Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Ủn à ủn ỉn

Ủn à ủn ỉn

- Cổ Ngư — published 12/11/2018 11:55, cập nhật lần cuối 23/03/2019 11:57

Ủn à ủn ỉn !


Cổ Ngư



Trong danh sách mười hai con giáp Á châu, nếu chú chuột nhỏ bé, lanh lợi đã nhanh chân chiếm đầu bảng thì chàng lợn ục ịch, nặng nề, suốt ngày ủn ỉn mua hành cho tôi đành phải hài lòng chấp nhận phận cầm đèn đỏ cho cả bọn vậy ! Lợn hay heo, thường bị người Việt lôi ra nhiếc móc vô tội vạ : «Bẩn như lợn !», «Ngu như heo !», thế nhưng năm Hợi lại thường được xem là năm «lành» và những ai sinh năm Hợi cũng thường được tán là người yêu đời, ham sống, thích hưởng thụ : cái số sung sướng, ăn no lại nằm (!) : người ta tuổi Hợi tuổi Mùi… 

Đĩa lòng lợn hay nồi thịt heo ba rọi kho hột vịt nước dừa quả đậm đà hương vị dân tộc. Hơn thế nữa, khi đọc lại truyền thuyết «Bánh dày, bánh chưng», với bánh dày trắng, hình tròn, tượng trưng cho Trời, bánh chưng xanh, hình vuông, tượng trưng cho Đất, con heo đã nghiễm nhiên đại diện cho tất cả các loài động vật để hãnh diện hoà vào nếp và đậu - đại diện cho thực vật - mà tạo nên món bánh truyền thống này của ngày Tết.

Tranh lợn làng Hồ với lợn nái lợn con lưng cong bụng võng mang ước mơ sung túc đến với từng gia đình Việt vào mấy ngày đầu năm. Con heo đất dạy cho trẻ em nhiều thế hệ trên toàn thế giới biết cách dành dụm, tiết kiệm, tích tiểu thành đại. Trư Bát Giới theo Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh nhưng vẫn quen thói tham ăn tục uống, ham mê thanh sắc : con heo Đông phương ngàn năm trước, tượng trưng cho lòng dục của giống người, có khác chi «con lợn lòng» trong những buổi tiệc thừa mứa thâu đêm suốt sáng và kỹ nghệ phim porno của con heo Tây phương ngàn năm sau ?

*

Thế nhưng trong thế giới truyện tranh và phim hoạt họa dành cho trẻ con, heo lại chiếm một vị trí khá quan trọng và thường được mô tả qua những nhân vật có làn da hồng hào, khuôn mặt bụ bẫm, bản tính nhẹ dạ, ngây thơ, yếu đuối, tốt bụng, ham vui, lười biếng…

nìnaf

Naf-Naf, Nouf-Nouf, Nif-Nif

Được biết đến nhiều nhất, có lẽ là ba anh em : Naf-Naf, Nouf-Nouf, Nif-Nif, xuất hiện lần thứ nhất trong bộ phim Ba chú heo con (1933), bộ phim màu đầu tiên của Walt Disney. Với bài hát «Ai sợ con sói dữ ? Chẳng phải chúng tôi ! Chẳng phải chúng tôi !» của Frank Churchill làm nhạc nền, bộ phim đã đoạt giải Oscar phim ngắn của năm và gặt hái nhiều thành công trên toàn thế giới. Bài hát nhanh chóng trở thành top hit, đem đến cho nước Mỹ - đang trong thời kỳ suy thoái kinh tế - niềm vui và sự hy vọng. Phim kể lại câu chuyện cổ tích về ba anh em heo rời mẹ ra ở riêng (truyện có nguồn gốc Nhật-nhỉ-man (anglo-saxon) và xuất hiện vào thế kỷ thứ XVIII hoặc trước đó nữa). Trong khi anh cả Naf-Naf tính cẩn thận, chịu khó xây nhà gạch thì hai chú em Nouf-Nouf và Nif-Nif lười biếng lại chỉ cất tạm một túp lều rơm và một căn chòi gỗ rồi dành thì giờ để lo vui chơi, đàn hát. Con sói dữ đến, chỉ thổi vài hơi là lều rơm lẫn chòi gỗ bay biến. Hai chú heo co giò chạy đến nhà gạch của anh cả xin tị nạn. Sói thổi cách mấy, nhà gạch vẫn trơ trơ. Vốn mưu trí, Naf-Naf còn lừa cho sói dữ rơi tõm vào nồi nước đang sôi sùng sục để dạy một bài học nên thân, chừa thói… ăn hiếp heo con ! Sau đó, ba anh em heo lại tiếp tục xuất hiện trong phim Con sói dữ (1934) để tiếp cứu cô bé quàng khăn đỏ, đấu trí với lũ sói con trong Ba chú sói con (1936) hoặc trở thành nhân vật phụ trong các bộ phim Đội polo của Mickey (1936), Sự trở về của rùa Toby (1936), Bài hát Giáng Sinh của Mickey (1983, dựa theo truyện của Charles Dickens), Ai muốn lấy mạng thỏ Roger ? (1988) và xuất hiện đều đặn trong nhiều truyện tranh trên Tuần báo của Mickey từ hơn nửa thế kỷ nay… 

porcinet

Porcinet

Một năm sau khi trình làng ba anh em heo Naf, Nouf, Nif, Walt Disney lại đưa lên màn ảnh chú heo Peter trong bộ phim Mẹ gà khôn ngoan (1934). Không may mắn bằng ba anh em heo con, chú heo lười này - cứ ôm bụng than đau khi được nhờ phụ tay làm việc - biến mất tăm sau đó, nhưng anh chàng vịt láu cá cùng xuất hiện lần đầu trong bộ phim lại trúng lô độc đắc và trở thành siêu sao với tên tuổi vang lừng hoàn cầu : Donald ! Suốt hơn ba mươi năm sau đó, người ta không thấy lại bóng dáng loài heo trong hàng trăm nhân vật hoạt hoạ của hãng Disney. Mãi đến 1966, cùng với chú gấu bông Winnie, heo hồng Porcinet mới xuất hiện bên cạnh cọp vằn Tigrou, lừa Bourriquet, thỏ Coco, thầy Cú và mẹ con Chuột túi. Tất cả đều là cư dân của khu rừng Những giấc mơ xanh và là bạn thân của chú bé Jean-Christophe. Porcinet nhỏ bé, yếu ớt, nhút nhát, nói năng lắp bắp nhưng chăm chỉ và thương bạn không ai bằng. Theo sát gấu bông Winnie trong nhiều bộ phim dài ngắn từ 1966 đến tận 2005, Porcinet cũng có lần được sắm vai chính trong bộ phim dài Những cuộc phiêu lưu của Porcinet (2003). Sau đó, thấp thoáng trong các bộ phim của Walt Disney, có sự xuất hiện của Heo rừng bên đội banh áo vàng trong phim Phù thuỷ tập sự (1971) và nàng heo Tirlir suýt bị chết luộc trong phim Cái nồi thần (1985). 

Pumba

Pumba, Simon, Simba

Đùng một cái, phim Vua sư tử ra đời năm 1994, mang chủ đề bảo vệ thiên nhiên, với phần nhạc nền và ca khúc độc đáo do Hans Zimmer, Elton John và Tom Rice hợp soạn, đã đưa chàng lợn lòi Pumbaa lọt vào mắt xanh của hàng triệu trẻ em trên thế giới. Cùng sư tử Simba và chồn đồng Timon, Pumbaa nhún nhẩy trong bài hát «Hakuna Matata» («Không chút ưu phiền»), ham ăn sâu bọ, giun dế và… ở dơ ! Tiếp tục xuất hiện trong Vua sư tử 2 (1999), Vua sư tử 3 (2004) và loạt phim truyền hình Timon và Pumbaa, chàng lợn lòi này đã để lại nơi người xem dấu ấn sâu đậm bằng những tràng cười vỡ bụng. 

Bayonne

Bayonne

Tiếp sau Pumbaa, sự hợp tác giữa hai hãng Pixar và Disney trong ba bộ phim bằng hình ảnh tổng hợp Truyện đồ chơi 1, 2, 3 (1995, 1999 & 2010) đã để tên của heo nhựa bỏ ống Bayonne đứng đầu trên danh sách những chú heo được vẽ trong không gian ba chiều. Chú heo hộ pháp thích hát karaoké Boulard nối gót theo sau trong bộ phim Gà con (2005). Cùng với Gà con thông minh đĩnh ngộ, vịt mái xấu gái si tình Abby và Cá không bao giờ… nói, Boulard đã chứng kiến cuộc đổ bộ của những sinh vật ngoài trái đất xuống ngôi làng hiền hoà, nhỏ bé của mình. Gần đây hơn, trong phim Vaiana (2016), có sự xuất hiện rất mờ nhạt của chú heo lang Pua... Với hãng phim Disney, có thể xem bộ phim dài Nông trại nổi loạn (2004) là bộ phim hoạt hoạ cuối cùng vẽ theo lối cổ điển. Cũng vì thế, heo cha hiền lành Ollieba chú heo con thích học võ thiếu lâm đã kết thúc danh sách những chú heo vẽ trên giấy trong (celluloide) của hãng phim này.

porky

Porky & Petunia

Dù không đông đúc như bên hãng Disney, nhưng chỉ với một chú heo Porky, Looney Tunes-Warner Bros. đã đủ sức cân bằng lực lượng. Khởi nghiệp trong bộ phim Tôi không có nón (1935) với nét cọ của họa sĩ Friz Freleng, Porky thuộc một nhóm học sinh gồm mèo Beans, anh em chó song sinh Ham & Ex, cú Oliver «gì cũng biết», rùa Tommy và mèo cái Little Kitty. Sau đó, chỉ còn mèo Beans và heo Porky tái xuất hiện trong vài bộ phim ngắn. Cuối cùng, Beans mất dạng, trong khi Porky trở thành một khuôn mặt khá quan trọng của hãng Looney Tunes-Warner Bros. Chú heo áo xanh nơ đỏ, nhút nhát mắc thêm tật nói lắp này có hẳn một tờ tuần báo truyện tranh riêng, lần lượt được các họa sĩ Roger Amstrong, Carl Barks, Chuck Jones & Bob Clampett chăm sóc chu đáo, hãnh diện sánh vai cùng thỏ xám Bugs Bunny rong chơi hay theo vịt đen Daffy bay vào vũ trụ. Tuy thuộc vào hàng siêu sao trong thế giới hoạt họa, Porky lại nhất mực chung thủy với nàng Pétunia ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên (Tình khúc của Porky - 1937) mặc dù bị nàng heo này lắm lần hành hạ ra trò ! Đặc biệt, «trư dáng» Porky còn được đưa lên con tem Hoa Kỳ 34 xu. Thật đáng mặt anh hùng !

Gunter

Gunter & Rosita

Cùng với sự chuyển hoá ngoạn mục từ những bộ phim hoạt hoạ hai chiều sang không gian ba chiều, tài tử heo bỗng chốc hoá tròn trịa, có da có thịt hơn trong các bộ phim mới của Hoa Kỳ : thôn dân heo trong Panda thiếu lâm (hãng Dreamworks Animation, 2008-2016) hay GünterRosita trong Cùng hát lên ! (hãng phim Universal, 2016, thực hiện : Garth Jennings). Rosita có giọng hát thiên phú nhưng đã bỏ mộng làm ca sĩ sau khi lấy Norman và sinh một bầy con đông đúc. Günter là một chàng heo thích mặc quần áo bó sát người với màu sắc sặc sỡ, mang hết năng lượng của mình dồn vào những bước nhảy điêu luyện. Cả hai, cùng nhiều thí sinh khác, như cô nhím Ash, anh khỉ đột Johnny, chị voi Meena, chàng chuột bạch Mike… hy vọng sẽ đoạt giải thưởng lớn trong cuộc thi «Giọng ca vàng» do chủ nhà hát, chú koala Buster Moon tổ chức.

*

0long

Oolong

Bên trời Á, ngoài sự góp mặt của Trư Bát Giới trong bộ phim hoạt hoạ công phu Tây du ký dài hai giờ đồng hồ của bốn anh em họ Hoàng : Wan Laiming (1899-1997), Wan Guchan (1899-1995), Wan Chaochen (1906-1922), Wan Dihuan (1907-) (hãng phim Thượng Hải), người ta còn thấy có chú heo Oolong ăn mặc theo kiểu Hồng vệ binh với tài biến hoá thiên hình vạn trạng xuất hiện bên cạnh chú bé có đuôi khỉ Sangoku ngay trong những tập đầu tiên của bộ truyện tranh manga 42 tập Banh Rồng - Dragon Ball (1984 - 1995) của hoạ sĩ Nhật Akira Toriyama. Chỉ hai năm sau khi tập truyện đầu tiên ra đời, Dragon Ball đã được Studio Toei chuyển thành loạt phim hoạt hoạ truyền hình dưới tên Dragon Ball rồi Dragon Ball Z (1989), Dragon Ball GT (1996) và được chiếu liên tục trong nhiều năm trời trên các đài truyền hình của toàn thế giới. Nhiều người đã nói đến «Thế hệ Dragon Ball». Chỉ riêng tại Pháp, cách đây hơn mười năm, nhà xuất bản Glénat đã cho in mười lăm triệu bản của bốn mươi hai tập truyện này.

Porco

Ngoài Oolong, một trong 402 nhân vật của bộ truyện manga dài hơi Dragon Ball, còn có chàng phi công Porco Rosso trong bộ phim cùng tên của hoạ sĩ Nhật Hazao Miyazaki. Bộ phim kể lại những chuyến phiêu lưu của Marco Pagot - Porco Rosso, phi công Ý những năm 20-30 của thế kỷ XX. Cho đến nay, không ai hiểu được tại sao họa sĩ Miyazaki lại quyết định cho chàng phi công săn thưởng và là kẻ thù không đội trời chung của bọn không tặc này bị nguyền để phải mang bộ mặt… heo ! Không như người đồng hương Akira Toriyama chuyên về truyện tranh manga, hoạ sĩ Hazao Miyazaki được toàn thế giới biết đến qua những bộ phim hoạt hoạ kỳ diệu đầy chất thơ của ông : Lâu đài Cagliostro (1979), Nausicaa của thung lũng gió (1984), Laputa, ngôi lâu đài trên không (1986), Hàng xóm Totoro của tôi (1988), Kiki cô bé phù thuỷ (1989), Công chúa Mononoke (1997), Chuyến du lịch của Chihiro (2001), Lâu đài lưu động (2004), Ponyo trên triền đá (2008), Gió nổi (2013)...

*

Angele

Nhìn về trường phái truyện tranh Bỉ-Pháp, điều đáng ngạc nhiên là với hàng chục nhà xuất bản, hàng trăm họa sĩ chuyên vẽ truyện tranh và hàng ngàn nhân vật toon xuất hiện từ gần một trăm năm nay, lại không có một bóng dáng mõm hếch đuôi xoăn nào đáng kể, đáng nhớ. Tìm mãi, mới lôi được hai chú heo ra làm đại diện. Có chú heo hồng René nghịch ngợm, cứng đầu và luôn theo sát cô bé Angèle trong mọi trò phá phách suốt bộ truyện 9 quyển từ 1997 đến 2013 (hoạ sĩ Curd Ridel). Có heo Jambon (!), cùng với kẹ Tartine, là bạn thiết của chú bé Merlin trong loạt truyện tranh Phù thuỷ Merlin (dựng truyện : Joann Sfar và Jean-David Morvan, họa sĩ : Jose-Luis Munuera). Ngoài ra, còn Lợn lòi đen thui, nằm trong bộ tứ Sói-Cáo-Gấu-Lợn, những kẻ thù không đội trời chung của hai anh em Sylvain, Sylvette và bầy gia súc (hoạ sĩ Maurice Cuvillier, Jean-Louis Pesch & Claude Dubois, từ 1941 đến 2017).

Thế kỷ XXI đón chào một siêu sao mới của phim hoạt hoạ Anh quốc : bé heo 4 tuổi Peppa, sống hạnh phúc bên bố, mẹ, ông, bà và chú em George hay khóc nhè, lúc nào cũng kè kè món đồ chơi «Ông khủng long» bên mình. Bộ phim truyền hình nhiều kỳ (thực hiện : Neville Astley & Mark Baker) dành cho trẻ em lứa tuổi mẫu giáo bắt đầu phát hình từ 2004, kể về cuộc sống hàng ngày của cô bé Peppa, yêu gấu bông Teddy, thích nhảy vào các vũng bùn và trêu chọc em trai George mới 2 tuổi. Với nét vẽ chân phương, màu dịu nhẹ, với mục đích luyện nói và dạy cách cư xử, ăn ở phải phép, hơn 250 mẩu phim ngắn 5 phút của loạt phim Peppa (từ 2004 đến 2018) thật phù hợp với tâm-sinh lý của các bé từ 2 đến 5 tuổi, được trẻ em Anh, Mỹ, Canada, Pháp… say mê theo dõi.

peppa

Peppa


Bên cạnh các tập truyện tranh hoặc phim hoạt hoạ dành cho thiếu nhi, có lẽ cũng nên nhắc đến bộ phim Nông trại súc vật (1954) của hai hoạ sĩ người Anh John Halas và Joy Batchelor, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh George Orwell. Nông trại súc vật được xuất bản năm 1945, kể về cuộc nổi dậy của bầy gia súc, đánh đuổi con người mà đại diện là lão nông gia Jones, đã dám bóc lột sức lao động lẫn thân xác của loài vật để sống phủ phê. Sau đó, bầy heo, tự nhận là «đỉnh cao trí tuệ» trong đám gia súc, lên nắm quyền, dần dần tạo cho nông trang một cuộc sống ngày càng tồi tệ, với đầy đủ những cảnh khủng bố, tranh quyền, thanh toán, tuyên truyền, phá hoại, lừa mị, tham nhũng… Các nhân vật heo Napoléon (ám chỉ Staline), heo Viên Tuyết (ám chỉ Trotsky), heo tay sai Brille-Babil, ngựa Malabar, quạ Moise, lừa Benjamin… của tiểu thuyết trở nên linh động hơn nhiều trong bộ phim hoạt hoạ dành cho người lớn này. Cũng trong loại phim hoạt hoạ và truyện tranh không dành cho thiếu nhi, còn có bóng dáng heo gầy Edmond (dựng truyện : Martin Veyron, hoạ sĩ : Jean-Marc Rochette) tính tình cáu bẳn, độc ác, hèn nhát, trong đầu lúc nào cũng lởn vởn ý tưởng một ngày sẽ kết thúc cuộc đời dưới hình dạng cục xúc-xích (!) hay bộ truyện 3 quyển «Hội chợ heo» (hoạ sĩ Ptiluc, 2000, 2003, 2008) với những nhân vật lịch sử nổi tiếng bị cho hoá thân thành heo bầy và cùng đấu trí, đấu tài với nhau, từ Đại đế Napoléon, Sa Hoàng Nicolas đệ nhị, Staline, đến các nhà văn Victor Hugo, Céline hay Giáo hoàng Pie XII


Piggy

Piggy & Kermit

Đi xa hơn khỏi thế giới truyện tranh và phim hoạt hoạ một chút, chúng ta có thể tìm ra thêm một siêu sao heo khá nặng ký : nàng Piggy trong loạt phim rối truyền hình Anh-Mỹ The Muppet Show (1976-1981), Muppet Tonight (1996-1998), Muppet TV (từ 2006 trở đi) và nhiều phim dài trên một tiếng đồng hồ : Muppets đón Giáng sinh (1992), Đảo Châu báu của Muppets (1996), Muppets lên không gian (1999)… Truyện đời tréo ngoe : nàng heo phốp pháp điệu đàng Piggy, với làn tóc vàng óng ả gợn sóng, áo dạ hội đen tuyền, nhẫn đầy tay và xâu chuỗi láp lánh nơi cổ, lại luôn thầm yêu trộm nhớ chàng ếch cốm còm nhom Tuxedo Kermit, giám đốc nhà hát rối, cũng là nhân vật trung tâm của loạt phim này. Cũng nên nhắc đến hai chú heo bằng bột nặn NicolaSteve của Studio Aardman (hoạ sĩ Anh Peter Lord & Nick Park), nơi hai nhân vật nổi tiếng thế giới Walace, Gromit và cả đàn gà của bộ phim Chicken Run - Gà chẩu (2000) ra đời.


Cuối cùng, chú heo Babe bằng xương bằng thịt cũng đã đem lại nhiều tiếng cười và niềm vui cho trẻ em qua hai bộ phim truyện của hãng Universal : Babe, chú heo con chăn cừu (1995) và Babe vào thành phố (1998). Bộ phim thứ hai tốn kém khoảng một trăm triệu mỹ kim. Bộ phim thứ nhất được thực hiện ở Úc, với hơn năm trăm diễn viên phụ, hai trăm kỹ thuật viên và năm trăm gia súc tham diễn, đã từng được đề nghị tranh giải Oscar. Vậy đố ai dám nghĩ rằng «tài tử» heo Babe dốt như lợn ?

Cổ Ngư

Thiais 11.2018



Tài liệu tham khảo


  1. Patrick Gaumer & Claude Moliterni - Dictionnaire mondiale de la bande-dessinée (Larousse 2001)

  2. Plusieurs auteurs - Encyclopédie de la bande-dessinée internationale (Omnibus 2003)

  3. Patrick Brion - Tex Avery (Chêne 1984)

  4. Jerry Beck - Looney Tunes, l'encyclopédie (Semic 2003)

  5. Dave Smith & Steven Clark - Walt Disney, 100 ans de magie (Michel Lafon 2001)

  6. John Grant - Encyclopedia of Walt Disney's animated characters (Hyperion 1998)

  7. https://www.youtube.com/watch?v=eJi-6kZiMWw

  8. https://www.youtube.com/watch?v=1hdYREVHHYQ

  9. https://www.youtube.com/watch?v=zQ63rAyQIXE

  10. https://www.youtube.com/watch?v=gbmzpd90UFs

  11. http://www.oomu.org/miyazaki.html

  12. http://fr.wikipedia.org/wiki/Dragon_Ball

  13. http://fr.wikipedia.org/wiki/George_Orwell

  14. http://fr.wikipedia.org/wiki/Le_Muppet_Show

  15. https://fr.wikipedia.org/wiki/Peppa_Pig

  16. https://www.youtube.com/watch?v=vgQDq4_n8q8


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Giai phẩm Xuân 2019
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss