Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Về một đoạn văn trong "Thướng hàng biểu" của Mạc Đăng Dung

Về một đoạn văn trong "Thướng hàng biểu" của Mạc Đăng Dung

- Hồ Bạch Thảo — published 31/01/2012 22:10, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18


Xác định sự khác biệt về một đoạn văn
trong Thướng hàng biểu
(上降表 dâng biểu xin hàng) của
Mạc Ðăng Dung


Hồ Bạch Thảo


Trong bài Hoạt động sách phong và triều cống thời Mạc : hệ quả và thực chất của tác gỉả Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 392, trang 10 ; tác giả trưng sử liệu từ bản dịch Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí về việc Mạc Ðăng Dung dâng nạp đất cho nhà Minh, có đoạn như sau :


...Còn việc quan thú Khâm Châu thuộc Quảng Ðông tâu rằng bốn động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc hai đô Như Tích và Chiêm Lãng là đất cũ của châu Khâm, Quảng Ðông, nếu quả thực như lời ấy, thì đó là lỗi mạo nhận của nhà Lê trước đây, nay thần xin trao trả lại để thuộc về Khâm châu(1)


Với đức tính cẩn trọng của nhà biên khảo, tại chú thích số 7 dùng để khảo dị, tác gỉả ghi thêm phần dịch của chúng tôi về đoạn văn này trong Minh Thực Lục / Quan hệ Trung Quốc-Việt Nam thế kỷ 14-17 như sau :


…Mới đây thần nghe Tri châu châu Khâm tỉnh Quảng Ðông Lâm Hy Nguyên xưng rằng các động Ti Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc hai đô Như Tích, Thiếp Lãng là đất cũ của châu Khâm; nếu đúng như vậy thần xin vâng lời(2)


Phần dịch được in kèm với nguyên văn trong bộ sách nêu trên, xin phiên âm như sau :


Tỷ giả thần văn Quảng Ðông Khâm châu tri châu Lâm Hy Nguyên tấu xưng, Như Tích, Thiếp Lãng nhị đô Ti Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát tứ động hệ Khâm châu cố địa, quả như sở xưng, thần duy mệnh thị thính. 比 者 臣 聞 廣 東 欽 州 知 州 林希 元 奏 稱 如 昔 貼 浪 二 都 凘 凛 金 勒 古 森 了 葛 四 峒 係 欽 州 故 地 果 如 所 稱 臣 唯 命 是 聽 (3)


Ðem so sánh hai đoạn văn dịch từ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí và Minh Thực Lục, thấy có sự khác biệt sau đây :


- Hai địa danh Tê Phù, Chiêm Lãng được thay thế bằng Tỉ Lẫm, Thiếp Lãng.


- Bản Minh Thực Lục không có đoạn văn được dịch “ thì đó là lỗi mạo nhận của nhà Lê trước đây


- Bản Minh Thực Lục thêm hai chữ “ tỷ giả ” tức “ mới đây ” trước đoạn “ thần nghe Tri châu châu Khâm tỉnh Quảng Ðông Lâm Hy Nguyên xưng rằng…”


Phần nguyên văn trong Minh Thực Lục đã được nêu lên ở trên, riêng phần nguyên văn trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, tuy chúng tôi chưa được đọc qua, nhưng không nghĩ rằng người dịch đã tự tiện sửa lại khác với nguyên văn. Vậy có thể lý giải rằng sở dĩ có sự khác biệt vì tài liệu Phan Huy Chú sưu tầm, được chép trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí là bản thảo do các quan soạn, lưu tại triều đình nhà Mạc. Riêng bản trong Minh Thực Lục là bản do Mạc Ðăng Dung và cận thần duyệt đọc lần cuối bản thảo, rồi sửa chữa trước khi mang đi. Ðây là văn bản mà Mạc Ðăng Dung phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, và cũng từ sự khác biệt này có thể thấy được tính cẩn trọng và cách xử sự của Mạc Ðăng Dung :


- Về địa danh, bản Minh Thực Lục, đã cẩn thận sửa lại cho đúng với tài liệu của nhà Minh, với 4 động : Tỉ Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, thuộc hai đô Như Tích, Thiếp Lãng.


- Trong bản Minh Thực Lục không có đoạn văn được dịch là “ thì đó là lỗi mạo nhận của nhà Lê trước đây ”. Phần xóa bỏ, chứng tỏ Mạc Ðăng Dung không muốn đổ lỗi cho triều đại trước.


- Những cụm từ như mới đây (tỉ giả) và nếu đúng như vậy (quả như sở xưng), giữ vai trò rất quan trọng trong câu văn. Có thể diễn tả lại một cách nôm na rằng “ Từ trước đến nay tôi chưa hề biết việc này, chỉ mới đây nghe Tri châu châu Khâm tỉnh Quảng Ðông Lâm Hy Nguyên nói rằng các động Ti Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc hai đô Như Tích, Thiếp Lãng là đất cũ của châu Khâm ; nếu những lời đó là đúng, thì tôi xin vâng theo… ”. Ðây là lời nói của người yếu, bị kẻ mạnh bắt phải làm, chứ không căn cứ vào bằng chứng lẽ phải nào cả.


Qua phần nhận xét trên, thấy rằng tuy ở trong vận bĩ, Mạc Ðăng Dung còn kịp nghĩ đến tiền nhân và hậu thế. Việc bỏ đoạn văn trong Thướng hàng biểu, chứng tỏ ông không muốn đỗ lỗi cho tiền nhân. Không xác nhận phần đất phải giao nạp có hay không thuộc quyền sở hữu của nhà Minh, ý muốn hậu thế và lịch sử toàn quyền định đoạt về vấn đề này.

Hồ Bạch Thảo


(1) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Bang giao chí, Bản dịch, Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr. 147-148.

(2) Minh Thực Lục, Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ 14-17, Hồ Bạch Thảo dịch, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2010, Tập 3 trang 216.

(3) Minh Thực Lục, Quan hệ Trung Quốc-Việt Nam thế kỷ 14-17, Sđd, phần chữ Hán, trang 850.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss