Tự tìm hiểu lịch sử : 160 năm Pháp đánh Đà Nẵng
Tự tìm hiểu lịch sử :
160 năm Pháp đánh Đà Nẵng, những câu hỏi cũ về lịch sử Pháp Việt đụng độ và vài lời bàn...
Như đa số “người Việt trung bình” (ở miền Nam trước 1975), tôi được học sử Việt Nam qua quyển Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim. Về thời kỳ Pháp muốn biến thành thuộc địa nước Đại Nam - tên nước Việt Nam hồi triều Nguyễn - tôi vẫn nhớ những kết luận của các thầy Việt sử, “Nhà Nguyễn hủ lậu quá để mất nước”, “Pháp quá mạnh về quân sự”, “Pháp chiếm thành Hà Nội chỉ cần 200 lính”, “Giá như mình biết canh tân như Nhật thì đánh đuổi được Pháp ngay”, “Tiếc quá cho nước mình, Nguyễn Trường Tộ giỏi như vậy mà không được Tự Đức nghe”…. Sau này sang Pháp được một số “chuyên gia” giảng cho nghe thêm về băn chất “phong kiến phản động của nhà Nguyễn” đối lập với “tính cách tiến bộ” của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ bách chiến bách thắng, đánh bại từ phong kiến chúa Nguyễn, quân Xiêm La sang cứu Nguyễn Ánh cho đến quân Mãn Thanh do Lê Chiêu Thống “cõng rắn cắn gà nhà”.... Rồi trong đầu cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ, “giá mà... thì nước mình...”. Thời gian trôi qua, một số sử gia Việt, Pháp, Nhật có nghiên cứu về đề tài này lần lượt cho xuất bản nhiều cuốn sách mang đến cái nhìn mới, sâu, có dẫn chứng tư liệu văn khố, có tranh luận, có xét lại..., giúp “người Việt trung bình” như tôi hiểu rõ thêm những ngõ ngách của lịch sử, những nguyên nhân đa chiều của một sự kiện, những cuộc lỡ hẹn với lịch sử và hậu quả của nó.... Hiểu rõ hơn để thoát khỏi những ước vọng không tưởng, để “rút lấy bài học cho tương lai”, bài học của sự tỉnh táo, lòng khiêm tốn, óc cởi mở biết lắng nghe, chịu khó học hỏi để sáng tạo và đi tới.
Bài viết “tự tìm hiểu lịch sử” này (chứ không phải bài sử chuyên nghiệp) dựa vào tài liệu của bốn cuốn sách : Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim, 1921, tái bản nhiều lần), Việt Nam thời Pháp đô hộ (Nguyễn Thế Anh, 1970), L’empire vietnamien face à la France et à la Chine (Yoshiharu Tsuboi, 1987), Nguyễn Trường Tộ, Con người và Di thảo (Trương Bá Cần, 1988), và bài viết Giấc Mộng chưa thành (Vĩnh Sính, 1991).
Paris những ngày nóng “sôi bỏng” đầu tháng 8, 2018
Hậu Hiền
-
Ngày 31/8/1858 Liên quân Pháp I pha nho do Rigault de Genouilly cầm đầu đánh Đà Nẵng, vây thành trong vòng mấy tháng rồi phải rút lui.
Hải quân Trung tướng Rigault de Genouilly dẫn 14 tàu chiến chở hơn 3000 quân Pháp và I pha nho tấn công Đà Nẵng, chiếm được hai hải thành An Hải và Tôn Hải. Vua Tự Đức sai quan Kinh Lược sứ Nguyễn Tri Phương ra chống chọi với Pháp, đắp lũy dài Liên Trì rồi chia quân phòng giữ. Rigault de Genouilly không tiến đánh Huế được, chờ không thấy dân bên đạo nổi lên đánh giúp như các giáo sĩ Pháp hứa hẹn, lại bị bệnh dịch tả làm chết nhiều quân sĩ. Được mấy tháng, ông thấy tình hình không thuận lợi đành phải rút khỏi Đà Nẵng chuyển về đánh Gia định là đất giàu có, dễ lấy hơn.
Lời bàn : Tôi không ngờ là ngay trận đánh lớn đầu tiên với Việt Nam, Pháp tuy không bị đánh bại nhưng đã phải rút lui, Nguyễn Tri Phương còn cho quân sĩ tổ chức ăn mừng ! Quân đội nhà Nguyễn không đến nỗi tệ như mình đã học... nhưng mà khoan, đừng “gáy” vội, chờ xem hạ hồi phân giải !
-
Ngày 17/2/1859 hạm đội Pháp đánh chiếm thành Gia định nhanh chóng trong vòng hai ngày, sau đó phải rút phần lớn sang đánh Tàu ; Nguyễn Tri Phương với một vạn quân cũng không lấy lại được thành Gia định
Quân nước Nam có nhiều binh khí (200 đại bác) nhưng quân lính không luyện tập, thiếu sức chiến đấu. Trên thế thắng, Rigault de Genouilly muốn điều đình với triều đình Huế, chỉ đòi tự do theo đạo và giảng đạo, tự do buôn bán, đặt sứ thần, không (chưa) nhắc gì đến chuyện nhường đất nhưng triều đình Huế từ khước vì không có chính sách ngoại giao rõ ràng và nghĩ rằng Pháp đang ở thế yếu cho nên muốn thương thuyết.
Vua Tự Đức (1829-1883)
Đến tháng 8/1860, Pháp rút phần lớn lực lượng sang đánh triều đình nhà Thanh với quân Anh ở mạn Hoàng Hải, chi để lại 1000 quân lính ở Gia định. Thừa dịp này, Nguyễn Tri Phương theo lệnh vua Tự Đức mang 10000 quân vào đánh Gia Định, nhưng vì quân sĩ không luyện tập, vũ khí lỗi thời (đại bác nạp tiền bắn 10 phát chưa trúng một phát trong khi Pháp có súng nạp hậu chính xác) chỉ biết đào hầm để thủ, không có khả năng tấn công. Tuy vậy cũng xây được tuyến phòng thủ Kỳ Hoà (Chí Hoà), một trong những kỳ công quân sự lớn nhất của triều đình Huế.
Lời bàn : Có thể suy ra là Đà Nẵng được phòng thủ kiên cố - từ đời Minh Mạng - vì đây là đường vào kinh đô Huế. Nhiều sử gia hoặc sĩ quan Hải quân Pháp đã nhận xét nước Đại Nam thời Minh Mạng là nước hùng mạnh nhất Đông Nam Á và nếu Pháp đánh bại được Đại Nam là Pháp lập được công không nhỏ. Nhưng đến đời Tự Đức, vì lý do tài chính (?), quân đội, vũ khí xuống cấp một cách nhanh chóng trong khi sức ép của Pháp tăng lên rất nhiều. Vấn đề này, Trần Trọng Kim có nhận xét nhiều lần nhưng chưa thấy phân tích rõ nguyên do.
-
1/61 : Đô đốc Charner kéo 70 tàu chiến và 3500 quân về Gia Định đánh chiếm đồn Kỳ Hoà trong vòng hai ngày, sau khi ký Hoà ưóc với nhà Thanh ; nghĩa quân đánh du kích làm quân Pháp bị khó khăn ; Nguyễn Trường Tộ gửi “hoà từ” cho triều đình
Nguyễn Tri Phương rút về Biên Hoà, Charner hạ thành Mỹ Tho (Định Tường). Đến đây Charner hoãn binh để tổ chức việc cai trị, đề nghị hoà đàm với các đòi hỏi tương đối nhẹ giống như Rigault de Genouilly năm 1859. Nguyễn Trường Tộ gửi cho triều đình một bản “hoà từ” chủ trương tạm hoà với Pháp để dưỡng quân và củng cố lực lượng. Triều đình do dự không quyết định về chủ trương đánh hay hoà. Trong khi đó, nghĩa quân ở Gia Định và Định Tường như Trương Định, thiên hộ Dương, Nguyễn Hữu Huân (Thủ khoa Huân), Võ Di Nguy,... nổi lên dùng lối đánh du kích tuy không đánh bại quân Pháp nhưng gây nhiều khó khăn cho họ.
Nguyễn Trường Tộ là người Thiên Chúa giáo giỏi chữ Hán từ nhỏ, đến năm 18 tuổi mới học tiếng Pháp với các giáo sĩ thừa sai. Được Pháp mời công tác từ 1859 nhưng ông từ chối, ông chỉ nhận làm phiên dịch cho Pháp trong lúc hoà đàm với triều đình Huế, nhưng ông từ chức lúc Bonard mở rộng cuộc chiến đánh chiếm Biên Hoà.
Lời bàn : Bắt đầu từ thành
Gia định, quân Pháp chỉ cần hai,
ba ngày là chiếm được một
thành, dù triều đình Huế cũng
dồn nhiều lực lượng, quân sĩ,
vũ khí, xây thành lũy... Nhưng
Pháp lại bị khó khăn khi phải
đương đầu với lối đánh
du kích của nghĩa quân, điều này
không được triều đình lưu
tâm. Đến năm 1861, tình hình quân
sự chưa hoàn toàn nghiêng về
phía Pháp.
-
12/61 đến 5/62 : Bonard thay Charner đánh chiếm Biên Hoà và Vĩnh Long, tháng 5 /62, hoà ước Nhâm Tuất nhường ba tỉnh miền Đông cho Pháp
Đầu năm 1862, Charner chiếm Biên Hoà, Vĩnh Long, nhưng các đồn Pháp vẫn bị tấn công thường xuyên, tình trạng bất ổn. Cuối năm 1861 Nguyễn Trung Trực vẫn có thể đốt cháy pháo hạm Esperance của Pháp. Trong vòng ba năm rưỡi tham chiến (8/58 – đầu 62), thiệt hại của Pháp lên đến 2000 người.
Tuy vậy, triều đình Huế lại sai Phan Thanh Giản và Lâm Duy Tiếp vào Gia định ký Hoà ước Nhâm Tuất (5/1862) nhường đứt ba tỉnh Gia Định, Biên Hoà, Định Tường cho Pháp, cho tự do hành đạo và giảng đạo, tự do buôn bán ở ba cửa biển, trong đó có Đà Nẵng. Hai lý do giải thích thái độ ôn hoà của Tự Đức : tình hình rối loạn lan rộng ở Bắc kỳ với loạn Lê Duy Phụng và tình hình thiếu lương thực ở Huế do thóc gạo Nam kỳ bị Pháp phong tỏa.
Hoà ước này, ngoài việc nhường đất cho Pháp, công nhận quyền tự do tín ngưỡng, tự do mậu dịch và thông thương trong ba hải cảng và triều đình Huế phải bồi thường 3 triệu lạng bạc.
Trong cả hai bên, đều có những phe chống đối :
- Phía Pháp, phe giáo sĩ không hài lòng việc Tự Đức còn quyền hành trên toàn lãnh thổ, phe quân đội cho rằng lãnh thổ được nhường quá hẹp
- Phía kháng chiến quân Nam kỳ trách triều đình nhượng bộ trong khi thực lực của Pháp đã suy yếu nhiều do cuộc chiến tranh du kích
Đối
với chính phủ Pháp và đô
đốc Bonard, hoà ước cho phép quân
đội nghỉ ngơi khi Pháp không
còn hy vọng thắng
nhanh ở Nam kỳ. Đối
với Tự Đức, nhà vua không thể
tiếp tục chiến tranh vì tình hình
nội bộ không cho phép và ông
nghĩ Pháp không nghĩ chuyện chiếm
giữ lâu dài đất đai và sẽ
trả lại ba tỉnh sau khi triều đình
thanh toán bồi thường chiến tranh cũng
như chính phủ Anh đã trả lại
Quảng Đông cho nhà Thanh.
Lời bàn : Tình hình quân sự lúc hoà ước 1862 được ký vẫn chưa ngã ngũ, đây như là một tạm ước đình chiến cho phép hai bên lấy sức chờ hiệp sau, Pháp thì vẵn chưa dứt khoát trong chiến lược lấy Nam kỳ làm thuộc địa, triều đình Huế vẫn mong Pháp không ở lại lâu dài.
-
6/63 - 7/64 : Phan Thanh Giản sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông và ký hoà ước mới nhưng gặp sự chống đối của phe « thuộc địa », Nguyễn Trường Tộ viết điều trần
Từ cuối 1862 Tự Đức đã có ý xét lại hoà ước Nhâm Tuất vì Gia Định là đất “khai nghiệp” của các chúa Nguyễn và quê ngoại của ông. Ông quyết định gửi một phái đoàn sang Pháp để chuộc lại ba tỉnh, phái đoàn sẽ khởi hành tháng 6/63 với Phan Thanh Giản làm trưởng đoàn, có Trương Vĩnh Ký làm thông dịch.
Tháng 5/63, Nguyễn Trường Tộ, đang ở Sài Gòn lúc đó, thảo ba văn bản đầu tiên gửi triều đình và tiếp xúc với phái đoàn Phan Thanh Giản đang chờ tàu đi Pháp :
- Tế Cấp Bát Điều : Tám việc phải làm ngay để canh tân, tự lực, tự cường phát triển đất nước trong đó có những điểm quan trọng về quốc phòng và ngoại giao rút từ thực tế sự yếu kém của quân đội Đại Nam và sức mạnh vũ khí của Pháp (mua vũ khí, gửi học sinh ra nước ngoài, khai thác tiềm năng đất nước, giao thiệp với Châu Âu,...)
- Giáo môn luận, kêu gọi triều đình có chính sách bao dung đối với người Công giáo, bớt thù trong khi đang có giặc ngoài.
- Thiên Hạ Phân Hợp Đại Thế Luận : bài “bàn về việc hoà”, nhắc lại chủ trương tạm hoà, nhượng bộ Pháp kể cả về đất đai để có thời gian tu chỉnh võ bị, canh tân phát triển đất nước, để sau thời gian đó nước Nam sẽ đủ mạnh để đương đầu với Pháp, và đòi lại đất đã mất.
Từ đầu năm 1861 đến đầu năm 1866, ông đã gửi 11 văn bản mà không được phúc đáp.
Phan Thanh Giản (1796-1867) và Nguyễn Trường Tộ (1830-1871)
Đến Pháp 8/63, Phan Thanh Giản được chính phủ Pháp hứa sẽ chỉnh sửa hoà ước có lợi cho nước Nam, ông có dịp đi đây đi đó quan sát tìm hiểu cách tổ chức của Pháp trong các lãnh vực tài chính, quân sự, giao thông...
Về phía Pháp, Gabriel Aubaret, một sĩ quan Hải quân đã phục vụ ở Nam kỳ, được giao làm một bản điều trần bí mật trong đó ông nêu rõ những khó khăn nếu Pháp cai trị trực tiếp Nam kỳ và đề nghị trả lại ba tỉnh, chỉ giữ Sài gòn, Mỹ Tho và Vũng Tàu và đặt nền bào hộ trên toàn Nam kỳ. Pháp Hoàng tán thành chủ trương này trong khi phe Hải Quân (Chasseloup-Laubat, Rigault de Genouilly, de la Grandière) thì chống vì quyền lợi cục bộ của Hải quân.
Theo Lê Thanh Tường (tác giả một cuốn sách về Phan Thanh Giản xuất bản năm 1938) được Y. Tsuboi trích dẫn, tháng 3/64 sau gần một năm sang Pháp và Tây Ban Nha thương thuyết, Phan Thanh Giản trình vua Tự Đức nhiều đề nghị cải cách táo bạo : ký một hiệp ước hoà bình hữu nghị với Pháp, mở cửa các hải cảng cho các tàu buôn ngoại quốc, gửi sinh viên du học ở các nước văn minh, thay đổi cách tổ chức chính quyền theo gương của Pháp, nâng cao trình văn hóa của người dân, điều kiện tối hậu cho sự hùng cường của nước nhà. Tự Đức không lưu tâm đến những đề nghị này tuy nó xuất phát từ một vị quan đại thần trung thành với triều đình, cũng từ cửa Khổng sân Trình mà ra chứ không phải từ một người theo đạo như Nguyễn Trường Tộ. Ông bày tỏ nỗi thất vọng qua nhiều bài thơ nói đến sự khâm phục văn minh phương Tây và nỗi lo âu của ông về vận mệnh nước nhà, nếu không mau mau thay đổi tiến bộ thì tương lai nước mình nó sẽ đi về đâu ? Mặc dù ông đã hết sức cố gắng, không ai tin những gì ông nói, ông kể lại.
15/7/1864 : Gabriel Aubaret và
Phan Thanh Giản ký
hoà ước mới trả lại ba tỉnh
miền Đông cho nước Nam với điều
kiện được chính phủ Pháp
chấp thuận. Nhưng dưới áp lực
của phe « thuộc địa »
gồm báo chí Thiên Chúa Giáo,
báo chí Hải quân, các phòng
thương mại, giới doanh nhân, đô
đốc de La Grandière, bộ trưởng
Chasseloup-Laubat, chính phủ Pháp quyết
định không duyệt hoà ước mới
này. Hy vọng chuộc lại ba tỉnh Nam kỳ
tan theo mây khói. Aubaret sau này bày tỏ
sự cay đắng và sự xấu hổ
của mình khi viết “ Người An Nam
không muốn sống dưới sự đô
hộ của Pháp và không còn tin
vào lời hứa của chính phủ Pháp
nữa”. Lúc này ý chí của
phe này muốn biến cả Nam kỳ thành
thuộc địa của Pháp đã rõ.
Lời bàn : Những năm 1863-64, trong khi Tự Đức chỉ nghĩ đến việc lấy lại ba tỉnh miền Đông đã mất, không nhìn thấy gì xa hơn, thì hai người, từ hai vị trí khác nhau, Nguyễn Trường Tộ một chí sĩ yêu nước, theo đạo, đứng ngoài bộ máy và Phan Thanh Giản, quan đại thần của triều đình, đã lập nhiều công lớn dưới mấy triều vua, đều đưa ra những đề nghị cải cách, canh tân giống nhau để cứu nước đang bị nguy cơ Pháp xâm chiếm. Những cuộc tiếp xúc giữa Nguyễn Trường Tộ và phái đoàn Phan Thanh Giản ở Sài Gòn và chuyến đi Pháp của Phan Thanh Giản đã có kết quả là cái nhìn của hai ông về tình hình đất nước càng gần nhau hơn. Hai ông đều thấy rõ tham vọng thực dân lâu dài của Pháp nhưng cũng biết điểm yếu của họ là việc dư luận Pháp ngán ngẩm những cuộc chiến tranh phiêu lưu ở xa, hao tốn ngân sách, dân phải trả nhiều thuế..., cho nên các chính quyền Pháp không thể chủ trương đánh “gấp” chỉ dùng vũ lực trong thời gian ngắn, mà phải đánh “hoãn” từ từ, từng bước, thương lượng với địch thủ. Khai thác điểm yếu này, nước Đại Nam có thời gian để củng cố lực lượng, đến lúc Pháp muốn ra tay xâm chiếm nước nhà, lực lượng nước Nam sẽ đủ mạnh để Pháp phải gờm mặt, chọn giải pháp hợp tác có lợi hơn là giải pháp chiến tranh. Tiếc thay tầm nhìn xa và sáng suốt này vượt khỏi khuôn khổ suy nghĩ truyền thống cứng nhắc của Tự Đức và các quan lại triều đình, họ không chịu thức tỉnh để lấy quyết định “canh tân để cứu nước”. Một cơ may lớn cho đất nước đã bị triều đình nhà Nguyễn đánh mất.
-
15/6/1867 : thống đốc Nam kỳ de la Grandière kéo 1000 quân chiếm ba tỉnh miền Tây Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên mà không cần bắn một phát súng sau khi điều đình nhiều lần không xong để được triều đình Huế nhường ba tỉnh miền Tây ; Phan Thanh Giản tự tử
Sau khi phá hỏng cuộc thương thuyết để trả lại miền Đông, phe “thuộc địa”ráo riết chuẩn bị việc chiếm trọn Nam kỳ, tức là chiếm nốt ba tỉnh miền Tây. Do tình hình bên Âu Châu có khó khăn lớn giữa Pháp và Phổ, và kinh nghiệm phải mất bốn năm mới chiếm được ba tỉnh miền Đông, chính phủ Pháp ra lệnh cho thống đốc Nam kỳ phải từ bỏ ý định chiếm ba tỉnh miền Tây.
De la Grandière, sau khi đưa ra nhiều đề nghị để triều đình Huế nhường ba tỉnh miền Tây như miễn một nửa chiến phí bồi thường, bảo vệ triều đình chống nội loạn, giặc biển, v… v… mà không được triều đình chấp nhận, lấy quyết định dùng vũ lực với một kế hoạch định trước ranh giới các tỉnh sẽ chiếm và tuyển chọn các nhân viên hành chánh người An Nam.
Trong vòng bốn ngày (20 đến 24/6/67), Pháp chiếm Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên mà không mất một binh sĩ, không tốn một viên đạn. Có nhiều lý do giải thích sự thất bại mau chóng của quan quân Đại Nam :
- Quan giữ thành tưởng tàu Pháp đi thám sát trên sông, đến lúc Pháp đánh bất ngờ không kịp trở tay ;
- Phan Thanh Giản, lúc đó là Kinh Lược sứ bảo vệ ba tỉnh Nam kỳ còn lại, biết rõ thế lực quân lính nước Nam rất yếu trước vũ khí tối tân của Pháp, đã ra lệnh mở cửa thành để tránh đổ máu vô ích. Nhận trách nhiệm của sự thất bại này, ông tuyệt thực 17 ngày, trước khi uống thuốc độc tự tử ngày 4/8/67 tại Vĩnh Long.
- Quan địa phương chỉ lo giữ thành quách mà không biết tổ chức đánh du kích làm hao tổn binh lực Pháp
Tháng 1/68, một dự thảo hiệp ước
thay thế hoà ước 1862 được
soạn thừa nhận lục tỉnh chuyển
nhượng cho Pháp nhưng không được
chính thức ký kết do tình hình
nội bộ Pháp và Âu Châu căng
thẳng. Tình trạng này kéo dài
đến năm 1874.
Lời bàn : Sự trì trệ của triều đình Huế, chỉ nghĩ đến chuyện chuộc ba tỉnh miền Đông, mà không lo chuẩn bị những bước sau, lúc Pháp đánh chiếm cả Nam kỳ đã dẫn đến kết quả tất yếu là cán cân lực lượng càng nghiêng nhiều hơn về phía Pháp, và Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây thật dễ dàng trong vòng bốn ngày trong khi phải cần bốn năm mới chiếm ba tỉnh miền Đông. Nhưng sự thất bại nặng nề lần thứ hai này vẫn chưa làm cho triều đình tỉnh ngộ, Tự Đức vẫn chỉ viết thư phản đối mà không có kế hoạch nào lấy lại thế công.
-
7/1870 – 1/1871 : Pháp thua trận bị Phổ chiếm đóng, triều đình Huế không dám lợi dụng thời cơ phản công ở Nam kỳ theo điều trần « đánh úp » của Nguyễn Trường Tộ, ông mất năm 1871 thọ 41 tuổi.
Tháng 7/1870 chiến tranh bùng nổ giữa Pháp và Phổ, thống đốc Nam kỳ thay de la Grandière tổ chức phòng thủ sông Sài Gòn đề phòng triều đình Huế thừa cơ tấn công hay ra lệnh Lục Tỉnh nổi loạn. Đến khi quân Pháp đại bại ở Sedan tháng 9/70, triều đình Huế vẫn án binh bất động, chỉ tỏ lòng mong muốn quân Pháp rút khỏi Nam kỳ để về Pháp cứu vãn tổ quốc lâm nguy.
Có một người có óc nhạy bén trước tình hình là Nguyễn Trường Tộ. Được tin Pháp thất trận, Phổ chiếm đóng và Pháp hoàng Nã Phá Luân đệ tam bị truất phế, ông liên tiếp gửi thư cho triều đình đề nghị lập lãnh sự ở Gia định và sứ quán ở Pháp để nắm tình hình và xin được vào Gia Định tổ chức đánh úp thu hồi lại sáu tỉnh Nam kỳ bằng cách liên minh với quân nổi loạn Cao Miên và với các nước Anh, Thái Lan, Tây ban nha.
Triều đình không gạt bỏ ngay đề nghị táo báo này, thấy rõ là một cơ hội có một không hai nhưng không lường được sức lực của quân lính mình và tài năng quân sự của Nguyễn Trường Tộ, hậu quả xấu như thế nào nếu cuộc phản công thất bại. Ông được gọi về Huế để bàn luận với Cơ mật viện cả mấy tháng trời nhưng không có kết quả, không có một quyết định nào được đưa ra cho đến lúc nước Pháp ký hoà ước đình chiến với Phổ đầu năm 1871 và dần dần khôi phục được sức mạnh.
Lời bàn : Một cơ hội “trời cho” khi Pháp bị Phổ đánh bại không được triều đình Huế giành lấy. Đây không phải là công việc canh tân dài hơi cần nhiều thời gian như Nguyễn Trường Tộ và Phan Thanh Giản đã đề nghị mà là chuyện phải quyết định thật nhanh để địch thủ đang trong tình thế khốn đốn không thể trở tay kịp. Ở thời điểm này, triều đình lẽ ra phải biết rõ quyết tâm của Pháp chiếm Nam kỳ và có thể cả toàn nước Đại Nam, chính sách ngoại giao mềm mỏng không làm cho Pháp nhân nhượng và chỉ có cơ hội duy nhất để lật lại cán cân lực lượng là phản công đánh úp với sự hỗ trợ của các nước khác. Tự Đức và triều đình Huế vẫn không ý thức được tình trạng cực kỳ nguy khốn của đất nước mà vẫn mơ tưởng về việc Pháp sẽ tự động trả lại Nam kỳ trong lúc lãnh thổ của họ bị Phổ xâm chiếm. Họ để mất cơ hội cứu nước cuối cùng trước khi toàn bộ Đại Nam rơi vào tay Pháp.
-
10/73 – 3/74 : Francis Garnier cùng Jean Dupuis chiếm thành Hà Nội trong vòng một giờ với mấy chiếc tàu con và 170 lính, Nguyễn Tri Phương chỉ huy Hà Nội bị bắt, nhịn ăn mà chết ; Paul Philastre ra Hà Nội giải quyết « vụ Garnier » ; hoà ước Nhâm Tuất ký 15/3/1874
Sau hoà ước tháng 2/1871 ký giữa Pháp và Phổ, Pháp phải chịu mất nhiều lãnh thổ ven biên (Alsace Lorraine, một phần Meurthe và Moselle) và phải trả chiến phí 5 tỷ quan cho đến tháng 9/1873. Do đó chính phủ Pháp hoàn toàn không có ngân sách và quân đội để mở rộng thêm lãnh thổ đã chiếm được ở Nam kỳ, thống đốc Nam kỳ lúc đó là đô đốc Dupré được nhắc nhở không được liên lụy ở Bắc kỳ vì bất cứ lý do nào. Nhưng Dupré vẫn theo đuổi mục tiêu của phe « thuộc địa » gồm sĩ quan Hải Quân, giới thương gia và giới giáo sĩ là chiếm Bắc kỳ để thiết lập tự do thông thương và củng cố sự cai trị của Pháp ở Nam kỳ, mà không cần viện trợ, chỉ dựa vào sức của lực lượng ở Nam kỳ.
Dupre dùng lá bài Jean Dupuis để thực hiện đường lối riêng của mình : cuối 1872, Dupuis đi ngược dòng sông Nhị từ cửa bể đến tỉnh Vân Nam buôn bán vũ khí và thiếc một cách phi pháp, gặp phải sự ngăn chặn của quan Hà Nội, ông cầu cứu Dupré trong khi triều đình Huế kêu gọi Dupré can thiệp để buộc Dupuis phải rời khỏi Hà Nội. Dupré ra lệnh đại úy Francis Garnier mang quân ra Hà Nội cùng quan khâm sai Huế để giải quyết vấn đề. Garnier được lệnh ngầm của Dupré lại ủng hộ Dupuis và đòi hỏi chính quyền Hà Nội phải để tự do thông thương trên sông Nhị. Nguyễn Tri Phương lúc đó là Khâm mạng Đại thần có toàn quyền quyết định ở Băc Kỳ một mực từ chối và cho niêm yết những bản cáo thị nói rõ mục đích chính thức của Garnier là gì. Garnier quyết định dùng võ lực và ngày 20/11/1873 hạ thành Hà Nội chỉ trong một tiếng đồng hồ với 200 lính trước 700 quân Nam tinh nhuệ từ Huế ra, Nguyễn Tri Phương bị thương nhịn ăn mà chết một tháng sau. Garnier hạ thành Ninh Bình chỉ cần 7 lính. Các thành Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương cũng bị chiếm dễ dàng, quan quân Bắc kỳ như không có người chỉ huy sau cái chết của Nguyễn Tri Phương, tan rã bỏ chạy trước lính Tây. Đầu 1874 Garnier bị giặc Cờ Đen giết ở Cầu Giấy.
Từ trái sang: Paul de la Grandiere (1807-1876), Jules Ferry (1832-1893) và Paul Philastre (1837-1902)
Thấy tình hình đã đi quá xa, Dupré phái Philastre đi ngay ra Hà Nội cùng quan phó sứ Nguyễn Văn Tường. Được chỉ thị tái lập bang giao tốt với triều đình Huế và tự mình là người có lòng tôn trọng văn hóa, thể chế Đại Nam, Philastre làm hết sức mình để giải quyết hậu quả do Garnier gây ra, gạt bỏ các lý luận của Dupuis, giám mục Puginier và các sĩ quan Pháp, trả lại các thành cho quan Nam, rút tàu bè và quân lính Pháp về Hải Phòng trước khi về Sài gòn.
Ông được Dupré thăng Officier de la Légion d’Honneur trong khi các sĩ quan trẻ theo Garnier hay Giám mục Puginier và những người chủ trương can thiệp vào Bắc kỳ coi ông là kẻ phản bội, nhất là ông lại biết tiếng Việt, ông bị dèm pha là « An nam mít còn hơn bọn quan lại ».
Paul Philastre là một sĩ quan Hải Quân Pháp được bổ nhiệm thanh tra Bản Xứ Vụ (Affaires Indigenes) năm 1861 khi Charner bắt đầu đặt nền móng bộ máy cai trị của Pháp ở Nam kỳ. Ông là mẫu người hoàn toàn khác các sĩ quan Hải quân khác, ông nói được tiếng Việt – chắc là học mấy giáo sĩ Hội Thừa sai Paris – biết chữ Hán, có lòng tôn trọng văn minh của người Á Đông. Ông là người đầu tiên dịch Kinh Dịch ra tiếng Pháp và bộ luật Gia Long.
Biến cố này thúc đẩy Tự Đức ký Hoà ước Nhâm Tuất 1874 thay thế hoà ước 1862 thừa nhận chính thức việc nhường lục tỉnh Nam kỳ cho Pháp, tự do thông thương trên sông Nhị, tuy công nhận trên giấy tờ chủ quyền vua nhà Nguyễn và sự độc lập của nước Nam nhưng kỳ thật qua nhiều cách thức, Pháp tự cho quyền kiểm tra chính sách ngoại giao thương mại của nước Nam. Có thể nói, với hoà ước này, nước Đại Nam đã mất độc lập trên thực tế.
Lời bàn : Ba năm sau việc triều đình Huế để
mất cơ hội đánh úp Pháp
lấy lại Nam kỳ thừa lúc Pháp
thua trận Phổ, tình hình không thể
nào xấu hơn cho Đại Nam. Tự Đức
dường như không biết lợi dụng
thời gian Pháp yếu thế để rút
kinh nghiệm những thất bại qua để
củng cố lực lượng, trang bị vũ
khí hiện đại, luyện tập hậu
đãi binh lính chuẩn bị cho việc
Pháp trước sau gì cũng sẽ mở
rộng địa bàn hoạt động ra
Bắc. Nguyễn Tri Phương là “tổng
chỉ huy” quân lực Đại Nam, ông
được Tự Đức hoàn toàn
tin cậy, ông rất được lòng
quân sĩ, dân chúng, là người
có khả năng quy tụ được phần
lớn các tầng lớp quân dân chống
lại Pháp, nhưng ông có tư tưởng
rất bảo thủ về quân sự, ông
từ chối học hỏi cách tổ chức
quân đội theo kiểu Pháp (điều
mà Phan Đình Phùng làm sau này
ở Hà Tĩnh) và không làm gì
để hiện đại hóa vũ khí
cá nhân cổ lỗ, súng thần công
cũ kỹ. Cái chết của ông là
một thiệt hại lớn cho Tự Đức,
nó báo hiệu sự phá sản hoàn
toàn của đường lối đấu
tranh quân sự, chính trị thụ động,
bảo thủ, chậm trễ cả hàng chục
năm với thời đại của các
nước Tây Phương đi tìm thuộc
địa. Nguyễn Trường Tộ, Phan Thanh
Giản từ mười năm trước đã
cảnh báo về những điều sẽ
xẩy ra nếu không canh tân quân đội,
kinh tế, giáo dục.
-
1875 - 1884 : Henri Rivière hạ thành Hà Nội lần thứ hai (1882), Pháp can thiệp sâu vào Bắc kỳ, Hoà ước Harmand ký ngày 25/8/1883 (Quý Mùi), quân Đại Nam, quân nhà Thanh bị Pháp đánh bại, hoà ước Patenôtre ký ngày 6/6/1884 (Giáp Thân) thiết lập nền bảo hộ của Pháp trên nước Đại Nam.
Trong những năm 1875 đến 1882, dư luận ở Pháp hình thành phái “thuộc địa” thực thụ, có tổ chức mạnh mẽ hơn những năm 1862, 1863 bao gồm các Hội Địa Dư, các Phòng Thương mại của các hải cảng buôn bán với hải ngoại (Marseille, Bordeaux, Nantes, Le Havre), giới chính khách đệ Tam Cộng Hoà như Gambetta, Jules Ferry. Phái này có những lời tuyên bố như “ Đông Kinh (Bắc kỳ) là tương lai nước Pháp”, “Chính sách thực dân là con đẻ của chính sách kỹ nghệ”, “Chinh phục thuộc địa là vấn đề sinh tồn của nước Pháp, giúp Pháp chiếm lại địa vị trên trường quốc tế”. Ý thức hệ thực dân ở Pháp đã chín mùi vào thời điểm này, ý đồ đô hộ toàn bộ nước Đại Nam rõ nét hơn và thể hiện qua việc Quốc Hội chấp thuận cho chính phủ Pháp dùng một ngân sách lớn và gửi nhiều viện binh cùng một hạm đội tới Bắc kỳ.
Phải đợi đến đầu năm 1882, thống đốc Nam kỳ Le Myre de Vilers mới gửi Henri Rivière ra Bắc kỳ mang danh là dẹp giặc cướp nhưng kỳ thực đánh chiếm thành Hà Nội trong vòng ba tiếng, quan Tổng đốc Hà Nội là Hoàng Diệu tự tử. Triều đình Huế cầu cứu nhà Thanh, cuộc chiến nổ ra giữa một bên là quân Pháp của Henri Rivière có thêm viện binh và bên kia là quân đội triều đình Huế , quân nhà Thanh và giặc Cờ Đen, đồng minh của triều đình. Rivière bị giặc Cờ Đen phục kích, tử trận ở Cầu Giấy giống như Garnier tám năm trước. Dù vậy quân Pháp thiện chiến hơn đánh bại dễ dàng quân Nam vẫn trong tình trạng thiếu luyện tập, súng ống ít ỏi, cũ kỹ.
Pháp lợi dụng việc triều đình rối loạn sau khi vua Tự Đức từ trần ngày 17/7/1883, áp đặt bằng vũ lực hoà ước Harmand (Quý Mùi) ngày 25/8/1883 công nhận chính thức sự bảo hộ của Pháp. Để giữ vững nền đô hộ mới áp đặt này, Pháp phải tiếp tục đánh dẹp sự kháng cự đến từ nhiều phía : quân chính quy của triều đình ở Sơn Tây, Bắc Ninh, quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, quân nhà Thanh, quan bỏ triều đình mộ nghĩa quân chống Pháp, triều đình Huế do Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường tổ chức phòng thủ đắp đồn xung quanh Huế, xây căn cứ Tân sở ở Quảng Trị. Đầu 1884, quân Pháp được tiếp viện dồi dào chiếm lại các tỉnh lớn ở Bắc kỳ và nhà Thanh đồng minh của triều đình Huế phải ký kết giao ước rút khỏi Bắc Kỳ và tôn trọng hiệp ước giữa Pháp và Đại Nam. Hoà ước Patenôtre (Giáp Thân) được ký ngày 6/6/1884.
Hoà ước này cũng gặp sự chống đối của triều đình của vua Hàm Nghi và sĩ phu quan lại trong phong trào Cần Vương ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng bình, Nghệ An, Thanh Hóa, v.v. Năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt và bị đày sang Algérie. Năm 1895 Phan Đình Phùng và Cao Thắng bị Pháp đánh bại và tử trận sau khi tổ chức được ở Hà Tĩnh một quân đội thiện chiến, với vũ trang tối tân như Pháp. Lãnh tụ nghĩa quân cuối cùng là Hoàng Hoa Thám tử trận năm 1913.
Lời bàn : Sau hoà ước 1874 và cái chết
của Nguyễn Tri Phương, người cuối
cùng còn có uy quyền tập hợp
được quân sĩ văn thân, triều
đình Huế lâm vào thế yếu
cùng cực mà không có kế hoạch
gì để thoát ra, quân lính vẫn
yếu kém, vũ khí cũ kỹ, rồi
Tự Đức lại từ trần năm 1883.
Trong khi đó, chính trường Pháp
ổn định dần sau thất bại 1871, dư
luận ngày càng đồng thuận để
biến Đại Nam thành thuộc địa,
Quốc hội chấp thuận tăng viện mạnh
mẽ về quân lính, vũ khí để
giành phần thắng về phía Pháp.
Cán cân lực lượng đã
nghiêng về phía Pháp từ 1874, mười
năm sau nghiêng hẳn về phía Pháp.
Nước Đại Nam mất chủ quyền hoàn toàn, trở thành thuộc địa của Pháp sau 26 năm Pháp gặm nhấm dần dần lãnh thổ Đại Nam trong tư thế “cầm chừng”, khi đánh, khi hoà tùy theo tình hình chính trị ở Pháp và Âu Châu thuận tiện hay không. Thời gian này khá dài, đủ cho triều đình Huế - dù bị kẹt trong bối cảnh chung của các nước Á Đông chịu sức ép mạnh mẽ của các nước tư bản Tây Phương – suy nghĩ, thay đổi, điều chỉnh chiến lược, lợi dụng cái yếu của địch thủ, khắc phục cái yếu của chính mình để tạo cho Đại Nam một thế lực đủ mạnh để giữ độc lập và vẫn có quan hệ hợp tác buôn bán với Pháp như Nhật Bản và Thái Lan đã làm. Tiếc thay, triều đình Huế vì nhiều lý do đã không làm việc này. Việc phân định trách nhiệm giữa thể chế và cá nhân không phải dễ : thể chế quân chủ chuyên chế của nhà Nguyễn có thể ngăn cấm ông vua có những quyết định “ngoại đạo” không ? Hay ông vua có toàn quyền quyết định và nếu ông không quyết khi nhận được nhiều bản điều trần tiến bộ để canh tân, thay đổi đất nước trong khi triều thần thì e dè, bảo thủ thì đó là trách nhiệm của ông vua. Tự Đức không phải là người quyết đoán, ông bị gò bó trong cái nhìn giáo điều về Khổng giáo, không có óc thực dụng, thích nghi với tình hình mới như các vua, triều đình Khổng giáo khác như Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Hoa. Một vị vua khác như Minh Mạng là người quyết đoán, có uy quyền, làm những cải cách lớn về nội trị và mở mang bờ cõi, đứng trong hoàn cảnh của Tự Đức có thể làm gì hơn được không ? Tính cách của các ông vua Nhật, Triều, Trung “canh tân” như thế nào ? Đây là một đề tài khảo cứu lý thú cho những ai quan tâm đến chủ đề “Các nước Đông Á và Canh Tân vào giữa thế kỷ XIX”.
Hậu Hiền
Các thao tác trên Tài liệu