Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Tư liệu xưa liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa

Tư liệu xưa liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa

- Hồ Bạch Thảo — published 09/09/2009 08:59, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18


Biên khảo


Tư liệu xưa liên quan
đến Hoàng Sa, Trường Sa

Hồ Bạch Thảo

aa

Cố Giáo sư Nguyễn Khắc Kham lúc sinh thời có nhã ý gửi cho tôi những bản copy tài liệu về văn chương và lịch sử, thông thường kèm theo lời chỉ dạy nên dùng để làm gi ; như cuốn Ðại Nam Liệt Truyện, phần nguỵ Tây, dặn tôi dùng để tham khảo khi dịch Cao Tông Thực Lục ; bộ Quốc sử Di Biên của Phan Thúc Trực, thì nên dịch tiếp phần Minh Mệnh, Thiệu Trị, vì trước năm 1975 cụ Hồng Liên Lê Xuân Giáo chỉ mới dịch xong phần Gia Long. Ngoài ra Giáo sư lại gửi cho tôi cuốn sách nghiên cứu về đảo Hoàng Sa và Trường sa viết bằng tiếng Pháp của Học giả Võ Long Tê nhan đề LES ARCHIPELS DE HOÀNG-SA ET DE TRƯỜNG-SA SELON LES ANCIENS OUVRAGES VIETNAMIENS D’HISTOIRE ET DE GÉOGRAPHIE, mà không dặn dò gì cả. Thiết tưởng Học gỉả Võ Long Tê và cố Giáo sư là hai cây đại thụ về văn hóa Á Âu, tôi thực không đủ tư cách đứng bên cạnh để hầu chuyện. Ðã nhiều lần cầm bản copy cuốn sách trong tay, đọc qua trang đầu với thủ bút của Học giả họ Võ đề tặng cố Giáo Sư với lời trân trọng như sau “ Giáo-sư Nguyễn Khắc-Kham một sử gia nhiệt thành của văn hoá Việt Nam tại ngoại quốc với lòng quý mến , tôi ngớ ngẩn như một kẻ mộ đạo đi vào chốn tự viện, chưa được sự chỉ dẫn của các bậc phương trượng, không biết nên làm gì cho phải phép, nhưng cũng không dám ngồi không, nên cố tìm việc vặt như lấy giẻ lau bàn, hoặc cầm chổi quét nhà vv... Nay Giáo sư đã thành người thiên cổ, quần đảo Hoàng Sa mất mấy chục năm về trước vẫn là niềm đau nóng hổi trong tim mọi người Việt ; cuốn sách của Học gỉả Võ Long Tê trở thành bất hủ, trong đó chụp hình nhiều tư liệu quý giá bằng chữ Hán và phần lớn được dịch ra Pháp văn. Tuy nhiên công trình của tác giả chỉ có người ngoại quốc và một số ít người Việt Nam biết chữ Pháp mới sử dụng được ; nay cần phải giới thiệu ra lời Việt để số đông đồng bào ta thưởng ngoạn. Bởi vậy tôi không ngại học vấn thô thiển, kính cẩn sao chụp lại nguyên văn tài liệu bằng chử Hán của các nhà viết sử và địa chí nước ta qua các đời ; rồi dịch và chú thích bằng lời Việt. Nguyên văn được nêu lên trước phần dịch, ngõ hầu được học hỏi và chất chính cùng các bậc thức giả quan tâm.


  1. Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Ðồ thư

NGUYÊN VĂN


aba
abb

DỊCH NGHĨA

Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Ðồ Thư

Quyển 1

Người Bích Triều, huyện Thanh Giang (1) Nho sinh trúng thức Ðỗ Bá Công tự Ðạo Phủ soạn,

Hai bên bờ con sông thuộc địa phận xã Kim Hộ có hai ngọn núi, tại mỗi núi có mỏ vàng. Từ đó đi ra biển gặp một dãy trường sa tên là Bãi Cát Vàng, dài khoảng 400 dặm, bề ngang 20 dặm nhô lên từ biển ; vị trí ở ngoài cửa biển Ðại Chiêm cho đến cửa biển Sa Vinh. Mùa gió Tây Nam các thương thuyền qua lại phía trong thường phiêu dạt tại đây ; mùa gió đông bắc thuyền đi bên ngoài cũng phiêu dạt tại đây ; người đều bị đói, chết, hàng hoá để lại. Nhà Nguyễn (Nguyễn thị) mỗi năm vào tháng chạp đưa 18 chiếc thuyền đến đó lấy hoá vật ; thu được nhiều vàng, bạc, tiền tệ, súng, đạn. Từ cửa Ðại Chiêm đến đó mất một ngày rưỡi, từ Sa Kỳ đến mất nửa ngày. Ngoài ra tại đảo Trường Sa cũng có đồi mồi.


ac

PHIÊN ÂM

Hồng Ðức Bản Ðồ

Ðông Dương văn khố



ad


PHIÊN ÂM VÀ CHÚ THÍCH

1. Hoà Vang huyện : tức huyện Hoà Vang tại Ðà Nẵng.

2. Hội An : thành phố Hội An ngày nay.

3. Lễ Dương huyện : nay là huyện Thăng Bình, Quảng Nam.

4. Ðại Chiêm hải môn : Cửa biển Ðại Chiêm tức cửa Ðại gần Hội An, ngoài biển có cù lao Chàm, tên xưa gọi là đảo Ðại Chiêm.

5. Duy Xuyên huyện : tên huyện nay thuộc Quảng Nam.

6. Hoà Hợp hải môn : cửa biển Hoà Hợp, tức vũng An Hoà, chỗ cửa sông Tam Kỳ, Quảng Nam.

7. Bình Sơn huyện :tức huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

8. Quảng Ngãi phủ : thời chúa Nguyễn tỉnh Quảng Ngãi được gọi là phủ.

9. Chương Nghĩa huyện : tương đương với huyện Tư Nghĩa và một phần huyện Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi.

10. Bồng Sơn huyện : huyện Bồng Sơn tại tỉnh Bình Ðịnh.

11. Tiểu hải môn.

12. Ðại hải môn.

13. Sa Vinh đàm : đầm Sa Vinh tức Sa Huỳnh, chỗ tiếp giáp Quảng Ngãi và Binh Ðịnh.


LỜI NGƯỜI DỊCH

Xét lịch sử nước ta, đất nước bị chia cắt 2 lần ; trong thời gian đó danh xưng chính quyền phía bên này, bị phe bên kia gọi bằng tên khác ; bởi vậy khi đọc sách về thời kỳ này, chỉ cần xem cách xưng hô cũng có thể đoán được gốc gác của tác giả. Ví như dưới thời Trịnh Nguyễn phân tranh trên hai thế kỷ về trước, các sách Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lô Ðồ Thư của Ðỗ Bá Công, hoặc ngay cả Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Ðôn đều gọi nhà Nguyễn miền Nam là “ Nguyễn thị ” (họ Nguyễn), chứ không gọi là Nguyễn Vương hay Nguyễn triều ; điều này chứng tỏ hai tác gỉả thuộc phe chúa Trịnh miền Bắc. Tra thêm Ðại Nam Nhất Thống Chí, lại được biết thời đầu Lê, huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An tên gọi là Thanh Giang, điều này có thể khẳng định rằng tác giả là người miền bắc sông Gianh. Xét nhan đề sách với hai chữ “ Toản Tập ” có nghĩa tập sách tập hợp các công trình, vậy họ Ðỗ đã gộp thêm các công trình trước đó.

Về Hồng Ðức Bản Ðồ nêu lên trong sách, Học giả Trần Văn Giáp tác giả Tìm Hiểu Kho sách Hán Nôm (2) sau khi nghiên cứu, đã nhận xét rằng tuy chép lại bản đồ thời Lê Thánh Tông, nhưng người chép không tôn trọng nguyên bản, đã thêm một số tên đương thời, nên cần phải làm việc hiệu khảo mới kết luận được. Bởi vậy chúng tôi căn cứ vào các địa danh có thể đọc và xác minh được, lược xem bản đồ từ phải sang trái ; chỗ đánh số 1 tức huyện Hoà Vang, Ðà Nẵng đến số 13 tức Sa Vinh hay Sa Huỳnh, vị trí phía nam cuối tỉnh Quảng Ngãi. Sở dĩ cho Sa Vinh là Sa Huỳnh, vì căn cứ vào sách kiêng chữ huý (3) thì vào năm Thiệu Trị thứ 4 [1844], tên người, tên đất cấm dùng chữ vinh [], nên địa danh Sa Vinh kề từ đó có thể được đổi thành Sa Huỳnh. Lại cần lưu ý thêm 3 chữ “ Quảng Ngãi phủ ” tại số 8, theo Ðại Nam Nhất Thống Chí (4) xác định thời chúa Ngưyễn Hoàng, năm Nhâm Dần [1602] đổi phủ Tư Nghĩa thành phủ Quảng Nghĩa, thời Tây sơn đổi là phủ Hoà Nghĩa ; vậy có đủ cơ sở để kết luận rằng cuốn sách và bản đồ được hoàn thành vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh khoảng thế kỷ thứ 17, 18.

Vị trí cửa biển Ðại Chiêm (số 4) trên bản đồ, tương đương với Cửa Ðại, Hội An ; phía đông cách cửa Ðại gần 20 km có cù lao Chàm mà tên xưa gọi là đảo Ðại Chiêm (5). Theo tác gỉả Toản Tập Thiên Nam Tứ chí Lộ Ðồ Thư thì từ đó đến Bãi Cát Vàng [đảo Hoàng Sa] hành trình mất một ngày rưỡi tức 36 giờ. Hãy dùng con số 135 hải lý tức 249,75 km [1,852 km.135=249,75 km] tính từ đảo gần nhất tại Hoàng Sa tới Quảng Ngãi (6), chia cho 36 giờ, thì tốc độ giờ khoảng 7 km. Ðến đây, chúng ta có thể liên tưởng đến bài thơ nỗi tiếng của Thi sĩ Tế Hanh, cũng là người quê tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, mô tả con thuyền buồm qua bài thơ Quê Hương như sau :

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...

Chẳng lẽ với tốc độ tuấn mã đương hăng chạy, lại không đạt được 7 km/giờ !

Chú Thích

1. Thanh Giang : theo Ðại Nam Nhất Thống Chí, tập 2, trang 140, huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An thời đầu triều Lê gọi là Thanh Giang. Trong văn bản tác gỉả gọi nhà Nguyễn là “ Nguyễn thị ” mà không gọi là “ Nguyễn Vương”, hay “ Nguyễn triều ” ; chứng tỏ tác giả ở phần đất chúa Trịnh kiểm soát.

2. Trần Văn Giáp, Tìm Hiểu Kho sách Hán Nôm, trang 345.

3. Ngô Ðức Thọ, Chữ Huý Việt Nam Qua Các Triều Ðại, trang 149.

4. Ðại Nam Nhất Thống Chí, quyển 2, trang 468.

5. Ðảo Ðại Chiêm : Xem Ðại Nam Nhất Thống Chí tập 2, trang 418.

6. Vũ Hữu San, Ðịa Lý Biển Ðông Với Hoàng Sa Và Trường Sa, trang 15.



2. Phủ Biên Tạp Lục

NGUYÊN VĂN

afa

afb

afc

afd
afe

DỊCH NGHĨA

Phủ Biên Tạp Lục

Quyển thứ 2, trang 51

Phụng sai đến các đạo Thuận Hoá, Quảng Nam ; Tham tán quân cơ Hiệp trấn Thuận Hoá, Phủ hữu thắng kỳ nhập thị Bồi Tụng, Tả Thị lang bộ Hộ, Dĩnh thành hầu Lê Quý Ðôn soạn.

Người xưa nói rằng từ khi có trời đất thì có sông núi ; kinh khuyết thành trì tuy có khác, nhưng sông núi thì không đổi. Thời nguỵ Mạc trước đây, Ðô cấp sự trung Dương Văn soạn Ô Châu Cận Lục đã viết về sông núi cửa biển Thuận Hoá, nay vẫn như vậy ; nhưng thành trì, trạm dịch, bến đò, chùa tháp có phần khác, nay lược chép ra.


Quyển 2,

Tại xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển lớn có đảo núi tên là cù lao Ré, rộng hơn 30 dặm, xưa có cư dân là phường Tứ Chính khẩn đất, phải đi biển mất 4 canh mới ra tới đó. Phía ngoài đảo này là đảo có tên cũ Ðại Trường Sa, có nhiều sản vật biển và hàng hoá tại thuyền, nên lập đội Hoàng Sa để lấy. Phải đi 3 ngày đêm mới tới, xứ này gần Bắc Hải.


Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ở gần biển. Ngoài biển phía đông bắc có nhiều đảo núi lớn nhỏ linh tinh có đến hơn 110. Các núi đảo tương cách nhau bởi biển ; hoặc một ngày đường, hoặc một vài canh. Trên có khe nước ngọt, giữa đảo có bãi cát vàng dài khoảng hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong nhìn đến đáy, trên đảo tổ yến nhiều vô số ; chim có đến hàng ngàn, hàng vạn quây quần xung quanh không tránh người. Trên bờ các vật lạ rất nhiều như ốc hoa văn, có loại gọi là ốc tai tượng to bằng chiếc chiếu, bụng có hạt lớn bằng ngón tay màu đục, không bằng ngọc trai, vỏ có thể tạc ra làm [mộ] bia, lại có thể chế vôi xây nhà ; có loại tên là xà cừ có thể làm đồ trang sức, có các loại ốc hương có thể muối [làm thức ăn] ; đồi mồi có loại tên là hải ba tục gọi là trắng bông, tuy giống đồi mồi nhưng nhỏ ; vỏ mỏng bên ngoài có thể chế làm đồ trang sức, trứng bằng đầu ngón tay có thể dùng để muối ăn. Có loại hải sâm, tục gọi là con đột đột, bơi lội bên bờ ; bắt được chà xát qua vôi, bỏ ruột, rồi phơi khô ; lúc ăn ướp với tương cua, ăn cùng với tôm và thịt heo thì tốt. Tàu bè các nước gặp bão bị hư tại đảo này rất nhiều.

Họ Nguyễn lập đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy người xã An Vĩnh luân phiên sung vào. Mỗi năm từ tháng giêng nhận lệnh đi, mang 6 tháng lương thực, dùng 5 chiếc thuyền đánh cá vượt biển 3 ngày 3 đêm thì tới nơi. Tại đó mặc tình bắt cá chim để ăn ; nhặt được các đồ trên thuyền gồm các thứ thuộc loại bạc thiệt [kim loại bạc] như ngựa kiếm bạc, hoa bạc, tiền tệ bằng bạc, vòng bạc ; đồ bằng đồng, thiếc khối, chì đen, súng, ngà voi, sáp vàng, chăn, đồ sành sứ. Lại lấy vỏ đồi mồi, hải sâm, ốc có hoa văn khá nhiều. Ðến tháng 8 trở về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân [Huế] nạp. Sau khi cân và xét nghiệm phân loại xong, hứa cho riêng bán các vật như ốc hoa văn, hải ba, hải sâm, lãnh bằng trở về. Những đồ vật lấy được nhiều ít không chừng, có khi về người không. [Ta] từng tra sổ bạ của viên Cai đội cũ Thuyên đức hầu, vào năm Nhâm Ngọ [1762] nhặt được 30 hốt bạc, năm Giáp Thân [1764] được 5100 cân thiếc, năm Ất Dậu [1765] được 126 hốt bạc ; từ năm Kỷ Sửu [1769] đến năm Quý Tỵ [1773] trong thời gian 5 năm, được mấy cân đồi mồi, hải sâm ; có lúc có thiếc khối, bát sứ cùng 2 khẩu súng đồng mà thôi.

Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, số lượng không định, dùng người thôn Tứ Chính thuộc phủ Bình Thuận hoặc người xã Cảnh Dương. Kẻ tình nguyện được cấp giấy đi miễn cho thuế sưu, thuế bến đò. Họ sử dụng thuyền câu nhỏ của tư nhân đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn, cù lao Hà Tiên đánh bắt đồi mồi, hải ba, cá heo, bào ngư, hải sâm ; lệnh cho đội Hoàng Sa quản nhiếp. Bất quá họ chỉ thu thái được hải sản, còn các loại hàng hoá quan trọng như vàng bạc, ít khi bắt gặp.

Bãi Hoàng Sa gần với Hải Nam, châu Liêm. Người trên thuyền thường gặp người phương Bắc [Trung Quốc] đánh cá ngoài biển, hỏi thăm thì được biết họ là người huyện Văn Xương, Quỳnh Châu. Quan Chính đường sưu tra công văn trong đó kể rằng vào tháng 7 năm Càn Long thứ 18 [1753], 10 người lính thuộc đội Cát Liêm, xã An Bình, huyện Chương Nghĩa (1) đến Vạn Lý Trường Sa 萬里長沙 thu thập các vật, 8 tên lính lên bờ thu thập, chỉ có 2 người lưu lại giữ thuyền. Chợt cuồng phong nổi lên, đẩy thuyền xa đến cảng Thanh Lan 青瀾港 (2)[Trung Quốc], viên quan tại đây điều tra sự thực bèn cho áp giải trở về. Nguyễn Phúc Chu sai Cai bạ Thuận Hoá Thức lượng hầu gửi thư phúc đáp.


LỜI NGƯỜI DỊCH


Ngô Thời Sĩ đề lời bạt sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Ðôn có đoạn như sau :

Mùa đông năm Giáp Ngọ [1774], phụng theo ý chí cương quyết của Thánh nhân [Trịnh Sâm], tự làm tướng cầm quân, đánh lấy được thành [Phú Xuân], thu lại cõi đất đã bị mất hẳn, lại thống nhất đất nước. Mùa xuân năm Bính Thân [1776] Tướng công Quế Ðường [Lê Quý Ðôn] ta vâng mệnh làm Hiệp trấn phủ, kiêm coi việc quân. Mùa thu năm ấy khi đã về triều, có đưa sách này cho tôi coi. Trong sách này viết về hai xứ Thuận Hoá và Quảng Nam chép đủ sông, núi, thành ấp, ngạch lính, lệ thuế má, nhân tài, sản vật, cùng là việc họ Nguyễn đời nọ nối đời kia, đầu đuôi thay đổi về việc đánh dẹp, đóng quân, rõ ràng dễ biết như nhìn 5 ngón trên bàn tay.

Mấy câu ngắn ngủi nêu trên có thể tóm tắt được nội dung sách. Việc Lê Quý Ðôn phụ tá cho Hoàng Ngũ Phúc đánh chiếm Thuận Hoá, Quảng Nam, rồi giữ chức Hiệp Trấn nơi này, công tác này được gói trọn trong 2 chữ Phủ Biên, tức chiêu phủ đất đai nơi biên thuỳ. Với tài học hơn người, lại giữ chức vụ quan trọng như vậy, nên Lê Quý Ðôn có dịp kinh lý tận nơi, đọc hết các tài liệu quan trọng, để trình bày đủ mọi vấn đề về xứ Ðàng Trong, công trình đồ sộ đó được tóm tắt một cách khiêm tốn với hai chữ Tạp Lục.

Riêng lời khen của Ngô Thời Sĩ về cuốn sách “ rõ ràng dễ biết như nhìn 5 ngón trên bàn tay ” thì không phải là ngoa ngôn ; nếu chịu khó tìm hiểu cho đến nơi đến chốn, thì người thời nay cũng có thể thấy được. Như đoạn chép về quần đảo Hoàng Sa, kể chuyện vào năm Càn Long thứ 18 [1753] nhà cầm quyền Trung Quốc tại đảo Hải Nam đã gửi văn thư trả lại 2 người lính của chúa Nguyễn đi thu lượm sản vật tại đảo này, bị bão dạt đến cảng Thanh Lan. Trong khi thuật lại, Lê Quý Ðôn đã dùng ngay những từ mà trong văn thư viên quan Trung Quốc dùng để làm bằng, ví như : dùng niên hiệu Càn Long thứ 18 của nhà Thanh, thay vì dùng niên hiệu Cảnh Hưng thứ 14 của vua Lê ; dùng Vạn Lý Trường Sa là tên người Trung Quốc xưa gọi để chỉ chung các quần đảo Hoàng Sa vả Trường Sa ; kế đến là địa danh hải cảng Thanh Lan, thì cảng này hiện nay Trung Quốc vẫn dùng để đáp tàu đến đảo Hoàng Sa [riêng Trung Quốc gọi là Tây Sa] vị trí cách cảng Thanh Lan 330 hải lý. Ðọc Thanh Thực Lục, thời đó những người nước ta đi thuyền đến vùng Quảng Ðông, Phúc Kiến thường bị giam giữ về tội xâm nhập bất hợp pháp ; riêng việc 2 người lính của chúa Nguyễn từ đảo Hoàng Sa trôi dạt vào cảng Thanh Lan, Hải Nam thì không gặp rắc rối gì. Lý do có thể hiểu được rằng lúc bấy giờ nhà Thanh không coi Hoàng Sa là lãnh thổ của họ, nên viên quan địa phương mới có thể tự tiện trao trả những người này cho chúa Nguyễn nước ta.


Chú Thích


1. Chương Nghĩa : tương đương với huyện Tư Nghĩa và một phần đất quận Nghĩa Hành ngày nay.

2. Cảng Thanh Lan : thuộc huyện Văn Xương, Trung Quốc ; từ đảo Hoàng Sa đến cảng này cách 330 hải Lý. Trang mạng Trung Quốc chép như sau : 西沙群岛是我国南海诸岛四大群岛之一,现属海南省。位于海南岛东南方。以永兴岛为中心,距 三亚市榆林港约330多海里,距文昌县清澜港也是约330多海里。(Tây Sa [Hoàng Sa] là một trong 4 quần đảo lớn của nước ta tại Nam Hải, hiện thuộc tỉnh Hải Nam, vị trí tại phía đông nam tỉnh Hải Nam ; cách cảng Du Lâm thị xã Tam Á ước 330 hải lý ; cách cảng Thanh Lan, huyện Văn Xương 330 hải lý)


3. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí

Phan Huy Chú, Dư Ðịa Chí, quyển thứ 5


NGUYÊN VĂN


aga
agb


DỊCH NGHĨA


Phủ Tư Nghĩa gồm 3 huyện : huyện Nghĩa Giang có 93 xã, huyện Bình Dương [Sơn] (1) 70 xã, huyện Mộ Hoa 53 xã. Phủ Tư Nghĩa thuộc tỉnh Quảng Nam, phía trên bao bọc bởi núi, phía dưới giáp biển lớn, ở giữa địa thế bằng phẳng rộng rãi. Thời Thái vương (2) cai trị, đổi 3 huyện này thuộc Quảng Nghĩa ; đất này vật lực phong phú, lúa ngũ cốc nhiều vô kể ; vàng, bạc, châu báu, trầm hương, tốc hương đều tốt đẹp. Các súc vật voi ngựa có rất nhiều. Lại có đảo ngoài biển, cảnh vật đẹp, các đồ trân quý vật lạ đều tại nơi này.

Xã thôn An Vĩnh, thuộc huyện Bình Dương [Sơn] gần biển, phía đông bắc huyện có đảo, quần tụ linh tinh có hơn 130 ; hết đảo tới biển, cách nhau một ngày đi thuyền hoặc một vài canh, trên đảo có suối nước ngọt ; trong các đảo có Hoàng Sa dài độ 30 dặm, bằng và rộng rãi, nước trong thấu đáy. Trên đảo có vô số tổ yến, chim có đến hàng ngàn hàng vạn, thấy người vẫn quây quần không trốn. Lại có rất nhiều vật lạ như ốc loa hoa văn có ốc tai tượng, to bằng chiếc chiếu, bụng có hạt cườm to bằng ngón tay, màu đục không bằng trân châu, vỏ có thể tạc làm [mộ] bia, lại có thể làm vôi sơn quét. Có loại ốc xà cừ, có thể làm đồ trang sức, có loại ốc hương, thịt có thể ướp muối ; đồi mồi lớn, có loại tên hải ba, vỏ mỏng có thể làm đồ trang sức khí mãnh, trứng như ngón tay cái. Có loại hải sâm, tục gọi là con đột đột, bơi lội bên bờ, bắt được chà xát qua vôi, bỏ ruột, phơi khô. Lúc ăn ngâm với nước cua đồng, nấu chung với tôm, thịt heo rất tốt. Các thuyền buôn thường gặp nạn gió bão tại đảo này.

Vương các đời trước đây, đặt đội Hoàng Sa 70 người, dùng người xã An Vĩnh hàng năm luân phiên, vào tháng 3 nhận lệnh sai đi, mang 6 tháng lương, dùng 5 chiếc thuyền nhỏ hàng hải 3 ngày 3 đêm thì tới đảo này, Ðến đây mặc sức hái lượm bắt cá ăn, bắt được khí mãnh bảo vật trên thuyền cùng thu hoạch hải sản rất nhiều. Tháng 8 trở về cửa Eo, đến thành Phú Xuân.


Chú thích


1. Huyện Bình Dương : là tên cũ của huyện Bình Sơn.

2. Thái vương : tức Thái tổ Gia dụ Hoàng đế Nguyễn Hoàng.




4. Hoàng Việt Ðịa Dư Chí

(Phan Huy Chú)

ah


DỊCH NGHĨA


Hoàng Việt Ðịa Dư Chí

(Khắc in lần đầu vào năm Minh Mệnh thứ 14 [1833])

aia



aib


DỊCH NGHĨA


Quảng Ngãi


Phủ Tư Nghĩa có 3 huyện, nay là trấn Quảng Ngãi ; 3 huyện gồm 9 tổng, 216 xã. Huyện Chương Nghĩa (1) xưa là huyện Nghĩa Giang, gồm 3 tổng 93 xã. Huyện Bình Sơn xưa là huyện Bình Dương, gồm 3 tổng, 70 xã. Huyện Mộ Hoa (2) gồm 3 tổng, 53 xã. Phủ nằm trong trấn Quảng Nam, thượng du bao bọc bởi núi, hạ lưu giáp biển, địa thế rộng rãi. Thời Thái Vương cai trị, cải thành 3 huyện thuộc Quảng Ngãi, vật lực giàu có, lúa ngũ cốc không biết bao nhiêu mà kể. Vàng, bạc, châu báu, trầm hương, tốc hương rất tốt đẹp. Voi ngựa súc vật có nhiều, ngoài biển có hải đảo cảnh vật u nhã.


Bãi Hoàng Sa


Xã thôn An Vĩnh thuộc huyện Bình Sơn gần biển, phía đông bắc ngoài biển có nhiều đảo. Núi đảo trùng điệp, có đến hơn 130 ; các đảo cách nhau bởi biển hoặc một ngày đường hoặc mấy canh, dưới núi có suối nước ngọt. Trong các đảo này có bãi Hoàng Sa, dài khoảng 30 lý, bằng và rộng rãi, nước trong tận đáy, trên đảo yến nhiều vô số, chim có đến hàng ngàn hàng vạn, thấy người vẫn quây quần không tránh. Bên bờ các vật lạ rất nhiều, có loại ốc hoa văn tên là ốc tai tượng to như chiếc chiếu, trên bụng có hạt cườm bằng đầu ngón tay, màu đục không bằng ngọc trai, vỏ có thể tạc thành bia, có thể chế thành vôi sơn quét ; có loại ốc xà cừ làm đồ trang sức rất tốt đẹp, có loại ốc hương thịt có thể muối ăn, đồi mồi trên đảo khá lớn, có loại tên hải ba, vỏ mỏng có thể làm khí mãnh trang sức, trứng bằng đầu ngón tay lớn ; lại có loại tên hải sâm tục gọi là đột đột, bơi lội bên cạnh các đảo, đánh bắt được đem xát qua bằng vôi, bỏ ruột, phơi khô ; lúc ăn tẩm với tương cua đồng, ăn cùng với tôm, thịt rất tốt. Các thuyền buôn phần lớn gặp nạn tại đây.

Các triều vương trước (chúa Nguyễn) đặt đội Hoành Sa 70 người, dùng người xã An Vĩnh luân phiên đi. Hàng năm vào tháng 3 nhận chỉ thị sai đi, mang 6 tháng lương, dùng thuyền nhỏ 5 chiếc, trương buồm xuất dương, 3 ngày 3 đêm đến đảo ; tại đây mặc tình đánh bắt cá ăn, được đồ quý khí vật trên thuyền rất nhiều, lại lấy được hải sản rất nhiều. Ðến tháng 8 trở về, vào cửa Eo để đến thành Phú Xuân.


aj


DỊCH NGHĨA



Hoàng Việt Ðịa Dư Chí


Trước tác vào năm Minh Mệnh thứ 14 [1833]

Khắc in vào năm Nhâm Thân [1872], tại Ðê Ngạn [Sài Gòn] do Hoà Nguyên Thịnh phát hành





ak



DỊCH NGHĨA


Tự

Sách Hoàng Việt Ðịa Dư là của quý tàng trữ, không dễ mà được xem ; tôi từng hâm mộ sách này nhưng chưa có dịp đọc. May bấy giờ có đại quan Phú Lang Sa [Pháp] Lư Công Ðốc yêu thích sách của Nam triều, mua được từ Bắc Kỳ, lúc trở về bèn đưa cho tôi xem. Tôi xem lần đầu, như tìm được của quý, đọc từ từ mới biết đây vật quý tàng trữ trên đời, chắc mọi người đều có lòng nghĩ như vậy. Tôi được xem và biết đây là bảo vật, nếu lại cất giấu một lần nữa, thì mọi người không biết đây là của quý ; bèn thay mặt đem khắc in phát hành. Sau này ai được đọc, đều biết đây là do lòng tốt của Lư Công mới có được.

Ngày thượng hoán (1), tháng 12, năm Nhâm Thân [1872] ; Duy Minh Thị tại Phượng Du lý, thành Gia Ðịnh cẩn thận viết bài tự.



LỜI NGƯỜI DỊCH


Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí là một công trình lớn về lịch sử của Phan Huy Chú, gồm 49 quyển, sách chia làm 10 loại :

1. Dư địa chí.

2. Nhân vật chí.

3. Quan chức chí.

4, Lễ nghi chí.

5. Khoa mục chí.

6. Quốc dụng chí.

7. Hình luật chí.

8. Binh chế chí.

9. Văn tịch chí.

10. Bang giao chí.

Học gỉả Trần Văn Giáp đem so thiên Dư Ðịa Chí trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí với Hoàng Việt Dư Ðịa Chí của cùng một tác giả, thấy đại thể như nhau ; như vậy có thể tác gỉả đem thiên Dư Ðịa Chí in thành sách riêng, để cho những người quan tâm về môn địa lý tiện bề tham khảo. Bởi vậy người đọc không lấy làm lạ, khi xem hai đoạn trích dẫn về quần đảo Hoàng Sa nêu trên, hai sách chép tương tự như nhau. Ngoài ra cũng cần lưu ý, dưới thời Tự Ðức, giai đoạn Ðồ Phổ Nghĩa (Dupuis) gây rối tại miền Bắc nước ta [1872], thì có một viên quan Pháp tên Lư Công Ðốc ra bắc, tìm mua được tại Bắc Kỳ sách Hoàng Việt Dư Ðịa Chí bản in năm Minh Mệnh thứ 14 [1833], rồi cho tái bản tại Ðê Ngạn [Sài Gòn]. Ðiều này chứng tỏ đối với sách địa lý, thì người người yêu nước và kẻ lăm le cướp nước đều muốn tham khảo ; như mới đây cuốn sách Ðất Nước Việt Nam Qua Các Ðời của Học gỉả Ðào Duy Anh, được Bắc Kinh dịch với nhan đề Việt Nam Lịch Ðại Cương Vực, người dịch là Chung Dân Nam, dưới nhan đề sách có ghi lời mở ngoặc “ Lưu hành nội bộ ” !


Chú Thích


1. Thượng hoán : xưa một tháng chia làm 3 kỳ, 10 ngày đầu là thượng hoán, 10 ngày giửa là trung hoán, 10 ngày cuối là hạ hoán.


(Còn tiếp)



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss