Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Phản hồi về GIÓ LẺ của Nguyễn Ngọc Tư (2)

Phản hồi về GIÓ LẺ của Nguyễn Ngọc Tư (2)

- Bùi Đức Hào — published 18/08/2009 17:38, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18

Bùi Đức Hào trả lời Ngô My

 

Trong không khí ảm đạm của một thời « bỉ cực » như tình hình hiện nay, câu chuyện văn học hình như cũng đã đem lại cho chúng ta chút an ủi tinh thần, rằng chúng ta còn tha thiết với chữ nghĩa, với những vận động tâm hồn. Chúng ta còn đối thoại, chia sẻ cùng nhau. 

Vâng, trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn chị Ngô My đã phản hồi bài về Gió Lẻ mà tôi đã viết như một động tác sẻ chia những điều mình thâu lượm được trong những ngày về nước làm việc. 

Xin nói ngay, tôi không có vinh dự là một nhà phê bình mà chỉ là một người đọc thường. Danh xưng nhà phê bình văn học tôi nghĩ không phải ai cũng dễ có được,  bởi nó cần một trình độ chuyên môn và mang trọng trách lớn lao đối với nhà văn, quần chúng và sự chuyển hóa của chính nền văn học.

 

Gió Lẻ xuất bản cả năm rồi ; điều đó cho phép tôi có đủ độ lùi cần thiết để làm việc điểm qua các ý kiến về nó, cũng như ghi lại những gì khả dĩ giúp bạn đọc phương xa tạm có một cái nhìn chung về phản ứng của quần chúng trong nước đối với Nguyễn Ngọc Tư, mà điển hình là sự ái mộ dành cho Cánh Đồng Bất Tận qua kịch nghệ. Nếu việc này làm cho chị Ngô My có cảm giác không hay, thể hiện qua câu sau đây, thì thật là đáng tiếc và nằm ngoài ý định của tôi : « tung ra một cái lưới hoành tráng, thu gom toàn bộ dư luận và nguồn với 36 links ». 

Trước khi trả lời chị Ngô My trên từng điểm một (sau mỗi phần chữ nghiêng màu xanh dưới đây), tôi xác định là những gì chị viết (« tôi chỉ muốn bày tỏ sự ủng hộ đối với tác giả về sự thử nghiệm phong cách mới của chị») hoàn toàn không xa với chủ ý của riêng tôi.

 

Khi chị Ngô My nói  về nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư là « nơi tâm Phật ẩn náu »  thì tôi cũng đã nhìn nhận ở Ngọc Tư « tấm lòng châu ngọc ». Những khoảng cách còn lại, nếu có, chỉ là trên vài chi tiết kỹ thuật. 

Tôi cũng xin nồng nhiệt cảm ơn Diễn Đàn vì - trên những trang mạng này - không những đã hình thành những đối thoại chính luận nghiêm túc mà còn có chỗ cho những người, nếu chưa là bạn văn chương thì cũng đã là bạn với văn chương.

 

Chị Ngô My viết : 

Khi NPB Bùi Đức Hào nói

... trong Gió Lẻ, văn chị súng sính – và đôi khi hơi ngượng nghịu – trong chiếc áo mới, nhất là ở phần đầu, như thể ngòi bút chưa đủ hâm nóng...”, 

ông đã không chỉ ra được đoạn văn đó súng sính hay ngượng nghịu ở từ nào, nghĩa nào. Theo tôi, đoạn văn đầu tiên đó không có vẻ gì ngượng nghịu hay súng sính, nó chỉ là không làm tốt cho phần mở đầu

Tôi dùng chữ « văn » ở đây không phải chỉ để nói riêng ngôn từ mà cả cách « bày bố sân khấu » cho câu chuyện và mạch văn được diễn tiến một cách tự nhiên như « nước chảy từ nguồn ». « Phần đầu » tôi muốn nói không phải là « phần mở đầu » mà là cả khúc đầu của truyện ngắn.

« Súng sính, ngượng nghịu » trong « áo mới » chỉ là một cách nói ; sự kiện ghi nhận là nó chưa nhuyễn và không được tự nhiên như thường lệ. Điều ấy bàng bạc trong câu chữ  những đoạn đầu, mà nếu cần phải khoanh lại thì vẫn có thể lấy những chỗ tôi đã trích dẫn.

Mỹ từ pháp nhân cách hóa đôi lúc dường như bị “quá liều lượng”, dễ cho cái cảm giác văn hơi cầu kỳ, chẳng hạn như khi tác giả viết :

Hôm ấy, gió lẻ bắt đầu ướm chân vào mùa” (trang 125) ;

Bắt đầu chuyện kể về cái chuyến đi của những con người cô lẻ ấy bằng cuộc khởi hành của gió. Gió đã bắt đầu “ướm chân vào mùa”, họ cũng vừa lên đường... Còn một biện pháp nào tốt hơn, thích hợp mà thi vị hơn thế nữa không, trừ phi có ai thực sự ghét gió bởi thường lậm gió ?

Câu văn tự nó không có gì đáng trách. Vấn đề, theo cảm nhận của riêng tôi, là nó có vẻ không ổn lắm : nếu Gió là một cô gái của thiên nhiên man dã, thì có lẽ không nên nói

cô «  ướm chân vào mùa » ; còn nếu cô là một tiểu thư đài các yểu điệu gót hài, thì sẽ không phù hợp với những gì tác giả mô tả về Gió trong truyện.

Và từ khi lìa nhau, gió dằn vặt con người bởi nỗi ly tan của chính nó” là không nên dùng cho Truyện ngắn ? Lời khuyên này sẽ gây nhiều “nan giải” cho chính người viết ra nó đấy. Khi Bình Nguyên Lộc viết :

"Gió bấc lướt trên ngọn cây, té vào giếng ấy như nước chảy vào chỗ trũng, và vì không có lối ra gió quay cuồng, càng vặn thêm lòng người vốn đã lạnh" , sao không hề nghe ai trách cứ ?

Gió mà “quay cuồng” vì “té vào giếng” rồi “vặn thêm lòng người vốn đã lạnh...” thì chuyện nó có “dằn vặt con người bởi nỗi ly tan của chính nó” đâu có gì là không phải ?

Xem “gió” của Ngô Phan Lưu trong “Bầy Người Bé Nhỏ” kìa : “Bầu trời như một tấm chì đang đè sát xuống một biển nước màu gạch pha tro. Đè sát đến mức, gió lạnh cũng phải ép mình mới đi qua được.”

Tôi rất thích những minh họa của chị Ngô My trong đoạn này. Tôi không ưa lý luận nên cứ để xem mình có cảm giác gì khi đọc những câu trích Bình Nguyên Lộc và Ngô Phan Lưu : tuyệt vời !

Thế có là ... nan giải không ? Xin thưa không. Bởi vì mỗi câu của hai nhà văn đều đầy ứ bản năng, căng tràn giác cảm ( sensualité ). Nó thấm vào người đọc bằng ngõ trực giác.

Trong khi đó, câu của Gió Lẻ “Và từ khi lìa nhau, gió dằn vặt con người bởi nỗi ly tan của chính nó”, thì dường như bị giam hãm trong một phạm trù của lý tính.

Cả người anh ta ngấm nước mưa, rượu và nỗi buồn, tất cả đã ướt đẫm tới xương. Chúng pha loãng máu, và trái tim mệt mỏi kia phải đẩy đưa từng dòng trong vắt. Em quẩy túi lên vai, em sợ cái cách chảy trôi tuột, trơn lẫy của những dòng máu loãng.”

Em quẩy túi lên vai”, cuống cuồng bỏ đi, “em sợ cái cách chảy trôi tuột, trơn lẫy của những dòng máu loãng” ấy, bởi vì đó là những dòng “máu lạnh” hay “máu hèn” ?... (“Bữa ở trên đèo, tụi nó có tới sáu thằng. Mình đâu có bỏ chạy, mình chỉ tìm người tới giúp.” )

Mà “Em”, hình như “Em” khinh cả hai thứ máu đó, cho dù “nước mưa, rượu và nỗi buồn” có cố gắng “pha loãng” bớt cái lạnh lùng, cái hèn của dòng máu đó, có cố trưng ra một lời giải thích, thì em cũng vẫn cứ khinh, sợ và bỏ đi. Có gì gượng ép ở đây không nhỉ ? Và chắc chắn, không có bút pháp siêu thực nào, chỉ là một dụng ý của nghệ thuật ẩn dụ.

Xin đính chính là tôi không hề muốn nói đoạn văn trích dẫn là thuộc loại siêu thực. Ý tôi là,  dù có người cho Nguyễn Ngọc Tư đã cố tình chọn một bút pháp mới mẻ nào đó, thì độc giả vẫn khó « cảm » sự « kiểu cách rắc rối » ( sophistiqué) trong ý tưởng câu văn lẫn cách tạo văn : nước mưa, rượu và nỗi buồn pha loãng máu, từng dòng trong vắt (!) ; "em sợ cách chảy... dòng máu loãng".

Bất luận « dụng ý của nghệ thuật ẩn dụ » thế nào, điều cốt yếu vẫn là làm sao truyền tải được nội dung đến người đọc.

Yêu cầu một tác giả phải vừa “bám giọng”, giữ “hồn vía”, luôn giữ “chất Ngọc Tư”, không nên “bỏ một mạch ngầm”, vừa phải “vươn ra thế giới”, rồi phải “nghiền ngẫm, kế thừa, giao lưu, cọ xát với văn học thế giới”, phải “định hướng chiến lược” theo marketing, vân vân và vân vân... ? Các nhà phê bình quí mến ơi, tất cả những điều các vị nói trên nghe rất giống chỉ thị, một sự phân công tác, hay lời hợp đồng của nhà xuất bản, chứ không phải là công việc của phê bình tác phẩm.

Đồng ý về việc phải phê bình tác phẩm. Nhưng trong bài viết, những gợi ý của tôi chủ yếu là hướng tới tác giả.

Định vị chiến lược, nếu  hiểu như một tình trạng thực địa ở một thời điểm, thì hoàn toàn không là một ý muốn chủ quan. Đó là một bức hình chụp một tình huống trong một bối cảnh kinh tế xã hội nhất định. Anh có muốn hay không  thì anh vẫn bị nằm trong bức hình ấy và nhất là chịu hậu quả của nó. Còn nếu anh có tư duy, cân nhắc, khai phóng dự án của mình trong thế giới vây quanh, thì khi ấy anh là chủ và là một chủ thể tự do. Xin trở lại Marketing ở phần sau.

Nếu độc giả Việt Nam, trong đó có các nhà phê bình, chưa rung động thực sự trước sự nhạy cảm tinh tế, chưa hiểu trọn vẹn những dụng ý nghệ thuật , không chấp nhận những giọng văn khác nhau của một tác giả, thì việc giới thiệu tác giả đó ra nước ngoài hẳn có gì mà phải vội ?

Không phải thế, hai chuyện khác nhau hoàn toàn.

Mặt khác, xin đừng đồng hóa tôi với người khác : việc nói như tôi cảm nhận về những cái chưa đạt trong Gió Lẻ không hề ngăn cản tôi thật sự ngưỡng mộ tài năng nữ sĩ Cà Mau, mà tôi nghĩ còn có thể đi xa hơn nữa và xứng đáng được giới thiệu với thế giới.

Làm văn”, tại sao không ?

Có hạt sương rụng rơi, có nụ hoa lìa, có vết thương tự cứu chữa bằng nhựa ứa của chính mình, nhưng không có “Những luồng run rẩy rung rinh lá” (Xuân Diệu). Những “luồng run rẩy” ấy đã bị tước đoạt, đã bị chết oan !

 

Không phải thế ! Nếu chưa « run rẩy rung rinh lá » thì chỉ là vì nó chưa lay động đủ. Đừng quên rằng trong văn học nghệ thuật, thước đo thành quả là sự đón nhận của người thưởng ngoạn. Đó luôn luôn là phán quyết cuối cùng, dù nó tùy thuộc vào trình độ thẩm mỹ thực sự của quần chúng.

Chỉ bằng với những khắc khoải âm thầm của thiên nhiên, những “bài làm văn” của Nguyễn Ngọc Tư cứ làm cho người đọc ngậm ngùi, rơi nước mắt. Tôi vẫn không thể hiểu, nhà văn mà không “làm văn”, thì làm gì? Giọng kể này hay lắm, sao quý vị không ưa ?

 

Tất cả đều tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Cảm nhận không đi theo một độc đạo mà xuyên qua muôn  nghìn ngõ ngách, của thế giới và của tâm hồn. Chị có thể thấy hay, còn tôi thì không. Đó là quyền của mỗi người, trong lãnh địa tuyệt đối của Tự Do. Còn « làm văn », nếu hiểu là « nắn nót » câu chữ, thì một nhà văn thượng thừa thường không cho thấy dụng công.

(...) Nhưng chỉ có chị mới có thể cảm thấy những ước muốn vươn ra ngoài địa phận đó như một khao khát khám phá nghệ thuật, chứ không phải là muốn “làm duyên làm dáng”, “làm lạ”, “đánh bóng” nọ kia. Dùng những từ này để sỗ sàng phủ đầu một tác giả đang ra sức tìm kiếm, thám hiểm trên con đường sáng tạo là không tốt bụng và không tiến bộ. ( xin được gạch dưới)

 Hoàn toàn đồng ý.

Tôi có nói : "Đứng về mặt kỹ thuật, Gió Lẻ là một thử nghiệm với khá nhiều cách tân qua lối dàn dựng và làm mới trong giọng điệu lẫn ngôn từ. Tuy nhiên, cái giá phải trả là rốt cuộc nó không hẳn luôn luôn “lên bóng” như mong muốn ".

 Nhưng tôi chưa bao giờ nói " đánh bóng"; đó là một từ không có thiện ý.

 

Tôi quý ý kiến này của NPB Thụy Khuê từ Hợp Lưu:

Trái ngược với thời điểm sau 1954, các nhà văn Bắc di cư vào Nam, ngoài giọng văn Bắc, họ còn tập viết đối thoại tiếng Nam và họ đã làm giầu thêm ngôn ngữ của họ: văn chương luôn luôn cộng vào, khi trừ là mất đi.”

 Mặc dù chị Thụy Khuê lo lắng :

Nếu quả như vậy, thì sự "thống nhất ngôn ngữ" đang đi trong chiều đáng ngại : nó đẩy nhà văn đến chỗ chối bỏ bản ngã của mình.”

Tôi vẫn cứ không tin rằng giọng văn quyết định bản ngã của người viết, cũng không là “phần hằng số bất biến” của tác giả, như lời của ông Bùi Đức Hào.

 

Chúng ta luôn mong cây đàn Ngọc Tư  nhiều dây, muôn điệu. Nhưng việc giữ gìn chất độc đáo riêng lạ là then chốt. Nó có tính quy luật, tất yếu, bao trùm nhiều lãnh vực kể cả văn chương. Khoa Marketing cũng coi sự khác biệt ( dìfférenciation) là một trong những chiến lược cơ bản.

 

Về giọng văn, phải chăng có sự nhầm lẫn giữa  sắc  giọng(accent) và hơi  giọng ( tonalité)? Cái trước không thay đổi, trong khi cái sau thì đương nhiên phải thích ứng với từng nhân vật, tình huống, bối cảnh. 

Một ví dụ trong âm nhạc có lẽ sẽ giúp ta dễ cảm thông hơn : nếu giả dụ Trịnh Công Sơn bỏ lối viết bài hát cố hữu để sáng tác theo kiểu nhạc Từ Công Phụng chẳng hạn, thì người ta sẽ nghĩ sao ? Ngược lại, dù họ Trịnh có viết nhiều thể loại nhạc tình, nhạc triết lý hay nhạc đồng dao, v.v... thì người ta vẫn nhận ra đó là dòng nhạc và ca từ của chỉ mỗi mình anh. 

Cách tân (innover) không phải để cách tân. Nó không phải chỉ duy nhất dựa trên sự sáng tạo, mà còn phải biết sáng tạo ra cái gì, và sản phẩm mới đó có lọt được vào mắt xanh của thiên hạ, có đáp đúng những khát vọng bùng phát hoặc còn đang âm ỉ trong lòng khách thưởng ngoạn hay không.

Văn chương trong một nền kinh tế thị trường. Nghe quen thuộc lắm. Lần này, biết bao nhiêu là người đã hả dạ. Còn nữ văn sĩ, chị đang nghĩ gì ?

Tôi sợ bị hiểu lầm nặng : đã đề cao việc «  tránh lập lại mình » thì tại sao tôi lại có thể chống việc khai phá, tìm tòi, làm mới ?

Tôi chia sẻ quan điểm của chị Ngô My về hiểm họa «  Mind control marketing », rằng sự thống trị của chuyên chính Marketing bắt buộc ta phải luôn cảnh giác để không bị bán rẻ linh hồn lúc nào không biết.

Tuy nhiên, Marketing là thành quả của trí tuệ đúc kết những quy luật giúp ta dễ đạt tới thành công với quần chúng người nhận hơn. Định vị chiến lược là một công cụ cho ta xài để chọn lựa một cách sáng suốt và tự do.Nó là một đòi hỏi của sự khôn ngoan và tiến bộ.

(...)sáng tác là cuộc hành trình cô độc ít bóng mát, không ai có thể giúp đỡ ai, cõng ai đi.Như một kẻ lữ hành đi qua sa mạc, qua các ốc đảo, lang thang tìm kiếm những mạch nước để được buông vào đó những cơn khát sáng tạo của mình. Nếu y không kiếm ra được mạch nước, nếu y bị lạc đường không tìm ra một ốc đảo, y sẽ phải “chết”. Các nhà văn, nhà thơ và các nhà phê bình quý mến, có phải mỗi người trong quý vị, ai cũng có những sớm mai thức dậy thấy mình như một kẻ đã chết rồi? Không cảm hứng, không đề tài, không biết viết cái gì? Rồi quý vị khoả lấp cái “nỗi chết” đó bằng sự bận rộn của một ngày để thấy mình... đang “sống”? Cái nghiệt ngã ở chỗ, ai cũng có thể cho nhau lòng mến mộ, đề tài, định hướng, nhưng không thể cho nhau nguồn cảm hứng và cái “tự biết mình phải làm gì”. Ai cũng có thể nhìn thấy, phát biểu, phân tích nhưng chỉ có một người phải tự mình làm ra cái gọi là tác phẩm. Sao không trả lại cho nhau cái đẹp nhất của “tình nghệ sĩ”: quyền tự do sáng tạo.

Tôi rất tâm đắc với lời kết này của chị Ngô My. Tôi đã viết gì về Tự Do ? 

« Văn học soi rọi, chia sẻ, khơi gợi, mun mớm cho con người nguồn cảm hứng và sự háo hức sử dụng Tự Do. Để hiểu. Để thở. Để hành động. » 

Sáng tạo mãi mãi là một bí nhiệm, một huyền nhiệm.

Nó thuộc về loại đặc ân mà Thượng đế ban cho con người khai phá. Nó chỉ sống nhờ Tự Do.

 vô biên nhưng không hằng cửu. Mọi lười lĩnh thiếu thao tác hoặc mưu toan lợi dụng sáng tạo - đội cái xác không hồn - đều dẫn đến phá sản, dù đã hay chưa được công nhận.

Ngô My đã trích Nguyễn Ngọc Tư :(...) tôi muốn bỏ qua cả lớp vỏ đó, để tận mắt thấy trên mảnh đất này, người đời đang lạnh hay ấm, vui hay đau qua làn da, qua từng vết tím, từng cái se lại của lỗ chân lông, thấu thị tận tâm hồn, như một người hành hương về chốn tâm linh không cần bất cứ phương tiện hiện đại nào, chỉ bằng đôi chân trần.”

Vâng, cùng nhau, chúng ta hãy chúc chị đi trọn con đường bằng đôi chân trần thư thái, đôi chân của Ngọc Tư.

                                                                                                                      Bùi Đức Hào

<p

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss