Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Vũ Trinh : kẻ sĩ

Vũ Trinh : kẻ sĩ

- Hồ Bạch Thảo — published 09/05/2009 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18

Vũ Trinh :
kẻ sĩ trải qua những triều đại đổi thay,
cố giữ tròn danh tiết


Hồ Bạch Thảo


Vũ Trinh [1759-1828] tự Duy Chu, biệt hiệu Lan Trì Ngư Gỉả, quê tại làng Xuân Lan, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh. Xuất thân từ gia đình khoa bảng, ông nội là Vũ Hy Nghi đậu Tiến sĩ đời Lê, làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh ; cha là Vũ Thiều đậu Hương Cống, quan đến chức Tham Nghị. Lúc nhỏ ông thông minh khác thường, đọc sách nhìn qua một lượt là nhớ, năm 17 tuổi đậu Hương Tiến, do tập ấm chức của ông nội, nên dưới thời nhà Lê được bổ làm Tri phủ Quốc Oai [Sơn Tây].

Thời Tây Sơn, sau khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất với danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh, rồi đột ngột cùng anh là Nguyễn Nhạc rút quân ra khỏi thành Thăng Long. Vua Lê Chiêu Thống cô độc, không ổn định nỗi tình hình, nên tàn dư của họ Trịnh lại có dịp thao túng. Bấy giờ Nguyễn Hữu Chỉnh, người từng theo nhà Tây Sơn, nhân thời cơ chiêu tập binh mã tại Nghệ An, rồi mang quân ra Bắc dẹp được họ Trịnh. Nguyễn Hữu Chỉnh cậy công ngang ngược, nên một số bầy tôi vua Lê Chiêu Thống khuyên nhà vua nên tìm cách giết Chỉnh. Nhân Vũ Trinh có việc vào yết kiến, vua Lê đem sự việc mật bàn, Trinh đưa lời can gián như sau :

Người nào bày cho Bệ hạ cái mưu ấy, thần trộm lấy làm nguy hiểm. Hiện nay ở ngoài có giặc mạnh, tin tức ngoài biên ải đang báo về khẩn cấp, ở trong triều đình thì mọi người nghi ngờ nhau. Bệ hạ đã dựa vào Chỉnh làm nanh vuốt, thì nên đối đãi bằng cách thành thực, để cho y được vui lòng thần phục. Hễ mà biết cách giá ngự, thì kẻ loạn thần có thể thành kẻ lương thần ; sao lại đón trước sự dối trá của người ta, để đoán chừng một việc chưa chắc đã có ? Hình tích chưa lộ mà nghi kỵ đã sinh ! Họ hàng bè đảng của Chỉnh đều cầm quân và ở nơi trọng yếu, la liệt trong ngoài ; một khi xảy ra biến cố, bọn ở kinh thành sẽ làm việc hại cho xã tắc, bọn ở ngoài trấn sẽ chạy theo quân giặc. Ấy là mình tự cắt vây cánh của mình để giúp cho kẻ thù vậy.”

Vua bèn đổi sắc mặt mà rằng :

Nếu nhà ngươi không nói, thì có lẽ Trẫm bị lầm rồi ” (1).

Sau khi Nguyễn Hữu Chỉnh bị tướng Tây Sơn giết, vua Lê Chiêu Thống bỏ chạy. Vũ Trinh và cha là Thiều đón vua về nhà, dốc hết tài sản của cải để lo việc cung cấp. Vua Lê sai bọn Lê Quýnh sang nhà Thanh cầu viện ; riêng cha con Vũ Trinh đưa vua đến các vùng Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, chổ ở không định sở ; rồi lại lén về núi Huyền Ðinh chờ đợi tin tức quân Thanh. Khi quân của Tôn Sĩ Nghị sang, các văn võ cựu thần nhà Lê đều trốn tránh không một ai ra làm việc, vua Lê sai một mình Trinh đi đón tiếp và đem trâu rượu khao quân. Sĩ Nghị hỏi về việc nước, Trinh tuỳ tiện đáp lại, người nhà Thanh khen là rành mạch. Vua Lê lấy lại được quyền hành, bổ Vũ Trinh làm Tham tri chính sự. Vừa làm được vài tháng, quân Thanh bị thua, vua Lê chạy sang Tàu, riêng Vũ Trinh trốn ẩn tại thôn quê, không chịu theo nhà Tây Sơn (2).

Năm Nhâm Tuất [1802] Gia Long thống nhất đất nước, xuống chiếu lục dụng cựu thần nhà Lê, bổ Vũ Trinh làm Tham tri bộ Hình. Năm Gia Long thứ 2 [1803], nhân hài cốt vua Lê Chiêu Thống được đưa từ Yên Kinh trở về nước, Trinh tâu rằng :

Thần là bề tôi trốn tránh của nhà Lê trước, xin cho giải chức về Bắc, đến cửa quan đón tang ”.

Vua [Gia Long] cho là có nghĩa, y lời xin, bèn sai nhân tiện khám xét đê ở Bắc Thành, rồi triệu về kinh đô. (3)

Năm thứ 8 [1809] sung Chánh sứ sang nhà Thanh mừng thọ, lúc trở về cùng với Tổng trấn Bắc Thành là Nguyễn Văn Thành soạn bộ luật Gia Long. Thành vốn trọng Trinh, cho con là Nguyễn Thuyên thờ Trinh làm thầy.

Thuyên đậu Cử nhân năm Quý Dậu [1813], thường dùng văn thơ để giao tiếp với khách làng văn. Nghe nói tại Thanh Hoá có Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Ðức Nhuận nổi tiếng hay chữ, bèn sai môn hạ là Nguyễn Trương Hiệu mang bài thơ đến mời. Trong thơ có 2 câu bị coi là có ý làm loạn :

Thử hồi nhược đắc sơn trung tể,
Tá ngã kinh luân chuyển hoá cơ.

(Lúc này nếu được làm Tể tướng trong núi,
Hãy giúp ta ra tay kinh luân chuyển cơ tạo hoá.)

Hiệu mang thơ đến Lê Văn Duyệt, người vốn hiềm khích với Nguyễn Văn Thành để tố cáo ; do đó gây vụ án thanh trừng Nguyễn Văn Thành.

Vì Vũ Trinh là thầy học của Nguyễn Thuyên, nên bị liên can. Vua Gia Long triệu Vũ Trinh đến, đưa cho xem bài thơ. Muốn cứu học trò, Trinh nói thơ đó vốn là lời quê trái lẽ, tuy nhiên trong đó có câu :

幽 谷 生 香 千 里 遠
U cốc sinh hương thiên lý viễn

(Nơi u cốc sinh hương, bay xa ngàn dặm)

thì người có lòng bội nghịch không làm được.

Trinh lý luận nội dung rằng trong chốn u cốc không thể sinh hương, thực ra chỉ có thể sinh “lan” khiến hương bay xa ngàn dặm, nhưng vì tránh quốc húy nên y đã đổi chữ “lan” thành “hương”. Ngay đến chữ ấy còn biết kính tránh, giữ đạo vua tôi, thì người bội nghịch không thể làm được.

Tham khảo cuốn Chữ Húy Việt Nam Qua Các Triều Ðại (4) của Ngô Ðức Thọ, phụ lục 4, thì Lan là tên mẹ Gia Long ; lẽ dĩ nhiên Vũ Trinh không dám nói trắng chữ lan ra, mà phải nói rằng chữ phía trên có bộ thảo , phía dưới chữ đông bọc bởi chữ môn bên ngoài.

Giai thoại nêu trên nói lên nỗi khổ tâm của một bậc thầy muốn che chở cho học trò. Nhưng vua Gia Long không bằng lòng với lời gỡ tội này, nói với quan hầu cận :

Thuyên không có lòng làm giặc, sao thơ lại bội nghịch ?

Vua giận lắm, lại bảo rằng :

 ¬ Bênh vực như thế, chẳng phải là a dua bè lũ ư !

Bèn đoạt chức Vũ Trinh, đưa xuống giam vào ngục. Về sau Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc chết, có người khuyên Trinh phải lo tính, Vũ Trinh thản nhiên bảo rằng :

¬ Nếu phải tội với triều đình thì đem cổ ra chịu chém ; nếu không có tội thì việc gì phải hại thân mình để mang tiếng xấu !

Năm Gia Long thứ 17, phúc thẩm cho giảm tội chết, phải an trí tại Quảng Nam. Khi tới nơi bị đày, Trinh giảng sách dạy học trò, lấy văn chương sách vở làm vui ; coi như được yên phận, không có dáng uất hận. (5)

Lại còn một giai thoại khác nói đến tình nghĩa vợ chồng giữa Vũ Trinh và người tỳ thiếp. Lúc Vũ Trinh làm quan tại kinh đô sống một mình, nên người bạn đem người thị tỳ đến hầu hạ. Trinh sống chung với người đàn bà này, như là một tỳ thiếp, rồi người đàn bà có mang. Sau khi bị đi đày một thời gian, người tỳ thiếp mang con đến gặp Trinh, nối lại duyên xưa. Vào năm Minh Mệnh thứ 9 [1828] nhân nhà vua đến Quảng Nam, Trinh vì già, ốm, sai con đến trần tình tâu xin được nhà vua tha. Vợ con đem Vũ Trinh về quê quán, được mấy hôm thì mất :

Vũ Trinh bị lưu đày tại Quảng Nam được tha, trở về nhà mất. Vào năm Bính Tý Trinh ở tại kinh, sống chung với thị tỳ của Nguyễn Sở, người thị tỳ có mang. Lúc Trinh đi xuống phía nam, người thị tỳ xin bút tích làm bằng, rồi trở lại nhà Nguyễn Sở, nhưng Sở không nhận. Người thị tỳ sinh con gái, người con gái trưởng thành, cùng đem về sống tại Quảng Nam, gả cho một phú thương. Nhân người thị tỳ đến Hội An, bèn xin gặp Trinh, xuất trình bút tích, Trinh nhận làm thiếp, lại sinh thêm một con trai. Ðến nay cùng đem toàn gia quyến trở về, năm 76 tuổi… (6)

Vũ Trinh học vấn sâu rộng, văn chương uyên bác ; thời đầu Gia Long các chiếu sách văn từ đều do ông làm ra ; có các tập thơ Sứ Yên, Cung Oán và tập Kiến Văn Lục truyền đời.


Hồ Bạch Thảo


Chú thích

1. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Nguyễn Ðức Vân và Kiều Thu Hoạch dịch, tập 2, trang 5.

2. Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Ðại Nam Liệt Truyện, bản dịch của Viện Sử Học Việt Nam. Huế: Nhà X.B. Thuận Hóa, tập 2, trang 382.

3. Ðại Nam Liệt Truyện, sách đã dẫn, tập 2, trang 383.

4. Chữ Húy Việt Nam Qua Các Triều Ðại, Nhà xuất bản Văn Hoá, 1997.

5. Ðại Nam Liệt Truyện, sách đã dẫn, trang 383.

6. Phan Thúc Trực, Quốc Sử Di Biên. Hong Kong : Southeast Asia Studies Section, 1965 ; trang 174-175.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss