Về địa danh VẠN LÝ TRƯỜNG SA trong HẢI NGOẠI KỶ SỰ
VỀ ĐỊA DANH “ VẠN LÝ TRƯỜNG SA ”
TRONG TÁC PHẨM HẢI
NGOẠI KỶ SỰ
Phạm Hoàng Quân
Hải Ngoại Kỷ Sự là tựa sách khá quen thuộc trong giới nghiên cứu lịch sử biển Đông, sách này được dịch sang Việt văn và xuất bản tại Huế năm 1963, đối với mấy đoạn văn có liên quan đến Vạn Lý Trường Sa (tức quần đảo Hoàng Sa, theo cách gọi trong một số thư tịch cổ Trung Quốc), nhiều chỗ đã được dịch không chính xác, không chú giải và có lúc không xem cụm từ này như là địa danh. Bản dịch Huế 1963 không in kèm nguyên văn chữ Hán nên cũng khó đối chiếu khi cần phân tích cặn kẽ, những khuyết điểm này dẫn đến vài trường hợp sai lầm theo bản dịch, dẫn đến việc có sự trích dẫn cả mấy điểm sai trong bản dịch này vào luận văn hoặc bài nghiên cứu.
Bản dịch Huế ra đời cách nay đã 50 năm, các dịch giả thời ấy có thể chưa mấy quan tâm đến các yếu tố dính dáng đến địa lý trong ký sự này. Ngày nay, trong điều kiện tư liệu khá hơn, chúng tôi xem lại các bản gốc chữ Hán, so sánh chúng và đối chiếu bản dịch với các bản gốc, tạm thời điều chỉnh mấy chỗ sơ suất trong bản dịch Huế 1963, và bên cạnh cũng bổ sung các thông tin mới (sau 1963) cùng một số chú thích cho rõ nghĩa hơn.
Nguyên tác Hải Ngoại Kỷ Sự đề cập nhiều lãnh vực, khảo sát này chỉ chú trọng và tìm hiểu riêng về những yếu tố liên quan đến lộ trình và địa danh, qua đó nhằm phân tích điểm hợp lý hoặc không hợp lý trong những điều được ghi chép bởi chính tác giả.
I. Khái lược về văn bản
Hải Ngoại Kỷ Sự (6 quyển), Thanh/1695 – Thích Đại Sán.
海 外紀事 - 清 康煕三十五年 - 釋大汕
Haiwai Jishi – Qing/ 1695 – Shi Da Shan
Record of events of Overseas
Bút ký, ghi chép của tăng nhân Quảng Đông sau chuyến đi đến xứ Đàng Trong (Miền Trung Việt Nam), về nhân vật, phong tục, vật sản, tín ngưỡng và những điều nghe thấy trên đường.
Lời tựa của Đại Việt Quốc vương Nguyễn Phước Chu (阮福週), đề tháng 5 năm Bính tý (1696) ; lời Tựa của người ở Dũng Giang là Cừu Triệu Ngao (仇兆鼇), đề tháng Giêng năm Khang Hi kỷ mão (1699) ; lời Tựa của người ở Ngô Giang là Từ Cửu (徐 [金九]), không đề năm ; lời Tựa của người ở Tấn Lăng là Mao Đoan Sĩ (毛端士) đề tháng 8 năm Khang Hi kỷ mão (1699).
Đại Sán, họ Từ (徐) tên Thạch Liêm (石濂), pháp hiệu Đại Sán, hiệu Hán Ông Hoà thượng (厂翁和尚), người Ngô Huyện, Giang Tô, tu ở chùa Trường Thọ, Quảng Đông. Lai lịch có nhiều thuyết, hành tung khá phức tạp. Mùa xuân năm Khang Hi ất hợi, đến Đại Việt do được Chúa Nguyễn Đàng Trong mời sang thuyết pháp.
Hải Ngoại Kỷ Sự qua ghi nhận trong Tứ Khố Tổng Mục Đề Yếu :史部三十 四 地理類存目七 海外紀事 六卷 浙江巡撫 採進 本 國朝釋大 汕 撰。大汕廣東長壽寺僧。康熙乙亥春。大越國王阮福週。聘往說法。越歲而歸。因記其國之風土。以及大洋往來所見聞。大越國者。其先世乃安南贅壻。分藩割據。 遂稱大越。卷前有阮福週序。題丙子蒲月。蓋康熙三十五年也。 Tứ Khố Toàn Thư Tổng Mục Đề Yếu, Sử bộ 34, Địa lý loại, Tồn mục 7: Hải Ngoại Kỷ Sự 6 quyển Bản do Tuần phủ Chiết Giang tìm được dâng lên. Sách do Thích Đại Sán triều ta [Thanh] soạn. Đại Sán là Tăng nhân chùa Trường Thọ, mùa xuân năm Ất Hợi được Quốc vương Đại Việt Nguyễn Phúc Chu mời sang thuyết pháp. Qua một năm trở về, nhân ghi chép về phong thổ nước ấy, cùng những điều tai nghe mắt thấy khi qua lại biển lớn. Nước Đại Việt, nguyên đời trước là rể của [chúa] An Nam, phân cõi chiếm cứ, xưng hiệu Đại Việt. Trước sách có lời Tựa của Nguyễn Phúc Chu, đề tháng 5 năm Bính Tý, nhằm năm Khang Hi thứ 35. |
Các phần liên quan đến Vạn Lý Trường Sa, xem trong :
Quyển 3, tờ 23b, 24a.
Quyển 4, tờ 16a ; tờ 21b
Các bản Hải Ngoại Kỷ Sự đã xuất bản và lưu hành :
* Bản nhập Tứ Khố Toàn Thư Tổng Mục, Sử bộ 34, Địa lý loại, Tồn mục 7.
Phạm Hoàng Quân (PHQ) chú : Sách được nhập Tứ Khố Toàn Thư Tổng Mục không phải là sách thuộc Tứ Khố Toàn Thư, mà chỉ lưu tên sách và mấy dòng đề yếu, bản sách nằm trong kho, chờ đọc duyệt hoặc tiếp tục thẩm định nội dung coi có điều gì trái với quan điểm Thanh đình hay không, chưa được chép nhân bản hoặc khắc in nhân bản. Do không phân biệt được Tứ Khố Toàn Thư Tổng Mục (sách tổng mục lục) và (sách tập hợp thành tùng thư) là 2 bộ phận khác nhau nên giới nghiên cứu Việt Nam thường hay gắn sách Tứ Khố Toàn ThưHải Ngoại Kỷ Sự thuộc Tứ Khố Toàn Thư cho có vẻ quan trọng. Gần đây, tiêu biểu như Thạc sĩ Trần Văn Quyến trong bài viết : Sử liệu Trung Quốc minh chứng chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa [vnexpress.net, 28/7/2012].
* Bản khắc in : Bảo Kính Đường khắc bản, trong niên hiệu Thanh Khang Hi, hiện tàng Bắc Kinh Đồ Thư Quán. [北 京圖書館藏清康煕寶鏡堂刊本]
* Bản khắc in : Bảo Kính Đường khắc bản, trong niên hiệu Thanh Khang Hi, lời Bạt của Phó Tăng Tương. [清 康煕寶鏡堂刊本傅增湘跋] (theo Trung Quốc Cổ Tịch Thiện Bản Thư Mục - Sử bộ, quyển 6, tờ 60a.)
* Bản khắc in : không đề năm và nơi khắc in, hiện tàng (Nhật Bản) Đông Dương Văn Khố [The Toyo Bunko – Oriental Library/東洋文庫藏本].
* Hải Ngoại Kỷ Sự, trong tùng thư Bút Ký Tiểu Thuyết Đại Quan, tập thứ 6, Thượng Hải : Thượng Hải Tiến Bộ Thư Cục, (?) [海外纪事, 屬 叢書 <<筆 記小說大觀>>,第六輯,第六函, 上 海進步書局]
* Bản in : Hải Ngoại Kỷ Sự 6 quyển, Thích Đại Sán soạn, in trong Thập Thất Thế Kỷ Quảng Nam Chi Tân Sử Liệu, Trần Kinh Hoà biên trứ, thuộc Trung Hoa Tùng Thư, Đài Bắc : Trung Hoa Tùng Thư Uỷ Viên Hội – Đài Loan Thư Điếm, 1960. (phần Hải Ngoại Kỷ Sự được in chụp từ bản Đông Dương Văn Khố). [Hai wai ji shi 6 juan, Shi Dashan zhuan, in Shi qi shi ji Guang nan zhi xin shi liao, Chen Jinghe bian zhu, Zhonghua cong shu, Taibei : Zhonghua cong shu wei yuan hui : Taiwan shu dian zong jing xiao, 1960. / 海 外纪事 六卷 ,(清)释 大汕著 載中 “十七世紀廣南之新史料”,陳荊和编 著,<<中華叢書>>,台北 :中 華叢書委員會 : 台灣書店總經銷, 1960.(影印東洋文庫藏本) ]. PHQ chú : Sách này gồm 160 trang, chia làm 2 phần, phần khảo cứu về Hải Ngoại Kỷ Sự của Trần Kinh Hoà và phần nguyên tác Hải Ngoại Kỷ Sự (in chụp). Do ông Trần Kinh Hoà đặt cho sách nhan đề Sử liệu mới về Quảng Nam hồi thế kỷ 17, nên dễ bị lầm tưởng đây chỉ là một tập sử liệu tổng hợp.
* Hải Ngoại Kỷ Sự, (Thanh) Đại Sán trứ, Dư Tư Lê điểm hiệu (giới thiệu và chấm câu), thuộc tùng thư Trung Ngoại Giao Thông Sử Tịch Tùng San, Bắc Kinh : Trung Hoa Thư Cục, 1987, 2000. [Haiwai Jishi – (Qing) Da Shan write, Yu Sili introduce, in Zhongwai Jiaotong Shiji Congkan, Beijing : Zhonghua Shuji, 1987, 2000./ 海外紀事,(清)大 汕 著 - 余思黎 點校,<<中外交通 史籍叢刊 >>, 北京 : 中華書局,1987,2000.]. PHQ chú : Bản in này là một sách in chung 2 tác phẩm : phần trước là An Nam Chí Lược của Lê Tắc, do Võ Thượng Thanh (武 尚清) điểm hiệu, 447 trang, phần sau là Hải Ngoại Kỷ Sự, Dư Tư Lê điểm hiệu, 140 trang.
* Hải Ngoại Kỷ Sự, (Thanh) Đại Sán trứ, Thượng Hải : Thượng Hải Cổ Tịch Xuất bản xã, 1995. (ảnh ấn bản)
* Hải Ngoại Kỷ Sự, (Thanh) Đại Sán trứ, Sơn Đông : Tề Lỗ Thư Xã xuất bản, 1997. (ảnh ấn bản).
* Hải Ngoại Kỷ Sự 6 quyển, (Thanh) Đại Sán soạn, trong tùng thư Tục Tu Tứ Khố Toàn Thư, ảnh ấn bản (Khang Hi) Bảo Kính Đường khắc bản cất tại Bắc Kinh Đồ Thư Quán, Thượng Hải : Thượng Hải Cổ Tịch Xuất bản xã, 2002. [Hai wai ji shi 6 juan, Shi Dashan zhuan, in Xu xiu Si Ku Quan Shu, ju Beijing Tu Shu Guan cang Qing Kangxi Bao Jing Tang ke ben ying yin, Shanghai : Shanghai Guji chu ban she, 2002 / 海外纪事六卷(清)释 大汕 撰, <<續修四庫全書>>,據 北京圖書館藏清康熙寶鏡堂刻本影印,上 海 : 上海古籍出版社, 2002.]
Bản dịch sang Việt văn [bản dịch Huế 1963]:
* Hải Ngoại Kỷ Sự 6 quyển, (Thanh) Thích Đại Sán soạn, Nguyễn Phương và Nguyễn Duy Bột dịch, Trần Kinh Hoà viết bài Khảo cứu, Viện Đại Học Huế - Ủy Ban Phiên Dịch Sử Liệu Việt Nam, Huế, 1963. [dịch theo bản Đông Dương Văn Khố]. (Bìa trong của bản dịch ghi sai là “Toàn bộ: 7 quyển”, gần đây Nguyễn Văn Đăng sai theo, xem Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1, 2012, tr.115.)
II. Tóm tắt lộ trình
Đêm 15 tháng Giêng [rằm Thượng Nguyên] năm Ất Hợi (Khang Hi thứ 34 – Tây lịch : 27/2/1695) Đại Sán cùng tuỳ tùng 50 người lên thuyền tại Hoàng Phố, thuyền quá tải, đoàn người chia hai tốp, một tốp ở lại chờ chuyến sau, Đại Sán đi trong chuyến đầu.
Ngày 16 tháng Giêng, ngang qua Đông Hoản, Hổ Môn, Việt Hải quan, Ô Trữ Sơn, Lỗ Mạn Sơn [hải phận Quảng Đông, Thanh].
Ngày 27 tháng Giêng, đến Cù lao Chàm, vào Hội An, đổi thuyền.
Ngày 28 tháng Giêng, tới Thuận Hoá. Trú ở chùa Thiền Lâm.
Ngày 13 tháng 3, tốp thứ hai tới Thuận Hoá.
Ngày mùng 1 tháng 7, Đại Sán trở lại Hội An.
Ngày mùng 2 tháng 7, Đại Sán tới Hội An. Trú tại chùa Di Đà.
Ngày 19 tháng 7, Đại Sán lên thuyền buôn rời Hội An, về Quảng Đông.
Ngày 20 tháng 7, sáng, đến Cù lao Chàm, nghỉ tạm chờ gió.
Ngày 30 tháng 7, sáng, thuyền từ Cù lao Chàm ra khơi.
Ngày mùng 1 tháng 8, sáng, bị gió thổi ngược, thuyền trở lại Cù lao Chàm, sau vài hôm trở vào Hội An.
Ngày 12 tháng 10, theo đường bộ ra Thuận Hoá, qua đèo Hải Vân.
Ngày Rằm tháng 10, sáng, đến cửa biển Thuận An, có thuyền chờ sẵn, lên thuyền, tối, tới chùa Thiên Mụ. Lần này đến Thuận Hoá trú tại chùa Thiên Mụ.
Hải Ngoại Kỷ Sự chép rõ ngày tháng chỉ đến đây.
Lịch trình chuyến về Quảng Đông không thấy Đại Sán chép rõ như chuyến đi. Liên quan đến chuyến về chỉ thấy qua các chi tiết tản mát trong:
1/ Lời Tựa của [Chúa] Nguyễn Phước Chu, đề “Tháng 5 (Bồ nguyệt) năm Bính Tý”, và trong lời Tựa cũng viết : “Hoà thượng trích lục một số việc, góp lại thành tập, nhan đề Hải Ngoại Kỷ Sự, lúc trở thuyền về nước đưa cho ta xem và khiến ta viết bài tựa”. (HNKS, Tựa, Bản dịch Huế, 1963, tr.10)
2/ Trong quyển 5, sau rằm tháng 10 năm Ất Hợi, Đại Sán gặp chúa Nguyễn, nhân trong lúc nói chuyện, ngỏ ý xin tài trợ năm ngàn vàng (五 千金 / ngũ thiên kim ?) để trùng tu chánh điện chùa Trường Thọ ở Quảng Đông, chúa hứa góp, nhưng muốn biết lai lịch chùa này. Đại Sán về viết một bài văn sớ kể lại nhơn duyên trùng tu, đem dâng. “Vương duyệt xem lá sớ, gật đầu nói rằng : ‘Mùa xuân sau Lão Hoà thượng về, thay ta xây cất điện đường chùa Trường Thọ’.” (Bản dịch Huế, 1963, tr.204)
3/ Giữa quyển 3, Đại Sán viết : “Mùng 3 tháng 6 [Ất Hợi], cáo từ Quốc Vương, định đến ngày 15 sẽ xuống Hội An, liệu lý đường về cho kịp mùa gió thu.” (Bản dịch Huế, tr.125)
4/ Cuối quyển 6, Đại Sán viết chung chung là : “Mùa xuân năm Ất Hợi đến nước Đại Việt, định ở qua một năm, ngày về đã định vào tiết đầu thu.”(Bản dịch Huế, tr.234)
Như căn cứ vào HNKS thì không biết cụ thể ngày về của Đại Sán, chỉ biết đại khái là sau tháng 5 năm Bính Tý.
Trong bài khảo cứu của ông Trần Kinh Hoà in chung trong bản dịch HNKS, thấy ông Trần căn cứ vào các báo cáo của thuyền buôn nộp cho quan chức Quảng Đông, cho biết Đại Sán rời bến Hội An vào ngày 22 hoặc 24 hoặc 26 tháng 6 và về đến Quảng Đông độ giữa tháng 7 năm Bính Tý (1696).
Tóm lại, qua lịch trình chuyến đi từ Quảng Châu đến Thuận Hoá và chuyến về hụt từ Cù lao Chàm vào ngày mùng 1 tháng 8 năm 1695, chúng ta có thể biết được thương thuyền chở Đại Sán đã đi theo con đường biển ngoài khơi ngang qua phía đông đảo Quỳnh Châu. Trong HNKS, tên Vạn Lý Trường Sa được đề cập hai lần, tên Trường Sa được đề cập hai lần, nằm trong ba đoạn văn.
Những điều phải lưu ý là, tại đoạn văn quan trọng có nói đến khoảng cách [canh, dặm] giữa Hội An với Vạn Lý Trường Sa thì Đại Sán đã không ghi chép ở góc độ trực tiếp mà là nghe kể lại. Ở hai đoạn khác, địa danh Vạn Lý Trường Sa và Trường Sa được nói đến trong lần Đại Sán trở về không thành.
III. Về ba đoạn văn liên quan đến địa danh Vạn Lý Trường Sa
Các đoạn nguyên tác dùng để khảo sát trong bài viết này căn cứ vào :
* bản in khắc Hải Ngoại Kỷ Sự 6 quyển lưu tại Bắc Kinh Đồ Thư Quán, bản chụp PDF lưu hành trên mạng.
* bản in khắc Hải Ngoại Kỷ Sự 6 quyển lưu tại [Nhật Bản] Đông Dương Văn Khố, in chụp, trong Thập Thất Thế Kỷ Quảng Nam Chi Tân Sử Liệu, Đài Loan Thư Điếm xuất bản, 1960.
* bản gõ chữ điện tử (phồn thể) Hải Ngoại Kỷ Sự 6 quyển, Dư Tư Lê giới thiệu và chấm câu, Trung Hoa Thư Cục xuất bản, 2000.
Các đoạn nguyên tác dưới đây được gõ lại từ bản Đông Dương Văn Khố, đối chiếu bản Bắc Kinh Đồ Thư Quán, đối chiếu và chấm câu theo cách chấm câu của Dư Tư Lê.
1/ Đoạn văn thứ nhất
Nếu đúng như thông lệ ghi chép ký sự, tức ghi theo lịch trình, thì đoạn văn liên quan đến Vạn Lý Trường Sa sẽ được đề cập trong bối cảnh vào tháng giêng, lúc thương thuyền chở Đại Sán đang lênh đênh trên biển, trên tuyến đường từ Lỗ Mạn Sơn hướng đến Cù Lao Chàm, và đoạn văn này - tương ứng với lộ trình - sẽ thuộc đầu quyển 1 của kỷ sự. Nhưng thực tế ghi chép trong HNKS không phải như vậy, đoạn văn liên quan Vạn Lý Trường Sa được chép ở giữa quyển 3, trong bối cảnh : thời gian khoảng cuối tháng 5 ; địa điểm tại nhà khách chùa Thiền Lâm ở Thuận Hoá, do Đại Sán nghe một người khách kể chuyện và ghi lại, toàn văn như sau :
“客有言:歸帆風信,須及立秋 前後半月,西南風猛,一帆風順 四五日夜便抵虎門.處暑後北風漸起,水向東流,南風微弱,不敵東歸 流急,難保為穩便矣.蓋洋海中 橫亘沙磧,起東北直抵西南,高者璧立 海上,低或水平沙面,粗硬如鐵,船一觸即 成虀粉.闊百許里,長無算,名萬里長 沙.渺無草木人煙,一失風水 漂至,縱不破壞,人無水米,亦成餒鬼 矣.去大越七更路,七更約七 百里也.先國王時,歲差澱舍 往拾壞船金銀器物云.秋風潮涸,水盡東洄,一浪所湧,即成百里,風力不勁,便有長沙 之憂.”
(海外紀事 - 卷三,頁23後24前)
Bản dịch Huế 1963 (tr.125) :
“ Khách có người bảo, mùa gió xuôi trở về Quảng Đông chừng vào độ nửa tháng trước sau tiết Lập thu ; chừng ấy, gió tây nam thổi mạnh, chạy một lèo gió xuôi chừng bốn năm ngày đêm có thể đến Hổ Môn. Nếu chờ đến sau mùa nắng, gió bắc dần dần thổi lên, nước chảy về hướng đông, sức gió nam yếu, không chống nổi dòng nước chảy mạnh về đông, lúc ấy sẽ khó giữ được ổn tiện vậy. Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ đông bắc qua tây nam ; động cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển ; mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm vào ắt tan tành ; bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là “ vạn lý trường sa ”, mù tít chẳng thấy cỏ cây nhà cửa ; nếu thuyền bị trái gió trái nước tất vào, dầu không tan nát, cũng không gạo không nước, trở thành ma đói mà thôi. Quãng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm [1]. Thời Quốc vương trước, hằng năm sai thuyền đánh cá [2] đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tất vào. Mùa thu nước dòng cạn, chảy rút về hướng đông, bị một ngọn sóng đưa đi thuyền có thể trôi xa cả trăm dặm ; sức gió chẳng mạnh, sợ có hiểm hoạ trường sa.”
Đính chính :
[1] Câu trong nguyên văn : “khứ Đại Việt thất canh lộ, thất canh ước thất bách lý [去大越七 更 路,七更約七百里 也.]”. Trong câu này có hai điểm sai, một của người dịch và một của người viết.
Lỗi của bản dịch đã được chủ nhân blog Đông A nêu ra hồi năm 2009 (ngày 14 tháng 3), rằng thất canh nếu dịch sát nghĩa thì phải là bảy canh, không thể dịch là bảy ngày, đây là phát hiện đúng và quan trọng về một lỗi sai rất cần được điều chỉnh (1).
Lỗi của người viết (Đại Sán) là quy đổi sai cách tính canh sang dặm. Câu văn này dịch sát nghĩa sẽ là : “Khoảng ấy cách Đại Việt bảy canh, bảy canh ước chừng bảy trăm lý (dặm)”. Đọc lại toàn đoạn văn trích nêu trên, chúng ta thấy Đại Sán chỉ nghe mà viết lại, điều này cũng chứng tỏ ông ta chưa biết gì về Vạn Lý Trường Sa, nội dung HNKS còn cho thấy Đại Sán không từng đi biển, các lý do này dẫn đến việc ước đoán, quy đổi canh sang dặm có sự chênh lệch quá lớn so với quy chuẩn đương thời.
Đương thời, canh trong hàng hải tuy được hiểu như là một lượng từ, là đơn vị tính lộ trình đường thuỷ, nhưng trên thực tế, vận tốc thuyền buồm đi biển phải chịu sự lệ thuộc vào sức gió nên loại đơn vị này không thể cho tương đương với số lý (dặm) cụ thể được, sách Đông Tây Dương Khảo (1617) do Trương Nhiếp viết – trước HNKS 80 năm – cho biết : “ Như muốn biết đường đi xa gần bao nhiêu, lấy chuẩn một ngày đêm [trong điều kiện] gió thuận là 10 canh, ước đi được mấy canh, thì biết tới xứ nào.” (2). Trong Minh Sử (1737) cũng có đoạn nói về canh : “Đường thuỷ, gặp gió thuận, từ Kê Lung, Đạm Thuỷ [bắc Đài Loan] đến cảng Phúc Châu [Phúc Kiến] 5 canh thì tới. Từ cảng Đài Loan đến đảo Bành Hồ 4 canh thì tới…Bởi đường biển không thể đo tính bằng lý (dặm), nên người đi biển chia một ngày đêm làm 10 canh, rồi theo số canh mà tính ra dặm đường.” (3). Trong Hải Quốc Văn Kiến Lục (1730), Trần Luân Quýnh nói có vẻ cụ thể hơn : “ …[thuật đi biển của] Trung Quốc dùng la bàn, vạch đồng hồ cát, coi gió lớn nhỏ thuận nghịch mà đọ số canh, mỗi canh đường thuỷ ước chừng 60 lý, gió lớn mà thuận thì tính thêm, nước triều cao gió nghịch thì giảm xuống, coi theo đó thì biết đến xứ nào.” (4).
Qua các ghi chép về canh và dặm trên đây ta thấy được cách tính khá thống nhất của người đi biển, mỗi ngày đêm chia ra 10 canh, mỗi canh đi được trên dưới 60 lý [~ 30 km]. Các ghi chép này đều rất gần với thời điểm ra đời HNKS, Đại Sán không rành việc đi biển nên ước chừng mỗi canh = 100 lý, chênh lệch quá xa.
[2] Nguyên văn viết : điến xá [澱舍], bản dịch dịch là thuyền đánh cá. Trong HNKS, thấy có bốn loại thuyền của xứ Đàng Trong được chép theo dạng tên riêng, gồm : điền cô đĩnh [田 姑艇], hồng thuyền [紅 船], mã tào/tàu [馬艚], điến xá [澱舍]. Trong bốn loại này, điền cô đĩnh được mô tả là loại thuyền đánh cá ; hồng thuyền là loại thuyền quan dụng, hình dáng thon dài như thuyền rồng, có 64 tay chèo ; mã tàu là thuyền đi nhanh nhất ; điến xá là loại thuyền lớn nhất (có lẽ chuyên dụng cho việc chở hàng hoá). Tôi chưa khảo sát thật kỹ và so sánh mở rộng về các ghi chép này, tuy nhiên, sơ bộ cho thấy nên dịch điến xá là thuyền lớn có lẽ hợp với bối cảnh đoạn văn hơn dịch là thuyền đánh cá. Để làm sáng tỏ vấn đề này, cần phải có các cuộc điền dã ven biển từ vùng Hội An đến Thuận An để tìm hiểu xem tên ghe tàu hoặc các bộ phận ghe tàu mà dân đi biển ngày nay quen gọi có liên hệ gì về mặt ngữ âm so với tên bốn loại thuyền kể trên hay không.
Lưu ý, bản dịch không viết hoa các địa danh “vạn lý trường sa” và “trường sa”, cũng có thể do lỗi sắp chữ.
2/ Đoạn văn thứ hai
Đoạn văn này được viết trong bối cảnh lần về không thành, thuyền buôn chở Đại Sán khởi hành tại Tiêm Bích La (Cù lao Chàm) vào sáng ngày 30 tháng 7 năm 1695 (chép trong Quyển 4) :
“是 時船正疾行皆不理論而南吹漸微舟所進幾與所 退相敵頃刻大雨北風猛作勢不可支舉船盡以長沙為憂.余披依持 咒久之東南一陣颶風陡起黑夜雲霾手不見掌各倉惶聽命總管見龍行隱隱飛舞於船左右約一更龍去從前北風所飄流之路須臾盡 復風雨後海光天色照灼遠近至是而歸心始灰矣平明霽色見山痕澹澹不數十里外仍是尖碧蘿也隨風竟返至山港舟人擊鼓賽神各加額曰餘生再造也”
(海外紀事 - 卷四, 頁16前-後)
Bản dịch Huế (tr.161) :
“lúc ấy thuyền đang đi mau, chẳng để ý bàn giải. Gió nam thổi dịu dần, thuyền chạy vát tới vát lui, chẳng tiến được bao nhiêu. Bỗng chốc mưa lớn, gió bắc thổi mạnh, thế không chạy tới được, cả thuyền đều lo ngại vì quãng đường Trường Sa (Bãi dài). [1] Ta khoát y vào niệm chú. Hồi lâu, phía đông nam một trận gió bão nổi lên, đêm tối mây mù, ngữa bàn tay chẳng thấy. Mọi người đều sảng hồn, mường tượng trông thấy rồng bay múa hai bên thuyền, ước chừng một canh, rồng bay đi. Khoảng đường gió bắc thổi đi nảy giờ, trong giây phút đã thấy thuyền trở lại chỗ cũ. Sau cơn mưa, màu trời sắc biển sáng suốt gần xa ; đến đây lòng về đã nguội lạnh hết vậy.
Sáng ngày, mây tạnh trời quang, xa xa trông thấy ngấn núi, cách chừng vài mươi dặm, vẫn thấy đảo Tiêm Bích La. Theo gió xuôi vào sơn cảng, người trong thuyền đánh trống tạ thần, đều giơ tay lên trán nói rằng: ‘Thực là sống sót’.”
Lưu ý
[1] Trong đoạn văn này “Trường Sa” được hiểu như địa danh, xem đoạn văn 1 và 3 “vạn lý trường sa” không viết hoa.
3/ Đoạn văn thứ ba
Đoạn văn này có nội dung gần giống đoạn 2 (trên). Mấy ngày sau khi thoát nạn trở lại Hội An, Đại Sán viết thư gởi chúa Nguyễn, kể lại tình cảnh của lần về không thành (chép trong quyển 4) :
“及上洋艚 秋經白露船主夥長皆言北風甚急帆不能放老僧持咒祈請南風次日西南風起擊鼓鳴鑼揚帆出海經兩晝夜北風漸作行莫能前於是 再祈午後南吹滿篷*正 發巾頂疾行時忽然北風飛浪大雨傾盆龍騰蛟起地覆天翻幾乎有萬里長沙魚腹之患矣余惟默坐持咒正在慌忙無措處陡作一陣東風將船送回碧蘿山下.”
(海外紀事 - 卷四, 頁21前-後)
* bản khắc in chữ Bồng bộ Trúc [篷], bản Dư Tư Lê gõ chữ Bồng bộ Thảo [蓬]
Bản dịch Huế (tr.167):
“Đến lúc Lão tăng lên tàu, tiết thu đã muộn. Thuyền chủ và đồng bạn [1] đều bảo rằng gió bắc thổi mạnh, chẳng khá buông buồm. Lão tăng niệm chú cầu gió nam. Qua ngày sau, gió tây nam thổi lên, trống đánh chiêng hồi, dương buồm ra biển, đi được hai ngày đêm, [2] gió bắc lại thổi lên, thuyền không đi được. Lão tăng lại cầu gió. Chiều lại gió nam thổi thẳng buồm. Thuyền đương đi rất mau, bỗng gió bắc nổi dậy, mưa như trút vò, rắn múa rồng bay, trời long đất lỡ, cơ hồ giữa bãi dài muôn dặm, [3] chẳng khỏi bụng cá chôn thây. Ta chỉ ngồi lặng thinh niệm chú. Trong lúc hoang mang bó tay chờ chết, bỗng một trận gió đông nam đưa thuyền trở lại đảo Tiêm Bích La.[4]”
Đính chính
[1] Lỗi dịch, nguyên văn viết Khoả trưởng [夥長], dịch đồng bạn là không chính xác, Khoả trưởng là một cách gọi người giữ la bàn, trực canh việc định hướng cho tàu.
[2] Lỗi viết, câu đi được hai ngày đêm không ăn khớp với số ngày cũng do Đại Sán viết ở những đoạn khác, ở các đoạn khác ghi chép cho thấy thời gian ra đi và giạt trở về chỉ “một ngày đêm” [Ngày 30 tháng 7, sáng, thuyền từ Cù lao Chàm ra khơi. Ngày mùng 1 tháng 8, sáng, bị gió thổi ngược, thuyền trở lại Cù lao Chàm (xem phần II, Tóm tắt lộ trình)]. Qua chi tiết này, thấy Đại Sán viết thư gởi chúa Nguyễn không trung thực.
[3] Câu này cho thấy người dịch không xem Vạn Lý Trường Sa là địa danh , nên đã dịch là “bãi dài muôn dặm”.
[4] Lỗi dịch, nguyên văn viết : Bích La Sơn hạ [dưới (chân núi) Bích La Sơn], dịch là đảo Tiêm Bích La chưa chính xác lắm, tuy nhiên, do có sự đồng danh Tiêm Bích La – Bích La Sơn – Cù lao Chàm, nên đây là lỗi nhỏ, không làm sai ý nguyên tác.
IV. Tóm tắt một số trích dẫn và nhận định liên quan
1/ Quan điểm của Trần Kinh Hoà
Bài khảo cứu của Giáo sư Trần Kinh Hoà in chung bản dịch Hải Ngoại Kỷ Sự (1963) đã khảo sát khá kỹ về văn bản, về tiểu sử tác giả và cuộc du hành Quảng Nam của Thích Đại Sán. Cũng như nhóm dịch giả, ông Trần Kinh Hoà giới thiệu sách này ở góc độ tư liệu lịch sử văn hoá, các yếu tố về địa lý, địa danh không được lưu ý. Tuy nhiên, đến năm 1989, ông Trần đã có dịp nhắc lại HNKS dưới góc nhìn thời sự thuộc vấn đề tranh chấp chủ quyền các quần đảo trên biển Đông. Bài viết “Tây Sa quần đảo dữ Nam Sa quần đảo – Lịch sử đích hồi cố” (Nhật ngữ) của Trần Kinh Hoà được đăng trên tạp chí nghiên cứu thuộc một đại học Nhật Bản (5). Như tiêu đề của bài viết “Quần đảo Tây Sa và Nam Sa – Nhìn lại lịch sử” (6), ông Trần điểm lược một số tư liệu trong lịch sử do người Trung Quốc, Việt Nam và phương Tây ghi chép có liên quan đến vấn đề khám phá, khai thác và xác lập chủ quyền do Trung Quốc và Việt Nam đã tiến hành. Quan điểm của ông Trần trong phạm vi toàn bài viết 20 trang này – theo phát biểu của ông – chỉ trên cơ sở liệt kê sử liệu, với lập trường không nhận định chúng theo các hướng tranh chấp. Đoạn văn thuộc quyển 3 của HNKS (đoạn văn thứ nhất trong bài viết này) được trích dẫn và xếp chung trong nhóm tư liệu thuộc ghi chép của các nhà hàng hải ngoại quốc qua lại Vạn Lý Trường Sa, đối với đoạn văn này, qua cách sắp xếp sử liệu tương liên, thấy được chủ ý của ông Trần liệt nó vào loại tư liệu trung tính. Ở phần kết luận bài viết, thấy có đoạn : “Mục đích đó [việc ra đảo định kỳ] rõ ràng là thu gom những đồ vật còn sót lại của tàu bị nạn và thu thập đồi mồi, hải sâm và vỏ sò, [điều đó] không có nghĩa là đã có người Việt Nam sinh sống dài hạn trên đảo”, kết luận này thuộc về phần phân tích và nhận định của ông Trần, khá dài, sở dĩ tôi trích tạm đoạn này vì nó liên quan đến lập luận trong nhiều bài viết của một số tác giả Việt Nam khi dựa vào câu : “Thời Quốc vương trước, hằng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tất vào” để củng cố bằng chứng chủ quyền.
Trên đại thể, bài viết của Giáo sư Trần mang tinh thần yêu chuộng hoà bình, mong mỏi các quốc gia xung quanh biển Đông tìm những giải pháp ôn hoà và tôn trọng luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, trong cách trưng dẫn tư liệu và kèm theo nhận định ở phần kết luận rằng “các kế hoạch thực thi chủ quyền của phía Việt Nam đã dừng lại bởi sự qua đời của vua Minh Mạng [nguyên văn viết nhầm là Tự Đức] vào năm 1841”, nhận định này của ông Trần có thể mang đến những cách hiểu không mấy thuận lợi cho Việt Nam.
2/ Quan điểm của Lãng Hồ (Giáo sư Nguyễn Khắc Kham)
Là người đầu tiên sử dụng đoạn văn có liên quan đến địa danh Trường Sa trong việc chứng minh chủ quyền của Chúa Nguyễn, tác giả Lãng Hồ đã trích dẫn nhiều đoạn thuộc quyển 1, quyển 3 và quyển 4 trong Hải Ngoại Kỷ Sự. Lãng Hồ nêu quan điểm : “trong khoảng từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17, chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được hành sử dưới nhiều hình thức như đánh thuế xuất nhập tàu bè ngoại quốc, thiết lập những đội chuyên thâu lượm hải vật, kinh nghiệm bản thân của các dân chài bản xứ đối với hai quần đảo đó” (7). Việc trích dẫn và quan điểm của Lãng Hồ được rất nhiều tác giả về sau ủng hộ và phát triển.
3/ Quan điểm của Dư Tư Lê
Dư Tư Lê là người viết bài giới thiệu và chấm câu cho bản in HNKS do Trung Hoa Thư Cục xuất bản năm 1987 và tái bản năm 2000. Bản in này không có phần chú giải, quan điểm của Dư Tư Lê nằm ở bài giới thiệu. Trong một đoạn của bài giới thiệu sách, Dư Tư Lê phê phán quan điểm của Lãng Hồ, cho rằng việc căn cứ vào Hải Ngoại Kỷ Sự để lập luận về “chủ quyền” của Đại Việt là không thuyết phục. Tuy nhiên, họ Dư không trực tiếp đi vào phân tích lý do thế nào là không thuyết phục của các ghi chép ấy mà lại trưng dẫn bài viết “Thất Châu Dương khảo” của Hàn Chấn Hoa, đại ý nói rằng sách Mộng Lương Lục (8) từ thời Tống đã xác định chủ quyền của Trung Hoa trên vùng biển phía nam, từ Thất Châu Dương [Hoàng Sa/ Tây Sa] đến Côn Lôn Dương. Bị ảnh hưởng bởi các tác giả đi trước như Hàn Chấn Hoa, Quách Vĩnh Phương v.v, Dư Tư Lê chỉ lập lại kiểu đối chọi tư liệu để kết luận chủ quan, đáng lẽ phải đi sâu phân tích trực tiếp các nội dung được ghi chép bởi Đại Sán, đây là chỗ yếu kém trong bài nghiên cứu tổng quan về sách Hải Ngoại Kỷ Sự này.
Ngoài ra, trong những điều liên quan trực tiếp đến các địa danh trên biển Đông ghi chép trong Hải Ngoại Kỷ Sự, độc giả có thể đọc thêm công trình “Thích Đại Sán Cập Kỳ Việt Nam Chi Hành / Thích Đại Sán và chuyến đi đến Việt Nam” của thầy trò Đái Khả Lai - Vu Hướng Đông, in trong Trung Ngoại quan hệ sử luận tùng, Tập thứ tư, 1992. (9)
Vài lời kết
Trong Hải Ngoại Kỷ Sự, lời lẽ của Đại Sán tuy huênh hoang ma mị nhưng dù sao nó vẫn là một tập bút ký có dựa trên thực tế. Các ghi chép về quan hệ đời tư giữa Đại Sán với Chúa Nguyễn cùng các quan chức Nam Hà lộ rõ vẻ kênh kiệu khoe khoang quá đáng của tác giả, nhưng những ghi chép mô tả phong tục, địa lý tuy có chút sai lệch nhưng cơ bản vẫn thấy được sự xác thực. Riêng các đoạn văn liên quan đến địa danh Vạn Lý Trường Sa qua ghi chép trong lộ trình của Đại Sán, qua phân tích, chúng ta thấy rằng dù tác giả có nhầm lẫn về quy ước chuyển đổi đơn vị nhưng con số bảy canh tương đương với 420 lý (~ 210 km) rõ ràng là khá phù hợp với khoảng cách từ đất liền đến quần đảo Hoàng Sa.
Sử dụng các loại tư liệu bên ngoài nhằm bổ sung, củng cố cho các lập luận trong các bài viết, luận văn về vấn đề chứng minh chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với vùng biển Đông và các quần đảo là việc làm rất cần thiết nhưng đòi hỏi phải có sự thận trọng và chính xác, mặt khác cũng chỉ nên sử dụng trong chừng mực nào đó. Khi sử dụng các loại tư liệu này, như trường hợp sách Hải Ngoại Kỷ Sự chẳng hạn, chúng ta cần phải cân nhắc và kiểm tra, hiệu khám thật kỹ các đoạn văn có liên quan. Một khi sử dụng bản dịch, việc xem xét lại và điều chỉnh những sơ suất là rất cần, các dịch giả trước đây không phải là yếu kém nhưng khi dịch một bộ sách một pho sách phải chịu sự chi phối bởi thời gian hoặc nhiều lĩnh vực mà nguyên tác đề cập, có thể người dịch không chuyên chú vào các yếu tố chuyên sâu về địa lý nên dẫn đến sai sót.
Theo dõi quá trình nghiên cứu học thuật của học giới Trung Quốc cũng là một phương diện phải quan tâm, trên bình diện chung, các nghiên cứu của họ đối với thư tịch Hán văn cổ dĩ nhiên là sâu sát và nhiều thành tựu so với chúng ta. Nhưng riêng về các loại tư liệu liên quan đến biển Đông thì lại khác, khi đụng tới chủ đề này, tinh thần dân tộc cực đoan đã khiến cho sự trung thực trong nghiên cứu khoa học của họ bị xem nhẹ, nhận ra được sự gượng gạo trong lập luận hoặc kết luận võ đoán của học giới Trung Quốc, chúng ta mới có thể vững vàng, linh hoạt hơn khi tiếp thu và phân tích các loại sử liệu này trong phương diện chứng minh chủ quyền lịch sử của Việt Nam trên biển Đông.
Cái Bè, ngày 2 tháng 8 năm 2012
Phạm Hoàng Quân
Chú thích
(1) Không hiểu sao có một số bài viết hiểu lầm, cho rằng tôi (Phạm Hoàng Quân) đã phát hiện lỗi dịch này và đăng trên blog Đông A. Nhân đây xin nói cho rõ, phát hiện này là do chủ nhân blog Đông A.
Cũng cần nói thêm một việc để rút kinh nghiệm, sai sót trong bản dịch đoạn văn này đã được nêu ra cách nay mấy năm, mà gần đây, Thạc sĩ Trần Văn Quyến lại vẫn sử dụng đoạn văn dịch sai này [lại không ghi nguồn dịch] trong bài viết Sử liệu Trung Quốc minh chứng chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa [vnexpress.net, 28/7/2012].
(2) Đông Tây Dương Khảo, Quyển 9- Chu sư khảo, nguyên văn : “如欲度 道里遠近多少, 凖一晝夜 風利所至為十更, 約行幾更可到某處.”
(3) Minh Sử, Quyển 323- Ngoại quốc truyện, 4, Kê Lung, nguyên văn: “水道順風 自雞籠淡水至福州港口五更可達自臺灣港至彭湖嶼四 更可達蓋海道不可以里計舟人分一晝夜為十更故以更計道里云.”
(4) Hải Quốc Văn Kiến Lục, Nam Dương Ký, nguyên văn: “中國用羅 經,刻漏沙, 以 風大小順逆較更數, 每更約水程六十里, 風大而順 則培累之, 潮頂 風逆則減退之, 亦知某處.”
(5) Trần Kinh Hoà, “Tây Sa quần đảo dữ Nam Sa quần đảo- Lịch sử đích hồi cố”[西沙群島与南沙群島-歷史的回 顧 , 陳荊和] , tạp chí “Nghiên cứu Châu Á Đại học Soka”, 3/1989, Số 10, tr. 49-69, Tokyo: Đại học Soka.
(6) Phần viết này tham khảo bản Hoà văn và bản dịch Việt văn của nhóm dịch giả : Nghiêm Minh Quang, Nguyễn Đức Hùng, Nguyễn Lương Hải Khôi, Phạm Thị Thu Giang, Võ Đức Thắng [bản dịch này chưa hoàn chỉnh, đang trong quá trình chỉnh sửa và hiệu đính, lưu hành nội bộ trong Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông.]
(7) Lãng Hồ, Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam, Tập san Sử Địa, Số 29 – Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, Sài Gòn, 1/1975, tr.54-112.
(8) Mộng Lương Lục, 20 quyển, Tống/+1275 – Ngô Tự Mục (?-?)
[夢梁錄 - 宋 - 吳自牧/Meng Liang Lu – Song/ +1275 - Wu Zimu
The Past seems a Dream (description of the capital, Hangzhou)]. Bút ký học thuật, ghi chép về địa lý, phong thổ, luật tục, văn hoá nghệ thuật vùng Hàng Châu. 20 quyển phân làm 169 điều mục, thu thập nhiều tư liệu ngoài sử. Tiểu sử tác giả không rõ. Mộng Lương Lục là một trong 8 sách được dẫn dụng trong Văn kiện xác định chủ quyền do Bộ Ngoại Giao nước Công hòa Nhân dân Trung Hoa công bố ngày 30.1.1980.
(9) 戴可來 - 于向東, 釋大汕及 其越南之行,載 於: 中外關系 史論叢 -第 四輯 , 1992.
NGUỒN : Bản do tác giả gửi ngày 5.9.2012
Các thao tác trên Tài liệu