Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Văn chương và tâm thức lưu xứ

Văn chương và tâm thức lưu xứ

- Phạm Văn Quang — published 13/12/2018 12:55, cập nhật lần cuối 20/03/2019 00:02

Văn chương và tâm thức lưu xứ


Phạm Văn Quang



Kẻ sáng tác đã là người sống trong lưu đày của văn tự:
đó chính là tổ quốc mà mình không phải là tiên tri.

(Maurice Blanchot, Văn tự của thảm hại)


Nếu nhiệm của chúng ta là đặt vấn đề và hiểu về thời đại của mình trong tương quan với các lĩnh vực văn hóa, chính trị, đạo đức và xã hội, thì một trong những việc cần thiết đó là xem xét và suy tư về những đặc trưng hay những nét cơ bản cho phép mô tả thời kỳ hiện tại. Một trong những đặc trưng quan trọng mà chúng ta có thể nhận thấy chính là những hiện tượng dịch chuyển, xét cả ở bình diện ý niệm và bình diện không gian. Hiện tượng dịch chuyển mạnh mẽ được tạo ra từ những sự biến lớn, đặc biệt từ thế kỷ XX, với những cuộc xung đột ý thức hệ trên toàn thế giới. Có khi chúng dẫn con người đến những biên giới vô tận để tưởng tượng, phát minh và sáng tạo ra những giá trị mới mẻ, nhưng phần lớn chúng đẩy con người vào những trận doanh của sự đau thương, chia cắt. Trên tổng thể, hiện tượng dịch chuyển đồng nghĩa với những sự kiện phá hủy hay hủy thể những ranh giới giữa truyền thống và hiện tại, giữa không gian quốc gia và không gian toàn cầu, giữa cội nguồn và tương lai vươn tới. Con người của thời kỳ hiện tại thường đối diện với một cảm thức cắt đứt hay một rạn nứt, bởi vì bị đẩy đến những nơi mình không biết, những nơi xa cội nguồn. Từ đó một cảm thức lớn xuất hiện đó là sự giằng co mang tính thời gian, quá khứ, hiện tại và những lo âu để tạo ra một diễn tiến lịch sử mới cho tương lai.

Văn chương tham gia vào dòng chảy lịch sử của thời đại và mang dấu vết của những tâm thức trên. Người ta nói đến những loại hình văn chương đặc trưng như văn chương thời chiến, văn chương chứng từ, văn chương chấn thương, văn chương di dân... Diễn tiến của hiện tượng chuyển di cũng làm sản sinh ra cho người Việt một dòng văn chương nằm ngoài ranh giới quốc gia. Có nhiều bàn cãi về vị thế của dòng văn chương này ở bình diện thiết chế: nó thuộc về hệ thống thiết chế văn học nào, Việt Nam hay các quốc gia sinh sống của tác giả? Hoặc ta có thể nói đến một nền văn chương không biên giới, khi mà không gian của văn chương là không gian sáng tạo, nên nó phải rộng lớn hơn không gian địa lý quốc gia. Hiện tượng này không còn mới mẻ. Ngay ở đầu thế kỷ XIX, chính Goethe đã tuyên bố: “Ngày nay văn chương quốc gia không còn có thể nói lên điều gì quan trọng nữa, thời đại của văn chương thế giới đã đến, và mỗi người bây giờ phải hành động để đạt tới tiến trình ấy”.

Tuy nhiên, ở bình diện lối viết và thể tài, dù đã có những chiến thuật “trung tính hóa” những sở thuộc để nhắm đến sự tự do, dòng văn chương này vẫn thể hiện sự nhạy bén của nó trước thời cuộc, thể hiện những khuynh hướng chung của thời đại; đó chính là sự trở về với những yếu tố lịch sử, thực tại, chủ thể... Nhưng đó là một cuộc trở về mang “thương tích” của sự chia xé. Một trong những thể tài lớn nhất của văn chương đương đại nói chung và văn chương của những người Việt nói riêng đó là vấn đề lưu xứ.

Chưa có một thống kê chính xác nào về số lượng các nhà văn gốc Việt Nam ở nước ngoài. Đó là một công việc khó, nhưng rất cần thiết để khai thác. Sự khó khăn ấy có thể nằm ở tính chất phân tán và không có bất kỳ một định chế nào hay một hệ thống sinh hoạt nào mang tính cố kết. Hơn nữa, phần lớn các tác giả lệ thuộc vào những định chế của đời sống văn học của các nước sở tại. Chúng ta cũng chưa thể phân định đầy đủ các nhà văn chuyên nghiệp và các nhà văn nghiệp dư hay các nhà văn trẻ, nghĩa là giữa các thế hệ nhà văn. Tất cả những vấn đề này thuộc phạm vi nghiên cứu về cấu trúc đời sống văn học và phạm vi chính sách cổ vũ sự phát triển và giao lưu văn hóa mang tính toàn cầu của Việt Nam.

Trở lại với thể tài lưu xứ. Đó không phải là đặc tính riêng của các nhà văn Việt. Nhiều tác giả lớn đương đại trên thế giới đã trải nghiệm tâm thức lưu xứ, như Kafka, Klauss Mann, Jean Améry, Gombrowiez, Cioran, Benjamin Fondane, v.v. Chủ đề này, dưới mọi hình thức, đã trở thành căn nguyên của các cuộc tranh luận và vẫn tiếp tục là một lãnh địa thu hút giới phê bình. Hiện tượng lưu xứ thường được thể hiện như một thể tài mới trong lối viết cá nhân. Điểm chung của các tác phẩm là thường viết về hành trình hiện hữu và dịch chuyển của cá nhân trong những tương quan với cộng đồng và không gian xã hội. Các tác giả là những nhà văn lưu xứ luôn cố gắng xây dựng một ý nghĩa nào đó cho sự sống trải của mình ở những không gian và thời gian khác nhau. Tác phẩm của họ thường gợi lại những ký ức đau thương về một sự mất mát, một sự bấp bênh của căn tính, quá trình sử dụng ngôn ngữ khác trong sáng tác, mối tương quan của văn chương và tình trạng lưu xứ... Nếu phải kể ra một trong những nhà văn Việt Nam lưu xứ thuộc thế hệ đầu và đã có một vị thế quan trọng trên văn đàn thế giới, thì đó chính là Phạm Văn Ký. Là nhà văn Pháp ngữ, rời quê hương vào cuối những năm 1930 và sống trên đất Pháp cho đến cuối đời (1992). Phần lớn tác phẩm của ông đều đề cập đến sự đối kháng và xung đột, ở cả chiều kích Đông-Tây và chiều kích cá nhân của ông, người đã phải sống trải một cách sâu đậm sự giằng co giữa hai hệ thống văn minh. Trong muôn vàn sự trăn trở và cảm nghiệm, tình yêu tổ quốc luôn thôi thúc ông, đến nỗi nhà phê bình Jean-Jacques Mayoux, trong một cuộc đối thoại với Phạm Văn Ký, đã nhận định về chiến thuật văn chương của ông như sau: “Mallarmé đã sinh ra ông bằng cách giúp ông tự hủy mình, để ngay trong chính đất nước của Mallarmé ông trở thành một người phát minh ra một Việt Nam tinh tuyền nhưng không hiện hữu” (Voix d’Est, Voix d’Ouest, tr. 175). Còn bản thân Phạm Văn Ký thì thừa nhận về nỗi hoài hương của mình: “Và chính tôi đã tự oán trách mình, như cái gia gia, vì đã phải xa lìa tổ ấm gia đình! Chính tôi day dứt nỗi niềm quê hương, như con Quốc Quốc! Chưa bao giờ tôi nhắc đến quê hương với một tình yêu mãnh liệt đến thế, đất nước hình chữ S, đang khép mình lại, đang bị đào bới bởi lưỡi cày của Khổng giáo, đang được tô điểm bằng nụ cười của Đức Phật” (L’Ogre qui dévore les villes, tr. 251).

Với thế hệ các nhà văn trẻ, gần đây nổi lên những hiện tượng đáng chú ý, đó là trường hợp Kim Thúy và Nguyễn Thanh Việt. Nếu như Ru của Kim Thúy là tiếng ca êm dịu của những ký ức phân tán trở về đầy xúc động sau 30 năm khi tác giả rời Việt Nam, đồng thời diễn đạt ý thức đạo đức về lịch sử cộng đồng và lịch sử cá nhân: “cuộc đời tôi có sứ mệnh thay thế cho các cuộc đời đã khuất”, thì trong tiểu thuyết đầu tiên của mình, Cảm tình viên (The Sympathizer), Nguyễn Thanh Việt, dù không trải nghiệm nhiều về thực tế lịch sử Việt Nam, đã viết về nó như một trách vụ làm tái hiện những biến cố từ đại thể đến đặc thù của xứ sở cha ông mình. Tâm thức lưu xứ của hai nhà văn này thăng hoa thành những suy tưởng, những nếp cuộn như là chất liệu âm vang của những ưu tư về hạnh phúc, đoàn tụ, chính trị và đạo đức xuyên suốt tác phẩm.

Linda Lê có lẽ là một trường hợp hết sức đặc biệt. Đã từng tự vấn không biết mình có thuộc về thế hệ thứ hai trong số những người lưu xứ có khả năng hội nhập và chỉ sau này mới luyến nhớ về văn hóa cội nguồn, Linda Lê thực sự đã đạt đến một mức độ “vô xứ tuyệt đối” khi chuyển hóa ý niệm tổ quốc thành ngôn ngữ, theo kiểu Kafka: “ngôn ngữ chính là hơi thở âm vang của tổ quốc”, hay giống trường hợp Cioran: “người ta không cư ngụ trong một đất nước nhưng trong một ngôn ngữ”. Lưu xứ của Linda Lê vượt ra ngoài ý niệm vật chất và địa lý để hướng đến một ý niệm siêu hình nào đó như một nguyên lý của sáng tạo: “khi tôi viết, tôi không bao giờ nghĩ đến việc xử lý chủ đề lưu xứ. Chỉ sau đó, khi trao đổi với độc giả, với bạn bè, tôi mới thấy tất cả những chủ đề mà tôi đề cập đều bắt nguồn từ ý niệm lưu xứ. Không ai phủ nhận rằng một nhà văn được định nghĩa như người sống trong tình trạng lưu xứ” (Paroles d’exils, tr. 20). Lưu xứ đối với Linda Lê như là yếu tính của nhà văn, “đó là một thứ mông lung trong tâm hồn mà mỗi người đều cảm nhận”. Linda Lê ứng xử với tâm thức lưu xứ ở một chiều kích phổ quát như là tình trạng “cô đơn siêu hình của nhà văn”. Yêu sách của nhà văn là “phải ra khỏi những suy xét vật chất, nhưng cũng không nên sa vào ý tưởng của nhà văn về cái bóng của mình”. Lưu xứ đã trở thành căn nguyên của quan niệm văn chương nơi Linda Lê, văn chương của hủy thể tính. Suy tưởng của nhà văn về ý niệm này đã đạt đến mức độ triệt để:

Một kẻ lưu xứ chọn nơi cư trú của mình trong văn chương luôn đong đưa giữa hai thái cực này: một bên, đó là nguyên lý bất toàn (đau thương nguyên khởi, tính bất hợp pháp tự nhận lấy), một bên, đó là quy luật của sự thái quá (gây ồn ào tai tiếng). Một kẻ lưu xứ chọn nơi cự ngụ của mình trong văn chương sau khi đã bỏ đi ngôn ngữ của mình để sử dụng một ngôn ngữ khác chỉ tạo thêm tốc độ cho tình trạng đong đưa ấy giữa một sự thiếu vắng (ngôn ngữ bị mất đi) và sự thái quá (sử dụng ngôn từ gay gắt mãnh liệt).

[...]

Bởi vì từ khởi nguyên đã có tang thương, cái tang thương của ngôn ngữ bị cất giấu. Chính sự diệt vong nguyên thủy này đã nhanh chóng làm tan biến đi những ràng buộc và đẩy nhà văn vào hoàn cảnh lưu vong của từ ngữ, nhưng sự diệt vong ấy cũng mở ra một thế giới quan được hình thành trên sự thiếu khuyết chứ không phải trên sự viên mãn, xây dựng trên sự phủ nhận chứ không phải sự khẳng định, trên nhược điểm như là dấu hiệu của tang tóc và như là triệu chứng phản kháng (Linda Lê, Tu écriras sur le bonheur, tr. 333 và 335).

Phạm Văn Quang


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Biên khảo, Giai phẩm Xuân 2019
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us