bắc Kinh gây ra, nên Hiệu trưởng Thái Nguyên Bồi bị ép buộc phải từ chức ; Giáo thụ và học sinh thỉnh cầu lưu lại, bị cự tuyệt ; rồi toàn thể Hiệu trưởng các trường chuyên môn tại Bắc Kinh đều xin từ chức. Từ Thế Xương tiếp tục hạ lệnh không cho phép học sinh can thiệp vào việc chính trị và lập hội, bãi miễn Tổng trưởng giáo dục Truyền Tăng Tương đồng tình với Thái Nguyên Bồi. Vào ngày 19/5 học sinh Bắc Kinh tổng bãi khoá, tuyên truyền phản Nhật, đả kích chính phủ. Công sứ Nhật Bản quay sang bộ ngoại giao cật vấn, yêu cầu cấm chỉ hoạt động của học sinh, quân hạm Nhật Bản tập trung tại Thượng Hải, Thiên Tân, Nam Kinh, Hán Khẩu. Hành động chẳng khác lửa cháy đổ thêm dầu khiến cho học sinh toàn quốc, trên 200 thành thị lớn nhỏ như Bắc Kinh, Thiên Tân, Tế Nam [Jinan, Sơn Đông], Thái Nguyên [Taiyuan, Sơn Tây], Thượng Hải, Hàng Châu [Hangzhou, Chiết Giang], Nam Kinh, Phúc Châu [Fuzhou, Phúc Kiến], An Khánh [Anquing, An Huy], Khai Phong [Kaifeng, Hà Nam], Vũ Xương [Wugang, Hồ Bắc], Trường Sa [Changsha, Hồ Nam] đều nhất loạt bãi khoá. Bắc Kinh giáo chức viên liên hiệp hội, đồng thời thành lập làm hậu thuẫn. Đoàn Kỳ Thuỵ vẫn ngang nhiên không cho là quan trọng, chuẩn bị ký điều ước. Từ Thế Xương vẫn tái tục ngăn cấm diễu hành diễn thuyết, ngăn chặn tổ chức học sinh, bọn Tào Nhữ Lâm tích cực yểm hộ. Ngày 2/6 lại bắt bớ lần thứ hai, học sinh không sợ sệt chút nào, ngày hôm sau biểu tình đông, bị bắt hơn 400 người ; trường đại học Bắc Kinh biến thành nhà tù tạm thời. Ngày 4/6 số học sinh tuyên truyền diễn hành gia tăng gấp bội, bị bắt hơn 700 người, có hơn 5.000 người tình nguyện vào ngục, hơn 1.000 nữ sinh đến phủ Tổng thống kháng nghị, giáo chức đến thăm hỏi học sinh tại ngục. Chính phủ bắt đầu cảm thấy đàn áp mạnh không hữu hiệu, bèn triệt thoái quân cảnh bao vây trường đại học Bắc Kinh, Từ Thế Xương sai người đến thăm hỏi, học sinh lại đạt được thắng lợi lần thứ hai.


Vào ngày 4/5 lúc học sinh Bắc Kinh cử hành thị uy, từng hô hào giới công thương đồng lòng dấy lên. Hai ngày sau được Bắc Kinh thương hội, Thượng Hải thương nghiệp công đoàn liên hiệp hội, Giáo dục hội tỉnh Giang Tô hưởng ứng. Quốc dân đại hội tại Thượng Hải không những yêu cầu trừng trị Tào Nhữ Lâm, Lục Tông Dư, Chương Tông Tường, lại còn đòi trừng trị cả Đoàn Kỳ Thuỵ, Từ Thụ Tranh ; về quyền lợi không những đòi thu hồi Thanh Đảo [Qingdao, Sơn Đông], lại còn đòi phế trừ mọi điều ước tổn thất đến quyền nước. Sau trung tuần tháng 5, học sinh Bắc Kinh, Thiên Tân đến Thượng Hải, phối hợp với học sinh nơi này bàn luận với thương nhân lập phương hướng thực tế đấu tranh. Khi cuộc khủng bố học sinh tại Bắc Kinh xẩy ra, ngày 5/6 Thượng Hải thực hành bãi thị, tuyên bố rằng hành động này do lòng ái quốc, không có ý bài ngoại. Tiếp tục bãi thị xẩy ra tại các thành thị như Nam Kinh, Ninh Ba [Ningbo, Chiết Giang], Hạ Môn [Xiamen, Phúc Kiến], Trấn Giang, Tô Châu, Vô Tích [Woxi, Giang Tô], Dương Châu, Vu Hồ, An Khánh, Cửu Giang, Hàng Châu, Hán Khẩu, Tế Nam, Khai Phong, Thiên Tân.


Về phương diện công nhân, lúc đầu có Tế Nam, Bắc Kinh tập trung hội họp, số người tham gia hàng vạn. Cùng ngày với cuộc bãi thị tại Thượng Hải, cuộc tổng bãi công bộc phát, tham gia gồm ngành dệt, ấn loát, cơ khí, thuốc lá, bưu chính, điện thoại, xe điện, thuyền máy, bến cảng, các ngành kiến trúc ; tổng kê khoảng 6,7 vạn người, khiến giao thông đình trệ. Đường sắt Bắc Kinh - Hán Khẩu đoạn phía bắc ; đường sắt Bắc Kinh - Phụng Thiên đoạn phía tây, các công nhân đều lần lượt tham gia. Thượng Hải quốc dân đại hội tuyên bố lật đổ chính phủ Bắc Kinh ; đuổi Từ Thế Xương, Đoàn Kỳ Thuỵ. Với phong trào cả nước sôi sục mãnh liệt, thực hiện “ Tam bãi ” tức bãi khoá, bãi thị, bãi công ; bắt buộc chính phủ phải truất bãi Tào Nhữ Lâm, Lục Tông Dư, Chương Tông Tường vào ngày 10/6 ; thậm chí câu lạc bộ An Phúc cũng phải gửi điện phản đối hoà ước Ba Lê, nguyện thuận theo ý dân ; Từ Thế Xương xin quốc hội từ chức. Đây là thắng lợi thứ ba của học sinh, và cũng là cuộc vận động quần chúng thắng lợi.


Ngày 12/6, kết thúc cuộc bãi thị tại Thượng Hải, phần lớn công nhân trở lại làm việc, nhưng vẫn chủ trương chống hàng Nhật, đề cao nội hoá. Học sinh cho rằng việc quyết định không ký vào hoà ước Ba Lê chưa rõ ràng, nên vẫn bãi khoá. Vào ngày 16/6 chính thức tại Thượng Hải thành lập Toàn quốc học sinh liên hiệp hội, cùng Sơn Đông và các nơi khác tiếp tục đấu tranh, cho đến lúc chính phủ có quyết định không ký vào hoà ước Ba Lê, vào ngày 22/7 Toàn quốc học sinh liên hiệp hội tuyên bố đình chỉ bãi khoá, học sinh gặt hái được chiến thắng cuối cùng.




5. Trào lưu mới và chủ nghĩa Mác được truyền bá



Từ năm 1915 đến năm 1918 là đệ nhất thời kỳ của cuộc vận động tân văn hoá, hầu như đưa toàn lực vào giải phóng tư tưởng ; từ 1919 đến 1921 là đệ nhị kỳ, hầu như đem toàn lực vào việc tuyên dương tư tưởng Tây phương. Phàm những tư tưởng Trung Quốc chưa có, trước đây chưa nghe đến, thuyết nào cũng cho là thuốc tốt cứu đời, nhất luật hoan nghênh, ra sức thu thập; lại càng hoan hỷ các tư tưởng mới xã hội quá khích, yêu nhiệt tình như niềm tin tôn giáo. Các sách về tư tưởng mới đua nhau xuất bản, trăm nhà đua tiếng, mỗi thuyết có một cái hay, tạo thành ngọn sóng tân tư trào.


Trước cuộc vận động Ngũ Tứ, tập san báo chí cổ suý tân văn hoá chỉ có Tân Thanh Niên, cùng các báo Mỗi Chu Bình Luận, Tân Trào, Quốc Dân. Sau cuộc thị uy Ngũ Tứ, từ tháng 6/1919 trở về sau, trong vòng hơn 1 năm, các tạp chí xuất bản như tuần san, bán nguyệt san, nguyệt san, quý san nhiều có đến 400 loại ; phần lớn do học sinh đại học, chuyên môn, trung học biên tập. Học vấn của họ tuy có hạn, nhưng lòng tin và nhiệt tình rất mạnh, hơn nữa văn bạch thoại lúc này đã lưu hành, giúp cho họ biên tác tiện lợi hơn. Ngoài ra hai phái lãnh đạo canh tân là Tôn Trung Sơn, Lương Khải Siêu, cũng tích cực tham gia. Năm 1918 Tôn Trung Sơn sau khi từ Quảng Đông đến Thượng Hải, chủ trương canh tân, đưa hết sức ra sáng tác. Cùng tháng với cuộc vận động Ngũ Tứ, Tôn xuất bản “ Tôn Văn Học Thuyết ”. Sau khi bãi công và bãi thị tại Thượng Hải 3 ngày [8/6/1919], hai tờ báo “ Tinh Kỳ Bình Luận ” và “ Dân quốc nhật Báo ” do Tôn chỉ đạo, đều đăng thêm phụ bản “ Giác Ngộ ”. Hơn 1 tháng sau lại xuất bản nguyệt san “ Kiến Thiết ”. Trần Quýnh Minh xuất bản tại Chương Châu [Zhangzhou] Phúc Kiến bán nguyệt san “ Mân Tinh ”. Vào tháng 12/1918, Lương Khải Siêu từ Thượng Hải đến Âu Châu, trước đó hối hận rằng trong quá khứ không đáng tham gia vào việc chính trị, từ nay trở về sau quyết chuyên về con đường tư tưởng. Sau cuộc vận động Ngũ Tứ 4 tháng, Lương phát hành bán nguyệt san “ Giải Phóng Cùng Cải Tạo ” xuất bản tại Thượng Hải. “ Thời Sự Tân Báo ” là cơ quan ngôn luận của phái Lương, phát hành thêm phụ trương “ Học Đăng ”, cùng với “ Thần Báo ” tại Bắc Kinh, những cây bút có liên hệ với Lương cũng phát hành thêm phụ trương “ Thần Báo Phó Huề ”. Thiếu niên Trung Quốc học hội, thành lập được 1 năm, là một đoàn thể kiêm nhiệm cả học thuật và chính trị, hội viên có trình độ cao hơn các học sinh bình thường, bắt đầu triển khai công tác; vào tháng 7/1919 cùng tháng 1/1920, lần lượt tại Bắc Kinh, Nam Kinh xuất bản nguyệt san “ Thiếu Niên Trung Quốc ”, “ Thiếu Niên Thế Giới ” ; phân hội tại Thành Đô [Chengdu, Tứ Xuyên] có tuần san “ Tinh Kỳ Nhật ”. Lúc này tại Trường Sa [Changsha, Hồ Nam] tập san rất nhiều, trong vòng nửa năm riêng tuần san có đến chục loại. Ngoài ra những tập san quan trọng, Bắc Kinh có tuần san “ Tân Sinh Hoạt ”, “ Tân Xã Hội ”, nguyệt san có “ Thự Quang ” ; tại Nam Kinh có tuần san “ Thiếu Niên Xã Hội ” ; tại Thượng Hải có nguyệt san “ Thái Bình Dương ”, “ Tân Giáo Dục ”. Thương vụ ấn thư quán từ trước vốn xuất bản những ấn phẩm bảo thủ như “ Đông Phương Tạp Chí ”, “ Phụ Nữ Tạp Chí ”, hiện tại đều canh tân. “ Tiểu Thuyết Nguyệt Báo ” cải cách càng mạnh, tháng 1/1921 do tân văn học gia tổ chức hội nghiên cứu văn học. Mùa hè cùng năm, đoàn thể Văn học sáng tạo xã thành lập, vào tháng 5 năm sau xuất bản “ Sáng Tạo Quý San ”.


Chuyên môn trước tác theo lối mới, tiên phong có “ Trung Quốc Triết Học Cổ Đại Sử ” quyển thượng của Hồ Thích, xuất bản năm 1918 ; dùng phương pháp mới, quan điểm mới, chỉnh lý học thuật Trung Quốc, là một bộ trong Bắc Kinh đại học tùng thư. Kế tiếp có Trung Hoa thư cục đích tân văn hoá tùng thư, Thương vụ ấn thư quán đích thời đại tùng thư, Thượng chí học hội tùng thư. Năm 1920 Lương Khải Siêu lại thành lập Cộng học xã cùng Giảng học xã ; Cộng học xã chuyên biên dịch, Giảng học xã mời các Học giả Tây phương đến diễn giảng. Trước cuộc vận động Ngũ Tứ 3 ngày, Triết học gia John Dewey [Đỗ Uy] do lời mời của các trường đại học Bắc Kinh, Nam Kinh cao đẳng sư phạm, đến Trung Quốc giảng dạy 2 năm. Giảng học xã mời một vị triết học gia người Anh, Bertrand Russell [La Tố], đến Trung Quốc vào tháng 10/1920, lưu lại trong vòng 1 năm. Vị thứ hai, một Triết học gia khác người Đức, Hans Driesch [Đỗ Lý Thư], lưu lại một vài tháng. Vị thứ ba, một Văn gia Ấn Độ R. Tagore [Thái Qua Nhĩ], đến vào năm 1924, lưu lại trong vòng 2 tháng. Cũng có ý mời Triết học gia người Pháp Henri Bergson [Phách Cách Lâm], tuy chưa đến nhưng những trước tác của vị này đã được phiên dịch. John Dewey và Bertrand Russell đi qua nhiều nơi, tại Bắc Kinh tương đối lâu, rất chú ý đến cuộc vận động Ngũ Tứ và đã từng góp ý kiến. Những lời diễn giảng của những vị này đều được báo chí đăng tải và in thành sách riêng, một số trước tác được phiên dịch. Hồ Thích cùng mấy vị Giáo thụ tại Nam Kinh là học sinh của John Dewey, tuyên truyền chủ nghĩa thực nghiệm của ông này. Về một vài phương diện ảnh hưởng của Bertrand Russell cơ hồ lớn hơn John Dewey, không phải vì Số lý triết học 4 của ông, mà do ông là người theo chủ nghĩa xã hội. Trong tác phẩm Đến Con Đường Tự Do, ông viết rằng chủ nghĩa Mác có thể tạo nên thế giới tương đối hoàn thiện. Trước khi đến Trung Quốc, từng qua Nga Xô, gặp Lenin [Liệt Ninh], Trotsky [Thác Lạc Thứ Cơ]. Lúc Bertrand Russell mới đến Thượng Hải, từng nói chính trị của một chính phủ cần từ dưới lên trên, giáo dục chú trọng xã hội, không cần chú trọng cá nhân, cỗ vũ sáng tạo, giảm thiểu chiếm hữu. Sau đó 10 ngày, tại Trường Sa [Changsha, Hồ Nam] ông diễn thuyết đề tài “ Bôn sê vích 5 [Bố Nhĩ Thập Duy Khắc] và chính trị thế giới ” bảo rằng cách mệnh tháng mười đối với tân sinh tồn nhân loại có rất nhiều ý vị, tương lai sẽ có ảnh hưởng lớn. Một khi Bôn sê vích thi hành, người người đều làm việc, không đến nỗi kẻ lao động người ở không, sinh hoạt con người không cách biệt nhau thái quá. Bertrand Russell tuy không tán thành việc Bôn sê vích ưa chuyên chế, nhưng hành động hữu hiệu, trung với quốc gia ; việc cải cách chính trị Trung Quốc nên dùng phương pháp của Nga Xô, không nên dùng chính trị Tây phương. Đối với đảng Cộng sản Trung Quốc đang được trù tính tổ chức, những lời của Bertrand Russell có sức cỗ vũ mạnh về tinh thần.


Trần Độc Tú và Hồ Thích là hai chủ tướng trong cuộc vận động văn hoá, nhưng thái độ phân biệt bởi gấp và hoãn ; Trần chủ trương cách mệnh, cải tạo xã hội Trung Quốc từ gốc rễ, Hồ chủ trương cải lương, từ từ biến đổi ; hai người cũng giống như Tôn Trung Sơn và Lương Khải Siêu trước thời cách mệnh Tân Hợi. Người có tư tưởng gần với Trần là Lý Đại Sao, nhưng cấp tiến hơn, đối với cách mệnh tháng 10 Nga, hứng thú trọn vẹn. Vào khoảng tháng 10/1918 Lý là người đầu tiên lập Xã hội chủ nghĩa nghiên cứu hội, nhận định rằng Bôn sê vích là chủ nghĩa cách mệnh, có tinh thần yêu người, là bình minh của hoà bình, thế giới tương lai là thế giới của cờ đỏ ! Từ năm 1919 trở về sau, Lý ra sức tuyên truyền cách mệnh tháng mười và chủ nghĩa Mác. Tạp chí “ Mỗi Chu Bình Luận ” cho rằng cách mệnh tháng 10 là chìa khoá mở cửa tiến hoá, là trận đại hồng thuỷ tẩy rửa cho một kỷ nguyên mới, giai cấp lao động toàn thế giới liên hợp, đánh gục giai cấp tư bản. “ Tân Thanh Niên ” xuất bản chuyên đề nghiên cứu chủ nghĩa Mác, giới thiệu giai cấp đấu tranh, cùng duy vật sử quan. “ Thần Báo ”, “ Dân Quốc Nhật Báo ” cùng phó bản của các báo này không ngừng đăng tải những vấn đề liên quan đến cách mệnh tháng 10 và chủ nghĩa Mác.


Riêng Hồ Thích theo chủ nghĩa hoài nghi, thực nghiệm, tin vào thuyết tiến hoá ; khuyên những người này không nên coi chủ nghĩa là tín điều, hoặc tôn giáo ; nghiên cứu từng vấn đề một cách cụ thể cá biệt, ít bàn đến trừu tượng, thực hành cải tiến từng điểm một, không chủ trương giải quyết cả gốc rễ. Lý Đại Sao phản bác, bảo rằng vấn đề và chủ nghĩa không thể tách phân, trước hết phải có chủ nghĩa lý tưởng, rồi mới căn bản giải quyết từng vấn đề, cách mệnh Nga chứng minh như vậy. Những báo chí có liên quan đến Tôn Trung Sơn, Lương Khải Siêu cũng thỉnh thoảng cũng giới thiệu chủ nghĩa Mác và Bôn sê vích.


Tháng 6/1919, Trần Độc Tú rải truyền đơn tại Bắc Kinh bị bắt, vào tháng 8 tạp chí “ Mỗi Nguyệt Bình Luận ” bị đóng cửa, Trần bị giam hơn 80 ngày, sau khi thả bèn dời đến Thượng Hải. Hồ Thích và Lý Đại San tranh luận về vấn đề và chủ nghĩa lúc Trần còn tại tù. Tháng 12 tạp chí “ Tân Thanh Niên ” xuất bản Tân Thanh Niên Tuyên Ngôn và bài của Hồ Thích Tân Tư Trào Đích Ý Nghĩa. Hồ cho rằng Tân Tư Trào có thái độ mới, thái độ phê bình phán xét ; thực tế biểu hiện là nghiên cứu vấn đề, thâu nhập học lý, chỉnh sửa quốc cố 6, tái tạo văn minh. Nội dung Tân Thanh Niên Tuyên Ngôn về chính trị phủ nhận đế quốc chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa ; sáng tạo tân quan niệm, dựng lập tân tinh thần, thích ứng với tân hoàn cảnh. Tân xã hội gồm tiến bộ, tích cực, tự do, bình đẳng, tương ái, hỗ trợ, yêu lao động. Xã hội sáng tạo do vận động quần chúng ; trọng yếu của chính trị là cộng đồng sinh hoạt, chính quyền thuộc toàn thể nhân dân, không luận có tài sản hay không. Đối với học thuật tư tưởng cần thiết sinh hoạt sáng tạo, tôn trọng khoa học tự nhiên, triết học thực nghiệm, không chủ trương hư vô, không đặt biên giới, vô tín ngưỡng ; tuyệt đối hoài nghi siêu thực nghiệm, vô kết quả. Thiên tuyên ngôn này do Trần Độc Tú viết, nhắm chiết trung chủ trương của Hồ Thích và Lý Đại Sao. Vào tháng 1/1920 từ phương diện kinh tế, Lý giải thích nguyên nhân tư tưởng cận đại biến động. Trần Độc Tú chuyển hướng sang chủ nghĩa Mác, cùng với việc ông bị bắt và báo “ Tân Thanh Niên ” bị cấm có thể có sự quan hệ. Sau khi đến Thượng Hải, Trần thường qua lại bàn luận với Đái Truyền Hiền, Trương Đông Tốn về chủ nghĩa Mác ; chẳng bao lâu sau đó tiếp xúc với Cộng sản quốc tế, Trần bèn quyết định thái độ. Vào tháng 7, Tân Thanh Niên lại phát tuyên ngôn, chính thức ủng hộ chủ nghĩa Mác, thừa nhận dùng thủ đoạn cách mệnh để kiến thiết giai cấp lao động trong nước; ngăn cấm đối nội, đối ngoại tước đoạt quyền chính trị, pháp luật.


Lương Khải Siêu và Trương Đông Tốn tán thành Cơ Nhĩ Đặc 7 (Syndicalism) xã hội chủ nghĩa ; tháng 1/1920 hô hào Trung Quốc cần cải tiến thực nghiệp, tăng tiến của cải, điều hoà giữa lao động và tư bản. “ Tân Thanh Niên ” gia tăng bài bác, kiên quyết đi theo con đường của nước Nga. Phái vô chính phủ cũng nhân phản đối Bôn sê vích, tham gia vào cuộc tranh luận. Các đoàn thể ái quốc thiếu niên học hội Trung Quốc trước kia, lúc này bắt đầu phân hoá ; hoặc theo chủ nghĩa quốc gia, hoặc theo chủ nghĩa Mác. Hồ Thích và Trần Độc Tú thực hiện chia tay vào cuối năm 1920. Từ đó trở về sau Hồ tuy chú tâm vào việc chỉnh lý quốc cố, nhưng không quên dân chủ, khoa học, đi theo con đường Âu, Mỹ. Ý kiến của Lương Khải Siêu gần tương đồng với Hồ Thích ; nhưng đối với quốc cố Lương muốn phát huy di sản, riêng Hồ thì hoài nghi, muốn dùng khoa học hiện đại với thái độ phê phán.


Nói tóm lại từ cuộc vận động Ngũ Tứ trở về sau, phần tử trí thức Trung Quốc nhắm chống quân phiệt, chống xâm lược không ngừng thâu thái các tư trào, học thuyết, chủ nghĩa Tây phương, để rồi dần dần chia thành hai phái sẵn sàng đối địch. Một phái chủ trương theo cách Anh, Mỹ ; tôn trọng con đường tự do, dân chủ, khoa học, tuần tự mà tiến. Một phái theo cách Nga Xô, thi hành phương pháp hữu hiệu của Cộng sản, với lý tưởng to lớn, giải quyết từ căn bản. Phái trước thanh thế tuy thịnh, nhưng nghị luận rầm rộ, cuối cùng không hình thành được mặt trận liên hiệp ; phái sau kiên định lập trường, tổ chức đồng nhất ; nhưng đối với từng lớp nhân sĩ thì khuynh hướng tự do, khoa học, dân chủ vẫn chiếm đa số.


Hồ Bạch Thảo






1 Năm 1908 nước Mỹ giảm thu tiền bồi thường chiến phí năm Canh Tý [1900] để Trung Quốc dùng vào việc giáo dục, cho du học sinh sang Mỹ.


2 Đông Tam Tỉnh : ba tỉnh phía đông bắc, tức Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh.


3 Tam tòng gồm : tại gia tòng phụ, tức lúc còn con gái tuân theo cha ; xuất giá tòng phu, lúc lấy chồng tuân theo chồng ; phu tử tòng tử, lúc chồng chết tuân theo người con trưởng.


4 Số lý triết học (The Principles of Mathematics) : nội dung từ nghiên cứu nguyên lý toán học, xác định kết quả khoa học.


5 Bôn sê vích [Bố Nhĩ Thập Duy Khắc], do âm tiếng Anh Bolsheviks , có nghĩa là khối đa số ; còn một thành phần của đảng Mác xít Nga tách ra khỏi Menshevik.


6 Quốc cố : đồng nghĩa với quốc học, nhưng chú trọng đến quốc hồn, quốc tuý.


7 Cơ Nhĩ Đặc xã hội chủ nghĩa chủ trương cải lương, cải thiện tư bản chủ nghĩa.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss