Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Vấn đề bảo tồn di tích văn hoá Óc Eo

Vấn đề bảo tồn di tích văn hoá Óc Eo

- Nguyễn Thị Hậu — published 04/01/2010 17:28, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18

   

Khu di tích Ba Thê – Óc Eo (An Giang)
và vấn đề bảo tồn di tích văn hoá Óc Eo hiện nay



Nguyễn Thị Hậu



Trung tuần tháng 12, UBND tỉnh An Giang phối hợp cùng Bộ VHTTDL, Hội Di sản văn hóa VN tổ chức Hội thảo “Văn hóa Óc Eo - nhận thức và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích”. Một mục tiêu của Hội thảo là chuẩn bị hồ sơ "Di sản văn hoá" trình UNESCO, tuy nhiên, theo bài tường thuật trên báo Lao Động, Hội thảo chỉ ra rằng trên thực tế, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích văn hóa Óc Eo tại các địa phương có dấu hiệu thụt lùi, và sẽ rất khó thuyết phục UNESCO công nhận văn hóa Óc Eo là di sản văn hóa nhân loại nếu ngay từ bây giờ không tạo ra giải pháp nền đồng bộ.

Dưới đây là tham luận của TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử VN, do tác giả gửi cho Diễn Đàn.



HKC

Chân dung do Hoàng Tường vẽ

Những năm gần đây, trong các công trình nghiên cứu khảo cổ học đã thể hiện ngày càng rõ hơn cách/ hướng tiếp cận những nền văn hoá khảo cổ từ việc nghiên cứu môi trường sinh thái tự nhiên – cũng là môi trường sống của chủ nhân trong quá khứ của những nền văn hoá ấy. Không phải ngẫu nhiên mà khi nói đến văn hoá Oc Eo – một nền văn hoá cổ phát triển từ đầu Công nguyên đến thế kỷ VII và truyền thống của nó còn kéo dài đến thế kỷ X – những nhà nghiên cứu thường gắn địa bàn phân bố của nó với đồng bằng sông Cửu Long – Tây Nam bộ, mặc dù hiện nay đã phát hiện một số di tích văn hoá Oc Eo ở lưu vực sông Đồng Nai thuộc miền Đông Nam bộ.

Trong thời kỳ hình thành và phát triển của văn hoá Oc Eo (từ thế kỷ I đến thế kỷ VII) khu vực trung tâm Oc Eo – Ba Thê được nhìn nhận là một (trong nhiều) cảng thị của vương quốc cổ Phù Nam, trạm dừng chân quan trọng trên tuyến đường biển nối liền Nam Á và Bắc Á với hai trung tâm văn minh lớn của nhân loại là Ấn Độ và Trung Hoa.

An Giang là tỉnh tập trung dày đặc các di tích quan trọng của văn hoá Óc Eo. Hệ thống di tích Óc Eo ở đây phân bố ở nhiều địa hình: trên các giồng, gò ở cánh đồng, ở sườn núi, chân núi… Hệ thống di tích nhiều loại hình này liên kết với nhau tạo thành một quần thể di tích của một trung tâm cư trú – cảng thị - tôn giáo đồng thời còn là một trung tâm chính trị. Các loại hình di tích ở đây gồm có:

- Dấu tích các đường nước cổ - lung nước – hình thành một mạng lưới đan xen, lan toả, nối liền khu vực này với biển, với khu vực núi, giữa các khu vực cư trú với nhau. Mạng lưới đường nước ngoài chức năng tăng cường giao thông còn mang chức năng thủy lợi có tác dụng tích cực trong việc thoát nước vào mùa nước nổi.

Di tích kiến trúc trong văn hoá Óc Eo gồm di tích cư trú, kiến trúc đền tháp và mộ táng. Vật liệu xây dựng gồm gỗ, gạch, đá: dấu tích các cọc nhà sàn và một số cấu kiện trang trí hoa văn, phế tích hay nền móng đền tháp thờ hoặc đền tháp-mộ táng. Gỗ và đá là nguyên vật liệu cư dân bản điạ quen dùng từ thời tiền sử còn gạch là vật liệu mới do tiếp thu kỹ thuật của Ấn Độ từ đầu Công nguyên. Vật liệu đá có kích thước rất lớn, tham gia vào các công trình là bộ phận của kiến trúc chứ không chỉ là các chi tiết trang trí, được lắp ghép-kết nối bằng kỹ thuật chốt mộng. Hầu hết phế tích cho biết đây là đền tháp theo kiểu Ấn Độ có bình đồ hình vuông, nền móng dày đến hơn 1m xây bằng gạch, đất sét và đá sỏi để có thể chịu lực của công trình đồ sộ bên trên. Đặc biệt, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện được loại hình mộ táng mà trước đây các học giả Pháp chưa biết đến. Đó là các huyệt mộ hình vuông, hình chữ nhật hay hình phễu, bên trên ốp gạch hay lát đá tạo thành bề mặt khá bằng phẳng. Trong các huyệt mộ có cát trắng lẫn nhiều hiện vật quý giá như các mảnh vàng chạm khắc những biểu tượng của Bàlamôn hay Phật giáo, đồ trang sức, một số đồ tuỳ táng khác.

Đây cũng là những Di tích Lịch sử-Văn hoá Quốc gia được bảo tồn và tôn tạo thành những bảo tàng ngoài trời phục vụ cho nghiên cứu, học tập và du lịch.

covat

Cổ vật Óc Eo

– Việc phát hiện và khai quật di chỉ Gò Cây Tung (An Giang ) cùng với những di tích khác như Gò Cao Su, Gò Ô Chùa (Long An), Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt (Cần Giờ- TP.HCM ), Giồng Lớn - Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã hình thành một giai đoạn “tiền Óc Eo”. “Điều lý thú và cực kỳ quan trọng là từ những di tích tiền Óc Eo này, chúng ta đã nhận ra những mầm mống của văn hoá Oc Eo, nghĩa là những yếu tố sơ khai mà sau này phổ biến và định hình trong văn hoá Óc Eo”. Các khám phá mới về giai đoạn “tiền Óc Eo” ở Nam bộ ngày càng làm rõ hơn nguồn gốc bản địa của văn hoá này, đồng thời cũng cho thấy yếu tố văn hoá Ấn Độ đã xuất hiện ngay từ giai đoạn tiền sử ở đây. Vì vậy ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ đến văn hoá Óc Eo từ đầu Công nguyên trở về sau chỉ là sự tăng cường các ảnh hưởng đã có từ trước đó.

– Diện mạo cảnh quan khu di tích Ba Thê - Óc Eo ngày nay, cũng như nhiều khu di tích khảo cổ học khác đã thay đổi khá nhiều. Nằm trong khu vực tứ giác Long Xuyên hàng năm chịu tác động của mùa nước nổi, ngàn năm trôi qua làm cho khu di tích ngày càng hoang phế. Tác động này mỗi năm một khắc nghiệt hơn. Hàng trăm năm cải tạo thích ứng và cải tạo đồng bằng Nam bộ trở thành đồng bằng trù phú bậc nhất ở Đông Nam Á cũng “góp phần” phá hủy và làm biến mất, biến dạng hệ thống di tích trên mặt đất, trong lòng đất. Khác với nhiều văn hoá cổ khác ở ĐNA, di tích Óc Eo phần lớn chỉ còn phế tích nền móng công trình. Tuy phản ánh được sự đồ sộ về kiến trúc, phong phú về trang trí điêu khắc, đa dạng về mỹ thuật qua di vật… nhưng giá trị văn hoá - lịch sử của những di tích này rất quan trọng. Nó cung cấp tư liệu xác thực về một thời kỳ lịch sử mà tài liệu chữ viết còn nhiều hạn chế. Quan trọng hơn, đây là những bằng chứng của những lớp cư dân đầu tiên đã cải tạo đồng bằng sông Cửu Long để sinh sống và phát triển trong một giai đoạn dài.

Cuộc sống của cư dân thời cổ thể hiện rõ nét quá trình thích nghi với môi trường sinh thái tự nhiên. Tính chất thích nghi không chỉ là sự “nương nhờ”, khai thác tự nhiên một cách thuần tuý mà còn là quá trình tạo nên môi trường sinh thái nhân văn - cảnh quan lao động sản xuất, nơi cư trú, các công trình kiến trúc… Khảo cổ học dựa vào những di tích di vật phát hiện được để nghiên cứu về đời sống con người trong quá khứ, tất nhiên, chỉ hiểu biết được một phần vì những gì còn lại cũng vô cùng ít ỏi. So với nhiều di tích khảo cổ, khu di tích Ba Thê - Óc Eo là nơi phát hiện số lượng lớn di vật nhiều loại hình, từ vật dụng sinh hoạt trong di chỉ cư trú đến vật dâng cúng quý giá trong các đền tháp, vật tùy táng linh thiêng trong những ngôi mộ, từ các phế tích kiến trúc đền tháp và tượng thờ, minh văn đến di tích cư trú… Tổng thể di tích và di vật phản ánh quá trình tụ cư, hoạt động kinh tế - văn hoá - tôn giáo và các mối quan hệ giao lưu trong một thời gian dài khoảng 10 thế kỷ. “May mắn” là môi trường tự nhiên Nam bộ chưa biến đổi nhiều so với trước kia. Điều đó giúp ta hình dung được phần nào cuộc sống của chủ nhân những di tích và di vật thời kỳ Óc Eo. Trong môi trường sinh thái “tứ giác Long Xuyên” cư dân cổ đã xây dựng cảnh quan nhân văn gồm các kiến trúc đền thờ, tháp mộ trên các gò phù sa cổ, quá trình xây dựng con người cũng góp phần tôn tạo giồng, gò cao thêm, xây dựng nhà sàn cư trú ở địa hình thấp và dọc theo các kênh rạch. Họ khai thác tự nhiên rồi dần dần “cải tạo” vùng đất trũng lầy để trồng lúa – có lẽ là theo lối sạ lúa một vụ năng suất không cao, giống như lối canh tác của cư dân Đồng Tháp Mười cho đến khoảng giữa thế kỷ XX. Quá trình này để lại dấu tích cư trú ở đây trong một thời gian rất dài, từ đầu Công nguyên đến khoảng thế kỷ XII – XIII. Không chỉ vậy, cảng thị Oc Eo – Ba Thê đã trở thành một trung tâm tôn giáo lớn phản ánh sự gắn bó giữa đời sống xã hội và sự phát triển của tôn giáo du nhập từ Ấn Độ, từ một vài di tích quy mô không lớn, xây dựng đơn giản vào đầu Công nguyên đã phát triển đến đỉnh cao của kiến trúc và điêu khắc Hindu giáo và Phật giáo vào thế kỷ VI - VIII. Căn cứ vào sử liệu ghi chép về quốc gia cổ Phù Nam, vào tài liệu cổ văn tự trên các tấm bia đá, mảnh vàng, căn cứ vào đặc điểm của hiện vật, của nghệ thuật điêu khắc và nhất là vào kết quả các mẫu niên đại C14 của các di tích khảo cổ, các nhà khoa học đã định niên đại cho nền văn hoá Óc Eo từ thế kỷ I đến thế kỷ VII. Giai đoạn “hậu Oc Eo” từ thế kỷ VIII đến khoảng thế kỷ X - XII, truyền thống văn hoá Óc Eo vẫn được cư dân cổ nơi đây bảo lưu và có sự phát triển nhất định trong hoàn cảnh lịch sử - xã hội có nhiều biến đổi.

visnu

Tượng thần Visnu

Vấn đề bảo tồn: Khu di tích Ba Thê - Óc Eo cũng như một số khu di tích văn hoá Óc Eo ở các tỉnh khác hiện nay đặt ra 2 vấn đề: Một là, hiện nay các di tích văn hoá Oc Eo đang được bảo tồn là di tích kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng mà hầu như không có di tích cư trú và di tích môi trường nào xung quanh nó được bảo tồn. Do đó, một mặt các di tích này bị tách khỏi môi trường xã hội và môi trường tự nhiên, trở thành các phế tích đơn lẻ. Mặt khác, vô hình trung chúng ta đã chỉ quan tâm đến một yếu tố văn hoá ngoại sinh thuộc “thượng tầng kiến trúc” mà “quên đi” các yếu tố văn hoá nội sinh khác của “hạ tầng cơ sở” – nền tảng vô cùng quan trọng để nhận diện chủ nhân của xã hội Oc Eo.

Hai là, dù có những thay đổi về “chính trị” từ thế kỷ VII nhưng sau đó, cuộc sống của cư dân cổ đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp diễn trong sự thích ứng cao nhất với điều kiện tự nhiên và bằng sự duy trì truyền thống (vật chất, tinh thần) của văn hoá Oc Eo. Do vậy, phạm vi niên đại của văn hoá Óc Eo nên chăng cần mở rộng hơn, đến khoảng thế kỷ X (có thể chia làm nhiều giai đoạn phát triển) mà không cần thiết phải sử dụng khái niệm “hậu Oc Eo” – một khái niệm mà ngoài phạm vi niên đại (sau thế kỷ VII) còn lại những nội hàm khác không thể tách rời khỏi các đặc trưng của văn hoá Óc Eo.

Về quan điểm bảo tồn cần lưu ý:

1. Muốn bảo tồn di tích văn hoá Óc Eo để hướng đến lập hồ sơ DSVH Thế giới cho khu Óc Eo - Ba Thê thì việc khảo sát và khai quật nghiên cứu cần có kế hoạch toàn diện, chia thành từng giai đoạn, khai quật và bảo tồn đồng thời, tức là phải có các biện pháp kỹ thuật bảo tồn ngay từ khi khai quật. Công cuộc khai quật nghiên cứu ở đây cần có sự hợp tác của nhiều cơ quan chuyên ngành: khảo cổ học, trùng tu di tích, lịch sử - văn hoá, du lịch… Phối hợp thống nhất với nhau.
2. Bảo tồn khu Óc Eo - Ba Thê với tư cách nó là một "Đô thị cổ, một cảng thị" chứ không bảo tồn manh mún như hiện nay. Việc khai quật khu di tích cần làm bằng phương pháp của khảo cổ học đô thị. Tức là làm rõ diện mạo đô thị này với những chức năng quan trọng nhất của nó. Đồng thời không thể không lưu ý đến những di tích cư trú của chủ nhân nền văn hoá này.

3. Việc khai quật bảo tồn cần tính đến, lường trước yếu tố biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì thời kỳ Phù Nam Óc Eo cũng do yếu tố tự nhiên mà nền văn minh này suy sụp. Tránh để tình trạng khai quật xong không bảo vệ được lâu dài, như vậy chính chúng ta huỷ hoại di sản của cha ông..

Nguyễn Thị Hậu

Tài liệu tham khảo chính

     

1/ Lê Bá Thảo, 2004: Thiên nhiên Việt Nam. NXB Giáo dục.

2/ Lê Thị Liên, 2006: Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở đồng bằng sông Cửu Long trước thế kỷ X. NXB Thế giới.

3/ Lê Xuân Diệm – Đào Linh Côn – Võ Sĩ Khải, 1995: Văn hoá Oc Eo những khám phá mới. NXB Khoa học xã hội.

4/ Võ Sĩ Khải, 2002: Văn hoá đồng bằng Nam bộ (di tích kiến trúc cổ). NXB Khoa học xã hội.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss