Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Trung Quốc tiếp tục cách mệnh / Trung Quốc tiếp tục cách mệnh (2)

Trung Quốc tiếp tục cách mệnh (2)

- Hồ Bạch Thảo — published 05/01/2015 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 2 : Đảng cộng sản Trung Quốc thành lập và Quốc dân đảng cải tổ (1918-1924)



Trung Quốc tiếp tục cách mệnh, cùng chính sách liên Nga dung Cộng


Hồ Bạch Thảo


Chương hai

Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập
và Quốc dân đảng cải tổ

[1918-1924]


hp

Năm 1924 Tôn Trung Sơn diễn thuyết khai mạc trường võ bị Hoàng Phố,
Đại diện Nga Xô Adolf A. Joffe [Việt Phi] vận Âu phục trắng đứng dưới đài

Nguồn : Wikipedia


1. Trung Quốc và Nga Xô tiếp xúc


Lenin để ý đến Trung Quốc từ lâu, sau cách mệnh Tân Hợi [1911] càng lưu ý thêm ; từ năm 1912-1914 thường đề cập đến Trung Quốc, hy vọng nước này trên đường tiến thủ. Sau khi giành được chính quyền không lâu, bèn chuẩn bị hành động đối phó với Trung Quốc ; sách lược có thể chia ra làm hai : Về mặt chính thức công khai, dụ dỗ chính phủ Trung Quốc để nền ngoại giao hai nước bình thường hoá khiến có thể hưởng được lợi ích. Về phương diện bí mật, liên lạc với phần tử đối lập chính phủ của nước này, nhắm hợp tác với Nga Xô Viết.


Vào tháng 1/1918 Nga Xô tuyên bố triệt tiêu nô dịch tại đất thực dân Á Châu, chuẩn bị phái đại biểu thường trú tại Trung Quốc, bãi bỏ lãnh sự tài phán, trả lại tô giới. Ngày 4/7 Uỷ viên nhân dân ngoại giao Nga Xô G. V. Chicherin [Địch Thú Lâm] tại đại hội Xô Viết tuyên bố chính sách đối với Trung Hoa bao quát buông bỏ sự tước đoạt của đế quốc Nga tại Mãn Châu và những đặc quyền tại Trung Quốc. Chính phủ Bắc Kinh lúc này chưa đáp ứng, không phải không hiểu, nhưng sợ làm trái với ý muốn của Hiệp ước quốc, cùng ngại việc Nga Xô tuyên truyền quá khích. Nhưng lúc bấy giờ phần tử trí thức Trung Quốc bắt đầu ca tụng cách mệnh tại Nga ; rồi hoà hội Ba Lê dấy lên cuộc Ngũ Tứ vận động với bãi khoá, bãi thị, bãi công. Nga Xô lợi dụng cơ hội này, vào ngày 25/7/1919 Uỷ viên đại lý nhân dân ngoại giao Leo Karakhan [Gia Lạp Hãn] ra tuyên ngôn nguyện giúp đỡ Trung Quốc thoát ly ngoại tộc đàn áp, trước đây Nga hoàng cùng Trung Quốc, Nhật Bản, hoặc các nước đồng minh ký mật ước, nay nguyện phế trừ ; bỏ những quyền lợi đế quốc Nga chiếm tại Trung Quốc, trao trả vô điều kiện Trung đông thiết lộ, rừng mỏ khoáng cho mướn ; bỏ bồi khoản năm Canh Tý [1900], đất tô giới, quyền lãnh sự tài phán ; nguyện cùng Trung Quốc giải quyết mọi bất công do đế quốc, Nhật Bản, Hiệp ước quốc gây nên. Nếu nhân dân Trung Quốc muốn cởi bỏ vận mệnh mà hoà hội Ba Lê đã đối xử với Triều Tiên, Ấn Độ, thì hãy tiếp thu đề nghị của Nga Xô, hai bên khôi phục hữu nghị, hợp lực phấn đấu.


Văn thư này cho mãi đến tháng 3/1920 mới tới Bắc Kinh, đối với dân Trung Quốc thì từ xưa tới nay trên trường quốc tế chưa bao giờ có tin lành như vậy. Toàn quốc các giới liên hiệp hội tại Thượng Hải, Giáo dục liên hiệp hội, đáp lời rằng nguyện y theo điều kiện nêu lên, khôi phục bang giao, hy vọng nước Nga đi đầu trong việc thi hành chính nghĩa. Học sinh liên hiệp hội toàn quốc biểu thị cảm tạ, chủ trương khôi phục bang giao, với tự do, bình đẳng, hỗ trợ, mỹ mãn hữu nghị ; cùng ra sức tiêu trừ chủng tộc giai cấp sai biệt trên bình diện quốc tế và quốc gia. Đoàn thể công nhân càng mong Nga Xô tích cực viện trợ, thêm nhiều chỉ đạo. Báo chí ngôn luận khen Nga Xô công chính, hoà bình, tự phế trừ điều ước, từ bỏ quyền lợi ; tất cả đều là những thứ Trung Quốc mong mà chưa được, thời cơ không thể bỏ qua. Chính phủ Bắc Kinh cho rằng tuyên ngôn có thể căn cứ hay không còn thuộc nghi vấn, bài xích kẻ chủ trương chấp nhận là hoang tưởng. Điều tư lự này không phải không có chỗ đúng, Nga Xô buông thả những đặc quyền của đế quốc mà hiện tại Nga không có quyền được hưởng để làm mồi, vì những quyền lợi này nằm trong vùng tranh chấp giữa Bạch Nga và Hồng quân. Rồi làm ra vẻ trọng nghĩa khinh tài, dụ Trung Quốc giao hảo, để tiện bề hoạt động chống các nước đế quốc tại Hoa.


Năm 1919 Đoàn Kỳ Thuỵ, Từ Thụ Tranh đang tìm cách thu phục Ngoại Mông, thì đảng Bạch Nga tại Tây Bá Lợi Á mưu giúp Ngoại Mông giành độc lập. Sau khi Leo Karakhan ban bố tuyên ngôn được một tháng [8/1919] Đại biểu quân sự Bắc Kinh Trương Tư Lân đến trung tâm quân chính của Bạch Nga tại Ngạc Mục Tư Khắc 1 bàn về tương lai Ngoại Mông, nhưng chẳng bao lâu sau đó Ngạc Mục Tư Khắc bị Hồng quân chiếm. Vào năm sau [1920] nước Cộng Hoà Viễn Đông 2 được thiết lập, thế lực Nga Xô tại Tây Bá Lợi Á tăng cường. Tháng 6, Đại biểu Cộng Hoà Viễn Đông Ignatius L. Yurin [Ưu Lâm] tới biên giới Ngoại Mông, yêu cầu đến Bắc Kinh đàm phán. Chính phủ Bắc Kinh không thể bỏ qua, bèn sai Trương Tư Lân cùng Cố vấn Tổng thống phủ Lenox Simpson [Tân Bác Sâm] cùng John C. Ferguson [Phúc Khai Sâm] đến nước Cộng Hoà Viễn Đông ; cùng vào tháng 7, đình chỉ giao tiền bồi thường cho Công sứ Nga hoàng, đối Nga Xô biểu thị hữu nghị. Cộng Hoà Viễn Đông đón tiếp bọn Trương Tư Lân niềm nở, nguyện giải quyết với tinh thần bình đẳng, hai bên đều có lợi và cải sửa điều ước cũ. Tháng 8, lúc Ignatius L. Yurin đến Bắc Kinh, Đoàn Kỳ Thuỵ đã thất thế. Tháng 9 hai bên phê chuẩn Trung Nga Tân Cương thương ước, và không thừa nhận Công sứ Nga Hoàng ; đó là những điều Ignatius L. Yurin thu hoạch được. Yurin tiến thêm, yêu cầu hai nước phát triển thương vụ, thiết lập bang giao ; nhưng cự tuyệt Trung Quốc đề xuất điều kiện tiên quyết về thông thương. Tháng 2/1921 nhân Bạch Nga chiếm Khố Luân [Ulan Bator Hata, Mông Cổ], Nga Xô đe doạ. Chính phủ Bắc Kinh tuy phản đối Nga Xô ra quân tại Ngoại Mông Cổ, nhưng Tổng trưởng ngoại giao Nhan Huệ Khánh vẫn chính thức tiếp đãi, Yurin lại có thêm thu hoạch. Tháng 7, Hồng quân tiến vào Khố Luân, thái độ Yurin cương quyết, chính phủ Bắc Kinh kiên trì đòi triệt thoái Hồng quân, tranh chấp không ngừng. Lúc này hội nghị quốc tế được triệu tập tại Hoa Thịnh Đốn, tình thế Viễn Đông sẽ biến hoá, Bắc Kinh có thái độ trông chờ, tháng 10 Yurin quay trở về nước ; Nga Xô sẽ tiếp tục một màn khác.


Sau khi Ngô Bội Phu đánh đổ Đoàn Kỳ Thuỵ, trở thành nhân vật được trong và ngoài nước chú ý. Nga Xô đối với Ngô có phần hứng thú, hy vọng có thể lập quan hệ mới với Trung Quốc. Ngô không những chống Nhật, lại còn muốn tổ chức Quốc dân đại hội, trong đó có công nhân. Tháng 8/1920 Vladimir D. Vilensky [Duy Lan Tư Cơ], nhân viên tình báo Nga Xô tại Hải Sâm Uy, báo cáo rằng thắng lợi của Ngô sẽ giúp cho giai cấp đấu tranh tại Trung Quốc bắt đầu. Tháng 9, Trương Tư Lân đến Mạc Tư Khoa thăm, được trọng thị, xem là bộ hạ của Ngô, coi như Ngô muốn giao hảo với Nga Xô ; kỳ thực Trương do Đoàn Kỳ Thuỵ sai đi trước đó, không liên quan đến Ngô. Ngày 27/9, Uỷ viên đại lý nhân dân ngoại giao Leo Karakhan lại tuyên bố lần thứ hai, lặp lại những nguyên tắc đã tuyên bố trước kia, nhưng không có điều từ bỏ mọi thứ Nga hoàng tước đoạt tại Trung Quốc, cũng không khẳng khái trả lại Trung đông thiết lộ. Tháng 10, trên Izvestia (Tiêu Tức Báo) tại Mạc Tư Khoa, có bài viết của Vladimir D. Vilensky khen lao Ngô Bội Phu, và cho biết Trương Tư Lân tại Nga được đi lại khắp nơi, có quyền lãnh sự. Lúc này Trương tỏ ra hưng phấn, cho rằng cơ sở Nga Xô ngày một vững, hải lục quân rất chỉnh bị, ý khí bồng bột không chỉ một thời ; về ngoại giao lấy thành tín đối đãi, mọi việc công khai ; mười năm nữa chủ nghĩa lao động nông dân sẽ truyền bá khắp thế giới, nguyện đem hình ảnh thực của Nga Xô giới thiệu với Trung Quốc. Trong bữa tiệc khoản đãi Trương Tư Lân, Uỷ viên nhân dân ngoại giao Nga Xô G. V. Chicherin tuyên bố mong Trung Nga bắt tay, từ bỏ can thiệp bên ngoài ; Lenin đích thân tiếp kiến, bảo rằng Trung Nga đoàn kết nhất trí, khiến chủ nghĩa đế quốc bại vong.


Vào cuối tháng 11 Trương Tư Lân trở về Bắc Kinh, ý kiến của Trương đối với chính phủ hiện tại có ảnh hưởng ; vào tháng 2/1921 bộ ngoại giao chấp nhận tuỳ cơ hội đàm với Nga Xô. Tháng 12, Nga Xô phái A. K. Paikes [Ba Y Khắc] làm Đại biểu thứ nhất đến Bắc Kinh, tuyên bố rằng đợi Trung Nga thành lập xong hiệp định duy trì trật tự tại Ngoại Mông, Hồng quân sẽ triệt thoái, cùng chuẩn bị thừa nhận Trung Quốc chủ quyền tại Trung đông thiết lộ ; với điều kiện Nga Xô có thể xuất khẩu kinh tế tại Thái Bình Dương, Trung đông thiết lộ có thể giao cho Trung Quốc quản lý. Trung Quốc muốn giải quyết gấp Ngoại Mông, riêng Nga Xô muốn được Trung Quốc thừa nhận, nên dùng vấn đề Ngoại Mông để chèn ép. Trong lúc hai bên đang hăng hái tranh luận, thì mật ước Nga Xô ký với Ngoại Mông với tên “ Nga Mông hữu hảo điều ước ” tiết lộ, Trung Quốc trách Nga Xô nuốt lời, hành vi không khác gì Nga hoàng trước kia. A. K. Paikes bị bối rối, riêng vấn đề Trung đông thiết lộ lúc bấy giờ Trương Tác Lâm tuyên bố vùng đông bắc tự trị nên không tiếp tục đàm phán sâu.


Tháng 8/1922 Nga Xô phái Adolf A. Joffe [Việt Phi], một viên chức ngoại giao lão luyện đến Bắc Kinh. Đối thủ cùa Adolf là Tổng trưởng ngoại giao mới, Cố Duy Quân. Adolf tưởng rằng có thể đạt được mục đích ngay, nhưng Cố Duy Quân yêu cầu trước tiên triệt thoái Hồng quân tại Ngoại Mông. Adolf trách Trung Quốc dung túng Bạch Nga, không chịu bàn riêng về vấn đề Ngoại Mông. Cố bảo rằng Trung Quốc đối với hai đảng Bạch, Hồng không có ý thiên vị ; Adolf đáp lại rằng Trung Quốc không nên coi hai bên ngang nhau, nếu không tỏ ra mật thiết với Nga Xô, sẽ không trả lại Ngoại Mông. Lại nói rằng Trung đông thiết lộ là sản nghiệp của người Nga, cần phải quy định biện pháp kinh doanh ; lời tuyên bố của Leo Karakhan không ảnh hưởng đến quyền lợi Nga đối với thiết lộ này, cũng không phải trả lại mà không bồi thường. Trung Quốc không nên cho lời tuyên ngôn có hiệu lực ngay ; trừ phi Trung Quốc không còn coi thường lợi ích của Nga Xô, Nga Xô không có bổn phận thi hành lời tuyên ngôn. Cuộc đàm phán đến tháng 1/1923 cũng chưa có kết quả ; Adolf A. Joffe trách Trung Quốc có thái độ trung lập với hai đảng Bạch, Hồng ; cần chọn một để kết bạn. Vài ngày sau Adolf đến Thượng Hải đàm luận với Tôn Trung Sơn, không còn trở lại Bắc Kinh nữa.


Về ngoại giao tuy Adolf A. Joffe không thành công, nhưng xã giao thì được lòng người. Khi Adolf đến Bắc Kinh thường gặp báo chí để tuyên truyền, bài xích các nước Tây phương, đề xuất Trung Nga hợp tác. Trong các cuộc đàm thoại, diễn thuyết, lúc nào cũng ủng hộ nhân dân dưới ách thực dân hoặc bán thực dân được tự do, khen dân Trung Quốc có tinh thần tự giác. Giới giáo dục mở hội hoan nghênh, các đoàn thể thiết yến khoản đãi ; Adolf cũng mở yến tiệc mời Nghị viên quốc hội, các giới lãnh tụ, Thái Nguyên Bồi có lời đáp tạ. Sau khi đến Thượng Hải, cùng Tôn Trung Sơn phát biểu thông cáo chung, rồi đến Đông Kinh [Nhật] ; càng làm cho chính phủ Bắc Kinh lo sợ không yên, hy vọng có thể hội đàm trở lại. Nga Xô yêu cầu cải họp tại Mạc Tư Khoa, nhưng Bắc Kinh không đồng ý. Rồi vụ cướp xe lửa xẩy ra tại Lâm Thành [Sơn Đông], liệt cường đòi hỏi thi hành chế độ cộng quản 3 đường sắt. Ngày 2/9/1923 Leo Karakhan đến Bắc Kinh, cũng tuyên truyền mạnh mẽ như Adolf, Karakhan tuyên bố trên nguyên tắc vẫn tuân thủ 2 lần tuyên bố trước kia, mong Trung Quốc ngày một phú cường, bảo vệ được quyền lợi, các đảng phái cần nhất trí chống lại việc ngoại quốc đòi hỏi vô lý về vụ Lâm Thành. Đối với các Giáo thụ trường đại học, chuyên nghiệp Bắc Kinh, Larakhan tán thành đưa tiền bồi thường năm Canh Tý [1900] cho nước Nga, giúp vào kinh phí giáo dục ; đối với Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Đông] thì riêng phái Đại biểu, nhưng đối với Bắc Kinh thì có cách ứng xử riêng.


Phụ trách việc đàm phán với Leo Karakhan, chính phủ Bắc Kinh giao cho Vương Chính Đình toàn quyền. Karakhan yêu cầu thừa nhận Nga Xô trước rồi thảo luận việc khác, nhưng Vương đòi hỏi thảo luận các việc chưa giải quyết, trước khi chấp nhận bang giao. Toàn thể các Giáo thụ đại học đều ủng hộ Karakhan, Vương cũng sợ viên này bỏ đi Quảng Châu, nên đáp ứng điều kiện, ngày 14/3/1924 ký bản thảo Trung Nga Hiệp Định. Sau khi ký, Tổng trưởng ngoại giao Cố Duy Quân cho rằng không ổn, Karakhan cương quyết phản đối tu sửa, hẹn ngày ký chính thức. Nội các yêu cầu Cố liệu biện tiếp, ngày 31/5 Trung Nga Hiệp Định thành lập. Hiệp định ghi rõ khôi phục bang giao, các việc hai nước chưa giải quyết sẽ có hội nghị riêng lo liệu, phế bỏ các điều ước chính phủ Nga hoàng ký trước kia, các điều ước của Nga hoàng ký với các nước khác có hại cho Trung Quốc đều vô hiệu lực, từ nay trở về sau hai nước không đính lập điều ước tổn thất đến đối phương, Nga Xô thừa nhận Ngoại Mông thuộc lãnh thổ Trung Quốc, Trung Quốc có quyền chuộc lại Trung đông thiết lộ. Việc rút Hồng quân ra khỏi Ngoại Mông, cùng chuộc lại Trung đông thiết lộ, sẽ bàn trong tương lai ; Nga Xô từ bỏ : tô giới tại Hoa, bồi khoản năm Canh Tý, và quyền lãnh sự tài phán. Hai nước bảo đảm tại lãnh thổ nước mình không có mưu đồ lập cơ quan, đoàn thể chống lại nước kia ; cả hai nước cùng thừa nhận không lập những tổ chức tuyên truyền chống lại trật tự công cộng của nước đối phương.


Sau khi hiệp định thành lập, các đoàn thể tại Bắc Kinh liên tiếp chúc mừng ; Quốc dân đảng cùng Trung Quốc Cộng sản đảng đều ủng hộ. Xét trên thực tế, Nga Xô không hoàn toàn tuân theo những tuyên ngôn trước kia, ngay cả những điều trong hiệp định cũng làm ngược lại, như : tăng gia tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, giúp cho Quốc dân đảng sau khi đảng này chủ trương dung cộng. Ngày 20/9, Karakhan ký với chính phủ tự trị Đông Tam Tỉnh của Trương Tác Lâm Thẩm Dương Hiệp Định, liên quan đến Trung đông thiết lộ. Ngày 20/5/1925 ký hiệp định với Nhật Bản, thừa nhận hoà ước Nhật Nga năm 1905 vẫn còn hiệu lực. Đối với việc triệu tập Trung Nga hội nghị về vấn đề Ngoại Mông và Trung đông thiết lộ, thì nguyên định trong vòng 1 tháng bắt đầu, 6 tháng sau hoàn thành, nhưng kéo dài đến tháng 8/1925 mới miễn cưỡng khai mạc, đến buổi họp ngày thứ 2 Karakhan rời khỏi Bắc Kinh ; đến tháng 3/1926 lại họp trở lại, nhưng rốt cuộc đều không thành. Sau đó Karakhan trở về nước, tiếp tục trong ngành ngoại giao, làm Đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 1934, rồi bị bắn chết trong cuộc đại thanh trừng tại Liên Xô năm 1937.



2. Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập


Đánh tan các nước tư bản, thực hiện nước Nga lao động thành trung tâm Cộng sản thế giới là mục đích tối hậu của Lenin. Các nước Âu Châu là thành trì lớn của chủ nghĩa tư bản, đế quốc chủ nghĩa là tư bản chủ nghĩa phát triển đến giai đoạn chín muồi ; cần hiệu triệu giai cấp vô sản trong những nước này đấu tranh, lại một mặt hiệu triệu các dân tộc bị áp bức đối đế quốc chủ nghĩa đấu tranh, trong ngoài cùng đánh thì dễ thu hoạch thắng lợi. Tháng 3/1918 Lenin từng nói nếu như có một nước khác chưa làm chủ phát động cách mệnh, thì nước Nga cũng chưa có hy vọng thu được thắng lợi cuối cùng. Tháng 3/1919 thành lập Cộng sản quốc tế (Đệ tam quốc tế), tuy không phải vì Trung Quốc mà thiết lập, nhưng một trong những sứ mệnh là sách động Trung Quốc phản đế. Chính phủ Nga Xô phụ trách giao thiệp với chính phủ Trung quốc, riêng Cộng sản quốc tế phụ trách phản đế quốc chủ nghĩa. Đúng như Mao Trạch Đông nói, kinh qua người Nga giới thiệu, người Trung Quốc tìm được chủ nghĩa Mác.


Trước khi Đệ tam quốc tế thành lập được 2 tháng, Công hội Hoa kiều tại Nga đã sai người trở về Trung Quốc tuyên truyền. Tháng 3 năm 1920, vào giai đoạn sau khi Leo Larakhan ra tuyên ngôn về Trung Quốc lần thứ nhất, đảng Cộng sản Nga cử G. N. Voitinsky [Ngô Đình Khang] đến Bắc Kinh. Voitinsky trước kia từng công tác cho Bôn sê vích tại Tây Bá Lợi Á, lúc này phụ trách Đông phương cục Cộng sản quốc tế. Ông này trước tiên tìm gặp Lý Đại Sao và một vài người theo chủ nghĩa xã hội. Qua Lý Đại Sao giới thiệu, vào tháng 4 đến Thượng Hải gặp Trần Độc Tú, và bọn Lý Truyền Hiền, Trương Đông Tốn. Voitinsky đại cương thuyết rằng trào lưu tư tưởng mới tại Trung Quốc tuy bành trướng, nhưng hỗn tạp thiếu dòng chủ lưu, lại không có tổ chức và hành động thực tế nên không thể huy động cách mệnh ; bởi vậy cần thành lập Trung Quốc Cộng sản đảng, dùng các tạp chí Tân Thanh Niên, Tinh Kỳ Bình Luận, Thời Sự Tân Báo làm cơ sở tuyên truyền. Trần Độc Tú, Đái Truyền Hiền biểu lộ đồng tình, riêng Trương Đông Tốn không tham gia. Ngày hôm đó bản tuyên ngôn đảng Cộng sản của Karl Marx và Friedrich Von Engels được đăng bằng Trung văn. Tháng 5, Tân Thanh Niên xuất bản số đặc biệt kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác thành lập, đảng Cộng sản Trung Quốc thành hình. Chẳng bao lâu Đái Truyền Hiền rút lui ; tháng 7, Lý Đại Sao giới thiệu Trương Quốc Đảo gia nhập. G. N. Voitinsky thông tri Trần Độc Tú rằng Quốc tế Cộng sản đảng quyết định chi trì Trung Quốc Cộng sản đảng (gọi tắt là Trung Cộng). Trần Độc Tú cho rằng công nhân Trung Quốc không nhiều, trí thức lạc hậu, không đủ giác ngộ giai cấp, nhất thời chưa có khả năng giành chính quyền, cần trước hết tập hợp những thanh niên trí thức tin vào chủ nghĩa Mác, với lập trường Cộng sản, vẫn tiếp tục hoạt động ái quốc, tân văn hoá, phản quân phiệt, phản Nhật ; người vào đảng phải học tập chủ nghĩa Mác, thực tế công tác Xã hội chủ nghĩa. Phía nam do Trần Độc Tú phụ trách, phía bắc do Lý Đại Sao phụ trách ; cho nên lúc bấy giờ có câu nói “ Nam Trần, bắc Lý ” loan truyền ; ban chấp hành trung ương Trung cộng được thành lập, kinh phí do Quốc tế cộng sản cung cấp.


Sau khi trung ương lâm thời Trung Cộng thành lập, các vùng Hàng Châu [Hangzhou, Chiết Giang], Nam Kinh, Vu Hồ [Wuhu, An Huy], Trùng Khánh [Chongquing, Tứ Xuyên], Thành Đô [Chengdu, Tứ Xuyên], Thiên Tân, Tế Nam [Jinan, Sơn Đông], Thanh Đảo [Qingdao, Sơn Đông], tỉnh Thái Nguyên, triển khai hoạt động ; nhưng Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu [Quangzhou, Quảng Đông], Vũ Hán [Wuhan, Hồ Bắc], Trường Sa [Changsha, Hồ Nam] là trung tâm quan trọng, chia đặt chi bộ Trung cộng lâm thời và đoàn Thanh niên xã hội chủ nghĩa. Ngoài tạp chí Tân Thanh Niên, tại Thượng Hải phát hành tuần san Lao Động Giới, Hoả Hữu ; nguyệt san Cộng Sản Đảng ; dịch các tác phẩm như Giai Cấp Đấu Tranh, Xã Hội Chủ Nghĩa Sử. Ngoài ra còn tổ chức các đoàn thể ngoại vi như Cơ giới công hội, Ấn loát công hội, công hội dệt vv… thiết lập học hiệu dạy tiếng Nga, đem học sinh sang Nga học ; như năm 1921 gửi 8 học viên sang Nga, trong đó có Lưu Thiếu Kỳ, Bành Thuật Chi, Nhiệm Bật Thì. Tại Bắc Kinh có hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác, hội nghiên cứu chủ nghĩa xã hội của trường đại học Bắc Kinh, xuất bản báo hàng tuần Lao Động Âm, thiết lập công hội công nhân đường sắt Kinh Hán [Bắc Kinh -Hán Khẩu] ; những người phụ trách phần lớn là học sinh đại học Bắc Kinh như Trương Quốc Đảo, Đặng Trung Hạ. Quảng Châu là nguồn của cách mệnh càng được chú ý, Cộng sản quốc tế đầu tiên lập thông tấn xã tại đây ; các học sinh tốt nghiệp đại học Bắc Kinh như Đàm Bình Sơn, Trần Công Bác xuất bản tuần báo Lao Động Thanh. Vào tháng 12, Trần Độc Tú theo lời mời của Trần Quýnh Minh giữ chức Uỷ viên trưởng Quảng Châu giáo dục uỷ viên hội, đặc biệt thiết lập sở tuyên truyền.


Vào tháng 3/1921 tại Hương Cảng hội liên hiệp công nhân ngành biển thành lập ; tháng 5 tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu cử hành lễ Lao động quốc tế.


Trong thời gian hoạt động Tân văn hoá, học sinh tỉnh Hồ Nam rất năng nổ ; Mao Trạch Đông [1893-1976], Thái Hoà Sâm là những lãnh đạo. Mao người Tương Đàm [Xiangtan, Hồ Nam], xuất thân từ nhà nông, từng tòng quân thời cách mệnh Tân Hợi [1911], năm 1913 học trường sư phạm tỉnh Hồ Nam. Nhân chịu ảnh hưởng của Trần Độc Tú, năm 1917 cùng Thái Hoà Sâm sáng lập Tân dân học hội ; cũng từng tiếp thụ tư tưởng cải lương của Lương Khải Siêu. Tháng 9/1918 Mao đến Bắc Kinh, được giới thiệu gặp Chủ nhiệm thư viện đại học Bắc Kinh Lý Đại Sao. Lý xin Hiệu trưởng đại học Thái Nguyên Bồi cho giữ chức trợ lý thư viện đại học Bắc Kinh ; nhân được Lý Đại Sao mở đường, nên có thiện cảm với học thuyết Mác. Tháng 3/1919 Mao theo đường Thượng Hải, trở về tỉnh Hồ Nam. Khi cuộc Ngũ Tứ vận động phát sinh, tham gia Hồ Nam học sinh liên hiệp hội, chủ biên tuần báo Tương Giang Bình Luận, hô hào dân chúng liên hiệp rộng rãi đối kháng quan liêu, quân phiệt, tư bản ; tháng 8/1919 báo này bị Đốc quân Trương Kính Nghiêu đóng cửa. Tháng 2/1920 Mao lại một lần nữa đến Bắc Kinh, vận động khu trục Đốc quân Hồ Nam Trương Kính Nghiêu, đồng thời đọc lại các sách liên quan đến cách mệnh Nga. Tháng 4, lại đến Thượng Hải gặp Trần Độc Tú ; đại khái làm theo lệnh của Lý Đại Sao, hoặc từng tham gia việc trù bị tổ chức Trung Quốc Cộng sản đảng. Tháng 7 trở về Trường Sa, đảm nhiệm chức vụ Chủ sự tiểu học của trường sư phạm, lần lượt sáng lập Thư xã văn hoá, Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác, Hội nghiên cứu Nga La Tư, đoàn Thanh niên xã hội chủ nghĩa, chi bộ Trung cộng. Những kẻ theo phái vô chính phủ có Lao công hội, Mao Trạch Đông cho liên hợp với các hội dưới quyền, thành tổ chức Công đoàn liên hiệp hội. Lúc triết học gia người Anh Bertrand Russell diễn thuyết tại Trường Sa [Changsha, Hồ Nam], có khả năng Mao Trạch Đông tham dự.


Năm [1920] Cộng sản đảng quốc tế thiết lập quan hệ với Trần Độc Tú, Lý Đại Sao, tổ chức này cũng tiếp xúc với các lưu học sinh tại Pháp thuộc Cần công kiệm học hội. Trong học hội này phải kể đến Chu Ân Lai [1898-1976] quê tại Thiệu Hưng [Shaoxing, Chiết Giang], từng du học Nhật Bản và tham gia Ngũ Tứ vận động tại Thiên Tân ; hai con trai của Trần Độc Tú là Diên Niên, Kiều Niên ; Thái Hoà Sâm, Thái Sướng, Lý Lập Tam, Lý Phúc Xuân, Lý Duy Hán đến từ Hồ Nam ; Triệu Thế Xương, Trần Nghị, Đặng Tiểu Bình, Niếp Vinh Trăn đến từ Tứ Xuyên ; Vương Nhược Phi đến từ Quý Châu. Trước hết nhóm này tổ chức Trung Quốc thiếu niên cộng sản đảng, rồi đổi tên thành Trung Quốc xã hội chủ nghĩa thanh niên đoàn.


Tháng 6/1921 Uỷ viên dân tộc và thực dân địa Cộng sản quốc tế G. Maring [Mã Lâm] và đại biểu quốc tế Nikorusky [Nhược Tư Cơ] đến Bắc Kinh, bàn bạc với Lý Đại Sao và Trương Quốc Đảo về việc triệu tập đại biểu đại hội toàn quốc Trung Cộng, rồi đến Thượng Hải. Ngày 20/7 đại hội được bí mật tổ chức tại tô giới Pháp ; lúc bấy giờ mới có hơn 50 đảng viên, số đại biểu gồm 13 người ; Trần Độc Tú và Lý Đại Sao chưa tới kịp ; Trương Quốc Đảo chủ toạ, G. Maring và Nikorusky đóng vai chỉ đạo. Cuộc hội nghị trải qua 5 buổi, bị mật thám Pháp tại tô giới phát giác, bèn di chuyển đến huyện Gia Hưng [Jiaxing, Chiết Giang], họp tại thuyền trên hồ. Sau khi thông qua đảng cương, bèn tuyển cử Trần Độc Tú làm Thư ký trung ương cục, tức đứng đầu đảng ; Trương Quốc Đảo, Lý Đạt giữ chức Bộ trưởng tổ chức và tuyên truyền, Trung Quốc cộng sản đảng chính thức thành lập. 13 đại biểu tại hội nghị, phần lớn là những thư sinh thiếu kinh nghiệm, kiến thức hạn chế, đối với lý luận cùng sách lược cộng sản hiểu biết không nhiều ; Trần Độc Tú, Lý Đại Sao lại không có mặt tại cuộc họp, nên mọi việc đều do G. Maring quyết định. Quyết nghị trọng yếu dùng lực lượng cách mệnh giai cấp vô sản lật đổ giai cấp tư sản, do giai cấp lao động xây dựng lại quốc gia, thực hành Xô viết chuyên chính vô sản, tịch thu mọi tư liệu của tư bản đem sung công. Chủ trương không thoả hiệp, đoạn tuyệt với mọi đường lối phi cộng sản. Tổ chức công hội, truyền bá tư tưởng giai cấp đấu tranh ; thành lập các đoàn thể phụ trách biên ấn tạp chí, báo chí, sách, truyền đơn. Đối với các chính đảng hiện hữu, tỏ thái độ bài xích, kiên quyết giữ lập trường giai cấp vô sản. Tổ chức trung ương mỗi tháng cần báo cáo lên Quốc tế cộng sản, cùng báo cáo với Quốc tế cộng sản Đông phương cục. Đại hội thông qua tuyên ngôn, bài xích Tôn Trung Sơn, Từ Thế Xương ; sau đó có sự tranh luận, nên giao cho ban chấp hành trung ương quyết định nên công bố hay không ; kết quả giữ lại không tuyên bố, nguyên nhân do Quốc tế cộng sản có ý giao hảo với Tôn Trung Sơn.




3. Nga Xô, Trung cộng cùng Tôn Trung Sơn, Ngô Bội Phu



Trước cách mệnh Tân Hợi [1911], Tôn Trung Sơn từng tiếp xúc với cách mệnh Nga ; thời cách mệnh Tân Hợi, Lenin cũng có lời khen. Sau cách mệnh tháng 10 Nga, Tôn gửi điện chúc mừng ; Uỷ viên ngoại giao Nga, G. V. Chicherin, gửi điện đáp lễ, mong nhân dân Trung Quốc cùng chung chống lại đế quốc. Tháng 3/1919, nhân viên chính phủ Nga tiếp xúc với Quân chính phủ tại Quảng Châu yêu cầu hợp tác, nhưng chưa có đáp ứng. Sau cuộc vận động Ngũ Tứ không bao lâu, báo chí Quốc Dân Đảng bắt đầu giới thiệu xã hội chủ nghĩa ; Tuyên ngôn lần thứ nhất của Nga Xô cũng xuất phát lúc này. Tháng 6/1920, công hội Hoa kiều tại Nga mời Tôn Trung Sơn thăm Nga, được coi như là Quốc tế cộng sản gợi ý. Tháng 7, Tôn Trung Sơn và các giới chính trị đòi hỏi chính phủ thừa nhận Nga Xô. Cộng sản quốc tế quyết nghị liên hiệp với thế lực cách mệnh tại các dân tộc bị áp bức, khiến các nước này tham gia lật đổ chủ nghĩa đế quốc ; lúc bấy giờ Đại biểu Đông phương cục của Quốc tế cộng sản, G. N. Voitinsky, đang huy động tổ chức Trung Quốc cộng sản đảng, cũng đã gặp Tôn Trung Sơn. Tháng 10, Tôn Trung Sơn trở về Quảng Đông, chuẩn bị thành lập chính phủ, G. V. Chicherin gửi thư đến bàn luận việc mậu dịch. Tháng 8/1921 Tôn phúc thư rằng địa lý cách trở không thể lập quan hệ về thương vụ, mong tư nhân sẽ tiếp xúc. Trung Cộng toàn quốc đại biểu nguyện theo lập trường Quốc tế cộng sản tán trợ Quốc dân đảng, nhưng không hợp làm một. Uỷ viên Cộng sản G. Maring hy vọng Trung Cộng có thể hợp tác với Quốc dân đảng, lần đầu tiên thương lượng với yếu nhân Quốc dân đảng Trương Kế. Tháng 12 từ Quảng Châu đến Quế Lâm [Guilin, Quảng Tây] gặp Tôn Trung Sơn, khuyên dung nạp đảng viên cộng sản, liên minh với cách mệnh quốc tế, kiến lập cách mệnh vũ lực. Tôn đối với cách mệnh Nga tuy xem trọng, nhưng chủ trương của Tôn và Lenin không tận tương đồng. Lúc này Tôn chú trọng Bắc phạt, nếu như liên Nga, Anh sẽ không bằng lòng, gây trở ngại khi tiến quân đến lưu vực sông Trường Giang ; nhưng đối với chính sách kinh tế của Nga cũng có phần hứng thú, nên bằng lòng liên lạc.


Nga Xô bị Hoa Thịnh Đốn tẩy chay, tháng 1/1922 tự triệu tập đại hội các nước Cộng sản tại Viễn Đông, cùng đoàn thể cách mệnh tại các nước. Lúc bấy giờ Tôn Trung Sơn phái đại biểu đến dự hội nghị Hoa Thịnh Đốn nhưng bị Mỹ cự tuyệt ; trước lời mời của G. Maring, lại muốn tìm hiểu tình huống tại Nga, bèn phái Trương Thu Bạch dự hội nghị Mạc Tư Khoa. Trong cuộc hội Thư ký Cộng sản quốc tế Zinoviev [Tề Nặc Duy Phu] báo cáo, chủ trương Trung cộng và các đảng các mệnh phi Cộng sản liên hiệp để chống lại đế quốc, cảnh cáo Quốc dân đảng có võng tưởng hướng về Mỹ. Lenin tiếp kiến Trương Thu Bạch cùng Đại biểu Trung cộng Trương Quốc Đảo ; thảo luận về khả năng Quốc dân đảng và Trung cộng hợp tác. Tháng 2, G. V. Chicherin gửi thư cho Tôn Trung Sơn, lại xác định tình hữu nghị và nguyện vọng của Nga Xô đối với Trung Quốc. Tháng 4, Đại biểu Thiếu niên cộng sản quốc tế S. A. Dalin [Đạt Lâm] đến Quảng Đông thương lượng với Tôn Trung Sơn, nhưng không có kết quả. Nhưng Tôn Trung Sơn ủng hộ công nhân ngành biển bãi công tại Hương Cảng, cùng cho phép tổ chức đại hội đệ nhất thứ toàn quốc lao động và đại hội Đại biểu toàn quốc thanh niên đoàn tại Quảng Châu, chứng tỏ Tôn có thái dộ hữu nghị với Nga Xô.


Ngày 15/6/1922 Trung cộng phát biểu chủ trương về thời cuộc, cho rằng các đảng hiện tồn tại, chỉ có Quốc dân đảng là đảng tương đối dân chủ ; chính phủ Quảng Châu không cấm các cuộc vận động lao động đủ chứng minh ủng hộ chính trị dân chủ. Chủ trương của Trung Cộng có 10 hạng, trong đó tạo thành trận tuyến liên hiệp giữa Quốc dân đảng cùng các đoàn thể xã hội chủ nghĩa phản đối hình thức phong kiến quân phiệt. Chủ trương này hiển nhiên tuân theo thái độ của Quốc tế cộng sản, bỏ thái độ bài xích các đảng khác, đây là sự chuyển biến lớn về sách lược. Ngày 16/7 đại hội Đại biểu Trung cộng lần thứ 2 cử hành tại Tây Hồ, Hàng Châu [Hangzhou, Chiết Giang] ; lúc bấy giờ số đảng viên lên đến 122 người, 12 Đại biểu dự buổi họp ; trung tâm thảo luận là vấn đề hợp tác với Quốc dân đảng. Quyết nghị hiệu triệu giai cấp vô sản cùng thế lực cách mệnh dân chủ tham gia cách mệnh dân tộc, tạm thời liên hiệp với Quốc dân đảng, nhưng không buông bỏ tổ chức Cộng sản đảng, vẫn riêng đấu tranh cho giai cấp vô sản. Trong tuyên ngôn chỉ rõ Trung cộng là chi bộ thuộc Quốc tế cộng sản, đả đảo quân phiệt, đả đảo quốc tế đế quốc chủ nghĩa. Đại hội chọn Trần Độc Tú, Lý Đại Sao, Trương Quốc Đảo, Đàm Bình Sơn, Thái Hoà Sâm, Cao Thượng Đức làm Trung ương uỷ viên ; Trần tiếp tục giữ chức Tổng thư ký. Chẳng bao lâu G. Maring từ Mạc Tư Khoa đến Thượng Hải ; do sự yêu cầu của y, vào đầu tháng 8 Trung cộng trung ương uỷ viên cử hành hội nghị. Maring đề nghị đảng viên Trung cộng gia nhập Quốc dân đảng, cùng Quốc dân đảng kết hợp, không tán thành liên hiệp trận tuyến. Bọn Trần Độc Tú phản đối, Maring bảo rằng đó là quyết định của Cộng sản quốc tế, phải tôn trọng. Trần Độc Tú đành phục tùng, nhưng Quốc dân đảng cần cải tổ theo nguyên tắc dân chủ.


Người nắm binh quyền Quốc dân đảng lúc bấy giờ là Trần Quýnh Minh, thuộc phái vô chính phủ. Có thuyết cho rằng vào tháng 4/1920 Đại biểu Nga Xô đến gặp Trần tại Chương Châu [Zhangzhou, Phúc Kiến], tuy việc này không có bằng chứng, nhưng sau đó Trần Độc Tú giữ chức Uỷ viên trưởng Quảng Châu giáo dục, chứng tỏ Trần Quýnh Minh có liên lạc với phe Cộng sản. Tháng 4/1922 Trần Quýnh Minh bất hoà với Tôn Trung Sơn quyết liệt, Trần Độc Tú đối với Tôn, Trần theo ai bỏ ai vẫn chưa quyết định. Cho đến lúc Trần Quýnh Minh phản, gây biến chống Tôn Trung Sơn, Trung Cộng bèn đoạn tuyệt với Trần.


Tôn Trung Sơn đánh dẹp Trần Quýnh Minh không thành, đáp tàu lên Thượng Hải ; khảo xét hành động trong tương lai, cần phải thay đổi sách lược để nhận ngoại viện. Trong số các cường quốc có thể kết giao, liên kết với Đức thì không còn mặt mũi nào, nên chỉ có cách liên Nga. Trung tuần tháng 8, khi Tôn Trung Sơn đến Thượng Hải, Trần Độc Tú, G. Maring, cùng đại diện của Adolf A. Joffe trước sau đến thăm ; nội dung đàm phán không ngoài việc “ Liên Nga dung Cộng ”. Sau cuộc Ngũ Tứ vận động, Tôn hết sức chú ý đến hành động của tầng lớp thanh niên, hiện tại cho rằng điều này là tất yếu. Hạ tuần tháng 8, bắt đầu chấp nhận Trần Độc Tú, Lý Đại Sao gia nhập Quốc dân đảng. Tháng 9 lập Quốc dân đảng cải tiến uỷ viên hội, Trần Độc Tú và người từng được cử sang Nga xô là Trương Thu Bạch, được cử làm Uỷ viên.


Nga Xô ngoài việc liên kết với Tôn Trung Sơn, đối với Ngô Bội Phu, người hùng thuộc Trực hệ mới quật khởi, cũng đặc biệt lưu ý. Lý Đại Sao vốn có giao tình với chính khách Trực hệ Tôn Hồng Y và Chính vụ trưởng của Ngô là Bạch Kiên Vũ ; qua những người này vận động giúp, Ngô chấp nhận cho Lý dùng người tổ chức công nhân đường sắt, bài trừ thế lực Giao thông hệ Lương Sĩ Di, và không để cho Phụng hệ dùng. Lúc chiến tranh Trực, Phụng xẩy ra, qua sự lãnh đạo của Trung Cộng, công nhân đường sắt Kinh Hán giúp Ngô Bội Phu chuyển quân, được khen là đắc lực. Sau cuộc chiến, 6 đảng viên Cộng sản được phân nhiệm mật tra các thiết lộ Kinh Hán, Kinh Phụng, Kinh Tuy, Tân Phố, Chính Đại, Lũng Hải, bảo hộ công nhân ; Ngô đã giúp không ít phương tiện. Trung cộng cho rằng Ngô Bội Phu chống Nhật, đánh đổ Trương Tác Lâm và Từ Thế Xương, thuộc loại “ Quân phiệt tiến bộ ” ; khuyên Ngô hợp tác với Tôn Trung Sơn. Tháng 1/1921 Đại biểu Quốc tế cộng sản cùng Ngô hội đàm, người giới thiệu là Ngô Đại Sao. Tháng 8/1922 Ký giả Nga Xô đến thăm Lạc Dương, Ngô Đại Sao cũng đến mấy lần. Từ tháng 11 đến tháng 12, Cộng sản quốc tế cử hành đại hội lần thứ 4, Trần Độc Tú cử Đại biểu tham gia ; trong cuộc họp từng bàn qua việc liên Ngô, liên Tôn. K. Radek [Lạp Địch Khắc], nhân vật quan trọng Cộng sản quốc tế báo cáo, đề cập Trung cộng chi trì Ngô Bội Phu, bảo rằng Ngô là nhân vật quan trọng trong liên hiệp trận tuyến, cơ hồ coi Ngô quan trọng hơn cả Tôn Trung Sơn.


Tháng 8/1922 Tôn Trung Sơn hội đàm với Đại diện Nga Xô Adolf A. Joffe, thiếu phần thuận lợi, nên cảm thấy “ phiền muộn ” ; sau đó một mặt Tôn lo cải tiến đảng vụ, một mặt lo chiếm lại Quảng Châu. Ngày 1/1/1923 Quốc dân đảng ra tuyên ngôn, trình bày chính sách :


– Thứ nhất : căn bản dân tộc tự quyết, đối nội tăng tiến toàn quốc văn hoá ; đối ngoại mưu cầu các dân tộc trên thế giới bình đẳng, cải sửa điều ước, khôi phục Trung Quốc địa vị tự do bình đẳng trên thế giới.


– Thứ hai : phế trừ tiêu chuẩn tư sản trong cuộc tuyển cử, xác định quyền tự do của nhân dân.


– Thứ ba : mưu kinh tế xã hội bình quân phát triển, hạn định quyền sở hữu ruộng đất của tư nhân, chế định bảo hộ công nhân, từ từ mưu lao, tư bình đẳng ; cải lương tổ chức nông thôn, từ từ mưu bình đẳng giữa nông dân và địa chủ.


Tuy vẫn còn khoảng cách với chủ trương Cộng sản ; nhưng nội dung có đủ chủ nghĩa phản đế và cách mệnh xã hội. Từ đó đảng bộ các cấp công tác đều có cán bộ Cộng sản tham gia.


Qua sự sách động của Tôn Trung Sơn, tháng 12/1922 quân Vân Nam dưới quyền Dương Hy Mẫn, quân Quảng Tây dưới quyền Lưu Chấn Hoàn tiến sang đông, thế lực Quốc dân đảng có phần phấn chấn. Tháng 1/1923 hai đạo quân đánh chiếm Quảng Châu ; Trần Quýnh Minh phải rút về Đông Giang [East River, Quảng Đông]. Cộng sản quốc tế chỉ thị Trung cộng rằng hiện thời Quốc dân đảng là tổ chức cách mệnh dân tộc duy nhất lớn mạnh, cần phải thực hành hợp tác. Đồng thời Adolf A. Joffe đến Thượng Hải hội đàm với Tôn Trung Sơn, ngày 26/1 hai bên ra tuyên ngôn nội dung : công nhận chế độ Xô Viết không thể thi hành tại Trung Quốc, Nga Xô nguyện tán trợ Trung Quốc hoàn toàn thống nhất, hoàn toàn tự do ; Adolf A. Joffe tái xác nhận những nguyên tắc trong tuyên ngôn của Nga Xô vào tháng 9/1920 về Trung Quốc ; Nga Xô chuẩn bị từ bỏ những điều ước thời đế quốc Nga cùng quyền lợi cưỡng đoạt, biện pháp quản lý Trung đông thiết lộ do Trung Nga hiệp thương ; Xô Nga không có ý để Ngoại Mông thoát ly Trung Quốc, do phòng ngừa Bạch Nga, Hồng quân chưa có thể lập tức triệt thoái.


Nguyên văn Tôn Văn - Việt Phi [Adolf A. Joffe] Tuyên Ngôn có những điều như sau :


1. Bác sĩ Tôn Dật Tiên cho rằng tổ chức Cộng sản thậm chí chế độ Xô Viết sự thực không thể áp dụng vào Trung Quốc ; nguyên nhân tình hình hiện tại Trung Quốc chưa có thể sử dụng Cộng sản và chế độ Xô Viết thành công. Kiến giải này ông Việt Phi hoàn toàn đồng ý, vấn đề tối trọng yếu, tối cấp bách cho Trung Quốc hiện nay là thống nhất dưới chính thể dân quốc, hoàn thành độc lập cả nước. Đối với đại sự nghiệp này, ông Việt Phi đoan chắc với Bác sĩ Tôn rằng Trung Quốc đáng được dân Nga đồng tình và có thể dựa vào sự viện trợ của Nga.


2. Để làm cho rõ ràng sự việc, Bác sĩ Tôn Dật Tiên yêu cầu ông Việt Phi tái xác nhận thông điệp ngày 27/9/1920 về những nguyên tắc nước Nga đối với Trung Quốc [do Uỷ viên đại lý nhân dân ngoại giao Leo Karakhan lại tuyên bố lần thứ hai]. Việt Phi tái xác nhận nguyên tắc này, cùng tuyên bố với Bác sĩ Tôn rằng : chính phủ Nga tự nguyện chuẩn bị từ bỏ những điều ước trước đây đế quốc Nga ký với Trung Quốc và quyền lợi cưỡng đoạt, cùng thi hành hai nước Trung- Nga giao thiệp. Các điều ước đề cập ở trên bao quát cả điều ước và hiệp định về Trung đông thiết lộ.


3. Nhân thừa nhận toàn bộ vấn đề Trung đông thiết lộ, cần phải có cuộc hội nghị Trung-Nga mới giải quyết được mỹ mãn. Bởi vậy Bác sĩ Tôn Dật Tiên cho rằng tình hình thực tế trước mắt nên tìm một biện pháp mà ông Việt Phi cũng đồng ý, rằng việc quản lý thiết lộ do chính phủ hai nước Trung-Nga không gia tăng thành kiến, tạm thời hiệp thương cải tổ, nhưng không làm tổn hại đến quyền lợi của hai bên và đặc thù lợi ích. Đồng thời Bác sĩ Tôn Dật Tiên cho rằng điểm này cũng cần thương lượng với Tướng quân Trương Tác Lâm.


4. Ông Việt Phi hướng Bác sĩ Tôn tuyên bố một cách thành thực rằng chính phủ nước Nga quyết không muốn thi hành chính sách đế quốc chủ nghĩa tại Ngoại Mông hoặc nhắm mục đích cho vùng đất này thoát khỏi Trung Quốc. Bác sĩ Tôn nhân đó cho rằng quân đội Nga không cần lập tức rút ra khỏi Ngoại Mông, đó là kế lợi hại tất yếu cho Trung quốc. Chính phủ Bắc Kinh hiện tại nhu nhược vô năng, không có sức ngăn cấm ; nhân sau khi quân Nga rút, Bạch Nga âm mưu đề kháng phát sinh, tạo thành cục diện thêm nghiêm trọng.


Sau khi tuyên ngôn truyền ra, Adolf A. Joffe đi Nhật Bản, Tôn Trung Sơn dời đến Quảng Châu, thiết lập phủ Đại nguyên soái. Lúc bấy giờ chính sách liên Nga dung Cộng chỉ mới sơ khởi, tài chánh thiếu thốn, dân Quảng Đông ghét quân từ các tỉnh khác đến quấy nhiễu ; nên chuyển mối oán cho Quốc dân đảng. Nhưng Trung cộng khai triển mạnh hoạt động tại các nơi ; về báo chí tuyên truyền Thượng Hải có Hướng Đạo, Tiền Phong, Trung Quốc Thanh Niên ; Quảng Châu có Tân Thanh Niên, Tân Học Sinh ; Bắc Kinh có Chính Trị Sinh Hoạt ; Trường Sa có Tân Thời Đại ; đại học Thượng Hải 4 chẳng khác gì một cơ quan huấn luyện. Quần chúng vận động phần nhiều do Trung cộng lãnh đạo, như cuộc thị uy đòi thu hồi Lữ Thuận, Đại Liên, thủ tiêu 21 điều với Nhật, Nữ quyền vận động đại đồng minh, đả đảo quân phiệt, đả đảo đế quốc ; phong trào bãi công của công nhân ngày một gia tăng.


Sau khi Tôn Trung Sơn cùng Đại diện Nga Xô ra tuyên ngôn, Quốc dân đảng công khai biểu thị liên Nga ; thì 6 ngày sau xẩy ra vụ bãi công tại đường sắt Kinh-Hán [Bắc Kinh - Hán Khẩu, Hồ Bắc], thực hiện sự chia tay giữa Ngô Bội Phu và Trung cộng. Từ tháng 8 đến tháng 12/1922, xảy ra đình công tại trạm đường sắt Trường Tân [Changxindian, Hà Bắc] và mỏ khoáng Khai Loan [Đường Sơn, Hà Bắc], học sinh tại Bắc Kinh và Đường Sơn [Tangshan, Hà Bắc] rầm rộ nổi lên, Ngô Bội Phu biết rằng Trung Cộng bắt đầu làm khó. Ngày 1/2/1923 công nhân đường sắt Kinh-Hán triệu tập đại hội tại Trịnh Châu [Zhengzhou, Hà Nam], thành lập Kinh-Hán thiết lộ tổng công hội, bị Ngô Bội Phu giải tán và ra lệnh bắt Lý Đại Sao. Tổng công hội Kinh-Hán thiết lộ dời xuống Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc], rồi tổng bãi công, không tuân lệnh Ngô Bội Phu ép trở lại làm việc ; đường sắt huyết mạch từ Hán Khẩu đến Bắc Kinh dài trên ngàn dặm Anh, hoàn toàn đình đốn. Ngày 2/7 Tào Côn và Ngô Bội Phu ra lệnh quân cảnh trấn áp bằng vũ khí tại trạm Trường Tân, Trịnh Châu và Hán khẩu chết 40 người, bị thương hơn 200, bị bắt hơn 60 người. Trung cộng gọi đó là “ Nhị Thất thảm án ”, bài xích Ngô Bội Phu là kẻ thù của cả nước, Cộng sản quốc tế cũng kịch liệt đả kích ; nỗ lực liên lạc giữa Nga Xô và Ngô Bội Phu thất bại, quan hệ giữa Ngô và Trung Cộng bị phá huỷ. Sau đó giữa Nga Xô và Ngô Bội Phu có một đôi lần tiếp xúc, nhưng không còn khả năng hợp tác.



4. Quốc dân đảng cùng Nga Xô, Trung cộng thực hành liên hiệp



Tôn Trung Sơn tuy đã quyết định Liên Nga dung cộng, nhưng vận dụng chính trị của ông cũng chưa có sự biến đổi rõ nét. Cùng ngày tuyên bố chung với Đại diện Nga Xô Adolf A. Joffe, Tôn lại có tuyên ngôn riêng về hoà bình, chủ trương trước khi chưa thực hiện được thống nhất thì Trực hệ, Phụng Hệ, Hoán hệ và lực lượng tây bắc tạm thời tự thủ, tài giảm quân, mượn ngân khoản. Tiền mượn được sử dụng do cơ quan pháp định, cùng các đoàn thể công, nông, thương giám đốc, thực hành biến đổi binh lính thành công nhân. Việc giảm binh trước hết phải được Trực hệ tán đồng ; sau khi Tôn dời đến Quảng Châu, giao cho Hồ Hán Dân, Uông Triệu Minh, Tôn Hồng Y lưu lại Thượng Hải để lo dàn xếp hoà bình. Mượn ngân khoản từ nước Anh là tốt nhất, nên tháng 2/1923, Tôn dự tiệc với Tổng đốc Hương Cảng, để mong hai bên giao hảo. Tháng 3 lại cùng Tổng lãnh sự Anh Quảng Châu bàn về việc mượn ngân khoản của nước này để mở bến cảng, xây đường, lại phát biểu trong cuộc diễn thuyết muốn cùng chính phủ Hương Cảng hợp tác. Ngày 1/4 Bí thư riêng Trần Hữu Nhân tuyên bố về chính sách ngoại giao của Tôn, hy vọng Anh, Mỹ viện trợ tài chánh, dùng chuyên gia Anh, Mỹ ra sức kiến thiết ; có thể thấy rằng Tôn không muốn chuyên dựa vào Nga.


Nga Xô đối với hành động nêu trên của Tôn, cảm thấy không yên lòng. Ngày 1/5/1923 gửi điện đến, hứa chắc viện trợ, rồi 2 tuần sau Đại biểu Nga Xô G. Maring đến Quảng Châu, khuyên Tôn thiết thực cải tổ Quốc dân đảng. Cộng sản quốc tế lệnh Trung cộng chấp thuận Quốc dân đảng lãnh đạo mặt trận phản đế quốc chủ nghĩa, phản quân phiệt cả nước ; chú ý đến công nông, ngăn trở Quốc dân đảng thoả hiệp với quân phiệt và đế quốc. Sự thực lúc này Trực hệ và nước Anh đối với Tôn Trung Sơn với cặp mắt cừu địch, không tiếc mọi thủ đoạn tìm cách lật đổ. Sự viện trợ của Nga Xô càng cụ thể hoá, bắt đầu sai Cố vấn quân sự đến và cho vay 200 vạn nguyên. Tôn muốn giữ được cứ điểm để mong phát triển tương lai, không thể không chấp nhận vấn đề dung cộng. Liêu Trọng Khải, yếu nhân Quốc dân đảng có khuynh hướng thiên tả, cũng rất tán thành quan điểm của Nga Xô, cho rằng Quốc dân đảng mấy lần thất bại do không chế phục được quân, mà ngược lại bị quân chế phục ; chế phục quân phải dựa vào đảng viên, Quốc dân đảng thiếu cán bộ đảng viên, cần phải cải tổ để bổ cứu mối tệ này. Ngoài ra Quốc dân đảng thiếu bằng hữu trên trường quốc tế, Xô Nga đã đến để liên lạc, vậy không nên cự tuyệt đồ đảng Trung Cộng. Ngày 21/5 Tôn yêu cầu G. Maring giúp đỡ việc cải tổ. Vào tháng 6, Trung cộng cử hành đại hội tại Quảng Châu, do sự kiên trì của G. Maring, từ nay hoạt động tập trung vào phát triển Quốc dân đảng, cải tổ Quốc dân đảng, tăng cường ảnh hưởng đến công nhân, nông dân. Đại hội tuyên ngôn thừa nhận Quốc dân đảng là lực lượng cách mệnh trung tâm của cả nước, đứng vào địa vị lãnh đạo ; tuy nhiên cần bỏ quan niệm chuyên dựa vào quân sự, xem thường việc tuyên truyền trong quần chúng. Đại hội y theo chủ trương của G. Maring, toàn thể đảng viên Trung cộng gia nhập Quốc dân đảng, dịp này Mao Trạch Đông được cử vào Trung ương uỷ viên.


G. Maring bàn với Tôn Trung Sơn cử Đại biểu đến Nga, do Tham mưu trưởng của Tôn là Tưởng Giới Thạch cầm đầu. Ngày 6/10 Đại biểu Nga tại Bắc Kinh, Leo Karakhan, giới thiệu Michael Borodin [Bào La Đình] 5 đến Quảng Châu, làm Đại biểu Nga Xô, với nhiệm vụ trọng đại xúc tiến triệt để cải tổ Quốc dân đảng. Lúc Borodin mới gặp Tôn Trung Sơn, đồng ý viện trợ những yêu cầu về vật tư, cường điệu rằng cách mệnh tại Trung, Nga đều chiến đấu vì dân tộc, riêng Nga Xô thành công chính dựa vào đảng. Sứ mệnh của Quốc dân đảng là hoàn thành độc lập thống nhất Trung Quốc, nhưng cần phải chú trọng tuyên truyền, động viên dân chúng, thi hành công tác chính trị trong quân thì trong vòng nữa năm có thể dùng Quảng Châu làm cơ sở ; một hoặc hai năm tinh thần cách mệnh sẽ phổ cập ra cả nước. Tôn Trung Sơn nghe qua động lòng, ngày 10/10 thiết lập Quốc dân đảng cải tổ Uỷ viên hội, theo phương án cải tổ của Borodin. Borodin một mặt bảo lãnh tụ Trung cộng biết rằng ổn định Quốc dân đảng tức ổn định Cộng sản đảng cơ sở ; một mặt công khai tuyên bố Quốc dân đảng là đảng lãnh đạo độc lập Trung Quôc, nếu được tăng cường thêm về tinh thần quân đội và tổ chức của dân chúng, thế lực sẽ lớn mạnh có thể thống nhất Trung Quốc, thoát ly khỏi đế quốc chủ nghĩa và quân phiệt nô dịch. Vào ngày 25/10, Tôn Trung Sơn lập Uỷ viên trung ương chấp hành Quốc dân đảng ; Liêu Trọng Khải và đảng viên Trung cộng Lý Đại San, Đàm Bình Sơn đều là Uỷ viên ; Borodin làm Cố vấn, chuẩn bị tổ chức đại biểu đại hội. Tháng 11 quân Trần Quýnh Minh tấn công Quảng Châu, Borodin khuyên Tôn Trung Sơn dùng chính sách mới về nông, công, động viên nông, công cùng đề kháng. Lâm thời Trung ương uỷ viên huấn luyện nghĩa dõng, riêng Borodin huấn luyện tổ chức công, nông và đảng viên về đường lối Nga Xô viết.


Tháng 1/1924 Quốc dân đảng cử hành toàn quốc đại hội lần thứ nhất, Leo Karakhan gửi điện chúc mừng, biểu thị Nga Xô kính yêu và đồng tình với nền độc lập của Trung Quốc ; Trung cộng phát biểu tuyên ngôn, hiệu triệu nhân dân tập hợp dưới cờ Quốc dân đảng. Trong thời gian khai hội thì Lenin mất, đại hội gửi điện phúng điếu và nghỉ họp 3 ngày, các cơ quan kéo cờ rủ, các Đại biểu đến thăm Borodin, cúi đầu, để biểu thị sự đau buồn. Đại hội thông qua việc đảng viên Trung cộng cùng đoàn viên thanh niên xã hội chủ nghĩa gia nhập Quốc dân đảng. Đảng viên Trung cộng chiếm ¼ trung ương Uỷ viên Quốc dân đảng, thực tế tổ chức nông dân, công nhân tại các bộ và ban chấp hành tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Hán Khẩu đều nằm trong tay Trung Cộng thao túng.


Điểm đặc thù biểu hiện của đại hội lần này là tuyên ngôn Tam dân chủ nghĩa, tuyên ngôn này do Liêu Trọng Khải, Hồ Hán Dân, Uông Triệu Minh ; đảng viên Trung cộng Cù Thu Bạch và Borodin soạn thảo. Nội dung chỉ rõ rằng Trung Quốc hoạ loạn do đế quốc chủ nghĩa và quân phiệt cấu kết tạo thành, khiến sinh mệnh chính trị, kinh tế đều bị tước đoạt. Duy dựa vào :


– Dân tộc chủ nghĩa bao quát dân tộc tự cứu, tự giải phóng, trong nước các dân tộc nhất luật bình đẳng. Duy chỉ có Quốc dân đảng và đa số dân chúng phản đối đế quốc chủ nghĩa, dân tộc Trung Quốc mới có được chân chính tự do độc lập.


– Dân quyền chủ nghĩa bao quát gián tiếp và trực tiếp dân quyền. Phàm cá nhân hoặc đoàn thể phản đối đế quốc chủ nghĩa đều được hưởng.


– Dân sinh chủ nghĩa bao gồm bình đẳng địa quyền, tiết chế tư bản. Quốc dân đảng đang theo chính sách phản kháng đế quốc chủ nghĩa cùng quân phiệt, phản đối giai cấp đặc thù, không có lợi cho nông dân, công nhân ; vì công nhân nông dân phấn đấu, cũng do nông dân, công nhân tự thân phấn đấu ; cuộc vận động cách mệnh đợi nông dân, công nhân tham gia, mới giành được hoàn toàn thắng lợi.


Tóm tắt về chính cương mới, đối ngoại chủ yếu nhắm thủ tiêu điều ước bất bình đẳng ; đối nội xác định quyền tự do bình đẳng của dân, tăng tiến sinh hoạt của nông dân và công nhân, những điều nêu lên so với chủ trương của Cộng sản quốc tế tương đối thích hợp.


Sau khi đảng viên Trung cộng gia nhập Quốc dân đảng, ra sức khuyếch trương ; thành phần cao cấp Quốc dân đảng phần lớn lo rằng khách đang mưu toan lộng quyền đoạt chủ, kiểm điểm lại hành vi thấy âm mưu muốn mượn thân xác Quốc dân đảng, để truyền linh hồn Cộng sản vào. Đảng viên Trung cộng cũng ngầm đả kích, hoặc công khai chê trách Quốc dân đảng ; do đó bèn lập Trung ương chính trị uỷ viên hội và Quốc tế liên hiệp uỷ viên hội để tiện phân xử.


Lúc bấy giờ quá nửa tỉnh Quảng Đông vẫn nằm trong tay Trần Quýnh Minh, lực lượng này nhiều lúc gây rối. Quân Vân Nam, Quảng Tây trú đóng đều là kiêu binh thiếu kỷ luật, lại có Thương đoàn là mối lo trong gan ruột. Thương đoàn thành lập năm 1923, lúc đầu là lực lượng tự vệ đề phòng quân Vân Nam, Quảng Tây quấy nhiễu, sau đó lại sợ thực hành Cộng sản nên chuyển sang chống lại Quốc dân đảng ; lực lượng này được chính quyền Hương Cảng giúp đỡ, cùng cấu kết với Trần Quýnh Minh. Tháng 8/1924 Đoàn trưởng Thương đoàn Trần Liêm Bá bí mật chuyển vận khí giới mua từ công ty Anh đưa vào Quảng Châu, số lượng gồm 9 000 súng cá nhân, 40 súng máy, 3 triệu viên đạn ; bị Tưởng Giới Thạch ra lệnh khấu lưu. Thương đoàn thành lập Tổng bộ liên phòng, thực hành bãi thị, đòi trả lại khí giới. Chính phủ Quảng Châu chuẩn bị dùng vũ lực ; nhưng Tổng lãnh sự Anh cảnh cáo rằng nếu như công kích khu buôn bán tại Quảng Châu, hải quân Anh sẽ can thiệp. Lúc bấy giờ Tôn Trung Sơn chuẩn bị bắc phạt, đang sách động các lực lượng chống lại Trực hệ, nên buổi đầu tỏ ra nhượng bộ bỏ lệnh bắt Đoàn trưởng Trần Liêm Bá và trả cho một số vũ khí ; nhưng thái dộ Thương đoàn càng thêm cường ngạnh. Vào lúc Nga Xô viện trợ vũ khí đến Quảng Đông, Tôn Trung Sơn bèn quyết định dứt khoát. Ngày 10/10 Trung cộng tổ chức cuộc mít tinh lớn khoảng 50 ngàn người gồm các đoàn thể lao công, nông dân, thanh niên ; do Chu Ân Lai chỉ huy. Sau mít tinh, làm cuộc diễn hành đến khu vực phòng thủ của thương đoàn tại Tây Quan [Xiguan] thuộc phía tây thành phố Quảng Châu, thì bị Thương đoàn đánh dẹp, khiến 20 người chết, 100 bị thương. Ngày 15/10 Tôn Trung Sơn ra lệnh Tưởng Trung Chính [Giới Thạch] từ trường võ bị Hoàng Phố về Quảng Châu chỉ huy các đạo quân, gồm : Quảng Đông, Vân Nam 1 vạn 5 ngàn ; học sinh vũ bị Hoàng Phố 800 người, học sinh Giảng vũ đường Vân Nam 500 người, học sinh giảng vũ đường Hồ Nam 200 người, Công đoàn quân, Nông dân tự vệ quân hơn 300 người, còn có 1 đội xe thiết giáp, 1 đội hàng không, 1 đội công binh. Lực lượng này đánh tan quân Thương đoàn 12 ngàn người, Trần Liêm Bá phải chạy ra Hương Cảng, riêng khu vực buôn bán tại Tây Quan do binh lửa thiệt hại rất lớn.


Hồ Bạch Thảo




1 Ngạc Mục Tư Khắc : thuộc lãnh thổ Nga, vị trí tại đông nam Tây Bá Lợi Á.

2 Cộng Hoà Viễn Đông : tháng 4/1920 Nga Xô tạm thời thiết lập tại phía đông Tây Bá Lợi Á nước Cộng Hoà Viễn Đông để làm trái độn, tháng 11/1922 sáp nhập vào Nga Xô.

3 Cộng quản : chính quyền nước ngoài và Trung Quốc cùng quản lý.

4 Đại học Thượng Hải thành lập vào tháng 10/1923, trên danh nghĩa do Quốc dân đảng sáng lập ; Giáo thụ phần lớn là đảng viên Trung cộng như Cù Thu Bạch, Thái Hoà Sâm, Thẩm Nhạn Băng (Mao Thuẫn) ; tháng 6/1925 bị Công bộ cục tô giới đóng cửa.

5 Michael Borodin [Bào La Đình] tên thật là Gruzenberg người gốc Do Thái, từng tham gia cách mệnh Cộng sản. Năm 1906 hoạt động tại Luân Đôn, năm 1907 sang Mỹ, đến năm 1918 trở về Nga, được Lenin biết đến. Năm 1919 được phái đến các nước Tây Ban Nha, Mễ Tây Cơ, Hà Lan. Năm 1921 đến Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động chống Anh, bị Anh câu lưu 6 tháng. Tháng 7 /1923 được cử đến Trung Quốc, trước hết đến Bắc Kinh gặp Leo Karakhan, rồi đến Quảng Châu giữ chức Cố vấn cho Quốc dân đảng. Năm 1949 bị chính phủ Liên Xô bắt, năm 1951 chết tại trại cải tạo, sau đó được chính phủ Liên Xô khôi phục đảng tịch.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us