Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Tưởng Giới Thạch lãnh đạo / Tưởng Giới Thạch lãnh đạo (1)

Tưởng Giới Thạch lãnh đạo (1)

- Hồ Bạch Thảo — published 22/01/2015 23:49, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 1 : Sau khi Tôn Trung Sơn mất, Quốc dân đảng thay đổi lãnh tụ [1925-1926]




Tưởng Giới Thạch lãnh đạo


Hồ Bạch Thảo


Chương 1

Sau khi Tôn Trung Sơn mất,
Quốc dân đảng thay đổi lãnh tụ

[1925-1926]

tuong

Tưởng Trung Chính [Giới Thạch, 1887-1975]
NGUỒN : wikipedia

1. Bước đầu thành tựu quân sự


Cải tổ Quốc dân đảng là việc đại sự trong lịch sử Trung Quốc cận đại, trường quân sự Hoàng Phố thành lập cũng là việc đại sự trong lịch sử Quốc dân đảng. Không đầy một năm, học hiệu này đào tạo các sĩ quan mới, thu được thành quả khác thường ; tuy được Nga Xô viện trợ, nhưng Tưởng Trung Chính [1887-1975] thực sự là nhân vật chủ chốt. Tưởng Trung Chính tự là Giới Thạch, ý lấy từ Kinh Dịch hàm nghĩa trung kiên ; quê tại Phụng Hoá [Fenghua], Chiết Giang ; năm 9 tuổi cha chết, được mẹ nuôi dưỡng dạy dỗ, lúc nhỏ học kinh sử tại trường tư thục, năm 17 tuổi mới theo tân học. Nhân chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh Trung Nhật, mùa xuân năm 1906 vượt biển sang Nhật Bản, định học về lục quân nhưng chưa thực hiện được ; vào lúc này giao du với Trần Kỳ Mỹ ; mùa đông quay trở về Trung Quốc. Mùa hè năm 1907 vào học trường cấp tốc lục quân Bảo Định [Baoding, Hà Bắc], nhân quen Trương Quần ; năm sau được học bổng nhà nước, cùng Trương Quần sang Nhật Bản học trường võ bị Chấn Vũ ; được Trần Kỳ Mỹ giới thiệu, gia nhập Đồng minh hội ; lại tham gia Trượng phu đoàn do Hoàng Phu lãnh đạo, cùng sáng lập Vũ Học Tạp Chí. Năm 1910 là học sinh Sĩ quan học hiệu hậu bổ, tháng 6 cùng năm, lần đầu tiên gặp Tôn Trung Sơn ; tháng 12 vào liên đội pháo binh dã chiến thuộc Cao Điền lục quân tại Nhật với chức vụ Sĩ quan hậu bổ. Lúc cách mệnh Tân Hợi nổi lên, Tưởng trở về Thượng Hải giúp Trần Kỳ Mỹ, tham gia chiến dịch khôi phục Hàng Châu [Hangzhou, Chiết Giang], rồi trở về Thượng Hải giữ chức Đoàn trưởng, dưới quyền Sư trưởng Hoàng Phu ; dịp này cùng Trần Kỳ Mỹ, Hoàng Phu kết nghĩa anh em. Ngày 14/1/1912, nhân tranh chấp phái hệ, Trần Kỳ Mỹ sai Tưởng lập kế giết Đào Thành Chương, Thủ lãnh Quang Phục Hội, tại phòng bệnh Quảng Từ y viện, rồi Tưởng trốn án, chạy sang Nhật Bản. Năm 1913 tham gia cách mệnh lần thứ hai, nhận mệnh Tôn Trung Sơn, Trần Kỳ Mỹ hoạt động tại Thượng Hải và Cáp Nhĩ Tân [Harbin, Hắc Long Giang]. Từ năm 1915-1916, tham gia cuộc chiến phản đế tại Thượng Hải, Sơn Đông. Năm 1918, theo lệnh Tôn Trung Sơn đến Quảng Đông, giúp Trần Quýnh Minh kinh dinh tỉnh Phúc Kiến, giữ chức Khoá trưởng tác chiến cùng Chi đội trưởng ; có cảm tình đối với cuộc vận động Tân văn hoá, thường đọc các tạp chí Tân Thanh Niên, Tân Trào và các sách liên quan đến cách mệnh Nga. Năm 1920 trở về Quảng Đông, tham mưu việc quân, chỉ huy tác chiến ; Tôn Trung Sơn khen rằng dũng cảm trung thành, lại hiểu việc binh. Năm 1922, Trần Quýnh Minh làm phản gây biến, Tưởng và Tôn Trung Sơn cùng chung hoạn nạn 40 ngày tại quân hạm trên sông tại Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Đông]. Trong thời gian này Tưởng ngày đêm cùng Tôn Trung Sơn chỉ huy hải quân yểm trợ bộ binh chiến đấu. Đến ngày 9/8, bộ binh thua rút, Tưởng bèn hộ vệ Tôn lên Thượng Hải, cùng viết hồi ký Tôn đại Tổng thống Quảng Châu mông nạn ký để kể tội Trần Quýnh Minh. Sau biến cố này được Tôn Trung Sơn trọng vọng tin dùng, gặp việc thường bàn bạc ; Tưởng đối với việc chỉnh đốn đảng chủ trương kết nạp thanh niên, chú trọng tuyên truyền.


