Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Từ vụ Big Bang 80 năm trước

Từ vụ Big Bang 80 năm trước

- Nguyên Ngọc — published 26/10/2006 11:24, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:17
Cách đây80 năm, đám tang Phan Châu Trinh quả là "Big Bang" của tinh thần yêu nước ở Việt Nam thế kỉ. Nhà văn Nguyên Ngọc đưa ta trở về Phong trào Duy Tân, cách đây đúng 100 năm, và tìm lại hành trình phi thường của Phan Châu Trinh.
     

     
Từ vụ Big Bang 80 năm trước
     

       
Nguyên Ngọc

     
Ngày 24 tháng 3 năm nay, chúng ta có một ngày kỉ niệm lớn : 80 năm ngày mất của Phan Châu Trinh, và liền sau đó, ngày 4 tháng 4 năm 1926, đám tang vĩ đại của ông, mà Nguyễn Ái Quốc, trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản lúc ấy đã viết là "trong lịch sử người An Nam chưa hề được chứng kiến một sự kiện to lớn như vậy bao giờ", còn học giả Hoàng Xuân Hãn mấy mươi năm sau thì gọi đó là "một big bang của tinh thần yêu nước". Quả thực đấy là một hiện tượng kì lạ và hùng vĩ, kì lạ vì nó diễn ra ngay giữa lòng chế độ thực dân khắc nghiệt và tàn bạo, xé toang màn bao phủ đen kịt gần suốt trăm năm của chế độ ấy ra, báo hiệu rất sớm sự bất lực và tàn lụi tất yếu của nó. Hùng vĩ vì đúng là cả nước như đã đột ngột vùng lên, biến một mất mát đau thương thành một cuộc biểu dương sức mạnh dân tộc tất sẽ không còn gì ngăn lại được. Với tất cả sự nhạy cảm cáo già của chúng, thực dân Pháp đã đánh hơi khá sớm nguy cơ của cuộc bùng phát này. Ngày 23 tháng 3-1926,một ngày trước khi Phan Châu Trinh nhắm mắt, Rouelle, đốc lí thành phố Sài Gòn đã ban bố quyết định :

"Tất cả các cuộc biểu tình trên đường phố đều hoàn toàn bị cấm ngặt ;
"Ông Chánh cảnh sát được giao nhiệm vụ thi hành quyết định này"...

dam tangNhưng ông Chánh cảnh sát hét ra lửa ấy cùng với lực lượng công khai hùng hổ và một lũ mật thám chìm thường xuyên mật báo mọi động tĩnh từng giờ, cuối cùng đều phải bó tay. 100 000 người dân Sài Gòn, kéo dài trên 2 cây số, mang vô số biểu ngữ yêu nước, đã tiễn đưa nhà ái quốc kính yêu của mình đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đám tang Phan Châu Trinh không chỉ chấn động vì khí thế quần chúng bừng bừng, nó còn báo hiệu một điều thậm chí có thể sâu xa hơn : nó được sắp xếp hết sức chặt chẽ và khéo léo, diễn ra nghiêm trang và trong vòng trật tự, khiến nhà cầm quyền Pháp không tìm được bất cứ lí do nào để có thể công khai đàn áp. Tức một lực lượng mới trong xã hội đã hình thành, có tổ chức giỏi giang, đầy kinh nghiệm và điêu luyện, đây mới chính là nguy cơ tiềm ẩn đáng sợ nhất đối với nền thống trị thực dân. Và lại thêm một điều này nữa, còn to lớn và tuyệt diệu hơn : tất cả các tỉnh trong cả nước đều cử đại biểu về Sài Gòn dự đám tang, rồi sau đó trở về địa phương mình, hầu như không có tỉnh thành nào thiếu mặt, tổ chức lễ truy điệu nhà ái quốc tại địa phương, tạo nên thật sự một quốc tang, của toàn dân. Chính từ các cuộc truy điệu đó đã ra đời có thể nói cả một thế hệ mới những con ngưởia đi, dấn thân vào con đường cách mạng : họ hoặc là những người được thức tỉnh trong chính các cuộc truy điệu cảm động ấy, hoặc do đi dự truy điệu rồi bãi khoá mà bị đuổi học và từ đó lên đường...

Hẳn tồi lịch sử sẽ còn phải tìm hiểu cặn kẽ, phân tích sâu sắc, giải thích đầy đủ hơn nữa nguyên nhân và tác động của hiện tượng xã hội có một không hai xảy ra 80 năm trước này.

Vậy con người đã làm nên sự kiện đó, Phan Châu Trinh, là ai vậy ? Ông từ đâu đến, đã đi theo những con đường nào, đã sống và hành động ra sao... để có thể tạo nên cuộc big bang kì lạ đến thế ?

Không biết có phải tình cờ không mà những con người như vậy lại thường sinh ra từ những vùng đất hẻo lánh của đất nước. Phan Châu Trinh sinh năm 1872 tại làng Tây Lộc, một làng nhỏ nằm sâu trong một hóc núi lấn khuất ngày ấy thuộc huyện miền núi Tiên Phước, nay đã chuyển sang huyện Tam Kì, tỉnh Quảng Nam. Đang đúng thời Quảng Nam, do những điều kiện lịch sử đặc biệt, là một trong những trung tâm quan trọng nhất của phong trào Cần Vương, và một trong những cuộc Cần Vương vào loại anh hùng nhất mà cũng bi tráng nhất, cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Duy Hiệu vừa thất bại đau đớn. Thất bại Cần Vương làm nổi bật lên một vấn đề thống thiết : sự bế tắc của con đường cứu nước. Trung liệt và anh hùng đến như cái chết của Nguyễn Duy Hiệu, thì đến Phan Bội Châu cũng thốt lên "Trời đất phải kính phục, quỷ thần phải kính ghi", nhưng chính Nguyễn Duy Hiệu thì lại từng viết : "Sức quân ta với quân Tây không thể nào địch nhau nổi, điều đó đến đứa trẻ con cũng biết... Chúng ta cử sự, biết chắc thế nào cũng bại nhưng vì danh nghĩa phải làm!...". Phan Châu Trinh lớn lên trong nỗi đau của sự bế tắc cùng quẫn đó. Cha ông chết bi thảm trong khởi nghĩa Nguyễn Duy Hiệu. Ông đỗ phó bảng năm 1901, cùng khoa với cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1903 ra làm quan ở Huế, chức thừa biện Bộ Lễ. Vì sao ông ra Huế và làm quan ? Một con người như Phan Châu Trinh vốn từ buổi đầu tiên bước vào đời đã vốn nuôi một sự khinh bỉ sâu xa đối với con đường hoạn lộ công danh. Ông ra Huế và nhận một chức quan nhỏ hầu như vô dụng và vô nghĩa là bởi Huế bấy giờ là trung tâm chính trị quan trọng nhất cả nước, và ông cần đi vào trong một môi trường trí thức tập trung nhất của đất nước ấy lúc này. Quả thực đang có mặt tại đây những đầu óc và những nhân cách lớn nhất của dân tộc : Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Trần Cao Vân, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Tăng Bạt Hổ, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh, Nguyễn Hàng Chi...PCT

...Và điều còn quan trọng hơn nữa : cũng chính vì cái trung tâm trí thức đó mà tại đây cũng là nơi xuất hiện những Tân Thư, nhập cảng từ Trung Quốc, một Trung Quốc cũng đang thống thiết tìm đường đi cho dân tộc mình trong một thời đại đang chuyển động dữ dội. Đó là các tác phẩm của các nhà cách mạng Trung Hoa Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, và cả những tác phẩm quan trọng nhất của các nhà khai sáng của cách mạng Pháp Montesquieu, Jean-Jacques Rousseau... được dịch ra chữ Hán. Cả cái môi trường trí thức dân tộc ở Huế bị khuấy động dữ dội vì các trước tác mới lạ đó. Song chính ở đây có thể nhận ra nét đặc sắc nhất và từ đó vị trí độc đáo nhất của Phan Châu Trinh trong lịch sử cận đại Việt Nam : đọc Tân Thư bấy giờ thì có hàng trăm người và đều là những bậc đại trí, nhưng bị Tân Thư lay chuyển mãnh liệt nhất, sâu sắc nhất, đi đến thay đổi dứt khoát, quyết liệt nhất thì chỉ có ông, và sau đó là hai người đồng chí tâm huyết nhất của ông Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng, làm thành nhóm tư tưởng và hành động nổi tiếng thường được gọi là "Bộ ba Quảng Nam". Nói cho thật đúng ra, một cuộc cách mạng tư tưởng trong ông đã hình thành. Ông từ quan, vì ông ra Huế làm quan chỉ vì có mỗi mục đích đó, nay đã có được rồi. Và trở về Quảng Nam, cùng hai đồng chí Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng bắt tay chuẩn bị cho cái ít lâu sau đó sẽ được gọi là Phong trào Duy Tân lừng danh...

Thỉnh thoảng tôi hay tìm đọc lại những trước tác của của các tụ ta xưa, thời đầu thế kỉ XX, khi chữ quốc ngữ mới trở thành ngôn ngữ viết chính thức của chúng ta, và thật ngạc nhiên, hoá ra thời ấy các cụ đều từ Nho học chuyển sang cả và đều vốn là những nhà nho hết sức thâm thuý, vậy mà các cụ viết quốc ngữ rất hay, và đặc biệt hết sức chặt chẽ, dùng chữ nào ra chữ ấy, chín đến cùng, chắc chắn mỗi chữ đều là kết quả của những suy nghiệm thậm chí cả đời người. Huỳnh Thúc Kháng, người duy nhất trong bộ ba Quảng Nam còn sống đến sau Cách mạng Tháng Tám, có viết một câu ngắn mà thật lạ về Phan Châu Trinh : "Phan Châu Trinh là nhà cách mạng đều tiên của Việt Nam". Trong khi ông không hề dành nhận định đó cho Phan Bội Châu, nhà yêu nước kiệt xuất, mà cả Phan Châu Trinh và chính ông đều rất gần gũi và kính trọng.

"Nhà cách mạng đầu tiên" của một thời kì vào loại bi tráng nhất trong lịch sử dân tộc, khi mọi công cuộc tìm đường cứu nước anh hùng nhất đều bế tắc đau đớn. Bế tắc vì rất anh hùng nhưng đều lẩn quẩn mãi trong tầm nhìn cũ. Không sao tìm được đúng con đường ra vì trước hết không tìm được đúng nguyên nhân, không đi tìm nguyên nhân đúng chỗ đáng cần tìm. Về sau này học giả Hoàng Xuân Hãn đã có một đánh giá quan trọng về Phan Châu Trinh, cứ như cắt nghĩa thêm nhận định của Huỳnh Thúc Kháng. Ông nói : "Sau khi phong trào Cần Vương bị đàn áp tan rã hoàn toàn, Phan Châu Trinh đã đi sâu nghiên cứu những nhược điểm cơ bản về văn hoá xã hội Việt Nam, cụ thấy rõ nguyên nhân sâu xa đã đưa đến mất nước là sự thua kém của xã hội ta so với phương Tây. Phan Châu Trinh đã đưa ra đường lối mới để tìm lối thoát cho con đường cứu nước....". Khác với tất cả nhũng người đi trước và những người đồng thời, Phan Châu Trinh là người đầu tiên đi tìm nguyên nhân mất nước không phải ở đâu khác mà là ở trong văn hoá, trong "những nhược điểm cơ bản về văn hoá của xã hội Việt Nam". Nhược điểm, thua kém so với ai ? "So với phương Tây". Nói cách khác, theo ngôn ngữ ngày nay, ông là người Việt Nam đầu tiên nhận ra cuộc toàn cầu hoá thời bấy giờ, cuộc toàn cầu hoá lần thứ nhất, trong đó Việt Nam đã thua, vì vẫn sống như chưa hề có thực tế thời đại to lớn đó. Thời đại đã thay đổi. Đối thủ của chúng ta đã thay đổi. Trong tất cả các cuộc chống ngoại xâm suốt hàng nghìn năm trước, có những lần tương quan lực lượng giữa ta và kẻ thù từng rất chênh lệch bất lợi cho ta, song cả hai đều thuộc về cùng một thời đại lịch sử, đấy đều là những cuộc xâm lược và chống xâm lược trong nội bộ chế độ phong kiến phương Đông. Lần này khác hẳn : chúng ta thua, một cách tất yếu, vì thấp hơn đối thủ của mình một thời đại. Muốn cứu dân tộc, phải khắc phục khoảng cách về thời đại đó, đưa dân tộc mình lên ngang cùng thời đại với đối thủ của mình, rồi từ đó mới có thể giải quyết mọi vấn đề trên cùng một bình diện thời đại với họ. Đó là con đường cứu nước, cứu dân tộc duy nhất. Cũng có thể nói cách khác : Phan Châu Trinh đã tiến một bước rất xa trong nhận thức về số phận dân tộc ; ông không chỉ đặt vấn đề độc lập dân tộc, ông đặt vấn đề phát triển dân tộc, ông cho rằng phải nhìn và đặt vấn đề độc lập dân tộc trong toàn bộ vấn đề rộng xa hơn nhiều là phát triển dân tộc trong một thời đại đã đổi khác một cách căn bản...

Nhiều người thường bảo Phan Châu Trinh là người Quảng Nam nhất trong những người Quảng Nam. "Quảng Nam hay cãi", ông quyết cãi lại toàn bộ giới sĩ phu thông thái nhất thời ông, một mình khẳng định một chân lí mới.

Song sự khẳng định đó đối với chính ông không hề đơn giản. Nghiệm ra rồi, ông phải tự mình kiểm tra nó cho đến tường tận trong thực tiễn. Ông cùng hai bạn tâm huyết Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đi khắp vùng Quảng Nam, lên tận đầu nguồn sông Thu Bồn, tìm hiểu tình hình dân chúng, sau đó làm một cuộc Nam du, rủ nhau xuống xem tận mắt một chiến hạm Nga tại Cam Ranh (bấy giờ việc quân đội Nhật thắng hải quân Nga hoàng đang gây phấn chấn đối với các dân tộc châu Á), vào đến Ninh Bình Thuận, nơi đang tập trung các sĩ phu nổi tiếng nhất từ Nam Kì ra như Nguyễn Thông, Trà Quý Bình, Trương Gia Mô, Huỳnh Văn Đẫu, Huỳnh Ngọc Chi, Trương Gia Hội, Hồ Tá Bang..., cùng họ lập nên trường Dục Thanh và hội buôn Liên Thành, những cơ sở giáo dục và thương nghiệp thí điểm đầu tiên của phong trào Duy Tân. Rồi ông ra ngay Hà Nội, bắt liên lạc với các sĩ phu Bắc Hà và cả với những người Pháp tiến bộ trong Liên minh Nhân quyền, cùng Babut chủ trương tờ báo Đại Việt tân báo, trong đó ông giữ vai tổng biên tập phần chữ Hán; tham gia sáng lập và giảng dạy ở trường Đông Kinh Nghĩa Thục cùng Lương Văn Can, Nguyễn Văn Vĩnh... Lại xuống Nam Định, gặp nhà tư sản nổi tiếng Bạch Thái Bưởi. Lên tận Yên Thế, gặp và tìm hiểu Hoàng Hoa Thám. Hoàng Hoa Thám mời ông ở lại làm quân sư, như một thứ vai trò tham mưu trưởng cho mưu đồ khởi nghĩa của mình, nhưng ông từ chối, ra đi với nhận định : "Hoàng Hoa Thám tuy quả cảm, mưu lược, bền gan, giỏi việc dùng binh, nhưng đương thời cuộc cạnh tranh này mà nội tình ngoại thế không rõ, bo bo một góc rừng thì làm thế nào mà tồn tại được". Cuối cùng, ông làm cuộc thử nghiệm quyết định nhất : sang Nhật, để tận mắt quan sát công cuộc duy tân của Nhật Bản, và trao đổi, tranh luận với Phan Bội Châu. Ông đi Nhật trên một chiếc tàu biển, giả làm người thợ phụ đốt lò trên tàu. Hai kết luận lớn ông rút ra từ chuyến đi này : "Xem dân trí nước Nhật rồi đem dân trí ta so sánh thật không khác gì đem con gà đọ với con chim cắt già... Trình độ quốc dân Nhật như thế, trình độ quốc dân ta như thế, không nô lệ làm sao được". Kết luận thứ hai, qua những tranh luận thẳng thắn và quyết liệt với Phan Bội Châu : Nhật Bản nhất định sẽ trở thành đế quốc. Dựa vào Nhật, thì "không mất nước vào tay Pháp cũng sẽ mất nước vào tay Nhật thôi!".

Cuộc xét duyệt đã xong, con đường đi đã quyết, ông trở về Quảng Nam, ngồi ở thôn Tây Lộc trong cái hóc núi hoang vắng quê ông, viết bức "Thư gửi Toàn quyền Beau", bản tuyên ngôn dõng dạc của Phong trào Duy Tân. Người bí mật mang bức thư đó ra Hà Nội, trao cho Babut, ông này lại trao lại cho giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ để nó được công bố lần đầu tiên trên tờ tạp chí của Viện này, là một người học trò tin tưởng của ông, Phan Khôi, một người Quảng Nam cũng rất đậm tính khí Quảng Nam gần hệt ông.

Một trăm năm đã trôi qua kể từ ngày ấy. Nay nhìn lại, càng thấy lừng lững nhân cách đặc biệt của Phan Châu Trinh. Ông gần như đã tự một mình tìm ra một con đường riêng khác hẳn, thậm chí ngược lại tất cả những người cùng thời, và tìm ra được rồi, thử nghiệm chặt chẽ rồi, đầy đủ tự tin cao độ rồi, thì ông quyết đi con đường đó cho đến cùng, đến triệt để nhất. Ông có viết một câu rất lạ : "Tôi xin nói thực với các anh, tôi đã bỏ hai phần ba đời tôi để tìm thấy thuốc mà chữa trị cho nước nhà. Thông minh tôi tuy kém, tài trí tôi tuy hèn, nhưng trong buổi giao thời này tôi có thể dám nói rằng : cái trách nhiệm nòi giống của dân tộc Việt Nam, tôi không nhường cho ai được cả". Ông nhất quyết không nhường cho ai cả, khăng khăng nhận lấy mà làm vì ông tin rằng đó là con đường duy nhất đúng. Tính khí của Phan Châu Trinh, như đã nói, là một tính khí đặc biệt tiêu biểu Quảng Nam, "vừa có cốt cách đại nho lại vừa là kẻ 'bạt mạng', vừa ở trong khuôn khổ, vừa luôn luôn muốn đạp phá khuôn khổ", hoặc như người bạn thân thiết của ông Huỳnh Thúc Kháng nói : "Tính cách Tiên sinh nhiều điều khác người mà nhất là cái tinh thần tự chủ. Không kì việc gì, không kì hạng người nào, chỉ bằng theo lương tâm mình mà phán đoán đối phó, không khi nào chịu bó mình theo tình thế bề ngoài. Vì thế mà câu nói việc làm thường vượt ra ngoài vòng lưu túc, người ta lấy làm kinh hãi, dẫu cho người cùng đảng phái mà không phải tâm trí (tức tâm phúc) cũng không mấy người thích"... Tuy nhiên ở đây không chỉ là vấn đề tính cách. Ở đây chính là cái điều đã khiến Huỳnh Thúc Kháng hạ một đánh giá hiếm thấy "nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam". PBCCuộc tranh luận giữa Phan Châu Trinh với Phan Bội Châu trên đất Nhật thật là một "xen" tuyệt vời trong tấn kịch thời thế của lịch sử Việt Nam đầu thế kỉ XX. Hai đầu óc lớn nhất của đất nước thời bấy giờ, hai bầu tâm huyết cùng sục sôi, hai người bạn thân thiết, kinh trọng nhau đến mức, bảo vệ nhau đến cùng, nhưng không phải là hai người đồng chí. Cuộc tranh cãi giữa họ, suốt hơn một tháng trời, thẳng thắn, gay gắt, quyết liệt đến cùng, nhất quyết không ai chịu ai. Giữa họ là một ngã rẽ lớn của cách mạng Việt Nam, sự cùng quẫn của một con đường cũ bế tắc và sự khởi xướng một con đường mới "xác định một cách rành mạch, sáng rõ nhất những nan đề lâu dài mà các thế hệ người Việt Nam sẽ phải và mãi mãi còn phải đảm nhận". Phan Bội Châu đưa cho Phan Châu Trinh đọc tác phẩm "viết bằng lệ rỏ tựa máu" của mình, "Lưu cầu huyết lệ". Phan Châu Trinh đọc xong, một mực bài bác riết, cho "Sào Nam là một người hào kiệt nóng lòng việc nước mà kiến thức thì chưa thoát khỏi khuôn sáo cũ chút nào". Có lẽ trong lịch sử cận đại và hiện đại nước ta hiếm thấy một cuộc tranh luận nào độc đáo và kì lạ đến thế.

Từ giã Phan Bội Châu, học thuyết cứu nước của Phan Châu Trinh đã dứt khoát hình thành. Và công cuộc Duy Tân do bộ ba Phan, Trần, Huỳnh chính thức bắt đầu, từ Quảng Nam, nhanh chóng loan ra khắp Trung Kì, rồi cả nước, chấn động đến cả bên chính quốc Pháp. Ấy là vào năm 1906. Chỉ hai năm sau, nổ ra sự kiện long trời lở đất "Trung Kì dân biến" 1908.

*
*   *

Nhìn lại phong trào Duy Tân Phan Châu Trinh, có điều có thể coi là hết sức kì lạ : không hề có tổ chức đảng hay mưu đồ khởi nghĩa nào hết, như tất cả các phong trào yêu nước, cứu nước trước đó và cả sau đó. Chỉ có một cuộc khai hoá rộng lớn và sâu sắc, bằng một công cuộc gieo rắc vào quảng đại quần chúng những kiến thức và tư tưởng mới, làm cho cái quần chúng đang sống trong cõi tối tăm mịt mùng ấy biết rằng có một thế giới mênh mông bao quanh mình, cái mà ngày nay ta gọi là một cuộc toàn cầu hoá đang diễn ra, mình đang sống trong thế giới ấy, mình phải và có thể vươn tới, hoà nhập vào cái thế giới ấy, cái thế giới trong đó mỗi con người đều có những quyền của mình, mà mình đang không được hưởng. Công việc "tổ chức" chủ yếu của phong trào Duy Tân là gieo rắc tri thức. Phan Châu Trinh là người có lòng tin khổng lồ vào sức mạnh của tri thức. Ông tin tưởng sâu sắc rằng nhân dân có tri thức thì có thể lay trời chuyển đất. Ông căm ghét đến xương tuỷ sự ngu muội, chính sách ngu dân, quyết liệt chống lại nền giáo dục hư học chỉ nhằm ngu dân, nhốt chặt dân tộc trong vòng u mê tối mò. Ông chủ trương một cuộc đại vận động dân chủ, dân quyền (Nguyễn Sinh Sắc gọi Phan Châu Trinh là "Nam quốc dân quyền tiên tổ chức", người tổ chức nền dân quyền đầu tiên ở nước Nam). Và dân chủ, dân quyền, đối với ông, trước tiên, tiên quyết là quyền được thông tin, như cách nói ngày nay. Dân biết. Người dân phải được biết mình có những quyền gì, và biết rẳng minh chưa được hưởng những quyền đó. Dân biết thì dân sẽ đứng dậy. Sẽ tự quyết định vận mệnh của mình. Trao sự hiểu biết cho dân, có thể nói đó là tất cả nội dung chủ yếu của phong trào Duy Tân Phan Châu Trinh.

Cho nên, phong trào ấy, rất kì lạ và rất thú vị, về cơ bản lại là một cuộc vận động cải cách giáo dục vĩ đại, vĩ đại vì nội dung tân tiến và cả vì quy mô của nó, ngay trong lòng chủ nghĩa thực dân. Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, nhất là Trần Quý Cáp say sưa đi diễn thuyết ở khắp nơi, đi đến đâu lập tức đánh trống tập họp dân chúng đăng đàn truyền bá cho họ học thuyết mới mẻ mà gần gũi của mình. Và quan trọng nhất, lập khắp vùng nông thôn Quảng Nam cả một hệ thống trường kiểu mới, trên 60 trường ra đổitng một thời gian ngắn, dạy và học theo kiểu hoàn toàn mới, với một chương trình hoàn toàn mới : dạy chữ quốc ngữ, dạy văn, dạy toán, dạy lịch sử, dạy địa lí, dạy "bác vật" (khoa học tự nhiên), dạy "đi buôn" (kinh tế), dạy nghề (bách khoa), dạy rèn luyện thân thể, dạy quân sự, dạy tiếng Pháp, và cả tiếng Nhật... Nếu Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội chủ yếu nhằm vào con em các sĩ phu, thì các trường Duy Tân Quảng Nam phổ biến khắp nông thôn, nhằm vào quảng đại quần chúng lao động. Học đi đôi với hành. Hai tổ chức chủ yếu thời Duy Tân này là các trường học, gọi là Hội Học, và các Hội Buôn, thực hành kinh tế và làm tài chính cho phong trào. Và ở làng Phú Lâm, huyện Tiên Phước, lí trưởng Lê Cơ, một nhà Duy Tân tích cực, tiến hành một thực nghiệm xã hội độc đáo : tổ chức cái làng của ông theo mô hình lí thuyết xã hội của Phan Châu Trinh... Hoàng Xuân Hãn có đánh giá rất chính xác : trong thực tế, Phan Châu Trinh, cùng các đồng chí của ông, đã thực sự tiến hành "một cuộc cách mạng tân văn hoá". Ngay trong lòng chế độ thực dân. Ông gọi đó là "khai dân trí". Có khai dân trí thì mới đi đến được "chấn dân khí". Và từ đó "hậu dân sinh". Ông không chủ trương đi con đường bạo lực lúc bấy giờ. Ông cho rằng nếu bằng con đường ấy giành được độc lập,mà dân trí vẫn u mê như cũ, không có dân chủ, dân quyền, thì nền độc lập đó cũng vô nghĩa và không thể bền vững...

Thực tế lịch sử không bao giờ đi đúng nguyên con đường những người định dắt dẫn nó đề ra.Tri thức được gieo vào quần chúng lập tức biến thành sức mạnh, thậm chí ngoài sức tưởng tượng và chủ ý của những người chủ trương phong trào. Chỉ không đầy ba năm khai dân trí, bắt đầu từ một tình huống gần như ngẫu nhiên, không hề có sự chỉ huy của các lãnh tụ Duy Tân, cuộc chống sưu chống thuế bùng nổ ở Quảng Nam, nhanh chóng loan ra khắp Trung Kì, biến thành sự kiện lớn trong lịch sử cận đại được gọi là cuộc Trung Kì Dân Biến, có thể coi là cuộc thử nghiệm bạo lực chính trị của quần chúng lớn nhất trước Cách mạng Tháng Tám 1945...Trung Kì Dân Biến có cả hai mặt của nó : nó là sáng tạo của quần chúng bổ sung yếu tố bạo lực vào phong trào, là hiện tượng lịch sử gần như tất yếu trong điều kiện lúc bấy giờ. Mặt khác, kẻ thù cũng nhân cơ hội đó đánh tan công cuộc Duy Tân (và cùng lúc các phong trào yêu nước khác nữa), khiến nó thành một trào lưu lịch sử văn hoá vĩ đại mà dở dang.

Không ai nói "nếu" được với Lịch sử. Trong Lịch sử có chúng ta mà cũng có kẻ thù, có tình thế trong nước mà cũng có tình thế thế giới với cấc thế lực chằng chịt đan xen. Lịch sử đã diễn ra thực tế như nó đã diễn ra. Độc lập dân tộc đã được giành lại bằng một cuộc chiến tranh anh hùng, mà chúng ta bắt buộc phải làm, và khi phải làm thì đã làm cực giỏi.

100 năm đã qua. 80 năm đã qua. Có phải vấn đề hôm nay là tiếp tục công cuộc "cách mạng tân văn hoá", như cách gọi của Hoàng Xuân Hãn, mà Lịch sử, với tất cả sự thật khắc nghiệt của nó, đã buộc chúng ta còn để dở dang từ ngày con người ấy, "khuôn mặt sáng giá nhất của Việt Nam" đầu thế kỉ XX đã khởi xướng, và chưa xong.

Tiếp tục công cuộc "khai dân trí", cho hội nhập trong cuộc toàn cầu hoá mới này. Vụ Big Bang 80 năm trước còn tiếp tục hôm nay.

Tháng 12.2005

Nguyên Ngọc

       

(tr. 132-148, Lắng nghe cuộc sống, nxb Văn Nghệ, 2006)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss