Tưởng Giới Thạch lãnh đạo (4)
Tưởng Giới Thạch lãnh đạo
Hồ Bạch Thảo
Chương bốn
Tiếp tục
bắc phạt
[1927-1928]
Diêm Tích Sơn [1883-1960]
Nguồn:
zh.wikipedia.org/zh
1. Chiến tranh tại phía bắc Trung Quốc
Từ tháng 3/1927 trở về sau, chủ yếu địch thủ của quân cách mệnh là Trương Tác Lâm. Trương vì hình thế cô đơn, tuyên bố rằng nếu Tưởng Giới Thạch đuổi được người Nga, hai bên sẽ trò chuyện hoà hiếu. Tháng 5 khi Phụng hệ, cùng quân Trương Tông Xương bị bại tại Hà Nam và bắc sông Trường Giang ; phía bên hông lại chịu sự uy hiếp của Diêm Tích Sơn tại Sơn Tây ; do đó Trương Tác Lâm chủ trương thoả hiệp với Tưởng và Diêm ; nếu như không thành công, sẽ rút quân về phía đông bắc. Nhưng Tôn Truyền Phương lại cho rằng nội bộ quân cách mệnh đang đánh nhau, trước mắt còn có thể thi thố ; Trương bèn tự xưng Nguyên soái, Trương Tông Xương, Tôn Truyền Phương mang đại binh xâm lăng phương nam. Trương Tác Lâm chuẩn bị tiến công Phùng Ngọc Tường tại Hà Nam, bức bách Diêm Tích Sơn triệt thoái khỏi Thạch Gia Trang [Shijiazhuang, Hà Bắc]. Diêm lo nếu Phùng thua, thì quân bản bộ cũng không giữ được, nên ra tay trước để chế ngự. Cuối tháng 9, Diêm chia quân theo đường sắt Kinh Tuy [Bắc Kinh – Tuy Viễn] và Kinh Hán [Bắc Kinh – Hán Khẩu] phát động, cuối cùng bị Phụng quân đánh bại, bèn rút về Sơn Tây.
Trong lúc quân Trương Tác Lâm và Diêm Tích Sơn giao tranh, thì lực lượng của Trương Tông Xương dựa theo đường sắt Lũng Hải [Cam Túc cảng tại Giang Tô] tiến về tây đến phía đông tỉnh Hà Nam, nhưng đến đầu tháng 11 bị quân Phùng Ngọc Tường đánh bại. Phụng quân theo thiết lộ Kinh Hán [Bắc Kinh – Hán Khẩu] xuống phía nam, đánh bại quân Diêm Tích Sơn, rồi tiến chiếm Chương Đức [Zhangde] phía bắc Hà Nam. Hạ tuần tháng 11, Phùng Ngọc Tường lại đánh bại Trương Tông Xương, tháng 12 quân bắc phạt thuộc chính phủ Nam Kinh lại khắc phục Từ Châu [Xuzhou, Giang Tô] ; 20 ngày sau, quân Phùng Ngọc Tường thu hồi Chương Đức. Sau khi Tưởng Giới Thạch trở lại chức, củng cố lại lực lượng, tiếp tục bắc phạt. Cải biên quân đội phía nam sông Trường Giang thành Đệ nhất tập đoàn quân, trực tiếp chỉ huy ; chia quân của Phùng Ngọc Tường, Diêm Tích Sơn, thành Đệ nhị, Đệ tam tập đoàn ; quân đóng tại Lưỡng Hồ biên chế thành Đệ tứ tập đoàn do Lý Tông Nhân làm Tư lệnh. Đệ nhất và Đệ nhị tập đoàn hợp lực tấn công Sơn Đông, Đệ nhị và Đệ tam tập đoàn hợp công Trực Lệ. Phía Trương Tác Lâm dùng Phụng quân đối địch Hà Nam, Sơn Tây ; lực lượng của Tôn Truyền Phương, Trương Tông Xương phòng thủ Sơn Đông. Tháng 4/1928 Đệ tam tập đoàn quân thất lợi, Đệ nhị tập đoàn hoạch thắng. Ngày 1/5 Đệ nhất tập đoàn quân chiếm lãnh thủ phủ Tế Nam tỉnh Sơn Đông, không cho đảng Cộng sản hoạt động.
Ôn lại năm trước, khi quân bắc phạt hướng đến Sơn Đông, Tưởng sai người đến Đông Kinh để mưu cầu giải quyết ổn thoả. Thủ tướng Điền Trung Nghĩa Nhất chỉ muốn quân bắc phạt dừng lại tại Từ Châu, khi được biết quân bắc phạt đã tiến đến Phong Phụ [Bangbu, An Huy], Điền Trung lấy danh nghĩa bảo hộ Nhật kiều, cho mang quân đến Sơn Đông. Sau khi quân bắc phạt khắc phục Từ Châu, tạm thời ngừng tiến, nguyên nhân chính là muốn tránh khỏi quân Nhật can thiệp. Vào tháng 6, 7, Nhật mở Đông phương hội nghị thương thảo chính sách đối Hoa, quyết định rằng nếu quyền lợi Nhật bị xâm hại tức quyết nhiên xử trí. Lại cho rằng mối động loạn như làn sóng, không kể đến từ phương nào, nếu lan đến vùng Mãn, Mông, cần phải phòng ngừa. Vào tháng 8, Tưởng từ chức, quân Nhật tại Sơn Đông rút lui. Tháng 10, Tưởng đích thân sang Nhật Bản, cùng với Trương Quần bạn đồng học tại trường võ bị Chấn Vũ, đồng hành. Ngày 5/11/1927 gặp Thủ tướng Điền Trung, bàn về cải thiện ngoại giao với Trung Quốc. Điền Trung khuyên Tưởng chỉ nên thống nhất đến lưu vực sông Trường Giang, không nên cấp tốc tiếp tục bắc phạt, hai bên ý kiến đối chọi với nhau. Qua nhật ký, Tưởng Giới Thạch nhận xét “ Không có chút thành ý nào… Làm trở ngại hành động bắc phạt của quân cách mệnh ta, nhắm ngăn ngừa Trung Quốc thống nhất ”.
2. Nhật Bản cản trở cùng việc bắc phạt kết thúc
Cuộc vận động phản đế quốc trong giai đoạn đầu bắc phạt, đối tượng chính là nước Anh ; lúc đầu Nhật Bản giữ thái độ yên tĩnh, Tưởng Giới Thạch cũng lưu ý liên lạc tốt. Tháng 4/1927, Đại tướng Điền Trung Nghĩa Nhất, Tổng tài Chính hữu hội, lập nội các, kiêm chức Đại thần ngoại vụ ; tuyên bố rằng không phản đối nguyện vọng hợp lý của Trung Quốc. Đầu năm 1928, Tưởng Giới Thạch trở lại chức ; dùng Hoàng Phu, người đã từng tiếp xúc đối với Nhật trên một năm nay, làm Bộ trưởng ngoại giao ; mệnh kín đáo ngỏ ý cho Điền Trung biết rằng nếu như Trương Tác Lâm trở về miền Đông Tam Tỉnh 1, thì quân cách mệnh sẽ không truy kích ; lại phái Ân Nhữ Canh, người thông thạo về tình hình tại Nhật, làm Đại biểu tại Đông Kinh. Tháng 4, bắc phạt tái triển khai, Tưởng tuyên bố bảo hộ kiều dân nơi chiến địa, đặc biệt thông tri cho Lãnh sự Nhật tại Thượng Hải, Điền Trung vẫn ngang nhiên không đoái đến, ngày 20 cùng tháng, lại cho mang quân đến Sơn Đông lần nữa, vào thẳng Tế Nam. Ngày 1/5 quân bắc phạt chiếm lãnh Tế Nam, ngày hôm sau Tưởng cùng Hoàng Phu đến nơi để ứng phó vấn đề với Nhật ; Sư đoàn trưởng Nhật, Phúc Điền Nhan Trợ, cũng đến. Ngày 3/5 quân Nhật ra tay gây hấn, bắn quân dân Trung Quốc, giết nhân viên giao thiệp Thái Công Thời, lăng nhục Hoàng Phu, đó là nội dung “ Tế Nam sự biến ”. Ngày 5, Tưởng rời Tế Nam, vẫn sai người tiếp tục thương lượng, Phúc Điền yêu cầu trừng trị tướng lãnh cao cấp, giải trừ vũ trang quân đối kháng với Nhật, không được trú quân cách đường sắt Giao Tế [Giao Châu loan – Tế Nam] 20 dặm. Tưởng tuy phần lớn bằng lòng, nhưng Nhật vẫn tiến binh không ngừng, lại kế tục tăng quân tại Sơn Đông, riêng quân hạm chạy dọc sông Trường Giang và vùng bờ biển phía đông nam. Ngày 10, Tế Nam không giữ được, quân dân Trung Quốc chết khoảng 3.000 người. Lúc bấy giờ Trương Quần đã đến Đông Kinh, Thủ tướng Điền Trung cho biết không giúp Trương Tác Lâm, không làm trở ngại việc bắc phạt. Tưởng lui binh đến vùng phía nam Tế Nam, điều động quân chủ lực đi đường vòng vượt sông Hoàng Hà.
Nhật Bản lưu ý nhất tại vấn đề Mãn, Mông, cùng thái độ đối với Trương Tác Lâm. Sau hội nghị Đông phương vào tháng 7/1927, Tổng lãnh sự Cát Điền Mậu yêu cầu Trương Tác Lâm, đông bắc đương cục, giải quyết những đề án còn vướng mắc. Có thuyết cho rằng ngày 25/7, Thủ tướng Điền Trung trong “ Đại lục chính sách tấu chiết ” có câu “ Muốn chinh phục Trung Quốc, phải chinh phục Mãn Mông trước ”. Tháng 8 Công sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh, Phương Trạch Khiêm Cát, cưỡng bách Trương Tác Lâm chấp nhận cho Nhật Bản xây thêm đường sắt tại miền đông bắc, Trương ra lệnh cho Dương Vu Đình đàm phán việc này. Tháng 10, Tổng tài Nam Mãn hội xã, Sơn Bản Điều Thái Lang gặp mặt Trương Tác Lâm đề xuất xây 5 đường sắt ; gồm các tuyến : Đôn Hoá – Đông Môn Giang [từ tỉnh thành Cát Lâm đến phía đông tuyến đường sắt Hội Ninh tại Triều Tiên] ; Trường Xuân [Changchun, Cát Lâm] – Đại Lãi [huyện thuộc Cát Lâm] ; Vĩnh Cát [Yongji, Cát Lâm] – Ngũ Thường [Wuchang, Hắc Long Giang] ; Diên Cát [Yanbian, Cát Lâm] – Hải Lâm [Hailin, Hắc Long Giang] ; Thao Nam [Taonan, Cát Lâm] – Sách Luân [Suolunzhen, Nội Mông]. Ngày 12/11 hiệp nghị thành lập, Thủ tướng Điền Trung muốn chính thức hoá, bèn sai Công sứ Phương Trạch đàm phán thêm tại Bắc Kinh, cùng khuyên Trương Tác Lâm đi ra ngoài quan ải, ý muốn vùng đông bắc tách ra khỏi Trung Quốc.
Khi sự kiện tại Tế Nam phát sinh, Trương gửi điện đình chiến, phía Nhật cũng bức bách gấp rút. Từ ngày 13 đến ngày 15, ngoại trừ tuyến đường Vĩnh Cát đến Ngũ Thường, 4 tuyến đường kia đều đính ước xong hợp đồng. Ngày 17 Phương Trạch bảo Trương hãy đi về phía đông sớm, nếu chờ chiến bại mới rút, để cho quân cách mệnh tiếp tục truy kích, thì quân Nhật tại vùng phụ cận Sơn Hải Quan [Shanhaiguan, Hà Bắc] sẽ tước khí giới cả hai phe. Ngày 18 Nhật Bản gửi giác thư cho hai phe Bắc Kinh, Nam Kinh tuyên bố rằng chiến sự nếu như xảy ra tại Mãn Châu, Nhật Bản sẽ chọn hành động thích nghi để thi thố. Nước Mỹ tuyên bố rằng Mãn Châu thuộc chủ quyền Trung Quốc, Nhật Bản nếu có hành động nên báo cho Mỹ biết trước. Thủ tướng Điền Trung cho rằng Trương Tác Lâm đã đáp ứng phần lớn điều kiện, lại tư lự về thái độ của Mỹ, nên quyết định bảo lưu địa vị của Trương ; ngày 31/5 thủ tiêu kế hoạch ngăn chặn quân Trương Tác Lâm tại Sơn Hải Quan. Nhưng đạo quân Quan Đông đã được tập trung tại Thẩm Dương [Shanyang, Liêu Ninh], quyết đặt Trương vào chỗ chết, để cho vùng Mãn Châu hỗn loạn, rồi ra tay chiếm đoạt. Vào ngày 3/6 Trương đáp xe lửa đi về phía đông, ngày hôm sau đến Kinh Phụng gần Thẩm Dương, tại chỗ phía dưới cầu giáp giới với đồn Hoàng Cô thì bị tạc đạn ; Trương cùng người đến đón là Đốc biện Hắc Long Giang, Ngô Tuấn Thăng đều chết. Tỉnh trưởng Phụng Thiên Lưu Thượng Thăng giữ kín không tuyên bố ; hai tuần sau Trương Học Lương bí mật về đến Thẩm Dương, ngày 21 phát tang cho cha. Ngày 4/7 Học Lương giữ chức Tổng tư lệnh bộ bảo an Đông Tam Tỉnh, cục thế trở nên ổn định.
Sau khi quân bắc phạt vượt sông Hoàng Hà, bèn hướng đến Thiên Tân ; Diêm Tích Sơn, Phùng Ngọc Tường tiến đến Bắc Kinh. Ngày 29/5 Tưởng ra lệnh các quân đình chỉ đợi mệnh ; để cùng Công sứ đoàn bàn cách tiếp thu Bắc Kinh và Thiên Tân, ngày 30 Phụng quân rút hết. Ngày 8/6 quân Diêm Tích Sơn vào Bắc Kinh, chính phủ Bắc Kinh bị tiêu huỷ. Quốc dân chính phủ đổi tỉnh Trực Lệ thành tỉnh Hà Bắc, Bắc Kinh thành Bắc Bình, không còn là thủ đô Trung Quốc.
Trương Học Lương, mới 28 tuổi, là Tướng lãnh Phụng hệ thuộc tân phái chủ hoà ; đối với Nhật Bản có mối thù giết cha, muốn nghị hoà với phe cách mệnh, nhưng bị Lãnh sự Nhật Bản, Lâm Cửu Trị ra mặt ngăn cản. Trương Học Lương bèn thanh minh rằng không muốn làm ngăn trở sự thống nhất đất nước, bèn phái đại biểu đến gặp Tưởng. Lâm Cửu Trị tiếp tục can thiệp, thuyết rằng nếu như Nam Kinh dùng vũ lực áp bách, Nhật Bản sẽ hết sức tương trợ. Tháng 8, Đặc sứ Nhật Bản đến Thẩm Dương, uy hiếp nặng, không cho thoả hiệp với Nam Kinh, nếu không sẽ sinh đại biến, can thiệp vào nội bộ cũng không từ; Trương Học Lương hứa trì hoãn đến 3 tháng.
Sau khi Phụng quân ra khỏi quan ải, quân Tôn Truyền Phương quy thuận cách mệnh ; lực lượng Trương Tông Xương vẫn đóng tại vùng Thiên Tân, Sơn Hải Quan [Shanhaiguan, Hà Bắc] ; phe cách mệnh và Phụng quân tìm cách giải quyết, do đó Trương Học Lương và Quốc dân chính phủ hợp tác tiến lên một bước. Đồng thời Anh, Mỹ thanh minh rằng Mãn Châu là lãnh thổ Trung Quốc ; nước Mỹ phủ nhận quyền lợi đặc biệt của Nhật Bản tại Mãn Châu. Tưởng Giới Thạch lại ra lệnh Trương Quần đến gặp Thủ tướng Điền Trung, hứa sẽ duy trì miền đông bắc như hiện trạng. Tháng 11, nhân lễ Gia miện 2 của Thiên hoàng, Trương Học Lương sai Mạc Đức Huệ đến mừng, để bàn việc đổi cờ theo chính phủ cách mệnh, Thủ tướng Điền Trung không còn phản đối.
Ngày 29/12 miền đông bắc chính thức treo cờ Dân quốc “ Thanh thiên bạch nhật ”, Quốc dân chính phủ mệnh Trương Học Lương làm Tư lệnh trưởng miền đông bắc ; Chủ tịch 4 tỉnh : Phụng Thiên, Cát Lâm, Hắc Long Giang, Nhiệt Hà. Chính phủ đổi tỉnh Phụng Thiên thành Liêu Ninh, toàn quốc thống nhất.
Các tỉnh tại tây nam và tây bắc quy phụ Quốc dân chính phủ trước miền đông bắc. Năm 1925 nội chiến dấy lên tại Tứ Xuyên, quân phiệt chia nhau cát cứ các nơi ; phía đông Tứ Xuyên thuộc Dương Sâm, Trùng Khánh thuộc Lưu Tương ; Thành Đô cùng phía tây và bắc Tứ Xuyên thuộc Đặng Tích Hầu, Lưu Văn Huy. Khi quân bắc phạt tiến vào Hồ Nam, Hồ Bắc, các tướng lãnh tại Tứ Xuyên tuy chịu sự uỷ nhiệm của Tưởng Giới Thạch, nhưng không ai chịu dưới quyền ai, trong số đó thế lực Lưu Tương, Lưu Văn Huy tương đối lớn hơn. Năm 1927, Đường Kế Nghiêu tại Vân Nam bị bộ hạ Long Vân và Hồ Nhược Ngu đánh đổ, rồi Long lại đánh bại Hồ, Quốc dân chính phủ bèn cử Long Vân làm Chủ tịch tỉnh. Quân Quý Châu tham gia bắc phạt tương đối sớm, do Chu Tây Thành đứng đầu, năm 1927 trên danh nghĩa theo hiệu lệnh của chính phủ Nam Kinh. Tại Tân Cương Dương Tăng Tân thống trị 17 năm, lập mưu qua tiệc rượu giết những người khác ý kiến ; sau khi quân bắc phạt khắc phục Bắc Kinh, Dương tuyên bố phục tùng chính phủ Nam Kinh. Sau đó vào ngày 7/7/1928 bị Phan Diệu Nam, Hiệu trưởng trường Nga văn giết, rồi trong ngày Phan bị viên Sảnh trưởng dân chính Kim Thụ Nhân giết ; Kim giành được chính quyền và vẫn tiếp tục thần phục chính phủ trung ương.
Hồ Bạch Thảo
(Tham khảo từ : Cận Đại Trung Quốc Sử Cương, Quách Đình Dĩ ; Xô Nga Tại Trung Quốc, Tưởng Trung Chính ; Wikipedia Anh văn, Trung văn ; Bản đồ Google)
1 Đông Tam Tỉnh : ba tỉnh phía đông bắc, tức Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh.
2 Gia miện : lễ đội mũ lên ngôi của vua.
Các thao tác trên Tài liệu