Lúc đầu tiên Tôn Trung Sơn bàn với Đại diện Nga Xô Adolf A. Joffe [Việt Phi] yêu cầu phái nhân viên quân sự đến giúp ; Liêu Trọng Khải lại bàn thêm việc thành lập trường quân sự. Tháng 8/1923 Tưởng Giới Thạch phụng mệnh Tôn Trung Sơn, đưa đoàn đại biểu đến thăm Nga Xô khảo sát đảng vụ, quân sự, chính trị, công xưởng, nông thôn ; tham quan Cộng sản quốc tế uỷ viên hội nghị, các cấp Xô Viết hội nghị. Đối với tổ chức Hồng quân, hết sức lưu ý đến huấn luyện, trang bị ; từng gặp mặt lãnh tụ Leon Trotsky, Thứ trưởng lục quân Sklianski, Tham mưu tổng trưởng, Tổng giám huấn luyện, để bàn về việc hợp tác quân sự. Ngoại trừ việc trực tiếp mang quân đến giúp, Trotsky chấp thuận viện trợ vũ khí, kinh tế cho cách mệnh Trung Quốc ; riêng Sklianski khuyên nên chuẩn bị tổ chức dân chúng, công tác tuyên truyền tạo cơ sở, rồi hãy dùng biện pháp quân sự. Tưởng Giới Thạch yêu cầu Nga xô giúp Quốc dân đảng luyện binh tại Mông Cổ, nhưng Uỷ viên trưởng ngoại giao Địch Thu Lâm khéo léo từ chối, bảo rằng người Mông Cổ nghi ngờ Trung Quốc. Nga Xô đối với đoàn đại biểu thi hành phân hoá, khiến đảng viên Trung cộng và Quốc dân đảng đối lập. Cộng sản quốc tế tìm cách hạ giá trị Quốc dân đảng càng làm cho Tưởng phẫn khích, nhận ra rằng phương châm của Nga Xô muốn tạo cho Trung Cộng thành chính thống, quyết không thuỷ chung thành thực hợp tác với Quốc dân đảng. Một khi chính quyền Nga Xô vững mạnh, sẽ khôi phục lại dã tâm thời Nga Hoàng ; không chỉ muốn biến các vùng Mãn Châu, Mông Cổ, Tân Cương, Tây Tạng thành Xô Viết, mà còn nhuộm đỏ toàn bộ Trung Quốc. Cái gọi là chủ nghĩa quốc tế và cách mệnh thế giới chỉ là chủ nghĩa đế quốc đổi tên, chẳng khác gì Anh, Nhật. Đó là quan niệm của Tưởng trong cuộc thăm viếng Nga, nên đối với chủ trương liên Nga dung Cộng đặt lòng tin rất ít. Tháng 12 Tưởng từ Nga trở về nước, cố tình trì hoãn không đến Quảng Châu, khiến Tôn Trung Sơn, Liêu Trọng Khải phải đánh điện thúc giục, đến tháng 1/1924, trước khi cuộc họp toàn quốc đại biểu Quốc dân đảng một ngày, mới đến nơi. Tôn Trung Sơn giao chức Uỷ viên trưởng trù bị trường lục quân Quốc dân đảng, nhưng cương quyết từ chối ; Đái Truyền Hiền khuyên rằng “ Tạm thời nhẫn nại, trước hết phải lo nắm thực lực, để xem sự biến ” ; có thể vì lời khuyên này nên Tưởng nhậm chức.


Tháng 5/1924 Tôn Trung Sơn chính thức phái Tưởng Giới Thạch làm Hiệu trưởng Quân quan học hiệu, Liêu Trọng Khải làm Đại biểu đảng ; trụ sở của trường tại Hoàng Phố [Huangpu, Quảng Đông], nên tên quen dùng là quân hiệu Hoàng Phố ; tiền dùng mở trường 6 vạn nguyên. Kỳ thứ nhất số học sinh 460 người đến từ các tỉnh, khoá học 6 tháng tốt nghiệp, huấn luyện chính trị là chính. Chủ chốt giảng dạy có Hồ Hán Dân, Uông Triệu Minh ; phía đảng viên Trung Cộng có Chu Ân Lai, Uẩn Đại Anh, Cao Ngộ Hãn, Trần Nghị, Niếp Vĩnh Trăn đều là Giáo quan về chính trị. Phụ trách huấn luyện về quân sự phần lớn xuất thân từ trường võ bị Nhật, hoặc trường võ bị Bảo Định, như Hà Ứng Khâm, Vương Bá Linh, Trần Thành, Đặng Diễn Đạt. Vào tháng 7 Tưởng kiêm nhiệm chức Uỷ viên trưởng huấn luyện cho các quân, đoàn giáo huấn trường Hoàng Phố kế đó thành lập. Cố vấn Nga Xô bang trợ rất nhiều, đoàn cố vấn thành lập lúc đầu do Poliak, A. Z. Cherepanov, N. Tereshatov [Gia Luân] phụ trách, vào tháng 1/1924 do Govoroff, tức P.A. Pavlov làm Chủ nhiệm, sau đó Galen 1 thay thế.


Dẹp tan Thương đoàn biến loạn là lần đầu tiên Tưởng Giới Thạch lãnh đạo học sinh Hoàng Phố lập chiến công. Tháng 12/1924 Trần Quýnh Minh thừa dịp Tôn Trung Sơn lên Bắc Kinh, bèn tự xưng Tổng tư lệnh cứu quân Quảng Đông, chuẩn bị tiến công về phía tây chiếm Quảng Châu. Quyền đại Nguyên soái Hồ Hán Dân cùng Liêu Trọng Khải quyết định điều 3 lộ phản công ; nhắm bảo vệ Quảng Châu và làm tăng uy thế của Tôn Trung Sơn tại phương bắc. Trong 3 lộ thì quân Vân Nam tại lộ phía bắc, quân Quảng Tây tại trung lộ, chần chừ không chịu tiến ; nam lộ gồm thống lãnh 1 vạn quân Quảng Đông và Tưởng Giới Thạch thống lãnh Giáo đạo quân tiến thẳng. Giáo đạo đoàn thuộc trường Hoàng Phố được trang bị chính trị quân sự, tinh thần cao, dân chúng hợp tác, trong vòng một tháng càng đánh càng thắng, chiếm được Triều Châu [Chaozhou, Quảng Đông], Sán Đầu [Shantou, Quảng Đông], Gia Ứng [Jiaying, Quảng Đông]. Quân Trần Quýnh Minh thua bốn phía, rút về phía nam tỉnh Phúc Kiến, danh tiếng Giáo đạo quân lại vang lên; đó là cuộc đông chinh lần thứ nhất của đạo quân này.


Lúc Tôn Trung Sơn tại Quảng Đông, Tổng tư lệnh quân Vân Nam đóng tại Quảng Đông Dương Hy Mẫn, Tổng tư lệnh quân Quảng Tây Lưu Chấn Hoàn còn e sợ. Đến lúc Tôn lên phía bắc, Dương ám thông với Đoàn Kỳ Thuỵ, mưu độc chiếm Quảng Đông ; Lưu cấu kết với Đường Kế Nghiêu, muốn quay về chiếm tỉnh Quảng Tây. Lúc quân Quảng Đông và Giáo đạo đoàn lo đông chinh, Tôn Trung Sơn mất ; Dương, Lưu, cho là cơ hội tốt để lật đổ chính phủ Quảng Châu. Tháng 4/1925 Dương chiếm lãnh binh công xưởng Quảng Châu, Lưu ngang nhiên chỉ trích Quốc dân đảng. Hồ Hán Dân, Liêu Trọng Khải, cùng Cố vấn Nga Xô Poliak [Gia Luân] bàn phương sách thảo phạt ; lại cùng với các lực lượng bị Dương, Lưu áp bách như quân Hồ Nam của Đàm Diên Khải, quân Vân Nam của Chu Bồi Đức nhất trí hành động ; cử Tưởng Giới Thạch làm Tổng chỉ huy. Đầu tháng 5, Tưởng suất lãnh Đảng quân [Giáo đạo quân] cùng quân Quảng Đông tây tiến ; Hứa Sùng Trí lưu giữ Triều Châu, Sán Đầu ; kế hoạch tác chiến do Poliak soạn thảo sẵn. Cố vấn Michael Borodin [Bào La Đình] từng ra sức ngăn cản việc gây hấn với Dương, Lưu nhưng Hồ Hán Dân không nghe, vào ngày 5/6 ngang nhiên cách chức Dương Hy Mẫn, Lưu Chấn Hoàn. Công nhân đường sắt, tàu thuyền, công xưởng tại vùng phụ cận Quảng Châu bãi công, khiến quân Lưu, Dương gặp khó khăn. Ngày 26/7 quân Quảng Đông và đảng quân tấn công mạnh ; các quân Hà Nam [quân Lý Phúc Lâm], Bắc Giang [Tương Quân, Đàm Diên Khải], Tây Giang [Lương Hồng Giai, Lý Tế Thâm] cùng hải quân chia đường tiến bức, dân Quảng Đông vùng lên trợ chiến ; hơn 3 vạn quân Vân Nam, Quảng Tây lâm vào cảnh 4 phía bị bao vây, toàn bộ tan vỡ. Tưởng Giới Thạch được giao chức Quảng Châu vệ nhung Tư lệnh, không những trở thành anh hùng cách mệnh, mà lại trở thành người thực tế thống trị Quảng Châu.




2. Tập trung quyền lực



Lúc Tôn Trung Sơn bệnh tình nguy cấp, các yếu nhân Quốc dân đảng thương thảo về lãnh tụ trong tương lai, có người đề nghị theo chế độ Uỷ viên. Sau khi Tôn Trung Sơn mất, Hồ Hán Dân tuyên bố noi theo chí hướng của Tôn Trung Sơn tiếp tục cách mệnh. Tháng 5/1925 Đại diện Nga Xô Michael Borodin, Uông Triệu Minh trở về Quảng Đông ; Uỷ viên ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng tuyên bố nắm tay cùng Nga Xô, đả đảo chủ nghĩa đế quốc, đả đảo quân phiệt ; ngoại trừ ban chấp hành trung ương nắm trách nhiệm, quyết không đổi sang chế độ Tổng lý [Thủ tướng]. Về tổ chức chính phủ, chủ trương theo chế độ hợp nghị [cùng bàn bạc] ; nhưng trước tình hình quân vụ khẩn cấp, chưa kịp thi hành. Trước đó Tôn Trung Sơn từng đề cử Đường Kế Nghiêu làm Phó nguyên soái, Đường chưa nhậm chức ; nay lại hốt nhiên nhậm chức, nhưng Quốc dân đảng không thừa nhận. Vào ngày 5/6, hội nghị ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng quyết nghị đổi Đại nguyên soái thành Quốc dân chính phủ ; ngày 1/7 thành lập gồm 16 Uỷ viên : Uông Triệu Minh, Hồ Hán Dân, Hứa Sùng Trí, Liêu Trọng Khải, Ngũ Triều Khu, Cố Ứng Phân, Tôn Khoa đều gốc Quảng Đông ; Đái Tuyền Hiền, Trương Nhân Kiệt gốc Chiết Giang ; Đàm Diên Khải gốc Hồ Bắc ; Trình Tiềm gốc Hồ Nam ; Vu Thạch Nhiệm gốc Thiểm Tây ; Trương Kế gốc Trực Lệ ; Từ Khiêm gốc An Huy, Lâm Sâm gốc Phúc Kiến ; Chu Bồi Đức gốc Vân Nam. Trong đó Hứa, Đàm, Trình, Chu cầm quân ; riêng Tưởng Giới Thạch không có tên trong danh sách, có thuyết cho rằng đã từ chối. Cử Uông Triệu Minh làm Chủ tịch, Hồ Hán Dân, Hứa Sùng Trí, Liêu Trọng Khải phân nhiệm các bộ Ngoại giao, Quân sự, Tài chánh ; lại lập thêm Quân sự uỷ viên hội do Uông kiêm nhiệm chức Chủ tịch, Hứa Sùng Trí làm Chủ tịch tỉnh Quảng Đông.


Uy vọng của Hồ Hán Dân trong Quốc dân đảng chỉ dưới Tôn Trung Sơn một bực, lúc đó lại nhiệm chức đại lý Đại nguyên soái ; nhưng Chủ tịch chính phủ lại về tay Uông Triệu Minh ; Uông chưa từng giữ trọng trách về hành chánh, nhưng đoạt chức nhờ có các Đại diện Nga Xô như Leo Karakhan, Michael Borodin ủng hộ. Karakhan và Borodin sớm lưu ý chọn lựa người thừa kế Tôn Trung Sơn ; nhận thấy Hồ tính cảnh giác, khó có thể chiều theo người khác ; riêng Uông nhiều cảm tình, thiếu chủ trương, dễ bị người thao túng, Borodin mấy lần ca ngợi Uông xứng đáng là lãnh tụ. Đầu tháng 5, Uông đến Sán Đầu [Shantou, Quảng Đông] mật đàm với Tưởng Giới Thạch về những việc nên hoặc không nên làm, Tưởng cảm lòng thành, biểu thị ủng hộ. Hứa Sùng Trí vốn không hoà mục với Hồ Hán Dân ; riêng Liêu Trọng Khải thân Nga, đối với sự an bài của Karakhan và Borodin ắt không có lời dị nghị. Đàm Diên Khải, Chu Bồi Đức quan hệ với Quốc dân đảng chưa sâu nên không quyết liệt phản đối hoặc đồng ý ; nên việc Uông Tinh Vệ thay Hồ Hán Dân được quyết đoạt.


Quốc dân chính phủ thành lập chưa được bao lâu thì phát sinh vụ ám sát Liêu Trọng Khải làm rúng động cả Quảng Châu, liên tiếp gây nên biến động về chính trị. Sau khi Tôn Trung Sơn mất, nội bộ Quốc dân đảng, hai phái thân Cộng và chống Cộng xung đột mãnh liệt. Phái chống Cộng đối với việc không dùng Hồ Hán Dân vào địa vị lãnh tụ, càng tỏ ra bất bình ; quân nhân gốc Quảng Đông thấy thế lực ngày một mạnh của Tưởng Giới Thạch tỏ ra đố kỵ, cho rằng do một tay Borodin chế tạo ; Uông Triệu Minh, Liêu Trọng Khải cam tâm cho Nga Xô dùng, chỉ có cách trừ bỏ đi mà thôi. Chính khách bất mãn, cấu kết với các thương nhân bị tổn thất vì bãi công ; lại liên kết với nhà đương cục Hương Cảng cùng thương nhân người Anh mưu lật đổ chính phủ Quảng Châu, bài trừ thế lực Nga Xô. Ngày 26/7 Tổng đốc Hương Cảng E. R. Stubbs [Tư Tháp Bố Tư] xin chính phủ Luân Đôn phát 100 vạn tiền Hương Cảng dùng để chống chính phủ Quảng Châu, diệt đảng Cộng sản ; tuy chưa được chính phủ chấp nhận, nhưng ngày 20/8 Liêu Trọng Khải đã bị giết chết.


Sự kiện phát sinh trong ngày, do đề nghị của Borodin Quảng Châu tổ chức Đặc biệt uỷ viên hội gồm Uông Triệu Minh, Hứa Sùng Trí, Tưởng Giới Thạch nắm hết quyền quân chính, tuyên bố giới nghiêm. Đây là lần thứ nhất Tưởng tham gia quyết sách đại kế, thanh ngôn vụ án Liêu Trọng Khải là cuộc đấu tranh giữa cách mệnh và phản cách mệnh, phản Cộng bị cho là Đế quốc chủ nghĩa. Người em con chú của Hồ Hán Dân là Hồ Nghị Sinh bị cho là hết sức chống cộng, chịu sự hiềm nghi nhiều, sau khi vụ án xảy ra bèn bỏ trốn, Borodin cho rằng Hồ Hán Dân có dự mưu, nên Hồ bị mất tự do. Ngày 25/8 Đặc biệt uỷ viên hội hạ lệnh bắt hơn 10 tướng lãnh cao cấp Quảng Đông, giải tán quân đội dưới quyền, Hồ Hán Dân bị giữ tại trường Hoàng Phố ; có thể nói đây là chính biến thứ nhất tại Quảng Châu.


Sau khi đánh dẹp quân Vân Nam, Quảng Tây, qua cuộc hội nghị uỷ viên ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng, quyết định chỉnh lý quân dân tài chính, thiết lập đoàn tham mưu, dùng người Nga, Victor Rogachev [La Gia Lạc Phu], làm chủ nhiệm. Tháng 7, sửa đổi gọi các quân là Quân dân cách mệnh, phái cố vấn Nga Xô đến, đặt đại biểu đảng cùng huấn luyện chính trị bộ. Ngày 1/8, các Tổng tư lệnh bị giải chức ; Hứa Sùng Trí thủ lãnh quân Quảng Đông, tuy quân đông nhưng không chỉnh đốn, Poliak khuyên Tưởng Giới Thạch tìm cách chế tài. Ngày 25/8, nhiều Tướng lãnh quân Quảng Đông bị bắt. Ngày 26 Quốc dân chính phủ giao trách nhiệm cho Tưởng Giới Thạch, Đàm Diên Khải, Chu Bồi Đức làm Quân trưởng đệ nhất, đệ nhị, đệ tam quân. Đệ nhất quân ước 1 vạn, lương tháng 45 vạn nguyên. Đệ nhị, đệ tam quân cộng 2 vạn 2 ngàn, lương tháng cộng 42 vạn nguyên. Đệ tứ, đệ ngũ, đệ lục quân, hợp kể 3 vạn, đều là quân Quảng Đông ; tiền lương 93 vạn, thực tế chỉ riêng Đệ tứ quân của Hứa Sùng Trí lãnh hết. Ngày 1/9 đặc biệt uỷ viên hội nghị quyết định thống nhất tài chính ; các thứ thuế thâu đều giao nạp bộ Tài chính ; ngày hôm sau tổ chức tài chánh uỷ viên hội giao cho Hứa Sùng Trí làm Giám đốc. Hứa muốn hạn chế sự phát triển của đệ nhất quân, gây mâu thuẫn với Tưởng ; Đàm Diên Khải, Chu Bồi Đức, Lý Tế Thâm đối với sự chặt chẽ của Hứa đều cảm thấy bất bình. Vào ngày 17/9, Quân sự uỷ viên hội thông qua đề nghị của Tưởng, đem quân Quảng Đông biên chế thành 2 quân, do Tưởng toàn quyền quản lý. Ngày 20/9 Hứa bị ép rời khỏi Quảng Đông, có thể nói lại có thêm một lần chính biến ; Hồ Hán Dân với danh nghĩa Đại biểu tại Nga, đến Mạc Tư Khoa. Hai kẻ tay chân, một văn một võ dưới thời Tôn Trung Sơn lần lượt bị đuổi đi ; Quảng Châu biến thành nơi Uông, Tưởng cùng nhau cai trị. Uông chủ chính trị đảng, Tưởng chủ quân sự ; Tống Tử Văn nắm Bộ trưởng Tài chính, kiêm Quảng Châu Tài chính sảnh trưởng, người Nga làm Cố vấn uỷ hội.


Quân đông chinh trở về không lâu, miền đông tỉnh Quảng Đông lại do Trần Quýnh Minh chiếm. Sau khi cục thế Quảng Châu đại định, vào ngày 22/9 Quốc dân chính phủ quyết tái đông chinh, giao cho Tưởng Giới Thạch chức Tổng chỉ huy, dùng đệ nhất, đệ tứ quân làm thành phần chủ lực. Vào đầu tháng 10 xuất phát, một lần ra quân đánh tan thành Huệ Châu [Huizhou, Quảng Đông] kiên cố, 2 năm nay chưa từng hạ được ; lại tiếp tục khắc phục Gia Ứng, Triều Châu, Sán Đầu trong thời gian chỉ một tháng. Phía nam Đặng Bản Ân từ Quỳnh Châu [Hainan, Hải Nam] tiếp ứng cho Trần, xâm phạm Cao Châu [Gaozhou, Quảng Đông], Lôi Châu [Leizhou, Quảng Đông] thế lực tương đối mạnh ; từ tháng 11 đến tháng 12 bị quân của Chu Bồi Đức và quân Quảng Tây đánh bại ; đầu tháng 1/1926 thu phục đảo Hải Nam, toàn bộ tỉnh Quảng Đông được bình định.


Năm 1925, Nga Xô viện trợ Quốc dân đảng rất tích cực. Tài liệu ghi nhận được nhân viên Cố vấn đạt đến 100 ; tháng 3, dùng 100 vạn Lô bố [đồng Rúp của Nga] làm kinh phí cho trường Hoàng Phố trong 2 tháng, 400 vạn Lô bố cho đảng quân mới biên chế. Trong tháng 4 và tháng 5 tàu thuyền Nga đến không ngừng, phần lớn vận chuyển dầu hoả ; tháng 7 lập cục hàng không, cùng tháng 3 tàu Nga đến, 1 chiếc chở nhu liệu, 1 chiếc chở khí giới. Trong vòng tháng 8, chỉ trong 1 tuần lễ có 6 chiếc tàu Nga đến, cục hải quân thành lập. Borodin xin Karakhan mua 6 chiếc phi cơ, phái 10 phi công đến, cùng tiếp tế vũ khí đạn dược. Tháng 11, đại học Tôn Dật Tiên thành lập tại Mạc Tư Khoa, trước sau Quảng Châu phái 300 học viên đến học tập, trong số đó có Tưởng Kinh Quốc, con trai Tưởng Giới Thạch. Tưởng lại nhấn mạnh Trung Nga đoàn kết, cách mệnh thế giới thống nhất chỉ huy ; cách mệnh Trung Quốc là một phần tử của cách mệnh thế giới. Quảng Tây bình định cũng xẩy ra trong năm 1925. Từ năm 1924 Lý Tông Nhân, Hoàng Thiệu Hoằng, Bạch Sùng Hy đã chiếm được quá nửa tỉnh ; đầu năm 1925, quân Quảng Đông giúp đánh bại Thẩm Hồng Anh, chiếm Quế Lâm [Quilin, Quảng Tây] ; trong thời gian tháng 6-7, đánh bại quân Vân Nam của Đường Kế Nghiêu xâm nhập, nên toàn tỉnh Quảng Tây được bình định. Tháng 3/1926, Quốc dân chính phủ giao cho Lý Tông Nhân làm Đệ thất quân trưởng Quân dân cách mệnh quân, Hoàng Thiệu Hoằng làm Chủ tịch Quảng Tây chính phủ. Lúc này Quốc dân đảng có được Quảng Đông, Quảng Tây, quân lực khoảng 10 vạn người.




3. Quốc dân đảng chế tài Trung Cộng



Việc Quốc dân đảng dung Cộng thực ra do Tôn Trung Sơn độc đoán, không ít cán bộ cao cấp tỏ ra phản đối lúc đầu. Sau khi đảng cải tổ, đảng viên Trung cộng lợi dụng sự hợp pháp, tăng cường quyền lực trong Quốc dân đảng ; sách lược của họ chia Quốc dân đảng thành 2 phái tả, hữu để dễ dàng khuynh loát ; gọi tả phái là cách mệnh, hữu phái là thoả hiệp. Trương Kế trước kia đã từng giới thiệu yếu nhân Trung cộng Lý Đại Sao gia nhập Quốc dân đảng, vào tháng 6/1924 cùng Tạ Trì, Đặng Trạch Như đàn hặc Trung cộng ; những người này đều là Giám sát uỷ viên Quốc dân đảng sau khi cải tổ. Sau khi Tôn Trung Sơn mất 4 tháng, Đái Truyền Hiền, người từng tham dự buổi họp sáng lập Trung cộng, tuyên bố hai quyển sách Tôn Văn Chủ Nghĩa Đích Triết Học Cơ SởQuốc Dân Cách Mệnh Dữ Trung Quốc Quốc Dân Đảng, phân tích rõ tư tưởng Tôn Trung Sơn và chủ nghĩa Mác Xít không tương đồng ; Trung Quốc cần Quốc dân cách mệnh của Tam dân chủ nghĩa 2, không phải cách mệnh Cộng sản ; không thể dùng duy vật sử quan để đả phá quốc dân cách mệnh ; chỉ trích phá hoại nội bộ Quốc dân đảng, khuếch trương tổ chức Trung Cộng. Đến lúc Hồ Hán Dân, Hứa Sùng Trí bị xua đuổi ; Uỷ viên ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng Lâm Sâm, Trâu Lỗ cũng bị cưỡng bách lìa Quảng Đông. Trung cộng tăng cường liên lạc với Quốc dân đảng tả phái Uông Triệu Minh, công kích phái hữu chống Cộng, Đái Truyền Hiền được liệt vào trung phái. Bọn Trương Kế, Lâm Sâm được Đái Truyền Hiền, Tôn Khoa, Ngô Cảnh Hoàn chi trì ; vào tháng 11/1925, trước linh sàng của Tôn Trung Sơn tại Tây Sơn [Xishan, Bắc Kinh], cử hành Trung ương chấp hành đệ tứ thứ hội nghị, còn gọi là Tây Sơn hội nghị ; quyết nghị thủ tiêu đảng tịch Quốc dân đảng của đảng viên Trung Cộng, giải chức cố vấn của Michael Borodin, ngăn trừng Uông Triệu Minh. Nhân chính phủ tại Quảng Châu không thừa nhận, bài xích là phi pháp, bèn đặt ban chấp hành trung ương tại Thượng Hải, nội bộ Quốc dân đảng chính thức chia cắt.


Sau khi Tưởng Giới Thạch thăm Nga Xô trở về, biết rằng Nga không có hảo ý với Trung Quốc; nhưng Tôn Trung Sơn kiên trì hợp tác, nên bề ngoài ra vẻ thoả thuận để mưu tự lập. Borodin đối với Tưởng hết sức tranh thủ, nhưng cuối cùng không tín nhiệm, không muốn cho nắm hết binh quyền. Sau khi khoá 1 trường Hoàng Phố tốt nghiệp, Giáo đạo đoàn thành lập chưa được bao lâu, tháng 1/1925 lại thành lập Thanh niên quân nhân liên hiệp hội, do Borodin chỉ huy hướng dẫn, thành phần đều là đảng viên Cộng sản. Sau lần thứ nhất đông chinh, quân nhân thuộc Quốc dân đảng tổ chức Tôn Văn chủ nghĩa học hội, hai bên tranh đấu với nhau, khiến Tưởng rất khổ tâm.


Uông Triệu Minh giữ chức Quốc dân chính phủ Chủ tịch, thành thủ lãnh đảng và chính phủ ; thực sự do Borodin chi trì. Đến lúc quân Vân Nam, Quảng Tây bị tiêu diệt ; địa vị của Tưởng lên cao như mặt trời phương đông ; uy vọng càng lớn, thì mối kỵ của Borodin càng sâu, và Uông cũng cảm thấy bất an. Hội nghị Tây Sơn chĩa mũi tên vào Uông, nhưng không đề cập đến Tưởng, chẳng khác gì lửa cháy trút thêm dầu. Tháng 1/1926 Borodin cùng Uông Triệu Minh thao túng đệ nhị thứ toàn quốc Quốc dân đảng đại biểu hội nghị tại Quảng Châu ; mục đích chủ yếu đả kích Tây Sơn hội nghị, cuộc vận động đánh đổ Tưởng cũng bắt đầu. Tưởng vì đoàn kết, mong hội nghị không đề cập đến việc Tây Sơn ; Uông càng tin rằng Tưởng có thông mưu trong vụ này. Đại hội không đếm xỉa đến lời khuyến cáo của Tưởng, thông qua việc trừng xử các đảng viên liên quan đến hội nghị Tây Sơn. Uỷ viên chấp hành mới được tuyển gồm 60 người, phái Uông chiếm 20, Trung cộng chiếm 14 ; Trung ương thường vụ Uỷ viên gồm 9 người, Uông phái và Trung cộng chiếm 3 ; trung ương đảng bộ phụ trách các đơn vị cũng phần lớn thuộc phái Uông và Trung cộng ; Uông và Borodin hợp mưu khống chế Tưởng càng lộ liễu, mối xích mích hai bên càng ngày càng sâu.


Sau cuộc đông chinh lần thứ hai, Tưởng lập tức có kế hoạch bắc phạt. Borodin cho rằng thế lực Trung cộng chưa đủ lớn, nếu địa vị Quốc dân đảng và Cách mệnh quân càng ổn định, lo uy tín của Tưởng tiếp tục phát triển ; nên bảo rằng thời cơ bắc phạt chưa tới. Chủ nhiệm Cố vấn Nga Xô Kissanga, V. V. Kuybyshev [Quý Sơn Gia] và Chủ nhiệm Tham mưu đoàn La Gia Giác Phu càng ra sức phản đối. Tưởng lâm vào hoàn cảnh hiểm ác, xin từ chức rồi lại quyết tâm xung phá ; Uông đối với việc từ chức của Tưởng không phê chuẩn mà cũng không lưu giữ. Vào cuối tháng 2/1926 Tưởng bắt giam một Sư đoàn trưởng Đệ nhất quân, do V. V. Kuybyshev lợi dụng làm điều sai. Đầu tháng 3 Uông với danh nghĩa Chủ tịch Uỷ viên hội quân sự chấp thuận Tưởng giải trừ chức Tư lệnh vệ nhung Quảng Châu ; lại có truyền đơn chống Tưởng xuất hiện.


Tưởng đau khổ trình bày với Uông rằng thực quyền cách mệnh không thể để rơi vào tay người nước ngoài ; liên lạc với cộng sản quốc tế cũng nên có chừng mực, không để mất quyền tự chủ ; Uông đem việc này kể lại cho V. V. Kuybyshev nghe. Trung cộng chỉ trích Tưởng là quân phiệt mới, là một Đoàn Kỳ Thuỵ trong tổ chức cách mệnh. Vào ngày 14/3 Uông ngỏ ý bảo Tưởng rời khỏi Quảng Đông, Tưởng cảm thấy “ Bốn bề thụ địch, mối lo từ trong nách, hãm vào thế trùng vây ; chỉ có cách phấn đấu quyết chiến, trong cái chết tìm cái sống.”


Trung Sơn hạm là chiến hạm Tưởng dùng để đi về từ Quảng Châu đến Hoàng Phố, do đảng viên Trung cộng Lý Chi Long, Đại lý hải quân cục trưởng, chịu trách nhiệm. Ngày 19/3 Tưởng phát hiện trên chiến hạm có hành động khả nghi, lại nhận tin báo rằng Lý âm mưu chờ cho Tưởng lên tàu, sẽ uy hiếp chở lên Hải Sâm Uy [Vladivostok, Nga], nên Tưởng ra tay trước khống chế. Ngày 20/3 Tưởng ra lệnh thiết quân luật, bắt Lý Chi Long cùng đại biểu đảng Cộng sản tại các quân, vây uỷ viên bãi công tỉnh, giám sát chỗ ở của các Cố vấn Nga. Đó là nội dung Trung Sơn hạm sự biến và cũng là lần thứ nhất Tưởng đối với Trung Cộng chế tài. Uông Tinh Vệ cho rằng Tưởng hành động tự tiện vô chính phủ, rất lấy làm giận dữ ; các Quân trưởng khác cũng không đồng ý. Để mong thống nhất nội bộ và được Nga Xô tiếp tục yểm trợ, Tưởng chuyển sang hoà hoãn, bèn nói với Tham nghị Nga xô Solovyev [Tố Lạc Duy Dã Phu] rằng hành động nêu trên do chống lại vài cá nhân, chứ không phải chống lại Nga Xô. Tưởng lại bàn bạc với đại biểu Nga Xô Ivanovsky [Y Vạn Nặc Phu Tư Cơ] cho V. V. Kuybyshev và La Gia Giác Phu trở về nước, và mời Poliak thay thế. Nhưng Uông cũng không tiện lưu lại, nên xưng bệnh xin nghỉ dài hạn ; chức Chủ tịch Quốc dân chính phủ do Đàm Diên Khải làm Đại lý. Trung cộng rút ra khỏi Đệ nhất quân và trường Hoàng Phố ; các tổ chức như Thanh niên quân nhân liên hiệp hội và Tôn Văn chủ nghĩa học hội đều bị giải tán.


Do phái phản Cộng tổ chức hội nghị Tây Sơn, Tưởng đối với Cố vấn Nga xô lại không hoà mục ; nên Stalin cho vời Hồ Hán Dân, lúc này còn trú tại Mạc Tư Khoa, đến để tìm cách lung lạc. Sau khi bàn bạc, Hồ khởi hành trở về Trung Quốc, đến giữa đường thì Trung Sơn hạm sự biến bắt đầu, Stalin nghĩ rằng nếu Hồ đến Quảng Châu sẽ có tác dụng hoà hoãn, bèn ra lệnh Borodin trên đường trở về Nga nghỉ phép, cùng quay lại Quảng Châu. Ngày 24/4/1926 Hồ cùng Borodin từ Hải Sâm Uy [Vladivostok] đến Quảng Châu, được hoan nghênh nhiệt liệt, Hồ được cử làm Uỷ viên chính trị ; cuối cùng không hoà hợp với Borodin nên lại ra đi lần nữa. Lúc này Borodin qua lại nhiều lần với Tưởng, ngày 15/6 Nga tiếp tế một số vũ khí, khiến Tưởng rất an ủi, ngày mồng 8 Borodin đàm luận 3 giờ, cự tuyệt gặp mặt Hồ Hán Dân, khiến ngày 12 Hồ đi Thượng Hải. Cùng ngày Uông Triệu Minh đến nước Pháp, những người thân cận với Hồ như Ngũ Triều Khu cũng tiếp tục bị đuổi đi ; Tưởng trở thành trung tâm lãnh tụ tại Quảng Châu.


Trước kia Trần Độc Tú chủ trương rằng Trung cộng nên rút ra khỏi Quốc dân đảng ; đổi hợp tác trong đảng thành liên minh ngoài đảng ; Cộng sản quốc tế chống lại cho rằng không được, bèn phái Cục trưởng Viễn đông G. N. Voitinsky [Ngô Đình Khang] đến chỉ đạo. Trần Độc Tú từ đó trở về sau đề xuất chính sách Trung cộng đối với Quốc dân đảng có phần nhẹ gánh hơn “ Biện nhi bất bao, thoái nhi bất xuất ” ; Borodin cũng chủ trương tạm thời lùi bước, cùng Tưởng Giới Thạch bàn định phương án chỉnh lý đảng vụ Quốc dân đảng. Ngày 17/5 do hội nghị uỷ viên ban chấp hành Quốc dân đảng lần thứ 2 thông qua những điểm quan trọng như tổ chức hội nghị liên tịch 3 Quốc, Cộng để thẩm định đảng viên ngôn luận hành động ; Trung cộng ra huấn lệnh cho Trung cộng đảng viên đáng được thông qua tại hội nghị liên tịch ; đảng viên Trung cộng tại đảng bộ Quốc dân đảng cao cấp không được quá 1/3, không được giữ chức Bộ trưởng các cơ quan Quốc dân đảng ; đảng viên Quốc dân đảng không được gia nhập đảng Trung cộng. Tưởng Giới Thạch cho rằng từ nay trở về sau Trung cộng không thể thay thế Quốc dân đảng, nhưng thực tế chứng minh không phải như vậy. Trần Độc Tú đối với phương án này rất lấy làm bất mãn ; riêng Borodin, G. N. Voitinsky, thì cho rằng “ hiện tại là giai đoạn Trung cộng đáng đem khổ lực giúp cho Quốc dân đảng ” ; thực chất tạm rút ra khỏi thượng từng kiến trúc của Quốc dân đảng, tập trung toàn lực vào hạ tầng cơ sở.


Hồ Bạch Thảo




1 Galen nguyên tên là V. K. Blucher ; từng tham gia Đệ nhất thế chiến. Sau khi bị thương, bèn giải ngũ rồi gia nhập đảng Cộng sản Nga, chỉ huy du kích đánh bại bạch Nga tại Tây Bá Lợi Á, được thăng Sư đoàn trưởng, năm 1920 được tấn phong Tư lệnh quân đoàn, bình định nam Nga. Năm 1924 giữ chức Chủ nhiệm Cố vấn đoàn tại Trung Quốc, năm 1925 trở về nước. Năm 1926 do lời xin của Tưởng Giới Thạch trở lại chức, đi theo cố vấn đoàn quân bắc phạt, tháng 7/1927 trở về nước. Năm 1935 thăng Nguyên soái, tháng 11/1938 bị Stalin xử tử lúc 49 tuổi.

2 Tam dân chủ nghĩa do Tôn Trung Sơn đề xuất, gồm : dân tộc chủ nghĩa, dân quyền chủ nghĩa, dân sinh chủ nghĩa.

3 Liên tịch : tức 2 chiếu, ý chỉ hai phe cùng tham gia hội nghị.




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us